1735 km là chiều dài của đất nước, từ Nam đến Bắc. Mở đầu, chúng ta không khó nhận ra một cuộc gặp gỡ "duyên tiền định" như Before Sunrise (1995), hai tính cách, hai luồng suy nghĩ khác biệt gặp nhau trên chuyến tàu, nhưng sau đó, 1735km nhanh chóng tách ra khỏi motip cũ, họ bắt đầu thực hơn và những câu chuyện dần thấm vào đời hơn. Kiên, một họa sĩ phóng khoáng, luôn mang theo túi nhà Phật, chân thật, ghét ràng buộc và Trâm Anh, cô nhân viên ngân hàng, sống quy tắc và luôn sắp xếp ngăn nắp mọi thứ, họ đã ngồi nhầm ghế của nhau, cùng bị trễ chuyến tàu khi dừng lại ở Huế, và sau đó họ buộc lòng phải ở lại đây, rong ruổi đến Hội An, đến Nha Trang rồi quay về Sài Gòn. 1735km đã thêm thắt gia vị gay cấn trong hành trình của họ để khiến bộ phim phong phú hơn, nhưng đồng thời, đó cũng là một con dao hai lưỡi. Vì một bộ phim về hành trình chưa bao giờ là thế mạnh của điện ảnh Việt Nam, càng khó khăn hơn khi không phải diễn viên nào cũng có đủ trải nghiệm để thể hiện cách vượt qua khó khăn khi rơi vào những tình huống trớ trêu dọc đường. Nhưng đổi lại, điểm mạnh của 1735km là đã chọn đúng bối cảnh để hai nhân vật không quá khó khăn khi đương đầu với thử thách. Những người họ gặp trên đường đều dễ thương dễ gần, ôn hòa trìu mến, và nếu có thể tóm tắt ngắn gọn, 1735km như một tách trà chiều, vừa thanh mát dễ chịu lại thi vị đậm đà, để lại một dư vị khó quên cho khán giả trẻ. Như định mệnh sắp đặt, trên hành trình 1735 km ấy họ đã khám phá vô vàn những điều sâu thẳm về con người và cuộc sống chung quanh, những giá trị mới, cao hơn cả tiền tài và danh vọng. Kiên và Trâm Anh, cũng như từng thành viên trong ekip làm phim, họ không ngừng nuôi dưỡng khát vọng riêng tư, nhưng đồng thời cũng vô cùng khắc khoải về cuộc sống, công việc, đang phải đấu tranh với một cái tôi khác trong bản thân, khi đứng trước sự đổi thay choáng ngợp của một xã hội tôn thờ vật chất lạ lẫm vào thời điểm bấy giờ. Họ làm phim với trải nghiệm sống của chính mình, từ đó, 1735km chính là tâm huyết nhằm để nâng cao chất lượng điện ảnh Việt Nam, để họ gửi gắm, đan cài những thông điệp ý nghĩa trong bộ phim. Vào năm 2005, thời kỳ lên ngôi của 8x để thể hiện chính mình, nhưng cũng là lúc họ phải đưa ra quyết định khó khăn: Tiếp tục theo đuổi ước mơ, vẫn là chính mình hay là thay đổi để thích ứng với xu thế mới của xã hội. 1735km đồng thời cũng khó tránh khỏi các hạn chế, khi có vẻ như kịch bản đang quá tham lam chi tiết, trong phim có những đoạn đối thoại khá khiên cưỡng, lồng ghép văn chương khá nhiều dễ gây cảm giác phô trương, dù ý nghĩa thì rất hay. Cách xử lý một số tình huống trong câu chuyện còn vụng về, chưa thuyết phục người xem, chi tiết dư thừa nhất có lẽ là khi đan xen yếu tố hư ảo về cổ tích của công chúa Tiên Dung và Chử Đồng Tử. Tuy vậy, tôi vẫn thấy đây là một tác phẩm điện ảnh đáng tôn vinh, một bộ phim Việt tử tế hiếm hoi, không dùng yếu tố khoe cơ thể để câu khách, không dùng yếu tố hài vô thưởng vô phạt mà người xem thường hay thấy ở các phim Việt mùa Tết. Có rất nhiều lý do để kết luận rằng 1735km sẽ là một trải nghiệm khó quên với tôi, sau Chạm 2012, phim Việt đương đại duy nhất khiến tôi đã rơi nước mắt. Phim chỉ có 2 nhân vật chính, được quay ở Hội An, và có những câu thoại đắt giá. Không ai tránh khỏi những liên quan đến tình yêu, những bí ẩn của vũ trụ, của thiên nhiên, của mối quan hệ giữa con người với con người khi họ tìm thấy người bạn đồng hành lý tưởng. Sau khi quay về thành phố, sự tự do của họ đang đặt kề bên với những mối lo toan chật chội của một xã hội đang vận hành theo một cách khó hiểu, ai sau khi ra trường cũng đau đáu tìm một công việc nhiều tiền. Nhưng đồng thời, có một số ít người trẻ, như Kiên, họ vẫn không thể nương bám vào đâu, không trông đợi vào một điểm dừng và chỉ mong lang thang nhiều hơn nữa. Tôi thích cách mà máy quay di chuyển theo những khám phá của Kiên và Trâm Anh trên những nẻo đường "Này Trâm Anh nhìn xem, ở phố cổ Hội An này, phía bên dưới người ta cho kinh doanh hết rồi, chỉ có phía trên mới mình mới thấy những di tích cổ của kiến trúc Hội An đó..", góc máy hướng lên trên để cho thấy được sự bao la và vẻ đẹp đối xứng của đêm trăng, hòa với ánh sáng của chiếc đèn lồng và cột điện xưa. Đồng thời, bộ phim cũng đặt ra câu hỏi khá hay: Làm cách nào để chúng ta tìm hướng đi chính xác cho tuổi trẻ của mình? Việc có một người bạn đồng hành chính là cách để người như Kiên hay Trâm Anh có thể mở ra những kết nối lặng lẽ, nhằm tước bỏ đi những hồ nghi về cô đơn, để nuôi dưỡng ước mơ riêng tư trong thầm lặng. Cách mà biên kịch đặt ra điểm chạm của phim chính là hai nhân vật chính đi tìm tình yêu của mình bằng cái duyên, cái nợ tự nhiên mà ông bà ta thường hay nói, song song đó là những đối thoại về tình yêu: "Tình yêu là gì? Anh/ cô biết gì về tình yêu? Nó có phải là một dạng vật chất mà chúng ta nhìn thấy? Hay nó là một cảm giác thoáng qua để lừa dối chúng ta. Nếu anh không giữ gìn cái gì đó cẩn thận thì làm sao biết là điều đó quan trọng với mình hay không.." Suy cho cùng, mỗi người đều có rất nhiều lựa chọn, nhưng có lẽ chính sự lựa chọn theo trái tim mới là điều khó nhất. Trong phim, nhiều khán giả bày tỏ sự yêu mến nhân vật Kiên khi thấy anh vụng về, lúng túng tỏ tình với Trâm Anh. Chính sự chân thật, ngây ngô của Kiên là sức hút quyến rũ mà nhiều khán giả nữ xem phim yêu thích. Càng về sau phim, Khánh Trình diễn xuất nhập tâm và tròn vai hơn, và tôi nghĩ nhiều người cũng đánh giá cao điều đó. Nhân vật của anh không có nhiều câu thoại mang tính triết lý như Trâm Anh của Dương Yến Ngọc, nhưng với diễn xuất tự nhiên, chân thành, những câu bông đùa tự nhiên, Kiên đã thổi hồn cho 1735km được lưu vào những khoảnh khắc đáng nhớ và vô cùng khó quên, về một nghệ sĩ trẻ chỉ tồn tại khi mình được vẽ và là chính mình. Một điểm cộng khác của phim là phần âm nhạc do do Đức Trí và Võ Thiện Thanh đảm nhận, những ca khúc như Và em đã yêu, Ngày em đến, Con hạc giấy.. đậm chất pop, pop rock phù hợp với giới trẻ. Sau khi phim ra mắt và không được đón nhận như kỳ vọng, khán giả thờ ơ, hãng phim Kỳ Đồng phá sản, nhiều người cho rằng 1735km là một đứa con sinh nhầm thời. Nhưng sau khoảng 10 năm, khi phim được trình chiếu tại các LHP Việt, 1735km lại được đón nhận nồng nhiệt. Đó chính là một minh chứng cho chúng ta thấy: Với một tác phẩm hay, có ý nghĩa, và chạm đến tâm hồn con người thì không bao giờ bị lãng quên. Tôi rất mong là trong tương lai sẽ có nhiều biên kịch Việt tỏ bày niềm ưu tư về cuộc sống một cách giản dị như 1735km. Và đúng là, như Kiên đã nói: "Đôi khi giấc mơ mới chính là hiện thực". Thông Tin Film: Năm Phát Hành: 2005 Thể Loại: Tâm Lý, Tình Cảm Hãng Sản Xuất: Kỳ Đồng Hãng Phát Hành: Kỳ Đồng Quốc Gia: Việt Nam Đạo Diễn: Nguyễn Nghiêm Đặng Tuấn Biên Kịch: Nguyễn Lê Phương Khanh Diễn Viên: Dương Yến Ngọc, Hồ Khánh Trình