Đề bài: Phân tích nhân vật Tràng trong đoạn văn sau, từ đó bình luận về tấm lòng nhân đạo của nhà văn gửi gắm trong chi tiết này: Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy. Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải. Hắn chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân. Ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng lóa xói vào hai con mắt còn cay sè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái, và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch. Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà. (Vợ nhặt – Kim Lân, Ngữ văn 12) Xem thêm: Phân Tích Đoạn Kết Truyện Vợ Nhặt – Kim Lân Cảm Nhận Về Hình Ảnh Nồi Cháo Cám Và Vẻ Đẹp Của Các Nhân Vật Trong Đoạn Văn: Bữa Cơm Ngày Đói Phân Tích Nhân Vật Bà Cụ Tứ Trong Bữa Cơm Ngày Đói Bài làm (tham khảo - ngắn gọn) Đọc truyện Nam Cao, ta từng biết đến con quỷ dữ Chí Phèo nhờ tình yêu, tình người của thị Nở mà trở nên lương thiện. Đến truyện Kim Lân, ta lại bắt gặp một anh cu Tràng nhờ nhặt được vợ mà bỗng dưng "nên người". Thế mới biết, tình yêu, tình người có sức mạnh thật kì diệu. Đoạn văn: "Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy. Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra.. hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà" trích trong truyện ngắn "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân không chỉ diễn tả thành công sự thay đổi lớn lao ở nhân vật Tràng từ khi có vợ, mà còn nói lên rất nhiều tấm lòng nhân đạo sâu sắc mà nhà văn dành cho những con người trong tận cùng của túng quẫn. Bắt đầu viết văn và có tác phẩm đăng báo từ những năm 1941-1944, Kim Lân được coi là nhà văn thành công về đề tài nông thôn với những con người bé nhỏ và cam phận, những vẻ đẹp chân quê bình dị và những phong tục tập quán độc đáo của làng quê Bắc bộ. Từng trang viết của nhà văn sinh ra từ đồng ruộng này đều như mang trong đó mùi của rơm rạ, khói bếp, lúa đồng, mùi của cuộc sống nông thôn cơ cực, nhọc nhằn.. "Vợ nhặt" được viết lên mang cái tình của Kim Lân dành cho những người nông dân nghèo khổ, lam lũ mà chất phác, yêu đời. Nhân vật chính của truyện là anh cu Tràng. Hắn là một anh chàng kéo xe thuê nghèo khổ, lại là dân ngụ cư. Gia cảnh Tràng neo đơn, nhà chỉ còn hai mẹ con nương tựa vào nhau. Hắn có ngoại hình xấu xí, thô kệch, tính tình lại có chút ngốc nghếch. Giữa những ngày đói khủng khiếp của năm Ất Dậu, hắn bỗng dưng "nhặt" được vợ chỉ qua hai lần gặp gỡ và mấy bát bánh đúc. Hắn đưa vợ về nhà trong sự ái ngại những người dân xóm ngụ cư, trong trạng thái ngạc nhiên, ngỡ ngàng của bà mẹ hắn. Đêm tân hôn của đôi vợ chồng trẻ diễn ra trong không gian đặc quánh mùi chết chóc và tiếng hờ khóc tỉ tê của những gia đình có người chết đói. Vậy nhưng, giữa không gian ảm đạm, tăm tối ấy, niềm hạnh phúc giản dị, đơn sơ vẫn len lói vút lên.. nâng đỡ những mảnh đời cơ cực. Buổi sáng đầu tiên sau khi có vợ, Tràng sung sướng đắm chìm trong men say của tình yêu, hạnh phúc . Chất men say ấy khiến cho Tràng cảm thấy "êm ái lửng lơ" như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Một cảm giác mới lạ "ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng tựa hồ như có một bàn tay vuốt nhẹ sống lưng". Tình yêu, hạnh phúc có sức mạnh thật kì diệu. Trong khoảnh khắc ngập tràn hạnh phúc ấy, hắn dường như quên tất cả, quên cả đói rét đang theo đuổi, quên cả những tháng ngày tủi cực đã qua. Hạnh phúc của Tràng khiến ta nhớ đến những vần thơ đậm chất lãng mạn của thi sĩ Xuân Diệu: "Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi/ Trong vườn thơm ngát của hồn tôi". Hạnh phúc đến quá đỗi bất ngờ nên việc có vợ đến hôm nay vẫn chưa làm cho hắn hết ngạc nhiên, hắn vẫn còn "ngỡ ngàng như không phải". Hẳn là Tràng ngạc nhiên lắm, bởi chỉ với vài câu bông đùa, và bát bánh đúc, mà hắn đã lấy được vợ - điều tưởng chừng như không thể đối với một người vừa thô kệch, vừa ngốc nghếch, lại nghèo khổ như Tràng. Tràng đã thật liều lĩnh, và ngay cô vợ Tràng cũng thế. Hai cái liều ấy gặp nhau kết tụ thành một gia đình. Ai có thể ngờ được, chuyện dựng vợ gả chồng vốn là chuyện trọng đại của cả đời con người lại đến với hắn một cách rất tình cờ, vu vơ như thế. Không chỉ ngạc nhiên vì việc mình đã có vợ, Tràng còn ngạc nhiên ngỡ ngàng trước sự đổi thay trong chính ngôi nhà của mình . Dưới bàn tay vun vén của mẹ và vợ Tràng, ngôi nhà rách nát đã trở nên gọn gàng, sạch sẽ, trở thành một mái ấm thực sự: "Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch". Tràng cũng cảm nhận được sự đổi thay kì diệu đó: "xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ" . Những cảm nhận về sự thay đổi xung quanh cho thấy Tràng đâu còn vô tâm, ngờ nghệch nữa. Hắn đã có những quan sát, nhận thức về cuộc sống, về thế giới xung quanh. Tình yêu phải chăng còn khiến cho anh dần trưởng thành? Trong Tràng còn xuất hiện những trạng thái cảm xúc vô cùng mới mẻ. Dường như đây là lần đầu tiên Tràng cảm nhận được lòng mình đang rung lên niềm xúc động chân thành, thấm thía khi chứng kiến những sinh hoạt hết sức đời thường, bình dị. Nhìn thấy hình ảnh người mẹ lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở, nghe âm thanh tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất của vợ, lòng hắn dấy lên nỗi niềm "thấm thía cảm động" . Đó là niềm xúc động của một con người vừa nhận ra hạnh phúc đâu phải là cái gì quá trừu tượng, xa xôi, hạnh phúc có ngay trong cuộc sống bình dị, thường ngày. Hạnh phúc của sự bình yên, ấm áp. Một anh Tràng mỗi ngày chỉ biết chơi đùa với lũ trẻ con, bây giờ dường như thật sự đã đổi khác, đã "lớn lên" qua những cảm nhận ấy. Cuộc sống gia đình và hạnh phúc vợ chồng đơn sơ, bình dị đã làm thay đổi nhận thức, suy nghĩ của Tràng. Từ một anh chàng ngờ nghệch, cộc cằn, Tràng đã sớm thay đổi trở thành một người con, người chồng thực sự từ khi đón nhận hạnh phúc gia đình. Những thay đổi ấy dù bất ngờ nhưng rất hợp lô gic. Tràng không còn là anh tràng ngày trước nữa mà giờ đây đã trở thành một người con có hiếu, một người chồng đầy trách nhiệm . Thấy mẹ và nàng dâu đang dọn dẹp, quét tước nhà cửa, trong lòng hắn dấy lên tình cảm yêu thương gắn bó đối với ngôi nhà – tổ ấm của mình: "Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng" . Hai chữ "lạ lùng" nói lên sự đổi thay lớn lao trong suy nghĩ của Tràng. Tình cảm với gia đình của Tràng không hề hời hợt, bâng quơ, dù lúc trước có thể là như thế, còn bây giờ đã là máu thịt, là mạch kết nối bền chặt trong Tràng. Từ nhận thức mình "đã có một gia đình", Tràng nghĩ đến những điều xa xôi hơn: "Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng" . Đó chẳng phải là khát vọng thầm kín mà vô cùng mãnh liệt trong con người tội nghiệp đó sao? Khát vọng về một mái ấm gia đình, một nơi che mưa che nắng, một tổ ấm có "vợ" và "con cái" của hắn – khát vọng đời thường giản dị mà trong cảnh đói lại trở nên thiêng liêng, cảm động biết bao. Bình thường, Tràng chẳng thể lấy nổi vợ, chẳng thể có được một tổ ẩm đơn sơ như thế. Nhưng bây giờ, cái đói đã mang đến hạnh phúc cho hắn, và tổ ấm kia là thực, chứ không phải là chuyện xa vời với hắn nữa. Vậy nên, trong lòng hắn, một lần nữa lại tràn ngập "một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột". Lần này, Tràng vui sướng, không phải vì "có vợ", mà lớn lao hơn, hắn có một "gia đình". "Không có gia đình, người đàn ông trở nên cô độc với toàn thế giới, run rẩy trong giá lạnh" - câu nói của Andre Maurois khiến ta hiểu hơn hạnh phúc mà Tràng đang chìm đắm trong men say của nó. Suy nghĩ ấy, khiến lần đầu tiên hắn thấy mình đã trưởng thành "bây giờ hắn mới thấy hắn nên người" . Nhận thức về sự trưởng thành kéo theo nhận thức về bổn phận và trách nhiệm với gia đình. Đó là quy luật tâm lí tất yếu. Tràng cũng vậy, "hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này". Có lẽ ý thức về bổn phận là phạm trù ý thức vừa mới định hình trong Tràng, từ khi hắn nhận thức được sự thiêng liêng của hai tiếng "gia đình". Hắn đã thực sự trưởng thành, trở thành người đàn ông của gia đình. Không chỉ thay đổi trong suy nghĩ, ý thức, trách nhiệm với gia đình của Tràng còn thể hiện qua hành động "hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà". Cái dáng vẻ "xăm xăm" ấy nói lên biết bao quyết tâm, sự nhiệt thành, bao tình yêu của hắn dành cho gia đình. Hành động ấy trước đây đâu phải là hành động thường nhật của hắn, đó là sự chuyển biến lớn. Chính niềm hạnh phúc được sống trong tình yêu thương, tình mẹ con vợ chồng hòa thuận đã nhen nhóm trong lòng hắn biết bao ước vọng về hạnh phúc, bao niềm tin vào cuộc sống sẽ thay đổi tốt đẹp hơn. Nếu bạn chưa có tài khoản, hãy đăng kí miễn phí tại đây để đọc tiếp nội dung ẩn nha: LINK Nội dung HOT bị ẩn: Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem Xem thêm bên dưới..
Câu hỏi phụ bài Vợ nhặt (Yêu cầu phụ) 1. Nhận xét (bình luận) về giá trị hiện thực Định hướng: Giá trị hiện thực: Nhận xét khái quát biểu hiện của giá trị hiện thực. Xây dựng tình huống nhặt vợ của nhân vật Tràng, tác phẩm "Vợ nhặt" (hoặc đoạn văn) đã phản ánh chân thực cuộc sống của nhân dân ta trước cách mạng tháng Tám - nạn đói khủng khiếp năm 1945 khiến bao người phải chịu cảnh sổ sở. Người chết như "ngả rạ", "ba, bốn cái thây nằm còng queo bên đường", người sống mặt hốc hác u tối "đi lại dật dờ như những bóng ma", "xanh xám như những bóng ma". Không gian thê lương, não nuột với những tiếng hờ khóc, tiếng quạ kêu từng hồi thê thiết. Hiện thực thê thảm ấy còn hiện lên qua mùi gây của xác người, mùi ẩm mốc của rác rưởi, mùi khét của những đống rấm. Không gian xóm ngụ cư không khác biệt nhiều với không gian nghĩa địa. Đặc biệt, không gian năm đói đã tạo thành khung cảnh nền để Kim Lân kể lại câu chuyện nhặt vợ cười ra nước mắt của Tràng. Câu chuyện bi hài được miêu tả trong truyện (đoạn văn trên) góp phần hoàn chỉnh bức tranh chân thực về tình cảnh thảm khốc của người nông dân: Vì đói quá mà chị vợ nhặt đã phải đánh đổi cả lòng tự trọng để được ăn, để theo không người đàn ông xa lạ; vì nghèo mà bà cụ Tứ phải dằn vặt bởi không lo nổi dăm ba mâm cho đám cưới của con; vì khổ mà bữa cơm mừng dâu mới chỉ toàn cháo loãng, ăn với muối và món chè khoán đắng chát thực ra chỉ là cháo cám.. 2. Nhận xét (bình luận) về giá trị nhân đạo Ví dụ: Phân tích tâm trạng nhân vật Tràng buổi sáng đầu tiên sau khi có vợ, từ đó nhận xét về tấm lòng nhân đạo của nhà văn. Định hướng: Tấm lòng nhân đạo của nhà văn: Nhận xét khái quát biểu hiện của giá trị nhân đạo. Qua nhân vật Tràng, nhà văn Kim Lân không chỉ đồng cảm sâu sắc với số phận cùng khổ của người nông dân nghèo Việt Nam trước cách mạng tháng Tám mà còn phát hiện, ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn của họ. Đó là vẻ đẹp của tình người, của khát vọng hạnh phúc. Đoạn trích đã diễn tả thành công sự đổi thay trong tâm trạng của nhân vật Tràng: Từ bất ngờ, bỡ ngỡ đến hạnh phúc tột cùng; từ ngờ nghệch, vô tâm trở thành người đàn ông trưởng thành, có trách nhiệm. Sự đổi thay ấy nói lên sức mạnh của tình yêu thương, sức mạnh của khát vọng hạnh phúc.. có thể biến những điều không thể thành có thể, biến đau khổ thành ngọt ngào. Xây dựng hình tượng nhân vật Tràng, nhà văn đã thể hiện thái độ đồng cảm, trân trọng với khát vọng hạnh phúc của con người để từ đó khẳng định: Dù trong tình huống bi thảm tới đâu, dù kề bên cái chết, con người vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hi vọng vào tương lai, vẫn muốn sống cho ra người. Đây cũng chính là chiều sâu tư tưởng nhân đạo của tác phẩm. 3. Nhận xét (bình luận) về sự chuyển biến của nhân vật người vợ nhặt (trước và sau khi làm vợ Tràng) Định hướng: Sự chuyển biến của nhân vật người vợ nhặt: Nhận xét sự thay đổi, chuyển biến của nhân vật từ trạng thái này sang trạng thái khác như thế nào? Sự chuyển biến ấy thể hiện điều gì ở nhân vật? Thể hiện tư tưởng gì của nhà văn? Tác phẩm (hoặc đoạn văn) đã miêu tả sự chuyển biến của nhân vật người vợ nhặt trước và sau khi làm vợ Tràng. Trước khi trở thành vợ Tràng, thị là một người phụ nữ ăn nói chỏng lỏn, táo bạo và liều lĩnh, chủ động làm quen và "liếc mắt cười tít" với Tràng ngay trong lần gặp dầu tiên. Thậm chí lần gặp thứ hai, thị còn "sầm sập chạy tới", "sưng sỉa nói" và lại còn "đứng cong cớn" trước mặt Tràng, chủ động đòi ăn, trơ trẽn biền đùa làm thật để theo không Tràng. Nhưng khi trở thành vợ Tràng, thị đã trở về với chính con người thật của mình là một người đàn bà hiền thục, e lệ, lễ phép, đảm đang. Thị bẽn lẽn đi cạnh Tràng, lễ phép chào hỏi mẹ chồng, thị còn dậy sớm, quét tước, dọn dẹp cho căn nhà khang trang, sạch sẽ. Đó là hình ảnh của một người vợ biết lo toan, thu vén cho cuộc sống gia đình – hình ảnh của một người vợ hiền, một cô dâu thảo. Trong bữa cơm cưới giữa ngày đói, thị tỏ ra là một phụ nữ am hiểu về thời sự khi kể cho mẹ và chồng về câu chuyện ở Bắc Giang người ta đi phá kho thóc của Nhật. Chính thị đã làm cho niềm hy vọng của mẹ và chồng thêm niềm hy vọng vào sự đổi đời trong tương lai. Miêu tả sự thay đổi của nhân vật Thị, Kim Lân đã thể hiện được sự trân trọng và niềm tin vào những phẩm chất, giá trị tốt đẹp của con người, đó là những vẻ đẹp mà nạn đói không thể nào hủy diệt được. Chính điều đó đã tạo nên ý nghĩa nhân văn sâu sắc của ngòi bút Kim Lân. 4. Nhận xét (bình luận) về vẻ đẹp của khát vọng, vẻ đẹp của tình người VD: Phân tích tình huống Tràng nhặt được vợ qua đoạn văn "Ít lâu nay.. đẩy xe bò về", từ đó bình luận về vẻ đẹp của khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và sự ấm áp của tình người. Định hướng: Vẻ đẹp của khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và sự ấm áp của tình người: Nhận xét khái quát biểu hiện của những khía cạnh này. Đoạn trích nói riêng, tác phẩm nói chung không chỉ giàu giá trị hiện thực mà còn giàu giá trị nhân đạo. Xây dựng tình huống nhặt vợ của Tràng, đoạn văn nói lên tình cảnh thê thảm của người nông dân trong cảnh đói, gián tiếp tố cáo tội ác của bọn thực dân phong kiến đã đẩy con người đến tình cảnh phải bán rẻ cả nhân phẩm để được sống. Đồng thời, nhà văn cũng thể hiện sự trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp của khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc cũng như vẻ đẹp của tình người trong nạn đói. Dưới sự thể hiện của ngòi bút giàu lòng nhân ái Kim Lân, ta thấy sự túng đói quay quắt, hoàn cảnh khốn khổ không làm con người từ bỏ lòng yêu thương, nhân hậu, không ngăn cản được con người hy vọng vào cuộc sống, hy vọng vào hạnh phúc ngày mai. Họ vẫn vượt lên trên cái chết, cái thảm đạm để sống với nhau bằng tình người đẹp đẽ, để hướng đến sự sống, hạnh phúc và ngày mai tươi sáng hơn. Phát hiện và miêu tả vẻ đẹp ấy trong tâm hồn nhân vật, Kim Lân đã đem đến cho tác phẩm tình cảm nhân đạo sâu sắc, mới mẻ. 5. Nhận xét (bình luận) về vẻ đẹp của nhân vật bà cụ Tứ VD: Phân tích diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ qua đoạn văn [..], từ đó nêu cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn nhân vật bà cụ Tứ. Định hướng: Vẻ đẹp tâm hồn nhân vật bà cụ Tứ: Nhận xét khái quát, đó là những vẻ đẹp gì? Chiều sâu tâm lí của nhân vật bà cụ Tứ đã nói lên những phẩm chất tốt đẹp của người mẹ này. Đó là tình mẫu tử cao cả, thiêng liêng, đặc biệt là lòng thương người như thể thương thân, lòng nhân hậu, vị tha và nghị lực sống phi thường. Trước hết, đó là vẻ đẹp của tấm lòng nhân hậu, bao dung. Lòng bà luôn chan chứa tình yêu thương dành cho các con, bà có những ứng xử chân thành, đầy tình nghĩa đối với cả con trai và con dâu. Người mẹ nghèo khổ ấy đã không vì cái đói, cái cực của kiếp người tha hương cầu thực mà chai sạn tâm hồn, dửng dưng, vô cảm với tình cảnh khốn cùng của người khác. Bà đã vượt qua những nghi lễ thông thường, đồng ý cho người đàn bà xa lạ làm con dâu mình và còn thấy thương xót, thấu hiểu cho hoàn cảnh của người đàn bà ấy. Chẳng những thế, người mẹ ấy dù trong mọi hoàn cảnh dù khắc nghiệt nhất, đáng buồn tủi nhất vẫn cố gắng xua tan những buồn lo để vui sống, khơi lên ngọn lửa niềm tin và hi vọng cho con cái, trở thành chỗ dựa tinh thần vững chãi cho các con. Đây chính là điều khiến ta bất ngờ nhất khi đọc truyện. Bởi trong ba nhân vật, người hi vong vào tương lai nhiều hơn cả là bà cụ Tứ. Điều ấy tưởng như trái với quy luật tâm lí người đời từng tổng kết: Tuổi trẻ hay hướng đến tương lai còn người già hay nhìn về quá khứ. Vậy mà người mẹ già lọng khọng gần đất xa trời này lại là người sống cho con và cũng hi vọng cho con. Vẻ đẹp tâm hồn của bà cụ Tứ đã thể hiện chiều sâu giá trị nhân văn của tác phẩm: Cho dù phải sống trong một tình thế hết sức bi đát, bà cụ Tứ nói riêng và những người lao động nói chung vẫn hướng đến tương lai, vẫn khát khao một mái ấm gia đình, vẫn gắn bó bao bọc lẫn nhau bằng tình thương, lòng nhân ái. 6. Nhận xét (bình luận) về nét đặc sắc trong ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật VD: Phân tích diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ qua đoạn văn [..], từ đó nêu nhận xét về nét đặc sắc trong ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật của nhà văn Kim Lân. Định hướng: Nét đặc sắc trong ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật: Nhận xét cách nhà văn miêu tả tâm lí nhân vật qua cách nhà văn miêu tả dòng tâm trạng của nhân vật một cách trực tiếp, hay gián tiếp qua ngoại cảnh, hành động, ngôn ngữ, cách nhà văn sử dụng từ ngữ, biện pháp nghệ thuật, chi tiết tiêu biểu Miêu tả diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ trong tình huống anh con trai nhặt được vợ, Kim Lân đã khẳng định biệt tài phân tích tâm lí nhân vật một cách chân thật và sâu sắc, cảm động. Ngòi bút của nhà văn đã len lỏi, lách sâu vào những nét tâm lí vô cùng đơn giản, tinh tế của người mẹ nông dân nghèo từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau khi Tràng có vợ. Nhà văn không miêu tả sự phát triển tâm lí của nhân vật theo đường thẳng, mà là những trạng thái phức tạp, gấp khúc. Ông cũng không chỉ khắc họa tâm trạng ấy thông qua hành động, lời lẽ, cử chỉ bền ngoài mà còn nhập thân vào nhân vật. Nhờ vậy, hình ảnh bà cụ Tứ hiện lên chân thực hơn, phù hợp với những nỗi niềm trắc ẩn trong chiều sâu riêng của người già từng trải và giàu tình yêu thương. 7. Nhận xét (bình luận) về nét độc đáo trong nghệ thuật xây dựng tình huống truyện VD: Phân tích đoạn văn: "Ít lâu nay.. đẩy xe bò về", từ đó nhận xét về nét độc đáo trong nghệ thuật xây dựng tình huống truyện của nhà văn Kim Lân Định hướng: Nét độc đáo trong nghệ thuật xây dựng tình huống truyện: Gọi tên tình huống, nhận xét đó là tình huống như thế nào, mang lại giá trị gì cho tác phẩm? Ai đó đã nói rằng, tình huống truyện là linh hồn của tác phẩm. Đối với nghệ thuật truyện, xây dựng được một tình huống truyện độc đáo là một trong những yếu tố then chốt tạo nên sức sống của tác phẩm ấy. Đoạn trích trên [..] dựng lên một tình huống vừa lạ, vừa éo le đã thể hiện những nét độc đáo trong ngòi bút nghệ thuật Kim Lân. Trước hết, cái tài của Kim Lân là dựng được một tình huống lạ. Hiếm có một tình huống nào lại "lạ" như tình huống nhặt vợ của anh cu Tràng. Bởi chuyện dựng vợ, gả chồng xưa nay vốn là chuyện hệ trong cuộc đời con người, vậy mà Tràng lại lấy được vợ theo kiểu nhặt. Lạ bởi Tràng lại không phải là người hào hoa, giàu có gì mà chỉ là anh phu xe nghèo, xấu, hơi ngốc vậy mà Tràng lại có người theo không. Chính vì thế mà việc Tràng có vợ đã tạo ra sự lạ lùng, ngạc nhiên với tất cả mọi người trong xóm ngụ cư, với bà cụ Tứ, thậm chí đã có những thời điểm chính Tràng cũng chẳng thể nào tin được vào điều đó. Không chỉ dựng được tình huống lạ, Kim Lân còn tạo cho tình huống ấy những khía cạnh éo le, bất ngờ. Éo le bởi giữa lúc đói khát, nuôi thân còn chẳng xong vậy mà Tràng lại dám "đèo bòng", "rước cái của nợ đời ấy về". Có vợ, nhưng chen vào hạnh phúc là nỗi lo chạy trốn cái đói, nỗi lo níu kéo sự sống. Chính vì tình huống éo le này mà mọi người không biết nên buồn hay nên vui, hạnh phúc hay đau khổ.. Dựng lên tình huống nhặt vợ độc đáo của nhân vật, Kim Lân đã nói lên được rất nhiều những vấn đề tư tưởng sâu sắc của tác phẩm, cũng như miêu tả rõ nét hơn chiều sâu tâm lí và vẻ đẹp tâm hồn nhân vật.
Thán phục ai đã dành thời gian ra để làm một bài văn hoàn chỉnh và hoàn hảo như thế này. Luận điểm phân tích đầy đủ rõ ràng, bonus thêm cả cách giải quyết các câu hỏi phụ liên quan đến tác phẩm. Thực sự cảm ơn tác giả bài viết đã giúp cho bao nhiêu học sinh thoát khỏi đầm lầy thiếu ý
Cảm ơn em nhé! Bài này chị viết trước hết vì mục đích cho học sinh của lớp chị dạy tham khảo. Sau vô tình gặp được diễn đàn phù hợp nên đăng công khai luôn. Chắc cũng phù hợp với nhiều học sinh nên lượt tìm từ google khá nhiều, và cũng bị copy đi các trang web khác quá nhiều.