10 Đại Gian Thần Trong Lịch Sử Trung Quốc

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Sưu Tầm, 27 Tháng hai 2021.

  1. Sưu Tầm The Very Important Personal

    Bài viết:
    665

    10 đại gian thần trong lịch sử Trung Quốc


    Trên đất nước vua Nghiêu vua Thuấn, nơi có dòng Trường Giang, Hoàng Hà cuồn cuộn sóng nước, có Vạn Lý Trường Thành sừng sững qua bao năm tháng đã chứng kiến sự hưng thịnh và suy tàn của biết bao triều đại phong kiến. Với hơn 5000 năm lịch sử, Trung Quốc không chỉ là cái nôi của loài người mà còn là một trong những nền văn minh cổ đại rực rỡ, huy hoàng của nhân loại.

    Tuy nhiên trong dòng sông lịch sử ấy lại xuất hiện những tên hôn quân bạo chúa như Kiệt, Trụ.. ; những hoạn quan lộng quyền như Triệu Cao, Quách Hòe; đặc biệt là những gian thần đại nghịch, mưu phản, kéo bè kết đảng, tham ô nhận hối lộ, ỷ quyền thế ức hiếp trung thần, hại người ngay, hay ra sức vơ vét bóc lột tiền của, mồ hôi xương máu của bá tánh. Họ chính là những tên tham quan ô lại, sâu dân mọt nước. Sự lộng hành, tác oai tác quái, xảo quyệt của họ không chỉ làm cho dân lành lâm vào cảnh loạn lạc, mất mùa đói kém; các trung thần bị hãm hại tan cửa nát nhà mà còn góp phần làm cho triều đại đi vào con đường suy thoái rồi diệt vong.

    Với bối cảnh xã hội Trung Quốc, cuộc đấu tranh ngấm ngầm hoặc công khai giữa các bá quan văn võ chính là cuộc đấu tranh trên chính trường nhằm thanh trừng, lật đổ, hạ bệ lẫn nhau để leo lên đỉnh cao quyền lực là chức Tể tướng (Thái tể) "dưới một người trên vạn người". Những tên gian thần này hầu hết đều có một tài năng nhất định. Điều đặc biệt là họ rất biết tận dụng cái tài đó và khi gặp thời liền chớp ngay cơ hội phát huy hết khả năng vốn có nhằm đạt được mục đích. Thậm chí họ không từ bất cứ thủ đoạn đê tiện, bỉ ổi nào để bài trừ những người không thuộc phe cánh hoặc cản trở con đường tiến thân của mình. Sự hám danh và lòng tham vô đáy đã khiến họ thoái hóa biến chất, gây nhiều tai họa cho đất nước và nhân dân.

    Dưới đây là danh sách 10 đại gian thần trong lịch sử Trung Quốc dựa theo cuốn sách "10 đại gian thần trong lịch sử Trung Quốc" của tác giả Nhiễm Vạn Lý, được sắp xếp theo trình tự thời gian:

    1. BÁ BỈ


    Gian thần thời Xuân Thu, tham ô, hãm hại người trung, làm sụp đổ nước Ngô

    Bá Bỉ là con của Bá Khích Uyển (Một danh thần nước Sở thời Xuân Thu - Chiến Quốc). Sau này gia tộc gặp nạn, Bá Bỉ thoát được, lại gặp biến cố Ngô đánh Sở, Bá Bỉ trốn sang nước Ngô nương nhờ Ngũ Tử Tu. Sau được Ngũ Tử Tu tiến cử, Bá Bỉ được vua Ngô là Hạp Lư cho giữ chức Đại Phu cùng Ngũ Tử Tu bàn việc nước.

    Về tài quân sự Bá Bỉ không bằng Tôn Vũ, tài trị quốc ông ta không so được với Ngũ Tử Tu, nhưng vốn có miệng lưỡi giảo hoạt, tài xu nịnh nên được lòng Ngô Hạp Lư. Hơn nữa Bá Bỉ cũng có công lớn trong việc giúp Phù Sai đoạt ngôi thái tử từ anh mình là Chung Lũy, nên sau khi Phù Sai lên ngôi Bá Bỉ lại càng được trọng dụng hơn nữa.

    Bá Bỉ vốn tham lam của cải vật chất, biết được điều này thừa tướng nước Việt là Văn Chủng đã đút lót nhiều vàng bạc để Bá Bỉ nói đỡ cứu Việt Vương Câu Tiễn thoát khỏi họa vong quốc khi nước Việt bị Ngô tấn công. Sau này cũng chính Bá Bỉ là người giúp Câu Tiễn trở về nước Việt an toàn.

    Bá Bỉ cũng là người đã hãm hại Ngũ Tử Tu, vu cho ông tội phản quốc để rồi bị Phù Sai ép tự tử. Sau này, Việt diệt Ngô, Phù Sai chết, Bá Bỉ bị Câu Tiễn tịch thu hết gia sản, phế thành dân thường.

    Họa mất nước của Phù Sai, phần lớn đều do quá tin dùng Bá Bỉ mà ra.

    [​IMG]

    2. LƯU TỊ


    Gian thần thời Hán, phản nghịch, mưu cướp ngôi vua

    Lưu Tỵ vốn là cháu của Hán Cao Tổ Lưu Bang, có công giúp Hán Cao Tổ bình loạn Anh Bố nên đã được phân phong làm Ngô vương, đóng ở Nghiễm Lăng, cai quản ba quận, 53 thành.

    Lưu Tỵ vốn có tướng phản phúc, lại có dã tâm muốn thâu tóm thiên hạ từ lâu. Năm 174 TCN, con Lưu Tị là Ngô Thái tử Lưu Hiền vào kinh đô triều kiến Hán Văn Đế, uống rượu đánh cờ với thái tử Khải. Hai bên xảy tranh chấp, Ngô thái tử tính cách thô bạo, không biết trên dưới khiêm nhường, nên xảy ra xô xát với Hoàng Thái Tử, hai bên đánh nhau, trong lúc hỗn chiến Hoàng Thái Tử đã lỡ tay đánh chết Lưu Hiền.

    Từ đó trở đi, Lưu Tỵ ngày càng oán hận triều đình hơn. Năm 157 TCN, Hán Văn đế qua đời, thái tử Lưu Khải lên nối ngôi, tức Hán Cảnh đế. Cảnh Đế tin dùng Tiều Thố, nhiều lần nghe theo kiến nghị của Tiều Thố, làm giảm thế lực của chư hầu.

    Nhân chuyện đó, Lưu Tỵ quyết định khởi xướng loạn 7 nước. Loạn 7 nước kéo dài từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch năm 154 TCN thì bị dẹp. Quân làm phản thất bại hoàn toàn, các vua chư hầu làm phản đều mất mạng.

    Triều đình treo giải thưởng 1000 cân vàng cho ai lấy được đầu Lưu Tỵ và sai sứ giả đến Đông Việt thuyết phục giết Ngô vương. Người Đông Việt bèn lừa Ngô vương, dụ ra ủy lạo quân sĩ rồi sai người hành thích giết chết Ngô vương, sai người cắt đầu ngày đêm mang về Trường An dâng Hán Cảnh Đế.

    [​IMG]

    3. NHĨ CHÂU VINH


    Gian thần thời Bắc Ngụy, phản nghịch, ngang ngược tàn ác

    Nhĩ Chu Vinh tự là Thiên Bảo, người Bắc Tú Dung, là tướng lĩnh, quyền thần nhà Bắc Ngụy thời Nam Bắc triều trong lịch sử Trung Quốc.

    Nhĩ Chu Vinh là một quân sự gia kiệt xuất, nhưng ông không phải là chính trị gia, quyền mưu gia. Chịu ảnh hưởng của Ngụy thư, người đời sau đánh giá ông: Công sánh Tào Tháo, tội tày Đổng Trác.

    Đối với chính sự, dân tình, ông chẳng quan tâm, chỉ biết dùng vũ lực giải quyết vấn đề. Đối với việc bổ nhiệm quan lại, Nhĩ Chu Vinh xin cho ai thì không được không thành công, ông từng phái người của mình đi giành lấy quan chức, đuổi đi người mà triều đình mới bổ nhiệm.

    Nhĩ Chu Vinh có công lớn trong việc dẹp yên loạn lạc cho triều Bắc Ngụy, tuy nhiên cậy thế cậy quyền, nên sau này đã bị Hiếu Trang Đế giết chết. Cái chết Nhĩ Chu Vinh, khiến cho triều đình Bắc Ngụy rơi vào cuộc chiến giữa gia tộc Nhĩ Chu với quân Triều Đình. Triều đình Bắc ngụy vì thế mà ngày càng suy yếu để rồi dẫn đến diệt vong.

    [​IMG]

    4. DƯƠNG QUỐC TRUNG


    Gian thần thời Đường, kẻ đào hố chôn "Khai Nguyên thịnh thế"

    Dương Quốc Trung, tên thật là Dương Chiêu vốn là anh họ của Dương Quý Phi. Dương Quốc Trung vốn là một người lười biếng, quanh năm chỉ biết đến bài bạc. Tuy nhiên được Dương Quý Phi cất nhắc, Dương Quốc Trung đã được Đường Huyền Tông tin tưởng. Từ năm 746, Quốc Trung liên tục thăng tiến, ngoi lên chức Ngự sử trung thừa.

    Lợi dụng địa vị và vị trí của em gái họ mình, Dương Quốc Trung đã hãm hại nhiều trung thần của Đường Triều. Đầu năm 753, Dương Quốc Trung được Huyền Tông phong làm Tể tướng. Ông ta làm tể tướng 19 năm, là vị tể tướng tại vị lâu nhất dưới thời Huyền Tông, và trong 19 năm đó, đã làm cho quốc lực nhà Đường suy yếu trầm trọng, là mầm mống là họa loạn về sau của nhà Đường. Chính Dương Quốc Trung cũng là người khiến An Lộc Sơn tạo phản. Người sau cho rằng, chính Dương Quốc Trung đã đào hố chôn "Khai Nguyên Thịnh Thế".

    [​IMG]

    5. THÁI KINH


    Gian thần làm triều Bắc Tống suy vong

    Sái Kinh hay Thái Kinh (1047-1126) là thừa tướng nhà Bắc Tống trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người giữ chức vụ quan đầu triều nhiều lần nhất thời Bắc Tống.

    Thái Kinh là người xảo quyệt, biết luồn cúi để tiến thân, nhiều lần lên voi xuống chó. Chức vụ cao nhất Thái Kinh từng giữ là Thừa tướng. Tuy giữ chức vụ cao, nhưng Thái Kinh không lo lắng việc xây dựng phát triển quốc gia, cũng như trợ giúp Hoàng đế xây dựng vương triều vững mạnh mà chỉ biết xúi giục, vào hùa với Tống Huy Tông ăn chơi, hưởng thụ. Việc này khiến tiêu tốn rất nhiều tiền của, công sức của nhân dân, khiến nhân dân oán thán.

    Ngoài ra Thái Kinh còn lợi dụng chức quyền, hãm hại nhiều quan lại trong triều đình, khiến họ mất chức hoặc phải thuyên chuyển đi nơi khác.

    Cuối đời Sái Kinh bị con mình là Sái Du lập mưu khiến Tống Huy Tông ép ông phải từ chức. Sau khi từ chức, Sái Kinh suy sụp, ngã bệnh. Sau bị lưu đày ở Lĩnh Nam, trên đường lưu đày, Thái Kinh bị dân chúng oán ghét, không bán lương thực, thực phẩm cho. Ít lâu sau thì qua đời. Hoàn cảnh lúc đó khó khăn không có quan tài, người nhà mang xác ông gói vào vải xanh xấu mà dân gian thường dùng rồi chôn tại nghĩa địa ở địa phương.

    [​IMG]

    6. TRƯƠNG BANG XƯƠNG


    Gian thần thời Bắc Tống, bán chúa cầu vinh

    Trương Bang Xương (1083-1127), tự là Năng, là người Đông Quang thuộc Vĩnh Tịnh Quân (nay là huyện Đông Quang, tỉnh Hà Bắc), xuất thân là tiến sĩ, rất giỏi nịnh bợ người khác, vì thế còn đường làm quan của ông ta rất rộng mở. Khi Tống Khâm Tông lên kế vị, ông ta được làm tể tướng, trở thành nhân vật quyền lực trong triều đình. Tháng mười năm thứ bảy Tuyên Hòa (năm 1125), quân Kim chia làm hai đường tấn công triều Tống. Trương Bang Xương sợ địch như sợ cọp, sợ chiến tranh khi xảy xa, làm ảnh hưởng đến tiền đồ, vì thế chủ trương làm hòa.

    Sau khi quân Kim đánh xuống, Trương Bang Xương chấp nhận, cam tâm làm bù nhìn cho chúng và được người Kim dựng lên làm Hoàng đế. Sau này, khi quân Kim rút đi, Trương Bang Xương vì sợ hãi dân chúng và các thế lực của triều đình cũ nên đã từ bỏ ngôi vị bù nhìn.

    Sau khi Tống Cao Tông kế vị, Trương Bang Xương ra sức lấy lòng, không những bảo toàn được sinh mạng của cả nhà, mà còn được làm tiết độ sứ Thái Bảo, Phong Quốc Quân, còn được phong là Đồng An quân vương, có thể nói đây là điều mỉa mai của triều Tống. Năm 1127, Lý Cương cùng các vị đại thần dâng sớ yêu cầu Tống Cao Tống trừng trị kẻ bán nước Trương Bang Xương, Cao Tông biết rõ tội ác của Trương Bang Xương, liền quyết tâm, ra lệnh cho Trương Bang Xương tự xử. Trương Bang Xương phải treo cổ tự sát.

    [​IMG]

    7. A HỢP MÃ


    Gian thần thời Nguyên, tham ô, hại dân hại nước

    A Hợp Mã (? -1282), là đại thần "Lý Tài" thời Nguyên Thế Tổ. Sinh ra ở vùng Hoa Lạt Tử Mô Phí Nạp Khách Thắc (nay thuộc vùng Toshkent thuộc cộng hòa Uzbekistan). Ông ta sớm đã đi theo Án Trần Na Nhan – cha ruột của hoàng hậu của Hốt Tất Liệt, sau đó làm cận thần ở cung Oát Nhĩ Đóa của Hoàng hậu Sát Tất. Năm Trung Thống thứ tư thời Nguyên Thế Tổ (năm 1263), A Hợp Mã bắt đầu bước vào chính trường, năm thứ hai đã được đặc cách đề bạt làm Trung Thư Tỉnh giải quyết chính sự, được coi như chức vụ Phụ Tể Tướng, được thăng làm Vinh Lộc Đại Phu.

    Kẻ thù của A Hợp Mã rất nhiều, trời giận người oán, ai ai cũng muốn giết ông ta. Sau này, A Hợp Mã và thái tử Chân Kim mâu thuẫn ngày càng lớn, Chân Kim quyết định giết chết A Hợp Mã. Vào đêm ngày mùng bảy tháng ba năm 1282, Chân Kim cuối cùng đã lập kế hoạch hành thích A Hợp Mã. Sau khi A Hợp Mã chết, trong nhà ông ta tìm được hai tấm da người, những tội ác khác của ông ta cũng được phơi bày. Hốt Tất Liệt nổi giận, ra lệnh vứt xác của A Hợp Mã ra ngoài thành để dã thú ăn thịt. Không lâu sau vợ, thiếp, con cái, và cả tay chân trong bè đảng của A Hợp Mã bị giết chết, đồng thời có 714 thành viên trong bè phái cũng lần lượt bị trị tội.

    [​IMG]

    8. NGHIÊM TUNG


    Viên Thừa tướng gian nịnh thời Minh, chỉ mưu cầu lợi riêng

    Nghiêm Tung (1480-1567), tự Duy Trung, hiệu Giới Hề, còn có hiệu là Miễn Am, người Phân Nghi Giang Tây, sinh ra trong một gia đình bình thường, 25 tuổi đỗ tiến sỹ, gia nhập quan trường. Vì mang bệnh, tu dưỡng tại nhà mười năm. Năm thứ mười một Chính Đức thời Minh Vũ Tông (năm 1516) về triều phục chức, nhưng không được như ý, cho đến năm Gia Tĩnh thứ bảy thời Minh Thế Tông mới bắt đầu làm Tả Thị Lang ở bộ Lễ. Để có được chức quan cao hơn, ông ta dốc sức phò trợ cấp trên Hạ Ngôn, được Hạ Ngôn giới thiệu.

    Nghiêm Tung một bước lên mây, được phong làm Sử bộ Hữu Thị Lang, không lâu sau được thăng chức làm Nam Kinh lễ Bộ thượng thư, tiếp sau đó được làm Nam Kinh sử bộ thượng thư, leo lên được chức vụ cao. Hạ Ngôn sau khi làm Đẩu Phụ Đại Thần, liền điều Nghiêm Tung về Bắc Kinh, phong làm thượng thư bộ Lễ, làm chức quan cao.

    Nghiêm Tung lại không bằng lòng, trở mặt đặt điều nịnh bợ Thế Tông, được Thế Tông tin dùng, phong ông ta là Thái Tử Thái Bao, nâng lên chức quan nhất phẩm, đồng thời thưởng cho nhiều tiền bạc, giúp cho Nghiêm Tung đạt được mục đích vừa thăng quan vừa phát tài. Nhưng ông ta vong ân bội nghĩa, báo thù Hạ Ngôn - người đã nâng đỡ ông ta, dẫm lên xác Hạ Ngôn mà leo lên chức Thủ Phụ. Ông ta hãm hại đồng liêu, kết bè kết đảng, tham ô tham nhũng, giàu nhất nhì thiên hạ. Vây cánh bè phái và con cháu của ông ta tác oai tác quái, lộng hành triều chính. Nghiêm Tung chuyên quyền loạn chính, khiến triều Minh suy yếu, biên cương bị xâm hại, dân chúng lầm than, nhưng ông ta lại tìm người chịu tội thay mình.

    Năm Gia Tĩnh thứ bốn mốt (năm 1562), tội ác của Nghiêm Tung bị phơi bày, Thế Tông lệnh cho Nghiêm Túc bãi chức, cho về quê tu dưỡng. Con cháu và vây cánh của ông ta bị phái đến vùng biên ải. Con trai của Nghiêm Tung Nghiêm Thế Phiên và tay chân La Long Văn trên đường đi đày đã trốn về quê, chiêu nạp những kẻ lưu manh, tung hoành ở quê hương, làm rất nhiều việc ác, bị triều đình chặt đầu. Nghiêm Tung bị điều xuống làm thứ dân, gia sản bị tịch thu, người nhà và vây cánh bị trị tội. Năm Long Khánh thứ nhất (năm 1567), Nghiêm Tung 87 tuổi sống trong nghèo khổ bệnh tật, chết trong sự phỉ nhổ của mọi người. Khi ông ta chết, mộ không những không có quan tài mai táng, lại càng không có người đến hỏi thăm, cho đến những năm đầu Vạn Lịch, Trương Cư Chính chấp chính, mới dặn dò Nghi huyện lệnh mai táng cho ông ta.

    [​IMG]

    9. NGAO BÁI


    Gian thần thời Thanh, chuyên quyền tàn ác, tự tìm đến con đường diệt vong

    Ngao Bái hay Ngạo Bái là một viên tướng người Mãn Châu của nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc. Ngao Bái chính là Mãn Châu đệ nhất dũng sĩ (Ba Đồ Lỗ) dưới thời vua Khang Hi, tham gia chinh chiến từ thời Hoàng Thái Cực, Ngao Bái với sức khỏe vốn có, sự dũng cảm thiện chiến, tàn bạo đã lập không ít công lao cho người Mãn Châu cũng như nhà Thanh trong việc xâm lăng phương Nam. Dưới triều Khang Hi, ông là một trong tứ trụ đại thần quyền cao, chức trọng.

    Ngao Bái ngạo mạn khinh thường vua nhỏ, thường cáo bệnh ốm không vào triều, khiến Khang Hi phải đến tận nhà thăm hỏi. Một lần Khang Hi cùng thị vệ Hòa Thác tới thăm, thấy Ngao Bái không hề ốm yếu. Hòa Thác tới giường Ngao Bái xem, phát hiện ra dưới đệm có con dao. Ngao Bái rất lo lắng nhưng Khang Hi lại không tỏ thái độ gì, cho rằng việc mang dao bên người là tập quán bình thường của người Mãn. Do đó Ngao Bái yên tâm không bị Khang Hi nghi ngờ.

    Lấy lý do thích đánh cờ, Khang Hi triệu tập con Sách Ni là Sách Ngạch Đồ vào cung để bàn kế trừ Ngao Bái. Ông phong cho Ngao Bái làm Nhất đẳng công để Ngao Bái lơ là mất cảnh giác, mặt khác Khang Hi lấy cớ thích học võ nghệ để tuyển chọn nhiều người trong hàng ngũ con em thân vương làm thị vệ cho Ngao Bái. Sau đó, Khang Hi lấy cớ điều bớt những người vây cánh của Ngao Bái đi làm quan ở nơi xa.

    Năm 1669, khi Ngao Bái vào cung yết kiến, Khang Hi ra lệnh cho đội thị vệ thân tín bắt giữ. Ông kể tội, cách chức Ngao Bái. Vì nể công lao từng cứu sống Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực, Khang Hi tha chết và giam Ngao Bái vào ngục, và lệnh bắt những người trong cùng vây cánh Ngao Bái. Không lâu sau khi bị bắt giữ, Ngao Bái lâm bệnh chết trong ngục.

    [​IMG]

    10. HÒA THÂN


    Gian thần thời Thanh, kéo bè kết đảng, tham ô nhận hối lộ

    Hòa Thân còn có tên khác là Hòa Khôn, thuộc tộc Nữu Hỗ Lộc của Mãn Châu. Ông sinh năm 1750 (năm Càn Long thứ 15), mất ngày 22 tháng 2 năm 1799 và là một vị quan đại thần của triều Mãn Thanh thời vua Càn Long. Hòa Thân, tự Trí Trai, nguyên tên là Thiện Bảo, người của Chính Hồng kì, Mãn Châu. Xuất thân là một công tử Mãn Châu (Trung Quốc), khi 10 tuổi ông được đưa vào cung học. Thuở nhỏ, do quan hệ bất hòa với mẹ kế nên phải chịu nhiều vất vả. Khi mới gia nhập triều đình, Hòa Thân giữ chức vị thị vệ. Tuy còn trẻ nhưng Hòa Thân đã sớm có năng lực làm việc cũng như các đóng góp cho triều đình.

    Bản lĩnh lớn nhất của Hòa Thân là thu thập tiền tài. Ông ta là vị tham quan nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Sau khi Càn Long chết, Gia Khánh kế vị, Hòa Thân bị giết, gia sản bị tịch thu, kết quả khiến mọi người kinh ngạc. Nhà Thanh lúc đó đưa ra bảng danh sách, có 106 số, trong đó chỉ có 25 mục, đã có giá trị hai trăm hai mươi triệu lạng bạc trắng, gia sản có tất cả một tỷ mốt lạng bạc trắng, tương đương với thu nhập mười lăm năm của triều Thanh.

    [​IMG]

    Năm tháng trôi qua, sông Trường Giang, Hoàng Hà vẫn còn đó, nhưng dù nước sông có nhiều bao nhiêu đi nữa cũng khômg thể gột sạch tội lỗi, vết nhơ mà các đại gian thần này để lại trong lịch sử. Quả là:

    Trăm năm bia đá cũng mòn

    Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ


    TỔNG HỢP.
     
    Last edited by a moderator: 27 Tháng hai 2021
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...