5 ĐỀ CHỐT ÔN NLVH THPT QUỐC GIA 2018 Đề 1 Cảm nhận của anh/ chị về hình tượng nhân vật Mị trong cảnh mùa xuân ở Hồng Ngài ( "Vợ chồng A Phủ" - Tô Hoài). Từ đó liên hệ với nhân vật Chí Phèo trong cảnh buổi sáng đầu tiên khi tỉnh rượu ( "Chí Phèo" – Nam Cao), để nhận xét về cách khám phá vẻ đẹp tâm hồn con người lao động của hai nhà văn? Hướng dẫn 1. Giới thiệu chung – Giới thiệu về tác giả Tô Hoài; Nhân vật Mị trong cảnh đêm tình mùa xuân. – Giới thiệu về tác giả Nam Cao; Nhân vật Chí Phèo trong cảnh buổi sáng đầu tiên khi tỉnh rượu. Hai nhà văn đều đi sâu khám phá vẻ đẹp tâm hồn con người lao động. 2. Cảm nhận hình tượng nhân vật Mị trong cảnh mùa xuân ở Hồng Ngài – Mị có phẩm chất tốt đẹp nhưng bị đày đọa cả về thể xác và tinh thần + Mị là một thiếu nữ xinh đẹp, tài hoa, hồn nhiên, yêu đời; chăm chỉ làm ăn, yêu tự do, ý thức được quyền sống của mình. + Mị là giàu lòng vị tha, đức hi sinh. + Là con dâu gạt nợ, Mị bị đối xử như một nô lệ. Mị sống khổ nhục hơn cả súc vật, thường xuyên bị A Sử đánh đập tàn nhẫn. Mị sống như một tù nhân trong căn buồng chật hẹp, tối tăm. + Sống trong đau khổ, Mị gần như vô cảm "ngày càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa". – Tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân + Bên trong hình ảnh "con rùa nuôi trong xó cửa" vẫn đang còn một con người khát khao tự do, hạnh phúc. Gió rét dữ dội cũng không ngăn được sức xuân tươi trẻ trong thiên nhiên và con người, tất cả đánh thức tâm hồn Mị. + Mị uống rượu để quên hiện tại đau khổ. Mị nhớ về thời con gái, Mị sống lại với niềm say mê yêu đời của tuổi trẻ. + Tiếng sáo (biểu tượng của tình yêu và khát vọng tự do) từ chỗ là hiện tượng ngoại cảnh đã đi sâu vào tâm tư Mị. + Mị thắp đèn như thắp lên ánh sáng chiếu rọi vào cuộc đời tăm tối. Mị chuẩn bị đi chơi nhưng bị A Sử trói lại; tuy bị trói nhưng Mị vẫn tưởng tượng và hành động như một người tự do, Mị vùng bước đi. – Khái quát nghệ thuật + Bút pháp hiện thực sắc sảo, nghệ thuật phân tích tâm lí tinh tế, Tô Hoài đã xây dựng thành công nhân vật Mị. + Có áp bức, có đấu tranh; Mị chính là điển hình sinh động cho sức sống tiềm tàng, sức vươn lên mạnh mẽ của con người từ trong hoàn cảnh tăm tối hướng tới ánh sáng của nhân phẩm và tự do. 3. Liên hệ nhân vật Chí Phèo trong cảnh buổi sáng đầu tiên khi tỉnh rượu A. Liên hệ nhân vật Chí Phèo trong cảnh buổi sáng đầu tiên khi tỉnh rượu: – Sau khi gặp Thị Nở và được Thị chăm sóc, yêu thương, Chí Phèo lần đầu tiên tỉnh rượu sau những cơn say triền miên và đã có sự chuyển biến sâu sắc trong tâm trạng: + Từ tỉnh rượu đến tỉnh ngộ: Tỉnh rượu: Lần đầu tiên – từ khi ra tù, Chí hết say và cảm nhận được thời gian và âm thanh hằng ngày của cuộc sống. Âm thanh cuộc sống đang từng tiếng một gõ nhịp vận hành cùng với sự thức tỉnh của Chí Phèo. Những âm thanh này ngày nào mà chẳng có, nhưng đây lại là lần đầu tiên Chí mới nhận ra. Tỉnh ngộ: Nhận thức và nhìn lại cuộc đời mình trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. + Khát khao hoàn lương và mong ước hạnh phúc. Chí mong muốn trở lại làm người lương thiện. Nam Cao cho cho ta thấy được bản tính tốt của con người có ngay trong con người bị tha hóa. Bản tính ấy sẽ trỗi dậy khi có chất xúc tác. B. Nhận xét về cách khám phá vẻ đẹp tâm hồn con người lao động của hai nhà văn – Hai nhân vật Mị và Chí Phèo của nhà văn Tô Hoài, Nam Cao là những hình tượng điển hình cho số phận con người lao động vượt lên sự đè nén của cường quyền và thần quyền để khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của con người. + Mị: Tưởng chừng như đã trở thành vật vô tri, vô giác trong nhà thống lý, nhưng vẫn tiềm tàng sức sống mãnh liệt trong đêm tình mùa xuân. + Chí Phèo: Dù bị hủy hoại cả về nhân hình lẫn nhân tính nhưng Chí vẫn khao khát hướng đến cuộc sống lương thiện. Mỗi nhà văn có một cách sáng tạo riêng, nhưng khi viết về người nông dân thì các tác giả đều hướng tới khám phá vẻ đẹp tâm hồn của họ. Từ đó, đề cao, trân trọng những phẩm chất đáng quý của người nông dân. Đề 2 Ta đi ta nhớ những ngày Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi Thương nhau chia củ sắn lùi Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng. Nhớ người mẹ nắng cháy lưng Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô Nhớ sao lớp học i tờ Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan Nhớ sao ngày tháng cơ quan Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo Nhớ sao tiếng mỏ rừng chiều Chày đêm nện cối đều đều suối xa. (Trích Việt Bắc, Tố Hữu) Cảm nhận đoạn thơ trên. Từ đó, liên hệ với bài thơ Từ ấy (Tố Hữu, Ngữ văn 11) để bình luận ngắn ý kiến sau: "Ngay từ đầu, cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu đã là cái tôi chiến sĩ, càng về sau càng xác định rõ là cái tôi nhân danh Đảng, nhân danh cộng đồng dân tộc" (Ngữ văn 12, Tập I, NXBGD Việt Nam, năm 2017 tr 97) Hướng dẫn A. Mở bài: - Tố Hữu là một trong những lá cờ đầu của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam hiện đại. – Tố Hữu có nhiều tập thơ với nhiều bài thơ có giá trị, trong đó có bài thơ "Việt Bắc". Đoạn thơ sau thể hiện nỗi nhớ Việt Bắc của người ra đi (trích thơ) – Thơ Tố Hữu thể hiện lẽ sống, tình cảm cách mạng của con người Việt Nam nhưng mang đậm chất dân tộc, truyền thống, Vì thế, ngay từ đầu, cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu đã là cái tôi chiến sĩ, càng về sau càng xác định rõ là cái tôi nhân danh Đảng, nhân danh cộng đồng dân tộc. Điều này càng được thể hiện rõ nét hơn qua hai bài thơ của ông là "Từ ấy" và "Việt Bắc". B. Thân bài: – Khái quát về bài thơ, đoạn thơ: + Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Miền Bắc được giải phóng. Tháng 10 năm 1954, các cơ quan Trung ương Đảng và Nhà nước chuyển từ Việt Bắc (Thủ đô kháng chiến) về thủ đô Hà Nội. Sự lưu luyến giữa kẻ ở và người ra đi đã khơi nguồn cảm xúc lớn cho nhà thơ sáng tác "Việt Bắc" + Đoạn trích thuộc phần đầu của bài thơ – Cảm nhận nội dung, nghệ thuật về đoạn thơ: * Về nội dung: +Nêu ý chính toàn đoạn thơ: Khẳng định tấm lòng trước sau như một, nỗi nhớ sâu sắc trào dâng, tình cảm ân tình giữa kẻ đi với người ở. Cảnh sắc thiên nhiên, cuộc sống sinh hoạt, kỉ niệm kháng chiến lần lượt hiện ra sâu sắc, chân thực. +Hai dòng đầu: ++Từ "đây-đó" chỉ vị trí liền kề ++Cụm từ "đắng cay ngọt bùi" là ẩn dụ, chỉ những gian khổ và niềm vui Hai câu thơ diễn tả sự gắn bó mật thiết giữa người Việt Bắc với người Cách Mạng, cùng chịu gian khổ, chia sẻ niềm vui. +Hai câu tiếp: ++Hình ảnh "củ sắn lùi, bát cơm, chăn sui" đi với những từ ngữ "chia, sẻ, cùng" cho thấy sự thiếu thốn, khổ cực của cuộc sống kháng chiến, đắng cay cùng hưởng, ngọt bùi cùng chia ++Tượng trưng cho một mối tình đậm đà giai cấp Hai câu thơ chứa đựng bao tình nghĩa sâu đậm. Tất cả những khoảnh khắc ấy sáng mãi trong lòng người ra đi, tâm trí người ở lại, ghi dấu ấn không thể xóa nhòa. +Hai câu thơ tiếp theo: ++ "Người mẹ nắng cháy lưng", "địu con" gợi liên tưởng đến sự tần tảo chắt chiu, cần cù lao động của người mẹ chiến sĩ trong kháng chiến. ++Là hình ảnh tiêu biểu cho cái đẹp, ân tình trong cuộc sống kháng chiến. +Bốn câu cuối: Nhớ về Việt Bắc là nhớ về cuộc sống sinh hoạt kháng chiến một thời không thể nào quên: ++Nhớ "lớp học i tờ" xóa mù chữ: Cách mạng đem đến cho nhân dân không chỉ tự do mà còn đem đến ánh sáng của tri thức; ++Nhớ nhịp sống những "ngày tháng cơ quan", "gian nan vẫn ca vang núi đèo" gợi tinh thần lạc quan yêu đời của cán bộ chiến sĩ bất chấp khó khăn; ++Nhớ những thanh âm đặc trưng của miền núi: Tiếng mõ rừng chiều, tiếng chày đêm nên cối, tiếng suối xa.. Đó là những hồi ức về cuộc sống bình dị ấm áp mà vui tươi nơi núi rừng Việt Bắc. ++Điệp cấu trúc "Nhớ sao" 3 lần cùng phép đối lập và cảm hứng lãng mạn Nỗi nhớ Việt Bắc là nỗi nhớ dạt dào và trùng điệp vang mãi trong tấm lòng mỗi con người kháng chiến. * Về nghệ thuật: +Bức tranh Việt Bắc hiện lên qua nỗi nhớ của chủ thể trữ tình, trong hoài niệm có ba mảng thống nhất và hòa nhập vào nhau: Nỗi nhớ thiến nhiên, núi rừng Việt Bắc, cuộc sống ở Việt Bắc. + Giọng thơ tâm tình, ngọt ngào, tha thiết + Điệp từ "nhớ", điệp ngữ: Nhớ sao.. nhớ người.. trùng điệp, cùng cách ngắt nhịp của câu thơ tạo nên nét nhạc thơ thật đằm thắm. + Hình ảnh chân thực, bình dị, giàu sức gợi cảm. C. Liên hệ với bài thơ Từ ấy để bình luận ngắn ý kiến sau: Ngay từ đầu, cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu đã là cái tôi chiến sĩ, càng về sau càng xác định rõ là cái tôi nhân danh Đảng, nhân danh cộng đồng dân tộc. – Giải thích: Cái tôi trữ tình: Là sự bày tỏ cảm xúc riêng của nhà thơ trước các vấn đề của xã hội, trước sự phát triển của lịch sử dân tộc; Tố Hữu quả đúng là nhà thơ của lí tưởng cộng sản vì đời sống cách mạng luôn chi phối toàn diện và sâu sắc sự nghiệp sáng tác thơ của ông. – Phân tích, chứng minh, bình luận: Quá trình sáng tác của Tố Hữu song hành với hành trình cách mạng: Các chặng đường thơ tương ứng với các giai đoạn cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng + Bài thơ "Từ ấy" : ++ "Từ ấy" trích trong tập thơ cùng tên, là tập thơ đầu tay của Tố Hữu – có vị trí đặc biệt trên con đường thơ của ông. ++ Bài thơ chứa đựng một cá tính mạnh mẽ, một khí chất say sưa, một quan niệm cá nhân cởi mở giữa những người đồng chí đã làm cho cái tôi nhà thơ được bộc lộ tự do, không hề bị trói buộc bởi bất kỳ công thức, chuẩn mực nào, tạo nên những vẫn thơ đẹp, xúc động, đầy men say, bay bổng bậc nhất trang thơ ca cách mạng Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX. ++ Bài thơ còn thể hiện niềm vui, niềm hạnh phúc của chàng thanh niên giác ngộ lý tưởng cách mạng. ++ Qua "Từ ấy", Tố Hữu đã thể hiện một cái tôi cá nhân cảm tính, ở phương diện tích cực, mạnh mẽ một mặt mà thơ mới lãng mạn chưa hề biết đến. + Đoạn trích Viết Bắc nói riêng, bài thơ nói chung: ++ Cái tôi đã hòa chung với cái Ta của cộng đồng, dân tộc. Mình là ta – Ta là mình – Ta với mình như hòa quyện vào nhau, đan xen nhau. Tố Hữu đã đặt mình vào vị trí của những con người kháng chiến, nói về mình về người để bày tỏ những ân tình, lòng biết ơn sâu sắc đối với những ân tình ++ Qua "Việt Bắc" nói chung và đoạn trích nói riêng, cái tôi trữ tình của Tố Hữu trong chặng đường thơ này là cái tôi nhập vai nhằm làm nổi bật, tôn vinh lên hình tượng những con người kháng chiến, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình, niềm cảm phục trước sự hy sinh cao cả của người dân kháng chiến. + Khắng định tính đúng đắn của nhận định "Ngay từ đầu, cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu đã là cái tôi chiến sĩ, càng về sau càng xác định rõ là cái tôi nhân danh Đảng, nhân danh cộng đồng dân tộc". C. Kết bài: Kết luận về nội dung, nghệ thuật đoạn thơ. Cảm nghĩ của bản thân về cái tôi trong thơ Tố Hữu qua 2 bài thơ. Đề 3. Cảm nhận của anh/chị về hình tượng nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu). Từ đó, liên hệ với hình tượng nhân vật Vũ Như Tô trong trích đoạn kịch Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (trích Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng) và nhận xét về sứ mệnh của nghệ sĩ trong cuộc đời. Hướng dẫn * Cảm nhận về hình tượng nhân vật nghệ sĩ Phùng - Khái quát: Phùng là một nhân vật trong truyện, cũng chính là người kể chuyện. Anh là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, trước đây từng đi lính. Nhận nhiệm vụ của trưởng phòng, Phùng đã tìm về vùng biển năm xưa mình từng chiến đấu, mong chụp được bức ảnh thật đẹp để hoàn thiện bộ lịch năm Ấy. - Cụ thể: Nhân vật Phùng được nhà văn khắc họa thông qua hàng loạt các chi tiết về lời nói, cửchỉ, hành động, suy nghĩ, tâm trạng. + Phùng xuất hiện ở bờ biển trong tư cách nghệ sĩ, làm nghệ thuật. Tại đây, anh đã có những phát hiện tuyệt vời về nghệ thuật và cuộc đời: Phát hiện về cái đẹp: Đôi mắt nhà nghề của nghệ sĩ đã phát hiện ra "một cảnh đắt trời cho" trên mặt biển sớm mờ sương, một cảnh đẹp mà cả đời bấm máy có lẽ anh chỉ bắt gặp được một lần. Nó đẹp "như một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ". Khung cảnh mang vẻ đẹp bình yên, tĩnh lặng; hài hòa giữa thiên nhiên với con người, giữa các đường nét, màu sắc, hình ảnh; "đơn giản và toàn bích". Đứng trước một sản phẩm nghệ thuật tuyệt vời của hóa công, người nghệ sĩ trở nên "bối rối" và "trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào". Tức là bức ảnh đã khiến cho tâm hồn người nghệ sĩ rung động thật sự và một cảm xúc thẩm mĩ đang dấy lên trong lòng anh. Trong giây lát, khi đối diện với cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh, Phùng còn khám phá thấy cái "chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tôm hồn". Nói cách khác, trong một khoảnh khắc của cuộc sống, anh đã cảm nhận được cái Chân, cái Thiện của cuộc đời, anh cảm thấy tâm hồn mình như được gột rửa, trở nên trong trẻo, tinh khôi. Điều đó chứng tỏ cái đẹp đã có tác dụng thanh lọc tâm hồn con người. Với tác dụng ấy, cái đẹp chính là "đạo đức". >>> Phùng, nghệ sĩ tài hoa, nhạy cảm với cái đẹp. Phát hiện về cuộc đời: Ngay trong giây phút tâm hồn đang thăng hoa trước cái đẹp của ngoại cảnh, Phùng chứng kiến từ chiếc ngư phủ đẹp như trong mơ ấy bước ra một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi, cam chịu; một lão đàn ông thô kệch, dữ dằn, độc ác, coi việc đánh vợ là một phương thức Để giải tỏa những uất ức, đau khổ; đứa con vì thương mẹ đã đánh lại cha để rồi nhận lấy hai cái bạt tai của bố ngã dúi xuống cát.. Cảnh tượng khiến anh kinh ngạc đến sững sờ, không tin vào những gì đang nhìn thấy trước mắt "trong mấy phút đầu, tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn". Sở dĩ anh có thái độ như vậy vì lúc trước anh từng có cái "khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập tâm hồn" do cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh mang lại, anh đã từng chiêm nghiệm "bản thân cái đẹp chính là đạo đức" vậy mà cảnh anh vừa bắt gặp trên mặt biển lại chẳng phải là "đạo đức", là "chân lí của sự toàn thiện". >>> Phùng nhận ra cuộc đời không đơn giản, xuôi chiều mà chứa đựng nhiều nghịch lí. Cuộc sống luôn tồn tại những mặt đối lập, những mâu thuẫn: Đẹp – xấu, thiện –ác.. + Trong cuộc trò chuyện với người đàn bà hàng chài: Ban đầu, Phùng ngồi giấu mặt sau bức màn vải hoa ngăn chỗ làm việc bên ngoài và phòng ngủ bên trong của Đẩu. Khi nghe người đàn bà hàng chài van xin quý tòa (Đẩu) đừng bắt bà ta bỏchồng, Phùng tự nhiên cảm thấy gian phòng ngủ lộng gió biển của Đẩu như "bị hút hết không khí, trở nên ngột ngạt quá". Có lẽ Phùng đang cảm thấy vô cùng khó hiểu trước lời nói và thái độ của người đàn bà hàng chài. Trong cuộc trò chuyện giữa Đẩu - chánh án tòa án huyện - với người đàn bà hàng chài, Phùng đóng vai trò là người quan sát, kể lại câu chuyện, thi thoảng có góp một vài lời vào cuộc đối thoại giữa hai nhân vật. Chi tiết câu hỏi của Phùng dành cho người đàn bà: "Lão ta trước hồi bảy nhăm có đi lính ngụy không?" thể hiện cái nhìn định kiến của Phùng về gã chồng vũ phu (trước đó, trên bờ biển, Phùng có nhìn thấy gã chồng rút chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa, quật tới tấp vào người đàn bà). Phùng không bỏ sót một cử chỉ, lời nói nào của người đàn bà. Anh dần nhận ra sự vẻ sắc sảo trong lời nói của người đàn bà hàng chài trong cách bà ta xưng hô và đưa ra những lí lẽ biện minh cho việc bà ta không thể bỏ chồng. Cuối cùng, Phùng nhận ra ở người đàn bà này "tình thương con Cũng như nỗi đau, cũng như cái sự thâm trầm trong việc hiểu thấu các lẽ đời dường như mụ chẳng bao giờ để lộ rõ rệt ra bề ngoài". Rõ ràng, trong câu chuyện về cuộc đời người đàn bà hàng chài, bản thân Phùng đã đơn giản khi nhìn nhận cuộc đời và con người. >>> Trong hành trình nhận thức về cuộc đời, số phận người đàn bà hàng chài, Phùng đã nhận ra vai trò, sứ mệnh của người nghệ sĩ trong cuộc đời. Tuy đôi lúc còn mang cái nhìn định kiến, nhưng sau cùng Phùng vẫn là người nghệ sĩ có lương tâm, có trách nhiệm. Tiểu kết: Thông qua hình tượng nhân vật Phùng, Nguyễn Minh Châu muốn đề cập đến sứmệnh sứ mệnh phát hiện, nâng niu, trân trọng cái đẹp, nhưng cũng cần đến gần hơn với cuộc đời để phát hiện ra cái xấu, cái ác.. của nhà văn. * Liên hệ nhân vật Vũ Như Tô, nhận xét về sứ mệnh của nghệ sĩ trong cuộc đời - Liên hệ nhân vật Vũ Như Tô: Vũ Như Tô là kiến trúc sư tài ba, có khát vọng nghệ thuật cao đẹp nhưng cuộc đời đầy bi kịch (khát vọng thuần túy nghệ thuật của Vũ Như Tô đi ngược lại với quyền lợi của quần chúng nhân dân; kết cục: Cửu Trùng Đài bị đốt, Vũ Như Tô bị giết). Thông qua nhân vật Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng muốn đề cập đến sự thống nhất giữa tài năng, khát vọng nghệ thuật của nghệ sĩ với khát vọng muôn đời của nhân dân, nghệ thuật đích thực phải vị nhân sinh. - Nhận xét về sứ mệnh của nghệ sĩ trong cuộc đời: + Nghệ sĩ cần có tài năng nghệ thuật để đem đến cái đẹp cho cuộc đời; + Nghệ sĩ chân chính/ đích thực phải biết quyện hòa giữa nghệ thuật với đời sống, đem nghệthuật/ cái đẹp đến với đời sống. >>> Quan niệm nghệ thuật đúng đắn, có ý nghĩa muôn đời; là thước đo phẩm chất nghệ sĩ. Đề 4 Cảm nhận về đoạn thơ sau: Cuộc đời tuy dài thế Năm tháng vẫn đi qua Như biển kia dẫu rộng Mây vẫn bay về xa Làm sao được tan ra Thành trăn con sóng nhỏ Giữa biển lớn tình yêu Để ngàn năm còn vỗ. (Trích Sóng – Xuân Quỳnh, SGK Ngữ Văn 12 tập 1, NXBGD VN, 2017) Từ đó, liên hệ với đoạn thơ: Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm Ta muốn ôm Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn Ta muốn riết mây đưa và gió lượn Ta muốn say cánh bướm với tình yêu Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều Và non nước, và cây và cỏ ráng Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng Cho no nê thanh sắc của thời tươi – Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi! (Trích Vội Vàng – Xuân Diệu, SGK Ngữ văn 11 tập 2, NXBGD VN, 2017) Để thấy được khát vọng sống của hai nhà thơ. Hướng dẫn * Mở bài: Giới thiệu tác giả Xuân Quỳnh, bài thơ Sóng và trích đoạn thơ: + Xuân Quỳnh là gương mặt tiêu biểu thuộc thế hệ những nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, vừa tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đòi thường. + Sóng được sáng tác năm 1967, trong chuyến đi thức tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), là một bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ in trong tập Hoa dọc chiến hào. Trong đó tiêu biểu là đoạn thơ: Cuộc đời tuy dài thế.. Để ngàn năm còn vỗ. Đoạn thơ thể hiện khát vọng được sống, được hóa thân vĩnh viễn vào tình yêu muôn đời, muôn người. * Thân bài: + Khái quát trước khi phân tích: – Bài thơ Sóng mang âm hưởng của những con sóng biển và những con sóng lòng đang khao khát tình yêu. Bài thơ có hai hình tượng cùng song hành và hòa điệu, đó là Sóng và Em. Hai hình tượng này đã tạo nên nét đáng yêu cho bài thơ. – Đọc cả bài thơ ta thấy quan niệm về tình yêu của Xuân Quỳnh, ngoài vẻ đẹp truyền thống là nỗi nhớ, lòng thủy chung son sắt và nghị lực niềm tin. Đến hai khổ cuối, ta còn thấy nữ sĩ có một ước vọng thật đẹp là tình yêu được tan vào sóng để dâng hiến và bất tử vĩnh hằng. + Khổ thơ thứ 8 là những suy tư về không gian, thời gian để từ đó bộc lộ nỗi khắc khoải, tự nhận thức về mình về tình yêu và hạnh phúc - > Có hai cặp đối lập (Câu 1- 2; 3-4) để khẳng định sự hữu hạn nhỏ bé của đời người với dòng chảy vô thủy vô chung của thời gian và cái vô hạn của vũ trụ. Khổ thơ thấm thía nỗi lo âu, buồn bã về sự trôi chảy của thời gian và cái hữu hạn của cuộc đời, nhất là của tình yêu, cảm giác hữu hạn này thường xuất hiện ở những con người từng trải, nhất là từng chịu sự đổ vỡ, mất mát, tổn thương, và vì thế, luôn khao khát sự bình yên, khao khát sự vĩnh hằng, vô hạn. + Khổ cuối: Suy nghĩ như thế nhưng Xuân Quỳnh không dẫn người ta đến bế tắc, buồn chán mà thành khát vọng. Từ nhận thức khám phá mà đã mang đến giải pháp (Làm sao được tan ra.. ngàn năm còn vỗ). Nhà thơ khao khát tình yêu của mình hòa trong tình yêu của mọi người, tan ra không phải mất đi mà hòa giữa cái chung và cái riêng. Tình yêu cũng đồng thời được nhập vào dòng thời gian vĩnh hằng, tình yêu sẽ trường tồn cùng năm tháng, cùng đất trời, vũ trụ. Vậy là, con người sẽ làm được điều kì diệu, sẽ chiến thắng được cái hữu hạn của cả thời gian và không gian, sẽ vĩnh viễn hóa tình yêu ngay trong cái ngắn ngủi, thoáng chốc của cuộc đời nếu họ dâng hiến và hi sinh trọn vẹn cho tình yêu. * Nghệ thuật: Thể thơ năm chữ với âm điệu nhịp nhàng dạt dào như những đợt sóng biển sóng lòng bồi hồi da diết. Hình ảnh thơ mộc mạc, ẩn dụ và nhân hóa tài hoa. B. Liên hệ đoạn thơ trong bài Vội Vàng của Xuân Diệu * Khát vọng sống trong đoạn thơ Vội Vàng Bằng việc sử dụng đại từ: Tôi, ta; dùng hàng loạt các động từ mạnh theo cấp độ tăng tiến: Ôm, riết, say, thâu, cắn; sử dụng các bổ ngữ, các từ láy: Chếnh choáng, đã đầy.. ta thấy nhà thơ khao khát một cách lạ lùng: Muốn thâu vào mình sắc hương, nhụy mật của cuộc đời để tận hưởng cảm giác "chếnh choáng mùi thơm", "đã đầy ánh sáng", "no nê thanh sắc" không chỉ bằng "cái hôn" mà còn mạnh hơn gấp ngàn lần "muốn cắn vào ngươi". Muốn cắn vào xuân là một ước muốn phi lí của thực tại nhưng lại được chấp nhận trong thơ. Nó cho thấy khát vọng tình yêu với cuộc sống mãnh liệt và nét độc đáo trong phong cách biểu hiện. * Điểm tương đồng và khác biệt – Tương đồng: Cả hai nhà thơ đều thể hiện quan niệm và khát vọng sống mãnh liệt. – Điểm khác biệt: + Với Xuân Quỳnh là sự khao khát được bất tử hóa tình yêu trong giọng thơ dào dạt như những đợt sóng biểu hiện một trái tim phụ nữ vừa da diết lại vừa nồng cháy. + Với Xuân Diệu lại là khát vọng tình yêu với cuộc sống mãnh liệt trong giọng thơ sôi nổi trẻ trung. – Nguyên nhân: Do phong cách của từng nhà thơ: Xuân Quỳnh là một tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ đầy khát khao hạnh phúc đời thường bình dị còn Xuân Diệu lại là một tiếng lòng rạo rực băn khoăn của một tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống đến cuồng nhiệt. Đề 5 Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của sông Hương (Ai đã đặt tên cho dòng sông? , Hoàng Phủ Ngọc Tường) đoạn chảy giữa lòng thành phố. Vẻ đẹp ấy giúp anh/chị cảm nhận như thế nào về những dòng thơ gợi tả khung cảnh sông nước trong đêm trăng của Hàn Mặc Tử? Gió theo lối gió, mây đường mây Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay Thuyền ai đậu bến sông trăng đó Có chở trăng về kịp tối nay? (Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, 2017, tr. 39) Hướng dẫn * Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận - Vị trí của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường trong nền văn học; - Vị trí của tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? Trong sự nghiệp sáng tác sáng tác của tác giả. * Cảm nhận về vẻ đẹp của sông Hương đoạn chảy giữa lòng thành phố + Sông Hương khi chảy vào thành phố Huế như đã tìm thấy chính mình. Nó trở nên "vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long", dòng sông "kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng tây nam - đông bắc", rồi "uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến khiến dòng sông mềm hẳn đi", và "phía đó, nơi cuối đường, nó đã nhìn thấy chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non [..] sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ". Ai đã từng đến Huế ít nhiều đến có ấn tượng về cây cầu Tràng Tiền có hình dáng khá đặc biệt, như những chiếc lược xếp liền nhau. Và có lẽ vì vậy, ai đi thuyền trên sông Hương từ xa nhìn về phía cầu Tràng Tiền đều thấy cây cầu "in ngần trên nền trời" - chân trời. Và tác giả ví cây cầu "như những vành trăng non", vành trăng đầu tháng hình cánh cung. Có màu sắc của chiếc cầu, có ánh sáng bầu trời, có nét dịu dàng duyên dáng của cô gái Huế. Có một cái gì bừng sáng nhưng không chói gắt ở chân trời xa, thể hiện một niềm vui mà không ồn ào. Cách ví cây cầu như vậy không những lột tả rất đúng hình dáng độc đáo của cầu Tràng Tiền mà có lẽ điều quan trọng hơn là nó đã gợi được sự thanh mảnh, dịu dàng, thơ mộng của sông Hương, của xứ Huế. + Vẻ đẹp của sông Hương không chỉ được phát hiện và diễn tả trong cảnh sắc thiên nhiên mà còn luôn được nhìn dưới góc độ văn hóa, lịch sử và những trải nghiệm của chính tác giả. Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương đẹp như điệu "slow" chậm rãi, sâu lắng, trữ tình và với cái nhìn say đắm của một trái tim đa tình, sông Hương là người tình dịu dàng và chung thủy. Tác giả còn liên tưởng đến sông Xen của Pa-ri, sông Đa-nuýp của Bu-đa-pét và đặc biệt là sông Nê-va (với những phiến băng trôi nhanh như chiếc thuyền của những chú chim hải âu).. bởi sông Hương và những dòng sông ấy đều nằm trong lòng một thành phố, ngàn đời nay vẫn âu yếm, vuốt ve mảnh đất xứ sở. Vì những yếu tố địa lí, "những chi lưu ấy, cùng với hai hòn đảo nhỏ trên sông" hay là vì Huế "vẫn giữ nguyên dạng một đô thị cổ mà lưu tốc của dòng nước" giảm hẳn, nó "trôi đi chậm, thực chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh". Có lẽ là cả hai lí do đó, làm sao giữa một thành phố cổ kính, trầm mặc lại có dòng sông dữ dội, mãnh liệt được. Đây cũng là một nét đẹp riêng của sông Hương. Nó khác với các dòng sông khác của nước ta và càng khác với các dòng sông Xen, sông Đa-nuýp, sông Nê-va.. Như vậy, kí ức về những dòng sông khác mà tác giả từng gặp được vận dụng để so sánh, để làm nổi bật nét đặc trưng của dòng chảy sông Hương với những sông Xen, sông Đa-nuýp, và đặc biệt là sông Nê-va.. mà các con sông đó không có được, đó là "điệu chảy lặng lờ của nó khi ngang qua thành phố.. Đấy là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế". Đây là một liên tưởng hết sức đặc biệt và kì thú nhằm nói lên sông Hương có vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp thấm đẫm hồn cốt của dân tộc và đặc biệt là của xứ Huế mộng mơ. + Nếu như các nghệ sĩ khác nhìn sự lặng tờ của sông Hương mà nghĩ tới tâm trạng "dùng dằng", tâm trạng mong chờ của con người thì Hoàng Phủ Ngọc Tường lại có những liên tưởng riêng, độc đáo. Tác giả thấy dòng nước chùng chình như "một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya". Theo tác giả, "toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này". Nghe nhạc Huế mà nghe ban ngày thì thật là vô duyên bởi nhạc Huế có linh hồn riêng, cốt cách riêng mà hay nhất là được nghe trên sông Hương. Giữa mênh mang sông nước, giữa tĩnh lặng của màn đêm từng lời ca, tiếng nhạc thấm sâu vào hồn người để lại những dư vị không nguôi. Tác giả đã nói đến nét sinh hoạt văn hóa riêng của Huế, đặc sản của Huế đó là âm nhạc cổ điển Huế. Nhà văn ví sông Hương như một thiếu nữ với những tính cách tưởng chừng đối lập với nhau, vừa có chất "phóng khoáng và man dại", vừa dịu dàng và trí tuệ, vừa rất mực đa tình nhưng cũng tuyệt vời chung tình, trang điểm mà vẫn kín đáo. + Rời khỏi thành, sông Hương "lưu luyến ra đi giữa màu xanh biếc của tre trúc và của những vườn cau vùng ngoại ô Vĩ Dạ. Và rồi, như sực nhớ lại một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ". Cuộc chia tay của sông Hương với thành phố Huế như cuộc chia li lưu luyến của đôi tình nhân, đi chưa nỡ phải vội vàng quay lại gặp nhau lần cuối. Tác giả gọi đó là "nỗi vấn vương, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu". Sông Hương "đã chí tình trở lại tìm Kim Trọng của nó, để nói một lời thề trước khi về biển cả". Nhà văn hình dung sông Hương như nàng Kiều trở lại tìm Kim Trọng để nói một lời thề trước khi đi xa. Đây đúng là một phát hiện, một liên tưởng thú vị, độc đáo và đậm màu sắc văn chương của tác giả về dòng sông thân thương của xứ Huế. Hương giang vốn đã đẹp, nay lại càng đẹp hơn, trọn vẹn hơn trong cảm nhận của người đọc. Một vẻ đẹp hài hòa giữa hình sáng bên ngoài với phần tâm hồn, tâm linh sâu thẳm bên trong. Như vậy, trong cảm nhận của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương và Huế chẳng khác nào một cặp tình nhân. Sông Hương vốn đã đẹp, mộng mơ nhưng qua cái nhìn, cách khám phá của tác giả thì con sông đã trở nên có hồn, sống động, tràn trề sức sống đầy lãng mạn tình tứ. Vẻ đẹp rất Huế: Thơ mộng, lãng mạn, trữ tình, đậm chất văn hóa. * Liên hệ cảm nhận về những dòng thơ gợi tả khung cảnh sông nước trong đêm trăng trong Đây thôn Vĩ Dạ - Khung cảnh được gợi tả trong đoạn thơ là khung cảnh sông Hương trong đêm trăng. Trong đó: + Hai câu đầu: Bao quát toàn cảnh, gợi tả vẻ êm đềm, nhịp điệu khoan thai của xứ Huế: Gió mây nhè nhẹ bay đi, dòng nước chảy lững lờ, cây cỏ khẽ đung đưa. Hình ảnh thiên nhiên đẹp nhưng phảng phất tâm trạng u buồn, cô đơn của nhân vật trữ tình. + Hai câu thơ sau: Hình ảnh sông Hương trong đêm trăng lung linh, huyền ảo. Dòng sông ánh sáng, lấp lánh ánh trăng vàng, dòng ánh sáng tuôn chảy khắp vũ trụ làm cho không gian nghệ thuật thêm hư ảo, mênh mang. Con thuyền vốn có thực trên sông trở thành một hình ảnh của mộng tưởng, nó đậu trên bến sông trăng để chở trăng về một nơi nào đó trong mơ. Con thuyền, dòng sông, ánh trăng trong sự hồi tưởng của quá khứ lại gắn với cảm nghĩ của nhà thơ trong hiện tại. Nhà thơ muốn con thuyền chở trăng về kịp "tối nay" chứ không phải mộ tối nào khác. Phải chăng trong "tối nay", nhà thơ có điều gì muốn tâm sự và chỉ có trăng mới hiểu được? Đoạn thơ vừa gợi tả khung cảnh sông nước sông Hương trong đêm trăng, vừa cho gợi tâm trạng buồn, cô đơn, khắc khoải nhưng vẫn chan chứa tình yêu với con người và thiên nhiên xứ Huế của Hàn Mặc Tử. - Liên hệ, nhận xét, đánh giá: Hình tượng sông Hương đi vào hai tác phẩm đều mang vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình. Song, gắn liền với cảm hứng sáng tác của mỗi tác giả, hình tượng sông Hương trong mỗi sáng tác lại gợi lên những cảm xúc, suy nghĩ khác nhau trong lòng người đọc. Nguồn: Văn học và những cảm nhận