Truyện Ngắn 10 Truyện Kinh Dị Theo Tên Tác Phẩm Văn Học

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Mạnh Thăng, 13 Tháng một 2019.

  1. Mạnh Thăng

    Bài viết:
    8,713
    Tổng hợp 10 truyện ngắn kinh dị lấy theo tên tác phẩm văn học

    Thể loại: Truyện ngắn kinh dị

    (Truyện sưu tầm)

    Giới thiệu: Chắc hẳn các bạn đã từng đọc ít nhất một vài tác phẩm nổi tiếng của văn học nổi tiếng như Chiếc lược ngà, Sọ Dừa, Người trong bao.. đúng không?

    Giờ đây, cùng với tên những tác phẩm nổi tiếng đó, mình sẽ giới thiệu cho các bạn 10 tác phẩm biến tấu theo thể loại kinh dị (tất cả đều có thật).

    Lưu ý: Thể loại truyện kinh dị không dành cho những người yếu tim, sợ ma, nên vẫn khuyến khích các bạn cân nhắc trước khi đọc.

    1. Chiếc lược ngà

    2. Hai đứa trẻ

    3. Có hai chú mèo ngồi bên cửa sổ

    4. Đồng hào có ma

    5. Tiếng chim hót trong bụi mận gai

    6. Sọ Dừa

    7. Chiếc thuyền ngoài xa

    8. Đèn lồng đỏ treo cao

    9. Người trong bao

    10. Những ngày thơ ấu

    Các bạn hãy lăn xuống dưới để bắt đầu chuyến đi thú vị này. Chúc các bạn có một đêm khó quên ^^
     
    Chỉnh sửa cuối: 4 Tháng chín 2021
  2. Mạnh Thăng

    Bài viết:
    8,713
    1. Chiếc Lược Ngà

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Năm 2008 bố mẹ tôi có chuyến đi vào miền Nam du lịch, tham quan rất nhiều nơi, tới địa đạo Củ Chi, mẹ tôi thấy ở đây bày bán một loại hộp gương bằng gỗ khảm trai rất đẹp, nên có mua về làm quà biếu bà ngoại tôi. Hộp làm bằng gỗ dừa, bên ngoài đổ sơn bóng loáng, nắp trong hộp có gắn gương và lòng hộp thì dán một lớp vải nhung. Đi kèm hộp gương là một chiếc lược, theo như người bán hàng thì nó được làm từ sừng hay ngà gì đó, màu đen, chải lên không bị ăn tóc.

    Trên chuyến xe đi về, mẹ tôi vô tình đem hộp gương ra khoe với mấy người trong đoàn, nhiều người hỏi mượn, họ lấy lược chải thử, xong bảo đúng là chải sướng đầu lắm. Mẹ tôi tóc dài, lúc nào cũng phải búi nên không tiện chải, thấy mọi người bảo lược dùng thích như vậy, cứ nghĩ là mình mua được hàng sừng thật, hí hửng tới tận lúc về đến nơi.

    Sẽ chẳng có gì lạ nếu tôi không thấy cái hộp gương đó, sau khi chuyển hết đồ của bố mẹ xuống xe, nó cùng với mấy món lưu niệm khác để ở cái túi ngoài cùng, hồi đó tôi mới 14 tuổi, thấy cũng đẹp đẹp nên tôi mở nó ra, cầm cái lược bên trong lên chải. Răng lược chạm vào da đầu lạnh toát, tay tôi cầm lược không thấy lạnh, mà sao lúc chải lên đầu thì lại lạnh thế. Chải hai cái tôi rùng mình, nhìn lại cái lược thì mới hãi, trên răng lược dính bao nhiêu là tóc dài. Tôi lại là con trai.

    Có thể là lúc chải tôi không để ý, mẹ bảo trên xe người ta chải thử, chắc có tóc dính vào đấy, tôi cũng cho là phải nên không để bụng nữa. Tối hôm sau nhà tôi đem quà sang biếu bà ngoại, lúc đấy là khoảng hơn 8h, nhà bà ngoại cách nhà tôi không xa, đi bộ chỉ mươi phút là đến. Trên đoạn đó có một bãi đất trồng cây dong để bán làm bánh chưng và một con mương, tôi với mẹ đi qua, bên dưới mương có tiếng nước bì bõm.

    Đường không có đèn, chỉ có ánh sáng từ nhà dân hắt ra, mương tối om, tôi nghe rõ là tiếng lội nước ì oạp, quay lại nhìn thì không thấy gì. Tôi đã nghĩ đấy là con chuột, cho đến lần thứ ba quay lại, tôi thấy có một bóng đen đi sau mẹ con tôi. Sợ tới quýnh cả chân lên, tôi bảo mẹ cái gì kìa, mẹ tôi cầm đèn pin soi thì chẳng thấy nó đâu, nhưng mà tôi dám chắc là mình không nhìn nhầm cái hình người lúc đấy, nó chỉ cách tôi vài bước chân.

    Mẹ vừa quay đi thì tay tôi bị giật một cái, túi đồ tôi cầm trên tay liền rơi xuống đất. Thề là tôi không biết vì sao luôn, tự nhiên cái túi bị giật xuống, có bao nhiêu thứ đều bị văng ra đất, mẹ còn mắng tôi, may mà cái hộp gương chưa bị vỡ. Bình thường đi đường này tôi chưa từng gặp chuyện gì như vậy, tôi cũng không biết đấy có phải là ma không, nhưng sau đó tôi vẫn tiếp tục đến nhà bà an toàn, cả lúc về cũng không thấy gì kỳ lạ nữa.

    Bẵng đi vài tháng, hôm ấy là cuối tháng Chín, bác tôi từ trong nhà bà ngoại chạy ra báo bà bị cảm, phải đưa đi viện cấp cứu. Thực ra là không phải bị cảm, bà tôi là bị viêm gan, tới bệnh viện mới phát hiện ra, vì đã vào giai đoạn nguy hiểm nên phải lưu viện để điều trị. Tối hôm đó tôi được điều vào nhà bà ngoại ngủ để trông nhà.

    Cả đời tôi cũng không quên được cái đêm rùng rợn ấy. Nhà bà ngoại chia làm ba gian, gian giữa là phòng khách, hai gian bên đặt hai cái giường, tôi và anh họ bằng tuổi ngủ một giường, giường còn lại là giường bà vẫn ngủ, đêm ấy nó bỏ trống. Anh họ ngủ trước, tôi lạ giường nên cứ trằn trọc mãi, lúc ấy chắc cũng gần nửa đêm, trong nhà im phăng phắc, tôi nhắm mắt nằm đấy nhưng không ngủ. Bỗng tôi nghe thấy tiếng cót két..

    Không phải tiếng cánh cửa, tôi mở choàng mắt, đối diện với giường tôi là cửa ra vào, cánh cửa vẫn đóng chặt. Tiếng cót két ban đầu còn nhỏ, sau thì to dần, hay là tiếng mọt kéo gỗ? Tôi bình tĩnh ngóc đầu dậy, bộ bàn ghế đặt trên đầu giường tôi, tiếng cót két phát ra từ phía này, nhưng không gần tới thế. Lúc đó tôi chưa hình dung ra đó là tiếng gì, nên chưa sợ lắm, phải nhìn qua bộ bàn ghế sang tới giường bên kia, tôi mới giật mình.

    Cạnh giường bà có một bóng trắng. Tôi sợ tới mức không dám nhúc nhích, bóng trắng đứng thẳng, không phải mờ mờ như sương, tôi thấy cả áo cả quần màu xanh, da trắng bệch, đầu trọc hếu, cũng không biết là trọc hay là trơ xương, chỉ biết là đang đừng quay lưng lại phía tôi. Đúng là ma rồi, miệng tôi cứng đờ, muốn lay anh họ dậy nhưng tay bủn rủn không nhấc lên được, càng không dám quay đi, thiếu chút nữa là tôi tiểu ra quần.

    Bóng trắng kia không đứng im, hình như nó còn cầm cái gì trên tay, lúc tôi thấy thì nó đang giơ tay lên đầu. Cót kéttttt. Tiếng gì đấy? Tôi run bần bật khi nghe thấy âm thanh đó. Cót kétttt. Bóng trắng cào cái gì lên đầu nó, cào hai lần thì dừng. Kẽo kẹt. Bất thình lình bên cạnh tôi có động, tôi giật mình nhìn thì là anh họ tôi xoay người, chỉ liếc mắt đi chỗ khác thôi mà tới lúc quay lại bóng trắng kia đã không thấy đâu nữa.

    Tôi lập tức nằm im, không dám nhìn ngang nhìn dọc nữa, vẫn chưa hết sợ tôi còn trùm cả chăn lên đầu, chắc chắn vừa rồi là ma, và nó vẫn ở trong nhà này. Tai tôi áp xuống giường, một lúc sau không nghe thấy tiếng cót két nữa, nhưng tôi nghe thấy tiếng bước chân. Tôi nhắm chặt mắt, không dám thở mạnh, đúng lúc đó anh họ tôi lại ngồi dậy. Hay là nó bắt anh tôi đi?

    Ngay lập tức tôi bật tung chăn ra, vồ lấy anh họ, bấy giờ anh ấy đã xoay ra ngoài mép giường.

    - Mày làm gì đấy? Giật cả mình.

    Anh họ nhìn tôi nói. Tôi lắp bắp hỏi:

    - Anh.. anh làm gì đấy?

    - Tao đi đái.

    - Em đi với.

    Tức là anh tôi chỉ dậy vì buồn tiểu, chứ không bị bắt bớ gì cả. Tôi có kể với anh họ về cái bóng trắng, nhưng anh ấy không tin, anh họ là con nhà bác cả, nhà bà và nhà bác cạnh nhau, anh ấy bảo tôi sợ bóng sợ gió vớ vẩn. Nhưng lúc vào ngủ, tôi nhất quyết đòi bật đèn, đang ngủ dở nên anh họ vào giấc rất nhanh, tôi thì cứ mở mắt thao láo, mãi tới gần sáng mới ngủ được một ít.

    Hôm sau tôi về kể với mẹ, mẹ cũng bảo tôi luyên thuyên, nhà ở làm gì có ma. Hơn nữa bệnh tình của bà đang rất đáng lo nên mẹ không quan tâm được chuyện gì khác, và vì lúc đó tôi còn nhỏ nên dù rất sợ, tôi cũng chỉ mất ít ngày là quên luôn. Cho đến khi bà ngoại mất, tính ra là sau đó gần một năm, bệnh chuyển từ viêm sang u xơ, bà nằm liệt giường hai tuần và mất vào lúc 6h chiều thứ Bảy.

    Tối hôm đó mẹ và các bác thay quần áo mới và vấn lại tóc cho bà, mọi người lấy chiếc lược trong hộp gương ra để chải, tôi lặng nhìn mớ tóc trắng quấn vào răng lược, trong lòng không khỏi xót xa. Đến đêm tôi ngủ mơ, thấy bà ngoại ngồi ở giữa nhà, tóc xõa đầy vai, trong nhà rất tối, nhìn mãi tôi mới thấy một người ngồi sau lưng đang chải tóc cho bà. Tôi không nhìn rõ mặt người kia, nhưng đấy không phải là bác hay mẹ, người ấy mặc một bộ quần áo xanh, tay cầm lược trắng bệch, chầm chậm đưa lên đưa xuống, mỗi lần chải tóc bà rụng ra từng mảng.

    Sáng hôm sau tôi kể lại giấc mơ cho mẹ, lúc này bà mới nhập quan, mẹ tôi buồn rầu không nghe hết đầu đuôi tôi nói đã khóc nấc lên. Tôi đành tự mình ra nắp quan nhòm vào, trên đó có một lỗ trống nhỏ gắn cửa kính, bà tôi nhắm mắt thanh thản nằm trong, tôi ngó thấy hình như trên tóc vấn của bà có cài chiếc lược. Tới khi vãn khách tôi mới tìm bác cả để hỏi, sao lại để cái lược vào trong quan, bác cả bảo trần sao âm vậy, phải chôn theo cả tư trang cho bà nữa.

    Đám tang diễn ra suôn sẻ. Một trăm ngày nhà tôi đưa bà lên chùa, sau khi lễ ngãi hoàn tất, thầy cúng nói với nhà tôi là bà ngoại yếu lắm, không gọi về được. Mọi người trong nhà sau này cũng nhiều lần đi gọi dí, nhưng không ở đâu kêu được bà lên với con cháu. Tôi từ đợt đó cũng không mơ thấy bà nữa, giống như là bà không còn liên hệ gì với gia đình họ hàng, cảm giác trong nhà bà lạnh lẽo tang thương khó tả.

    Rồi thì cũng qua ba năm chịu tang, tầm cuối năm 2014 nhà tôi có đi xem thì thầy bảo được ngày cải mả, anh em con cháu họp mặt đông đủ, xét khi bà còn sống thì thuốc thang cũng ít dùng, nay được ngày đẹp chuyển bà sang nhà mới cho sạch sẽ. Cái này còn là vì nhà tôi nghi đất bà nằm có vấn đề, hoặc là sai hướng, hoặc là như một bác trong họ nói, quan bị nứt nên đất chui vào trong nấp hết người bà. Thế là nhất trí cho bốc mộ vào đợt ấy.

    Quá trình bốc mộ tôi không tham gia, vì đợt đó tôi còn đang đi học đại học, nghe mẹ kể thì quan quách vẫn nguyên vẹn, da thịt bà chưa tiêu hết, nhưng đã mở ra rồi thì bằng mọi cách phải làm sạch để chuyển mộ. Bà tôi chôn ở chỗ đất khô, nên trong quan không có nước đọng, nghe người bốc mộ nói là trường hợp của bà tôi rất đặc biệt, bình thường xác người tiêu chưa hết thì tóc tai vẫn dính trên đầu, đây bà tôi tóc tiêu sạch, trong mộ không thấy sợi tóc nào của bà hết.

    Sau khi nâng bà đặt vào tiểu, mọi đồ đạc trong quan cũ đều được thu gom để đem đi đốt, lúc này mới xảy ra một chuyện. Người bốc mộ thuê cho nhà tôi tìm được cái lược dưới đáy quan, ông ấy có thâm niên gần 30 năm trong nghề, đảm bảo là không bao giờ nhầm lẫn xương cốt với bất cứ cái gì khác, nên khi cầm cái lược lên, ông ấy đã quả quyết, cái lược này là làm từ xương chứ không phải ngà hay sừng.

    Cả nhà tôi không ai tin, ông ấy mới lấy nước rửa qua một lượt, lớp sơn bên ngoài vì bị oxi hóa nên bong ra, để lộ màu nâu xỉn bên trong. Ông bốc mộ bẻ thử một răng lược, thấy nó mủn ra, càng vo thì càng mịn như bột. Cái này là vì xương để trong môi trường yếm khí lâu năm sẽ bị vôi hóa, không như sừng hay ngà thì trơ hơn. Còn là xương của con gì thì không biết, nhà tôi thấy vậy cũng không đáng lo, dẫu sao thì chuyện cũng đã xong xuôi rồi.

    Sau khi hoàn tất việc bốc dọn cho bà ngoại, nhà tôi có mời thầy cúng về nhà làm lễ, có mặt đông đủ con cháu trong họ, thầy cúng đọc được nửa bài thì đột nhiên bác cả tôi vật ra khóc. Nghe bảo đây là vong nhập nên mọi người xúm vào đỡ bác, bác tôi mặt đỏ tía tai, tay chân mềm nhũn, người cứ oặt ra chiếu, nước mắt nước mũi giàn giụa. Bác gào khóc thảm thiết, ai hỏi gì cũng không trả lời, được một lát thì bác cho tay lên bứt tóc, cứ túm từng nắm một mà dứt, giọng bác lạc đi nghe giống như sắp hết hơi. Nhưng phải hai người giữ tay mới kìm được bác lại, ai cũng bảo người âm khỏe lắm, thảo nào bác tôi gầy gò mà hai người hết sức mới giữ nổi.

    Mọi người xúm đen xúm đỏ vào đỡ bác, vài người gọi bác là mẹ ơi, vài người khóc sụt sùi, bác thì nhắm nghiền mắt, đầu lắc quầy quậy, tóc xổ tung ra. Hay là bị âm binh nhập rồi? Có người hỏi thầy cúng, thầy bảo không phải, đây là bà uất quá nên bà quấy con cháu thôi, cứ dỗ đi là hết. Mọi người tạm tin lời thầy, tiếp tục dùng lời lẽ an ủi, vỗ về bác, xoa lưng xoa mặt cho bác nhanh hồi, chán chê, tới khi không còn sức nữa thì bác mới rũ người ra. Bà đi rồi à? Lại có người hỏi, tiếng khóc của ai đó thảm thiết vang lên, là bác gái thứ, bác khóc bà bỏ con bỏ cháu, bao năm đi biền biệt không về thăm nhà, giờ về lại không thèm nhìn mặt ai hết mà đã đi rồi.

    - Cha tiên sư con Quý, mả cha tiên sư con Quý.

    Bác cả tôi đột nhiên chửi đổng lên, Quý là tên bác gái thứ, nghe mà ai nấy lạnh cả người, hóa ra bà vẫn chưa đi, mọi người mới cầm tay bà, vừa xoa nắn vừa thủ thỉ:

    - Mẹ ơi sao mấy năm liền mẹ đi đâu không về với chúng con?

    - Tao không về được.

    Bác cả tôi bắt đầu rấm rức khóc, bác thều thào nói như bà tôi lúc còn sống:

    - Thằng Tây nó bắt tao đi theo nó vào trong kia – ý là vào Nam – không cho tao về, nó bảo tao lấy xương của nó, chừng nào tao còn giữ cái xương thì nó còn bắt tao đi, tao khổ trần đời..

    Bác cả nói đại khái là có thằng Tây bắt bà đi vào Nam, tới chỗ nó chết để hành hạ bà, không cho bà về với con cháu. Nó chết do bị bắn trong chiến tranh, xác vùi dưới đống đất, có con chó rừng bới xác lên ăn, khẩu xương đùi nó tha vứt ra ngoài bìa rừng. Không biết sao có người nhặt xương đó về, mài đi làm thành lược, rồi bịa là bằng ngà, bán với giá cao. May sao nhà tôi cải mộ sớm, đem cái lược kia vứt đi, chứ còn để lâu thì bà tôi còn khổ.

    Tôi được tận mắt thấy bác vừa khóc vừa kể, nếu là thầy cúng bị nhập thì tôi không tin, trước giờ tôi cũng không nghĩ là có chuyện người chết trở về nhập vào người sống, hơn nữa ba năm liền dùng đủ mọi cách áp vong mà không được, cả nhà tôi đã sớm hết hy vọng gì rồi. Thế mà lần này không phải áp vong, chỉ là làm lễ cúng thì bà lại về, chứng tỏ là bà tôi thực sự bị bắt đi.

    Chắc nhiều người cũng nghĩ giống tôi, rằng vong là ma rồi thì còn ai hành được vong nữa, hoặc là vong chỉ có đi hành người thôi, nhưng cứ suy từ câu trần sao âm vậy ra, người hại người được thì vong cũng sẽ hại được vong. Quan trọng là khi đem một vật gì đó từ ngoài về, nên chắc chắn là nó không liên quan đến người chết, ví dụ như không chôn cái lược kia đi, thì biết đâu người bị hại sẽ là ai đó trong gia đình tôi. Thật sự nếu có chuyện như vậy xảy ra, ngay cả tôi cũng không dám chắc mình có may mắn được ngồi đây để kể lại hay không, họa vô đơn chí chính là như thế đấy!
     
    Last edited by a moderator: 13 Tháng ba 2019
  3. Mạnh Thăng

    Bài viết:
    8,713
    2. Hai đứa trẻ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi có một đứa em gái. Gia đình tôi cũng tính là khá giả, bố mẹ có một quầy tạp hóa ngoài chợ nên hai anh em tôi thường ở nhà trông nhau, tôi lớn hơn con bé 7 tuổi, chuyện xảy ra khi em tôi mới lên 3 và tôi thì đang học cấp một.

    Em tôi thích chơi búp bê, con bé có nhiều đồ chơi, nhưng nó chỉ ngồi im nếu được ôm con búp bê yêu thích. Cũng phải nói là món đồ chơi ấy không mới mẻ gì, bố mẹ tôi thửa lại nó từ một lần chuyển nhà, còn trước cả khi tôi ra đời nữa. Năm đó bố mẹ rời nông thôn ra thành phố làm ăn sinh sống, con búp bê được chủ cũ để lại cùng một cơ số giường chiếu, nó là hàng của Nga sản xuất nên rất bền đẹp. Tôi là con trai nên không chơi búp bê, bố mẹ cất nó vào tủ kính, mãi tới khi em tôi ra đời thì nó mới được đem ra dùng.

    Lần đầu em tôi nhìn thấy con búp bê, con bé đã nằng nặc đòi lấy ra chơi, vốn dĩ đây là chuyện hết sức bình thường, tại con búp bê cũng đẹp mà, cho con bé chơi thì tôi gần như không phải trông chừng gì cả. Hồi đó em tôi còn đang học nói, con bé bi bô cả ngày nên không ai để ý, mãi sau tôi mới phát hiện ra, không phải em tôi buồn mồm nên ê a, con bé là đang nói chuyện với con búp bê.

    Thế là có lần, thấy em cứ nói chuyện say sưa một mình, tôi mới xen vào một câu:

    - Cún nói cho anh nghe với nào.

    Lúc đấy con bé đang ngồi ngang hàng với tôi, nghe tôi nói nó lập tức mím chặt môi, xong liếc mắt sang chứ không quay hẳn mặt ra, chỉ liếc liếc thế thôi, rồi nó cười. Con bé ôm con búp bê vào lòng, vừa cười vừa lắc lắc đầu. Thấy vậy tôi mới ra vẻ năn nỉ con bé, còn bế nó lên ghé tai bảo nó nói nhỏ cho tôi nghe. Em tôi cười khúc khích đáp:

    - My nói đi.

    Xong em áp mặt con búp bê vào tai tôi, lúc đó ngoài tiếng khúc khích của em, tôi chẳng nghe thấy gì khác cả. Bắt đầu từ đây tôi biết được, em tôi gọi con búp bê là My, thời gian đầu tôi không để tâm lắm, nhưng lâu dần thì cũng lấy làm lạ, con bé nói chuyện cứ như với người thật vậy, chỉ có hai anh em trông nhau mà nhiều lúc tôi cảm giác như trong phòng còn có thêm ai đó nữa. Lại một bận khác, gần tối rồi mà bố mẹ chưa về, tôi bế em ra ngoài cửa ngồi chờ, tay em ôm con búp bê, thế là tôi hỏi:

    - My là ai hả Cún?

    - My là cô dâu – em tôi đáp.

    Tại vì con búp bê mặc váy cưới, nên tôi nghĩ chắc có người đã nói với con bé điều đó, tôi lại hỏi:

    - Ai nói với Cún thế?

    - My nói.

    Em tôi ngước mắt nhìn tôi, con búp bê trên tay nó cũng ngửa mặt nhìn tôi, rồi em tôi nhoẻn miệng cười, lúc đó tôi bỗng thấy lạnh lạnh sau gáy, không hiểu sao tôi thấy con bé cười giống con búp bê lắm, như kiểu em tôi đang bắt chước nó vậy. Sau đó tôi vẫn giữ im lặng chuyện con bé có những biểu hiện kì lạ, vì cho rằng đó là suy nghĩ của trẻ con, và để mặc em tôi tiếp tục chơi với con búp bê, mãi đến năm nó hơn 4 tuổi.

    Hôm đấy cả nhà tôi đi vắng hết, chỉ còn mỗi mình tôi ở lại trông nhà, nghĩ bố mẹ tận tối mới về nên tôi khóa cửa rồi chạy sang quán điện tử. Tôi kịp về nhà trước bố mẹ nên không ai biết tôi đã đi chơi, ăn cơm xong tôi vào bàn ngồi học, bố mẹ ở dưới nhà xem tivi, bình thường là như thế. Nhưng đang học tôi thấy cửa phòng mở ra và em tôi nhòm vào, tất nhiên tôi không lạ gì chuyện ấy, em tôi cùng với con búp bê trên tay chạy đến bên cạnh bàn, con bé làm ra vẻ bí mật nói:

    - Cún biết chiều nay anh đi chơi.

    Tôi sửng sốt nhìn nó, thấy nó cười mỉm, mắt liếc tôi, cái vẻ mặt này không thể nào là của một đứa trẻ 4 tuổi được. Tôi vặn lại nó:

    - Ai bảo thế?

    - My nhìn thấy, hôm nay Cún để My ở nhà.

    Chợt tôi nhìn con búp bê, đúng là lúc chiều tôi thấy nó vứt ở trên ghế salong, bố mẹ không cho em tôi đem nó theo, nhưng làm sao một con búp bê lại nhìn và nói được? Em tôi còn nói sẽ không kể mẹ đâu, vì My bảo với con bé thế, hồi đó tôi còn chưa biết ma là cái gì, tôi chỉ thấy sợ con búp bê thôi. Từ hôm ấy, em tôi và con búp bê giống như hình với bóng, lúc nào con bé cũng ôm khư khư nó trên tay, thậm chí cả nét mặt con bé tôi cũng bắt đầu thấy hao hao con búp bê, nhất là mỗi khi em tôi tròn mắt nhìn, dù không phải là nhìn tôi nhưng tôi vẫn cảm thấy sợ hãi.

    Tôi quyết định nói với mẹ, nhưng ngược lại với suy nghĩ của tôi, mẹ đã cho là tôi có vấn đề, hay đúng hơn là tôi tưởng tượng ra thế. Đáng nhẽ tôi cũng bỏ qua rồi, nhưng sau đó lại có một chuyện, cho đến giờ khi nhớ lại tôi vẫn không khỏi rùng mình, và từ sau chuyện đó tôi đã không còn nghi ngờ nữa.

    Đấy là một buổi tối, khi tôi đang ngồi học, cũng sắp đến giờ đi ngủ rồi thì tự nhiên em tôi mở cửa vào. Con bé nhìn tôi hỏi:

    - My có trong này không anh?

    Thoạt tiên là tôi không thấy con bé cầm con búp bê trên tay như bình thường, tôi mới lắc đầu nói:

    - Không có.

    Thế mà em tôi vẫn vào phòng tìm, nó nhìn ngang nhìn dọc, xong còn lẩm bẩm:

    - My ơi, My..

    - Không có trong này đâu, Cún ra ngoài đi để anh học – tôi khó chịu nói.

    - Chỉ có ở trong này thôi – con bé quả quyết và tiếp tục tìm, tôi nhìn nó nhìn vào gầm giường, chắc tối quá nên nó định chui vào đấy xem cho rõ.

    - Ai để dưới đấy đâu mà Cún tìm – vừa nói tôi vừa cúi xuống soi đèn vào gầm giường cho nó xem.

    Thứ tôi nhìn thấy đầu tiên chính là khuôn mặt đang mỉm cười của con búp bê. Nó xuất hiện ngay gần chỗ tôi đứng, tư thế nằm ngửa mặt hướng ra ngoài mép giường, lúc vừa thấy nó tim tôi giật thót một cái, vô tình tôi có nhìn sang em mình, lại thấy nó đang cười, mặt nó y hệt con búp bê trong kia, khác một điều là tròng mắt con bé đang dần dần liếc qua tôi. Sau đó em tôi tự mình với lấy con búp bê, lúc đó thay vì hét lên sợ hãi, tôi lại cảm thấy điên tiết, em tôi và con búp bê của nó đứng trước mặt tôi cười nói:

    - Bị bắt rồi nhé.

    Tôi giật con búp bê ra, không nói không rằng ném mạnh nó xuống đất, chưa được tôi còn đá nó văng vào tường, đầu và tay con búp bê rụng ra lăn mỗi nơi một mảnh. Em tôi bấy giờ gào lên, nó hét muốn xé họng, đến mức bố mẹ tôi phải hốt hoảng chạy vào vì tưởng chuyện gì. Về sau con búp bê vẫn lắp lại được như cũ, bố mẹ thì chửi tôi một trận vì tội trêu em, em tôi thì không còn nói chuyện với tôi nữa, lúc nào nó cũng hầm hầm nhìn tôi, còn bản thân tôi thì không bao giờ thôi ám ảnh khi thấy con búp bê kia.

    Bẵng đi một thời gian, vào buổi chiều tôi cùng nhóm bạn đi học về, vì còn sớm nên bọn tôi đứng ở cửa nhà nói nốt câu chuyện, bỗng một thằng bạn chỉ lên tầng hai nhà tôi, nói:

    - Em mày kìa.

    Tôi nhìn theo, thấy ở cửa sổ có khuôn mặt ló ra, là con búp bê của em tôi, tôi đáp:

    - Không, đấy chỉ là con búp bê thôi.

    Bọn bạn tôi nhìn một lát, chúng nó khẳng định:

    - Là một đứa bé mà.

    Hay là em tôi đang đứng cùng con búp bê, nhưng giờ này nó đang ở mẫu giáo, vậy còn đứa bé nào kia? Một lần nữa nhìn lên, tôi vẫn thấy mặt con búp bê ở đó, mặt tôi tái đi vì sợ, lắp bắp hỏi:

    - Mày.. mày thấy nó như thế nào?

    - Thì là em mày đấy.

    Tôi không nói được lời nào, mặc kệ đám bạn đứng đấy, tôi chạy vào nhà tìm mẹ, mẹ xác nhận là em tôi chưa đi mẫu giáo về. Tôi lập tức kéo mẹ lên phòng, thấy con búp bê đang đặt ở bàn cạnh cửa sổ, tôi gắt um lên:

    - Mẹ đem con búp bê này vứt đi, cái Cún nó bị làm sao ý, nhanh lên, không cái Cún nó về bây giờ!

    Mẹ tôi tất nhiên là không đồng ý, dù cho tôi có nói thế nào đi nữa, mẹ còn suýt bạt cho tôi một cái sau khi tôi kéo tay mẹ. Tôi tức phát khóc, lúc đó mẹ đã xuống nhà, chỉ còn mình tôi đứng ở cửa phòng, nhìn vào trong, tôi thót tim khi thấy mặt con búp bê lúc nãy còn hướng ra ngoài, không hiểu sao giờ nó lại quay nhìn tôi chằm chằm. Thề là tôi có sợ, nhưng vì vừa bị mẹ mắng nên tôi cảm thấy ức nhiều hơn, cũng chỉ nghĩ nó là một con búp bê, nên tôi đã tự mình cầm nó đem ra bãi rác vứt.

    Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, khi em tôi về nhà, nó tìm con búp bê, tới lúc không tìm thấy nó mới la hét ầm ĩ lên, bố mẹ tôi dỗ mệt mỏi nó mới chịu nín, còn tôi thì ăn một trận đòn tơi tả. Từ hôm đó trở đi, em tôi không hề hé miệng nói một câu nào, ai hỏi gì cũng không nói, bố mẹ tôi mua cho nó con búp bê mới, nhưng con bé không hề động đến dù chỉ một lần. Thời điểm đó nó mới được 5 tuổi.

    Tưởng là em tôi dỗi nên không chịu nói chuyện, nhưng ngay cả đến lớp nó cũng như vậy, cô giáo đã dỗ nước hết cái, em tôi chỉ đáp lại bằng tiếng la hét chói tai. Gia đình và trường mẫu giáo đã liên tục theo dõi, trao đổi với nhau, dùng nhiều biện pháp từ ngọt ngào tới răn đe mà em tôi hoàn toàn không thay đổi. Từ một đứa hiếu động, hoạt bát, nó trở lên lầm lì, khó gần, nói một cách dễ hiểu là nó xa lánh mọi người.

    Cứ như vậy hơn một tháng, gia đình tôi đã hết cách với con bé, bố mẹ quyết định đưa em tôi đi viện khám, sau khi kiểm tra các bác sĩ chẩn đoán em tôi bị rối loạn phát triển não bộ, hay còn gọi là bệnh tự kỷ. Như các bác sĩ nói thì con bé bị "trơ" với tác động của xã hội, bệnh này rất nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời, và để chữa khỏi thì mất rất nhiều thời gian.

    Từ đó tới nay đã 4 năm, bố mẹ tôi dù chạy chữa rất nhiều nơi, đưa em tôi đến hết trung tâm này tới trung tâm khác, nhưng bệnh của con bé không hề có dấu hiệu cải thiện. Nguyên nhân của chuyện này, khi được hỏi tới, mọi người sẽ nói là do tôi đã vứt con búp bê của con bé đi, và mọi lỗi lầm sẽ đổ lên đầu tôi.

    Người duy nhất biết được sự thật là tôi, dù có giải thích bao nhiêu lần thì mọi người cũng không một ai tin rằng trong căn nhà này từng xuất hiện hai đứa trẻ, một là em gái tôi và một là con búp bê kia. Có một điều luôn khiến bản thân tôi tự hỏi, em tôi bây giờ là ai? Dần dần tôi cảm thấy hối hận vì hành động năm đó của mình, biết đâu con búp bê kia mới chính là em tôi? Có phải thực sự tôi đã vứt em gái mình đi không? Và nếu tôi không làm vậy thì liệu chuyện này sẽ đi tới đâu?

    P/s: Đây là chuyện của một bạn kể với tớ để xin lời khuyên, hiện em gái bạn ấy đang rơi vào trường hợp ấy, theo như tớ hiểu thì đây dễ là em bạn ấy bị bắt mất hồn, đứa trẻ còn lại chỉ là phần xác thôi, mà cũng không chắc nữa, chuyện chỉ dừng lại ở đây thôi nhé.
     
    Last edited by a moderator: 13 Tháng ba 2019
  4. Mạnh Thăng

    Bài viết:
    8,713
    3. Có hai chú mèo ngồi bên cửa sổ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Khu tôi ở có hai con mèo rất nổi tiếng. Chúng là một đôi tam thể, tôi đoán là hai mẹ con hoặc hai chị em gì đấy, vì nhìn chúng to bằng nhau và không cắn nhau bao giờ. Hai con mèo tam thể ấy thực ra là mèo hoang, không ai nuôi chúng, nhưng chúng vẫn béo tốt vì hay được người ta cho ăn và coi như mèo nhà, trong số đó có gia đình tôi.

    Hai con mèo tam thể nổi tiếng ở chỗ, trong khu tôi ở mà tổ chức đám, dù làm đám cưới hay đám tang thì chúng cũng kéo nhau đến. Ban đầu còn có nhà kiêng, vì sợ mèo tới là xui xẻo, nhất là mấy nhà có đám tang, họ kị mèo vào nhà bắt hồn người chết, nên có xua đuổi chúng. Nhưng chúng vẫn đến, mèo vốn sợ chỗ đông người, thế mà hai con này thì không, chúng trà trộn vào những người trong đám và tìm một chỗ khuất tầm nhìn để ngồi.

    Tôi có thấy hai con tam thể ấy vài bận, chúng hay sưởi nắng trên mái nhà đối diện, công nhận là béo tốt trắng trẻo thật, so với mèo nhà thì cũng đẹp không kém. Hai con tam thể ấy không để ai chạm vào người, cho chúng nó ăn thì phải để trên mái nhà, kể cả có để ở hiên chúng cũng không thèm vào. Ai cũng nghĩ rằng hai con tam thể đến đám là để ăn chực, dù có người trông hay không thì chúng cũng không lẻn vào nhà bao giờ, và vì cũng không lạ gì chúng nên họ không xua đuổi nữa. Nếu thấy hai con ấy đến thì hoặc là cho chúng đĩa thức ăn ở xa bàn khách, hoặc là kệ chúng lởn vởn bên ngoài, kiểu gì cũng sẽ có khách ném thức ăn cho.

    Dạo đó nhà tôi có đám, là ông ngoại tôi mất, cũng chính trong lần đó tôi được chứng kiến tận mắt tin đồn. Ông ngoại mất khoảng 12h trưa, cả nhà tôi muốn níu ông lại nhưng không được, theo quan niệm thì đây là giờ độc, tôi không tìm hiểu nên chỉ biết qua quýt là giờ đó ma chay hay cưới hỏi đều dữ cả. Đừng ai bảo nhà tôi mê tín mà chê cười, có thờ có thiêng có kiêng có lành, ở đời sống chết có số, ai dám chắc được chết rồi là hết. Hơn nữa phận chúng tôi là con là cháu, lúc ông còn tại thế chăm nom bao nhiêu, thì khi nằm xuống càng phải chu tất bấy nhiêu, có thế về sau mới không cảm thấy ân hận.

    Thực ra thì mất vào giờ ấy cũng không phải chuyện gì to tát, nhà tôi ra chùa mời sư thầy về giúp, thầy bảo làm cái lễ nhỏ trước, con cái cháu chắt chưa được khóc vội, đợi qua giờ độc rồi thầy sẽ xin cho giờ khác để phát tang, tức già lập bàn thờ và bắt đầu cúng bái hương hỏa. Mọi chuyện không suôn sẻ, thầy xin đài âm dương lấy giờ mãi không được, đang sốt ruột thì có người chạy từ ngoài cổng vào bảo cái lễ nhỏ mà nhà tôi đem ra đó đang cháy bùng bùng lên. Nghe đâu lửa từ ba que nhang bắt vào tập tiền vàng, một chốc liền lan ra cả mâm, lúc nhà tôi chạy tới thì chỉ còn thấy tàn đỏ bay tứ tung.

    Đây là điềm báo. Cái này tôi biết, vì mẹ tôi vẫn kể, rằng ông tôi có hai vợ, bà ngoại tôi là vợ cả, chỉ đẻ cho ông được ba mụn con gái, mẹ tôi là út, ông hắt hủi bà tôi rồi lấy thêm vợ lẽ. Bà lẽ cũng sinh được ba người con, hai trai một gái. Bà ngoại tôi mất trước khi tôi ra đời, nghe mẹ kể là bà ngoại một mình nuôi ba con khổ cực, nhịn ăn nhịn mặc nên bà gầy yếu, lúc mất bà mới qua tuổi 47. Ông ngoại sau đó có nhận lại con, dẫu vậy thì mẹ và hai bác cũng không qua lại bên nhà ông nhiều, chỉ là giờ ông nằm xuống nên phận làm con phải có trách nhiệm lo ma chay cúng bái, nghĩa tử là nghĩa tận. Không ngờ ở đời còn có nhân quả báo ứng, tôi không mê tín, nhưng nghe mẹ nói thì cũng nghĩ chuyện này bất thường lắm.

    Thế thì đang lúc bối rối, tự nhiên cửa sổ ở đầu giường ông ngoại mở ra, không có gió máy gì cả, cánh cửa tự động mở, đối diện bên kia là bờ tường, hai con mèo tam thể đứng trên bờ tường nhìn vào nhà. Rồi một con bất thình lình kêu lên ầm ĩ, mắt nó nhìn chòng chọc về phía chúng tôi, cứ vừa nhìn vừa kêu, từng tiếng "ngao ngao" kéo dài.

    Người nhà tôi sợ quá mới chạy ra xua chúng đi, hai con lập tức nhảy xuống bờ tường phía nhà tôi, sau đó chạy mất hút. Bấy giờ trong lòng ai nấy lo lắng, kiểu này không biết lại chuyện gì nữa đây, bỗng nghe thấy sư thầy nói lớn lên: "Xin được rồi." Vậy là nhà tôi được phát tang ông lúc 1h45'.

    Tôi cảm thấy hai con mèo vừa rồi không có ác ý, họa chăng chỉ là chúng muốn xua đuổi cái gì đó trong nhà chúng tôi, cái mà chúng tôi không thấy được. Từ lúc đấy tới đêm mọi chuyện diễn ra bình thường, khi khách khứa đã vãn, tôi cũng chuẩn bị đi về, lúc ra tới sân, vô tình tôi nhìn lên mái nhà thì giật mình thấy có hai đốm sáng như ma trơi ở trên đó. Tiện tay tôi lia đèn pin lên, hóa ra là con mèo tam thể, hai con ngồi thu lu trên mái nhà, con có đôi mắt sáng đang nhìn tôi, chúng không kêu tiếng nào, và cả đêm đó cũng không kêu. Mãi tới 2h chiều ngày hôm sau, khi nhà tôi khiêng quan ra đồng, lúc quan vừa đi qua cửa tôi mới nghe thấy vài tiếng "ngao ngao", chạy ra nhìn lên mái nhà thì chúng đã bỏ đi rồi.

    Hai con mèo đó hầu như không xuất hiện ở chỗ đông người trừ khi có đám, chẳng ai biết chúng đã ở đây bao lâu, và cũng chẳng biết từ bao giờ mà khu tôi ở đã mặc định chúng là điềm may. Cho tới một ngày, tôi không còn thấy một trong hai con tam thể đâu nữa.

    Tức là chỉ còn lại một con, tôi thấy nó đứng ở mái nhà đối diện, không sưởi nắng như mọi khi, nó dụi vào những chỗ ngày trước hay nằm, sau đó bỏ đi. Chuyện đôi mèo tam thể bị mất một con sau đó lan ra cả khu tôi ở, chỉ là một con mèo mà sao người ta truyền tai nhau như vậy? Thực ra không ai để ý là một trong hai con đã bị mất, người ta chỉ biết đến sau đám tang bác Duy trong khu này, cháu bác rùng mình thuật lai:

    "Bác cháu vừa tuần trước đi khám ở bệnh viện không thấy triệu chứng gì, chỉ có hai hôm mất ngủ mà tới sáng dậy đi ra sau vườn trúng gió quỵ luôn. Bác cháu mất ngủ vì tiếng mèo gào đực ban đêm ấy, không biết mèo nhà ai, lúc cháu đi đưa ma vẫn nghe thấy tiếng mèo kêu, sợ khiếp lên được."

    Sau đó chưa đến mười ngày, chú Hưng gần nhà tôi cũng bị tai nạn, may là chỉ bị gãy chân chứ không nguy hiểm đến tính mạng. Chú cũng kể là đêm trước hôm tai nạn chú có nghe thấy tiếng mèo kêu ở gần nhà, kêu suốt đêm, chú ngủ không yên vì con mèo đó. Không phải tự nhiên mọi người lại nghĩ tới con tam thể, mà vì dạo đó có đám cưới, người ta bảo là không thấy hai con mèo kia đến nữa. Cũng có người giống tôi, chỉ nhìn thấy còn một trong hai con, họ nghi ngờ con kia đã bị bắt mất, và con còn lại đang đi tìm. Tôi đoán là có ai đó đã bắt một con về làm thịt, vì nó cũng khá to và mẫm mạp, điều này khiến con tam thể còn lại hóa điên lên.

    Vẫn trong tháng đó, có một nhà nữa cũng bị tai nạn, đó là nhà cô Yến, chuyện là nhà cô đang xây, nên có thuê thợ từ nơi khác đến. Một đêm nọ, cô cùng hai đứa con đang ngủ thì ngoài cửa sổ có tiếng mèo kêu, ban đầu cô không để ý, nhưng tiếng mèo kêu càng lúc càng gần, xong còn có cả tiếng sột soạt, nghe như con gì đang cào lên cánh cửa. Cô Yến hốt hoảng tỉnh dậy, bên tai vẫn nghe thấy tiếng mèo kêu thảm thiết vô cùng, cứ mỗi tiếng "ngao" nó lại kéo ra thành từng hồi "uuu". Suốt đêm ấy cô thức trắng, lần nào chợp mắt là cô lại mơ thấy cảnh con mèo tam thể nhìn vào mặt cô mà gào, miệng nó đầy dớt dãi, mắt nó sáng quắc, nó gào xong lại nhe răng gầm ghè, mà tiếng nó phát ra sao giống tiếng người thế, nghe như ai đó đang rủa xả cô.

    Sáng hôm sau cô vội vã bắt xe về nhà mẹ đẻ. Vừa tới nơi chưa được hai giờ đồng hồ thì ở nhà lại có người gọi lên báo tin, dàn giáo thi công bị đổ, một thợ xây ngã từ tầng ba xuống. Tới tối thì người thợ xây kia không qua khỏi, cô Yến sợ tái hết mặt mũi, may hôm đó chồng cô biết tin cũng về tới nơi, nếu chỉ có một mình chắc cô điên mất. Người dân xung quanh nghe cô kể lại cũng sợ lây, chúng tôi tự hỏi là chuyện này có phải thực sự do con mèo tam thể kia gây ra? Ban đầu không ai tin, nhưng khi nhìn lên cửa sổ phòng cô Yến nằm hôm trước, thấy rõ mồn một vết mèo cào lên tấm gỗ, sâu có nông có, vết nào ra vết đấy, ai nấy thực sự lo lắng không biết bao giờ tới lượt mình.

    Nhưng sau có người hỏi ra thì biết được là đầu tháng thợ xây nhà cô Yến có ăn một bữa thịt mèo, họ lại không nói là mèo ở đâu ra. Khu tôi ở bấy giờ mới kháo ầm lên với nhau, chắc con tam thể là bị thợ nhà cô Yến bắt làm thịt, vì ở đây có ai là không biết hai con mèo ấy, cho nên là người ở đây sẽ không bắt chúng làm thịt đâu.

    Chưa hết, vào một đêm sau đó không lâu, tôi đang dở ngủ thì chợt nghe có tiếng mèo kêu rất gần, giật mình tỉnh dậy thì tiếng mèo kêu đã đi xa rồi, không phải là tiếng "ngao ngao" gay gắt, lần này nghe giống "meo meo" hơn. Sáng hôm sau tôi đi học, trên đường tôi gặp một đám đông đang đứng ở rìa đường, tò mò nên tôi cũng dừng lại xem, đám đông quây quanh một cái gì đó nằm trên mặt đất, nó có lông ba màu, nhưng giờ thì chỉ thấy toàn màu đỏ của máu. Thì ra là con tam thể. Nó bị xe tông chết đêm qua, người ta kéo xác nó vào rìa đường, đám đông đang tính đào hố chôn nó đi. Không biết đêm qua nó định đi đâu mà ra tận đây?

    Tôi vẫn cho rằng chuyện này rất kỳ lạ. Nếu như vì người thợ xây kia ăn thịt mèo thì đáng ra nó chỉ nên tìm một mình người ấy để trả thù, tại sao lại lôi cả bác Duy và chú Hưng liên lụy? Có khi nào nó không hề có ý định hại bọn họ, giống như lần ông ngoại tôi mất, con mèo tam thể chỉ kêu khi muốn xua đuổi thứ xấu xa đi, và cả ba lần nó kêu đều là muốn báo trước điềm xấu cho bọn họ. Tôi đã nghĩ vậy đấy. Vì tới cùng con mèo tam thể lại bỏ ra ngoài khu tôi ở, nó đi xa tới vậy để làm gì? Có chăng vẫn là để tìm kiếm con mèo tam thể còn lại, không phải bị ai bắt, mà là hai đứa lạc nhau, nó muốn tìm người giúp nhưng không thể nên bắt buộc nó phải một mình ra đi..

    P/s: Con tam thể đi lạc còn bị câm nữa, nên nó đi lạc mà không cách nào gọi được bạn nó.
     
    Last edited by a moderator: 13 Tháng ba 2019
  5. Mạnh Thăng

    Bài viết:
    8,713
    4. Đồng hào có ma

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đó là một chuyện xảy ra cách đây khá lâu rồi. Ngày ấy nơi tôi ở có một gia đình người Hoa chuyển đến, họ gồm hai vợ chồng và một đứa con trai tầm ba tuổi. Nghe nói là họ làm nghề thu mua tóc dài tóc rối, trước từng ở Tuyên Quang, rồi Hòa Bình, xong nay chuyển xuống Hải Dương. Gia đình người Hoa tìm thuê nhà trong các xóm, tới nhà tôi thì bà nội tôi bảo dưới nhà ngang còn trống, nếu họ muốn ở thì bà tôi cho thuê, giá tương đối cao.

    Tôi lúc đó chưa ra đời, đúng hơn là bố còn chưa cả lấy mẹ, những chuyện bây giờ đều là do bố tôi kể lại. Gia đình người Hoa hầu như không ở nhà mấy. Họ đi khắp nơi hỏi mua tóc, tới lúc sẩm tối mới về, đứa con trai nhỏ để ở nhà, hai vợ chồng kia nói là có nắm sẵn cơm cho đứa trẻ khi nào ngủ dậy tự ăn. Bố tôi kể là không thấy con trai nhà ấy quấy khóc bao giờ, hai vợ chồng họ cứ hễ ra ngoài là khóa cửa nhà lại, thành thử đứa trẻ làm gì trong đấy cũng không ai biết. Nói chung là chuyện có một gia đình người Hoa như thế xuất hiện trong xóm đã khiến mọi người xôn xao, ai gặp nhà tôi cũng phải giữ lại hỏi, bàn ra tán vào không hết chuyện.

    Bố tôi còn bảo là đôi vợ chồng người Hoa nói rất sõi tiếng Việt, nhưng ít khi thấy họ giao tiếp với người làng, chủ yếu là họ chỉ hỏi tên nhà nọ nhà kia, hình như có ai đã chỉ họ tới đấy mua tóc. Cứ thế độ nửa tháng, hai vợ chồng người Hoa tìm đến một nhà, ở cách xóm tôi cả chục km, mạn bô thời gì đó, người nhà đấy kể là họ vào hỏi mua tóc, nhưng không ai bán. Tưởng là hai vợ chồng ấy đi luôn, nhưng họ lại đứng nói với nhau bằng tiếng Hoa hồi lâu, xong tự nhiên bảo người nhà ấy là cái tủ búp phê trong nhà có bán không, giá bao nhiêu bọn họ cũng mua.

    Lúc đó nhà người kia mới lấy làm lạ, đang yên đang lành tự nhiên lại đòi mua tủ, mà cái tủ thì cũng cũ rồi, nó là được mua lại từ một người quen trong xóm, làm bằng gụ, cánh tủ khảm hình hai cây tùng với cô gái ngồi chải tóc, nhìn không có gì là đặc sắc. Bấy giờ hai vợ chồng người Hoa mới bảo là gốc họ ở trên mạn ngược kia, cụ kị từng là phú hào địa chủ, về sau suy sụp phải bán hết đồ đạc trong nhà đi trả nợ, tới đời bọn họ thì đang đi tìm mua lại, cái tủ này đích thị là tủ của cụ kị nhà họ. Tất nhiên nhà kia không tin, nhưng giá mà hai vợ chồng người Hoa đưa ra để mua lại cái tủ đã khiến họ lập tức đồng ý, cứ hiểu là giá đó gấp ba bốn lần giá một cái tủ mới lúc bấy giờ.

    Hai vợ chồng người Hoa bảo với chủ nhà là đặt trước một phần ba tiền và để lại địa chỉ nhà, họ sẽ về đấy trước để sắp xếp rồi thuê xe qua chở tủ sau, khi nào xong xuôi rồi thì trả nốt hai phần ba tiền còn lại. Trước khi về họ chỉ xin lấy hai cánh cửa tủ theo, để đảm bảo nhà bên này không bùng kèo bọn họ. Thì lúc đó dân trí chưa tân tiến như bây giờ, nghe vợ chồng kia nói bùi tai nên nhà này đồng ý ngay, họ để hai vợ chồng vào tháo cánh tủ đem ra. Phải hai người mới tháo được một cánh cửa, trông nó có vẻ nặng lắm, còn cánh kia thì nhà chủ định tháo giúp, nhưng hai vợ chồng bảo không cần, họ làm vội vàng cho xong rồi rời đi.

    Nhà chủ đợi đến tối không thấy ai quay lại chở tủ thì sốt ruột, họ lần theo địa chỉ tìm đến nhà bà nội tôi, lúc hỏi về hai vợ chồng người Hoa kia, nhà tôi bảo đúng là họ thuê ở đây, nhưng hôm nay chưa thấy về. Nhà kia thuật lại câu chuyện bán tủ cho nhà tôi nghe, còn hỏi là có sợ hai người đó trốn mất không, nhà tôi khẳng định là họ còn để lại đứa con trai ở đây nên không có trốn được đâu. Nhưng chờ hồi lâu cũng không thấy họ quay lại, mấy người mới cùng xuống nhà ngang phá khóa cửa vào phòng.

    Đằng sau cánh cửa tối om, nhà tôi liền mở công tắc điện, bà nội tôi vừa nhìn lập tức rú lên kinh hãi. Trong phòng trống không, ở một góc tường đặt một bàn thờ kiểu như bàn thờ thần tài, chúng tôi nhìn thấy đứa trẻ mà hai vợ chồng người Hoa gọi là con trai đang ngồi trên bàn thờ ấy. Đứa trẻ trắng toát, chân tay bị bó vào thân bằng sợi dây đỏ, có một lá bùa vàng vẽ loằng ngoằng rải từ trên đầu xuống mặt, và một cái đinh mười cắm từ xuyên qua lá bùa trên đỉnh đầu. Rõ ràng là đứa trẻ đã chết, không biết chết từ bao giờ, nhưng người nó được phủ một lớp vôi rất dày, chắc để chống phân hủy, lúc mới bật điện lên ai nhìn cũng giật mình, bố tôi kể lại mà người nổi đầy gai ốc.

    Vụ này đã gây chấn động cả vùng quê nơi tôi sống suốt một thời gian dài. Trong miệng đứa trẻ đó còn ngậm một cục sâm và một cái vòng bạc, không ai biết đây là cái gì, họ sợ và không ngừng đồn thổi xung quanh nó. Tôi xin được giải thích về hai vợ chồng người Hoa kia trước, họ tới đây thực chất không phải để mua tóc dài tóc rối, mục đích chính là để tìm cái tủ búp phê kia, nó đúng là của một nhà địa chủ, nhưng là nhà địa chủ bị tịch thu ruộng đất và phân chia tài sản cho những người trong vùng, không ai biết được bí mật lại nằm ở hai cánh tủ ấy. Trong mỗi cánh tủ ước chừng phải chứa tới 10kg vàng, đó là những gì được dịch ra trên tờ giấy đặt trước bàn thờ đứa bé.

    Trong giấy còn miêu tả chi tiết về cái tủ búp phê giấu vàng, và không tự nhiên mà hai vợ chồng người Hoa có được thông tin đó, tất cả đều là do đứa trẻ kia nói cho họ. Người ta gọi nó là ngải hài nhi. Hai vợ chồng người Hoa bằng cách nào đó biết được ở đây có mỏ vàng, nhưng không biết chính xác vị trí của nó, vì thế đã bắt cóc (hoặc mua) một đứa con trai ba tuổi đem tới đây, vừa để làm tin với nhà tôi, vừa để làm ngải tế. Bố tôi chỉ biết qua loa nội tình như thế, đứa trẻ sau đó được mọi người đem lên chùa cho sư thầy siêu độ, còn đôi vợ chồng người Hoa thì biệt tăm từ đó, thời bấy giờ phương tiện đại chúng không phổ biến, mọi thứ rất nhanh chìm vào quên lãng.

    Đấy mới chỉ là khởi nguyên của chuyện trong nhà tôi. Sau khi đứa trẻ được đem đi, bà nội tôi thu dọn bàn thờ của nó, trong số đồ đạc ấy có một cái đĩa đặt hai đồng xu, hay người ta còn gọi là đài âm dương. Bà tôi không đem vứt đi mà giữ lấy đặt lên bàn thờ trong nhà, tôi không hiểu vì sao bà lại làm vậy, chỉ biết là nhà tôi từ đó về sau xảy ra rất nhiều chuyện kỳ lạ.

    Đầu tiên là khi mẹ sinh ra tôi, mấy lần siêu âm đều là thai đôi, nhưng khi sinh lại chỉ có một mình tôi. Trong ảnh chụp siêu âm không rõ lắm, đại loại là thấy một thai nhi mờ mờ nữa, bố mẹ tôi ban đầu cũng có lo lắng, nhưng thấy tôi lớn lên bình thường thì dần yên tâm. Ngày sinh tôi bố mẹ chuyển xuống nhà ngang, không phải là căn nhà cấp bốn cũ trước đây, bố đã phá nó đi và xây lên thành nhà ba tầng, nhưng vẫn là trên nền căn nhà cũ. Bố kể là khi tôi được sáu tháng, thì có xảy ra một chuyện thế này:

    Đêm hôm đấy đi ngủ, bố mẹ nằm ngoài, còn đặt tôi nằm sát tường, chăn gối chèn xung quanh người, bình thường ngày nào cũng nằm như thế. Đến nửa đêm, đột nhiên bố mẹ nghe thấy tiếng tôi khóc ré lên, lúc sờ sang thì tôi đã không còn trên giường nữa, hai người hoảng hốt bật dậy, nghe tiếng khóc là từ ngoài cửa phòng vọng vào, bố tôi vội vàng chạy ra thì thấy tôi đang nằm cạnh cầu thang. Một đứa trẻ sáu tháng làm cách nào nửa đêm rời khỏi giường bò ra ngoài như vậy được? Bố mẹ tôi sợ là chuyện này có liên quan đến vụ ngải hài nhi trong quá khứ, hôm sau mới đem chuyện đó kể với bà nội, muốn xin bà cho mời thầy về xem.

    Bà tôi gạt đi. Bố kể từ khi sinh tôi, bà không bế tôi lần nào, bố mẹ ở với bà nhưng không chung nhà, bố mẹ ở nhà ngang, còn bà thì ở nhà trên, hay còn là nhà thờ của gia đình tôi. Bà nội bảo để bà làm lễ khấn các cụ giải vía cho tôi, lúc bà xin đài âm dương có gõ vào cạnh đĩa một cái, xong tung hai đồng xu lên, "coong coong" mấy tiếng tiền rơi lên mặt đĩa, tôi đang ngủ trong lòng mẹ mà đột nhiên giật bắn mình, rồi cứ thế khóc không dỗ được. Từ sau đó bà tôi cấm người trong nhà được nhắc đến thầy cúng, nếu không có việc gì thì cũng không được vào nhà thờ này.

    Tới khi tôi biết chạy, mẹ gửi tôi cho bà nội trông để đi làm. Có một lần, mẹ ở công ty về có lên nhà bà đón tôi, nhìn khắp gian thờ không thấy bà đâu, chỉ thấy tôi ngồi quay lưng trên sập cạnh giường thờ. Mẹ gọi tôi mấy câu mà không thấy tôi thưa, nghĩ tôi đang mải chơi nên để tôi ngồi đó mà chạy đi nấu cơm. Vừa nấu xong thì ngoài sân có tiếng mở cổng, mẹ thấy bà dắt tay tôi từ ngoài cổng vào. Lúc đó mẹ có hơi ngờ ngợ, hỏi bà vừa đi đâu về, bà bảo dắt tôi ra đầu làng xem người ta tát ao. Người ta tát ao từ chiều, thế tức là tôi đi ra ngoài tới giờ mới về, vậy đứa trẻ nào ở trong nhà thờ?

    Mẹ tái mặt đón lấy tôi, nhìn bà mở cửa đi lên nhà trên, vừa ngó vào mẹ liền sững người, chỗ mà vừa rồi mẹ thấy tôi ngồi, giờ ở đó có cái đài âm dương. Từ lúc đấy mẹ quyết định gửi tôi đi mẫu giáo thay vì để ở nhà cho bà trông, mẹ có nói với bố về chuyện kia, rồi ngỏ ý xin bố cho đi xem bói. Bố bảo mẹ làm gì thì làm, đừng để bà biết là được. Tầm hai tháng sau mẹ đưa tôi đến nhà thầy bói, lúc đó tôi mới được bốn tuổi nên không nhớ thầy bói đã nói gì, mẹ chỉ kể là tôi có vong sinh đôi theo, nó trú trong nhà, muốn bắt được nó thì phải làm lễ các kiểu.

    Nhưng chưa kịp hành động thì mẹ tôi đã bị bà mắng cho một trận té tát, tức là bà biết được mẹ đi xem bói, còn biết mẹ chuẩn bị làm lễ cho tôi. Bả bảo mẹ định hại bà, hại cháu bà, xong cấm mẹ được lên nhà thờ, còn đuổi mẹ muốn đi đâu thì đi. Mẹ ức quá mới bế tôi về ngoại, tiện thể làm luôn lễ cho tôi ở bên đó, và mãi một tuần sau bố mới xuống đón mẹ con tôi về. Bố cũng không rõ sao bà biết chuyện mẹ đi xem bói, vì toàn thấy bà đóng cửa trong nhà thờ, suốt ngày nghe thấy tiếng xin đài âm dương "coong coong" vọng ra.

    Bẵng đi một thời gian, lúc mà tôi bắt đầu có ý thức và nhớ được vài chuyện, có một lần đang ngồi chơi ở ngoài hiên, tự nhiên trong nhà trên vọng ra tiếng "coong coong", tôi dù đã quen nhưng vẫn giật mình nhìn lên. Bất thình lình có một bóng trắng chạy vụt qua trước mặt tôi, nó lướt rất nhanh, hình dáng giống một đứa trẻ, trắng mờ mờ, chạy từ trong nhà tôi lên nhà trên. Nhanh đến mức tôi chỉ thấy nó bước qua cửa rồi biến mất, không nhớ là tôi có sợ hay không, chỉ biết là cái bóng trắng đó ám ảnh tôi đến bây giờ, dù mọi chuyện đã kết thúc rồi nhưng mỗi khi nghe thấy tiếng "coong coong" là tôi lại liên tưởng đến nó.

    Năm sau đó bà nội tôi ốm một trận, sức khỏe giảm sút đáng kể, tôi không hiểu sao nhiều lúc bà lại nhầm tôi với một ai đó, người mà bà gọi là cậu Quý. Nhất là một lần, bà dắt tôi đi sang nhà hàng xóm chơi, lúc về bà mới nhìn tôi hỏi, cậu Quý có thích ăn thịt gà không? Tôi không biết cậu Quý là ai, nhưng tôi thích ăn thịt gà nên liền gật đầu. Thế là hôm sau bà bảo mẹ đi chợ mua con gà về thịt, sau đó đem lên bàn thờ thắp hương. Bà còn khấn lầm rầm trước bàn thờ như là gọi cậu Quý kia về hưởng lễ, xong lại xin ba đài âm dương, mỗi lần đều được một sấp một ngửa, bà thấy thế thì mừng lắm, nói:

    - Cậu cười rồi, cậu cười rồi.

    Năm tôi lên bảy, bà nội trở đau nặng, hầu như mọi sinh hoạt đều phải làm trên giường hết, mẹ tôi phải lên ngủ ở nhà trên để chăm bà. Mẹ kể, nhiều đêm đang ngủ bà lại nhỏm dậy, mẹ nằm ở giường đối diện chạy sang hỏi bà muốn làm gì để mẹ giúp, nhưng không thấy bà trả lời, tay bà lần mò sang giường thờ, với lấy cái đài âm dương, bà gõ một cái vào thành đĩa rồi tung hai đồng xu lên. "Coong coong". Miệng bà lầm rầm cái gì đấy không rõ, có khi còn cười thành tiếng, xong bà lại từ nằm xuống ngủ tiếp.

    Mẹ tôi đâm ra sợ nên có kể cho bố nghe, bố bảo hay là lựa lúc nào bà không để ý thì đánh tráo cái đài âm dương đó đi. Vài hồm sau mẹ làm thật, đài âm dương cũ mẹ bọc vào túi đem ra ao vứt, lúc về không hiểu sao mẹ thấy nhẹ nhõm hơn hẳn. Đêm hôm đó bà vẫn dậy như bình thường, nhưng sau khi xin đài âm dương xong không thấy bà lầm rầm gì nữa. Từ hôm đó trở đi bà không còn dậy đêm, ban ngày có vẻ tỉnh táo hơn, da dẻ cũng hồng hào hẳn lên.

    Mấy ngày đó tôi hay nằm mơ, lần thì thấy mình ở trong ngôi nhà cũ, bên cạnh có hai người không rõ mặt mũi, họ nói tiếng gì tôi nghe không hiểu, xong mọi thứ tối om lại. Có hôm tôi mơ thấy bà nội ngồi trước mặt, bà gọi tôi là cậu Quý, trong mơ mà tôi vẫn văng vẳng bên tai tiếng xin đài âm dương, "coong coong". Lần cuối tôi mơ, là thấy bà dắt tay "tôi" đi qua cầu ao, tôi cũng không rõ vì sao lại thấy cả mình trong mơ, cứ thế tới khi không thấy bà đâu nữa thì tôi tỉnh dậy.

    Hôm đó trời nắng ráo, bà nội đã dứt cơn bệnh, mấy ngày trước bà còn có thể đi lại trong nhà được, bố mẹ tôi thấy thế nên yên lòng lắm. Bà bảo muốn sang hàng xóm chơi, tôi đang ở trường học nên mẹ định dìu bà đi, bà gắt lên không cần, xong tự chống gậy đi ra cổng. Mấy tiếng sau chợt có người vừa chạy vừa hô hoán từ cổng vào, bà nội tôi bị ngã xuống ao, nhà tôi ra đến nơi thì người ta đã vớt bà lên, nhưng không cứu kịp.

    Từ đó tới nay nhà tôi không gặp chuyện gì kì lạ nữa, cả cái vong sinh đôi trước đây theo tôi cũng biến mất. Nhưng có điều này tôi vẫn nghĩ mãi, là vào hôm một trăm ngày của bà tôi, thầy cúng có chiêu được hồn bà về, nhưng bà không nhập vào ai cả, thầy chỉ thuật lại lời bà, nói rằng:

    - Bà chỉ có một thằng cháu, và mẹ nó đã hại nó chết dưới ao.
     
    Last edited by a moderator: 13 Tháng ba 2019
  6. Mạnh Thăng

    Bài viết:
    8,713
    5. Tiếng chim hót trong bụi mận gai

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi là người Điện Biên. Nơi tôi ở người ta trồng rất nhiều mận, chúng mọc thành cả một rừng, nhà tôi ở trên một con dốc thoải, phía sau có một rừng mận như thế. Tôi từng là nạn nhân của một vụ ma hút máu, hay người xuôi gọi là ma cà rồng, trên chỗ tôi không ai dám gọi nó là ma, vì sợ bị nó thù. Cũng không biết từ bao giờ mà dân bản rỉ tai nhau cái tên phi phông khi nhắc đến nó.

    Ngày đó tôi mới được mười tháng tuổi, bố mẹ ban ngày phải đi làm nương nên để tôi ở nhà cho nội bế, cứ chiều chiều bà lại dong tôi ra sân ngóng bố mẹ về. Tự nhiên hôm ấy có một bà không quen không biết, cũng chẳng phải người trong bản, bà ta gùi một bó củi đi qua cửa nhà tôi, thấy hai bà cháu bế nhau ở đó thì lại bắt chuyện. Nội tôi không nhớ mặt mũi bà ta thế nào, chỉ biết là cũng già rồi, có điều nghe giọng vẫn nhanh nhẹn lắm, cứ hai ba câu bà ta lại khen tôi kháu với thích thế nọ kia.

    Chuyện vãn thì trời cũng sẩm tối, bà người lạ bảo thôi đi về, lúc chuẩn bị xách gùi lên, bà ta cúi xuống nựng tôi mấy cái. Nội lúc đó vẫn đang bế tôi trên tay, trông bà người lạ kia đi ngược lên dốc mận sau nhà, tự nhiên câu chuyện vừa rồi nói với bà ta liền quên mất, giống như là bị thôi miên vậy. Đêm hôm đó tôi phát sốt, người nóng ran, khóc tới tắt cả tiếng, giã lá thuốc chườm cũng không đỡ được. Mẹ tôi cởi áo ra lau người thì phát hiện có mấy lỗ chích to gấp mấy lần lỗ kim dưới cằm tôi, càng sợ hơn là khắp ngực còn hiện lên những vết đỏ như bị nhéo, mà lúc trước tắm lại không thấy.

    Tới lúc đó mẹ mới hốt hoảng bọc tôi vào cái chăn, bảo bố đốt đuốc lên rồi hai người tất tả chạy xuống nhà thầy mo trong bản. May mà mẹ tôi phát hiện ra sớm, nếu để trễ một chút, chắc tôi không sống nổi. Thầy mo đón tôi đặt vào cái nôi đay, lại giở áo ra thấy vết nhéo đỏ thì bảo đúng là nó rồi, khả năng là nó vẫn còn quanh quẩn gần nhà tôi, hai cái lỗ chích này là còn nhẹ đấy, thường thì nó thôi miên người nhà xong chích hết máu là không cứu được nữa. Trong trường hợp nó không hút hết máu thì nó sẽ gieo vào người nạn nhân một loại bệnh, nhưng hồi đấy thầy mo không gọi là bệnh, mà thầy gọi là bùa ma. Mấy vết nhéo này là do nhà tôi chườm lá thuốc nên mới phát ra, nếu để phát hết thì cả người sẽ đỏ nựng, chỉ qua một đêm là chết.

    Phi phông là loài ma hút máu trong truyền thuyết của người dân tộc thái chúng tôi, ban ngày nó giống như con người, cũng sinh hoạt bình thường mà không có biểu hiện gì khác lạ, chỉ từ lúc sẩm tối trở đi, phi phông mới hiện nguyên hình. Thầy mo bảo chúng không có hình hài cố định, có con là đàn bà, có con là đàn ông, có con lại giống như thú đội lốt người, trông rất đáng sợ. Chính thầy mo kể lại, lần mà mẹ ông sinh hỏng đứa em út, lúc đó ở bản rất kiêng kị chuyện sinh con chết non, vì cho rằng đứa con đó sẽ thành ma đi quấy nhiễu dân bản, nên sinh hỏng là phải đem chôn thật xa, chôn luôn cho nó không biết đường quay về.

    Thầy mo là cả trong nhà, bấy giờ có theo ông nội đem xác đứa bé đi lên đồi mận chôn, sau khi đã lấp đất kín kẽ, hai người liền nhanh chóng trở về. Đồi mận khi đó tối om, chỉ có bó đuốc trên tay ông nội là ánh sáng duy nhất, thầy mo đi sau thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng rít rất lạ từ xung quanh. Qua một gốc mận, tiếng rít nghe gần hơn, cảm tưởng là ngay trên đỉnh đầu mình, thầy mo mới nhìn lên tán cây. Có một khuôn mặt ló ra trắng bóc, răng nanh đỏ lòm, đầu lòa xòa đầy tóc đang nhìn theo.

    Phi phông là loài sợ ánh sáng nên khi thấy bó đuốc trên tay ông nội, chúng liền trốn đi, tiếng rít mà thầy mo nghe thấy chính là do chúng phát ra, điều này chứng tỏ trên đồi mận khi đó có rất nhiều phi phông trú ngụ. Chúng bị thu hút bởi mùi máu tanh, nên cứ chỗ nào phát ra mùi nồng nhất thì nơi đó sẽ tập trung nhiều phi phông. Thầy mo giải thích nguyên nhân đồi mận có nhiều ma hút máu như vậy, là vì hồi đó dân bản toàn tự sinh con, tỷ lệ chết non rất cao, có nhà đẻ bốn lần mà chỉ nuôi được một đứa, mà cứ sinh hỏng là lại đem lên đồi mận này chôn, cũng dễ hiểu vì sao ở đây nhiều phi phông như vậy. Lại nói sau khi xác đứa trẻ được chôn xuống, qua một đêm huyệt sẽ bị đào tung lên, cái xác cũng không thấy đâu nữa, dân bản ngầm hiểu với nhau là phi phông đã ăn chúng. Trong cái suy nghĩ thiển cận lúc đó, thì điều này lại là một điềm lành, vì họ nghĩ rằng nó làm như vậy tức là đã ăn con ma và dân bản sẽ được yên ổn.

    Thầy mo giải thích trong lúc đang chữa bệnh cho tôi. Ông xoa một thứ nước vắt từ lá cây rừng trộn với rượu lên bụng và ngực tôi, còn ở hai cái lỗ chích thì cạo đồng bạc dọc từ đó xuống cổ, mẹ bảo tôi đang khóc gắt mà cạo một hồi thì ngừng hẳn. Không những thế, thầy mo còn đọc một bài chú, tay ông vỗ lên hai má và trán tôi, lạ ở chỗ mặt tôi đang tím ngắt thì dần chuyển hồng hào trở lại. Cách làm này giống như cạo gió vậy, đại loại là tác động đến các huyệt trên cơ thể để giải tỏa độc tố, còn tác dụng tâm linh thì tôi không chắc, vì sau hôm đó tôi vẫn sốt cao mấy ngày liền, tới mức phải đi bệnh viện tỉnh mới khỏi.

    Quay lại với chuyện con phi phông, tôi thắc mắc là tại sao ngày xưa dân bản coi con ma hút máu đó là điềm lành, mà giờ đây người ta lại sợ và tìm mọi cách diệt trừ nó? Thầy mo nói rằng, do người dân mông muội đã được khai sáng, một thời gian sau các bệnh viên, trạm xá được xây dựng, họ không phải đẻ trong nguy hiểm nữa, nhà nước còn miễn phí nằm viện cho các bà đẻ khi tự giác đến đẻ ở cơ sở công, thay vì cố thủ ở nhà như trước. Thành thử hiện tượng chết non của trẻ sơ sinh giảm hẳn, chính vì thế mà phi phông không có được thức ăn, chúng trở lên đói khát và liều lĩnh, từ đó dẫn đến kết quả tất yếu là chúng đã xuống các bản làng để tìm mồi.

    Cái gì cũng có nguyên nhân cả, dù là truyền thuyết thì cũng có những cái hợp lý và bất hợp lý riêng, thầy mo giải thích có kèm theo dẫn chứng như sau: Người đầu tiên bắt gặp phi phông kiếm ăn ở ngoài vùng rừng núi, là ở sau một trạm xá, đúng hơn đó là một bãi tập kết rác thải y tế. Hồi ấy cứ 8h tối là có một người chuyên thu gom rác tới đó làm vệ sinh, đúng lúc vừa xách chổi đến sân, người đó thấy một bóng đen lù lù đang bới rác. Nhìn cái bóng thì có vẻ giống người lắm, nhưng đầu lại dài và to hơn rất nhiều, người đó tay cầm đuốc vừa dí tới vừa quát thật to để xem là cái gì. Khi còn cách mấy bước chân, tự nhiên cái bóng kia giật mình, nó quay ngoắt ra nhìn người quét rác. Đồng thời người quét rác cũng rú lên một tiếng hãi hùng, thứ mà người đó thấy là một cái đầu ngựa.

    Trên tay nó cầm một bọc đen đã bị xé rách, bông và gạc dính máu lòng thòng rơi ra, trông mà người quét rác hết cả hồn vía, sau đó lập tức cuống cuồng bỏ chạy, sợ tới không dám quay đầu lại nữa. Câu chuyện lan ra cả vùng, bấy giờ không ai là không biết đến con thú đội lốt người ấy, nó là một loại của phi phông, nhưng chuyên hút máu gia súc gia cầm, hình dạng nửa giống người nửa giống thú vật, so với phi phông thông thường thì còn ghê hơn rất nhiều. Từ ngày đó phi phông bắt đầu hoành hành phức tạp hơn, chúng không yên phận trốn trong rừng nữa, cái đói khiến chúng bỏ những đồi mận um tùm để trà trộn vào dân bản, truyền thuyết ngày nay phần lớn đều chỉ nhắc đến giai đoạn này, chuyện của tôi là một ví dụ.

    Nhiều người sẽ hồ nghi về sự thật trong chuyện này, nhưng tôi chỉ muốn nói rằng, phi phông hay ma hút máu nó cũng giống như những truyền thuyết ma quỷ dưới xuôi, không phải cứ đẻ ra đã là phi phông, nó là một dạng ma rừng nhập vào người, có thể hút máu hoặc ăn thịt sống để tồn tại. Đó là lý do tại sao mà ban ngày nó vẫn sinh hoạt bình thường, thậm chí có nơi còn cho rằng phi phông lấy vợ lấy chồng rồi sinh con nữa, vì vốn dĩ đó vẫn là người, chỉ có ban đêm là khoảng thời gian kiếm ăn của nó nên nó mới lộ nguyên hình. Cũng không phải là không có cách để trị phi phông, nếu như một người bị phát hiện là phi phông nhập vào, thầy mo sẽ dùng roi mây để quất tới khi con ma rừng sợ mà thoát ra mới thôi.

    Nhưng rất hiếm khi bắt được phi phông, chúng sống trà trộn trong cộng đồng dân bản lâu dài nên khả năng che giấu thân phận cũng ngày càng tinh vi hơn. Thầy mo đã chỉ cho mẹ tôi các cách để đề phòng phi phông như: Chuẩn bị các loại lá có gai để treo xung quanh nhà, làm ta leo buộc ngoài cửa hoặc cầu thang, lấy đòn gánh, lưới bắt cá đặt cạnh giường. Với những thứ đó, phi phông vẫn có thể trà trộn cùng khách khứa vào nhà chơi hoặc hỏi thăm tình hình bệnh tật của tôi, nhưng nó sẽ không dám đến một mình để làm hại tôi nữa.

    Không biết là nhờ những thứ trang bị đó hay là vì gia đình trông chừng cẩn thận mà về sau tôi không còn gặp chuyện gì như thế nữa. Cũng không phải tự nhiên mà tôi được kể cho nghe câu chuyện này, chả là cách đây một tuần tôi và đứa em họ có đi bắn chim với nhau, mùa này chim rất sẵn nên đi săn mải miết cả chiều cũng không chán, tới lúc nhập nhoạng rồi hai anh em mới xách súng và lồng chim về. Chúng tôi có đi tắt qua đồi mận một đoạn, tới quãng cây cối um tùm thì tôi có nghe thấy tiếng rít khẽ trên tán cây. Đoán là có con chịm đậu trên đấy nên tôi soi đèn pin lên, đột nhiên tán cây rung lắc dữ dội, lá cây reo rào rào, không phải là chim, chắc là con gì to lắm, em họ tôi mới lên nòng súng bắn ra hai phát. Rồi dưới đất có tiếng bịch bịch như vật trên cây vừa rơi xuống, tôi lia đèn pin theo thì lại không thấy đâu nữa, tưởng là con mèo rừng nên hai đứa tôi còn tiếc mất mấy hôm.

    Hôm nay nghe kể thì mới biết, cái đồi mận đó thực ra chẳng còn con chim nào cả, nếu có thì đều bị phi phông ăn hết rồi. À, nói mới nhớ, không hiểu sao tôi cứ thấy ngờ ngợ, tại sau hôm anh em tôi đi săn chim một ngày, chủ cửa hàng đối diện nhà tôi cũng đột nhiên nhập viện, nghe nói là đêm hôm trước bị ai đó ném cho mù một bên mắt, thật chẳng biết thế nào nữa.
     
  7. Mạnh Thăng

    Bài viết:
    8,713
    6. Sọ dừa.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trước nhà tôi có một con kênh, ngày bé tôi hay cùng đám bạn trốn ba má ra mãi tít đầu kênh bơi lội, nước hồi đó trong và mát hơn bây giờ nhiều. Ba má cấm bọn trẻ con tụi tôi được lội kênh, dọa rằng dưới nước có ma Tây, chuyên bắt con nít để moi ruột, nhưng mà ở cái tuổi trẻ nghé như thế thì biết gì là sợ, càng cấm tụi tôi càng ham bơi. Cho mãi tới một bận, nhà nội tôi có đám giỗ, lúc đấy tôi bắt đầu có ý thức và nhờ được ít nhiều chuyện về con kênh, bác hai tôi mới kể cho nghe về đám giỗ này, cái đám giỗ mà cả ấp đều biết và gọi là giỗ cô Chín Bé.

    Không tự nhiên mà người dân ở đây sợ ma Tây. Chuyện bắt đầu từ hồi cụ nội tôi tới vùng này xây nhà lập ấp. Cụ sinh được cả thảy mười một người con, trong đó có cô Chín Bé, đúng ra tôi phải gọi là bà trẻ vì cô Chín Bé là em ông tôi, nhưng đang trong câu chuyện của bác hai nên tôi xin được phép gọi là cô. Hồi ấy chưa có con kênh trước cửa nhà, nó thực chất là một cái ao, nhà cụ tôi ở bên kia đầu ao, về sau người ta đào móc làm kênh nên cụ chuyển qua mé này, biến cố xảy đến trước đó không lâu.

    Cô Chín Bé từ lúc sinh ra đã không được thông minh, nhanh nhẹn như người khác, cô chậm nói, chậm đầu óc, chậm cả hành động, làm gì cũng ngây ngây ngô ngô, lên 12 tuổi thì cô bắt đầu phát bệnh, cứ cách vài bữa lại lên cơn động kinh một lần. Những lúc bình thường cô hay thơ thẩn chạy chơi ngoài bờ ao, ở đó có những cây dừa cao vút, không ai trồng mà chúng tự lên, trên ngọn sai trĩu quả. Cô Chín Bé bị như vậy nên không ai muốn chơi cùng, cụ tôi toàn thấy cô ở bờ ao một mình, lúc xếp tàu lá dừa làm nhà, lúc lượm quả dừa đập ra uống nước. Nhưng cô chẳng bao giờ thấy chán, ai hỏi cô đều bảo là có nhiều người cùng chơi lắm, hoặc thấy họ chơi nên vào chơi cùng, không ai quan tâm đến lời một người bị thần kinh như cô nói, thấy riết thì thành quen, lâu sau không ai hỏi đến nữa.

    Cô Chín Bé cứ như thế mà lớn lên, tới năm 14 tuổi thì sinh chuyện. Năm đó mưa nhiều, nước trong ao mấp mé bờ, có người trong ấp qua quãng rìa ao thấy cô Chín Bé vừa ngồi cạnh cây dừa vừa hát:

    "Cây dừa cao thật là cao,

    Đi qua không chào lộn cổ xuống ao,

    Lộn xuống ao lấy sào mà vớt,

    Nỡ gãy sào thì chớt đó nghen."

    Người ta mới hỏi cô hát cái gì ghê vậy, cô Chín Bé chỉ cười, tay cô lùa nước, thấy trái dừa trôi gần đó, cô vội rụt tay lại, sợ hãi nói:

    "Sọ, sọ kìa!"

    Cụ tôi nghe người ta đồn là cô Chín Bé dạo này bệnh nặng lắm, họ khuyên cụ nhốt cô vào nhà, cứ để cô lang thang rồi gây chuyện thì chết. Cụ biết thế, nhưng không đành nhốt cô, một hôm cụ quyết hỏi xem cô nghe ai hát bài kia, còn bảo học cái gì không học đi học cái linh tình. Cô Chín Bé tròn mắt đáp, trên cây dừa có đầu người, cứ rớt bụp bụp xuống ao, ai không biết vớt lên là chết đó nghen. Cụ phiền lòng vì cô lắm, sau hôm đó cụ cấm cô hát bài ấy lên, cô mà hát cụ nhốt trong nhà không cho ra ngoài chơi nữa.

    Cô Chín Bé sợ cụ như sợ cọp, nghe đến nhốt trong nhà là thôi hẳn. Nhưng mấy hôm sau cụ lại bắt gặp cô lúi cúi đào bới gì đó ở gốc dừa. Cô liền chỉ chùm dừa cao tít, gọi đấy là đầu người, và trái dừa khô trôi lập lờ mặt nước là sọ người, cô không cho ai vớt lên ăn nên mới đào hố chôn chúng đi. Cụ tôi cáu quá mới đánh đít cô, cụ than khổ than sở, nói cô ngày trước uống nhiều nước dừa quá nên bị mụ đầu, đánh xong cụ nhốt cô vào nhà, cô rối rít xin tha, khóc lóc một hồi thì cụ lại thương mà cho cô ra.

    Giá mà cụ cứ nhốt cô như thế, thì đã không nên chuyện. Hôm ấy cô đi đâu tới tối mịt chưa về, cụ đốt đèn đi tìm, ra bờ ao thì thấy cô đang ngồi khóc ở đấy. Hỏi thế nào cô cũng không nói, chỉ bảo là đau lắm, hai tay ôm bụng. Còn tưởng cô ăn phải cái gì lạ nên cụ cho cô uống thuốc, thực ra mấy thứ lá lảu mà cụ sắc cho cô phần lớn đều có tác dụng an thần, sau khi dỗ cô uống xong, cả nhà liền đi ngủ. Nửa đêm cô Chín Bé bật dậy kêu khóc, cứ giãy đành đạch trên giường, còn không cho ai động vào người. Cô kêu đau lắm, luôn mồm đuổi mọi người đi, cái gì mà một ông người trắng đến cắn bướm, ông cắn đau lắm, xong vùng dậy muốn chạy nhưng may cụ túm được.

    Cụ nào biết cô la cái gì đâu, tưởng cô phát bệnh nên nói năng điên dại, mắt cô trợn ngược, miệng sùi bọt trắng, không khóc được nữa mà người cứ giật lên đùng đùng. Cụ phải thức cả đêm trông cô, nghĩ mà thương hại, do cụ đẻ ra nên cô mới bệnh tật thế này, có điên dại thì cũng vẫn là con cụ.

    Từ sau đêm hôm đó, cô Chín Bé thành ra thất thần, trước còn thấy cô cười nói chứ giờ thì không. Cô cứ ngồi ở cửa nhà nhìn ra bờ ao, chỗ có mấy cây dừa cao vút, lẩm nhẩm câu hát:

    "Cây dừa cao thật là cao,

    Đi qua không chào lộn cổ xuống ao,

    Lộn xuống ao lấy sào mà vớt,

    Nỡ gãy sào thì chớt đó nghen.."

    Bẵng đi một thời gian, hôm ấy cụ phải đi có việc, nhà chỉ còn mấy đứa nhỏ trông nhau, tới sẩm tối cụ về, tìm trong nhà không thấy cô Chín Bé đâu, cụ mới hỏi ông tôi. Ông tôi năm đó 16 tuổi, ông bảo chiều đi câu cá về thấy cô ở bờ ao bên đầu nhà kia, thế là cụ vội vã ra đó tìm.

    Lúc đến nơi cụ thấy một cảnh hết sức hãi hùng, cô Chín Bé nằm sõng soài dưới gốc cây dừa, trên người không mảnh vải che thân. Cụ vội bế bồng cô vào nhà, lấy nước lau người cho cô, lại phát hiện giữa hai chân cô chảy máu, đồng thời cô bị giật mình, vừa tỉnh giậy đã khóc ré lên. Cụ hỏi cái gì cũng chỉ nói là do ông người trắng ở bờ ao làm, chẳng ai hiểu cô nói gì, nhưng từ đây cụ biết ở chỗ bờ ao kia có sự bất thường.

    Quả nhiên sau đó không lâu, bờ ao ngâm nước sụt mất một mảng, ngồi trong nhà nghe thủm thủm mấy tiếng, mọi người liền chạy ra xem, thấy mặt ao sủi bọt lợn gợn, xong có cái gì trồi lên, cô Chín Bé bỗng reo to:

    "Sọ dừa, sọ dừa!" – Xong lao ra vớt.

    Cái mà cô vớt lên không phải sọ dừa, mà là một cái sọ người xám đen. Ai nấy khiếp hãi, bảo cô mau vứt đi, cô cười khanh khách đáp, vẫn còn nhiều lắm. Nói đoạn cô Chín Bé đào đất quanh gốc dừa lên, rất nhanh liền thấy cả chục cái sọ đầu lâu chôn dưới đó.

    Về sau còn đào được cả quần áo rằn ri nữa, kết luận lại là chỗ bờ ao này trước kia từng là hố chôn tập thể của lính Tây, đếm qua cũng được chục cái sọ đầu lâu ở đấy. Cụ tôi bấy giờ mới ngờ ngợ, cái ông người trắng mà cô Chín Bé vẫn nói, có khi nào là hồn ma lính Tây không? Cụ hỏi đi hỏi lạ cô, đó là người hay là ma, mỗi lần nhắc đến ông người trắng cô lại khóc, cô sợ lắm, ông ta hay dọa sẽ dìm cô xuống ao. Thôi, thế là cụ tôi xác định ngay được cô Chín Bé bị ma làm rồi.

    Những tưởng dẹp cái hố chôn tập thể của lính Tây đi là cô Chín Bé hết bị ma làm. Thế mà tới buổi chiều muộn hôm đó, cụ tôi nghe người ta hô hoán ngoài bờ ao, chỗ có cây dừa còng, thân nó uốn ra mặt ao, có người treo cổ ở đó. Khốn thay người chết lại chính là cô Chín Bé nhà cụ tôi. Càng kinh hoàng hơn là cô Chín Bé còn đang mang thai tới tháng thứ tư, người ta bảo cô điên dở thì ai thèm dây vào, họa chăng chỉ có ma, bây giờ ma nó đòi con nên bắt cô treo cổ ở đây, cô Chín Bé chết tức tưởi khi mới 14 tuổi. Chuyện ấy ngay tới cụ tôi cũng tin, và suốt một thời gian dài người ta kể cho nhau nghe vụ có con với ma Tây của cô Chín Bé, về sau nó bị chế thành nhiều dị bản khác nhau.

    Bác hai kể xong thì thở dài thườn thượt, bác lại ra bàn thờ thắp cho cô Chín Bé một nén nhang. Tôi không tin lại có chuyện có con với ma, nếu đúng như những gì bác hai kể, thì đây là một tội ác, và kẻ gây ra chính là một người sống gần đó. Cô Chín Bé nhiều lần nhìn thấy ma Tây trên cây dừa, cô bị cụ đánh nên không gọi đó là sọ người nữa, về sau nhìn thấy sọ người thật, cô lại gọi đó là sọ dừa, vậy chắc chắn là cô không sợ ma. Cô chỉ sợ ông người trắng, tôi xin nhấn mạnh vào từ "người", chính vì đầu óc cô không được bình thường nên mọi người hầu như bỏ qua lời cô nói, nhưng tôi tin cô Chín Bé nhận biết được kẻ đó là người. Một điều nữa, nếu như đó là ma, thì đáng ra cô sẽ bị dìm xuống ao chết như nó vẫn dọa, nhưng đây cô lại treo cổ, tôi cho rằng cô Chín Bé vì thường xuyên chạm mặt ông người trắng kia, nên đã sợ hãi tới mức tìm đến cái chết và cô hoàn toàn không bị ma làm.

    Dẫu sao thì chuyện cũng xảy ra cách đây rất lâu rồi, tôi dù muốn cũng không tài nào minh oan cho cô Chín Bé được nữa. Khuya hôm đó ba má đón tôi từ nhà nội về, dọc đường tôi vẫn mải nghĩ, bỗng giật mình khi nghe thấy phía sau ào một tiếng, hình như có trái dừa vừa rụng xuống kênh, rồi bất chợt có giọng hát theo gió vọng lại:

    "Cây dừa mọc ở bờ ao,

    Đi qua không chào lộn cổ chết tươi.."
     
  8. Mạnh Thăng

    Bài viết:
    8,713
    7. Chiếc thuyền ngoài xa.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trên đời này nếu loại mặt hàng nào nhiều người mua mà ít người bán, thì giá nó sẽ cao, ngược lại, nhiều người bán mà ít người mua thì tự nhiên giá nó sẽ thấp. Cái đó gọi là quy luật, nhưng độc nhất có một loại mặt hàng chỉ một người mua và một người bán, mà đã bán thì bằng giá nào cũng sẽ phải mua, đó là xác người chết trôi. Hôm vừa rồi bên làng đối diện có vụ đuối nước hết sức thương tâm, một nhà ba người đi du lịch biển Sầm Sơn với công ty, nghe nói là người chồng sáng sớm có ra tắm cùng mấy đồng nghiệp, chẳng may bơi trúng vào chỗ sóng xa bờ, kết quả anh ta và một người nữa bị cuốn ra biển, mãi tới chiều tối mới tìm thấy xác. Thế thì bên làng ấy lại có tin đồn là, lúc tìm thấy xác chỉ cách bờ có 700m gì đó, cuốn cũng không xa lắm, sở dĩ tìm lâu như vậy là vì bị ma da giấu xác. Tôi lần đầu nghe tới cái giống ma nước đó, lúc đấy có hỏi bố, bố tôi mới kể cho nghe về câu chuyện ma da ở đập thủy điện Thác Bà.

    Bố tôi sinh năm 1962, đến năm 1968 thì theo bà tôi lên Thác Bà tham gia xây dựng đập thủy điện. Năm ấy cô thứ - em bố tôi mới lên 2 tuổi, ban ngày bà đi làm phân phối vật tư cho bên nhà thầu xây dựng, để bố tôi với cô thứ ở nhà trông nhau. Đập thủy điện được xây ở nơi địa hình tương đối hiểm trở, người ta phải xẻ núi, ngăn sông, xây hồ chứa nước, mọi công tác đều gặp khó khăn vì thời kỳ đó đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, trang thiết bị thô sơ, hầu như phải dựa vào sức người là chính. Giai đoạn ngặt nghèo nhất phải kể đến là quá trình xây đập, nước sông Chảy rất dữ, chưa kể lại liên tiếp có lũ tràn xuống, tai nạn xảy ra nhiều như cơm bữa.

    Bố kể có một lần, bà đem hai anh em đến cơ quan, phòng làm việc được dựng cách công trường 300m, ngồi trong nhà kín mà nghe rõ mồn một tiếng nước reo bên ngoài, muốn nói chuyện cũng phải rướn cổ lên mới nghe thấy. Lúc đấy là buổi chiều, bố tôi bế cô thứ đứng xem bà làm việc, bỗng nhiên từ bên ngoài có người chạy vào cuống quýt thông báo, lại vừa có người bị rơi xuống thác, tình hình này không biết có cứu được không nữa. Mọi người ùa ra rìa đập, bố tôi bế em chạy theo bà, nước chảy cứ ào ào trước mặt, không thấy bóng dáng người kia đâu cả. Có vài người chỉ vào cái đầu dây dập dềnh trong nước, nói là dây vẫn căng, chắc người chưa bị cuốn đi đâu.

    Thì tức là công nhân thi công trên mặt đập ai cũng được đeo một dây bảo hiểm trên người, nghe nói là trong lúc công nhân kia đu xuống kiểm tra móng đập, một đầu dây đột nhiên bị đứt, may mà dây mắc vào giữa hai cái dầm thép nên còn giữ lại được. Những trường hợp thế này thực ra không phải ít, hầu như tuần nào cũng có một vụ, mà thường thì không cứu được, đoạn này sông thắt vào vừa hẹp vừa dốc, không tính nông sâu, chỉ riêng sức nước đã đủ chết rồi.

    Khi bố tôi ra xem thì đã có vài ba người đang đu xuống cứu, bên dưới tình hình không rõ, chỉ thấy tự nhiên có người kêu la thất thanh, rồi dây tời được kéo lên. Một người kể lại rằng, lúc xuống tới nơi thì dây mắc vẫn rất căng, kéo không được, phải mò theo đường dây chìm sâu trong nước, vừa lặn một cái thì chân bị mắc, nhìn cổ chân người đó lằn lên một dấu đỏ như bị dây siết, nhưng cảm giác lúc đó lại không giống dây, nó giống như tay người nắm vào hơn. Người kia vùng vẫy kịch liệt mới ngoi lên mặt nước kêu cứu được, đồng thời sợi dây mắc cũng chùng xuống, lúc kéo lên thì thấy đầu dây đã đứt, họ không vớt được gì cả.

    Với những người bình thường thì đây chỉ là một vụ tai nạn, còn những người có chút đầu óc tâm linh lại cho rằng, chuyện này hẳn là còn nguyên nhân khác. Người ta mở cuộc tìm kiếm nạn nhân mất tích, mò vớt rồi giăng lưới các kiểu tới nửa đêm cũng không được kết quả gì, sợ rằng nước đã cuốn cái xác ra tận sông lớn rồi. Bấy giờ có ai đó đề xuất thuê dân bản địa ở đây tìm cho, vùng đất Yên Bái ngày ấy còn hoang vu hiểm trở, có những cái mà chỉ người ở đây mới hiểu và giải quyết được. Trong những người được thuê tới có cụ Bá Vừng, người dân tộc Tày, khi đó đã hơn 80 tuổi, nghe cán bộ tới tuyên truyền thì xung phong theo ra sông mò xác.

    Cụ Bá Vừng chỉ nhánh sông xây đập thủy điện rồi nói với mọi người rằng, đoạn này trước đây hay có lũ quét lũ ống, rất nhiều người chết, những người đó thành ma trốn trong nước và chuyên kéo người khác xuống sông. Dân ở đây gọi nó là ma da. Chúng xuất hiện mọi lúc, kể cả ban ngày, màu đen nhớt, ai mà bị nó kéo chân thì không tài nào cứu được. Loài ma này còn biết đánh bẫy, nó dụ cho người ta xuống cứu rồi kéo chết theo, như là lúc chiều nó giữ cho sợi dây căng ra, rồi khi có người tới cứu thì nắm chân dìm xuống. Thực ra cũng có thể là người bị chết đuối sờ được chân người nên cố níu lấy, phản xạ tự nhiên thôi, có điều sau khi người kia giãy ra được là con ma cũng bỏ đi, nó đem theo xác người chết giấu xuống lòng sông.

    Muốn vớt được xác thì phải xin ma da. Cụ Bá Vừng ngày trước hành nghề chèo thuyền ra giữa sông Chảy bắt cá, đoạn đó hay có xoáy nước nên nhiều người e ngại, nhưng đặc biệt là nơi tụ tập của những giống cá to. Có lần giăng lưới cụ bắt được con cá trắm đen trũi, nặng hơn chục cân, đem về mổ ra thấy trong bụng nó có nguyên một con mắt người. Lần khác cụ đi mò trai ở lòng sông, con nào cũng to bằng hai bàn tay, lúc cạy miệng trai thấy trong toàn xương đốt ngón tay. Vốn là bọn sinh vật tầng đáy thường ăn tạp, mà ma da lại chuyên giấu xác xuống lòng sông, con nào con nấy bắt lên vừa to vừa chắc thịt, nhưng mà toàn thịt người đắp vào, không ai dám ăn.

    Cụ Bá Vừng vừa kể chuyện vừa chuẩn bị đèn đuốc, vài xấp giấy xanh đỏ, một túi gạo và những vật dụng kỳ lạ, khi đã đủ hết mọi thứ cần thiết, cụ bảo mọi người yên lặng, ma da rất kị tiếng động mạnh, nếu bị nó lôi chân mà có người nhìn thấy, hãy lấy cục đá ném xuống mặt nước chỗ đó, ma da tự khắc buông tay. Cụ Bá Vừng đốt xấp giấy xanh đỏ, xong hú hồn người chết, mỗi lần hú lên cụ lại rải một nắm gạo xuống mặt nước, chân cụ bước từ từ vào lòng hồ, cứ thế xa dần, mọi người nhìn theo đến khi chỉ còn thấy mỗi mái tóc bạc của cụ hiện ra lơ lửng giữa khoảng không tối đen.

    Tiếng lội nước ì oạp nghe như có con gì đang hút nước dưới sông, càng lúc càng nổi lên rõ rệt, bỗng cụ dừng lại, mực nước chỗ đó cao tới ngực cụ, mọi người nheo mắt nhìn, cả bố tôi cũng trông thấy, có một bóng đen chồi lên trên mặt sông gần chỗ cụ đứng. Bóng đen đội nước nhô lên, không một tiếng động, nó cứ lù lù một đống ở đấy, xấp giấy cháy trên tay cụ Bá Vừng lay động, huơ lên huơ xuống rồi phụt tắt. Mọi người lo lắng nhìn nhau, ngay sau đó thì tiếng ì oạp lại vang lên, cụ Bá Vừng từ lòng sông trở về, dáng vẻ gấp gáp, cụ lấy một chiếc thuyền rồi cùng với hai người nữa ngồi lên trôi ra sông.

    Trên thuyền có trải sẵn một tấm vải đỏ đặt vào chỗ khô ráo nhất, ban đầu mọi người không hiểu ý, nhưng về sau càng trôi vào lòng sông mảnh vải càng biến đổi, họ hiểu ra mảnh vải này là để đón hồn người chết về. Trên mảnh vải dần dần hiện lên hai dấu chân ướt, ban đầu nó còn mờ mờ, thuyền tự trôi không cần ai chèo chống, cụ Bá Vừng bảo hồn người được thả trước, còn xác thì nổi sau. Thuyền cứ đi lòng vòng trên sông tới 2h sáng, nhiều người trên bờ đợi không được đã đi về ngủ, chỉ còn một số ít cán bộ ở lại trực công tác vớt xác.

    Đến sáng bố tôi nghe người ta kể lại là đã vớt được xác từ đêm qua, quả nhiên mới chỉ trôi cách đập thủy điện 900m gì đó, chưa ra tới sông lớn. Lưng nổi lên đầu tiên, da xác căng đẫy như da cóc, động vào trơn nhớt lùng bùng, lúc lật ngửa xác lên thuyền, trong miệng người chết ộc ra một đống như đờm dãi, mắt mũi tai đều chảy máu đen, khuôn mặt bị dìm xuống nước sâu nên biến dạng. Cụ Bá Vừng sau đó báo giá vớt xác cho bên cán bộ, cụ là người có tâm nên chỉ lấy tiền vía thôi, tính ra cũng không nhiều lắm.

    Nhưng bố tôi lại nghe ai đó nói nhỏ rằng, cụ Bá Vừng trước khi về còn bảo, đại loại là cái đập thủy điện này xây ở đây không hợp ý thần sông đâu, kiểu gì thần cũng nổi giận mà giáng tội xuống. Không ai tin, nếu có thì người ta chỉ nghĩ là những vụ tai nạn thường xuyên xảy ra trong khi thi công chính là do thần sông gì đó nổi giận. Nhưng sau hai năm, tức là vào năm 1970, đập thủy điện hoàn tất công đoạn xây dựng, ban chỉ đạo đồng ý chặn dòng chảy để dẫn nước vào hồ chứa. Chưa đầy một tháng sau cửa số ba bị bục, kèm theo mưa lớn, nước từ thượng nguồn tràn về ồ ạt gây ra trận lũ quét cùng sạt lở đất nghiêm trọng cho khu vực ven Thác Bà, Yên Bái.

    Thiệt hại về người và của rất lớn. Ngay cả những nhà dân đã di dời cũng chịu ảnh hưởng từ trận lũ, nghe nói là cả nhà cụ Bá Vừng không ai thoát được, tất cả đều bị con nước nhấn chìm xuống lòng sông Chảy. Ngày đó báo chí bị phong tỏa thông tin, vì đây là con đập thủy điện đầu tiên của miền Bắc, sai sót xảy ra là không thể tránh khỏi, kể cả những vụ tai nạn trong quá trình thi công cũng được người nhà và các cán bộ dàn xếp với nhau.

    Thành thử số lượng người thiệt mạng cho con đập này có thể lớn không tưởng, ông bà tôi vì có liên quan tới trận lũ năm đó nên sau khi đập được đưa vào hoạt động năm 1971, nhà nước thuyên chuyển công tác hai ông bà về nông thôn và sau 5 năm thì cho nghỉ hưu sớm. Phần lớn số người chết năm đó đều không tìm được xác, có thể là do dòng nước xiết cuốn ra sông lớn, cũng có thể là do họ bị ma da giấu xác xuống lòng sông Chảy.

    Ngay tới người như cụ Bá Vừng cũng không thể trải qua được tai họa đó, người ta thường nói sinh nghề tử nghiệp, cụ cùng gia đình bị cơn lũ dữ cuốn đi, tôi từng hỏi bố không biết sau đó cụ có trở thành ma da không, bố tôi không biết. Khi sống cụ chuyên làm người đưa thuyền cho hồn ma về bờ, tới lúc chết lại chết ở dưới sông, không ai đưa tiễn, đây họa chăng mới chính là cái giá cuối cùng dành cho những người làm nghề vớt xác chết trôi..
     
  9. Mạnh Thăng

    Bài viết:
    8,713
    8. Đèn lồng đỏ treo cao

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hơn hai tháng trước tôi có về quê tạ mộ, quê tôi ở Phù Cừ, dù giáp ranh thị xã Hưng Yên, nhưng đó vẫn là một vùng nông thôn đậm nét. Thú thực là từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi mới về đây lần này là lần thứ tư, tính ra thì cũng đã 7 8 năm tôi chưa quay lại nơi này. Cơ bản là nó không có nhiều kỷ niệm với tôi lắm, vật duy nhất mà tôi còn lưu giữ sau mỗi lần về quê, chính là những bức ảnh chụp từ chiếc máy ảnh film của bố. So với trong ảnh thì thực tế đã thay đổi ít nhiều, có thể nhận ra đời sống đang đi lên từng ngày, trên con đường dẫn vào khu nghĩa trang tôi bắt gặp một cây gạo. Nó mọc ngăn cách giữa khu dân cư và bãi tha ma, vô tình tôi nghe được bà nội hỏi về nhà ông Tịnh nào đó, người mà trước đây từng sống cạnh cây gạo này.

    Hồi đó là cách đây khoảng trên chục năm, ngày ấy chưa có đường be tông như bây giờ, gần ruộng nên bùn đất quanh năm lầy lội, mồ mả cũng chưa được quy hoạch vào một bãi, rải rác đây một nấm, kia một nấm, rất mất mỹ quan. Tôi không biết rõ lai lịch bác Tịnh kia như thế nào, chỉ nghe bà nội và họ hàng nói với nhau, rằng nhà bác ấy ở bên trái cây gạo, dưới tán cây có đống rơm to, chắc phải to nhất thôn hồi ấy.

    Có vẻ gia đình bác Tịnh là một nhà khá giả. Ruộng nhà bác rộng lắm, phải bằng cả bãi tha ma bây giờ, quê tôi được xét vào vùng khó khăn, nhà bác tuy không giàu có gì nhưng cũng hơn hầu hết các nhà khác trong thôn. Có điều bác Tịnh nghiệt lắm, bà tôi nhớ như in cái ngày qua nhà bác ăn cỗ, bác có bày trầu cau, bà tôi không ăn nhưng có bọc mấy miếng đem về cho cụ, lúc cụ bỏ vào mồm nhai, thấy rắn quá phải nhổ ra, bên trong không thấy có cau mà thay bằng một miếng vỏ cây nhãn.

    Tiếp đến là chuyện tranh mả, chả là có ngôi mộ tổ nhà bác kia xây trên khoảng ruộng nhà bác Tịnh từ ngày xưa rồi, đến khi con cháu muốn di dời về một cụm với mộ gia đình thì bác lật mặt, đòi nhà kia bồi thường, thì nhà kia có trả nhưng bác lại đòi giá cao, hai bên bất đồng rồi nảy sinh cãi vã, còn tưởng đánh nhau vỡ đầu đến nơi. May mà cán bộ xã xuống làm việc kịp thời, từ dạo đó cả làng cả xóm ai cũng gớm cái tính nghiệt ngã của nhà bác Tịnh.

    Đỉnh điểm là khi huyện đánh công điện xuống đề nghị mỗi xã phải quy hoạch một cái bãi tha ma, tránh để tình trạng rải rác như bây giờ, mất đất canh tác. Khoảng đất được chọn làm bãi tha ma chiếm 1/3 là đất ruộng nhà bác Tịnh và dù đã được cán bộ xa xuống tận nơi cam kết bồi thường bằng giá thị trường nhưng bác vẫn nhất định không giao đất. Lằng nhằng mất mấy tháng chưa xong, tới rằm trung thu năm ấy, nhà bác xảy ra hỏa hoạn.

    Theo lời của đám trẻ con ngày ấy, thì chúng nó đang rủ nhau đi rước đèn ông sao, xong tụ tập ở bãi ruộng cạnh nhà bác Tịnh chơi trốn tìm. Đứa con trai nhà bác Tịnh cũng có trong đám đó, nó cầm đèn ông sao có cắm cây nến đang cháy ở trong, trèo lên cây gạo để trốn. Thế thì lúc nhận ra cái đèn sáng quá kiểu gì cũng bị bắt, thằng bé liền thả cái đèn xuống đống rơm. Cái đèn không rơi trên chốc đụn rơm mà trượt xuống bên mé, vì vậy sau đó không ai thấy nó bén lửa ra xung quanh. Bọn trẻ mải chơi càng không để ý, nhất là thằng con nhà bác Tịnh, nó trốn trên cây gạo kín tới độ không ai phát hiện ra. Kết quả đống rơm bốc cháy thành ngọn, đám trẻ hoảng loạn chạy hét ầm ĩ, bác Tịnh nghe thấy lập tức lao ra, đụn rơm to nhất làng giờ đã cháy rừng rực, lửa còn lan sang mái nhà và cháy luôn cả cây gạo.

    Trong đám lửa văng vẳng tiếng khóc, tiếng kêu cứu, mấy người kể lại quả quyết có nghe thấy nhưng tưởng là ai đó trong nhà nên chỉ tập trung chạy đồ và dập lửa. Tới lúc bác Tịnh giật mình nhớ ra thằng con thì đã chẳng thấy nó đâu nữa, bác cuống cuồng đi tìm, bấy giờ có người mới chỉ lên cây gạo, cái tán ở ngay trên đống rơm hình như vừa có cái gì rơi xuống. Chỉ nghe phụt một tiếng, đám lửa cháy bùng lên cả tàn đỏ, cây gạo chìm trong màn lửa hừng hực, tiếng lép bép xen lẫn với tiếng gọi con tuyệt vọng của bác Tịnh khiến cho bất cứ ai nhớ lại cũng mủn lòng.

    Tới gần sáng thì đám cháy mới được dập tắt, đồng rơm, căn nhà và cây gạo đều cùng một màu đen của tro tàn, khói vẫn bốc lên nghi ngút, bác Tịnh vẫn gào khóc gọi con, người ta bới trong đám tro rơm ra một xác trẻ con cháy đen, vừa nhìn bác đã ngất lịm đi. Chỉ trong một đêm mà bác mất nơi ở, mất luôn cả đứa con, đau khổ tột cùng.

    Không lâu sau mọi người chung tay giúp bác dọn dẹp đống đổ nát, muốn an ủi phần nào nỗi đau thương mất mát của gia đình nên dân làng quyết định xây cho bác ngôi nhà mới, họ thấy cây gạo cháy đen kia không sống được nữa nên mới chặt nó đi, nhưng kì lạ là năm lần bảy lượt đem cửa đên đều không được. Khi thì cưa gãy, khi thì người bị tai nạn, ngay như ông trưởng thôn ra quyết định chặt cây cũng bị ngã cầu thang gãy chân, dân làng đâm ra sợ cái cây gạo chết này, thôi thì họ quay ra khuyên nhủ bác tình, bảo bác bán mảnh ruộng đi làm bãi tha ma, lấy tiền mua mảnh khác trong xóm mà ở. Bác Tịnh lúc đấy không còn thiết gì nữa, với cả cho bác ở lại mảnh đất này bác cũng không ở được, thế là quyết định bán.

    Ai cũng tưởng cây gạo kia chết chắc rồi, nhưng chỉ sang năm tiếp theo, người ta lại thấy nó đâm chồi nảy lộc, cái thân bị cháy đen trụi thế mà vẫn sống. Nhiều lời đồn đoán xung quanh nó, nhưng chẳng ai dám chắc, cuối cùng bãi tha ma cũng được quy hoạch xong và cây gạo được nằm chính giữa hai bên một là người sống một là người chết. Chuyện chưa dừng lại ở đó, chương trình cải cách nông thôn mới về tới từng thôn xóm, yêu cầu đầu tiên chính là làm đường bê tông. Khi mà tất cả đường làng ngõ xóm trong thôn đều đã được san phẳng lỳ, thì tới lượt đoạn qua bãi tha ma đi vào thi công.

    Nghe bà con kể lại, buổi chiều người ta cho rải đá và đổ bê tông lên mặt đường xong, sáng hôm sau ra nhìn dưới gốc cây gạo thấy rất nhiều dấu chân trẻ con dẫm lên. Dấu chân đi xung quanh gốc cây, không có hướng đến hướng đi, chỉ vòng hai ba vòng dưới gốc cây rồi biến mất. Bọn trẻ con trong thôn từ đợt có bãi tha ma thì không dám chơi gần cây gạo nữa, chưa kể là công nhân có đặt rào chắn người qua lại vì đang làm đường, không thể là người ngoài chạy vào được. Thế là dân làng thi nhau đồn đoán.

    Có người còn kể lại rằng, vào lúc tờ mờ sáng, người đó đi chở rau ra thị xã bán, có đạp ngang qua đoạn cây gạo, từ xa đã thấy trên cây có đốm sáng lập lòe. Mà không chỉ một người đó, nhiều người dân xung quanh cũng nói theo, từ nửa đêm về sáng trên cây có xuất hiện ánh lửa, nó không phải xanh như ma trơi, nhìn nó giống như màu đỏ của giấy bọc oản vậy. Biết bao nhiêu người cùng nhìn thấy thì không thể nào nhầm được, dân làng lại được dịp đồn đoán thêm nữa.

    Bà tôi bảo là có khi do bác Tịnh tham đất của người chết nên mới bị trả thù như vậy, cái gì chứ riêng vấn đề tâm linh thì không nên hơn thua, người chết không nói lí được đâu. Sau khi từ quê về, tôi có tìm lại số ảnh đã chụp tám năm trước, thấy có một cái chụp cạnh cổng nghĩa trang, bên góc ảnh là cây gạo, đúng là thân nó đen hơn so với bây giờ rất nhiều. Tôi bỗng nhớ lại lời người làng nói, rằng trên cây gạo thường xuất hiện ánh lửa đỏ chập chờn, tự nhiên tôi thấy những cụm hoa gạo trong ảnh lại sáng lên, màu đỏ của chúng giống như ở đèn ông sao mà đêm rằm trung thu người ta mắc lên đó vậy.
     
  10. Mạnh Thăng

    Bài viết:
    8,713
    9. Người trong bao

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Dì tôi là một trong số những người từng ở trong tòa chung cư đó, thậm chí dì còn ở cùng tầng 11 với căn phòng 1101, nơi hiện trường vụ án. Trong khoảng thời gian xác chết chưa bị phát hiện, nhà dì xảy ra rất nhiều hiện tượng kỳ lạ, và nếu sự việc không bị phanh phui thì dì chắc sẽ không nghi ngờ mà tiếp tục ở lại nơi đó.

    Dì tôi sống một mình cùng với hai đứa con gái, chồng dì mất do tai nạn giao thông đã lâu, căn hộ chung cư tầng 11 này dì mới chuyển đến ở từ đầu năm. Chuyện là con lớn nhà dì sau một hôm đi học phụ đạo về tự nhiên bị đau đầu. Con bé tên Hoa, năm đó chuẩn bị thi đại học nên thường xuyên đi sớm về khuya, có ngày nó học tới ba ca, tối mịt mới từ trường về nhà. Hôm nó đau đầu, dì có cho uống thuốc, xong bảo nó đi ngủ sớm, trong căn hộ có hai phòng ngủ, một phòng của dì, còn một phòng là để hai chị em cái Hoa ở. Thế thì lúc đứa lớn đi ngủ, đứa bé vẫn đang thức học bài. Khuya hôm đó, khoảng gần 11 giờ đêm, cái Hương – đứa bé nhà dì, lại chạy sang phòng dì bảo:

    "Mẹ ơi, chị Hoa bị khóc nhè."

    Tưởng con đau nặng nên dì chạy sang phòng nó, thấy cái Hoa nằm nghiêng quay mặt vào tường, hai mắt nó nhắm nghiền mà nước mắt cứ chảy ra. Dì tôi lay gọi nó, con bé giật mình một cái rồi tỉnh dậy, nó nhìn dì trân trân, nói:

    "Mắt con tối lắm mẹ ơi, chả nhìn thấy gì cả."

    Dì hốt hoảng xoa đầu xoa mặt nó, hỏi làm sao, lại thấy mặt nó lạnh ngắt, từ cổ trở lên cứ như chườm đá, xong mồ hôi mồ kê thì túa ra bết hết cả tóc tai. Sợ cái Hoa bị cảm, dì xức dầu xoa gáy với hai thái dương cho nó, con bé từ lúc tỉnh thì không khóc nữa, nhưng mắt nó cứ mở thao láo, xong lầm bẩm không thấy gì cả. Lúc đấy dì chỉ nghĩ cái Hoa là do học nhiều quá, đầu óc căng thẳng nên mới sinh ra mê sảng như thế. Dỗ mãi con bé mới ngủ lại, dì bảo cái Hương sang phòng kia ngủ, để dì ngủ ở đây trông chị. Đêm ấy cái Hoa có nói mớ mấy lần, nhưng toàn là ú ớ không ra tiếng, dì thương con, đã nghĩ để sáng mai xin cho nó nghỉ một buổi học.

    Hôm đó là ngày thứ 5 sau khi cái xác được giấu trên tầng 13.

    Cái Hoa nghỉ ở nhà một buổi sáng, tới chiều thì nó có vẻ đỡ hơn rồi, dì mới bảo hay là ba mẹ con đi ra siêu thị mua đồ về tối làm một bữa ngon ngon. Dì ở phòng 1103, cạnh đó là cầu thang máy, lúc ba mẹ con ra đứng đợi đi xuống, cái Hoa cứ bồn chồn nhìn về phía đầu hành lang, ở đó có phòng 1101 và cầu thang bộ dẫn lên tầng trên. Tay nó miết miết lên cổ, cái Hương hỏi nó bị ngứa à, nó chỉ nhìn sang mà không đáp, mặt tái mét, nơi tay nó di xuống đã hằn lên thành một vệt đỏ ửng.

    Dì bắt đầu để ý cái Hoa từ buổi tối hôm đó. Sau khi đi siêu thị về, ba mẹ con vào bếp chuẩn bị cơm canh, dì có đưa cho nó túi khoai tây, bảo nó gọt vỏ rồi xắt miếng ra. Vừa thấy dì cầm con dao lên, con bé lập tức hét toáng, nó ú ớ nói không thành câu, cứ liên tục lắc đầu, mắt nhìn chằm chằm con dao. Hay là cái Hoa bị ảnh hưởng thần kinh? Dì nhớ năm bố nó bị tai nạn, con bé cũng khóc tới mê sảng rồi lên cơn co giật như này, sợ là từ vụ chấn thương tâm lý đó mà con bé sinh bệnh, nay đầu óc căng thẳng thì bệnh tái phát.

    Thế là hôm sau dì đưa cái Hoa đi khám bệnh. Bác sĩ nói là con bé bình thường, có thể do giai đoạn này nó thiếu ngủ và lo lắng việc học tập nên tâm lý bị bất ổn, bác sĩ kê một ít thuốc hoạt huyết an thần và thuốc bổ cho nó uống. Nhưng dường như cái Hoa không đỡ chút nào. Cụ thể là con bé bắt đầu có dấu hiệu hoảng loạn, lúc nào nó cũng nhìn ra cửa, nếu cửa mở thì chốc chốc lại hỏi dì xem ngoài kia có người nào không? Tới lúc cái Hoa đi tắm, dì đang nấu cơm ngoài bếp, tự nhiên con bé gào tướng lên, nghe nó khóc xé cổ trong nhà tắm làm dì phải cuống cuồng chạy vào. Chỉ thấy nó ngồi dưới sàn, vừa cởi xong quần áo, còn chưa cả xả nước, người vẫn khô ron, nó mếu máo nói:

    "Ngón tay con đâu rồi? Ngón tay con đâu rồi?"

    Xong nó chìa bàn tay lên trước mặt dì, tất nhiên là bàn tay đủ năm ngón, dì cầm tay nó bảo đây thôi con, cái Hoa cứ giãy đành đạch lên không nghe, nó đòi dì đi tìm ngón tay cho nó. Dì phải tắm cho con bé, xong dỗ nó ăn và cho uống thuốc thì nó mới chịu yên. Nhưng đêm hôm đó dì lại bị tiếng khóc từ phòng bên làm cho tỉnh giấc, lúc chạy sang thì không phải chỉ một mà là hai đứa cùng khóc, cái Hoa giữ tay cái Hương xong bảo đây là ngón tay của nó, cái Hương sợ quá ngoạc mồm ra khóc. Nói mãi mà cái Hoa không nghe, cáu tiết dì mới tát cho nó một cái, con bé nghệt mặt ra nhìn dì, xong nó im luôn không khóc nữa. Từ đêm đó dì phải ngủ với cái Hoa, nghĩ lại cái tát lúc đấy mà dì vẫn áy náy, vì chưa bao giờ dì phải đánh nó, con bé vốn rất ngoan.

    Những ngày tiếp theo cái Hoa đi học trở lại, dì phải đích thân đưa đón nó, còn cẩn thận dặn dò thầy cô bạn bè theo dõi xem nó có biểu hiện gì khác thường không. Kì lạ ở chỗ cái Hoa đi học thì bình thường, thầy cô bạn bè bảo là nó vẫn học tốt, kiểu như khi về tới nhà, con bé biến thành một người khác vậy. Dì không mê tín, nhưng cũng đã dò hỏi mấy nhà trong tầng chung cư, xem con cái họ có bị gì không, kết quả là chả ai bị làm sao hết, họ còn hỏi ngược lại con dì bị làm sao, những lúc như thế dì chỉ cười trừ rồi lảng sang chuyện khác.

    Một hôm hai mẹ con đưa nhau về lúc hơn 9h30 tối, vì cái Hoa phải đi học phụ đạo, vừa ra khỏi cầu thang máy, con bé đứng sững lại, nó nhìn về phía đầu hành lang, dì thấy thế mới đánh động vào tay nó, bất thình lình nó quay ra bảo:

    "Con ở trên kia."

    Xong tay nó lại miết miết lên cổ. Dì thấy hơi sợ sợ, nhất thời cũng không biết hỏi lại thế nào, cái Hoa liền tiếp:

    "Mẹ tìm cho con ngón tay chưa?"

    Đột nhiên nó lồng lộn lên, cứ nằng nặc hỏi dì đã tìm cho nó ngón tay chưa, giọng nó the thé, mà lúc đó đang là nửa đêm. Dì phải lôi nó vào nhà, dỗ mãi con bé mới uống thuốc rồi lên giường đi ngủ. Tưởng là yên rồi, nửa đêm dì lại thấy giường có động, hình như là cái Hoa vừa dậy, khác với mọi hôm, con bé không gào thét gì cả, trong phòng khá tối nên dì chỉ thấy bóng nó mờ mờ.

    Sột soạt.

    Có tiếng túi bóng vò khẽ, cứ sột soạt liên hồi, được một lát thì im. Nhưng mà cái Hoa không nằm xuống giường ngủ, dì vừa hỏi vừa với tay bật đèn bàn lên. Đập vào mắt dì là cái Hoa ngồi trên giường, đầu chùm một cái túi bóng đen, nhìn mà dì rú lên sợ hãi, vội vàng giật cái túi bóng khỏi đầu nó. Cứ nghĩ là con bé thức, ai ngờ hai mắt nó vẫn nhắm nghiền, dì gọi mấy câu mà không thấy nó thưa, rõ ràng là nó đang ngủ. Giờ thì cái Hoa còn bị mộng du nữa, dì nhất định cho rằng nó bị bệnh chứ không phải chỉ là căng thẳng thông thường, hôm sau lại xin nghỉ học rồi đưa nó đi viện khám.

    Lúc ở bệnh viện, cái Hoa hỏi sao lại phải đi khám nhiều thế, dì bảo nó có cảm thấy trong người mệt mỏi, đau đớn hay gặp vấn đề gì về học tập không? Cái Hoa lắc đầu, nó chỉ bảo là dạo này hay mơ thấy một người phụ nữ khỏa thân, đứng ở cửa phòng 1101 nhìn vào trong, sau đó tự nhiên chạy lên cầu thang, chẳng nói năng gì cả. Dì hỏi có phải là người ở phòng 1101 không, cái Hoa bảo không rõ, tại không thấy mặt. Lần đó bác sĩ không bảo con bé bị bệnh gì, chỉ bảo là giảm bớt số thời gian học xuống, tập thư giãn sau giờ học và đi ngủ sớm.

    Dì bắt cái Hoa phải cắt bớt một ca học đi, không cho nó học nhiều nữa, cùng lắm là trượt đại học, không thì thành điên dở mất. Nhưng tình trạng cũng không cải thiện là bao, cái Hoa tự nhiên ngứa khắp người, lúc nào cũng thấy nó gãi, hai cánh tay đỏ lên vì gãi, bôi cái gì vào cũng không đỡ. Con bé luôn mồm bảo có cái gì bò trên người nó, dì điên đầu vì bệnh của cái Hoa, kiểu này chắc phải cấm nó học luôn quá.

    Bấy giờ ở tầng chung cư đã bắt đầu có mùi lạ, giống như mùi chuột chết.

    Cái đêm trước ngày phát hiện ra xác người ở tầng 13, con bé Hoa lại bị mộng du, nó ngồi dậy, mở tủ đầu giường tìm gì đó, hình như không thấy nên nó đi ra khỏi phòng. Dì lẳng lặng theo sau, con bé vào bếp, lục lọi thùng rác, sột soạt, có tiếng túi bóng vò vào nhau phát ra. Dì bật đèn lên, vừa lúc con bé đứng dậy, nó lại trùm cái túi bóng đen vào đầu, nhìn mà dì phát khiếp lên được, nhanh tay dì giật ngay cái túi bóng ấy xuống. Cứ nghĩ là nó ngủ, nhưng vừa giật túi bóng ra thì thấy hai con mắt nó mở thao láo, dì giật mình "A" lên một tiếng. Cái Hoa mở mồm nói:

    "Tìm thấy rồi."

    Xong hai mắt nó lộn tròng rồi từ từ nhắm lại, con bé ngã ra sàn nhà ngất lịm. Dì được phen hết hồn, tưởng con bị làm sao mà hóa ra nó chỉ ngủ thôi. Gần trưa ngày hôm sau thi thể cô gái được phát hiện trong phòng kỹ thuật rác tầng 13 của tòa chung cư, kinh khủng nhất là cái xác đó không có đầu và mất cả mười ngón tay. Rồi khi tìm được thì các phần thân thể còn lại bị giấu trong túi bóng đen, vứt ở dưới sông, dì tôi nghe thế thì hãi hùng, lúc này mới thấy nghi nghi là cái Hoa bị ma nhập. Chỉ trong một tuần sau dì lập tức chuyển nhà sang nơi khác, cái Hoa cũng dần ổn định lại, nhưng năm đó nó vẫn trượt đại học.

    Khi kể lại chuyện này, dì tôi vẫn rất sợ, từ đó đến nay dì bị dị ứng với tiếng động, đặc biệt là tiếng vò túi bóng. Sột soạt..
     
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...