77 đề thi vào thpt môn ngữ văn có đáp án

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lê Gia Hoài, 31 Tháng mười 2020.

  1. Lê Gia Hoài

    Bài viết:
    556
    77 Đề Thi Vào THPT Môn Ngữ Văn Có Đáp Án

    Hình Thức Đề: Trắc Ngiệm Kết Hợp Tự Luận

    Người Biên Soạn: Lê Gia Hoài - THCS Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc

    ĐT: 0985408377

    Gmail: [email protected]

    ĐỀ 01

    I TRẮC NGHIỆM: (2, 0 điểm) Khoanh tròn chữ cái đầu câu đúng nhất:

    Câu 1: Vấn đề chủ yếu được nói tới trong văn bản "Phong cách Hồ Chí Minh" là gì?

    A. Tinh thần chiến đấu dũng cảm của Chủ Tịch Hồ Chí Minh.

    B. Phong cách làm việc và nếp sống của Chủ Tịch Hồ Chí Minh.

    C. Tình cảm của người dân Việt Nam đối với Chủ Tịch Hồ Chí Minh.

    D. Trí tuệ tuyệt vời của Chủ Tịch Hồ Chí Minh.


    Câu 2: Để làm nổi bật lối sống rất giản dị của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, tác giả đã sử dụng phương thức lập luận nào?

    A. Chứng minh. C. Bình luận

    B. Giải thích D. Phân tích.


    Câu 3: Trong bài viết "Phong cách Hồ Chí Minh" tác giả so sánh lối sống của Bác Hồ với lối sống những ai?

    A. Những vị lãnh tụ của các dân tộc trên thế giới.

    B. Các danh nho Việt Nam thời xưa.

    C. Các danh nho Trung Quốc thời xưa.

    D. Các vị lãnh tụ nhà nước ta đương thời.


    Câu 4: Vì sao văn bản "Đấu tranh cho một thế giới hòa bình" của Mác-ket được coi là một văn bản nhật dụng?

    A. Vì văn bản thể hiện những suy nghĩ trăn trở về đời sống của tác giả.

    B. Vì lời văn của văn bản giàu màu sắc biểu cảm.

    C. Vì nó bàn về một vấn đề lớn lao luôn được đặt ra ở mọi thời.

    D. Vì nó kể lại một câu chuyện với những tình tiết li kì hấp dẫn.


    Câu 5: Nội dung nào không được đặt ra trong văn bản "Đấu tranh cho một thế giới hòa bình" của Mác-ket?

    A. Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang đe dọa toàn bộ sự sống trên trái đất.

    B. Nhiệm vụ cấp bách của toàn thể nhân loại là ngăn chặn nguy cơ đó.

    C. Cần kích thích khoa học kĩ thuật phát triển nhưng không phải bằng con đường chạy đua vũ trang.

    D. Cần chạy đua vũ trang để chống lại chiến tranh hạt nhân.


    Câu 6: Nhận định nào nói đúng nhất về văn bản "Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em"?

    A. Là một văn bản biểu cảm.

    B. Là một văn bản tự sự.

    C. Là một văn bản thuyết minh.

    D. Là một văn bản nhật dụng.


    Câu 7: Những vấn đề nêu ra trong văn bản tuyên bố trực tiếp liên quan đến bối cảnh thế giới vào thời điểm nào?

    A. Những năm cuối thế kỉ XIX.

    B. Những năm đầu thế kỉ XX.

    C. Những năm giửa thế kỉ XX.

    D. Những năm cuối thế kỉ XX.


    Câu 8: Truyền kì mạn lục có nghĩa là gì?

    A. Ghi chép tản mạn những điều kì lạ vẫn được lưu truyền.

    B. Ghi chép tản mạn những điều có thật xảy ra trong xã hội phong kiến.

    C. Ghi chép tản mạn những câu chuyện lịch sử của nước ta từ xưa đến nay.

    D. Ghi chép tản mạn cuộc đời của những nhân vật kì lạ từ trước đến nay.


    II TẬP LÀM VĂN :(8, 0 điểm)

    Câu 1: (3, 0 điểm) Viết đoạn văn: Em có suy nghĩ gì về lối sống "ảo" của một bộ phận giới trẻ hiện nay?

    Câu 2: (5, 0 điểm)

    Phân tích nhân vật ông Sáu trong tác phẩm "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng?

    * * *

    ĐÁP ÁN

    Câu 1.

    1 – B

    2 – A

    3 – A

    4 – A

    5 – D

    6 – D

    7 – D

    8 – A

    Câu 2.


    Lối sống "ảo" ở một bộ phận giới trẻ.

    Hiện nay, lối sống "ảo" ở một bộ phận giới trẻ đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Vậy, "sống ảo" là gì? Nó có tác động như thế nào tới cuộc sống của chúng ta? Theo tôi, đó là lối sống quá phụ thuộc vào mạng xã hội, thiếu đi sự liên lệ cần có với cuộc sống thực tại. Lối sống này đã và đang để lại rất nhiều hệ lụy cho một bộ phận thanh thiếu niên. Trước hết, dành quá nhiều thời gian lang thang trên mạng sẽ khiến ta thiếu đi cơ hội học tập, giao tiếp trực tiếp với những người xung quanh cũng như gây ra các vấn đề về thể chất: Cận thị, cong vẹo cột sống.. Đồng thời, đắm mình trong một thế giới mà mọi thứ đưa lên đều được chỉnh sửa kĩ lưỡng và đầy hào nhoáng, ta sẽ dễ cảm thấy ghen tị và rơi vào trạng thái tự ti, bất hạnh. Đó là chưa kể đến một số bị ám ảnh bởi những nút "like", những lời khen sáo rỗng trên mạng xã hội để rồi dùng đủ mọi chiêu trò để thu hút sự chú ý. Chẳng hạn, cách đây không lâu, dư luận từng xôn xao trước sự việc một nam thanh niên nhảy cầu Tân Hóa sau khi nhận được 40 nghìn lượt thích hay một người khác tự thiêu khi có được điều tương tự. Đây đều là những hành động mù quáng, gây tổn hại cho bản thân cũng như tác động tiêu cực tới xã hội. Bởi vậy, tất cả chúng ta cần nghiêm túc lên án những hiện tượng này, cẩn trọng khi ấn từng nút "like", từng lời bình luận và trân trọng hơn những giá trị đích thực của cuộc sống. Mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Hãy sử dụng một cách thông minh và chắc chắn nó sẽ đem lại cho bạn nhiều lợi ích.

    Câu 3.


    Phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng. Từ đó có suy nghĩ gì về tình cảm cha con trong chiến tranh.

    Truyện ngắn "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một truyện cảm động về tình cha con của những gia đình Việt Nam mà ở đó "lớp cha trước, lớp con sau, đã thành đồng chí chung câu quân hành". Trong truyện đoạn cảm động nhất là đoạn "ba ngày nghỉ phép về quê của anh Sá u".

    Năm 1946, năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, anh Sáu lên đường theo tiếng gọi của quê hương. Bấy giờ, bé Thu, con gái anh chưa đầy một tuổi. Chín năm đằng đẳng xa quê, xa nhà, anh Sáu vẫn mong có một ngày trở về quê gặp lại vợ con. Thế rồi, kháng chiến thắng lợi, anh được nghỉ 3 ngày phép về thăm quê, một làng nhỏ bên bờ sông Cửu Long. Về đến nhà, anh tưởng tượng bé Thu - con gái anh sẽ rất vui mừng khi được gặp cha. Giờ đây, nó cũng đã mười tuổi rồi còn gì. Mang một nỗi niềm rạo rực, phấn chấn, anh nôn nóng cho mau về đến nhà.

    Không chờ xuồng cập bến, anh đã nhảy lên bờ vừa bước, vừa gọi: "Thu! Con !" thật tha thiết. Ta co thể tưởng tượng nỗi vui sướng của anh như thế nào. Khi anh vừa bước đi, vừa lom khom người xuống đưa tay chờ con. Thế nhưng ngược lại với những điều anh Sáu mong chờ.

    Bé Thu tròn mắt nhìn anh ngạc nhiên rồi bỏ chạy. Phản ứng của bé Thu khiến anh Sáu sửng sờ, đau khổ. Còn gì đáng buồn hơn khi đứa con mà anh hết lòng thương yêu và khắc khoải từng ngày để được gặp mặt, giờ đây trở nên xa lạ đến mức phũ phàng ấy.

    Thế rồi, anh Sáu tìm mọi cách gặp con để làm quen dần vì anh nghĩ rằng khi anh đi nó vừa mấy tháng tuổi nên nó lạ. Anh mong sao nó gọi một tiếng "ba", vào ăn cơm nó chỉ nói trống không "Vô ăn cơm !"

    Bữa sau, cũng là ngày phép thứ hai, bé Thu trông hộ mẹ nồi cơm để chị Sáu chạy mua thức ăn. Trước khi đi, chị Sáu dặn nó có gì cần thì gọi ba giúp cho. Nồi cơm quá to mà bé thu thì còn nhỏ, vậy mà khi nồi cơm sôi không tìm được cách nào để chắt nước, loay hoay mãi, nó nhìn anh Sáu một lúc rồi kêu lên: "Cơm sôi rồi, chắt nước dùm cái !" anh Sáu vẫn ngồi im, chờ đợi sự thay đổi của nó. Thế nhưng, nó nghĩ ra cách lấy vá múc ra từng vá nước chứ nhất định không chịu gọi anh Sáu bàng "Ba". Con bé thật đáo để!

    Đến bữa ăn cơm, anh Sáu gắp cho bé Thu một cái trứng cá to, vàng bỏ vào chén. Lúc đầu nó để đó rồi bất thần hất cái trứng ra làm cơm đổ tung toé. Giận quá, không kìm được nữa, anh Sáu vung tay đánh vào mông nó. Thế là bé Thu vội chạy ra xuồng mở "lòi tói" rồi bơi qua sông lên nhà bà ngoại.

    Phép chỉ còn ngày cuối cùng, anh Sáu phải trở về đơn vị để nhận nhiệm vụ mới. Bao nhiêu mơ ước được hôn, ôm con vào lòng từ bấy lâu nay của anh Sáu giờ chỉ càng làm cho anh thêm đau lòng và gần như anh không còn để ý đến nó nữa.

    Thân nhân, họ hàng đến chia tay anh cũng khá đông nên anh cứ bịn rịn mãi. Chị Sáu cũng lo sắp xếp đồ đạc cho chồng, không ai quan tâm bé Thu đang đứng bơ vơ một mình bên cửa nhà. Thì ra nó theo bà ngoại trở về vì bà ngoại sang đây để tiễn chân anh Sáu. Giờ này, trên gương mặt Thu không còn cái vẻ bướng bỉnh, ương ngạnh nữa, mà thoáng một nét buồn trông đến dễ thương. Nó nhìn mọi người, nhìn anh Sáu. Đến lúc mang ba lô và bắt tay với mọi người, anh Sáu mới nhìn quanh tìm bé Thu. Thấy con, dường như mọi việc trong ba ngày phép hiện lên trong anh nên anh chỉ đứng nhìn con với bao nỗi xót xa.. cuối cùng, anh cũng phải nói lên lời chia tay với con mà không hy vọng bé Thu sẽ gọi một tiếng "ba" thiêng liêng ấy.

    Thật là đột ngột và không ngờ, bé Thu chạy đến bên anh Sáu và tiếng "Ba !" được thốt lên thật cảm động biết nhường nào. Nó ôm chầm thật chặt như không muốn rời ba nữa. Nó khóc, khóc thật nhiều và thét lên những lời khiến mọi người xung quanh đều xúc động: "Không cho ba đi nữa, ba ở nhà với con !"

    Sung sướng, hạnh phúc và cũng thật đau lòng, anh Sáu cũng chỉ biết ôm con và khóc cùng với con. Rồi cũng đến lúc phải chia tay, thật bịn rịn vô cùng. Vừa mới nhận được tiếng "ba" của đứa con thân yêu cũng là lúc phải nghẹn ngào chia tay với con để trở về đơn vị làm tròn trách nhiệm khi đang ở quân ngũ.

    Trước kia anh Sáu đã thương con, giờ đây anh càng thương con gấp bội. Bởi lẽ anh đã hiểu lí do vì sao bé Thu quyết định từ chối không gọi anh bằng "ba" từ ba hôm nay.

    Làm sao chấp nhận một người xa lạ mà khuôn mặt không giống trong tấm ảnh mà mẹ nó thường ngày vẫn nói với nó đó là "ba" được. Chính vết sẹo quái ác kia đã làm cho bé Thu không nhận anh Sáu, hằn học với anh Sáu. Sau khi hiểu rõ nguyên nhân của vết sẹo hằn trên gương mặt của ba, bé Thu mới thấy hổ thẹn và ăn năn. Tình cảm cha con bỗng dâng đầy, tràn ngập trong lòng em. Tình cảm đó được thể hiện bằng thái độ, cử chỉ dồn dập, gấp rút khi nó gọi và ôm chầm lấy anh Sáu.

    Ba ngày phép ngắn ngủi nhưng lại rất ngặng nề với anh Sáu và bé Thu. Nghịch cảnh này là một trong muôn ngàn nghịch cảnh khác mà đã có biết bao gia đình phải ngậm ngùi vì những ngộ nhận đáng thương. Đó cũng là một sự thật đau lòng của nước Việt Nam ta trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

    ĐỀ 2

    I. Trắc nghiệm.

    Câu 1: Câu văn nào khái quát được vẻ đẹp toàn diện của nhân vật Vũ Nương?

    A. Vũ Thị Thiết, ngườì con gái quê ở Nam Xương, tính đã thuỳ mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp.

    B. Nàng giữ gìn khuân phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải thất hòa

    C. Nàng hết sức thuốc thang lễ bái thần phật lấy lời ngon ngọt khôn khéo khuyên lơn.

    D. Nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ của mình.

    Câu 2: Từ "xanh" trong câu "sau này, trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ" dùng để chỉ cái gì?

    A. Mặt đất. C. Ông trời.

    B. Mặt trăng D. Thiên nhiên.

    Câu 3: Các từ "hoa" trong những câu thơ sau, từ nào được dùng theo nghĩa gốc?

    A. Năng lòng xót liễu vì hoa

    Trẻ thơ đã biết đâu mà dám thưa.

    B. Cỏ non xanh rơn chân trời

    Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

    C. Đừng điều nguyệt nọ hoa kia

    Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai.

    D. Cửa sài vừa ngỏ then hoa

    Gia đồng vào giử thư nhà mới sang.

    (Nguyễn Du - Truyện Kiều)

    Câu 4: Tên tác phẩm "Hoàng Lê nhất thống chí" có nghĩa là gì?

    A. Vua Lê nhất định thống nhất đất nước.

    B. Ý chí thống nhất đất nước của vua Lê.

    C. Ghi chép lại việc vua Lê thống nhất đất nước.

    D. Ý chí trước sau như một của vua Lê.

    Câu 5: Chi tiết nào nói lên sự sáng suốt của vua Quan Trung trong việc xét đoán và dùng người?

    A. Cách xử trí với các tướng sĩ tại Tam Điệp.

    B. Phủ dụ quân lính tại Nghệ An.

    C. Thân chinh cầm quân ra trận.

    D. Sai mở tiệc khao quân.

    Câu 6: Dòng nào nói không đúng về nghệ thuật của Truyện Kiều?

    A. Sử dụng ngôn ngữ dân tộc và thể thơ lục bát một cách điêu luyện.

    B. Trình bày diễn biến sự việc theo chương hồi.

    C. Có nghệ thuật dẫn chyện hấp dẫn.

    D. Nghệ thuật tả cảnh thiên nhiên và tả cảnh ngụ tình đặc sắc.

    Câu 7: Câu thơ "Mai cốt cách tuyết tinh thần" nói lên nội dung gì?

    A. Miêu tà vẻ đẹp của cây mai và tuyết trắng.

    B. Gợi tả vẻ đẹp duyên dáng, thanh cao, trong trắng của người thiếu nữ.

    C. Nói lên cốt cách và tinh thần trong sáng của nhà thơ.

    D. Gới thiệu vẻ đẹp chung của người phụ nữ trong xã hội cũ.

    Câu 8: Theo em, vì sao tác giả miêu tả vẻ đẹp Thuý Vân trước, vẻ đẹp Thúy Kiều sau?

    A. Vì Thuý Vân không phải là nhân vật chính.

    B. Vì Thúy Vân đẹp hơn Thuý Kiều.

    C. Vì tác giả muốn làm nổi bật vẻ đẹp Thuý Kiều.

    D. Vì tác giả muốn đề cao Thuý Vân.

    II Tập làm văn

    Câu 1. Viết đoạn văn nghị luận bàn về vấn đề: "Biết lắng nghe"

    Câu 2. Phân tích vẻ đẹp của tình đồng chí trong đoạn thơ sau trích bài thơ "Đồng chí" của nhà thơ Chính Hữu.

    "Ruộng nương anh..

    * * *

    * * * tay nắm lấy bàn tay"

    * * *Hết*********************************

    ĐÁP ÁN

    I. Trắc Nghiệm.

    1 – A

    2 – C

    3 – B

    4 – C

    5 – A

    6 – B

    7 – B

    8 – C

    II.

    Câu 1. Biết lắng nghe.

    Trong cuộc sống muôn màu muôn điệu, đan xen hòa lẫn trong nhưng điều tốt đẹp còn không thiếu những điều còn đáng phải băn khoăn suy nghĩ nếu không muốn nói là xấu xa và tiêu cực. Vậy để tránh được những điều xấu xa, tiêu cực và làm cho những điều tốt đẹp ngày càng được nhân lên trong cuộc sống thì mỗi chúng ta phải biết lắng nghe. Lắng nghe là hiểu, đồng cảm, cảm nhận, sẻ chia.. với người khác trong cuộc sống. Biết lắng nghe là biết chia sẻ, đồng cảm.. Khi lắng nghe con người có thể hiểu biết hơn về người khác, có sự đồng cảm, đồng điệu, bao dung, giúp đỡ.. Biết lắng nghe con người có thể thấy được những nhận xét, đánh giá của người khác về bản thân, có cái nhìn khách quan, toàn diện về bản thân từ đó phát huy mặt mạnh, hạn chế, khắc phục mặt yếu. Không chỉ lắng nghe người khác mỗi người còn cần phải lắng nghe chính mình xem mình đang ở đâu, muốn gì, ra sao, thế nào.. để từ đó có những định hướng tốt đẹp hơn trong suy nghĩ và trong hành động. Chúng ta phải biết phê phán những người không biết lắng nghe: Tự cao tự đại, bảo thủ.. dẫn đến bị cô lập và không có kết quả tốt trong các hành động của mình. Mỗi học sinh cần biết lắng nghe những lời hay lẽ phải từ thầy cô, bạn bè, từ người thân trong gia đình và những người đã thành đạt trong xã hội để từ đó trở thành những tấm gương học sinh tiêu biểu ở mỗi trường, mỗi lớp và mang lại niềm tự hào cho bản thân, gí đình, nhà trường và xã hội.

    Câu 2: Phân tích phần 2 bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu.

    1. Tác giả

    - Chính Hữu tên là Trần Đình Đắc, sinh năm 1926, quê ở Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

    - Ông tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ. Từ người lính Trung đoàn Thủ đô trở thành nhà thơ quân đội. - Chính Hữu làm thơ không nhiều, thơ ông thường viết về người lính và chiến tranh, đặc biệt là những tình cảm cao đẹp của người lính, như tình đồng chí, đồng đội, tình quê hương đất nước, sự gắn bó giữa tiền tuyến và hậu phương.

    - Thơ ông có những bài đặc sắc, giàu hình ảnh, cảm xúc dồn nén, ngôn ngữ cô đọng, hàm súc.

    - Chính Hữu được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.

    2. Tác phẩm

    - *Hoàn cảnh: Bài "Đồng chí" sáng tác đầu năm 1948, sau khi tác giả cùng đồng đội tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc (thu đông năm 1947) đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của giặc Pháp lên chiến khu Việt Bắc. Trong chiến dịch ấy, cũng như những năm đầu của cuộc kháng chiến, bộ đội ta còn hết sức thiếu thốn. Nhưng nhờ tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu và tình đồng chí, đồng đội, họ đã vượt qua tất cả để làm nên chiến thắng. Sau chiến dịch này, Chính Hữu viết bài thơ "Đồng chí" vào đầu năm 1948, tại nơi ông phải nằm điều trị bệnh. Bài thơ là kết quả của những trải nghiệm thực và những cảm xúc sâu xa, mạnh mẽ, tha thiết của tác giả với đồng đội, đồng chí của mình trong chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947)

    - Bài thơ là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất viết về người lính cách mang của văn học thời kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954).

    - Bài thơ đi theo khuynh hướng: Cảm hứng thơ hướng về chất thực của đời sống kháng chiến, khai thác cái đẹp, chất thơ trong cái bình dị, bình thường, không nhấn mạnh cái phi thường.

    - Bài thơ nói về tình đồng chí, đồng đội thắm thiết, sâu nặng của những người lính cách mạng – mà phần lớn họ đều xuất thân từ nông dân. Đồng thời bài thơ cũng làm hiện lên hình ảnh chân thực, giản dị mà cao đẹp của anh bộ đội trong thời kì của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn rất khó khăn, thiếu thốn. (Đó là hai nội dung được đan cài và thống nhất với nhau trong cả bài thơ)

    - Chi tiết, hình ảnh, ngôn ngữ giản dị, chân thực, cô đọng, giàu sức biểu cảm.

    3. Phương thức biểu đạt

    - Miêu tả-biểu cảm

    4. Thể thơ

    - Tự do.

    5. Bố cục

    Bài thơ có thể chia thành 3 phần:

    7 câu thơ đầu: Cơ sở hình thành tình đồng chí đồng đội.

    10 câu tiếp: Biểu hiện sức mạnh của tình đồng chí đồng đội.

    3 câu cuối: Biểu tượng của tình đồng chí.

    III. Iìm hiểu bài thơ

    1. Nội dung

    - Cơ sở tạo nên tình đồng chí cao đẹp.

    +Cùng chung cảnh ngộ- vốn là những người nông dân nghèo từ những miền quê hương "nươcs mặn đồng chua", "đất cày lên sỏi đá"

    +Cùng chung lí tưởng, chung chiến hào chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc.

    - Những biểu hiện của tình đồng chí trong chiến đấu gian khổ.

    +Cùng chung một nỗi niềm nhớ quê hương.

    +Sát cánh bất chấp những gian khổ thiếu thốn

    2. Nghệ thuật:

    - Sử dụng ngôn ngữ bình dị, thấm đượm chất dân gian, thể hiện tình cảm chân thành.

    +Sử dụng bút pháp tả thực kết hợp với lãng mạn một cách hài hòa, tạo nên hình ảnh thơ đẹp, mang ý nghĩa biểu tượng.

    IV. Nội dung chính

    1. Khổ thơ 1: Cơ sở hình thành tình đồng chí.

    Quê hương anh nước mặn đồng chua

    Làng tôi nghèo đất cày trên sỏi đá

    - Giới thiệu như một lời trò chuyện tâm tình.

    - Thành ngữ "nước mặn đồng chua" gợi tả địa phương, vùng miền.

    - "Đất cày trên sỏi đá" gợi tả cái đói, cái nghèo như có từ trong lòng đất, làn nước.

    - Anh bộ đội Cụ Hồ là những người có nguồn gốc xuất thân từ nông dân (cơ sở của tình đồng chí đồng đội)

    - Các anh từ khắp mọi miền quê nghèo của đất nước, từ miền núi, trung du, đồng bằng, miền biển, họ là những người nông dân mặc áo lính.

    - Họ chung mục đích, chung lý tưởng cao đẹp.

    "Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ".

    - Tình đồng chí đồng đội nảy nở và trở nên bền chặt trong sự chan hòa chia se mọi gian lao cũng như niềm vui, đó là tình cảm tri kỷ của những người bạn, những người đồng chí.

    - Đồng chí là những người cùng chung lý tưởng cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc.

    - Câu đặc biệt chỉ có 2 tiếng như khép lại tình yêu đặc biệt cảu khổ thơ 1.. nó như dồn nén, chất chứa, bật ra thật thân thiết và thiêng liêng như tiếng gọi tha thiết của đồng đội, ấm áp và xúc động là cao trào của mọi cảm xúc, mở ra những gì chứa đựng ở những câu sau.

    2. Muời câu thơ tiếp: Biểu hiện của tình đồng chí đồng đội

    Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

    Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

    Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính

    - Những hình ảnh gần gũi thân quen gắn bó thân thiết với người dân, đối với người nông dân thì ruộng nương, mái nhà là những gì quý giá nhất gắn bó máu thịt nhất với họ, họ không dễ gì từ bỏ được

    - "Mặc kệ" vốn là từ chỉ thái độ vô trách nhiệm, trong bài thơ từ "mặc kệ" lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác - chỉ thái độ ra đi một cách dứt khoát, không vướng bận khi mang dáng dấp của một kẻ trượng phu, cũng là sự thể hiện một sự hy sinh lớn, một trách nhiệm lớn với non sông đất nước, bởi họ ý thức sâu sắc về việc họ làm:

    Ta hiểu vì sao ta chiến đấu

    Ta hiểu vì sao ta hiến máu.

    "Giếng nước, gốc đa" là hình ảnh nhân hóa, hoán dụ, chỉ quê hương, người thân nhớ về các anh, nỗi nhớ của người hậu phương.

    Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh

    Sốt run người.. chân không giày.

    - Bút pháp miêu tả hết sức chân thực, mộc mạc, giản dị, câu thơ như dựng lại vả một thời kỳ lịch sử gian khổ khốc liệt nhất của chiến tranh những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp

    Vũ khí, trang bị, quân trang, quân dụng, thuốc men.. đều thiếu thốn. Đây là thời kỳ cam go khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp.

    - Chính Hữu đã không hề né tránh, không hề giấu giếm mà khắc họa một cách chân thực rõ nét chân dung anh Bộ đội Cụ Hồ (Chính Hữu từng tâm sự: Không thể viết quá xa về người lính vì như vậy là vô trách nhiệm với đồng độ, với những người đã chết và những người đang chiến đấu).

    - Chia sẻ cuộc sống khó khăn gian khổ nơi chiến trường bằng tình cảm yêu thương gắn bó.

    "Thương nhau tay nắm lấy bàn tay"

    Hình ảnh rất thực, rất đời thường, mộc mạc, giản dị chứa đựng bao điều:

    - Sự chân thành cảm thông

    - Hơi ấm đồng đội

    - Lời thề quyết tâm chiến đấu, chiến thắng

    - Sự chia sẻ, lặng lẽ, lắng sâu

    3. Ba câu cuối: Biểu tượng của tình đồng chí đồng đội

    - Trong cái vắng lặng của rừng hoang sương muối, cái tê buốt giá rét luồn vào da thịt, cái căng thẳng của trận đánh sắp tới, người lính vẫn hiện lên với một vẻ đẹp độc đáo, vầng trăng lơ lửng chông chênh trong cái mênh mông bát ngát.

    - Từ "treo" đột ngột nối liền bầu trời với mặt đất thật bất ngờ và lý thú.

    Hình ảnh cô đọng, gợi cảm, nổi bật biểu tượng vẻ đẹp về tình đồng chí đồng đội, về cuộc đời người chiến sĩ.

    *Tổng kết

    +. Về nghệ thuật

    Từ ngữ, hình ảnh chân thực, gợi tả, cô đọng, hàm xúc, giàu sức khái quát, có ý nghĩa sâu sắc.

    +. Về nội dung

    Bài thơ ca ngợi tình đồng chí đồng đội keo sơn gắn bó, ấm áp của các anh Bộ đội Cụ Hồ trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

    ĐỀ 3


    I. Trắc nghiệm

    Câu 1: Câu thơ "Làn thu thuỷ nét xuân sơn" miêu tả vẻ đẹp nào của Thuý Kiều?

    A. Vẻ đẹp của đôi mắt.

    B. Vẻ đẹp của làn da.

    C. Vẻ đẹp của mái tóc.

    D. Vẻ đẹp của dáng đi.


    Câu 2: Cụm từ "Nghề riêng" nói về cái tài nào của Thuý Kiều?

    A. Tài chơi cờ C. Tài đánh đàn.

    B. Tài làm thơ. D. Tài vẽ.


    Câu 3: Qua cung đàn mà Kiều sáng tác, em hiểu thêm điều gì về nhân vật này?

    A. Là người luôn vui vẻ, tươi tắn.

    B. Là người có trái tim đa sầu đa cảm.

    C. Là người gắn bó với gia đình.

    D. Là người có tình yêu chung thuỷ.


    Câu 4: Nội dung chính của đoạn trích "Cảnh ngày xuân là gì"?

    A. Tả lại vẻ đẹp của chị em Thuý Kiều.

    B. Tả lại cảnh chị em Thúy Kiều đi chơi xuân.

    C. Tả cảnh mọi người đi lễ hội trong tiết thanh minh.

    D. Tả lại cảnh thiên nhiên mùa xuân rực rỡ.


    Câu 5: Cụm từ "Khóa xuân" trong câu "Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân" được hiểu là gì?

    A. Mùa xuân đã hết.

    B. Khóa kín tuổi xuân.

    C. Bỏ phí tuổi xuân.

    D. Tuổi xuân đã tàn phai.


    Câu 06: Cụm từ "tấm son" trong câu thơ "Tấm son gột rửa bao giờ cho phai" sử dụng cách nói nào?

    A. Ẩn dụ. C. Nhân hóa

    B. Hoán dụ. D. So sánh.


    Câu 7: Các từ "sân lai", "gốc tử" được gọi là gì?

    A. Các định ngữ. C. Các vị ngữ.

    B. Các điển cổ D. Các chủ ngữ.


    Câu 8: Trong các câu sau, câu nào sai về lỗi dùng từ?

    A. Khủng long là loài động vật đã bị tuyệt tự.

    B. Truyện Kiều là một tuyệt tác văn học bằng chữ Nôm của Nguyễn Du.

    C. Ba tôi là người chuyên nghiên cứu những hồ sơ tuyệt mật.

    D. Cô ấy có vẻ đẹp tuyệt trần.


    II. Làm văn

    Câu 1: Viết đoạn văn nêu suy nghĩ của em về lời cảm ơn trong cuộc sống. Trong đoạn văn có một câu ghép. Viết riêng câu ghép ấy ra và phân tích biểu đồ kết cấu câu ghép ấy.

    Câu 2: Phân tích nhân vật "Anh thanh niên" trong tác phẩm "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long.


    ĐÁP ÁN

    I. TRẮC NGHIỆM

    1 – A

    2 – C

    3 – B

    4 – B

    5 – B

    6 – A

    7 – B

    8 – A


    II. LÀM VĂN

    Câu 1: Lời cảm ơn trong cuộc sống.

    Có khi nào bạn tự hỏi rằng từ bé đến lớn bạn đã nói lời cảm ơn bao nhiêu lần chưa? Lời cảm ơn có lẽ là một trong những lời nói chân thành nhất xuất phát từ trái tim từ tấm lòng của chính mình. Cảm ơn là một thái độ trân trọng biết ơn những gì mà người khác đã làm cho ta đem lại cho ta những điều tốt đẹp. Cảm ơn chính là một cách thể hiện tình cảm, lối ứng xử lịch sự, lễ phép, biết tôn trọng đến những người xung quanh mình. Văn hóa cảm ơn chính là nét đẹp vốn có của một con người. Lời cảm ơn dù chỉ là bé nhỏ nhưng lại có thể đánh giá được nhân phẩm của một con người. Thế giới sẽ đẹp hơn rất nhiều nếu ta biết cảm ơn ta biết trân trọng những thành quả mà người khác đã làm cho ta. Nét đẹp của lối sống này diễn ra thường xuyên biểu hiện ở lời nói, cử chỉ, hành động và nằm ngay trong chính tình cảm của mỗi người. Cảm ơn thực ra chỉ là một cách hành xử biết điều, lễ phép, lịch sự. Nét đẹp này không phô trương ra bên ngoài nhưng lại khiến người xung quanh yêu quý mình. Hằng ngày chúng ta gặp gỡ bao nhiêu chuyện, tiếp xúc bao nhiêu chuyện. Lời cảm ơn khi được bạn bè giúp đỡ, cảm ơn khi đi lạc đường được một người lạ chỉ giúp, cảm ơn vì hôm nay xe thủng xăm và có người đưa mình về. Chỉ là một lời nói đơn giản và rất dễ dàng thể hiện. Hoặc đơn giản hơn là nói lời cảm ơn ba mẹ vì đã nuôi dạy mình lớn khôn, có thể tự lập được. Nhưng dường như lời nói cảm ơn với ba mẹ lại khó khăn vì bạn nghĩ nó sáo rỗng, không thật. Đây là lời cảm ơn chân thành nhất mà ba mẹ vẫn mong một lần con cái sẽ nói với mình. Giá như ai cũng biết nói lời cảm ơn thì thế giới sẽ toàn là màu hồng, ai cũng sẽ hết lòng vì người khác. Xã hội sẽ tiến bộ hơn văn minh hơn. Giữa người với người sẽ tràn ngập yêu thương. Hãy nói cảm ơn với tất cả và đặc biệt là cảm ơn những thất bại vì chính những thất bại ấy đã cho ta thêm kinh nghiệm để có những thành công sau này. Những người trẻ chúng ta phải học để nói lời cảm ơn. Nó không chỉ là một truyền thống tốt đẹp mà nó còn là những cư xử đẹp để mọi người yêu thương và chia sẻ cho nhau nhiều hơn. Vậy hãy cảm ơn và đừng ngần ngại nói lời cảm ơn với tất cả yêu thương.

    Câu 2: Nhân vật anh thanh niên.

    A) Mở bài:

    - Tác giả: - Nguyễn Thành Long (1925 – 1991), viết văn từ thời kì kháng chiến chống Pháp. Ông là cây bút chuyên viết truyện ngắn và kí. Ông là một cây bút cần mẫn và nghiêm túc trong lao động nghệ thuật, lại rất coi trọng thâm nhập thực tế đời sống. Sáng tác của Nguyễn Thành Long hầu như chỉ viết về những vẻ đẹp bình dị của con người và thiên nhiên đất nước.

    - Truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" là kết quả của chuyến đi lên Lào Cai trong mùa hè năm 1970 của tác giả. Truyện rút từ tập "Giữa trong xanh" in năm 1972.

    - Cảm nhận chung về nhân vật anh thanh niên. 'Trong cái im lặng của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghĩ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước "


    b. Thân bài:

    - Anh thanh niên là nhân vật trung tâm của truyện, chỉ xuất hiện trong giây lát nhưng vẫn là điểm sáng nổi bật nhất trong bức tranh mà tác giả thể hiện.

    - Hoàn cảnh sống và làm việc: Một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 mét, với công việc" đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày ". Công việc đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác và có tinh thần trách nhiệm cao.

    - Gian khổ nhất đối với anh là phải sống trong hoàn cảnh cô độc, một mình trên đỉnh núi cao hàng tháng hàng năm. Điều ấy khiến anh trở thành một trong những người" cô độc nhất thế gian "và thèm người đến nỗi thỉnh thoảng phải ngăn cây chặn đường dừng xe khách qua núi để gặp người trò chuyện.

    - Ý thức công việc và lòng yêu nghề của mình. Thấy được công việc lặng thầm này là có ích cho cuộc sống và cho mọi người (cụ thể khi ấy là phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mĩ; Góp phần bắn rơi nhiều máy bay Mĩ trên cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa). Anh thấy cuộc sống và công việc của mình thật có ‎ ý nghĩa, thật hạnh phúc.

    - Yêu sách và rất ham đọc sách – những người thầy, người bạn tốt lúc nào cũng sẵn sàng bên anh.

    - Anh không cảm thấy cô đơn vì biết tổ chức, sắp xếp cuộc sống khoa học, ngăn nắp, chủ động, ngoài công việc anh còn chăm hoa, nuôi gà, nhà cửa và nơi làm việc nhỏ nhắn, xinh xắn, gọn gàng và khá đẹp.

    - Ở người thanh niên ấy còn có những nét tính cách và phẩm chất rất đáng quí: Sự cởi mở, chân thành, rất quí trọng tình cảm con người, khao khát gặp gỡ mọi người.

    - Anh còn là người rất khiêm tốn, thành thực. Cảm thấy công việc và những lời giới thiệu nhiệt tình của bác lái xe về mình là chưa xứng đáng, đóng góp của mình chỉ là bình thường nhỏ bé so với bao nhiêu người khác. Khi ông họa sĩ muốn kí họa chân dung, anh từ chối, e ngại và giới thiệu những người khác cho ông vẽ.

    - Anh còn là người rất ân cần chu đáo, hiếu khách: Trao gói tam thất cho bác lái xe, tiếp đón nồng nhiệt, chân thành tự nhiên với ông học sĩ và cô kĩ sư, tặng hoa, tặng làn trứng tươi cho hai vị khách quí..


    c. Kết bài:

    Chỉ qua một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, qua cảm nhận của các nhân vật khác, chân dung tinh thần của người thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu đã hiện lên rõ nét và đầy sức thuyết phục với những phẩm chất tốt đẹp, trong sáng về tinh thần, tình cảm, cách sống và những suy nghĩ về nghề nghiệp, cuộc sống. Đó là một trong những con người lao động trẻ tuổi, làm công việc lặng lẽ mà vô cùng cần thiết, có ích cho nhân dân, đất nước.



    ĐỀ 4


    I TRẮC NGHIỆM

    Câu 1: Câu thơ" Mặt như chàm đổ, mình dường dẽ run "sử dụng biện pháp tu từ nào?

    A. So sánh. C. Hoán dụ.

    B. Nhân hóa D. Liệt kê.


    Câu 2: Em có nhận xét gì về tính cách Hoạn Thư qua những lời đối đáp với Thuý Kiều.

    A. Nhu nhược, hèn nhát.

    B. Khôn ngoan, giảo hoạt.

    C. Mưu mô, cơ hội.

    D. Hiền lành, thật thà.


    Câu 3: Em có nhận xét gì về cuộc sộng ông ngư được miêu tả trong đoạn trích" Lục Vân Tiên gặp nạn "?

    A. Đó là cuộc sống nhiều khó khăn, nghèo khổ.

    B. Đó là cuộc sống trong sạch, tự do, ngoài vòng danh lợi.

    C. Đó là cuộc sống hoàn toàn thơ mộng không có thực.

    D. Đó là cuộc sống bình thường.


    Câu 4: Các tình tiết trong đoạn trích" Lục Vân Tiên gặp nạn "giống với mô típ nào trong truyện cổ dân gian mà em biết?

    A. Người tốt bị hãm hại nhưng lại được cứu giúp hỗ trợ.

    B. Người nghèo khổ nhưng chăm chỉ nên được dền bù xứng đáng.

    C. Người xinh đẹp nhưng đội lốt xấu xí.


    Câu 5: Nhận định nào nói đúng nguồn gốc của từ" Đồng chí "

    A. Là những người cùng một giống nòi.

    B. Là những người sống cùng một thời đại.

    C. Là những người bạn thân thiết.

    D. Là những người cùng một chí hướng chính trị.


    Câu 6: Cụm từ" súng bên súng "nói lên điều gì?

    A. Những người lính cùng chung nhiệm vụ chiến đấu.

    B. Tả thực những khẩu súng nằm cạnh bên nhau.

    C. Nói lên sự đụng độ giữa quân ta và quân địch.

    D. Những người lính đang canh gác trên chiến hào.


    Câu 7: Từ" đầu "trong dòng nào sau đây được dùng theo nghĩa gốc?

    A. Đầu bạc răng long.

    B. Đầu súng trăng treo.

    C. Đầu non cuối bể.

    D. Đầu sóng ngọn gió.


    Câu 8: Giọng điệu của" Bài thơ về tiểu đội xe không kính "là:

    A. Ngang tàng, phóng khoáng, pha chút nghịch ngợm, phù hợp với đối tượng được miêu tả.

    B. Trữ tình, nhẹ nhàng, phù hợp với đối tượng được miêu tả.

    C. Sâu lắng, nhẹ nhàng, phù hợp với đối tượng được miêu tả.

    D. Hào hứng, hoành tráng, phù hợp với đối tượng được miêu tả.


    II. LÀM VĂN

    Câu 1: Viết đoạn văn suy nghĩ về câu tục ngữ" Có chí thì nên ". Trong đoạn văn có sử dụng một thành phần biệt lập. Chỉ ra và gọi tên thành phần biệt lập ấy?

    Câu 2: Phân tích khổ 1, 2 và khổ cuối bài thơ" Đoàn thuyền đánh cá "của Huy Cận.

    HẾT

    ĐỀ 5

    I. Trắc nghiệm

    Câu 1: Tác giả của bài thơ" Mây và sóng "là của:

    A. Ta-go

    B. Pus-kin

    C. Ô. Hen-ry

    D. M. Gor-ki

    Câu 2: Nhân vật trữ tình của bài thơ" Mây và sóng "là:

    A. Mây

    B. Sóng

    C. Em bé

    D. Mẹ

    Câu 3: Em bé trong bài" Mây và sóng "có nhu cầu gì khi nói rằng" Nhưng làm thế nào mình

    Lên đó được? "

    A. Muốn đi chơi cùng mây.

    B. Muốn đi chơi cùng mây và cùng mẹ.

    C. Không muốn đi chơi mà ờ nhà với mẹ dù rất muốn đi.

    D. Ý A và B là ý đúng.

    Câu 4: Theo em, khi nghe em bé từ chối lời rủ của mây, người mẹ sẽ có thái độ thế nào?

    A. Vui vì con ngoan.

    B. Có thể cho phép con đi chơi, vì yêu con.

    C. Mẹ muốn đi chơi nhưng có mình cùng đi.

    D. Ý A và B là ý đúng.

    Câu 5: Tác giả" Những ngôi sao xa xôi "là:

    A. Ông Lê Minh Khuê

    B. Bà Lê Minh Khuê

    C. Nguyễn Minh Châu

    D. Nguyễn Thành Long

    Câu 6: Nhan đề của truyện là" Nhưng ngôi sao xa xôi ". Theo em, tên truyện mang ý nghĩa

    Nào?

    A. Hoán dụ

    B. Liên tưởng

    C. So sánh.

    D. Ẩn dụ

    Câu 7: Theo em cách hiểu như trên, nhân vật nào là" Những ngôi sao xa xôi "

    A. Chị Phương Định.

    B. Chị Thao

    C. Nho

    D. Cả 3 nhân vật trên.

    Câu 8: Qua truyện" Những ngôi sao xa xôi ", em thu nhận được những điểm mới nào trong

    Cách kể chuyện của tác giả?

    A. Giong trần thuật tự nhiên.

    B. Câu văn linh hoạt, phóng túng.

    II. Làm Văn

    Câu 1.
    Viết đoạn suy nghĩ về" Bệnh vô cảm "hiện nay. Trong đoạn văn có sử dụng một phép liên kết câu về mặt hình thức.

    Câu 2. Phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai trong tác phẩm" Làng "của nhà văn Kim Lân

    ĐỀ 6

    Câu 1 :(4, 0 điểm) Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

    " Cái mạnh của con người Việt Nam không chỉ chúng ta nhận biết mà cả thế giới đều thừa nhận là sự thông minh, nhạy bén với cái mới. Bản chất trời phú ấy rất có ích trong xã hội ngày mai mà sự sáng tạo là một yêu cầu hàng đầu. Nhưng bên cạnh cái mạnh đó cũng còn tồn tại không ít cái yếu. Ấy là những lỗ hổng về kiến thức cơ bản do thiên hướng chạy theo những môn học "thời thượng", nhất là khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề. Không nhanh chóng lấp những lỗ hổng này thì thật khó bề phát huy trí thông minh vốn có và không thể thích ứng với nền kinh tế mới chứa đựng đầy tri thức cơ bản và biến đổi không ngừng ".

    (Ngữ văn 9 tập 1)

    1. Đoạn trích trên trích trong văn bản nào.

    A. Phong cách Hồ Chí Minh.

    B. Tuyên bố thế giới về sự sống còn quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em.

    C. Tiếng nói của văn nghệ

    D. Hành trang vào thế kỷ mới

    2. Tác giả của văn bản có đoạn trích trên là ai

    A. Lê Anh Trà B. Nguyễn Đình Thi

    C. Vũ Khoan D. Đặng Thai Mai

    3. Phương thức biểu đạt của đoạn văn trên là gì

    A. Tự sự B. Nghị luận

    C. Miêu tả D. Thuyết minh.

    4. Nội dung chính của đoạn văn trên là

    A. Cái mạnh của con người Việt Nam

    B. Cái yếu của con người Việt Nam

    C. Cái mạnh và cái yếu của con người Việt Nam

    D. Sự sáng tạo của con người Việt Nam

    5. Chủ đề đoạn văn nằm ở câu nào dưới đây

    A. Cái mạnh của con người Việt Nam không chỉ chúng ta nhận biết mà cả thế giới đều thừa nhận là sự thông minh, nhạy bén với cái mới.

    B. Bản chất trời phú ấy rất có ích trong xã hội ngày mai mà sự sáng tạo là một yêu cầu hàng đầu.

    C. Nhưng bên cạnh cái mạnh đó cũng còn tồn tại không ít cái yếu.

    D. Không nhanh chóng lấp những lỗ hổng này thì thật khó bề phát huy trí thông minh vốn có và không thể thích ứng với nền kinh tế mới chứa đựng đầy tri thức cơ bản và biến đổi không ngừng.

    6. Câu văn" Cái mạnh của con người Việt Nam không chỉ chúng ta nhận biết mà cả thế giới đều thừa nhận là sự thông minh, nhạy bén với cái mới ". Thuộc loại câu gì?

    A. Câu rút gọn B. Câu đơn

    C. Câu ghép D. Câu đặc biệt.

    7. Dấu ngoặc kép đóng khung từ" thời thượng "có tác dụng gì?

    A. Dẫn lời trực tiếp B. Dẫn ý trực tiếp

    C. Có hàm ý phê phán D. Có hàm ý khen ngợi.

    8. Đoạn văn trên tác giả triển khai theo phép lập luận nào?

    A. Phân tích B. Tổng hợp C. Quy nạp D. Diễn dịch

    Câu 2 :(3, 0 điểm)

    Viết một đoạn văn suy nghĩ về trách nhiệm của mỗi công dân trong mùa đại dịch Covid 19. Trong đoạn văn có sử dụng thành phần khởi ngữ - Gạch chân vào thành phần khởi ngữ ấy.

    Câu 3 :(5 điểm) Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

    " Bỗng nhận ra hương ổi

    Phả vào trong gió se

    Sương chùng chình qua ngõ

    Hình như thu đã về..

    .. Vẫn còn bao nhiêu nắng

    Đã vơi dần cơn mưa

    Sấm cũng bớt bất ngờ

    Trên hàng cây đứng tuổi "

    (Sang thu" – Hữu Thỉnh)

    ĐỀ 7

    Câu 1. (2, 0 điểm) Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi bên dưới.

    " Chúng ta nhận của những nghệ sĩ vĩ đại ấy không những là mấy học thuyết luân lí, triết học, mà tất cả những say sưa, vui buồn, yêu ghét, mơ mộng, phấn khích, và biết bao nhiêu tư tưởng của từng câu thơ, từng trang sách, bao nhiêu hình ảnh đẹp đẽ mà đáng lẽ chúng ta không nhận ra được hằng ngày chung quanh ta, một ánh nắng, một lá cỏ, một tiếng chim, bao nhiêu bộ mặt con người trước kia ta chưa nhìn thấy, bao nhiêu vẻ mới mẻ, bao nhiêu vấn đề mà ta ngạc nhiên tìm ra ngay trong tâm hồn chúng ta nữa."

    (Ngữ văn 9 tập 2)

    1. Đoạn trích trên trích trong văn bản nào.

    A. Phong cách Hồ Chí Minh.

    B. Tuyên bố thế giới về sự sống còn quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em.

    C. Tiếng nói của văn nghệ

    D. Hành trang vào thế kỷ mới

    2. Tác giả của văn bản có đoạn trích trên là ai

    A. Lê Anh Trà

    B. Nguyễn Đình Thi

    C. Vũ Khoan

    D. Đặng Thai Mai

    3. Đặc điểm của câu văn trên là gì?

    A. Câu văn rất dài

    B. Câu dài, dùng phép liệt kê giàu hình ảnh

    C. Câu dài dùng phép nhân hóa

    D. Câu dài, nhiều cụm chủ vị, dùng phép liệt kê.

    4. Xác định phương thức biểu đạt của câu văn trên.

    A. Tự sự B. Nghị luận

    C. Miêu tả D. Thuyết minh.

    Câu 2. (3, 0 điểm)

    Từ nội dung hai câu thơ:

    "Rừng cho hoa

    Con đường cho những tấm lòng"

    Em hãy viết một bài văn (khoảng 200 từ), trình bày suy nghĩ của mình về Nghĩa tình quê hương đối với mỗi con người. Trong đoạn văn có sử dụng ít nhất một câu ghép (Ghạch chân vào câu ghép ấy)

    Câu 3. (4, 0 điểm)

    Phân tích đoạn thơ sau:

    "Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

    Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ

    Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

    Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

    Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi

    Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

    Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ

    Ôi kì lạ và thiêng liêng- bếp lửa!

    Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu

    Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả

    Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:

    - Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?

    (" Bếp lửa " - Bằng Việt)

    ĐỀ 8

    Câu 1. (2, 0 điểm)

    Đọc kĩ đoạn văn sau và trả lời câu hỏi bên dưới:

    " Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị. Người phương Bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác. Từ đời nhà Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi. "

    1. Đoạn văn trích trong tác phẩm nào?

    A. Người con gái Nam Xương

    B. Hoàng Lê nhất thống chí

    C. Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh

    D. Truyện Kiều

    2. Tác giả là ai?

    A. Nguyễn Dữ B. Nguyễn Du

    C. Ngô Gia Văn Phái D. Nguyễn Đình Chiểu

    3. Phương thức biểu đạt của đoạn trích trên

    A. Tự sự B. Miêu tả

    C. Biểu cảm D. Nghị luận

    4. Cụm từ được ghạch chân trong câu văn sau: Từ đời nhà Hán đến nay , chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi." "là thành phần gì trong câu?

    A. Chủ ngữ B. Trạng ngữ

    C. Khởi ngữ D. Bổ ngữ

    Câu 2. (3, 0 điểm)



    Hạnh phúc của trẻ thơ là được đến trường, được học tập, được sống trong tình yêu thương, dìu dắt của thầy cô giáo. Suy nghĩ của em về vai trò của người thầy trong cuộc đời của mỗi người. Trình bày bằng một đoạn văn khoảng 200 chữ. Trong đoạn văn có ít nhất một thành phần biệt lập cảm thán.

    Câu 3. (5, 0 điểm)

    Cảm nhận của em về tình cha con trong đoạn trích sau:

    Đến lúc chia tay, mang ba lô trên vai, sau khi bắt tay hết mọi người, anh Sáu mới đưa mắt nhìn con, thấy nó đứng trong góc nhà.

    Chắc anh cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng hình như cũng lại sợ nó giẫy lên lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó. Anh nhìn với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu. Tôi thấy đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao.

    - Thôi! Ba đi nghe con! – Anh Sáu khe khẽ nói.

    Chúng tôi, mọi người – kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên:

    - Ba.. a.. a.. ba!

    Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng" ba "mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng" ba "như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Tôi thấy làn tóc tơ sau ót nó như dựng đứng lên.

    Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc:

    - Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!

    Ba nó bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa.

    (Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà, Ngữ văn 9, Tập 1)

    * * *Hết..

    ĐỀ 9

    Câu 1 Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi bên dưới.

    " Mỗi ngày, có hàng triệu trẻ em phải chịu đựng những thảm họa của đói nghèo và khủng hoảng kinh tế, của nạn đói, tình trạng vô gia cư, dịch bệnh, mù chữ, môi trường xuống cấp. Ở nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là những nước kém phát triển nhất, trẻ em đang phải chịu tác động nặng nề của nợ nước ngoài, của tình hình kinh tế không giữ được mức độ tăng trưởng đều đặn hoặc không có khả năng tăng trưởng ".

    (Ngữ văn 9 tập 1 )

    1. Đoạn trích trên trích trong văn bản nào?

    A. Phong cách Hồ Chí Minh.

    B. Tuyên bố thế giới về sự sống còn quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em.

    C. Tiếng nói của văn nghệ

    D. Hành trang bước vào thế kỷ mới

    2. Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên?

    A. Tự sự B. Nghị luận

    C. Miêu tả D. Thuyết minh.

    3. Em hiểu từ" Vô gia cư "nghĩa là gì?

    A. Không có ăn B. Không được học

    C. Không có nơi ở D. Không có mặc.

    4. Câu văn" Mỗi ngày, có hàng triệu trẻ em phải chịu đựng những thảm họa của đói nghèo và khủng hoảng kinh tế, của nạn đói, tình trạng vô gia cư, dịch bệnh, mù chữ, môi trường xuống cấp ". Thuộc loại câu gì?

    A. Câu rút gọn B. Câu đơn

    C. Câu ghép D. Câu đặc biệt.



    Câu 5" Phải chuẩn bị để các em có thể sống một cuộc sống có trách nhiệm.. "Viết một đoạn văn khoảng 200 chữ bàn luận về lối sống có trách nhiệm . Trong đoạn văn có dùng phép NỐI để liên kết câu. Gạch chân vào từ ngữ có thể hiện phép nối.



    Câu 6

    Vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Phương Định trong đoạn trích" Những ngôi sao xa xôi "(Lê Minh Khuê) - Sách GK Ngữ văn 9- Tập 2

    * * *Hết-----------

    (Lưu ý: Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm)

    ĐỀ 10.

    Câu 1: Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi bên dưới.

    " Không những đi ngược lại lí trí con người mà con đi ngược lại cả lí trí tự nhiên nữa [..] Từ khi nhen nhóm sự sống trên Trái Đất, đã phải trải qua 380 triệu năm con bướm mới bay được, rồi 180 triệu năm nữa bông hồng mới nở, chỉ để làm đẹp mà thôi. Cũng đã trải qua bốn kỉ địa chất, con người mới hát được hay hơn

    chim và mới chết vì yêu. Trong thời đại hoàng kim này của khoa học, trí tuệ con người chẳng thể tự hào vì đã phát minh ra một biện pháp, chỉ cần bấm nút một cái là đưa cả quá trình vĩ đại và tốn kém hàng bao nhiêu triệu năm trở lại điểm xuất phát của nó "

    (SGK Ngữ Văn lớp 9, tập 1)

    1. Đoạn trích trên nằm trong văn bản nào?

    A. Đấu tranh cho một thế giới hòa bình

    B. Bố của Xi – mông

    C. Bàn về đọc sách

    D. Rô- bin-xơn ngoài đảo hoang.

    2. Tác giả của văn bản có đoạn trích trên là ai?

    A. G. Mác – két B. Giắc -Lơn –đơn

    C. G. Mô-pa-xang D. Chu Quang Tiềm

    3. Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên?

    A. Tự sự B. Nghị luận

    C. Miêu tả D. Thuyết minh.

    4. Câu văn" Cũng đã trải qua bốn kỉ địa chất, con người mới hát được hay hơn

    chim và mới chết vì yêu". Thuộc loại câu gì?

    A. Câu rút gọn B. Câu đơn

    C. Câu ghép D. Câu đặc biệt.



    Câu 2:

    Tự lập là một trong những yếu tố cần thiết làm nên sự thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống. Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về tính tự lập của các bạn học sinh hiện nay. Trong đoạn văn có dùng thành phần biệt lập tình thái.

    Câu 5: (5 điểm)

    Phân tích đoạn trích sau:

    CẢNH NGÀY XUÂN

    Ngày xuân con én đưa thoi,

    Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

    Cỏ non xanh tận chân trời,

    Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

    Thanh minh trong tiết tháng ba,

    Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.

    Gần xa nô nức yến anh,

    Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.

    Dập dìu tài tử giai nhân,

    Ngựa xe như nước áo quần như nêm.

    Ngổn ngang gò đống kéo lên,

    Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay.

    Tà tà bóng ngả về tây,

    Chị em thơ thẩn dan tay ra về.

    Bước dần theo ngọn tiểu khê,

    Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.

    Nao nao dòng nước uốn quanh,

    Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

    (Nguyễn Du, Truyện Kiều)

    Ngữ văn 9, Tập 1, NXBGDVN, 2010, tr. 84, 85)

    ĐÁP ÁN

    Câu 1: :

    1- A

    2 – A

    3 – D

    4 - B

    Câu 2:

    (2 điểm)

    Thí sinh cần đảm bảo các yêu cầu:

    - Văn bản là một đoạn văn hoặc một bài văn ngắn (khoảng 7-10 dòng).

    - Nội dung: Suy nghĩ về tính tự lập của học sinh hiện nay.

    - Hành văn: Rõ ràng, chính xác, sinh động, mạch lạc và chặt chẽ.

    Sau đây là một số gợi ý về nội dung:

    + Tự lập, nghĩa đen là khả năng tự đứng vững và không cần sự giúp đỡ của người khác.

    + Tự lập là một trong những yếu tố cần thiết làm nên sự thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống.

    + Trong học tập, người học sinh có tính tự lập sẽ có thái độ chủ động, tích cực, có động cơ và mục đích học tập rõ ràng, đúng đắn. Từ đó, nó sẽ giúp cho học sinh tìm được phương pháp học tập tốt. Kiến thức tiếp thu được vững chắc. Bản lĩnh được nâng cao.

    + Hiện nay, nhiều học sinh không có tính tự lập trong học tập. Họ có những biểu hiện ỷ lại, dựa dẫm vào bạn bè, cha mẹ. Từ đó, họ có những thái độ tiêu cực: Quay cóp, gian lận trong kiểm tra, trong thi cử; không chăm ngoan, không học bài, không làm bài, không chuẩn bị bài. Kết quả: Những học sinh đó thường rơi vào loại yếu, kém cả về hạnh kiểm và học tập.

    + Học sinh cần phải rèn luyện tính tự lập trong học tập vì điều đó vừa giúp học sinh có thái độ chủ động, có hứng thú trong học tập, vừa tạo cho họ có bản lĩnh vững chắc khi tiếp thu tri thức và giải quyết vấn đề. Tự lập không phải là cô lập, không loại trừ sự giúp đỡ chân thành, đúng đắn của bạn bè, thầy cô khi cần thiết, phù hợp và đúng mức.

    + Tính tự lập trong học tập là tiền đề để tạo nên sự tự lập trong cuộc sống. Điều đó, là một yếu tố rất quan trọng giúp cho học sinh có được tương lai thành đạt. Tính tự lập là một đức tính vô cùng quan trọng mà học sinh cần có, vì không phải lúc nào cha mẹ, bạn bè và thầy cô cũng ở bên cạnh họ để giúp đỡ họ. Nếu không có tính tự lập, khi ra đời học sinh sẽ dễ bị vấp ngã, thất bại và dễ có những hành động nông nỗi, thiếu kiềm chế.

    Câu 5: (5 điểm)

    Thí sinh có thể có nhiều cách trình bày khác nhau. Tuy nhiên, cần đảm bảo các yêu cầu:

    - Phân tích một đoạn thơ.

    - Bài viết có kết cấu đầy đủ, rõ ràng, mạch lạc, chặt chẽ. Hành văn trong sáng, sinh động.

    Sau đây là một số gợi ý:

    + Giới thiệu vài nét về Nguyễn Du và Truyện Kiều.

    + Giới thiệu đoạn thơ và vị trí của nó.

    + Giới thiệu đại ý đoạn thơ: Tả cảnh ngày xuân trong tiết Thanh minh, chị em Kiều đi chơi xuân.

    + Dựa theo kết cấu của đoạn thơ để phân tích.

    * Phân tích 4 câu thơ đầu: Khung cảnh ngày xuân với vẻ đẹp riêng của mùa xuân.

    - 2 câu đầu vừa nói về thời gian, vừa gợi không gian: Thời gian là tháng cuối cùng của mùa xuân; không gian: Những cảnh én rộn ràng bay liệng như thoi đưa giữa bầu trời trong sáng.

    - 2 câu sau là một bức họa tuyệt đẹp về mùa xuân, với hình ảnh thảm cỏ non trải rộng tới chân trời. Màu sắc có sự hài hòa đến mức tuyệt diệu. Tất cả đều gợi lên vẻ đẹp riêng của mùa xuân: Mới mẻ, tinh khôi, giàu sức sống; trong trẻo, thoáng đạt; nhẹ nhàng, thanh khiết. Chữ điểm làm cho cảnh vật trở nên sinh động, có hồn chứ không tĩnh tại.

    * Phân tích 8 câu thơ tiếp: Khung cảnh lễ hội trong tiết thanh minh.

    - Tảo mộ: Đi viếng mộ, quét tước, sửa sang phần mộ của người thân; một loạt từ 2 âm tiết là tính từ, danh từ, động từ gợi lên không khí lễ hội rộn ràng, đông vui, náo nhiệt cùng với tâm trạng của người đi dự hội.

    - Hội đạp thanh: Du xuân, đi chơi xuân ở chốn đồng quê. Cách nói ẩn dụ: nô nức yến anh gợi lên hình ảnh những đoàn người nhộn nhịp đi chơi xuân, nhất là những nam thanh nữ tú, những tài tử giai nhân. Qua cuộc du xuân của chị em Thúy Kiều, tác giả còn khắc họa một truyền thống văn hóa lễ hội xa xưa.

    * Phân tích 6 câu thơ cuối: Khung cảnh chị em Thúy Kiều du xuân trở về.

    - Cảnh vẫn mang cái thanh, cái dịu của mùa xuân, mọi chuyển động đều nhẹ nhàng nhưng không khí nhộn nhịp, rộn ràng của lễ hội không còn nữa, tất cả đang nhạt dần, lặng dần theo bóng ngã về tây .

    - Cảnh được cảm nhận qua tâm trạng của hai cô gái tuổi thanh xuân với những cảm giác bâng khuâng, xao xuyến về một ngày vui xuân đang còn và những linh cảm về điều sắp xảy ra sẽ xuất hiện: Nấm mồ của Đạm Tiên và chàng thư sinh Kim Trọng.

    + Đoạn trích thể hiện nghệ thuật miêu tả thiên nhiên của Nguyễn Du: Kết hợp bút pháp tả và gợi, sử dụng từ ngữ giàu chất tạo hình để thể hiện cảnh ngày xuân với những đặc điểm riêng, miêu tả cảnh mà nói lên được tâm trạng của nhân vật.
     
    Love cà phê sữa thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 6 Tháng mười một 2020
  2. Lê Gia Hoài

    Bài viết:
    556
    ĐỀ 11

    Câu 1 ( 1, 25 điểm).


    Cho đoạn văn:

    "(1) Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và có lẽ là cả thế giới, có một vị Chủ tịch nước lấy chiếc nhà sàn nhỏ bằng gỗ bên cạnh chiếc ao làm" cung điện "của mình. (2) Quả như một câu chuyện thần thoại, như câu chuyện về một vị tiên, một con người siêu phàm nào đó trong truyện cổ tích. (3) Chiếc nhà sàn đó cũng chỉ vẻn vẹn có vài phòng tiếp khách, họp Bộ Chính trị, làm việc và ngủ, với những đồ đạc rất mộc mạc, đơn sơ. (4) Và chủ nhân chiếc nhà sàn này cùng trang phục hết sức giản dị, với bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ như của các chiến sĩ Trường Sơn đã được một tác giả phương Tây ca ngợi như một vật thần kì. (5) Hàng ngày, việc ăn uống của Người cũng rất đạm bạc, với những món ăn dân tộc không chút cầu kì như cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa".

    (Trích Phong cách Hồ Chí Minh, Lê Anh Trà, Ngữ văn 9)

    1. Nội dung nào không được nói đến trong đoạn văn

    A. Cái nhà sàn của Bác B. Những công việc của bác

    C. Trang phục của Bác C. Việc ăn uống của Bác

    2. Đoạn văn thuyết minh bằng cách nào là chính

    A. Nêu số liệu B. Dẫn chứng

    C. So sánh D. Giải thích

    3. Câu văn: "Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và có lẽ là cả thế giới, có một vị Chủ tịch nước lấy chiếc nhà sàn nhỏ bằng gỗ bên cạnh chiếc ao làm" cung điện "của mình". Dùng biện pháp tu từ nào?

    A. Đối lập B. Chơi chữ

    C. So sánh D. Nói quá.

    4. Câu văn trên diễn đạt điều gì?

    A. Cái nhà Bác ở là nhà sàn?

    B. Sự giản dị trong lối sống của Bác

    C. Bác rất gần gũi với nhân dân

    D. Bác hồ có lối sống khác với các vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới.

    5. Câu văn: "Quả như một câu chuyện thần thoại, như câu chuyện về một vị tiên, một con người siêu phàm nào đó trong truyện cổ tích". Có vai trò, ý nghĩa như thế nào trong đoạn văn?

    A. Chuyển ý giữa câu thứ nhất với câu sau

    B. Thể hiện cảm xúc tự hào, ngợi ca Bác

    C. Nêu nhận xét, đánh giá với các ý sau

    D. Tất cả các vai trò, ý nghĩa trên

    Câu 6. Câu văn: "Quả như một câu chuyện thần thoại, như câu chuyện về một vị tiên, một con người siêu phàm nào đó trong truyện cổ tích". Có mấy cụm danh từ?

    A. Một B. Hai

    C. Ba D. Bốn

    Câu 7. Câu văn "Chiếc nhà sàn đó cũng chỉ vẻn vẹn có vài phòng tiếp khách, họp Bộ Chính trị, làm việc và ngủ, với những đồ đạc rất mộc mạc, đơn sơ". Thuộc kiểu câu nào xét về mặt cấu tạo?

    A. Câu rút gọn B. Câu đơn

    C. Câu ghép D. Câu mở rộng.

    Câu 8. Từ "Siêu phàm" trong đoạn trích trên có nghĩa là gì?

    A. Khác biệt hoàn toàn với những điều bình thường

    B. Vượt lên trên người thường hay những điều thường thấy

    C. Làm được những việc mà không ai làm được

    D. Một mình có thể làm được tất cả các việc.

    Câu 2 (2, 75 điểm).

    Viết đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ suy nghĩ về ý thức tự học của học sinh, sinh viên trong mùa đại dịch Covid 19. Trong đoạn văn có sử dụng một phép liên kết câu. Chỉ ra phép liên kết câu trong phần chú thích.

    Câu 3 (6 điểm).

    "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ, viết về những phẩm chất tốt đẹp và số phận oan nghiệt của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.

    Em hãy phân tích nhân vật Vũ Nương trong truyện để thấy được những vẻ đẹp của người phụ nữ.

    * * * HẾT --------------

    ĐÁP ÁN



    Câu 1

    1 – B

    2 – B

    3 – C

    4 – B

    5 – D

    6 – C

    7 – B

    8 – B


    Câu 2: Hiện nay đại dịch covid-19 diễn biến ngày một phức tạp, nó khiến nền kinh tế trì trệ cuộc sống con người hoàn toàn xáo trộn và luôn ở trạng thái lo ngại.. và cùng với đó là việc học sinh sinh viên không thể tới trường. Một trong những điều đáng lo ngại nhất khi tình hình dịch bệnh không biết bao giờ mới ổn định và được không chế. Có người cho rằng việc học sinh sinh viên nghỉ dài có thể gây ra những lỗ hổng kiến thức nhưng phần lớn phụ huynh đều đồng ý vì lo ngại sức khỏe của con em mình và cộng đồng. Nói chung việc học sinh sinh viên nghỉ học là điều tất yếu và thực sự cần thiết nhưng ta càng phải chú ý hơn về ý thức tự học ở nhà. Mà nếu bạn muốn đảm bảo rằng kiến thức của mình không có lỗ hổng đáng tiếc thì việc đó hoàn toàn tùy thuộc vào ý thức tự học của bạn. Dù cho bạn có được đến trường nhưng lại thực sự lười nhác lơ đãng mải mê với những trò chơi vui vẻ thì chắc chắn kết quả học tập chẳng thể khả quan được. Bạn hãy coi đây là thời cơ tốt nhất để bản thân tự ôn luyện lại kiến thức đã được học. Tự rèn luyện để bù đắp những lỗ hổng đã có hoặc nâng cao khả năng với các dạng bài dạng đề thi khác nhau. Thực tế mà nói các sở giáo dục và đào tạo đều triển khai các chương trình học trên sóng truyền hình, thầy cô tạo bài giảng online, bạn hoàn toàn có thể học tập tại nhà. Tự học thật tốt chính là một biện pháp đóng góp vào công tác phòng chống dịch covid 19 giúp giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Vậy nên hãy tranh thủ thời gian để tự học, tự rèn luyện cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh bạn nhé!

    Câu 3 :(6 điểm)

    · Yêu cầu chung:

    - Về kĩ năng: HS biết viết văn nghị luận văn học.

    Diễn đạt mạch lạc, lập luận rõ ràng, có cảm xúc.

    Không mắc lỗi dùng từ, viết câu, chính tả.

    - Về nội dung: Học sinh cần phân tích dẫn chứng để làm rõ những vẻ ó thể có nhiều cách viết khác nhau song cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

    - Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhân vật

    Phân tích truyện để thấy được những vẻ đẹp của nhân vật Vũ Nương:

    + Vũ Nương là người con gái xinh đẹp, nết na: Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, tính tình thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp.. ". Chàng Trương Sinh con nhà hào phú lấy về làm vợ. Sự vượt qua lễ giáo phong kiến" môn đăng hậu đối "của Trương Sinh càng chứng tỏ Vũ Nương là người con gái đẹp vẹn toàn" công, dung, ngôn, hạnh ", đẹp cả nhan sắc và đức hạnh.

    + Vũ Nương là người phụ nữ hiểu lễ nghĩa, thông minh khôn khéo, coi trọng hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình. Sống với người chồng đa nghi," luôn phòng ngừa vợ quá mức "Vũ Nương vẫn luôn" giữ gìn khuôn phép ", không để gia đình rơi vào cảnh" thất hòa "..

    + Vũ Nương – người vợ đảm đang, thương yêu thủy chung với chồng: Người vợ trẻ gánh vác cuộc sống gia đình nỗi vất vả càng lớn hơn khi Trương Sinh bị bắt lính. Nàng vừa nuôi con nhỏ, vừa chăm mẹ già đau yếu.

    Lời tiễn dăn chồng lúc chia xa" Chỉ mong chàng hai chữ bình yên ", nỗi lo lắng, xót xa, thương chồng nơi biên ải".. thiếp băn khoăn.." "mỗi khi bướm lượn đầy vườn.. nỗi buồn góc bể chân trời không tài nào ngăn được, lòng thủy chung son sắt" tô son.. chưa hề bén gót "

    + Vũ Nương- người con dâu hiếu thảo: Chồng đi xa, nuôi con nhỏ, nàng vẫn một lòng" chăm sóc thuốc thang, lễ bái thần phật, dùng lời ngọt ngào khôn khéo để khuyên lơn "khi mẹ chồng ốm đau. Khi bà cụ mất" lo ma chay tế lễ như với cha mẹ đẻ mình ". Tấm lòng của nàng khiến mẹ chồng cảm động trong lời từ biệt lúc lâm chung" Sau này, trời xét lòng lành.. con đã chẳng phụ mẹ ". Tấm chân tình của nàng sau này khiến cho trời đất, thần linh cũng cảm động..

    Đánh giá: Với nghệ thuật tả thực, hình ảnh ước lệ tượng trưng, Nguyễn Dữ đã khắc họa nhân vật Vũ Nương là người phụ nữ có vẻ đẹp toàn diện cả về nhan sắc và tâm hồn: Xinh đẹp, thông minh, khôn khéo, đảm đang, hiếu thảo, thủy chung son sắt. Nhân vật Vũ Nương mang vẻ đẹp tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam.

    Qua nhân vật, tác phẩm ta thấy được cái nhìn nhân đạo của tác giả dành cho người phụ nữ.

    - Khẳng định những vẻ đẹp của nhân vật

    - Bày tỏ tình cảm thái độ


    * Lưu ý: Giám khảo cần linh hoạt, cho điểm cao các bài viết sáng tạo.

    ĐỀ 12

    Câu 1. (2, 0 điểm)

    Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời câu hỏi từ 1 đến 3:

    " Ông lão bỗng ngừng lại, ngờ ngợ như lời mình không được đúng lắm (1). Chả lẽ cái bọn ở làng lại đổ đốn đến thế được (2). Ông kiểm điểm từng người trong óc (3). Không mà, họ toàn là những người có tinh thần cả mà (4). Họ đã ở lại làng, quyết tâm một sống một chết với giặc, có đời nào lại can tâm làm cái điều nhục nhã ấy!.. (5) "

    1. Tác giả của đoạn trích trên

    A. Nguyễn Dữ B. Kim Lân

    C. Nguyễn Thành Long C. Nguyễn Quang Sáng

    2. Tên tác phẩm?

    A. Lặng lẽ Sa Pa B. Những ngôi sao xa xôi

    C. Làng D. Chiếc lược ngà

    3." Ông lão "trong đoạn trích trên là nhân vật nào?

    A. Trương Sinh B. Ông Sáu

    C. Ông họa sĩ C. Ông Hai

    4. Điều" nhục nhã "được nói đến là điều gì?

    A. Vợ không chung thủy B. Làng theo Tây làm Việt gian

    C. Con không gọi Ba D. Chủ nhà không cho ở trọ

    5. Phương thức biểu đạt của đoạn văn trên là gì?

    A. Tự sự B. Miêu tả

    C. Biểu cảm D. Thuyết minh

    6. Câu văn số (4) trong đoạn trích là lời văn gì?

    A. Lời văn trần thuật của tác giả B. Là lời đối thoại của nhân vật

    C. Lời văn độc thoại của nhân vật C. Là lời độc thoại nội tâm của nhân vật

    7. Câu văn số (1) trong đoạn trích là câu gì xét về mặt cấu tạo ngữ pháp?

    A. Câu đơn B. Câu ghép

    C. Câu rút gọn D. Câu mở rộng thành phần chủ ngữ.

    8. Từ" ngờ ngợ "trong câu văn (1) là thành phần biệt lập gì?

    A. Gọi đáp B. Phụ chú

    C. Tình thái D. Cảm thán

    Câu 2: (2 điểm)

    Nhà văn Ôxtơrôpxki đã nói:

    " Tình bạn trước hết phải chân thành, phải phê bình sai lầm của bạn, phải nghiêm chỉnh giúp đỡ bạn sửa chữa sai lầm ".

    Từ câu nói trên, hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng từ 20 đến 25 dòng) trình bày quan niệm của em về tình bạn chân thành. Trong đoạn văn có sử dụng thành phần tình thái và một câu ghép.

    Câu 3. Cảm nhận và suy nghĩ của em về đoạn thơ:

    Thuyền ta lái gió với buồm trăng

    Lướt giữa mây cao với biển bằng,

    Ra đậu dặm xa dò bụng biển,

    Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

    Cá nhụ cá chim cùng cá đé,

    Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,

    Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe,

    Đêm thở: Sao lùa nước Hạ Long.

    Ta hát bài ca gọi cá vào,

    Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao,

    Biển cho ta cá như lòng mẹ

    Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

    (Huy Cận, Đoàn thuyền đánh cá)


    ĐÁP ÁN

    Câu 1 :(2, 0 điểm)

    1) - Đoạn văn trên nằm trong tác phẩm Làng.

    - Tác giả là Kim Lân.

    2) -" Ông lão "trong đoạn trích trên là nhân vật ông Hai.

    -" Điều nhục nhã "được nói đến là làng Chợ Dầu theo giặc.

    3) - Những câu văn là lời trần thuật của tác giả :(1), (3).

    - Những câu văn là lời độc thoại của nội tâm của nhân vật :(2), (4), (5).

    Lưu ý: Nếu xếp các nhóm câu văn không đúng như trên thì không cho điểm.

    - Những lời độc thoại nội tâm ấy thể hiện tâm trạng của ông Hai: Băn khoăn, day dứt nhưng vẫn tin tưởng vào lòng trung thành của người dân làng Chợ Dầu với cách mạng.

    e. Yêu cầu học sinh lí giải được vì sao Kim Lân không đặt tên truyện là" Làng Chợ Dầu "mà lại lấy nhan đề cho truyện là" Làng ".

    - Kim Lân không đặt tên cho truyện của mình là " Làng Chợ Dầu ", vì nhan đề này thiếu tính khái quát " Làng Chợ Dầu "là một danh từ riêng chỉ một làng quê cụ thể.

    Do đó, tình yêu làng được thể hiện cũng chỉ bó hẹp trong phạm vi cá nhân ở một làng quê, một địa phương cụ thể mà thôi

    - Nhan đề" Làng "có tính khái quát cao. Làng là danh từ chung chỉ mọi làng quê trên đất nước ta.

    Vì vậy, đặt tên truyện là :" Làng ", Kim Lân muốn tác phẩm của mình không chỉ thể hiện tình yêu làng yêu nước của một nhân vật ông Hai, mà sâu rộng hơn, tác giả còn muốn nói đến một tình cảm bao trùm, phổ biến – đó là tình yêu làng quê, yêu đất nước – trong mọi người dân Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp trên khắp mọi miền Tổ quốc.

    Câu 2 :(3 điểm)

    * Giới thiệu vấn đề cần nghị luận

    * Bày tỏ quan niệm của mình về tình bạn chân thành

    - Chân thành là điều thiết yếu trong tình bạn. Tình bạn phải chân thành mới bền vững. Không thể tồn tại một tình bạn giả dối.

    + Ta chân thành với bạn thì bạn mới tin ta và đối xử tốt ngược lại. Nếu đánh mất lòng tin thì xem như đánh mất tất cả.

    + Một tình bạn cần có sự sẻ chia, vì vậy hai bên cần tin tưởng lẫn nhau. Tình bạn đẹp là cơ sở của tình bạn lâu bền, mà tình bạn lâu bền là điều ai chẳng mong muốn. Vì thế nên xây dựng một tình bạn đẹp, chân thành theo đúng nghĩa của nó.

    - Sự chân thành là vô cùng cần thiết trong tình bạn, nhưng xây dựng nó là cả một vấn đề.

    + Kết bạn là để cho chứ không đòi hỏi việc đòi, nhận. Đòi hỏi sẽ dễ dẫn đến những toan tính lợi dụng.

    + Trong cuộc sống, không ai có thể thoát khỏi một vài sai lầm, do đó khi bạn mình lỡ mắc thì phải nghiêm túc phê bình bạn. Nhưng phê bình làm sao cho tình bạn không bị rạn nứt, trước hết là xuất phát từ lòng yêu thương và đồng cảm cho bạn.

    - > Làm được tất cả những điều này thì ta đã có một tình bạn chân chính.

    - Ca ngợi những tình bạn đẹp, lên án những tình bạn vụ lợi, toán tính (lấy dẫn chứng trong thực tế về những tình bạn)

    * Kết thúc vấn đề


    Câu 3.

    A – Mở bài:

    - Huy Cận (1919 – 2005) nổi tiếng trong phong trào Thơ mới với những vần thơ lãng mạn" Sầu vũ trụ ".

    - Sau 1945, đổi mới phong cách, Huy Cận viết nhiều về con người mới, cuộc sống mới cách mạng –" Đoàn thuyền đánh cá "(Trời mỗi ngày lại sáng – 1958) là một bài thơ tiêu biểu có phong cách mới của Huy Cận.

    B – Thân bài:

    1. Cảnh ra khơi (Khổ 1, 2) :

    - Thời điểm: Lúc ngày tàn, đêm đến.

    - Không gian: Biển cả lúc đêm xuống.

    - Hoạt động: Đoàn ngư dân ra khơi sôi nổi, khí thế, mong đánh bắt nhiều cá.

    - Nghệ thuật: Các hình ảnh so sánh, nhân hóa, sự đối lập thanh bằng – trắc, chi tiết tưởng tượng.. gợi liên tưởng phong phú, sâu sắc.

    2. Cảnh đánh cá đêm trên biển (Khổ 3 – 6) :

    - Vẻ đẹp kì vĩ của trời biển Đông, của thiên nhiên đất nước.

    - Biển Đông là kho cá vô tận với nhiều loại cá quý.

    - Đoàn ngư dân sôi nổi hăng say lao động trên biển đêm: Thả lưới, kéo lưới đạt những mẻ cá lớn.

    - Nghệ thuật: Các hình ảnh ước lệ, khoa trương, bút pháp lãng mạn kết hợp tả thực và tưởng tượng.

    3. Cảnh trở về (Khổ 7) :

    - Thời điểm: Lúc rạng đông.

    - Thành quả lao động to lớn, đấnh bắt được nhiều cá.

    - Nghệ thuật: Các hình ảnh khoa trương, nhân hóa, ẩn dụ, phóng đại đặc sắc.

    C – Kết bài:

    - Bài thơ có sự kết hợp bút pháp hiện thực và bút pháp lãng mạn.

    - Cảm hứng lãng mạn cách mạng hòa nhập với cảm hứng vũ trụ, thiên nhiên.

    - Nhịp điệu khoẻ khoắn, giọng điệu vui tươi, không gian trong sáng khác không gian buồn thảm trong thơ Huy Cận trước 1945.


    ĐỀ 13

    I. TRẮC NGHIỆM (2 điểm) :



    Cho đoạn văn:

    " Còn chúng tôi thì chạy trên cao điểm giữa ban ngày. Mà ban ngày chạy trên cao điểm không phải chuyện chơi. Thần chết là một tay không thích đùa. Hắn ta lẩn lút trong ruột những quả bom. Tôi bây giờ còn một vết thương chưa lành ở đùi. Tất nhiên tôi không vào viện quân y. Việc nào cũng có cái thú của nó. Có ở đâu như thế này không: Đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần. Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa.. Nhưng nhất định sẽ nố.. "

    (Văn 9 tập II)



    1. Đoạn văn trên được trích từ tác phẩm nào?

    A. Bến quê

    B. Những ngôi sao xa xôi

    C. Rô – bin – sơn ngoài đảo hoang

    D. Con chó Bấc.

    2. Tác giả là ai?

    A. Xuân Quỳnh B. Khánh Hoài

    C. Lê Minh Khuê D. Lý Lan

    3. Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn là gì?

    A. Miêu tả B. Biểu cảm

    C. Tự sự D. Nghị luận.

    4. Câu văn:" Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ. "sử dụng biện pháp nghệ thuật nào?

    A. Nhân hóa B. So sánh C. Ẩn dụ D. Hoán dụ

    5. Hai câu văn: " Thần chết là một tay không thích đùa. Hắn ta lẩn lút trong ruột những quả bom. Sử dụng phép liên kết nào?

    A. Phép nối B. Phép lặp

    C. Phép thế D. Phép đồng nghĩa, trái nghĩa

    6. Nhân vật "Tôi" ở đây là ai?

    A. Bé Thu B. Nho

    C. Thao D. Phương Định

    7. Câu văn "Nhưng nhất định sẽ nố.." thuộc loại câu gì xét về mặt cấu tạo

    A. Câu đơn B. Câu ghép

    C. Câu rút gọn D. Câu đặc biệt

    8. Đoạn văn nói về cuộc chiến đấu của lực lượng nào trong kháng chiến

    A. Lính lái xe B. Lính chống Pháp

    C. Nữ thanh niên xung phong. D. Lực lượng chiến sĩ tập kết

    Câu 2: (3 điểm) Nếu bạn em là người không may nhiễm Covid 19 em sẽ có những suy nghĩ và hành động gì? Trình bày bằng một đoạn văn khoảng 200 chữ. Trong đoạn văn có thành phần khởi ngữ.

    Câu 3 :(5 điểm)

    Phân tích đoạn thơ dưới đây:

    Mọc giữa dòng sông xanh

    Một bông hoa tím biếc

    Ơi con chim chiền chiện

    Hót chi mà vang trời

    Từng giọt long lanh rơi

    Tôi đưa tay tôi hứng.

    Mùa xuân người cầm súng

    Lộc giắt đầy quanh lưng

    Mùa xuân người ra đồng

    Lộc trải dài nương mạ

    Tất cả như hối hả

    Tất cả như xôn xao..

    (Thanh Hải, Mùa xuân nho nhỏ,

    SGK Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáodục, 2005)

    ĐÁP ÁN


    Câu 1:

    1 – B

    2 – C

    3 – C

    4 – A

    5 – C

    6 – D

    7 – C

    8 – C

    Câu 2:

    : Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động như thế nào để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

    Mở bài: Nêu sự cấp bách và tầm quan trọng hàng đầu của việc phải giải quyết vấn đề giảm thiểu tai nạn giao thông đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay.

    Thân bài:

    Tai nạn giao thông là tai nạn do các phương tiện tham gia giao thông gây nên: Đường bộ, đường thủy, đường sắt.. trong đó phần lớn các vụ tai nạn đường bộ.

    • Nguyên nhân dẫn đến Tai nạn giao thông:

    - Khách quan: Cơ sở vật chất, hạ tầng còn yếu kém; phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh; do thiên tai gây nên..

    - Chủ quan:

    + Ý thức tham gia giao thông ở một số bộ phận người dân còn hạn chế, đặc biệt là giới trẻ, trong đó không ít đối tượng là học sinh.

    + Xử lí chưa nghiêm minh, chưa thỏa đáng. Ngoài ra còn xảy ra hiện tượng tiêu cực trong xử lí.

    • Hậu quả: Gây tử vong, tàn phế, chấn thương sọ não..

    Theo số liệu thống kê của WHO (Tổ chức y tế thế giới) : Trung bình mỗi năm, thế giới có trên 10 triệu người chết vì tai nạn giao thông. Năm 2006, riêng Trung Quốc có tới 89.455 người chết vì các vụ tai nạn giao thông. Ở Việt Nam con số này là 12, 300. Năm 2007, WHO đặt Việt Nam vào Quốc gia có tỉ lệ các vụ tử vong vì tai nạn giao thông cao nhất thế giới với 33 trường hợp tử vong mỗi ngày.

    Tai nạn giao thông đang là một quốc nạn, tác động xấu tới nhiều mặt trong cuộc sống:

    • - TNGT Ảnh hưởng lâu dài đến đời sống tâm lý: Gia đình có người thân chết hoặc bị di chứng nặng nề vì TNGT ảnh hưởng rất lớn tới tinh thần, tình cảm; TNGT tăng nhanh gây tâm lí hoang mang, bất an cho người tham gia giao thông.
    • - TNGT gây rối loạn an ninh trật tự: Kẹt xe, ùn tắc giao thông; kẻ xấu lợi dụng móc túi, cướp giật..
    • - TNGT gây thiệt hại khổng lồ về kinh tế bao gồm: Chi phí mai táng cho người chết, chi phí y tế cho người bị thương, thiệt hại về phương tiện giao thông về hạ tầng, chi phí khắc phục, chi phí điều tra..
    • - TNGT làm tiêu tốn thời gian lao động, nhân lực lao động: TNGT làm kẹt xe, ùn tắc GT dẫn đến trễ giờ làm, giảm năng suất lao động; TNGT làm chết hoặc bị thương ảnh hưởng đến nguồn lực lao động xã hội.

    Giảm thiểu tai nạn giao thông là là yêu cầu bức thiết, có ý nghĩa lớn đối với toàn xã hội. Thanh niên, học sinh cần làm những gì để góp phần giảm thiểu TNGT?

    Vì sao lại đặt vai trò cho tuổi trẻ, vì tuổi trẻ là đối tượng tham gia giao thông phức tạp nhất cũng là đối tượng có nhiều sáng tạo và năng động nhất có thể góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

    *Đề xuất một số biện pháp

    - Tuyên truyền cho mọi người biết tác hại và hậu quả nghiêm trọng của TNGT.

    - Tự giác nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ ATGT khi tham gia giao thông.

    - Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật giao thông. Cùng giương cao khẩu hiệu "Nói không với phóng nhanh vượt ẩu", "An toàn là bạn, tai nạn là thù"..

    - Thành lập các đội thanh niên tình nguyện xuống đường làm nhiệm vụ.

    - Phát hiện và báo cáo kịp thời với các cơ quan đoàn thể nơi gần nhất những trường hợp vi phạm ATGT.

    - Về phía trường học, cần phát động và giáo dục kịp thời những trường hợp học sinh vi phạm.

    - Về phía chính quyền, cần xử lí thật nghiêm minh hơn nữa những trường hợp vi phạm.

    Câu 3 :(5 điểm).

    MÙA XUÂN NHO NHỎ

    - Thanh Hải -

    I. Tác giả: Thanh Hải (1930 – 1980) tên khai sinh là Phạm Bá Ngoãn – Quê ở Thừa Thiên Huế. Hoạt động văn nghệ từ cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, góp phần xây dựng nền văn hóa cách mạng ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ.

    II. Tác phẩm: Được viết tháng 11 – 1980 (một tháng trước khi nhà thơ qua đời) thể hiện niềm thiết tha yêu cuộc sống, đất nước và ước nguyện của tác giả.

    III. Tên bài thơ:

    - "Mùa xuân nho nhỏ" là một sáng tác độc đáo, một phát hiện mới mẻ của nhà thơ.

    - Hình ảnh "Mùa xuân nho nhỏ" là biểu tượng cho những gì tinh tuý, đẹp đẽ nhất của sự sống và cuộc đời mỗi con người.

    - Thể hiện quan điểm về sự thống nhất giữa cái riêng với cái chung, giữa cá nhân và cộng đồng.

    - Thể hiện nguyện ước của nhà thơ muốn làm một mùa xuân, nghĩa là sống đẹp, sống với tất cả sức sống tươi trẻ của mình nhưng rất khiêm nhường là một mùa xuân nhỏ góp vào mùa xuân lớn của đất nước, của cuộc đời chung. Đó cũng chính là chủ đề của bài thơ mà nhà thơ muốn gửi gắm.

    IV. Phân tích bài thơ: 3 ý lớn

    1. Mùa xuân thiên nhiên (6 câu đầu) :

    - Bức tranh mùa xuân thiên nhiên trong 6 câu thơ đầu được vẽ bằng vài nét chấm phá nhưng rất đặc sắc.

    - Không gian cao rộng của bầu trời, rộng dài của dòng sông, màu sắc hài hòa của bông hoa tím biếc và dòng sông xanh - đặc trưng của xứ Huế.

    - Ròn rã, tươi vui với âm thanh tiếng chim chiền chiện hót vang trời, tiếng chim trong ánh sáng xuân lan tỏa khắp bầu trời như đọng thành "từng giọt long lanh rơi".

    - Cảm xúc của tác giả trước mùa xuân đất trời thể hiện qua cái nhìn trìu mến với cảnh vật, trong những lời bộc lộ trực tiếp như lời trò chuyện với thiên nhiên "ơi, hót chi.. mà..". Đặc biệt cảm xúc của nhà thơ được thể hiện trong một động tác trữ tình đón nhận vừa trân trọng vừa tha thiết trừu mến với mùa xuân: Đưa tay hứng lấy từng giọt long lanh của tiếng chim chiền chiện.

    - Hình ảnh ẩn dụ chuyển đổi cảm giác đó thể hiện cảm xúc say sưa ngây ngất của tác giả trước cảnh đất trời xứ Huế vào xuân thể hiện mong muốn hòa vào thiên nhiên đất trời trong tâm tưởng giữa mùa đông giá lạnh khiến ta vô cùng khâm phục.



    2. Mùa xuân của đất nước (10 câu tiếp) :

    - Hình ảnh lộc xuân theo người ra tràn theo người ra đồng làm đẹp ý thơ với cuộc sống lao động và chiến đấu, xây dựng và bảo vệ, 2 nhiệm vụ không thể tách rời. Họ đã đem mùa xuân đến mọi nơi trên đất nước.

    - Nhà thơ tin tưởng, tự hào về tương lai tươi sáng của đất nước cho dù trước mắt còn nhiều vất vả, khó khăn.

    3. Ước nguyện của nhà thơ (8 câu tiếp) :

    - Muốn làm những việc hữu ích dâng hiến cho đời bầy tỏ qua những hình ảnh nhỏ bé, xinh xắn giàu ý nghĩa, lấy cái đẹp tinh tuý của thiên nhiên để diễn tả vẻ đẹp của tâm hồn "ta.. xuyến".

    - Làm "con chim hót" giữa muôn ngàn tiếng chim vô tư cống hiến tiếng hót vui, làm "một cành hoa" giữa vườn hoa xuân rực rỡ vô tư cống hiến hương sắc cho đời, làm "một nốt trầm" giữa bản hòa tấu muôn điệu, làm "một mùa xuân nho nhỏ" góp vào mùa xuân lớn của đất nước, của cuộc đời chung.

    - Một.. bạc

    - Khát vọng được hòa nhập, được cống hiến sức sống tươi trẻ – dù bé nhỏ của mình cho đất nước giản dị, chân thành, khiêm tốn nhưng vô cùng mãnh liệt, bất chấp thời gian, tuổi tác.

    - Bài thơ được viết một tháng trước khi nhà thơ trở về với cát bụi nhưng không gợn chút băn khoăn về bệnh tật, những suy nghĩ riêng tư cho bản thân mà chỉ "lặng lẽ cháy bỏng một khát khao được dâng hiến".

    - Đây không phải là khẩu hiệu của một thanh niên bước vào đời mà là lời tâm niệm của một con người đã từng trải qua 2 cuộc kháng chiến, đã cống hiến trọn cuộc đời và sự nghiệp cho cách mạng vẫn tha thiết được sống đẹp, sống có ích với tất cả sức sống tươi trẻ của mình cho cuộc đời chung.

    Khổ cuối: Như một nhịp láy lại của khúc dân ca dịu dàng, đằm thắm tăng giá trị biểu hiện của các khổ thơ trên đem lại thi vị Huế trìu mến thiết tha.

    4. Nghệ thuật:

    - Thể thơ 5 chữ gần với điệu dân ca.

    - Hình ảnh tự nhiên, giản dị.

    - Cấu tứ bài thơ chặt chẽ: Từ mùa xuân đất trời à đất nước à con người.

    - Giọng điệu thể hiện đúng tâm trạng.

    - Cảm xúc của tác giả ở từng đoạn vui say sưa à trầm lắng hơi trang nghiêm à sôi nổi tha thiết.


    ĐỀ 14


    Câu 1. Cho đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi bên dưới.

    Mọc giữa dòng sông xanh

    Một bông hoa tím biếc

    Ơi con chim chiền chiện

    Hót chi mà vang trời

    Từng giọt long lanh rơi

    Tôi đưa tay hứng về.

    1. Tác phẩm có đoạn trích trên?

    A. Sang thu B. Mùa xuân nho nhỏ

    C. Ánh Trăng C. Đoàn thuyền đánh cá

    2. Tên khai sinh của nhà thơ là gì?

    A. Phạm Bá Ngoãn.

    B. Phan Ngọc Hoan.

    C. Hứa Vĩnh Sước.

    D. Phan Thanh Viễn.

    3. Bài thơ được ra đời vào thời điểm nào?

    A. Đầu năm 1980.

    B. Cuối năm 1980.

    C. Đầu năm 1979.

    D. Cuối năm 1979

    4. "Giọt long lanh rơi" được nhà thơ sử dụng biện pháp tu từ nào?

    A. So sánh.

    B. Hoán dụ.

    C. Nhân hóa.

    D. Ẩn dụ.

    5. "Giọt long lanh" ở đây được hiểu là gì?

    A. Giọt sương ban mai.

    B. Giọt mưa xuân.

    C. Tiếng chim chiền chiện.

    D. Âm thanh đất trời xứ Huế.

    6. Tác giả cảm nhận về "Giọt long lanh" bằng những giác quan nào? (Theo trình tự của sự cảm nhận)

    A. Xúc giác - Thị giác - Thính giác.

    B. Thính giác - Xúc giác - Thị giác.

    C. Thính giác - Thị giác - Xúc giác.

    D. Xúc giác - Thính giác - Thị giác.

    7. Hai câu thơ "" Mọc giữa dòng sông xanh/Một bông hoa tím biếc "Tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật gì?

    A . So sánh.

    B. Đảo ngữ.

    C. Nhân hóa.

    D. Tả cảnh ngụ tình.

    8. Từ Ôi! Thuộc thành phần nào?

    A. Cảm thán B. Tình thái

    C. Phụ trú D. Gọi đáp


    Câu 2 (3 điểm) Cộng đồng kỳ thị người mắc bệnh dịch covid, bạn sẽ nghĩ gì? Trình bày bằng một đoạn văn khoảng 200 chữ. Trong đoạn văn có sử dụng khởi ngữ, gạch chân vào thành phần khởi ngữ ấy.

    Câu 3 (5 điểm) : Phân tích đoạn truyện sau:

    " Ông lão ôm thằng con út lên lòng, vỗ nhè nhẹ vào lưng nó, khẽ hỏi:

    - Húc kia! Thầy hỏi con nhé, con là con ai?

    - Là con thấy mấy lị con u.

    - Thế nhà con ở đâu?

    - Nhà ta ở làng chợ Dầu.

    - Thế con có thích về làng chợ Dầu không?

    Thằng bé nép đầu vào ngực bố trả lời khe khẽ:

    - Có

    Ông lão ôm khít thằng bé vào lòng, một lúc lâu ông lại hỏi:

    - À, thầy hỏi con nhé. Thế con ủng hộ ai?

    Thằng bé dơ tay lên, mạnh bạo và rành rọt:

    - Ủng hộ cụ Hồ Chí Minh muôn năm!

    Nước mắt ông lão giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má. Ông nói thủ thỉ:

    - Ừ đúng rồi, ủng hộ cụ Hồ con nhỉ.

    Mấy hôm nay ru rú ở xó nhà, những lúc buồn khổ quá chẳng biết nói cùng ai, ông lão lại thủ thỉ với con như vậy.. "

    (" Làng " – Kim Lân, Ngữ văn 9, tập một)

    ---------- HẾT ---------

    ĐỀ 16

    Phần I Trắc nghiệm (2 điểm)

    Cho đoạn thơ sau:

    " Ngửa mặt lên nhìn mặt

    có cái gì rưng rưng

    như là đồng là bể

    như là sông là rừng

    Trăng cứ tròn vành vạnh

    kể chỉ người vô tình

    ánh trăng im phăng phắc

    đủ cho ta giật mình "

    1. Tên bài thơ có đoạn trích.

    A. Viếng lăng Bác B. Mùa xuân nho nhỏ

    C. Nói với con D. Ánh Trăng

    2. Tác giả bài thơ.

    A. Chính Hữu B. Nguyễn Duy

    C. Thanh Hải D. Viễn Phương

    3. Những nơi nào tác giả bài thơ trên đã sống và coi vầng trăng là tri kỷ

    A. Đồng, sông, bãi, rừng B. Đồng, sông, núi, rừng

    C. Đồng, sông, bể, rừng D. Bãi, đồng, sông, bể

    4. Trong khổ thơ" Ngửa mặt.. là rừng "tác giả sử dụng biện pháp tu từ nào?

    A. Nhân hóa B. Nói quá

    C. So sánh D. Liệt kê

    5. Trong các dòng sau, dòng nào có chứa từ không phải là từ láy

    A. Thình lình, rưng rưng, vành vạnh

    B. Trần trụi, phăng phắc, thình lình

    C. Thiên nhiên, trần trụi, rưng rưng

    D. Rưng rưng, vành vạnh, phăng phắc

    6. Phương thức biểu đạt của bài thơ là gì?

    A. Tự sự B. Miêu tả C. Biểu cảm D. Thuyết minh.

    7. Từ" giật mình "trong câu thơ cuối là động từ chỉ điều gì của con người?

    A. Hành động B. Trạng thái C. Tâm tư D. Cảm xúc

    8. Tư tưởng đạo lý được nhà thơ đề cập tới trong bài thơ này là gì?

    A. Truyền thống yêu nước

    B. Uống nước nhớ nguồn

    C. Có chí thì nên

    D. Yêu chuộng hòa bình

    Phần II Làm văn (8 điểm)

    Câu 9. Em có lời khuyên gì với những người cố tình dấu bệnh và né tránh việc đi cách ly trong mùa đại dịch Covid 19. Trình bày bằng một đoạn văn diễn dịch 200 chữ. Trong đoạn văn có sử dụng thành phần biệt lập tình thái.

    Câu 10:

    Phân tích tình cảm cha con của ông Sáu và bé Thu trong tác phẩm" Chiếc lược ngà ". Của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

    Từ câu chuyện, em rút ra được cho mình bài học gì?


    ĐỀ 17

    Câu 1: Đọc kĩ đoạn văn sau rồi thực hiện các yêu cầu bên dưới:

    [..] Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị . Người phương Bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác. Từ đời nhà Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi. Đời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ, các ngài không nỡ ngồi nhìn chúng làm điều tàn bạo, nên đã thuận lòng người, dấy nghĩa quân, đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được chúng về phương Bắc. [..]

    (Ngữ văn 9, tập I, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012)

    a . Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai?

    b. Nhân vật nói lời ấy là ai, nói với ai? Em hãy nêu nét đẹp của nhân vật qua đoạn trích trên.

    c. Em hiểu gì về ý nghĩa của câu in đậm trên? Nó gợi cho em nhớ tới những câu thơ, câu văn nào? Hãy viết những câu ấy ra cùng với tên tác phẩm, tác giả.

    d. . Xác định những phép liên kết cơ bản trong đoạn trích trên. (Chỉ ra từ ngữ liên kết và gọi tên các phép liên kết ấy).

    Câu 2 :(1 điểm)

    Từ hiểu biết về đoạn trích trên, hãy viết một văn bản ngắn (khoảng một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ về lòng yêu nước được gợi ra từ đoạn trích và suy nghĩ của bản thân em. Trong đoạn văn có sử dụng thành phần biệt lập phụ chú. Gạch chân vào thành phần ấy.

    Câu 3 :(5 điểm)

    Phân tích các khổ thơ sau:

    " Trần trụi với thiên nhiên

    Hồn nhiên như cây cỏ

    Ngỡ không bao giờ quên

    Cái vầng trăng tình nghĩa

    Từ hồi về thành phố

    Quen ánh điện cửa gương

    Vầng trăng đi qua ngõ

    Như người dưng qua đường

    Thình lình đèn điện tắt

    Phòng buyn-đinh tối om

    Vội bật tung cửa sổ

    Đột ngột vầng trăng tròn

    Ngửa mặt lên nhìn mặt

    Có cái gì rưng rưng

    Như là đồng là bể

    Như là sông là rừng ".

    (Nguyễn Duy – Ánh Trăng. Ngữ văn 9 tập 1)


    ĐỀ 18

    Phần I. Trắc nghiệm. Đọc kỹ đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bằng cách ghi lại chữ cái các câu trả lời đúng.

    ".. Qua năm sau, giặc Chiêm chịu trói, quân nước kéo về. Trương sinh tới nhà thì mẹ đã từ trần, con vừa học nói. Chàng hỏi mộ mẹ rồi dắt con nhỏ đi thăm, song đứa bé không chịu, gào khóc. Sinh dỗ dành:

    - Con nín đi, đừng khóc! Lòng cha đã buồn khổ lắm rồi!

    Đứa con nói:

    - Ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha trước kia chỉ nín thin thít.

    Chàng ngạc nhiên gạn hỏi. Đứa con nói:

    - Khi ông chưa về đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến. Mẹ đi cũng đi, mẹ ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả ".

    (Chuyện người con gái Nam Xương – Nguyễn Dữ)

    1, Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào

    A, Truyền kỳ mạn lục C. Truyền kỳ tân phả

    B, Thánh Tông di cảo D, Vợ chàng Trương

    2, Tác giả của truyện là

    A, Đoàn Thị Điểm C, Nguyễn Dữ

    B, Lê Thánh Tông D, Nguyễn Bỉnh Khiêm

    3, Nội dung của đoạn trích trên có vị trí như thế nào trong câu chuyện?

    A, Làm nổi bật tính cách ngây thơ của bé Đản

    B, Thể hiện tính hay ghen của Trương Sinh

    C, Tố cáo chiến tranh làm cha con xa cách không nhận ra nhau

    D, Nguyên nhân dẫn đến nỗi oan của Vũ Nương.

    4, Đoạn Trích nằm ở phần có nội dung nào trong câu truyện

    A, Sự xa cách của chiến tranh và phẩm hạnh của Vũ Nương

    B, Nỗi oan khuất và cái chết bi thảm của Vũ Nương

    C, Vũ Nương gặp Phan Lang dưới thủy cung

    D, Nỗi oan của Vũ Nương được giải nhờ lời nói của bé Đản

    5, Trong các tập hợp từ sau đâu là cụm động từ

    A, giặc ngoan cố C, hay ghen

    B, chẳng bao giờ D, bế đứa con

    6, Hãy chỉ ra trong các câu sau câu nào có mục đích cầu khiến

    A, Trương Sinh về tới nhà, được biết mẹ đã qua đời, con vừa học nói

    B, Cha về, bà đã mất, lòng cha buồn khổ lắm rồi

    C, Nín đi con, đừng khóc

    D, Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít.

    7, Các từ nào gần nghĩa nhất với từ" Thin thít "trong câu văn" Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít "

    A, Lặng (Nín lặng) C, Bặt (Nín bặt)

    B, Thinh (Nín thinh) D, Như

    8, Từ" Thin thít "Thuộc kiểu từ nào

    A, Từ ghép đẳng lập C, Từ đơn

    B, Từ láy D, Từ ghép chính – phụ

    9, Đoạn văn trên sử dụng phương thức biểu đạt nào là chính.

    A, Tự sự C, Nghị luận

    B, Miêu tả D, Biểu cảm

    10, Dấu ghạch ngang dùng trong đoạn có tác dụng gì?

    A, Đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích trong câu

    B, Đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật

    C, Đánh dấu sự liệt kê

    D, Nối các từ trong một liên danh

    11, Từ" Qua đời "trong đoạn văn dùng cách nói

    A, Nói giảm C, Thậm xưng (nói quá)

    B, Nói tránh D, Chơi chữ

    12, Lời nói của bé Đản Trong đoạn trích trên thông báo mấy sự việc

    A, Hai C, Bốn

    B, Ba D, Một

    Phần II. Tự luận

    Câu 1, Viết đoạn văn nghị luận bàn về bản lĩnh trong cuộc sống.

    Câu 2, Cảm nhận của em trước vẻ đẹp tuyệt mỹ của hai chị em Thúy Kiều trong các câu thơ trích:" Chị em Thúy Kiều "(trích" Truyện Kiều "của Nguyễn Du).

    " Vân xem trang trọng khác vời

    Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang

    Hoa cười ngọc thốt đoan trang

    Mây khua nước tóc tuyết nhường màu da.

    Kiều càng sắc sảo mặn mà

    So bề tài sắc lại là phần hơn

    Làn thu thủy nét xuân sơn

    Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh

    Một hai nghiêng nước nghiêng thành

    Sắc đành đòi một tài dành họa hai

    Hông minh vốn sẵn tính trời

    Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm

    Cung thường lầu bậc ngũ âm

    Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương

    Khúc nhà tay lựa nên chương

    Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân "


    ĐỀ 19

    Phần I (7 điểm )

    Cho đoạn văn sau:

    ".. Công việc của chúng tôi là ngồi đây. Khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất đá lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom. Người ta gọi chúng tôi là tổ trinh sát mặt đường. Cái tên gợi sự khao khát làm nên những sự tích anh hùng. Do đó, công việc cũng chẳng đơn giản. Chúng tôi bị bom vùi luôn. Có khi bò trên cao điểm về chỉ thấy hai con mắt lấp lánh. Cười thì hàm răng lóa lên khuôn mặt nhem nhuốc. Những lúc đó, chúng tôi gọi nhau là những con quỷ mắt đen. "

    (Ngữ văn 9 tập 2)

    1, Đoạn văn trên là lời kể của ai? Kể về điều gì? (1 điểm)

    2, Câu" Những lúc đó, chúng tôi gọi nhau là những con quỷ mắt đen "dùng biện pháp tu từ gì? Biện pháp tu từ ấy giúp chúng ta hiểu gì về các nhân vật? (0, 5 điểm)

    3, Câu văn trên gợi liên tưởng đến những câu thơ nào trong" Bài thơ về tiểu đội xe không kính "của Phạm Tiến Duật? Vì sao? (1 điểm)

    4, Từ tác phẩm" Những ngôi sao xa xôi "và những hiểu biết của em về xã hội, hãy nêu suy nghĩ của em về vai trò của tuổi trẻ Việt Nam trong việc bảo vệ Tổ quốc hiện nay. (Bài viết khoảng nửa trang giấy thi). Trong đoạn có sử dụng một phép thế, một câu cảm thán. (Gạch chân câu cảm thán và từ ngữ dùng làm phép thế) (3 điểm)

    Phần II Làm Văn

    Câu 1. Viết đoạn văn khoảng 200 chữ về lòng khiêm tốn. Trong đoạn văn có sử dụng thành phần trạng ngữ và thành phần khởi ngữ. Gạch chân vào hai thành phần ấy.

    Câu 2. Thí sinh chọn một trong hai câu sau.

    A. Phân tích đoạn thơ sau:

    " Quê hương anh nước mặn, đồng chua

    Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

    Anh với tôi đôi người xa lạ

    Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.

    Súng bên súng, đầu sát bên đầu

    Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ

    Đồng chí!

    Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

    Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

    Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.

    Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,

    Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi ".

    (Chính Hữu – Đồng chí. Văn 9 tập 1)


    ĐỀ 20

    Câu 1 Cho đoạn văn

    " ".. Chú ấy nói: Nhờ cháu có góp phần phát hiện một đám mây khô mà ngày ấy, tháng ấy, không quân ta hạ được bao nhiêu phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng. Đối với cháu, thật là đột ngột, không ngờ lại như thế. Chú lái máy bay có nhắc đến bố cháu, ôm cháu mà lắc" Thế là một - hòa nhé! "Chưa hòa đâu bác ạ. Nhưng từ hôm ấy cháu sống thật hạnh phúc. Ơ, bác vẽ cháu đấy ư? Không, không, đừng vẽ cháu! Để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng cho bác vẽ hơn."

    (Ngữ văn 9, tập một)

    Câu 1 (0, 5đ) : Đoạn văn trên được trích từ văn bản nào? Của ai?

    Câu 2 (1đ) : Lời tâm sự của nhân vật trong đoạn trích giúp em có cảm nhận như thế nào về vẻ đẹp tâm hồn anh?

    Câu 3 (0, 5đ) : Nếu xét theo mục đích nói, câu văn "Không, không, đừng vẽ cháu!" thuộc kiểu câu gì? Vì sao

    Câu 4 (2đ) : Các câu văn "Ơ, bác vẽ cháu đấy ư? Không, không, đừng vẽ cháu! Để cháu giới thiệu cho bác những người khác đáng cho bác vẽ hơn" thể hiện đức tính khiêm tốn đáng quý. Từ đó em có suy nghĩ gì về lòng khiêm tốn. (Trình bày bằng đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi)

    Câu 2 (2 điểm )

    Lấy nhan đề "Người Việt Nam nhất định chiến thắng đại dịch Covid 19" Em hãy viết một đoạn văn theo cách quy nạp. Trong đoạn văn có thành phần biệt lập phụ trú

    Câu 3. Phân tích "Viếng lăng Bác" của Viễn Phương.

    - Hết-
     
    lnanhhLove cà phê sữa thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...