Bố mẹ mình thì hay dặn mình rằng hãy ăn canh sau cuối bữa ăn? Vậy liệu làm như vậy có tốt không? Vì vậy mình đã tìm hiểu điều này thông qua các bài báo sức khỏe. Và mình thấy có 2 luồng ý kiến được cho là đang trái chiều nhau. 1. Đối với việc uống nước trước bữa ăn Theo Times of India, y học cổ truyền Ấn Độ (Ayurveda) cho rằng, chúng ta phải uống nước bất cứ khi nào có sự thôi thúc. Khi bạn uống nước trước khi ăn, bạn đang pha loãng dịch dạ dày chịu trách nhiệm tiêu hóa thức ăn và chuyển hóa thành năng lượng. Cũng theo Ayurveda, uống nước sau bữa ăn có thể mang lại cho chúng ta cảm giác no, nhưng nếu thường xuyên cũng có thể dẫn tới béo phì. Do đó, Ayurveda khuyên bạn nên cố gắng tránh uống nước vài giờ trước bữa ăn. Theo bác sĩ Michael F. Picco từ Mayo Clinic (Mỹ), bạn không cần lo ngại việc uống nước làm loãng dịch tiêu hóa hay cản trở tiêu hóa. BS Michael cho biết, uống nước trước hay sau bữa ăn đều hỗ trợ tiêu hóa. Nước rất cần thiết cho sức khỏe tốt. Nước và các chất lỏng khác giúp phân hủy thức ăn để cơ thể bạn có thể hấp thụ các chất dinh dưỡng. Nước cũng làm mềm chất thải rắn và giúp ngăn ngừa táo bón. Một tác dụng phụ của việc uống nước trước bữa ăn, theo tờ Washington Post, đó là nước tạm thời chiếm chỗ trong dạ dày (do nước được hấp thụ trong khoảng 20 phút) nên có thể góp phần tạo cảm giác no khi ăn. Tác dụng phụ này tích cực hay tiêu cực thì còn tùy vào quan điểm của bạn. Nếu bạn đang muốn giảm cân thì uống 1, 5-2 cốc nước trước bữa ăn có thể giúp bạn ăn ít hơn. Nhưng nó cũng có thể gây trở ngại nếu bạn no trước khi nạp đủ chất dinh dưỡng cần thiết. 2. Đối với việc uống nước trong bữa ăn Điều này có thể "không đúng" đối với nhiều người, nhưng Ayurveda khuyên nên uống nước trong khi dùng bữa. Theo Ayurveda, nên uống một lượng nước tối thiểu. Nó sẽ làm mềm thức ăn để có thể vỡ thành các hạt có kích thước nhỏ hơn, dễ tiêu hóa. Khi ăn, có thứ gì đó cay hoặc dầu có thể khiến bạn khát, nên việc nhấm nháp nước lúc này có thể làm dịu cơn khát của bạn, theo Times of India. Tờ Washington Post của Mỹ cho biết đây là thông tin sai lệch về sức khỏe, dựa trên những hiểu biết sai lầm về cơ chế hoạt động của cơ thể. Quan niệm nước làm loãng dịch dạ dày là không đúng vì một số lý do. Thứ nhất nước được hấp thụ trong dạ dày khá nhanh, thường trong khoảng 20 phút. Điều này có nghĩa là dù có sự pha loãng nào thì cũng chỉ xảy ra trong thoáng qua. Hơn nữa dù dạ dày bạn có chứa nhiều nước thì cũng sẽ không cản trở quá trình tiêu hóa vì enzyme có thể bám vào các phân tử thức ăn bất kể sự có mặt của nước. Nước cũng không ảnh hưởng axit trong dạ dày, vì nếu có bất kỳ đồ ăn hay thức uống nào làm giảm tính axit trong dạ dày một chút thì nó sẽ phản ứng lại bằng cách tiết thêm axit theo nhu cầu cơ thể. Bên cạnh đó có quan niệm cho rằng nước làm chậm tốc độ di chuyển của thức ăn từ dạ dày tới ruột non, điều này là phản khoa học. Các nghiên cứu cho thấy rằng uống nước trong bữa ăn không ảnh hưởng đến tốc độ làm rỗng dạ dày và dạ dày của bạn không phân biệt giữa một bữa ăn có các món canh hay một bữa ăn những món khô và uống thêm nước. Cả hai đều mất cùng một thời gian để tiêu hóa. Theo Washington Post, uống nước trong bữa ăn có thể hỗ trợ tiêu hóa, làm thức ăn mềm ra và dễ trôi xuống thực quản. Nó cũng hỗ trợ giai đoạn đào thải của quá trình tiêu hóa, giúp chất thải rắn mềm hơn và giảm táo bón. * Kết luận Tờ Washington Post khuyên bạn nên uống nước bao nhiêu tùy thích trước, trong hay sau bữa ăn và hãy yên tâm rằng nó không gây ảnh hưởng nào đến tiêu hóa nếu bạn uống từ từ chậm rãi. BS Michael cũng khuyên rằng để có hệ tiêu hóa tốt, bạn nên tập trung vào lối sống lành mạnh như ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, duy trì cân nặng khỏe mạnh và vận động thể chất hàng ngày. Nguồn trích: Báo Thanh niên ; và yeugiadinh