Ân Đức Của Trời Tác giả: Trúc Châu Thể loại: Tản Văn Chúng ta - những người con - cứ lớn dần lên và như theo một lẽ tự nhiên cũng dần xa cha mẹ. Vì cuộc mưu sinh, vì thương một người, vì muốn tự do tự tại. Chúng ta chờ đợi háo hức một cuộc gọi từ người mình yêu mình thích, chớ có bao giờ nhớ để gọi điện về nhà cho mẹ, nhận được cuộc gọi của mẹ, còn gắt gỏng, khó chịu nữa là. Để rồi khi bị tổn thương, khi nếm trải những dư vị đau khổ của cuộc đời, quay đầu nhìn lại vẫn là cha mẹ đứng ở đó dang rộng vòng tay đón con trở về. Khi mình càng lớn khôn, tuổi của cha mẹ sẽ ngày càng chồng chất. Sức khỏe và trí nhớ đã không còn như xưa nữa, một lúc nào đó chợt nói lớn tiếng, thốt ra lời nặng nề, đi ra đi vô, muốn gọi "Mẹ ơi" "Ba ơi" như một lời xin lỗi, môi cứ mấp máy mà ngượng ngùng không nói được. Giờ chúng ta lớn rồi, có bằng cấp đầy người, có kiến thức cao siêu, chúng ta có cái tôi quá lớn rồi có phải không? Còn cha mẹ thì thương lạc lòng, chỉ cần con mình nói chuyện với mình, lòng đã vui biết bao nhiêu. Có lần nào nắm tay mẹ đi trên đường, mẹ liên tục hỏi: "Có phải đường này không con?" Chúng ta lớn tiếng rằng: "Mẹ không nghe lời con sao?" Trong giây phút ấy bạn có nhớ lại, lúc nhỏ là ai dẫn bạn đi khắp phương trời, là ai đã kiên nhẫn với bạn qua bao năm tháng, để rồi giờ đây lớn lên bạn không để tâm để rồi khiến cho mẹ đau lòng. Ở ngoài đời, phải gồng mình, phải cố tạo nên vỏ bọc hoàn hảo, còn ở với cha mẹ thì không cần phải tô son trát phấn, tự nhiên "mộc mạc" mà sống, chỉ cần mình là mình thôi, là ba mẹ đã thương rồi. Bởi khi chào đời, là một em bé sơ sinh, mình có cái gì đâu và cả 3 năm trời sau đó, mình đã khiến cha mẹ vất vả biết bao nhiêu, vậy mà cha mẹ vẫn thương nhiều như thế. Những ai đã làm cha, làm mẹ hẳn còn thấu hiểu đến tột cùng công ơn của cha và mẹ. Mình thương con như thế nào thì mẹ, cha cũng thương mình như thế ấy. Mưa từ trên mưa xuống. Mình thương con mình, còn mẹ cha mình thì thương mình. Không phải vô tình mà người xưa đã ví cha và mẹ như biển, như núi, đó là những hiện hữu to lớn như là suối nguồn bất tận, để cho con tắm mát trong yêu thương. Cho dù, cha mẹ còn ở bên hay đã theo cánh hạc bay xa, tin chắc rằng tình thương yêu ấy sẽ mãi không bao giờ vơi cạn. Bởi khi ta nhớ đến một người, không gian và thời gian như không còn quyền lực. Ta lại được bao bọc, được ủ ấm trong tình yêu thương của cha mẹ, điều đó không chỉ tiếp thêm sức mạnh mà còn là điểm tựa niềm tin cho ta vững bước trong kiếp người. Nói cho tận cùng, có ai thương mình bằng cha mẹ đâu. Hãy thương yêu cha mẹ bằng những hành động gần gũi, cụ thể nhất: Khi ở xa thì gọi điện về nói chuyện với mẹ, cha, còn không thì nhắn tin về: "Con thương ba, con thương mẹ" Còn nếu mắc cỡ, ngại ngùng quá thì nói chuyện linh tinh. Hẳn là chúng ta sẽ bị mắng vài câu đấy mà là mắng yêu thôi. Nhưng lòng cha mẹ thì vui lắm, vì nghe được tiếng con mình, vì biết nó đang thế nào. Khi bên cạnh thì để ý những điều nhỏ nhỏ như lấy thuốc cho mẹ uống, trò chuyện với cha, hay chỉ đơn giản là ngồi ăn cơm với cha mẹ, có mặt ở đó với cha mẹ. Điều quan trọng nhất, chính là hướng cha mẹ đến con đường thiện lành, làm phước đức. Đây chính là cách báo hiếu rốt ráo nhất, bởi những việc chúng ta hướng dẫn cha mẹ tự tay làm sẽ tạo tư lương cho cha mẹ sau này, dù ở bất kỳ nơi đâu ba mẹ cũng đem theo được. Còn cha còn mẹ bên cạnh chính là ân đức, dù hoàn cảnh có khăn đến thế nào, còn cha mẹ bên cạnh là chúng ta còn được sống trong ngập tràn yêu thương, đầy đủ, ấm áp, chở che. Chúng ta là sự tiếp nối của cha, của mẹ. Bởi nếu không có tinh cha huyết mẹ thì làm sao có được hình hài này. Vì thế nếu cha mẹ còn bên hay đã khuất núi, chúng ta hãy luôn nhớ đến bậc sinh thành trong tình yêu ngọt ngào nhất bởi chúng ta chính là huyết mạch, là tinh thần của cha mẹ. Cha mẹ vẫn luôn ở bên mình, như trước đây, bây giờ và mãi mãi sau này cũng thế! - Trúc Châu -