Tiểu luận Yếu tố lỗi trong xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Gill, 13 Tháng hai 2022.

  1. Gill

    Bài viết:
    6,256
    Đề tài: Yếu tố lỗi trong xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015

    MÔN: LUẬT DÂN SỰ

    ĐẠI HỌC KIẾM SÁT HÀ NỘI

    A. MỞ ĐẦU

    Hiện nay, những vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng xảy ra nhiều và ngày càng phức tạp hơn. Vì thế pháp luật dân sự Việt Nam cũng đã hoàn thiện, qua đó đưa ra các chế tài giải quyết cho phù hợp đảm bảo quyền lợi cho các bên khi xảy ra trường hợp vi phạm gây thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuỳ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng như các vụ việc xảy ra trên thực tế mà những quy định về chế định đã có sự thay đổi phù hợp.

    Lỗi là một trong những yếu tố có vai trò quan trọng trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Bộ Luật dân sự 2015 có quy định mới về lỗi so với Bộ luật dân sự 2005. Qua những thay đổi đó, chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có sự thay đổi như thế nào về lý luận và trên thực tiễn. Vì thế, em xin chọn đề số 22: "Yếu tố lỗi trong xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015" để hoàn thiện bài tiểu luận của mình.


    B. NỘI DUNG

    I. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

    1. Khái niệm


    Bộ luật dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau: "Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác" (Khoản 1 Điều 584). Có thể hiểu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm dân sự theo đó, người vi phạm nghĩa vụ pháp lý gây tổn hại cho người khác phải bồi thường những tổn thất mà mình gây ra mà giữa người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại và người bị thiệt hại không có việc giao kết hợp đồng hoặc có hợp đồng nhưng hành vi gây thiệt hại không thuộc hành vi thực hiện hợp đồng.

    2. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

    Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

    "1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

    2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

    3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này."

    Từ quy định trên, ta có thể rút ra các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng sau:

    Thứ nhất, có thiệt hại xảy ra. Xét về trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có sự thiệt hại về tài sản (thiệt hại về tư liệu sẩn xuất, thiệt hại về vật nuôi cây trồng), thiệt hại về tính mạng, quyền nhân thân bị xâm phạm. Thiệt hại có thể được hiểu là sự giảm bớt những lợi ích vật chất và phi vật chất của một chủ thể xác định được trên thực tế bằng một khoản tiền cụ thể. Việc xác định thiệt đúng thiệt hại là việc quan trọng và cần thiết trong việc xác định trách nhiệm bồi thường và phạm vi bồi thường thiệt hại.

    Thứ hai, hành vi gây thiệt hại được xác định là hành vi trái pháp luật. Trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, hành vi trái pháp luật ở đây là việc chủ thể gây thiệt hại thực hiện hành vi mà pháp luật cấm. Nó có thể thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Hành động gây thiệt hại của chủ thể có thể là tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến đối tượng. Có những hành vi mặc dù gây thiệt hại nhưng hành vi đó không bị coi là trái pháp luật thì không phải bồi thường thiệt hại như: Do yêu cầu của nghề nghiệp phải gây thiệt hại, phòng vệ chính đáng, do sự kiện bất ngờ, quyết định của Tòa án..

    Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra. Theo đó, thiệt hại xảy ra là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật gây ra và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại. Như vậy, nguyên nhân bao giờ cũng làm phát sinh một hoặc nhiều kết quả.

    Khác với Bộ luật dân sự 2005, Bộ luật dân sự 2015 không đề cập đến yếu tố lỗi trong căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Hiện nay có hai quan điểm về vấn đề này.

    - Quan điểm thứ nhất, lỗi của người gây thiệt hại vẫn là một trong những điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

    - Quan điểm thứ hai, lỗi của người gây thiệt hại không phải là một trong những điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

    Trong bài này, tôi triển khai bài viết theo quan điểm thứ hai. Vì theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 việc không đề cập yếu tố lỗi là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nhằm không đặt nặng trách nhiệm chứng minh lỗi lên người bị thiệt hại. Yếu tố lỗi là căn cứ để xác định mức bồi thường của người gây thiệt hại.


    3. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

    Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 585 Bộ luật dân sự 2015, theo đó việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo các nguyên tắc sau.

    Thứ nhất, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Người có hành vi gây thiệt hại phải bồi thường tất cả thiệt hại do hành vi trái pháp luật của mình gây ra, mà không được giảm mức bồi thường. Thiệt hại thực tế là những thiệt hại xảy ra và tồn tại khách quan, thiệt hại phải được xác định trên thực tế. Việc bồi thường thiệt hại phải được thực hiện kịp thời nhằm khôi phục thiệt hại cho bên bị thiệt hại. Tuy nhiên, trên thực tế có những thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế hiện tại của người gây ra thiệt hại không thể thực hiện bồi thường toàn bộ tại một thời điểm, mà cần phải có thời gian để thực hiện việc bồi thường thiệt hại, vấn đề này có thể căn cứ vào thu nhập của người gây thiệt hại. Vì vậy việc áp dụng nguyên tắc này cần phải phù hợp với thực tế.

    Thứ hai, bồi thường thấp hơn thiệt hại. Người gây thiệt hại trong trường hợp không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình thì có thể được giảm mức bồi thường thiệt hại. Việc giảm mức bồi thường thiệt hại được giảm một phần do tòa án xác định, vì thế việc giảm mức bồi thường này không dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại mà phải theo quyết định của Tòa án. Nguyên tắc này không áp dụng đối với người gây thiệt hại với lỗi cố ý.

    Thứ ba, thay đổi mức bồi thường thiệt hại. Theo đó, trong trường hợp mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế (không còn phù hợp với thực tế có thể là do có sự thay đổi về tình hình kinh tế, xã hội, sự biến động về giá cả mà mức bồi thường đang được thực hiện không còn phù hợp trong điều kiện đó hoặc do có sự thay đổi về tình trạng thương tật, khả năng lao động của người bị thiệt hại cho nên mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với sự thay đổi đó hoặc do có sự thay đổi về khả năng kinh tế của người gây thiệt hại) thì khi đó một trong các bên có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường. Trường hợp có yêu cầu thay đổi mức bồi thường thiệt hại từ các bên liên quan thì Tòa án phải xác định lại mức bồi thường thiệt hại một cách đúng đắn, hợp lý nhất.

    - Bên bị thiệt hại có căn cứ chứng minh rằng mức thiệt hại trên thực tế của mình là lớn hơn so với mức mà bên gây thiệt hại bồi thường mà Tòa án đã tuyên.

    - Bên gây thiệt hại có căn cứ chứng minh rằng mức bồi thường thiệt hại của mình cho bên bị thiệt hại là lớn hơn thiệt hại thực tế do mình gây ra cho bên bị thiệt hại mà Tòa án đã tuyên.

    Thứ tư, khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Nguyên tắc này áp dụng trong trường hợp bên gây thiệt hại và bên bị thiệt đều có lỗi đối với một thiệt hại cụ thể. Theo lẽ công bằng thì gây thiệt hại đến đâu thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đến đó, nhưng trong nhiều trường hợp bên bị thiệt hại lại là bên có phần lỗi do mình gây ra dẫn đến thiệt hại. Trong trường hợp này, theo nguyên tắc trên thì bên bị thiệt hại sẽ không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra, bên gây thiệt hại chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình.

    Cuối cùng, bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình. Trong thực tế nguyên tắc trên thường được sử dụng trong trường hợp liên quan đến nhà cửa, các công trình xây dựng, súc vật, cây cối, nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Nguyên tắc này căn cứ vào ý thức chủ động của người trước khi bị gây thiệt hại nhưng người này không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại thì không được bồi thường.
     
  2. Gill

    Bài viết:
    6,256
    II. Yếu tố lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

    Bấm để xem
    Đóng lại
    1. Xác định lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

    1.1 Quy định Bộ luật dân sự 2015 về lỗi


    Lỗi là thái độ tâm lý của một người đối với hành vi của mình và hậu quả do hành vi đó mang lại. Trong Bộ luật dân sự, lỗi bao gồm lỗi cố ý về lỗi vô ý.

    Lỗi cố ý là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra. Ví dụ: Vì mâu thuẫn với bà B nên ông A dùng đá ném vỡ cửa kính nhà bà B.

    Lỗi vô ý là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được. Ví dụ: A quên khóa phanh tay xe ôtô khi rời khỏi xe nên xe ôtô lao xuống dốc làm vỡ tường nhà ông B.

    Để phân biệt lỗi của một người là lỗi cố ý hay lỗi vô ý ta cần xem xét hai điểm sau. Về lý trí, ở lỗi cố ý thì người gây thiệt hại nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác và thấy trước hậu quả xảy ra. Còn ở lỗi vô ý, người gây thiệt hại thấy trước hành vi của mình có thể gây thiệt hại nhưng có căn cứ cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra, có thể ngăn ngừa được hoặc không thấy trước thiệt hại xảy ra dù phải biết trước, có thể biết trước. Về ý chí, người gây thiệt hại mong muốn hậu quả thiệt hại xảy ra ở lỗi cố ý hoặc dù không mong muốn nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra. Trong khi đó, ở lỗi vô ý thì người gây thiệt hại hoàn toàn không mong muốn hậu quả xảy ra.

    Việc xác định lỗi là vô ý hay vô ý trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có ý nghĩa trong việc giảm mức bồi thường thiệt hại và cũng có thể là căn cứ miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.


    1.2 Lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

    Như đã đề cập ở phần II. 2, lỗi không phải là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với chủ thể gây thiệt hại. Để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo pháp luật dân sự Việt Nam là lỗi suy đoán. Người gây thiệt hại luôn được suy đoán là có lỗi. Người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường khi xác định được hành vi gây thiệt hại cho mình mà không đặt nặng trách nhiệm phải chứng minh lỗi của người gây thiệt hại. Yếu tố lỗi được chứng minh nhằm xác định mức bồi thường cho người bị thiệt hại. Mặc khác, khi chứng minh hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật thì đã xác định được yếu tố lỗi.

    Một số trường hợp phải bồi thường thiệt hại mặc dù không có lỗi như bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, do làm ô nhiễm môi trường, do súc vật gây ra.. Trong trường hợp thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường khi thiệt hại dù không có lỗi. Đối với việc làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì chủ thể phải bồi thường dù có lỗi hay không. Thiệt hại do súc vật ra còn được xem là thiệt hại do tài sản gây ra, chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra trừ trường hợp khác theo luật định.

    Bên cạnh đó trong một số trường hợp mặc dù có hành vi gây thiệt hại nhưng không xem là lỗi:

    - Trong trường hợp phòng vệ chính đáng thì người gây thiệt hại không phải bổi thường. Hành vi gây thiệt hại không xem là lỗi vì hành vi này là cần thiết để bảo vệ lợi ích của chủ thể hay lợi ích xã hội. Việc phòng vệ này phải nằm trong một giới hạn nhất định.

    - Hoàn cảnh gây thiệt hại của một người trong tình thế cấp thiết mà không vượt quá yêu cầu tình thế cấp thiết mà không vượt quá yêu cầu tình thế đó thì người gây thiệt hại đó không phải bồi thường thiệt hại.

    - Đối với người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị người khác cố ý ép dùng chất kích thích làm mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, khi họ có hành vi gây thiệt hại thì không bị coi là có lỗi. Lỗi trong trường hợp này được suy đoán là lỗi của người quản lý, người cố ý ép dùng chất kích thích.
     
  3. Gill

    Bài viết:
    6,256
    2. Vai trò của yếu tố lỗi đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

    Bấm để xem
    Đóng lại
    2.1 Là căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại

    Tại Khoản 2 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

    "Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác."

    Theo đó, trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không có trách nhiệm phải bồi thường. Việc xác định lỗi trong trường hợp này giúp người gây thiệt hại bảo vệ quyền lợi của mình, không phải chịu trách nhiệm khi sự việc xảy ra hoàn toàn không phải lỗi của bản thân mà là do người khác.

    Ngoài ra, người gây thiệt hại không phải bồi thường phần thiệt hại do lỗi do người bị thiệt hại gây ra. Điều này được quy định tại Khoản 4 Điều 585 Bộ luật dân sự 2015 như sau "Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra"

    Ví dụ: A điều khiển xe ôtô tham gia giao thông theo đúng quy định pháp luật. Đến ngã tư, trong lúc di chuyển theo tín hiệu đèn xanh thì A bị B điều khiển xe máy vượt đèn đỏ đâm vào. Hậu quả là xe máy B bị hỏng và B bị trầy xước nhẹ. Trong trường hợp này, mặc dù thiệt hại do tai nạn giao thông giữa A và B nhưng A không phải bồi thường thiệt hại cho B vì lỗi ở đây hoàn toàn thuộc về B.


    2.2 Là căn cứ giảm mức bồi thường thiệt hại

    Tại Khoản 2 Điều 585 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:

    "Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình."

    Theo quy định trên, trong những trường hợp nhất định thì lỗi trở thành căn cứ giảm mức bồi thường thiệt hại cho chủ thể gây thiệt hại.

    Trường hợp thứ nhất, người gây thiệt hại không có lỗi. Trường hợp này xảy ra chủ yếu với thiệt hại do tài sản gây ra. Như đã đề cập ở trên, chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra dù có lỗi hay không. Ngoài ra, các trường hợp bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường, thiệt nguồn nguy hiểm cao độ gây ra mà chủ sở hữu không có lỗi cũng được giảm mức bồi thường thiệt hại. Ví dụ như vì gió lớn nên cây dừa nhà ông A ngã làm đổ tường nhà hàng xóm là ông B, trong tình huống này thì ông A được giảm mức bồi thường thiệt hại vì không có lỗi.

    Trường hợp thứ hai, người gây thiệt hại có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng của mình. Để được giảm mức bồi thường trong trường hợp này, người gây thiệt hại phải đáp ứng hai điều kiện:

    - Người gây thiệt hại có lỗi vô ý

    - Thiệt hại thực tế xảy ra là quá lớn so với khả năng bồi thường của chủ thể gây thiệt hại

    Ví dụ: Nhà anh C được chính quyền địa phương công nhận là hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Trong lúc chặt cây, anh vô tình để cây ngã làm hỏng xe ôtô của ông D có giá 2 tỷ đồng. Trong tình huống này anh C sẽ được giảm mức bồi thường thiệt hại cho ông D.


    2.3 Xác định trách nhiệm liên đới bồi thường

    Trong trường hợp nhiều người cùng có lỗi gây ra thiệt hại thì họ có trách nhiệm liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Vậy mỗi người có trách nhiệm bồi thường như thế nào? Theo Điều 587 Bộ luật dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra:

    "Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau."

    Như vậy, tuỳ theo mức độ lỗi của từng người mà mức bồi thường thiệt hại là khác nhau. Qua xem xét lỗi của từng người mà Tòa án đưa ra mức bồi thường tương ứng đối người gây thiệt hại. Quy định này đảm bảo cho người gây thiệt hại chỉ phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại tương ứng cho mình có lỗi gây ra. Ví dụ: vì thù ghét ông A nên B và C rủ nhau đi phá vườn thanh long của ông A. Sau đó ít hôm, B cùng C cầm rựa lẻn vào vườn chặt gốc cây để thanh long chết, B chặt 20 gốc còn C chặt 5 gốc. Trong trường hợp này, B và C có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại là 25 cây thanh long cho ông A. B phải bồi thường cho 20 cây thanh long trong khị C chỉ phải bồi thường cho 5 gốc.

    Ngoài ra, Bộ luật dân sự 2015 quy định một số trường hợp mà yếu tố lỗi là căn cứ làm phát sinh trách nhiệm liên đới bồi thường mặc dù không có lỗi trực tiếp gây nên thiệt hại:

    - Theo quy định Luật dân sự, người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại thì người có trách nhiệm bồi thường. Chủ sở hữu, người chiếm giữ, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải liên đới bồi thường chỉ khi có lỗi dẫn đến việc tài sản bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật. Nếu không có lỗi này thì không phải có trách nhiệm liên đới bồi thường.

    - Tương tự như vậy, khi chủ sở hữu. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật mà có lỗi dẫn đến súc vật bị chiểm hữu, sử dụng trái pháp luật có trách nhiệm liên đới bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra.

    - Trong trường hợp thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra thì có thể người thi công phải liên đới bồi thường thiệt hại với người chủ sở hữu, quản lý. Đối với thiệt hại này, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác luôn là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại dù có lỗi hay không. Nếu người thi công có lỗi dẫn đến thiệt hại thì phải liên đới bồi thường. Từ đó cho thấy, không phải lúc nào người thi công đều có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với thiệt hại do nhà cửa, công trình gây ra.

    Như vậy, đối với thiệt hại do nhiều người cùng gây ra và trong một số trường hợp nhất định thì việc xác định lỗi dẫn đến thiệt hại là điều cần thiết. Yếu tố lỗi đóng vai trò là có thể đóng vai trò là căn cứ phát sinh trách nhiệm liên đới bồi thường và xác định mức bồi thường tương ứng với từng người.
     
  4. Gill

    Bài viết:
    6,256
    III. Một số trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng xảy ra trên thực tế và nhận xét về yếu tố lỗi

    1. Một số bản án về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng


    Bấm để xem
    Đóng lại
    1.1 Bản án số 19/2020/DS -ST ngày 15/4/2020 của TAND huyện Phú Xuyên - Thành phố Hà Nội (bản án 1)

    Nguyên đơn là chị Cao Thị Y khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.

    Nội dung: Khoảng 08 giờ ngày 02/4/2018, anh Nguyễn Thành L, sinh năm 1988, ở thôn Giẽ Hạ, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội đến quán karaoke của anh Tạ Tiến Th, sinh năm 1989, ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội để hát. Sau đó đã xảy ra cháy quán karaoke dẫn đến anh Long bị bỏng nặng và đã chết. Sau khi sự việc xảy ra cơ quan Công an huyện Phú Xuyên đã điều tra và ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự, không khởi tố bị can đối với anh Tạ Văn Thuật, với căn cứ không có dấu hiệu của tội phạm.

    Kết quả giám định, nguyên nhân cháy là do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện làm cháy lớp vỏ cách điện sau đó cháy lan ra xung quanh dẫn đến vụ cháy nói trên. Và nguyên nhân cái chết của anh L là do sốc nhiễm khuẩn trên nạn nhân bị bỏng.

    Tòa án nhận định: Xét về chủ cơ sở kinh doanh karaoke (anh Tạ Tiến Th) chưa thực hiện đầy đủ trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy; chưa được Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Thành phố Hà Nội kiểm tra và cấp biên bản xác nhận điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, hơn nữa không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn chòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh. Nên nh Thuật phải chịu trách nhiệm chính trong vụ cháy xảy ra, gây thiệt hại đến tính mạng anh Nguyễn Thành L, vì vậy anh Thuật phải có trách nhiệm bồi thường cho anh Nguyễn Thành Long, với tỷ lệ lỗi 70%. Song phía anh Nguyễn Thành L đã tự ý vào quán hát karaoke của anh Tạ Tiến Th, tự ý sử dụng thiết bị điện (mở loa để nghe nhạc) khi chưa có sự đồng ý của anh Thuật, nên anh L cũng phải chịu một phần lỗi, với tỷ lệ lỗi 30%.

    Từ những nhận định trên, Tòa án quyết định anh Th phải bồi thường cho gia đình chị Y 70% số tiền mà thực tế anh phải bồi thường.

    Qua bản án trên, ta có thể thấy yếu tố lỗi đóng vai trò là căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho anh Th. Anh Th là chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường khi có thiệt hại xảy ra. Mặc khác Th có lỗi trong việc không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn đối với hệ thống điện mà lại đưa sử dụng. Tuy nhiên, Anh L cũng có lỗi trong sự việc này, cụ thể là anh đã tự ý sử dụng quán karaoke mà không có sự đồng ý của anh Th. Cho nên Anh Th không phải bồi thường phần thiệt hại do lỗi của anh L gây ra. Vì vậy bản án quyết định anh Th chỉ phải bồi thường 70% thiệt hại xảy ra.


    1.2 Bản án số 06/2018/DS-ST ngày 30/5/2018 của TAND huyện Bến Cầu - tỉnh Tây Ninh (bản án 2)

    Nội dung: Vào khoảng 6 giờ 30 phút ngày 01-6-2017, trên đường anh K lùa 07 con trâu từ ấp L, xã T đi vào hướng khu vực Cây Me ra đồng ăn cỏ. Trâu anh K đi đến trụ điện số 8 của nhà ông Trần Văn X thuộc ấp L, xã T, huyện B, tỉnh Tây Ninh, thì bị điện giật chết. Sau khi hòa giải không thành, anh K khởi kiện ra Tòa yêu cầu ông X phải bồi thường thiệt hại cho mình.

    Nhận định của Tòa án: Vì trước ngày xảy ra sự việc có sự thay đổi thời tiết, mưa gió dẫn đến đường dây điện bị rõ rỉ và ông X không biết việc này. Cho nên ông X chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Xét về phía anh K, thì anh K chăn thả trâu từ nhà đến đồng cỏ, nhưng không có dây cột trâu, dẫn dắt trâu trên đường đi, để trâu đi vào đất ruộng và bị điện giật chết. Do đó, anh K có cũng có lỗi dẫn đến tài sản bị thiệt hại, nên cả hai bên phải chịu mỗi người một nữa.

    Ta có thể thấy, trong vụ việc trên dù ông X không có lỗi làm con trâu của anh K chết nhưng ông vẫn phải bồi thường vì thiệt hại trên do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra mà ông là chủ sở hữu. Và trong sự việc này, anh K cũng có lỗi cho nên không được bồi thường phần thiệt hại do mình có lỗi gây ra (Tòa nhận định anh K chịu 50% lỗi).


    1.3 Bản án số 32/2018/DS-ST ngày 29/6/2018 của TAND Tp. Buôn Ma Thuộc - tỉnh Đắk Lắk (bản án 3)

    Nội dung: Ngày 12/8/2017 anh Phạm Tuấn M đang điều khiển xe mô tô đến đoạn giao nhau giữa đường N và đường T thì xảy ra va chạm với xe mô tô do anh Hoàng Xuân Th điều khiển. Nguyên nhân vụ tai nạn do anh Th chuyển hướng không nhường đường cho anh M. Sau khi tai nạn xảy ra, anh M bị thương tích 10%, xe mô tô của anh M bị hư hỏng. Anh M khởi kiện yêu cầu anh Th và bà C (chủ sở hữu xe mô tô do anh Th điều khiển) bồi thường thiệt hại cho mình.

    Nhận định của Tòa án: Từ kết quả điều tra, Tòa án xác định lỗi của các bên liên quan:

    Anh Th chuyển hướng không nhường đường cho xe đi ngược chiều gây tai nạn giao thông, không có giấy phép lái xe.

    Bà C là người đứng tên chủ sở hữu xe môtô có lỗi là để xe cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông.

    Vì vậy, anh Th và bà C phải liên đới bồi thường thiệt hại cho anh M.

    Trong bản án trên, anh Th điều khiển xe môtô do bà C đứng tên chủ sở hữu là người trực tiếp có lỗi dẫn đến thiệt hại cho anh M nên phải bồi thường. Bà C mặc dù không có lỗi trực tiếp gây thiệt hại cho anh M nhưng bà lỗi trong việc để anh Th sử dụng xe của mình gây thiệt hại nên có trách nhiệm liên đới bồi thường. Như vậy, trong trường hợp bà C quản lý xe môtô kĩ lưỡng nhưng bị anh Th sử dụng trái với mong muốn thì bà không phải liên đới bồi thường thiệt hại cho anh M. Qua đó cho thấy việc xác định yếu tố lỗi trong trường hợp trên là rất cần thiết, đóng vai trò là căn cứ để xác định trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại của bà C.
     
  5. Gill

    Bài viết:
    6,256
    2. Nhận xét về yếu tố lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Có thể thấy, yếu tố lỗi đóng vai trò quan trọng trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trong xét xử luôn xem xét đến lỗi của người gây thiệt hại và cả người bị thiệt hại. Bởi yếu tố lỗi có ảnh hưởng đến mức bồi thường thiệt hại của người gây thiệt hại. Như ở bản án 1 và bản án 2, người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây ra thiệt hại nên không được bồi thường phần thiệt hại. Ở bản án 1 thì người bị thiệt hại chịu 30% lỗi và bản án thứ 2 người bị thiệt hại chịu đến 50% lỗi. Từ đó cho thấy tuỳ trường hợp mà yếu tố lỗi có ảnh hưởng lớn đến mức bồi thường thiệt hại, việc xác định lỗi của cả hai bên nhằm xác định mức bồi thường tương ứng với lỗi của người gây thiệt hại. Và trong bản án 3, việc xác định bà C có lỗi không quản lý tốt tài sản không có ý nghĩa là căn cứ xác định trách nhiệm liên đới bồi thường của bà. Như vậy, dù không phải là căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nhưng việc xác định lỗi của các bên trong vụ việc vẫn rất cần thiết.

    Tuy nhiên, trên thực tế có một số trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng lại bỏ qua yếu tố lỗi của người bị thiệt hại hay thậm chí ngay từ quá trình điều tra áp dụng ý chí chủ quan chỉ tập trung vào lỗi của người gây thiệt hại mà không quan tâm đến lỗi người bị thiệt hại. Điều này gây ra những bất cập trong xét xử, mất thời gian, công sức cũng như tiền bạc trong việc kiện cáo của cả người bị thiệt hại và người gây thiệt hại.

    Do tính chất phức tạp ngày càng tăng của các tình huống xảy ra trên thực tế, cũng như những bất cập chưa giải quyết thỏa đáng cho người dân nên có thể đưa ra một số kiến nghị, giải pháp sau:

    Thứ nhất, tăng cường đạo tạo, bồi dưỡng đội ngũ cơ quan có thẩm quyền tố tụng nhằm nâng cao kiến thức, trao dồi nghiệp vụ. Loại bỏ ý chí chủ quan của người tiến hành tố tụng cho rằng quan điểm của mình là đúng và cố chứng minh vụ việc theo hướng áp đặt. Qua đó đảm bảo được tính công minh, trách nhiệm, đúng đắn trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

    Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục mọi người nhằm hạn chế, ngăn chặn những nguyên nhân làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Đồng thời nâng cao kiến thức pháp luật của người dân, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đánh của họ một cách tốt nhất.
     
  6. Gill

    Bài viết:
    6,256
    C. KẾT LUẬN

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Qua phân tích trên có thể thấy, mặc dù lỗi không phải là một trong những điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc xác định mức bồi thường thiệt hại. Đồng thời việc nhìn nhận một cách khách quan về lỗi của cả hai bên khi xảy ra thiệt hại là điều cần thiết. Thông qua tìm hiểu về lỗi, giúp ta hiểu chính xác và toàn diện về bản chất của yếu tố lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, đề bảo vệ tốt quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại cũng như người gây thiệt hại.

    DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

    Bấm để xem
    Đóng lại
    1. Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Giáo trình Luật dân sự Việt Nam (Tập 2), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017;

    2. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật dân sự Việt Nam (Tập II), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2019;

    3. Bộ Luật dân sự 2015;

    4. PGS. TS. Đỗ Văn Đại, Luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Việt Nam Bản án và Bình luận bản án, Nxb. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, Hà Nội, 2016.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...