Đất nước Việt Nam ta đã trải qua vài ngàn năm văn hiến lâu đời. Trong suốt giai đoạn dựng nước và giữ nước từ xưa đến nay, đã có biết bao anh hùng hào kiệt sinh ra trong thời bình và thời loạn. Từ thời vua Hùng dựng nước, đến Thánh Gióng đánh giặc Ân, 1000 ngàn năm Bắc thuộc cho đến khi Ngô Quyền dành được độc lập cho nước nhà, hết thời phong kiến đến thời kỳ hiện đại, nước ta phải trải qua 2 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trước thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hơn hết, bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại tìm ra con đường đúng đắn giải phóng dân tộc, đại tướng Võ Nguyên Giáp với khả năng hoạch định chiến thuật thiên tài, có những vị tướng tài ba xuất chúng, góp công trực tiếp vào chiến thắng trên mặt trận tiền tuyến. Và lâu nay, chúng ta có thể đã nghe đến câu: Nhất Tấn, nhì An, tam Đan, tứ Chơn, để mô tả về 4 tướng tài ba, những sư đoàn trưởng xuất chúng bậc nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam khiến quân giặc khiếp sợ. Đó là: 1. Đại tướng Lê Trọng Tấn - Zhukov của Việt Nam Đại tướng Lê Trọng Tấn (hay còn gọi là Lê Trọng Tố) 1914-1986, quê quán tại Hà Đông, là một trong những vị tướng đánh trận giỏi nhất của Việt Nam. Ông tham gia cách mạng từ những năm 1944, sau Cách mạng tháng Tám thành công, ông bắt đầu cuộc đời binh nghiệp của mình tại Trung đoàn Sơn La hoạt động phía Tây Bắc. Trong trận đánh quyết định tại Điện Biên Phủ, đại đoàn 312 của tướng Tấn chính là đại đoàn đã đánh thẳng vào khu vực chỉ huy của cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng De Castries. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cánh quân Duyên Hải do đại tướng làm tư lệnh tiến quân thần tốc, là cánh quân đi sau cùng nhưng lại tiến quân nhanh nhất, đánh thẳng vào Dinh Độc Lập, buộc chính quyền Dương Văn Minh đầu hàng không điều kiện. Ngoài ra còn rất nhiều chiến dịch lớn mà tướng Tấn tham gia: Đường 9 - Nam Lào, Cánh Đồng Chum (1971), Chiến dịch Trị - Thiên (1972), chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng (3/1975). Trong lịch sử Việt Nam chỉ có 2 người "áo bào đẫm thuốc súng" tiến vào Hà Nội, một là hoàng đế Quang Trung, hai là đại tướng Lê Trọng Tấn. 2. Thượng tướng Nguyễn Hữu An - Vị tướng văn võ song toàn Thượng tướng, PGS Khoa học quân sự Nguyễn Hữu An (1926-1995) quê quán tại Ninh Bình, ông nhập ngũ vào 8/1945 và bắt đầu tham gia Cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, tướng Nguyễn Hữu An trưởng thành từ chiến sĩ đến trung đoàn trưởng; tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, chỉ huy Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, ông cùng trung đoàn của mình tiến công cứ điểm A1, cứ điểm gần như lì lợm nhất tại Điện Biên Phủ, mở ra cánh cửa tiến vào sân bay Mường Thanh. Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông là tư lệnh Quân đoàn 2, một trong 4 quân đoàn chủ lực của Quân đội Việt Nam, tham gia thành lập cánh quân Duyên Hải, đập tan mọi sự kháng cự của VNCH để tiến vào Sài Gòn. Hỗ trợ nước bạn Lào tại chiến dịch cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (1972). Ngoài khả năng đánh trận xuất chúng của mình, ông còn để lại cho hậu thế nhiều cuốn sách hay về Nghệ thuật quân sự, về kinh nghiệm chỉ huy tham mưu tác chiến có giá trị tới tận ngày nay. 3. Thượng tướng Nguyễn Chơn - Vị tướng tài ba, đức độ, hết lòng phụng sự tổ quốc Thượng tướng Nguyễn Chơn (1927-2015), quê quán tại Quảng Nam, người con ưu tú của vùng Duyên Hải Miền Trung, ông giác ngộ cách mạng từ khi còn rất trẻ, tình nguyện tham gia bộ đội, có giai thoại ông tự chặt đứt ngón chân của mình và bày tỏ: Thà chặt đứt ngón chân còn hơn lành lặn mà ngồi nhìn quê hương, đất nước bị giặc xâm lăng. Tướng Chơn được mệnh danh là viên tướng của tấn công, nổi danh với lối đánh "bóc trọc" - đã đánh là xóa sổ phiên hiệu đối phương. Trong kháng chiến chống Pháp, ông chủ yếu hoạt động tại chiến trường Khu 5 Nam Bộ. Đơn vị của ông giao chiến nhiều lần với quân Pháp, nổi bật nhất là trận đánh tại đèo An Khê, Gia Lai, đơn vị của ông đã tiêu diệt và xóa sổ phiên hiệu của 1 đơn vị quân Pháp tại đây. Trong kháng chiến chống Mỹ, Sư đoàn 2 do ông làm tư lệnh cũng nhiều lần xóa sổ phiên hiệu các đơn vị địch, trong số đó có sư đoàn 22 VNCH, đại tá Lê Đức Đạt, tư lệnh sư 22 VNCH tử trận, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông chỉ huy Sư 2 thuộc cánh quân Duyên Hải của tướng Lê Trọng Tấn, mở đường, đập tan sự kháng cự của quân lực VNCH, mở ra cánh cửa chiến thắng cuối cùng của quân ta. Tại chiến trường K, đơn vị của tướng Chơn diệt gọn toàn bộ tập đoàn quân Polpot vùng Đông Bắc Campuchia. 4. Thiếu tướng Hoàng Đan - Bậc thầy của nghệ thuật chiến đấu phòng ngự Thiếu tướng Hoàng Đan (1928-2003), quê quán tại Nghệ An, ông cùng với tướng Nguyễn Hữu An trở thành 2 cánh tay đắc lực dưới trướng của tướng Lê Trọng Tấn, một tấn công, một phòng ngự, tung hoành khắp các chiến trường. Trong kháng chiến chống Pháp, ông trải qua rất nhiều trận đánh lớn nhỏ, dần dần hoàn thiện khả năng chỉ huy của mình. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trung đoàn 57 do ông chỉ huy có cách đánh rất độc đáo, ít tiêu tốn đạn dược nhưng đạt hiệu quả cực cao. Sang thời kỳ đánh Mỹ, những trận chiến do Hoàng Đan chỉ huy như Làng Vây, Tà Cơn, Khe Sanh (Quảng Trị), đặc biệt là cuộc đụng độ ở Chi khu quân sự Thượng Đức (nay thuộc huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), đánh chiếm và phòng thủ được Thượng Đức mặc dù thua thiệt về vũ khí trang bị. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông là Phó tư lệnh Quân đoàn 2, là người đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập. Trong chiến tranh biên giới phía Bắc, ông làm tư lệnh quân đoàn 5, đơn vị của ông đã chặn đứng tiến công như vũ bão của quân Trung Quốc (khi đó lính Trung Quốc với chiến thuật biển người). Vị tướng quân gần 60 tuổi khi ấy vẫn xông pha mặt trận, giữ vững từng tấc đất của quê hương.