Ai Muốn Sống Giơ Tay? Tác giả: Ái Hạ Thể loại: Truyện viễn tưởng, học đường, giật gân Link thảo luận: [Thảo luận - Góp ý] - Các tác phẩm sáng tác của Ái Hạ Giới thiệu truyện: "Mẹ mở tủ quần áo và bước ra với ánh mắt đắc thắng. Tôi không nghĩ mẹ lại "chơi khăm" mình đến vậy! Tôi cười, bước tới và ôm mẹ vào lòng. Ôi chao cái cảm giác ấy, cái cảm giác như muốn được bé lại một lần nữa. Mẹ vuốt mái tóc tôi thật nhẹ. Bàn tay dù đã chai sạn ấy không khiến cho tôi khó chịu chút nào, ngược lại còn vỗ về cho tâm hồn đang chất chứa nhiều nỗi thất vọng của tôi.." Mục lục: Phần mở đầu Phần 1: Khủng hoảng thời niên thiếu Chương 1 - Chương 2 - Chương 3 - Chương 4 - Chương 5 - Chương 6 - Chương 7 - Chương 8 - Chương 9 - Chương 10 - Chương 11 - Chương 12 Phần 2: Trốn thoát cùng nhau Chương 13 - Chương 14 - Chương 15 - Chương 16 - Chương 17 - Chương 18 - Chương 19 - Chương 20 - Chương 21 - Chương 22 - Chương 23 Phần 3: Kẻ sau cùng Chương 24 - Chương 25 - Chương 26 - Chương 27 - Chương 28 - Chương 29 - Chương 30.. (Lưu ý khi đọc truyện: Phần không tô đậm là kể ở ngôi thứ nhất, phần tô đậm là kể ở ngôi thứ ba)
Phần mở đầu Bấm để xem Tôi luôn bị ám ảnh với cái vòng xoáy ấy, mãi mãi, không khi nào thôi nghĩ về nó. Nó đã choán lấy hết tâm trí của tôi kể từ lần đầu tiên tôi gặp. Nó đáng sợ hơn bất kì thứ gì kinh khủng tôi đã từng chứng kiến. Ma, zombie, người ngoài hành tinh, tất cả những thứ tôi thấy trên màn ảnh đều thua xa so với nó. Thật là đáng sợ! Tôi sẽ chuyển nhà sang Thiệu Anh tuần này. Tất cả kỉ niệm đã từng có ở Nam Thành bây giờ chỉ đợi gói gọn trong kí ức. Mẹ và tôi đã phải chịu đựng một khoảng thời gian quá lâu ở cái nơi được gọi là "Thành phố không ai muốn sống" này rồi. Nhà cửa, đường xá, địa điểm công cộng, tất cả đều như một vùng nông thôn. Người ta coi chỗ này là thành phố kiểu gì chứ? Tôi thậm chí còn không thể mua một ít rau từ tiệm tạp hóa mà không bị bà chủ tiệm hỏi về chuyện cá nhân. Bà ta thích tọc mạch đến vậy sao? - Này, khi nào quay lại Nam Thành nhớ ghé qua cô mua rau, cô sẽ bán rẻ một nửa nếu con chịu yêu con gái cô! Hứ, con gái bà ta là gì cơ chứ? Một đống vàng miếng chờ tôi tới lấy à? Kể cả như thế thì tôi cũng thề sẽ không bao giờ thích cô ta. Tôi chúa ghét mấy bà bán tạp hóa mồm miệng xoen xoét, suốt ngày chỉ biết bàn tán chuyện xóm làng. Nếu tôi yêu cô ta và sau đó bị bà ta hỏi 7749 những điều muốn giữ riêng giữa chúng tôi, tôi sẽ phát điên lên mất! Ở trong xóm, tôi là một đứa lầm lì. Tất cả những gì tôi có thể làm mỗi ngày là chở hàng cho mẹ và đi chợ, nhưng chợ ở ngay gần nhà nên tôi không tính. Và hôm nào rảnh hơn, tôi sẽ rủ thằng Quân ở đầu ngõ đi chơi bóng đá. Mỗi lần qua chợ, chúng tôi sẽ nhón của cô hàng mận lấy vài quả, khéo léo đến nỗi cô không phát hiện được gì. Phần là cô ta cũng mải buôn chuyện với cô hàng ổi nên không để ý khi chúng tôi đi qua. Ấy vậy mà đã mấy lần, con gái cô sang tận nhà Quân hỏi tội: - Này, sao anh cứ lén bốc trộm mận của mẹ em vậy hả? Lớn rồi mà không khôn hả? Nó ấn đầu con bé xuống cười đểu: - Lo về học đi nhóc con, chuyện của mày à? - Anh.. Con bé thấp tịt và kém chúng tôi hai tuổi nên chẳng làm gì được. Cô hàng mận cũng bận suốt nên không có thời gian đe bọn tôi, lúc nào cũng bảo con gái qua "chửi thay". - Mình nhón mỗi một quả chứ có bao nhiêu đâu đúng không? - Quân hỏi lại tôi như điều hiển nhiên. - Ờ! Thế mà chả hiểu sao tôi chưa lần nào bị con bé lùn tịt ấy sang hỏi tội. Chắc tại lần nào thằng Quân cũng đầu têu và cô hàng mận ghét nó nhất. - Ê cứ ăn mận "chùa" là mẹ em cắt chim anh đấy! - Con bé đó quay lại vào một hôm khác và đe Quân. - Cắt thoải mái! Chim tao dai hơn mận của mẹ mày! Nó cười khanh khách. Con bé kia giận tím mặt nhưng không làm gì được, đành quay lưng đi về. Ngoài chợ ra, thứ gắn bó với tôi nhiều nhất có lẽ là sân bóng. Sân bóng rộng tầm hai mươi mét vuông. Đối với chúng tôi, khoảng sân khiêm tốn đó là tất cả linh hồn và tài sản. Dù sân không thuộc về ai cả nhưng có một đứa luôn nhận là của nó vì nhà nó giàu nhất. Đó là Vinh. Tôi cũng từng nghĩ sân bóng đấy là của nó cho đến khi chúng tôi bị người lớn đuổi hết đi vì can tội làm ồn. Hôm sau, cả bốn đứa lại quay lại đá vì đam mê, song cũng không lâu sau lại bị đuổi vì một lý do nào đó. - Đối với mày, thứ quý giá nhất ở cái xóm này là gì? - Tôi hỏi Quân. - Sân bóng cạnh chợ, chắc chắn rồi! Nó trả lời chắc nịch mà không cần phải suy nghĩ. Đối với Quân, thứ quý giá nhất là sân bóng. Còn đối với tôi, mẹ mới là quý giá nhất! Mẹ ly dị bố vào năm tôi học lớp năm. Khi đó, tôi đã khóc như điên không cho bố đi, nhưng rốt cuộc ông vẫn lẳng lặng bỏ lại hai mẹ con chúng tôi theo tình nhân mới. Bà ta chẳng đẹp hơn mẹ chút nào, lại còn có mái tóc đỏ xấu xí như những tán cây ủ rũ ở ven đường. Bà ta không hiểu có điểm gì mà thu hút được bố tôi. Không! Tôi nghĩ chắc là do ông đã chán mẹ tôi rồi mới phải! Vì thế nên tôi ghét ông. Tôi ghét tất cả những gì thuộc về ông, và coi ông như một người chưa từng tồn tại trên cõi đời này. Bây giờ, mỗi khi ai đó hỏi về ông, tôi chỉ nói rằng ông đã đi sang nước ngoài mà không quay lại. Tôi chán chết việc ai đó nhắc đến ông ta một lần nữa sau khi ông đã ruồng bỏ mẹ con tôi. Mẹ bị bệnh đau chân. Đã bốn năm nay bà không đi lại được bình thường. Bà làm nghề gói hàng và giao hàng, có lẽ vì vậy mà bây giờ tôi phải dành những lúc rảnh rỗi của mình để giao hàng thay cho bà. Xưởng kho cũng không cách xa nhà tôi lắm. Tôi quen tất cả các cô chú ở đấy, họ đều biết mẹ bị bố bỏ và mắc căn bệnh đau chân nên họ dành cho mẹ những thứ việc nhẹ nhàng nhất. Có đôi khi, tôi phải bỏ cả việc sinh hoạt ở trường để đi giao hàng cho bà, đổi lại tôi được các cô chú hết sức yêu quý và hay cho quà bánh. Họ bảo tôi là "đứa con hiếu thảo nhất họ từng gặp", viết thơ về tôi, kể chuyện của tôi cho bạn bè của họ nghe, vì vậy mà tôi cũng được biết đến chút chút ở trường dầu không học giỏi cho cam. Đôi khi một vài học sinh lớp dưới hay kể cả học sinh cùng khối đi qua tôi trên sân trường và chỉ chỏ tôi: - A, anh giao hàng cho mẹ nè! * * *làm tôi đỏ cả mặt. Tôi hay trêu Quân rằng chẳng mấy chốc mà tôi sẽ nổi tiếng hơn tài đá bóng của nó! - Được rồi! Cứ để xem! - Quân nhếch mép. Thời của tôi, mạng xã hội thực sự là con dao hai lưỡi. Có nhiều người lên mạng để chia sẻ những điều bổ ích, điều hay cho người khác. Có nhiều người lại lạm dụng nó cho những mục đích xấu. Tệ hại nhất là những hội nhóm truyền giáo những tín ngưỡng sai trái, mà trong đấy phải kể đến hội giáo Sau Trường Học- nơi tập hợp những cô cậu nhóc đang ngồi trên ghế nhà trường, những người có tư tưởng chống lại hệ thống giáo dục trong các nhà trường. Chúng tôi suýt nữa tin vào hội giáo đó do một video Quân được một người bạn ở lớp khác chia sẻ. Ở đó, họ kể những câu chuyện về những mặt trái của trường học, những thứ đã được những người giáo viên che đậy bởi bộ mặt tích cực nhằm "tẩy não" học sinh. Có những câu chuyện tôi không thể tin nổi rằng sẽ có thật được phanh phui hết trong chính video đó. Mà có lẽ do video được truyền hết từ tay người này tới tay người nọ mà không ai biết chủ nhân thực sự của nó. Vì nhân vật trong video biết tất tần tật mọi chuyện nên nhiều người thậm chí còn đoán người đó là một giáo viên đã từng nghỉ dạy ở trường. Tuy nhiên, sự thật thì vẫn đang bị chôn vùi và chưa thể đào lên! Tôi không ghét trường học. Đó là nơi đã biến tôi từ một đứa trẻ lêu lổng suốt ngày chỉ biết quậy phá xóm làng trở thành một đứa trẻ, một đứa con ngoan ngoãn. Dù nốt năm nay là ra trường nhưng chưa một lần nào tôi từng nghĩ xấu về trường cả. Mẹ tôi từng nói: - Trường học chỉ góp một phần trong tính cách con người, phần còn lại quyết định bởi bản thân mình! Đúng! Những kẻ bất mãn với truờng học có lẽ đều là những kẻ học hành chẳng ra gì nhưng vẫn mong có được điểm cao. Còn tôi, dù tôi không phải là giỏi giang gì nhưng chưa bao giờ than vãn về điểm số hay lời chỉ trích của giáo viên. Điều duy nhất tôi cảm thấy bất mãn đó là.. trường tôi khá chật chội và những tiếng ồn xung quanh làm chúng tôi không thể nào tập trung học hành được. Tôi thường ngồi áp tai vào cửa sổ để lắng nghe những âm thanh phát ra từ công trường lao động gần đó. Những người công nhân ngoài miệt mài cưa gỗ còn nói với nhau những lời kiểu như: - Sắp tới tôi sẽ sang thành phố khác làm việc, ở đây nghèo khổ quá, cứ như này thì cả đời chẳng dám ăn tiêu gì nhiều! - Tôi cũng vậy! Nếu tìm được việc ở nơi khác, chắc chắc tôi cũng sẽ mang gia đình của mình theo. Tôi đã nghĩ kĩ rồi, tôi chỉ sống ở đây thêm nửa năm nữa thôi! Những câu nói đó khiến tôi thoáng buồn. Tôi cũng chẳng khác gì họ, sắp tới tôi và mẹ sẽ chuyển nhà sang nơi khác, nhưng còn những người ở lại thì sao? Còn Quân, những đứa bạn đá bóng chung, những đứa bạn cùng lớp, thầy cô, những người hàng xóm? Liệu họ sẽ sống như nào nếu thành phố này tiếp tục bị chính phủ bỏ quên và không được cải tạo gì sau 20 năm? - Các em, tôi xin lỗi vì sẽ không thể đồng hành cùng các em đến cuối chặng đường. Từ ngày mai, tôi sẽ chuyển công tác sang Thiệu Anh. Chúc các em thành công với những dự định của mình! Thầy chủ nhiệm đứng trên bục giảng dõng dạc nói. Tôi không ngạc nhiên khi nghe thấy quyết định đó của thầy. Nửa học kì cũng đã trôi qua, tuy chúng tôi không gắn bó với thầy được nhiều nhưng tôi biết rõ lý do thầy đi là gì. Lúc đó, tôi chỉ ước mình có kĩ năng của một thám tử để có thể biết những kẻ trong hội giáo Sau Trường Học kia là ai và ngăn chặn chúng. Ngôi trường nãy đã chịu quá nhiều điều tiếng không hay từ chúng rồi! Tôi vừa nghĩ vừa nắm chặt tay. Suy nghĩ của tôi có lẽ đã đến tai bọn chúng. Khi xách cặp chuẩn bị ra về, tôi phát hiện trong ngăn bàn có một mẩu giấy nhỏ cỡ thẻ ngân hàng. Trên mẩu giấy chỉ ghi độc một dòng chữ: Hội trường bỏ hoang dưới chân núi.
Phần 1: Khủng hoảng thời niên thiếu Chương 1 Bấm để xem Như mọi hôm, quán vẫn thưa thớt người vào. Cánh cửa tự động mới sửa chưa có cơ hội để được sử dụng. Chiếc biển quảng cáo hỏng mất đèn một chữ cái đã lâu ngày không ai thèm để ý. Nhân viên trông quán đã nghỉ hết, chỉ còn ông chủ và mình anh. Vì thế nên hầu như lần nào đi qua, anh cũng có mặt ở đó, thi thoảng lấy tay che miệng ngáp vì chán nản. - Hi bro, anh khỏe chứ? Thấy tôi bước vào, gương mặt anh trở nên tươi tỉnh hẳn. Anh mỉm cười và hỏi, tay không quên ném tôi gói bim bim quá hạn: - Giao hàng cho mẹ tiện ghé qua đây hả? - Không, em vừa tan học về, tiện tới nói chuyện với anh xíu thôi! Tôi ngồi xuống chiếc ghế dành cho khách ăn uống tại quán, mở gói bim bim và ăn. Trong khi đó, anh vẫn chúi đầu vào đống vé ở trên bàn thu ngân. Đó là công việc của anh mỗi lúc không có khách. - Anh vẫn bán mấy cái này hả? - Ừ! - Anh lại cười. - Người muốn vào xem bóng đá thì nhiều, mà mua vé cứng thì đắt, đây là cách nhanh nhất để kiếm tiền! - Anh lại xin ông chủ nghỉ vào giờ đó để đi bán vé hả? - Không! Anh nhờ Trung, tầm đấy nó không phải đi học! Trung là em trai của anh Hoàng Anh. Nó bằng tuổi bọn tôi, cũng học lớp 12 trường phổ thông số 1 Nam Thành. Tôi đã từng gặp nó một lần ở chính cửa hàng tiện lợi này, nhưng có vẻ như đó là một anh bạn lạnh lùng, ít nói. Trung cũng rất ít khi đến đây, trừ những hôm nó quên chìa khóa và phải tới lấy. Vậy nên, dù cùng trường nên tôi vẫn không thể quen với nó dễ bằng anh Hoàng Anh. - Hay.. anh để em bán vé giúp anh được không? Vì em sẽ không ở thành phố này lâu nữa nên em muốn một lần được tới sân vận động miễn phí. Anh tròn mắt ngạc nhiên. Tôi chưa từng kể với anh về việc tôi sẽ rời khỏi Nam Thành, lại vào đúng thời điểm kì học đang dở dang như này. Có lẽ điều đó làm cho anh hơi sốc. Anh chỉnh lại chiếc mũ đồng phục đội trên đầu rồi nhìn tôi: - Em có nghiêm túc không? - Về chuyện bán vé ạ? - Không, mà là về chuyện em không ở thành phố này nữa ấy! Tôi đứng dậy, đi thẳng tới bàn thu ngân và đặt tay lên bàn: - Em nghiêm túc mà! Cuối tuần này em và mẹ sẽ chuyển đến Thiệu Anh. Mẹ cũng đã đăng kí cho em vào học ngôi trường mới rồi, em có thể học luôn ở đó từ tuần sau. Vậy nên.. em hi vọng được bán vé giúp anh! Thấy thái độ của tôi không có vẻ đùa cợt, anh cũng đành gật đầu: - Thôi được rồi, anh sẽ để em bán vé giúp. Còn chuyện em chuyển đi, hôm đó anh sẽ cố thu xếp để giúp mẹ con em một tay. Tôi nhìn anh với ánh mắt thiện chí. Dù biết tôi phải chuyển nhà nhưng anh cũng không hỏi han quá nhiều. Chắc anh biết cuộc sống ở thành phố này khó để giữ chân nhiều người, trong đó có gia đình tôi. Bản thân anh cũng nhiều lần nói với tôi rằng muốn đến một nơi khác để lấy vợ sinh con, nhưng vì được ông chủ ở đây coi như người nhà và phần không muốn rời bỏ quê hương nên đành phải ở lại. - Khi nào quán đóng cửa thì anh sẽ đi! - Anh đã từng nói. Nhưng rồi vì miếng cơm manh áo, quán vẫn được ông chủ duy trì cho đến tận bây giờ. Có những vị khách giống như tôi, vì thương những người như anh, như ông chủ nên vẫn thường xuyên ghé dù giá hàng có đắt hơn những chỗ khác. Anh kể đã từng có người khách ở lại với anh đến tối, khi anh hết ca mới về. Cũng có những người biết anh bán cả vé xem bóng chợ đen nên đã mua ủng hộ.. Tôi là một đứa rụt rè. Tôi rất ngại việc đứng bán một cái gì đó. Việc giao hàng cho mẹ cũng đã là một việc khó khăn với tôi khi phải tiếp xúc với khách hàng của mẹ. Nhưng vì chưa một lần được vào sân bóng để cổ vũ cho đội nhà nên lần này tôi liều mình thay anh bán vé. Tôi biết khả năng cao mình sẽ bị bạn bè trong trường phát hiện và trêu chọc, nhưng thà vậy còn hơn là mãi không dám làm một chuyện gì to tát! - À, khi nãy ở trên lớp có người bỏ vào ngăn bàn em cái này! Tôi đặt mẩu giấy khi nãy lên bàn cho anh xem. Anh cầm nó lên, đọc dòng chữ trên đó rồi lại lật mặt sau lại, và khi biết mặt sau không có gì thì lại đặt xuống bàn. - Theo em thì ai đã bỏ vào? - Em không biết! Em cũng chẳng rõ người đó bỏ vào lúc nào, nhưng em nghi.. thủ phạm là một hội giáo ở trong trường em! - Hội giáo? - Anh ngạc nhiên. - Đúng thế! Hội đó có tên là Sau Trường Học.. Vừa nói, tôi vừa mở điện thoại lên cho anh xem những video mà hội giáo đó đăng tải. - Thầy chủ nhiệm của bọn em cũng vừa mới xin nghỉ việc ở đây để chuyển tới Thiệu Anh. Nhất định việc đó có liên quan tới hội giáo này, nếu không đã chẳng có chuyện thầy phải chuyển đi khi năm học còn chưa kết thúc! Xem xong, anh chỉ thở dài: - Nếu đúng là có hội giáo như thế trong trường em thì thật nguy hiểm! Không chỉ nên cảnh giác cho bản thân mình, mà cả bạn bè xung quanh cũng có khả năng bị bọn chúng dụ dỗ vào hội. Em hãy báo cho mọi người biết về những mẩu giấy này để nếu mọi người có nhận được thì sẽ không ai tò mò đến đó! Tôi vội vàng giật mẩu giấy lại: - Em sẽ không đến đó, nhưng chắc chắn em sẽ tìm cách dẹp cái hội đấy trước khi rời khỏi nơi này. Chào anh! Nói rồi, tôi bước thẳng ra cửa. Như thường lệ, cánh cửa tự động được mở ra kèm theo một tiếng reo khá lớn. Lúc cửa đóng, tôi có nghe loáng thoáng tiếng anh Hoàng Anh gọi lại từ đằng sau. Nếu tôi nhớ không nhầm thì anh nói rằng sắp tới chắc anh sẽ không tới giúp mẹ con tôi được vì có việc bận.
Chương 2 Bấm để xem Ba ngày trước khi tôi chuyển nhà. Chúng tôi vẫn tụ họp khá đông đủ ở sân bóng gần nhà để đá với nhau một trận thật ra trò coi như một lời tiễn biệt. Thằng Vinh nói sẽ nhường tôi ghi bàn nhưng tôi vẫn nhất quyết chơi đẹp, vì tôi tin với sức của mình, tôi thừa sức làm "cháy lưới" đội của Vinh. Y như rằng, suốt trận đó Vinh không hề nhường tôi như đã hứa. Nó dồn lên tấn công khiến tôi và Quân không né kịp, nhưng rất may là chúng tôi đã phối hợp ăn ý để mở tỉ số, và sau đó chiến thắng chung cuộc với tỉ số 5-3. Vinh dù thở hổn hển nhưng vẫn phải gật đầu và công nhận trận này tôi "sung" hơn trước nhiều. Còn Quân thì rối rít cảm ơn tôi khi gỡ lại được hai nghìn tiền gửi xe mà nó bị Vinh "cướp". - Tao sắp được vào sân vận động miễn phí rồi! Tôi kể với Quân trong giờ giải lao. Thấy vậy, mắt nó sáng bừng lên. Nó cuống quýt hỏi: - Có thật không? Mày làm như nào vậy? - Bí mật! - Tôi mỉm cười nhan hiểm. - Nói cho tao biết đi mà! Chủ nhật tới, tao sẽ tới giúp mày dọn đồ! - Tao không tin đâu! Kiểu gì hôm đó mày chẳng ngủ "trương" lên, làm gì có chuyện sang giúp tao! - Thôi mà! Hôm đó chắc chắn tao sẽ đặt báo thức và dậy thật sớm để sang nhà mày! Thấy Quân nài nỉ một cách đáng thương, tôi đành tiết lộ cho nó về vụ tôi bán vé giúp anh Hoàng Anh để được vào sân miễn phí. Nghe xong, nó lại nài: - Mày bảo anh ấy cho tao đi bán vé cùng được không? - Không được! - Tôi quả quyết. - Vé đã hiếm rồi, bán thì không được nhiều mà mất toi hai vé thì làm sao có lời? Mặt Quân xìu xuống. Đúng lúc đó, tôi dí vào tay nó mẩu giấy kia. - Mày.. mày đưa tao cái gì vậy? - Mẩu giấy bí ẩn tao tìm thấy trong ngăn bàn. Không biết ai đã bỏ vào và bỏ vào lúc nào, nhưng hôm qua khi tao đang định xách cặp ra về thì thấy nó. Giống như anh Hoàng Anh, Quân cũng ngắm nghía mẩu giấy một hồi. Tôi cũng nói ra nghi ngờ của mình cho nó nghe. Nhưng khác với anh Hoàng Anh, nó khá sốt sắng trong chuyện này: - Chiều mai tao với mày đi thử đi, chắc hội trường cũ kia là địa bàn của hội giáo Sau Trường học. Mới nghe đã thấy giống trong phim rồi, hấp dẫn quá! Tôi lay người Quân: - Mày bị điên hả? Bọn chúng lừa chúng ta đến đó để hãm hại chúng ta đó! Nếu bọn chúng dễ dàng để lộ địa bàn như vậy thì làm gì có chuyện bọn chúng lại phải giấu thân phận để đăng những video ẩn danh kia lên chứ? - Nhưng.. nhưng nếu không đến đó thì chúng ta làm cách nào để dẹp bọn chúng? - Tao có cách! Tôi kéo Quân ra một góc thì thầm. Chẳng biết nó có hiểu những điều tôi nói không, nhưng chốc chốc nó lại gật đầu lia lịa. Hôm đó tôi về nhà sớm. Mẹ muốn đóng nốt những gói hàng cuối gửi cho khách trước khi chuyển nhà. Vừa thấy tôi dắt xe đạp vào, mẹ đã nhờ: - Lát gửi hai gói hàng này cho cô Liên hàng bún và cô Nga ở đường bờ sông cho mẹ! Tôi gật đầu và đặt hai gói hàng vào giỏ xe. May mà lần này toàn là những người quen của mẹ nên không phải mất công tìm đường. Thành phố này hẹp nhưng người ta sống xen kẽ nhau nên nếu không cẩn thận sẽ lạc đường như chơi! Đã có lần gửi hàng cho vài người khách lạ, tôi lạc vào những ngõ vắng và mãi mới tìm được đường ra. Vậy nên mỗi lần đi chơi, tôi chỉ dám tới những cung đường lớn. Quân thường trêu rằng tôi nhát gan nhưng tôi mặc kệ. Dù bây giờ cũng đã thuộc đường hơn nhưng vì an toàn, tôi vẫn bám theo "lối mòn" ấy. - Dũng hả cháu? Khi nào thì cháu chuyển nhà? Cô Liên vừa nhận gói hàng từ tay tôi vừa niềm nở hỏi chuyện. - Dạ chủ nhật này ạ! - Tôi thành thật. - Ừ, cô tính qua chia tay với mẹ con cháu, nhưng dạo này hàng quán bận rộn quá, khách cứ nườm nượp nên cô không đành nghỉ tay lúc nào.. Cô Liên từng là bạn cấp ba của mẹ tôi. Hồi chưa đắt khách như này, cô thường qua nhà tôi chơi và khen tôi ngoan. Hồi mẹ tôi chưa bị đau chân cũng vậy, bà thường đưa tôi cùng qua nhà cô tới mức tôi thuộc luôn cả vị trí của từng đồ vật trong nhà. Vậy mà thời gian trôi qua, mọi thứ dần thay đổi, hai người chỉ còn liên lạc với nhau qua cái điện thoại và mua hàng qua lại giúp nhau. Đến bây giờ khi tôi sắp chuyển đi, cô thậm chí cũng chẳng thể qua chào lần cuối. - Thông cảm cho cô nha! - Dạ không sao đâu ạ! Lúc về, cô có cho mẹ con tôi bịch bún coi như quà chia tay. Bịch bún ấy bỗng dưng khiến tôi nghẹn nơi cổ họng. Tôi thực sự vẫn chưa muốn phải rời xa nơi này chút nào. Giá như có một thảm họa nào đó khiến cho tôi phải ở lại đây mãi mãi.. à mà thôi, tôi nghĩ. Chắc chắn là ý tưởng điên rồ đó chẳng thể tồn tại và cũng chẳng nên tồn tại. Tôi sẽ cố gắng sống tốt ở thành phố mới, có những người bạn mới và thi thoảng sẽ về đây thăm bạn bè, mái trường, những người thân quen và những địa điểm thân quen, như vậy cũng ổn. Qua nhà cô Nga để gửi hàng xong, tôi lại đạp xe về nhà. Mẹ đang nấu món súp thơm phức chờ tôi về ăn. Mâm cơm hôm nay lại có thịt gà, khoai tây xào, ít trứng chiên và súp. Mùi khói cơm bốc lên không nhiều nhưng lại làm tôi cay mắt đến lạ. Tôi tới bên bàn bếp ôm chầm lấy mẹ từ sau lưng, miệng lí nhí không nói nên lời. - Sao? Không muốn chuyển nhà hả? Hay hôm nay lại muốn xin tiền tiêu vặt đây? Mẹ mỉm cười và nói bằng giọng dịu dàng hơn thường ngày. Khoảnh khắc ấy khiến tôi chỉ muốn im lặng và ôm mẹ như thế này mãi. Dẫu biết mình là nam nhi, cũng vài tháng nữa là 18 tuổi nhưng chẳng hiểu sao những lúc nghĩ về mẹ, tôi thường bất giác rơi nước mắt. Tôi sợ mất mẹ, sợ một ngày khi mở mắt dậy, mẹ không còn xuất hiện trên cõi đời này nữa. Khi đó, tôi sẽ trở thành đứa trẻ mồ côi hoàn toàn. Mẹ có thể bỏ tôi đi theo người đàn ông khác, nhưng mẹ chưa bao giờ và chắc chắn sẽ không bao giờ làm vậy. Nếu là điều tồi tệ nhất, đó chỉ có thể là ông trời cướp mẹ khỏi vòng tay tôi và giấu mẹ ở một nơi mà không ai có thể tìm được.. Nhưng tôi luôn tin rằng tôi có thể tìm thấy mẹ dù mẹ đi tới bất cứ đâu. Hồi bé chơi trốn tìm cùng mẹ, mẹ cũng đã nói với tôi như thế. Và khi đã tìm thấy nơi tôi nấp, mẹ khẽ ôm tôi vào lòng, một tay vuốt mái tóc lởm chởm của tôi từ đằng sau. Những hôm lỡ trốn kĩ, khi tìm được, mẹ thường lấy tay đánh nhẹ vào mông tôi rồi mắng yêu: - Dám trốn để mẹ không tìm thấy hả? Đánh cho con chừa nè! Bây giờ tôi cũng chỉ muốn được mẹ đi tìm và đánh yêu như thế, nhưng đôi chân của mẹ không còn được lành lặn như thời trẻ. Nhất định, sau này tôi sẽ kiếm được thật nhiều tiền để chữa trị cho mẹ, rồi hai mẹ con sẽ cùng nhau đi thật xa, đi du lịch vòng quanh thế giới và nghỉ chân tại một căn villa trên đồi cao khi đã thấm mệt, nhất định là như vậy
Chương 3 Bấm để xem Trận đấu giữa đội Nam Thành và đội Ma Di bắt đầu từ lúc ba giờ chiều. Phía ngoài sân vận động và cả bên trong sân, khán giả đã tới xem chật kín để cổ vũ, chủ yếu là các cổ động viên bên đội Nam Thành. Ở đây, họ không có nhiều phương tiện để giải trí nên bóng đá gần như là món ăn tinh thần duy nhất. Đây lại còn là giải đấu cấp quốc gia, mỗi năm chỉ có một lần nên người dân tỏ ra vô cùng háo hức xem đội nhà đấu với một đội cộm cán không kém ngay từ vòng bảng. Tôi phải đến từ một giờ chiều với xấp vé dày trên tay. Trời nắng to và tôi chỉ mang duy nhất một cái mũ lưỡi chai nên phải đứng nép mình vào bức tường có mái che, hi vọng rằng cổ động viên sẽ để ý và tới mua. - Vé bán thế nào vậy? Một anh chàng khá cao to với làn da ngăm đen tới hỏi tôi giá vé ngay khi tôi vừa đặt tấm biển bên cạnh. Trông anh ta có vẻ như không giống cổ động viên sắp vào sân cho lắm, nhưng tôi vẫn nhiệt tình mời chào: - Dạ, vé hạng A là 150 nghìn, hạng B là 100 nghìn và hạng C là 70 ạ! - Sao mà đắt thế? - Anh ta nhăn mặt. Đúng như tôi dự đoán, vị khách này không có hi vọng gì sẽ mua vé của tôi. Tuy vậy, nhớ lời anh Hoàng Anh dặn, tôi vẫn niềm nở: - Như này là rẻ hơn nhiều so với những nơi khác rồi đấy ạ! Anh ta đánh mắt về phía người bạn đi cùng, chắc ý muốn nói rằng sẽ không mua. Và khi anh bạn kia gật đầu, y như rằng anh chàng cao to cũng gạt chân chống xe đi mất. Tôi nhìn xuống đống vé, miệng muốn chửi thề, nhưng sợ người ta nhìn thấy nên thôi. Vẫn giữ bộ mặt không cảm xúc đó, tôi lẩm bẩm: - Mới khách đầu mà lại như vậy.. Sau đó, có thêm vài đoàn khách tiến vào hỏi. Dù họ biết thừa rằng vé chợ đen sẽ phải đắt hơn vé gốc, nhưng câu cửa miệng của họ luôn là "Đắt thế!" kèm theo điệu bộ thất vọng. Và thế là tới hai giờ chiều, đống vé của tôi vẫn còn nguyên. Nhìn sang những bên chợ đen khác, tôi thấy khách tới mua nườm nượp mà lòng thì nóng như lửa đốt. Nhưng lúc đó tôi vẫn chưa bỏ cuộc và cố chờ tới khi có khách thì thôi. Bởi nếu hôm nay không bán được vé, tôi sẽ thực sự có lỗi với anh Hoàng Anh. Rồi anh sẽ không còn tin tưởng tôi nữa, tệ hơn là nghỉ chơi và cắt đứt liên lạc với tôi. Tôi ngồi thụp xuống, lấy tay chống cằm. Bao nhiêu mơ mộng về việc sẽ bán hết vé sớm để được vào sân của tôi từ khi nhận vé từ tay anh Hoàng Anh đều tan biến hết. Tôi không ngờ công việc tưởng chừng dễ dàng lại trở nên khó nhằn đến thế khi bắt tay vào làm. Giá mà lúc đầu tôi đã để cho Trung làm nhiệm vụ này mà không xông xáo nhận thì đã không có chuyện. Xấu hổ nhất là viễn cảnh phải cầm nguyên tập vé về và cũng chẳng được vào sân xem bóng như dự tính! Nhưng càng lúc tia hi vọng càng lụi tắt thì bỗng một ánh sáng le lói chiếu tới. Từ xa, một đoàn người tiến thẳng về phía tôi. Tôi không hề nhìn nhầm. Đoàn người đó phải có ít nhất 8 người, họ đều ăn mặc giống y như những cổ động viên trung thành của đội tuyển. Và khi tôi nhận ra một gương mặt quen thuộc trong đó thì cũng là lúc mà họ đã tới rất gần. - Hế lô cậu! Hà My? Bạn ấy làm gì ở đây? Tại sao bạn ấy lại dẫn theo một đoàn người lạ hoắc lạ huơ đi xem bóng? Quá nhiều câu hỏi đặt ra trong đầu tôi trong lúc đó, nhưng tôi chưa kịp hỏi han gì thì Hà My đã đưa tôi hết từ bất ngờ này tới bất ngờ khác: - Cậu bán vé vào sân hả? Cho tớ 5 cặp vé hạng A đi! Đầu tôi lúc đó chưa hết quay cuồng, nhưng vẫn cố soạn ra đủ 5 cặp vé để đưa cho Hà My. Tuy trong xấp đó không đủ bằng nấy vé hạng A, nhưng may mà đoàn người đó chấp nhận mua cả vé hạng B. Và tôi đã bán cho họ tổng cộng 8 vé hạng A và 2 vé hạng B. Nhận đủ vé, Hà My trả tiền cho tôi. Đây là lần hiếm hoi tôi được nhận một số tiền lớn đến thế, dù trước đó đã từng đi giao 10 gói hàng liên tiếp cho mẹ. - Cảm ơn cậu, hi vọng lát hết trận vẫn sẽ gặp cậu ở đây! Câu nói của Hà My khiến tim tôi đập không phanh. Nhờ đó mà tôi quyết định sẽ không vào sân xem nữa mà sẽ đứng ngoài chờ Hà My tới hết giờ. Sau khi đoàn của Hà My mua vé xong, nhiều người đã bị thu hút sự chú ý và tới mua của tôi ngày một nhiều. Chỉ ba mươi phút sau đó, vé đã hết sạch sành sanh, thậm chí một vé giữ lại để tôi vào sân cũng không có! - Cần gì phải vào đó, dù gì mình cũng phải chờ Hà My ngoài này mà! Và thế là tôi bất chấp cái nắng gắt của Nam Thành để đứng bên ngoài cho tới lúc trận đấu kết thúc. Khi dòng người trong đó đổ xô ra như sóng biển, mắt tôi không ngưng liếc tìm xem có Hà My trong chỗ đó không. Tôi kiên nhẫn chờ mười, rồi mười lăm phút, có lúc ngỡ như bạn ấy đã quên mình rồi và định quay về, nhưng sau đó chỉ nửa phút, bóng dáng thân quen của người bạn gái cùng lớp mà tôi thầm thích lại xuất hiện. Cô gái ấy nở nụ cười tươi và vẫy tay chào khi biết tôi vẫn chờ: - Cậu đợi tớ có thấy mệt không? - Mệt á? Không hề! - Tôi vừa lấy tay lau mồ hôi dính trên trán vừa cười đáp lại. Chợt nhận ra đoàn người kia đã không còn đi cùng Hà My, tôi ngạc nhiên hỏi: - Ủa.. mấy người đi cùng cậu.. - À, tớ làm thêm ở bên du lịch, công việc của tớ là dẫn họ đi thăm quan những địa điểm ở thành phố này. Vì họ muốn vào đây xem bóng đá nên tớ đã dẫn họ đi xem, sau đó kết tour luôn. - Chà, nghe có vẻ hấp dẫn nhỉ? - Ừm, tớ làm cái này được hai tháng rồi! Còn cậu, cậu bán vé như này lâu chưa? Tôi không dám nhìn vào mắt Hà My. - Tớ.. tớ.. cũng làm lâu rồi á! - Vậy là tốt rồi! Chúc cậu luôn buôn may bán đắt nha! - C.. c.. cảm ơn cậu! Hà My không biết tôi đã nói dối. Tôi chỉ làm công việc này để được vào sân vận động miễn phí, và cũng chỉ là một đứa "mới vào nghề" ngốc nghếch. Nếu không có bạn ấy mua vé ủng hộ, có lẽ ngày hôm nay tôi đã phải về với hai bàn tay trắng và ánh mắt không vui của anh Hoàng Anh. Hà My thực sự là vị cứu tinh của tôi. Ấy vậy mà lâu nay tôi vẫn chưa có cơ hội giúp đỡ bạn ấy bất cứ điều gì!
Chương 4 Bấm để xem Hồi mới vào lớp mười, tôi được thầy xếp ngồi cạnh Quang Dũng. Tôi không biết do thầy làm vậy vì chúng tôi trùng tên hay vì lý do gì khác, nhưng tôi không thích cậu ta một chút nào. Cậu ta luôn cậy mình hay được điểm cao hơn tôi và trêu chọc, trong khi trong lớp thì cậu ta cũng chẳng phải nằm trong top đầu! Ngoài thói trêu chọc bạn bè về điểm số ra, Quang Dũng còn hay đi gán ghép linh tinh. Hồi đó tôi bị cậu ta ghép cặp với Mai- đứa mặt nhiều mụn nhất lớp. Mặc dù đã nói nhiều lần rằng mình không hề thích Mai, nhưng tôi vẫn bị gán ghép không ngừng nghỉ: Ở trên lớp, ở căng tin, dưới sân trường, khi đi học về.. Tuy vậy, tôi vẫn không dám làm gì cậu ta. Cậu ta khá to con, trong khi tôi nằm trong số những nam sinh thấp bé nhất lớp. Tôi đành miễn cưỡng để cậu ta trêu chọc vì nghĩ sẽ đến lúc cậu ta chán và phải dừng trò nghịch đó lại. Nhưng sau một khoảng thời gian dài, cậu ta vẫn không chịu dừng, thậm chí còn lải nhải nhiều hơn. Đỉnh điểm của việc trêu chọc đó là hôm ăn cơm trong căng tin, khi tôi vừa bê đĩa cơm ra và chưa kịp ăn thì cậu ta đã lại gần và bắt đầu trò đùa quen thuộc của mình. Không kìm được cơn giận, tôi hét thật to lên "Im miệng đi!" và bỏ ra ban công, mặc cho những người xung quanh hướng con mắt ngạc nhiên về mình. Lúc đó, tôi không còn sĩ diện để tránh những lời bàn tán từ người khác nữa, và tôi nghĩ sẽ không có ai theo mình ra tận đây để an ủi. Nhưng thực sự tôi đã lầm. Hà My - cô bạn "tài sắc vẹn toàn" trong lớp của tôi đã can đảm tới gần tôi và hỏi han: - Cậu có thấy ổn không? Lúc đó, tôi không biết phải đáp lại thế nào. May mà cô bạn ấy cũng là tuýp người dạn dĩ. Khi thấy tôi im lặng, Hà My bắt đầu đưa lời khuyên: - Tớ nghĩ cậu cần phải cứng rắn hơn. Nếu biết cậu không phải kiểu người dễ để bắt nạt, Quang Dũng sẽ không dám động vào cậu. Cậu ta là kiểu người thích trêu chọc người khác, nhưng nhất định cũng sẽ có cách để khiến cậu ta nhận ra lỗi sai của mình thôi. Mạnh mẽ lên! Nghe xong câu đó, bất giác tôi cảm thấy an lòng hơn hẳn. Lúc ấy tôi đã nghĩ rằng kể cả cậu ta có đe dọa hay làm gì mình sau đó đi nữa thì tôi cũng sẽ quyết chiến tới cùng, nhất định không nhường nhịn cậu ta thêm nữa! Tuy vậy, chiều hôm đó Quang Dũng không hề động tới tôi xíu xiu nào. Cho tới khi ra về, một cậu bạn tên Quân với thân hình cũng khá to con đi tới bàn tôi và kể: - Khi nãy tôi thấy Hà My đã "răn đe" cậu ta rồi, ông yên tâm nha! Tôi tròn mắt. Thực sự Hà My đã làm tất cả điều đó vì mình sao? Lại thêm cả cậu bạn Quân này nữa, phải chăng cậu ta cũng muốn về phe mình nên mới thông báo tới mình điều đó? Rất nhiều câu hỏi nhảy múa trong đầu tôi, và cho tới ngày hôm sau thì tôi mới hay tin nhà Hà My và Quân đều ở gần nhà mình. Có lẽ do họ biết về mẹ tôi cùng hoàn cảnh không may mắn của tôi nên mới đứng ra bảo vệ cái đứa mà họ còn chưa trò chuyện bao giờ. Sau hôm được Hà My "cứu một bàn thua" và biết nhà bạn ấy cũng gần nhà mình, tôi chợt nhìn bạn ấy với một con mắt rất khác. Trước kia, tôi khá vô cảm và không bao giờ quan tâm tới con gái trong trường dù họ có xinh đẹp tới cỡ nào. Cái "thằng Anh Dũng" ấy đã chết kể từ khi tôi để ý tới Hà My nhiều hơn. Tôi chết lặng bởi góc nghiêng hoàn hảo của cô bạn "tài sắc vẹn toàn" ấy. Tim tôi thường đập nhanh tới nỗi đã có một đợt, tôi từ chối uống ké nước tăng lực với bọn con trai trong đội bóng lớp vì sợ mình sẽ sớm bị suy tim mỗi khi nhìn thấy Hà My. - Hâm à? Mày biết Hà My có nhiều người theo đuổi lắm không? - Tao biết, nhưng.. tao thực sự rất, rất thích bạn ấy! Quân gàn khi được tôi tiết lộ chuyện tôi thích Hà My. Phản ứng đó của nó không có gì lạ. Người ta thường nói hoa đẹp thì ắt sẽ có nhiều người muốn hái. Đối với tôi, chuyện Hà My được ai khác thích không quan trọng, vì tôi sẽ tìm mọi cách để chiếm lấy trái tim của bạn ấy. - Cậu đang nghĩ gì vậy? Câu hỏi của Hà My kéo tôi quay trở lại thực tại. Chúng tôi vẫn đang đứng nói chuyện với nhau ở trước cổng sân vận động chứ không phải đang ở trong lớp học. - À.. ờ.. không có gì! Rồi tôi đổi chủ đề bằng cách đưa cho Hà My xem mẩu giấy bí ẩn kia. Hà My là người thứ ba được tôi tiết lộ vụ này, cũng là người mà tôi cần tìm để giải quyết vụ hội giáo Sau Trường Học. - Tớ nghĩ người của hội giáo đó đã nhét mẩu giấy này vào ngăn bàn tớ từ giờ ra chơi, vì tới khi ra về tớ mới phát hiện ra nó. Cậu là người duy nhất ở yên trong lớp tất cả các giờ ra chơi, chắc hẳn cậu có thể quan sát được ai đã lẻn vào lớp trong thời điểm đó! - Hừm! - Hà My nhìn mẩu giấy với vẻ đắn đo một hồi lâu rồi lắc đầu. - Tớ không biết nữa, hôm đó tớ chỉ tập trung vào bài vở nên không để ý người lạ vào lớp. Nhưng sao cậu lại nghĩ người đưa cho cậu mẩu giấy này là người của hội giáo đó? Tôi gãi đầu: - Tớ.. tớ chưa đến địa điểm ghi trên đây, nhưng tớ nghĩ đó ắt hẳn là địa bàn của bọn chúng, tại ở trường mình ngoài hội đó ra thì đâu có ai tai tiếng bằng? - Vậy nếu đúng là bọn chúng thì tại sao chúng lại gửi cho cậu địa chỉ này? - Tớ nghĩ chúng ta cố biến tớ thành.. con mồi! - Con mồi? - Ừ, tại khá nhiều người trong trường biết đến tớ, có lẽ chúng muốn lợi dụng tớ để "câu view".. Không hiểu sao khi nghe đến đó, Hà My lại quay ra cười: - Ha ha, cậu đang suy nghĩ quá lên rồi! Tuy Hà My nói như vậy, tôi thực sự vẫn nghĩ bạn ấy hiểu sức bành trướng của hội Sau Trường Học lớn đến cỡ nào. Hôm thầy chủ nhiệm chào tạm biệt cả lớp lần cuối, tôi có liếc qua Hà My và thấy rõ sự căm tức hiện lên trên mặt bạn ấy. Do tôi không đáng tin cậy hay do đây là chuyện khó nói nên Hà My không muốn kể sự thật cho tôi?
Chương 5 Bấm để xem Nhận đủ số tiền bán vé từ tay tôi, anh mỉm cười đầy tự hào và rút ra một tờ hai trăm nghìn đưa cho tôi: - Coi như đây là tiền công của em, bù cho việc em không được vào sân để xem! Nhưng tôi vội giơ tay từ chối: - Không, em không nhận đâu! Tất cả đều là tiền vốn mua vé và tiền công sức của anh, em chỉ tình nguyện giúp anh bán chúng thôi, miễn sao được trải nghiệm cảm giác đó là vui rồi! - Thôi cứ nhận cho anh vui, đằng nào em cũng cất công đứng ngoài nắng mấy tiếng đồng hồ mà! - Anh đừng làm như vậy, nếu không lần sau em sẽ không tới đây thăm anh đâu! Số này lãi không nhiều, anh lại còn làm nghề lương thấp như này nữa, cộng vào may ra mới đủ sống. Còn em thì được mẹ nuôi nấng, tiền tiêu vặt vẫn thừa nhiều, nếu nhận số tiền này của anh em sẽ áy náy lắm lắm! Anh nhìn tôi bằng đôi mắt long lanh đầy sự biết ơn. Khi nãy, anh cũng đã thông báo lại với tôi về việc cuối tuần này mình bận và không thể tới để giúp mẹ con tôi được. Có lẽ, số tiền khi nãy anh đưa tôi không chỉ vì tôi đã giúp anh bán vé mà còn là số tiền nhỏ nhoi mà anh có thể góp để giúp chúng tôi điều gì đó coi như thay cho lời chào tạm biệt, nhưng tôi không vì thế mà nhận nó được. - Thôi được rồi, nếu em không nhận tiền thì.. - Đột nhiên anh tiến tới chỗ bàn ăn uống tôi đang ngồi và đặt lên bàn hai gói bim bim lớn và hai lon bia. - Đây là.. - Cứ ăn đi, không phải đồ hết hạn đâu! Anh đã mua nó, vì anh bận không ra ngoài nhậu với em được nên đành "nhậu" trong quán vậy, coi như bữa cuối chúng ta ngồi với nhau. Tôi gật đầu. Đằng nào nốt tối nay tôi cũng chẳng thể qua đây được nữa. Sáng mai xe chuyển đồ đến sớm, mẹ và tôi phải khăn gói lên đường luôn. Thành phố Thiệu Anh cách đây khoảng hơn 100 cây số, nếu không đi sớm thì cả ngày cũng không dọn xong được! - Đây là lần đầu em được ăn loại bim bim này, những lần trước chỉ dám ngắm mà không dám mua vì sợ đắt. - Ha ha, cứ ăn thoải mái đi, số tiền này cũng chỉ bằng một suất cơm của anh thôi! Chúng tôi vừa ngồi ăn vừa nói chuyện rôm rả. Tôi kể về việc học ở trên lớp và về hội giáo Sau Trường Học, còn anh Hoàng Anh thì kể về những vị khách mà anh gặp trong cả một ngày dài. Cả hai cứ chia sẻ mọi thứ một cách thoải mái như không hề có bất cứ cuộc chia lìa nào. Bỗng, tivi khi đó phát một tin tức khá kì lạ. Những người phát thanh viên với những giọng nói nghiêm trọng đang đưa tin về một thiên tai nào đó đã ập tới các đất nước lân cận với vận tốc không ngờ và làm thiệt hại rất nhiều cho cả con người và tài sản, tuy nhiên những hình ảnh trong các phóng sự thì không được rõ nét cho lắm. Họ cảnh báo ở mức độ khẩn cấp rằng người dân cả nước nên tìm chỗ trú ẩn trong những ngày sắp tới để tránh thiên tai và hạn chế ra đường trừ khi thật cần thiết, đồng thời không nên tỏ ra chủ quan về loại thiên tai này. - Bão chăng? - Anh vừa bỏ miếng bim bim vào miệng vừa nói. - Nhưng nếu là bão thì người ta phải nói là bão chứ nhỉ? - Có thể là lũ lụt! - Tôi phán. - Em thấy trong hình ảnh phóng sự vừa rồi có cả nước tràn vào thành phố. - Hừm.. - Mà kệ đi anh. - Tôi giơ lon bia lên "cụng ly" và tiếp lời. - Dù có bão hay lụt gì thì ngày mai em cũng phải chuyển đi. Mẹ đã xem ngày rồi, mai là ngày đẹp trời, theo phong thủy lại hợp cho việc chuyển nhà nữa. Nếu không chuyển từ ngày mai, e là phải để sang tận cuối tuần sau mới chuyển được! Khi đó đã uống hết bia mà mồi nhắm vẫn còn nhiều, anh Hoàng Anh mang ra thêm hai lon bia nữa và lại đưa cho tôi một lon. - Cứ uống đi, mấy nữa em đi rồi sẽ không có nhiều dịp như này đâu! Tôi cười và giật nắp lon ra. Tôi không phải một người thích uống bia cho lắm, nhưng vì nể anh nên đành uống với anh thêm.. chỉ một lon này nữa thôi. Từ ngày mai, tôi sẽ không còn được uống thoải mái thế nào với anh nữa. Mười giờ tối. Đúng ra giờ này tôi đã phải về nhà để ngủ sớm chuẩn bị cho ngày mai, nhưng vì chúng tôi còn quá nhiều chuyện để kể nên đành ngồi lại thêm. - Anh thấy.. em nên thổ lộ với Hà My luôn thì hơn. Mai đi rồi, biết bao giờ em mới có thể quay lại đây gặp lại bạn ấy? - Nhưng em.. em chưa dám thổ lộ ngay. Em sợ.. - Em sợ cái gì? - Em sợ.. Hà My sẽ từ chối và cả hai không thể cảm thấy thoải mái khi nhìn mặt nhau được nữa! Lúc này tôi đã ngà ngà say. Lon bia vẫn còn hai phần ba nữa. Chẳng hiểu sao mọi khi tôi có thể uống hết hai lon mà không cảm thấy gì, tự dưng hôm nay lại dễ say đến vậy. Anh Hoàng Anh cũng cảm nhận được điều đó. Anh nói: - Nếu em không uống được nữa thì để anh uống hộ cho. Thôi, về nhà đi kẻo mai không dậy được! Nhưng tôi vẫn kiên quyết: - Anh đừng lo, em.. vẫn.. vẫn uống hết được. Gì chứ hai lon bia là chuyện bình thường! Và rồi chúng tôi "cụng ly" thêm vài lần nữa. Tôi cố uống hết cả lon. Lúc đó đứng dậy, dáng tôi có vẻ hơi loạng choạng nhưng rồi đã lấy lại được bình tĩnh để bắt tay anh lần cuối rồi đạp xe về nhà. Mười một rưỡi về đến nhà, mẹ đã đi ngủ từ lâu. Tôi khẽ khàng bước lên cầu thang, không dám bật điện vì sợ mẹ sẽ tỉnh dậy và đi tới giường và đánh một giấc ngon lành sau hai lon bia tạm biệt với anh Hoàng Anh. Ngày mai tỉnh dậy, tôi sẽ chính thức rời khỏi đây, rời xa bạn bè và căn nhà ấu thơ này mãi mãi. Tất cả mọi thứ rồi sẽ trở thành kỉ niệm. Ai nhớ, ai quên chẳng còn quan trọng nữa, tôi chỉ biết rằng mình đã có một tuổi thơ đẹp ở Nam Thành!
Chương 6 Bấm để xem - Trời ơi, con tôi, con tôi đâu mất rồi? Tiếng kêu đầy ai oán đánh thức tôi dậy khi hai mắt còn đang lờ đờ. Ánh nắng bên ngoài xuyên qua tấm rèm làm sáng bừng cả căn phòng cho tôi biết lúc này đã là buổi sáng. Giật mình, tôi với tay tới chiếc đồng hồ để bàn. Đã là tám giờ hơn, tức là muộn hai tiếng so với thời gian mẹ bảo tôi phải dậy để dọn đồ. Trời ạ, tôi đã ngủ quên do hôm qua uống say, vậy mà mẹ cũng chẳng hề gọi tôi dậy lấy một tiếng. Không biết giờ này liệu mẹ đã đi chưa hay vẫn còn đợi tôi dậy để đi cùng? - Mẹ ơi! - Mẹ! - Mẹ ơi! Tiếng gọi của tôi vang khắp các góc nhà, kể cả sân thượng hay trong phòng mẹ, nhưng vẫn không có một lời hồi đáp. Mẹ đã đi đâu rồi ta? Không nhẽ mẹ tới Thiệu Anh trước rồi mới quay lại đón tôi sao? Hay mẹ đã đi mua đồ gì đó để đem tới nhà mới trước khi chuyển đồ? Không chần chừ, tôi bấm ngay số máy gọi cho mẹ. Máy đổ những hồi chuông dài, nhưng sau mười cuộc như vậy vẫn không có ai nghe máy. Kì lạ thật! Bình thường ngay khi gọi tới, mẹ sẽ nghe máy luôn dù có đang dở dang việc gì quan trọng đi nữa. Mẹ không muốn tôi phải chờ đợi, lúc nào cũng thế. Hay.. mẹ để quên máy ở nhà? Tôi cố gọi thêm vài ba cuộc nữa nhằm tìm xem tiếng chuông điện thoại ở đầu dây bên kia có kêu lên trong các phòng không. Tôi vừa đi vừa tìm, vừa đi vừa tìm, cố dỏng tai lên nghe để không bỏ lỡ bất kì âm thanh nào. Mỗi khi có một vài âm thanh lạ phát lên, tôi vội vàng tới nghe kĩ xem có phải là tiếng chuông điện thoại mẹ không, và khi biết đó chỉ là hiểu nhầm, gương mặt tôi lại thêm cảm giác thất vọng. Và sau một hồi biết chắc không có mẹ hay điện thoại mẹ ở nhà, tôi quyết định sẽ đi tìm mẹ ở quanh đây, hi vọng sẽ bắt gặp hình bóng ấy ở một cửa hàng hay góc phố quen thuộc nào đó. "Con sẽ tìm cho ra dù mẹ đi tới bất cứ đâu!" Tôi vừa bước chân ra khỏi nhà vừa suy nghĩ. Lúc ấy, có một chiếc xe tải đỗ ở trước cửa nhà nhưng động lực tìm mẹ đã không cho phép tôi chú ý đến nó. Tôi cứ đi, cứ đi theo bản năng cho đến khi dừng lại ở một góc chợ. Một dáng người gầy gò với mái tóc mượt dài, bộ quần áo cũ kĩ và đôi chân đi khập khiễng đang lết từng bước về phía đường lớn. Mẹ, không ai khác ngoài mẹ cả! Tôi đã ở với mẹ đủ lâu để nhận ra dáng đi này. - Mẹ! - Tôi gọi lớn. Người phụ nữ đó quay mặt lại. Hóa ra tôi đã nhận nhầm! Đó không phải mẹ, mà là một người phụ nữ trung niên với khuôn mặt xanh xao như vừa trải qua một cú sốc lớn. Hình như bà ta đang khóc, vì tôi để ý thấy có vệt nước trên má bà ta. - Bác.. bác có thấy mẹ cháu đi qua đây không ạ? Mẹ cháu.. mẹ cháu có ngoại hình và dáng đi.. giống hệt bác! Người phụ nữ lắc đầu và đi tiếp. Không biết có phải do đang có chuyện buồn mà không nói được gì không, nếu đúng là như vậy thì tôi thật tệ nếu không hỏi thăm bà ta lấy một câu. - Bác ơi! - Tôi vội vàng gọi bà ta lại. - Có gì không cháu? - Cháu.. cháu thấy hình như bác đang gặp một vấn đề gì đó. Liệu cháu có thể giúp bác được không ạ? Mặc dù không phải là người giỏi giúp đỡ người khác nhưng vì cũng đang trong tình cảnh bối rối mà tôi đành "chìa một tay" ra, mong sẽ tìm thấy sự đồng cảm nào đó từ người phụ nữ. May mắn là bà ta không lẩn tránh tôi mà đã đứng lại kể: - Con bác.. nó làm bốc vác cho người ta.. khi nãy nó đã.. - Anh ấy đã làm sao cơ ạ? - Nó đã.. đã.. đã bị cơn lốc đó cuốn bay đi mất rồi! Nói đoạn, người phụ nữ lại che mặt khóc tu tu. Tôi không hiểu bà ta đang nói tới "cơn lốc" nào, nhưng không thể có chuyện nơi này có lốc xoáy mạnh tới nỗi cuốn bay cả người được. Và nếu là như thế, ắt hẳn tới bây giờ vẫn còn dư âm như mưa rào hay giông sét chẳng hạn, không thể có chuyện đường phố vẫn khô ráo như này! Tôi chợt nhớ tới bản tin hôm qua ở cửa hàng tiện lợi của anh Hoàng Anh. Người ta đã dự báo về một thiên tai làm ảnh hưởng lớn tới cả người và tài sản đã ập tới các nước xung quanh, đồng thời khuyên mọi người nên tìm nơi trú ẩn. Khi nghe tới đó, chúng tôi đoán đó chỉ là một cơn bão bình thường nên không quan tâm cho lắm, ai dè.. - Bác nói thật chứ ạ? Nếu thế thì mọi người.. - Thật! Chính bác đã chứng kiến cảnh những người dân xung quanh đây bị cuốn bay hết. Lúc ấy, bác đã.. Người phụ nữ không thể bình tĩnh nói được nữa. Bà ta khóc như một đứa trẻ ngay trước mặt tôi. Nhận ra điều không hay, tôi cũng chẳng thể mấp máy thêm câu nào. Mẹ đã đi đâu đó và không nghe máy, những người ở xung quanh thì cũng khóc than không ngớt vì mất người thân. Ở khu chợ gần nhà tôi, bình thường giờ này người ta họp chợ đông nghẹt, vậy mà chỉ lưa thưa vài bóng người, trông họ đều thất thần như những xác chết không hồn! Mẹ bị đau chân, không thể đi xa được. Tôi là đứa biết rõ nhất điều đó. Nếu có ẩn nấp thì mẹ chỉ có thể nấp chỗ nào đó gần đây. Mà gần đây thì còn chỗ nào hợp lý hơn là chợ cơ chứ? Đầu tôi cứ suy luận không ngừng, cốt để không bị những suy nghĩ tiêu cực dẫn dắt. Nếu chỉ một chút tuyệt vọng lé lên thôi, rất có thể tôi sẽ bỏ cuộc ngay lập tức và không còn động lực nào để tìm mẹ. - Mẹ ơi! - Mẹ Hoa ơi! - Mẹ đi đâu rồi? Những tiếng gọi của tôi vang vọng khắp khu chợ nhỏ. Quanh đó, người ta cũng đang tìm kiếm người thân miệt mài như thế, có người hùng hục đi tìm từng ngõ ngách một, có người ôm mặt thất vọng nằm lê lết ra nền đất. Mùi hôi tanh của đủ các loại thịt cá, gia vị trong chợ như còn mới đây, vậy mà lượng người chỉ còn một vài. Và khi đi tới một cửa hàng bán đồ vàng mã đã đóng cửa, một bà cụ già hốc hác đầu đội nón, tay cầm gậy đã chặn tôi lại. Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng trông bà ta chẳng giống như người ở đây, lại càng không phải đang đi tìm người thân. Bà ta mỉm cười và nói với tôi những câu lặp đi lặp lại: - Chết cả rồi! Chết hết cả rồi!
Chương 7 Bấm để xem Nhà Quân ở ngay đầu ngõ cách chợ vài bước chân, nên nơi đầu tiên tôi nghĩ tới sau khi không thể tìm thấy mẹ chính là nhà nó. Tôi cũng định sẽ tìm kĩ hơn mọi ngóc ngách trong chợ, nhưng vì không muốn dây dưa với bà cụ kì lạ kia và vì nghĩ rằng mọi người đều đã ra đường hết mà mẹ tôi không có trong số đó nên đành thôi. Dù gì thì nếu có Quân ở đây, tôi cũng cảm thấy an tâm hơn nhiều. Nó là thằng bạn thân nhất của tôi, ắt hẳn những lúc hoạn nạn như này nếu không thể tìm giúp thì nó cũng sẽ trấn an tôi phần nào đấy để tôi bớt lo lắng hơn. Kính coong.. kính coong.. kính coong.. Dù đã bấm nhiều lần chuông và đợi trước cửa một lúc khá lâu nhưng vẫn không hề có ai ra mở cửa. Dòm qua lớp cửa kính Không nhẽ gia đình Quân cũng bị cơn lốc kia cuốn đi rồi sao? Càng nghĩ, tôi càng rùng mình. Cảm giác ban đầu của tôi là lo sợ, sau đó là chút buồn bã, và cuối cùng là sự thất vọng hiện dần trên khuôn mặt. Mẹ không có ở đây, Quân cũng không có ở đây, nơi tôi nghĩ tới tiếp theo chính là nhà của Hà My. Nhà bạn ấy chỉ cách nhà Quân hai dãy. Tôi từng tới đây một vài lần để mượn sách vở về chép bài sau những hôm nghỉ ốm, ngoài ra cũng không có lý do gì khác để tới cả! Hà My là một cô gái thông minh. Lúc bối rối như này nếu có sự xuất hiện của bạn ấy thì quả thực chẳng khác nào liều thuốc tiên trị bách bệnh cả! Tôi còn nhớ như in căn nhà góc có cửa sắt lớn này. Hồi đó, lần đầu tiên gặp Hà My ngoài những lúc trên trường, trái tim tôi đã không khỏi thổn thức khi nhìn thấy Hà My trong bộ đồ mặc ở nhà và gương mặt không có lớp trang điểm. Đó là một vẻ đẹp thuần khiết mà tôi chưa từng bắt gặp ở bất cứ đâu, một vẻ đẹp làm cho đứa con trai mới lớn như tôi điêu đứng. Tôi chỉ mong sao khi gõ cửa căn nhà này, chờ tôi ở đằng sau sẽ là Hà My. Bạn ấy sẽ ra mở cửa, vội ôm chầm lấy tôi òa khóc và kể hết những đau thương mà bạn ấy chứng kiến trong cơn lốc khi nãy. Hà My ôm tôi thật chặt như sợ rằng cơn lốc cũng sẽ cuốn tôi đi, và tôi cũng sẽ kể về việc tìm mẹ. Bạn ấy sẽ an ủi tôi bằng giọng nói ngọt ngào nhất, rồi hai chúng tôi đi tìm người thân cùng nhau. Cả hai sẽ trở thành những người hùng, cùng giúp đỡ những người khác đi tìm người thân mất tích của họ.. Nhưng sự thật không giống như những gì tôi trông đợi. Đã không ai ra mở cửa cho tôi. Bên trong căn nhà cũng tắt điện tối om. Hôm nay là chủ nhật, nếu vẫn còn an toàn thì gia đình Hà My có thể đi đâu được cơ chứ? Không nhẽ họ đi du lịch? Tôi không có số của Hà My mà chỉ có số của Quân trong danh bạ, nhưng khi nãy tôi đã không gọi vì nó ít khi dùng điện thoại. Từng có lần chúng tôi đều bị lạc, máy của tôi thì hết pin mà Quân lại không đem máy theo, đâm ra cả hai phải dò đường theo bản năng. Nghĩ đi nghĩ lại, dù là một hi vọng nhỏ nhoi, tôi vẫn nên bấm máy gọi cho nó ngay lúc này. Máy kêu tới lần thứ 20, không một tín hiệu nào phát ra từ đầu bên kia. Vậy là.. Quân đã.. Không! Tôi không thể tiêu cực lúc này được. Vẫn còn những đứa bạn chung đội bóng với chúng tôi. Dù tôi cũng không có số điện thoại của bọn nó nhưng tôi biết nhà từng đứa một. Hồi đó cả đám chơi trò "Mỗi ngày ngủ ở nhà một đứa", chính tôi là người đầu têu trò đấy và cũng là người "khai cuộc". Thằng Vinh đã nói to tới nỗi chúng tôi bị hàng xóm sang phàn nàn. Nghĩ lại ngày đó vui biết mấy, mà giờ thì.. - Cháu đến tìm Vinh hả? Nó vừa bị cuốn đi mất rồi! - Sao cơ ạ? - Vinh vừa bị cơn lốc đó cuốn đi rồi. Cô là gia sư của nó, khi nãy cô tới dạy thì mẹ nó đã bảo như thế. Bà ấy khóc quá trời quá đất, còn tính chạy đi tìm con nhưng cô đã ngăn lại. Khoảnh khắc nghe được tin sốc ấy, tôi đã lặng người và không nói một câu gì nữa. Trên đường về, có khá nhiều người sấn tới hỏi về tung tích người thân họ, nhưng tôi chỉ lắc đầu và lại buồn bã bước đi. Ánh mặt trời đã lên cao dần. Cả thành phố nhuốm đẫm vẻ tang thương trong một buổi sáng chủ nhật kinh hoàng mà tôi không có cơ hội được chứng kiến tất thảy. Tôi quay về nhà, nằm dài người trên chiếc giường mét hai kê cạnh cửa sổ. Mọi hi vọng đã vụt tắt. Giờ này, nếu tôi cố dấn thân ra đường đi tìm kiếm người thân như những người ngoài kia thì mãi cũng sẽ không tìm ra. Buổi chiều, khi tinh thần ổn hơn, tôi sẽ tới xưởng kho của mẹ, rồi tới đồn cảnh sát để tìm kiếm một cơ hội cuối dù biết là rất rất mỏng manh. - Ú òa, mẹ đây nè! Nãy giờ mẹ cố trốn để con đi tìm đó, con thấy mẹ chơi trò này có giỏi không? Mẹ mở tủ quần áo và bước ra với ánh mắt đắc thắng. Tôi không nghĩ mẹ lại "chơi khăm" mình đến vậy! Tôi cười, bước tới và ôm mẹ vào lòng. Ôi chao cái cảm giác ấy, cái cảm giác như muốn được bé lại một lần nữa. Mẹ vuốt mái tóc tôi thật nhẹ. Bàn tay dù đã chai sạn ấy không khiến cho tôi khó chịu chút nào, ngược lại còn vỗ về cho tâm hồn đang chất chứa nhiều nỗi thất vọng của tôi. - Tại sao mẹ lại làm như vậy với con? Mẹ có biết con lo cho mẹ như nào không? Bà nhìn tôi mỉm cười: - Mẹ xin lỗi, mẹ chỉ muốn thử thách lòng kiên nhẫn và xem tình cảm của con lớn đến cỡ nào thôi. Nhưng giờ thì mẹ đã hiểu rồi, con thực sự là một đứa con ngoan của mẹ! Nào, chuẩn bị đồ đạc để chuyển nhà thôi, bạn bè đang chờ con dưới nhà để nói lời chào tạm biệt đó! Tôi gật đầu, nhanh chóng thu dọn những đồ đạc còn sót lại trong nhà và đem xuống xe. Bác tài đang chờ chúng tôi ở đó. Cạnh bác là Quân, Hà My, anh Hoàng Anh, những đứa bạn cùng đội bóng, thầy chủ nhiệm, các cô chú ở xưởng kho của mẹ.. và cả những người hàng xóm láng giếng của chúng tôi. Họ đều nở những nụ cười thật tươi và mỗi người một tay giúp chúng tôi mang vác đồ lên xe. Khi tất cả đều đã xong xuôi, bác tài cho nổ máy. Xe bắt đầu di chuyển tới Thiệu Anh. Lúc ấy, tôi có ngoái lại đằng sau và nhìn từng gương mặt của từng người mà chúng tôi đã gắn bó trong suốt nhiều năm ở thành phố này. Họ đều vẫy tay chào trong sự xúc động khôn nguôi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy hạnh phúc như bây giờ. Tôi chỉ muốn hét lên cho ông trời thấy rằng mình là người hạnh phúc nhất thế giới, là chàng trai 17 tuổi may mắn nhất quả địa cầu. Tôi đâu cần phải giàu như Bill Gates, nổi tiếng như Rowan Atkinson hay thông minh như Albert Einstein. Tôi chỉ cần có mẹ, có bạn bè và những người yêu quý mình ở bên là đủ, sao phải lo nghĩ đến những chuyện khác?
Chương 8 Bấm để xem Nhắc nhở: Đã tới Thiệu Anh . Dòng chữ đó hiện lên cùng với tiếng chuông báo điện thoại inh tai đánh thức tôi dậy một lần nữa. Tôi giật mình tỉnh giấc, nhận ra mình đã mơ. Giấc mơ ấy thật tới nỗi tôi đã nghĩ mẹ thực sự chỉ đang chơi trốn tìm với mình và chúng tôi đã lên xe tải để rời khỏi đây, trong khi thực tại lại hoàn toàn trái ngược! Thực tại và mơ, rốt cuộc cái nào mới là thật? Nếu giấc mơ vừa rồi mới là thật, tôi xin tình nguyện đánh đổi cái hiện thực đau thương này để tới sống trong đó. Nếu mẹ chỉ còn tồn tại trong giấc mơ, tôi xin bỏ hết tất cả những tài sản, thú vui, bạn bè ở đời thực để đổi lấy mẹ. Mẹ là ánh sáng duy nhất của cuộc đời tôi. Thiếu mẹ, tôi sẽ chẳng thể nào sống yên ổn được, và chắc chắn cũng sẽ chẳng nhận thêm bất cứ ai làm người thân của mình hết, kể cả người cha cũ tệ bạc kia! Bước xuống dưới lầu, mọi thứ trong nhà vẫn được buộc kín như thế. Chiếc xe tải chuyển đồ vẫn đậu ở trước cửa nhà tôi, trong xe chẳng có thứ gì cả. Mẹ đã đi đâu đó trước khi dọn đồ. Tôi cố tháo thùng các-tông bọc bên ngoài chiếc tủ lạnh ra và mở tủ xem bên trong còn gì không, nhưng trong đó vẫn trống rỗng, chỉ còn mùi đặc trưng của tủ. Tệ thật! Ngay cả đường nước cũng bị khóa mất. Điện thì vẫn còn, có lẽ mẹ thấy tôi đang ngủ say nên không dập cầu dao. Có một túi cam ở trên bàn bếp. Mẹ mua chúng để cho bác tài chăng? Tính mẹ hay cẩn thận như thế nên tôi không lạ gì mấy. Mẹ từng dạy tôi rằng bất kể làm hành động gì cũng nên nghĩ tới những người xung quanh, vì nếu người ta không quay lại giúp mình thì mình cũng sẽ cảm thấy vui khi đã làm điều tốt. Tôi lấy một quả cam vắt ra cốc để uống. Lọ đường để tận sâu trong đống đồ đã được gói ghém cẩn thận nên tôi ngại tìm và đành uống luôn nước cam nguyên chất. Cam chua lè lưỡi! Tôi suýt nhổ cả đống đó đi, nhưng vì khát nước nên không còn cách nào cả. Lúc ấy, đầu tôi lại hiện về cảnh mẹ đang vắt từng trái cam tươi mọng để pha cho tôi uống mỗi sáng trước khi đi học. Giá mà hồi đó, mỗi lần như thế tôi đều nói câu "con cảm ơn mẹ", để rồi mọi thứ không trở nên muộn màng như bây giờ! Uống nước cam xong, tôi lại nằm oài ra giường. Bây giờ là mười một giờ trưa. Tôi đã ngủ khoảng một tiếng rưỡi nên giờ có muốn chợp mắt cũng không chợp mắt nổi. Nhưng hễ cứ mở mắt, hình ảnh mẹ lại hiện lên ám ảnh tâm trí tôi từng giây. Tôi khóc lớn. Hồi nhỏ, mỗi lần như vậy, mẹ lại bỏ nấu ăn dưới nhà để lên hỏi han xem tôi có chuyện gì. Nhiều lúc cảm thấy phiền cho mẹ, tôi thường trốn vào nhà vệ sinh và cố khóc thật nhỏ. Dần dà, tuyến lệ của tôi có vẻ đã "hết việc" để làm. Cũng bởi muốn sống đúng với cái tên Anh Dũng mà mẹ đặt nên tôi đã không khóc trong nhiều năm liền. Tới bây giờ, khi mọi thứ đã vượt quá sức chịu đựng, những giọt nước mắt đã được tôi kìm nén ấy chợt tuôn trào. Nhưng chỉ những giây phút này thôi, sau đó tôi sẽ không khóc thêm một lần nào nữa! Tôi không muốn mẹ dù không ở đây nhưng vẫn phải phiền lòng khi biết tôi buồn vì mẹ. Tôi lau nước mắt bằng chiếc khăn mặt vẫn còn ướt trong nhà tắm. Soi gương chỉnh lại tóc tai, tôi tính sẽ tới đồn cảnh sát luôn mà không đợi tới chiều nữa. Chợt, tôi liếc thấy mẩu giấy trong ngăn bàn hôm nọ, thứ tôi từng cho là của hội Sau Trường Học cài vào để gài bẫy mình ở trên kệ treo trên bồn rửa mặt. Tôi cầm nó lên, bất ngờ khi phát hiện một vài chữ số hiện lên ngay ở mặt sau. - Ôi trời, bảo sao mặt sau trống không! Ngay dưới chỗ để mẩu giấy khi nãy là một ít nước còn đọng lại trên kệ. Đó chính là lý do mà những chữ số kia hiện lên. Tôi nhanh chóng lấy mẩu giấy di đi di lại vào chỗ nước đó. Lúc này tất cả các con số đều đã hiện. - 0 9 8 3 4 1 7.. Số điện thoại chăng? - Tôi tự hỏi. Nhìn thấy chút hi vọng sẽ tìm được mẹ, tôi vội nhập dãy số đó vào máy, nhưng khi nhập tới chữ số cuối cùng thì chợt nhớ ra đây là thông điệp của hội giáo Sau Trường Học, mà bọn chúng tôi ai cũng hiểu rằng không nên dây dưa gì tới bọn chúng! Và thế là tôi cứ đi vòng quanh khắp nhà, không biết có nên gọi cho số máy kia hay không. Nếu thực sự hội Sau Trường Học nắm giữ tất cả bí mật về trường tôi thì liệu rằng chúng có đang nắm giữ cả những người thân cận với tôi như mẹ, Quân hay Hà My? Chưa dữ liệu nào cho thấy ba người họ bị cơn lốc kia cuốn đi cả, nên khả năng họ bị hội giáo đó bắt đi là không hề thấp. Hơn nữa, tôi lại còn đang bị chúng "đặt bẫy", rất có thể chúng muốn tôi đến để thực hiện điều chúng muốn rồi mới thả người. Tôi đã xem nhiều bộ phim bắt cóc con tin kiểu như này, thường thì những người cố tình chống lại bằng cách không nghe lời kẻ đe dọa sẽ bị tấn công tới chết, và kết cục thì người thân của họ cũng chẳng được an yên. Ngược lại, những người đầu hàng sớm và làm đúng những gì chúng yêu cầu sẽ được nhận lại đúng như nhũng gì chúng hứa. Dù có phải làm điều dại dột nhất, tôi cũng phải thử để cứu mẹ ra, còn hơn là ngồi im và nhận cái kết đắng. - Được rồi, nếu các người đã thích thì tôi sẽ làm điều các người muốn, sẵn sàng thôi! Bấm vào phím gọi và chờ đợi, tim tôi cứ nhảy nhót liên hồi. Tôi đã chuẩn bị cho một điều không hay từ miệng những kẻ gian ác, nhưng khi đầy dây bên kia đã lên tiếng, tôi nhận ra ngay đó không phải là giọng của người thật, mà chỉ là đoạn ghi âm sẵn đã được chỉnh tiếng: - Tới địa chỉ ghi trên thư mời trước 16 giờ chiều để bảo toàn tính mạng! Đoạn ghi âm chỉ có mỗi câu thoại cụt lủn như vậy. Khi vừa nghe hết câu, tôi vội vàng tắt máy. Tôi không đủ can đảm để nghe tiếp, vì tôi luôn có một nỗi sợ vô hình rằng người bên kia đầu dây sẽ tấn công mình bằng một cách nào đó. Ngồi thụp xuống giường, mắt tôi lại để ở xa xăm. Tại sao lại là 16 giờ chiều mà không phải giờ khác? Liệu nó có liên quan đến cơn lốc kia không hay chỉ là thời gian cố định mà bọn bắt cóc hay đặt ra cho người nhà con tin? Càng nghĩ, tôi càng thấy rối. Bây giờ mới là giữa trưa, nhưng tôi nên phải chuẩn bị đi thật sớm vì không biết sau bốn giờ chiều sẽ có chuyện kinh khủng gì xảy ra. - Trong trường hợp xấu nhất, mình sẽ đến đồn cảnh sát khai báo luôn! Nói rồi, tôi lấy điện thoại tra tất cả các đồn cảnh sát trên đường từ đây tới hội trường bỏ hoang ở chân núi và cẩn thận đánh dấu tất cả lại và còn ghi một danh sách dài lên một tờ giấy phòng trường hợp không thể mở điện thoại. Tôi cũng nối những cung đường mình sẽ đi, những phương án A, B, C, D.. trong trường hợp bất trắc. Những nơi có khả năng có nhiều người nhất như siêu thị, bệnh viện, công viên, quảng trường.. cũng được tôi khoanh vùng rõ ràng. Cho tới khi đảm bảo mọi thứ ổn thỏa, tôi bắt đầu nhét tất cả đồ đạc cần thiết vào ba lô và mang đi. Tôi sẽ dùng tạm nước và mua thêm đồ ăn ở các cửa hàng tiện lợi để đảm bảo việc sống còn. Dù gì thì cũng phải lấp đầy bao tử nếu chẳng may bị bọn chúng bắt nhịn ăn trong nhiều ngày! Cuối cùng, tôi tháo những chiếc thùng, bao bọc ngoài đống đồ mẹ gói ghém ra và lấy con dao mà mẹ hay dùng để thái thịt để dắt vào hông ba lô. Tôi đã được học cách tự vệ ở trường, tuy nhiên tôi đủ khôn ngoan để hiểu không thể tấn công bằng tay không nếu đối thủ có vũ khí. Xong xuôi tất cả, tôi mới xỏ giày, đeo ba lô lên vai và leo lên xe để bắt đầu đạp đi!