Âm nhạc cổ truyền đã xuất hiện kể từ khi cuộc sống con người hình thành. Đó là những tinh hoa trong ngôn ngữ và âm thanh, là sự kết tinh độc đáo trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của ông cha ta và được lưu giữ cho đến ngày nay, góp phần xây dựng một nền văn hóa dân tộc giàu bản sắc và có lịch sử lâu đời. Trong đó, có tám thể loại âm nhạc cổ truyền đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam. 1. Chèo: Hình thành và phát triển từ thế kỷ mười, đạt đỉnh cao vào thế kỷ mười chín. Đây là loại hình nghệ thuật dân gian phổ biến của vùng Bắc Bộ. Các câu chuyện trong các vở chèo được lấy cảm hứng từ những câu chuyện thần thoại hay những câu chuyện cổ tích truyền miệng, mang đậm nét trữ tình và niềm tự hào dân tộc với âm thanh đặc trưng là tiếng trống chèo giòn giã ngân vang. Trống cũng là một phần của nền văn hóa cổ Việt Nam, thường được dùng để cầu mưa và biểu diễn chèo. 2. Xẩm: Hát xẩm là thể loại âm nhạc dân gian chuyên nghiệp, sân khấu khấu chính là đường phố, bến nước, gốc đa, sân đình, chợ.. gắn liền với hoạt động giải trí của nhân dân, đề cập đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống, trong mọi trường hợp. Nghệ nhân hát xẩm thường cập nhật những vấn đề mang tính thời sự, đả kích và phê phán những thói hư tật xấu của xã hội đương thời. Đồng thời, đây còn là mô hình âm nhạc tỏa sáng rực rỡ, mang những tâm tư tình cảm tốt đẹp, những khát vọng cuộc sống của con người. 3. Quan họ: Xuất hiện từ thế kỷ mười một, là hình thức giao duyên của các "liền anh, liền chị". Đặc biệt là dân ca Quan họ, mô hình nghệ thuật thẩm mỹ là cốt lõi của nền văn hóa truyền thống xứ "Kinh Bắc" ngàn năm văn hiến. Nghệ nhân phải có kỹ năng hát "vang, rền, nền, nẩy" điêu luyện, thuộc nhiều bài và "giọng" quan họ. Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa truyền thống phi vật thể năm 2009. 4. Chầu văn: Xuất xứ từ vùng Bắc Bộ, là hình thức lễ nhạc trong nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo), một tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Với lời văn trau chuốt nghiêm trang và mang tính tâm linh, chầu văn mang ý nghĩa hầu thánh. Từ năm 1954, chầu văn từ từ mai một vì bị coi là mê tín dị đoan. Hiện nay, loại hình nghệ thuật này đang được quan tâm bảo tồn và đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vậy thể 5. Ca trù: Là bộ môn nghệ thuật truyền thống ở phía Bắc Việt Nam kết hợp cùng một số nhạc cụ dân tộc, thịnh hành từ thế kỷ mười lăm, từng là một loại ca trong cung đình, được giới quý tộc và học giả yêu thích. Ca trù được biểu diễn dùng nhiều thể văn chương như phú, truyện, ngâm; phổ biến nhất là hát nói và lời kể. Loại hình nghệ thuật này vừa là thanh nhạc, vừa là khí nhạc, ngôn ngữ tinh tế. Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp năm 2009. 6. Nhã nhạc cung đình: Đây là loại nhạc cung đình thời phong kiến, được biểu diễn vào các dịp lễ hội từ thời nhà Trần đến thời nhà Nguyễn. Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại năm 2009. Theo đánh giá, trong các thể loại âm nhạc cổ truyền Việt Nam, chỉ có Nhã nhạc đạt tới độ "chín muồi và hoàn hảo", mang tầm vóc quốc gia. Đó là sự kế thừa hoàn hảo, nhiều nhạc khí cung đình xuất hiện dưới dạng tác phẩm chạm nổi trên các bệ đá kê cột chùa thời Lý. 7. Hò: Là loại hình ca hát biểu diễn dân gian phổ biến trong đời sống, nét văn hóa của miền Trung và miền Nam. Có nguồn gốc lao động sông nước, diễn tả những tâm tư tình cảm của người lao động. Các loại hò phổ biến: Hò kéo lưới, Hò qua sống hái củi, Hò xay lúa, Hò giã gạo, Hò kéo gỗ, Hò Đồng Tháp, Hò mái nhì, Hò đạp lúa. 8. Nhạc tài tử: Bắt nguồn từ Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian, hình thành và phát triển từ thế kỷ mười chín, nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ. Là loại hình nghệ thuật của đàn và ca, nghệ nhân là những người dân trẻ tuổi Nam Bộ ca hát sau những giờ lao động. Khi diễn tấu có ban nhạc tứ tuyệt (gồm đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, đàn bầu), sau này được cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm bằng guitar phím lõm. Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể năm 2013.