6 điều cần biết khi quyết định niềng răng

Thảo luận trong 'Sức Khỏe' bắt đầu bởi Lạc Lạc về nhà thôi, 2 Tháng mười 2021.

  1. 6 điều cần biết khi quyết định niềng răng

    Niềng răng - Một từ khiến người có ý định niềng cảm thấy sợ nhưng lại là niềm tự hào của người đã niềng.

    Bạn có cảm thấy không tự tin về hàm răng của mình? Bạn không hài lòng về những khuyết điểm của răng khi cười dù người xung quanh đã nói rằng điều đó chẳng sao cả? Răng không đều đã khiến bạn gặp nhiều khó khăn trong việc vệ sinh răng miệng?

    Mình đã từng như vậy dù mình chỉ bị lệch răng dạng nhẹ thôi đã khiến mình không hề tự tin chụp hình hay cười một chút nào nên mình đã muốn thay đổi. Điều khiến mình cứ mãi phân vân là nỗi sợ niềng răng có đau không. Khi bắt đầu dấn thân vào con đường niềng răng mình không có ý định chia sẻ nên không có nhiều hình nhưng khi có kết quả mình nghĩ nhiều bạn sẽ cần thông tin thực tế này. Mình sẽ ghi thật gần gũi để các bạn dễ hiểu.

    1. Niềng răng có đau không?

    Không đau thì không đúng nhưng đau cũng không phải. Cảm giác này là ê buốt, ê ẩm, nó sẽ kéo dài từ 1 - 3 ngày tùy theo cấp độ mà bác sĩ siết dây cung để làm cho răng của bạn di chuyển về đúng vị trí của nó. Tùy vào cơ thể của từng người sẽ khác nhau, mình cảm thấy buốt còn bạn chỉ cảm thấy hơi ê là điều bình thường.


    2. Quá trình niềng răng như thế nào? (Mỗi lần hẹn tái khám cách nhau một hoặc vài tuần nên mình ghi những lần đặc biệt để bạn dễ hình dung nhé)

    Đầu tiên:

    Mình đến phòng khám chụp khung xương hàm và xác định hình thức niềng: Chụp hình khoảng 10 phút rồi sẽ có bác sĩ hướng dẫn mình nên niềng hàm trên thôi không cần niềng dưới, chụp ra mình mới phát hiện dưới hàm mình có 2 răng khôn nằm ngang nên nó chẳng mọc lên và cũng không có cảm giác gì cả, nhờ vậy mà mình đã được nhổ răng khôn kịp thời đó.

    Lần 1:

    Bác sĩ sẽ hẹn ngày để mình lên làm sạch vôi răng trước khi niềng và hẹn ngày lên lấy dấu răng.

    Lần 2: Lấy dấu răng:

    Bạn sẽ được làm khung răng trước khi niềng, chụp hình trực diện và hai bên mặt. Bác sĩ sẽ nói sơ về việc điều chỉnh răng của bạn thế nào để bạn hiểu sơ. Thật ra mình cũng chẳng nhớ gì mấy nhưng mình đã rất biết ơn vì sự có tâm đó.


    • Đối với người không cần nhổ rằng: Mình được hẹn ngày lên gắn mắc cài luôn.
    • Đối với người phải nhổ răng vì dư răng: Bạn sẽ được hẹn lịch nhổ từ 1 - 2 răng mỗi lần, như bạn mình phải nhổ tận 4 răng thường và 4 răng khôn nên mất gần 2 tháng để phục hồi rồi mới bắt đầu niềng. (Bạn đọc đến đây sợ lắm phải không? Lúc mình nghe cũng sợ nhưng bác sĩ có cho thuốc tê và đơn thuốc giảm đau để bạn chuẩn bị nên hãy thật bình tĩnh nha, mình sẽ kể quá trình mình nhổ răng khôn cho các bạn nghe sau)

    Lần 3: Bắt đầu gắn mắc cài

    Quá trình này khoảng 1 tiếng vì phải để keo khô cho mắc cài thật chắc trên răng thì bác sĩ mới gắn dây cung và bắt đầu siết răng lần đầu tiên được. Lúc này chỉ cảm thấy hơi chặt thôi bạn chưa sao đâu. Sau vài tiếng về nhà bạn mới dần cảm nhận được cơn ê buốt kéo đến. Theo kinh nghiệm của mình là, ăn thật ngon trước khi gắn, sau khi gắn về cũng hãy ăn nhưng nhẹ thôi, đến khi bắt đầu ê bạn đã có chiếc bụng no rồi yeah.

    Lần 4: Tiến hành điều chỉnh mạnh tay hơn


    • Trường hợp nhẹ: Mình chỉ bị lệch răng do thiếu chỗ nên bác sĩ chỉ cần mài cạnh răng của mình để xoay lên từ từ thôi. Bạn biết tiếng móng tay cứa vào bảng chứ? Mình đã khó chịu cực kì khi mài răng y như vậy đó. Muốn phát điên ấy, may là chỉ chịu đựng vài phút mỗi lần mài thôi. Mài răng nên răng sẽ rất ê nên các bạn đừng uống đồ lạnh và đừng cắn ở chỗ răng bị mài nha.
    • Trường hợp răng nặng: Tùy vào hàm của bạn bị hô, lệch hay móm, bác sĩ sẽ có thể gắn thêm ốc vào răng hàm để điều chỉnh cả xương răng nên sau khi niềng cấu trúc mặt của bạn có thể điều chỉnh cân đối hơn (đa số là đẹp hơn đó). Như 1 bạn bị móm của mình được gắn thêm ốc ở hàm dưới để đẩy vào trong còn mình hơi lệch khớp nhai thì gắn thun kéo hàm.. Cảm giác ê buốt lúc đầu là điều đương nhiên, bạn chỉ cần để ý cảm giác của bản thân để điều chỉnh cử động ăn uống thật nhẹ là êm nên đừng lo nha.

    Lần 5 và các lần sau:

    Tùy trường hợp của mỗi người mà những lần kế tiếp bác sĩ sẽ điều chỉnh khác nhau, bạn cứ đi đúng theo hướng dẫn và lịch hẹn để giữ đúng được sự di chuyển của răng là được.

    *Đặc biệt phải lưu ý: vấn đề làm sạch răng nhé vì lúc này răng bạn đang rất yếu, nướu lại dễ bị viêm nữa nhưng đánh răng không được mạnh mà phải kỹ một cách nhẹ nhàng kèm theo bước lấy những mảng bám còn dính trên mắc cài. Việc rớt mắc cài vì mê ăn là điều đương nhiên sẽ xảy ra đấy, mình đã rất cố gắng nhưng vẫn nhiều lần bị rớt mất làm bác sĩ la và có khi còn phạt tiền gắn mắc cài mới nữa.


    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    3. Niềng răng loại nào sẽ phù hợp?

    Dựa trên công việc, việc học hay tài chính của mỗi người sẽ có loại phù hợp cho bạn.

    Các loại mắc cài:


    • Inox: Nhanh gọn. Chắc chắn nhất nhưng lại thiếu thẩm mỹ, loại này cũng rẻ nhất nữa.
    • Pha lê: Trong suốt nên khi cười nhìn không kỹ bạn chỉ bị thấy sợi dây inox siết răng và các khối trong đính vào răng thôi, loại này thì hơi yếu hơn inox đó. (Mình đã niềng loại này)
    • Sứ: Bạn mình chọn làm loại này thì đúng là nhìn vô không kỹ là không nhận ra đang gắn mắc cài luôn, loại này cao giá hơn một tí nhưng sẽ phù hợp với các bạn phải gặp khách hàng nhiều đó.
    • Niềng trong suốt theo khuôn răng: Loại này ở chỗ mình niềng không có nhưng mình có hỏi thăm vài chỗ có giá từ 40 - 80 triệu nên mình đã bay về nơi thuộc về mình huhu. Thật ra nếu có điều kiện mình cũng sẽ chọn loại này vì tiện lợi quá còn gì.

    4. Niềng răng có bị hóp má không?

    Tùy khung xương hàm ở mỗi người mà sau khi điều chỉnh răng sẽ có thể bị hoặc không. Minh chứng là mình bị nè vì xương gò má của mình hơi bè và hơi cao nên sau niềng nhìn rõ hơn nhưng không nhiều lắm đâu. Mình đã tìm hiểu các bài tập mewing, tập thể dục cơ mặt.. ngay cả việc xem nhân tướng để điều chỉnh nét mặt nữa. Nói là không sao nhưng lúc đó mình đã cố gắng khắc phục tìm mọi cách luôn đó mọi người.

    5. Niềng răng bao nhiêu tiền?

    Trước khi niềng mình đã chuẩn bị tâm lý cho vấn đề chi phí rồi vì sẽ có nhiều chỗ cho mình trả góp nên cũng nhẹ nhàng hơn.

    Mình niềng từ năm 2020, tìm hiểu nhiều nơi thì chi phí dao động từ 25 triệu trở lên. Do bác sĩ thông báo mình chỉ cần niềng hàm trên với trường hợp lệch nhẹ nên mình chỉ tốn 13 triệu để niềng thôi, ngoài ra còn phí nhổ răng khôn hay đền tiền mất mắc cài thì mỗi người sẽ khác nhau.

    6. Thời gian niềng trong bao lâu

    Trân trọng chia sẻ với các bạn mình dự kiến niềng 1 hàm trong 10 tháng nhưng nó đã kéo dài hơn 1 năm vì răng mình lỳ như trâu vậy, nó đã xoay lố hơn dự kiến và bác sĩ cũng đã rất kiên nhẫn với mình. Mình đã hỏi nhiều bạn thì thường sẽ lâu hơn thời gian bác sĩ báo với bạn vì những trường hợp răng lì lợm như của mình hoặc do thói quen sinh hoạt của bạn khiến nó di chuyển không đúng. Như bạn mình, cậu ấy đã bị té xe xu cà na phải niềng tiếp 6 tháng vì té xong lệch răng. Haha.

    Cám ơn các bạn đã tham khảo trải nghiệm niềng răng của mình. Mình là Lạc Lạc mình về nhà đây.
     
    Chỉnh sửa cuối: 3 Tháng mười 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...