6. SÓNG HẠ ÂM TẠO NÊN SỰ HUYỀN BÍ TRONG CÁC NGÔI NHÀ MA Bấm để xem "Những ngọn nến phụt tắt, cảm giác ma quái và ớn lạnh sống lưng có thể không phải là sự hiển hiện của những bóng ma, mà được gợi nên bởi một loại âm thanh có tần số cực thấp mà con người không nghe thấy, các nhà khoa học Anh tuyên bố. "Thường thì bạn không thể nghe thấy loại âm thanh này", tiến sĩ Richard Lord, một chuyên gia về âm học tại Phòng thí nghiệm Vật lý Quốc gia Anh, đã cho biết. Trong một thí nghiệm, Lord và cộng sự đã tạo nên sóng hạ âm bằng một chiếc ống dài 7 m và thử nghiệm phản ứng của nó lên 750 người ngồi trong một phòng hoà nhạc ở London. Các thính giả được nghe 4 bản nhạc (một số trong đó có lồng thêm sóng hạ âm) và được yêu cầu mô tả lại cảm giác của họ. Những người này không biết bản nhạc nào có cộng hưởng thêm sóng hạ âm, nhưng 22% cho biết họ đã trải qua những cảm giác khác lạ như lo lắng bứt rứt, buồn bã, ớn lạnh xương sống, hồi hộp, khiếp sợ hay hoảng hốt. "Kết quả này chứng tỏ âm thanh có tần số thấp có thể khiến con người có những trải nghiệm bất thường, dù họ không phát hiện ra đó là do hạ âm", Richard Wiseman, giáo sư tâm lý học tại Đại học Hertfordshire, thành viên của nhóm nghiên cứu, đã cho biết như vậy trong hội thảo mới đây của Hiệp hội Khoa học Anh. Phát hiện này đã ủng hộ một giả thuyết phổ biến lâu nay về mối liên quan giữa hạ âm và những cảm giác kỳ lạ. "Một số nhà khoa học từng phỏng đoán rằng loại âm thanh này có thể xuất hiện ở một số khu vực bị coi là có ma ám và vì thế, nó khiến người ta cảm giác kỳ lạ mà họ tưởng tượng ra là có ma. Phát hiện của chúng tôi đã xác nhận điều đó". Wiseman nói. Cũng theo các nhà nghiên cứu, sóng hạ âm còn có thể phát sinh từ những hiện tượng tự nhiên, như trong các cơ bão, gió mùa, những kiểu thời tiết đặc biệt và đôi khi là các dạng động đất. Nhiều loài động vật như voi cũng sử dụng loại sóng này để giao tiếp qua những khoảng cách lớn hay làm vũ khí để đánh đuổi kẻ thù.
7. LỐC XOÁY – HIỆN TƯỢNG THIÊN NHIÊN BÍ ẨN Bấm để xem Mùa lốc xoáy đã bắt đầu ở Mỹ và sẽ lên cao trào vào cuối tháng 5. Dù hiện tượng tự nhiên nguy hiểm xảy ra liên tục và thỉnh thoảng gây chết người nhưng nó vẫn là một bí ẩn đối với các nhà khoa học. * Năng lượng Các chuyên gia khí tượng cho biết lốc xoáy là một trong những loại bão mạnh nhất của tự nhiên do bão sấm sinh ra. Đó là một cột khí cực mạnh, trải dài từ một cơn bão sấm xuống mặt đất. Tuy nhiên, họ chưa rõ thời điểm hoặc các điều kiện mà một cơn bão sấm cần có để sinh ra lốc xoáy. Roger Edwards, nhà khí tượng thuộc Trung tâm báo Bão thuộc Cục Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), cho biết: "Phần lớn các cơn bão không sinh ra lốc xoáy. Phải có nhiều giai đoạn và tác động dây chuyền xảy ra trong khí quyển để bão sấm sinh ra lốc xoáy". CấpSức gióMức độ tàn pháF0< 116 km/gThiệt hại nhẹF1117-180 km/gThiệt hại trung bìnhF2253 km/gThiệt hại lớnF3> 322 km/gThiệt hại nghiêm trọngF4, F5333 - 512 km/gSức phá hủy ghê gớmF6> 513 km/gBị nghi ngờ Lốc xoáy xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và cũng xảy ra nhiều nơi trên nước Mỹ. Tuy nhiên, một số điều kiện thời tiết đặc biệt thường tạo ra chúng ở vùng Alley Tornado. Vùng Alley Tornado ở Mỹ trải dài về phía Nam từ Dakota tới Gulf Coast, phía Tây tiếp giáp với dãy núi Rocky và phía Đông giáp với dãy Appalachian. Trong khu vực này, không khí khô bốc lên từ dãy Rocky gặp không khí ấm và ẩm từ vịnh Mexico cũng như không khí lạnh Bắc Cực tràn xuống từ miền Bắc. Sự kết hợp giữa không khí nóng và lạnh, ẩm và khô đã cung cấp năng lượng thô cho các cơn bão sấm và lốc xoáy. * Điều tra Các nhà khoa học mới chỉ bắt đầu thu thập dữ liệu về lốc xoáy trong vòng vài chục năm qua. Theo nhà khí tượng Greg Forbes, ít nhất 80% lốc xoáy xảy ra trước năm 1950 không được ghi nhận. Ngày nay, một số lốc xoáy yếu cũng không được dò hoặc thông báo. Số lốc xoáy được thông báo tăng từ khoảng 600/năm vào cuối những năm 1950 lên khoảng 1.200/năm hiện nay. Đa số những cơn lốc xoáy này không gây thiệt hại lớn, chỉ khoảng 5% đủ mạnh có thể san bằng các toà nhà và thỉnh thoảng làm chết người. Thu thập thông tin về lốc xoáy cũng giống như việc ghi lại thói quen của một mãnh thú vài giây trước khi nó tấn công vậy. Không giống một cơn bão mạnh cấp 8 (hurricane), lốc xoáy thường nhỏ, kéo dài trong một thời gian ngắn và di chuyển nhanh. Điều đó có nghĩa là các nhà nghiên cứu lốc xoáy phải đuổi theo các cơn bão sấm mà họ hy vọng có thể sinh ra lốc xoáy. Khi bão sinh ra lốc xoáy, họ phải thu thập dữ liệu, chú ý tới phễu lốc trong khi những người khác thì tìm đường thoát gần nhất. Một số cải tiến gần đây trong việc rượt đuổi lốc xoáy đã cung cấp cho các nhà khí tượng nhiều thông tin mới. Các nhà nghiên cứu thuộc NOAA đã sử dụng những chiếc xe tải chất đầy dụng cụ đuổi theo lốc xoáy và thu thập dữ liệu. Nhà khoa học Tim Samaras ở Denver, Colorado, đã thiết kế một phương tiện thăm dò chứa nhiều máy cảm biến để thu thập thông tin lốc xoáy. Nó có thể chịu được tác động trực tiếp từ một cơn lốc xoáy trên thực địa. Vào tháng 6/2003, Samaras và đồng nghiệp của ông đã tiến gần tới một cơn lốc xoáy ở khoảng cách 180 m gần Manchester, Nam Dakota. Họ thả thiết bị thăm dò và ... bỏ chạy khi lốc xoáy tiến sát tới chỗ họ. Samaras nói: "Âm thanh của lốc xoáy giống như một thác nước mạnh kết hợp với động cơ phản lực". Lốc xoáy di chuyển và gầm rú ngay bên trên máy thăm dò và mở ra một số bí mật khi đi qua. Thiết bị cho thấy khí áp giảm 100 milibar bên trong lốc xoáy. Khí áp giảm và đột ngột chính là nguyên nhân sinh ra những luồng gió cực mạnh trong lốc xoáy và bão. Nếu khí áp giảm đột ngột, chẳng hạn từ 1.000 milibar xuống còn 900 milibar, một cơn gió cực mạnh sẽ xuất hiện. Từ lâu, các nhà khí tượng đã nghi ngờ lốc xoáy dẫn tới hiện tượng giảm khí áp song phương tiện thăm dò của Samaras là bằng chứng thuyết phục đầu tiên cho thấy điều đó có thể xảy ra. * Những vòi xoáy khổng lồ Nhà khí tượng Ted Fujita đã xếp loại lốc xoáy trên thang đo từ cấp 0 tới cấp 6. Thỉnh thoảng, một cơn lốc xoáy cực mạnh có thể tấn công một thành phố và giết hàng chục đến hàng trăm người. Một lốc xoáy xuất hiện vào 6/5/1840 ở phía Đông Louisiana và tiến tới Natchez vào khoảng 1 giờ trưa. Nó làm đắm nhiều tàu thuyền, phá huỷ nhà cửa và cuốn các mảnh vụn đi xa nhiều km. Ít nhất có 317 người bị chết. Vào ngày 8/3/1925, một lốc xoáy đã xuất hiện gần Ellington, Missouri. Đường đi của nó trải dài 352 km qua ba bang. Trước đó, nó đã làm chết 695 người tại Missouri, Illinois và Indiana. Đôi khi, các cơn bão sấm cực mạnh sinh ra nhiều lốc xoáy, "thả" chúng xuống giống như những quả bom. Đợt lốc xoáy tồi tệ nhất được ghi lại xảy ra vào ngày mùng 3 và mùng 4/4/1974 khi các cơ bão sấm khắp vùng Trung Tây nước Mỹ sinh ra 148 lốc xoáy. Hơn 300 người bị chết khi các cơn lốc xoáy này đi qua tới 13 bang từ Michigan tới Bắc Carolina. Số người chết có lẽ đã cao hơn nhiều nếu không có Dick Gilbert, phi công lái trực thăng đồng thời là phóng viên giao thông cho đài phát thanh WHAS ở Louisville. Kentucky. Gilbert đang ở trên cao thì một lốc xoáy với sức gió hơn 333 km/g tấn công ở Louisville ngay sau 16 giờ chiều ngày 3/4. Gilbert theo dõi lốc xoáy này từ máy bay khi nó quét qua thành phố. Lời cảnh báo của ông đã giúp hàng trăm người sơ tán khỏi đường đi của lốc xoáy. Ngày nay, các nhà khí tượng muốn cảnh báo sớm hơn cho dân cư ở một vùng rộng lớn hơn. Đó là một trong những động lực khiến họ nghiên cứu lốc xoáy. Điều kiện nào làm lốc xoáy xuất hiện? Điều gì xảy ra ngay khi chúng hình thành? Trả lời được những câu hỏi này các nhà khí tượng có thể cảnh báo sớm và cứu được nhiều người thoát nạn hơn. Hy vọng trong mùa bão sắp tới, các nhà khoa học sẽ có nhiều thông tin hơn về xoáy lốc. Trong trường hợp gặp lốc xoáy hoặc có cảnh báo về lốc xoáy, mỗi người nên tìm kiếm chỗ ẩn nấp ngay: Xuống tầng hầm, chui xuống đệm hoặc dưới một chiếc bàn vững chắc; nếu toà nhà không có hầm, hãy chạy vào phòng trong cùng hoặc ở bên dưới cầu thang; tránh xa cửa sổ và khom mình, hai tay che đầu. Nếu bạn đang ở trong một căn nhà di động hoặc xe ôtô, tốt hơn hết là nhanh chóng ra khỏi đó và tìm điểm thấp nhất có thể trên mặt đất, tránh xa cây cối, ôtô, nằm úp mặt xuống đất, hai tay che lên đầu.
8. VÌ SAO ĐẠN SÚNG THẦN CÔNG BỐC CHÁY KHI ĐƯA LÊN MẶT BIỂN? Bấm để xem Hai nhà hoá học Anh tin rằng họ đã giải mã được một hiện tượng bí ẩn từ 26 năm nay, trả lời câu hỏi: Tại sao những viên đạn sắt lại bùng cháy thành những quả cầu lửa lớn, khi được vớt lên từ con tàu đắm? "Chúng bắt đầu rực đỏ lên và bạn có thể cảm thấy hơi nóng toả ra khi chiếc bàn kê bắt đầu bốc khói". Bob Child, hiện là nhà hoá học tại các Bảo tàng và Phòng trưng bày tự nhiên của xứ Wales ở Cardiff, kể lại. Hiện tượng kỳ lạ này xảy ra năm 1976, khi Child đang bảo quản những đồ vật trục vớt được từ con tàu HMS Coronation, bị đắm năm 1961. Trong mẻ lưới kéo lên vài chục viên đạn súng thần công bằng sắt, bị một lớp vỏ cát cứng như bê tông bao phủ sau 3 thế kỷ nằm yên dưới đáy biển. Khi dùng búa đập vỡ lớp vỏ ngoài này, Child sửng sốt khi thấy một viên bi sắt đột nhiên nóng lên dữ dội, đến mức hầu như đã bén lửa sang chiếc bàn gỗ kê bên dưới. Theo phỏng đoán của ông, nhiệt độ của những quả cầu sắt phải lên tới 300 - 4000C. Ngày nay, khi "hâm nóng" lại hiện tượng này, Child và một nhà hoá học khác, David Rosseinky, cho biết họ đã tìm hiểu được nguyên nhân. Ông giải thích như sau: Khi chiếc Coronation chìm xuống đáy biển, do bị bao bọc bởi nước biển mặn và giàu oxy, những quả cầu sắt bị hoen gỉ mạnh. Quá trình này khiến thể tích khối cầu tăng lên, chúng nở ra, và tỷ trọng giảm xuống (thực tế, những quả cầu bi sắt được lôi lên mặt nước nhẹ hơn nhiều so với những gì người ta tưởng). Cùng lúc đó, những quả cầu từ từ chìm vào cát, tương tác với tầng cát đáy biển tạo nên một lớp vỏ cứng chắc như canxi. Qua nhiều thế kỷ, những vật chất hữu cơ thối rữa ở gần đó đã khử các kim loại bị oxy hoá này, chuyển chúng thành sắt nguyên chất. Tuy nhiên, điều cần lưu ý ở đây là thể tích khối cầu vẫn cần giữ không đổi, nghĩa là những lỗ rỗng (mà trước đó là vị trí của các ion sắt) vẫn được giữ nguyên. Khi đưa quả cầu lên mặt biển và đập vỡ lớp vỏ xi, không khí tràn vào các lỗ rỗng này và phản ứng oxy hoá xảy ra tức thì, bùng lên thành ngọn lửa. Nhà nghiên cứu Stephen Fletcher thuộc Đại học Loughborough, Mỹ, cho rằng: Hiện tượng này không có gì là bất thường. Khi sắt bị ôxy hoá, nó giải phóng ra năng lượng và vì quả cầu sắt có vô số các lỗ rỗng, nên diện tích tiếp xúc của sắt với ôxy là cực lớn và quá trình ôxy hoá xảy ra cực nhanh, đến mức có thể bốc cháy.
9. GIẢI ĐƯỢC BÍ ẨN CỦA NHỮNG BÓNG SÁNG KỲ LẠ Bấm để xem Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trong phòng khách, đột nhiên có một bóng sáng xuất hiện lơ lửng giữa nhà. Khi bạn nghiêng đầu để xem điều gì đã tạo nên thứ ánh sáng kỳ lạ đó, nó cũng nghiêng theo... Đó chính là những bóng sáng (còn gọi Min Min light) và nó thường thấy ở Australia. Kỳ thực, những bóng sáng này chỉ là ảo ảnh của các nguồn sáng đôi khi ở cách đó hàng trăm km, giáo sư Jack Pettigrew, Đại học Queensland ở Brisbane, Australia, vừa khẳng định như vậy trên tạp chí Clinical and Experimental Optometry. Pettigrew đã nghiên cứu hiện tượng này ở Channel, miền tây Queensland, nơi nó đã ám ảnh người dân địa phương trong nhiều năm qua. "Ngay cả những người đàng ông mạnh dạn nhất cũng phải chảy nước mắt vì sợ hãi", ông nói: Lần đầu tiên chạm chán với Min Minh light, Pettigrew tưởng rằng đó là sao Kim. Nhưng không phải thế, "nó đi xuống đường chân trời và nằm yên ở đó một lúc". Lần sau đó, khi đang lái xe với hai cộng sự, Pettigrew trông thấy một đốm sáng mà thoạt đầu họ tự nhủ đó là mắt của một con mèo ở cách đó khoảng 50 m. Tuy nhiên, khi họ dừng xe và tắt đèn pha, đốm sáng kia vẫn còn nguyên ở đó, nhảy nhót xung quanh như thể nó là một sinh thể sống. "Chúng tôi đã tranh cãi kịch liệt, không thể đồng tình với nhau được đó là cái gì và ở cách bao xa". Bộ ba đã lái xe xuyên qua vùng đồng bằng và sử dụng một chiếc la bàn trên ôtô để tính ra khoảng cách tới đốm sáng. Nhưng sau 5 km, la bàn trên xe vẫn không hề đổi hướng. "Chúng tôi phỏng đoán nó phải nằm cách đó khoảng 300 km trên đường chân trời". Về sau, ba người mới biết có một chiếc xe đã đi ngược chiều ở đúng thời điểm họ nhìn thấy đốm sáng. Pettigrew, người từng biết đến hiện tượng ảo ảnh – tức là các cảnh vật ở rất xa dường như treo ngược trên bầu trời – cho rằng điều này có thể giúp giải thích được các Min Min light. Ảo ảnh xuất hiện khi có hiện tượng nghịch nhiệt, tức là không khí lạnh đậm đặc nằm bên dưới sát với mặt đất, còn lớp khí ấm ở bên trên. Trong điều kiện như vậy, ánh sáng từ mặt đất chiếu lên sẽ bị khúc xạ, và đi theo đường cong ôm lấy trái đất, thay vì chiếu thẳng ra ngoài (ảnh). Trong lớp khí lạnh này, ánh sáng có thể xuất hiện ở cách xa nguồn của nó hàng trăm km, tạo nên ảo ảnh ở đó. Để thử nghiệm giả thuyết rằng Min Min light thực sự là một hiện tượng ảo ảnh trong đêm, Pettigrew đã thực hiện một thí nghiệm cho thấy ông có thể tạo ra thứ tương tự như vậy. Trước hết, Pettigrew chọn một đêm có thời tiết thuận lợi: Đêm lạnh sau một ngày trời nóng, ít gió. Sau đó, ông lái xe 10 km vòng qua một khu đồi tới điểm nằm dưới đường đi chuẩn của ánh sáng (đường thẳng). Điều kỳ lạ đã xuất hiện 6 người quan sát vẫn nhìn thấy ánh sáng của chiếc xe hơi lơ lửng ở phía chân trời. Buổi sáng sau đêm trình diễn, Pettigrew cho biết đã nhìn thấy ảo ảnh của một rặng núi ở xa tại khu vực này. Điều đó ủng hộ giả thuyết cho rằng Min Min light được tạo ra trong một điều kiện đặc biệt của khí quyển. "Thông thường ta không thể nhìn thấy rặng núi đó, vì nó nằm dưới đường chân trời. Nhưng trong điều kiện nghịch nhiệt, nó xuất hiện lơ lửng trên cao và dần dần tan đi, cuối cùng thì biến mất khi mặt trời sưởi ấm lớp không khí sát mặt đất. Cơ hội nhìn thấy Min Min light và ảo ảnh ban ngày ở Channel là rất cao, vì vùng này bằng phẳng với các chỗ hơi trũng, nơi không khí lạnh rất dễ bị giữ lại. Hơn nữa ở đây, người ta nhìn thấy rõ chân trời.
10. SAO KIM QUAY NGƯỢC CHIỀU Bấm để xem Sao Kim có trạng thái quay ngược chiều bền vững. Sao Kim, còn được gọi là sao Hôm, hay sao Mai là hành tinh duy nhất trong hệ mặt trời quay từ đông sang tây, trong tất cả các hành tinh khác đều quay theo chiều ngược lại. Nguyên nhân của hiện tượng này là do bầu khí quyển dày đặc của Kim tinh. Hai nhà nghiên cứu Alexander Coreia và Jacques Laskar thuộc trung tâm CNRS (Pháp), cho rằng: Ban đầu hành tinh này có trục quay rất nghiêng. Theo họ, có ít nhất hai cách giải thích sự thay đổi chiều quay này. Đầu tiên, như đa số các nhà khoa học thường nghĩ, hành tinh này đã đảo ngược trục quay 180 độ. Sự vận động hỗn độn của tầng khí quyển trên hành tinh khiến trục quay của nó nhích dần rồi đảo ngược hẳn. Giả thuyết thứ hai cho rằng do sự vận động tầng khí quyển dày đặc bên ngoài khiến cấu trúc rắn bên trong bị kéo theo, quay ngược chiều trong khi trục quay không thay đổi. Là hành tinh sáng nhất trong hệ mặt trời, sao Kim được coi là "anh em song sinh" của trái đất. Kích thước của nó bằng 93% đường kính trái đất, khối lượng bằng 88%, có mật độ và thành phần hoá học gần tương tự và độ tuổi tương đối trẻ (có rất ít miệng núi lửa ở hai hành tinh này). Tuy nhiên, sao Kim khác hẳn hành tinh xanh của chúng ta, đặc biệt do áp suất của nó cao gấp 90 lần trái đất. Các lớp mây dày đặc chứa acid sulfuric khiến cho các nhà thiên văn không thể quan sát được "bộ mặt thật" của sao Kim. Do có tầng mây khổng lồ bao phủ, nhiệt độ bề mặt hành tinh này cao đến 4700C từ đó sinh ra hiệu ứng nhà kính.
11. LỬA VŨ TRỤ VÀ VỤ CHÁY BÍ ẨN Ở CHICAGO Bấm để xem Đêm chủ nhật, ngày 8/10/1871, đường phố Chicago (Mỹ) đang náo nhiệt vui vẻ thì đột nhiên một ngôi nhà ở phía đông bắc thành phố bốc cháy. Lính cứu hoả chưa kịp phản ứng thì một ngọn lửa khác đã bủa kín nhà thờ thánh Paul. Khắp thành phố còi báo cháy hú vang... Chicago nổi tiếng ở Mỹ vì nhiều gió nên còn được gọi là "thành phố gió". Nay thành phố gặp lửa, tình trạng càng thảm hại hơn. Lửa mượn sức gió bốc cao dữ dội và lan nhanh khủng khiếp. Chưa đầy nửa tiếng sau, Chicago đã chìm trong biển lửa mênh mông. Dân chúng hoảng loạn chưa từng thấy, người ta nháo nhào chạy ra đường, giẫm đạp lên nhau, chen lẫn cùng gia súc tìm đường chạy trốn. Đám cháy khủng khiếp kéo dài tới sáng hôm sau. Hơn 17.000 ngôi nhà ở trung tâm thành phố biến thành tro bụi, hàng nghìn người tử nạn vì cháy và vì bị giày xéo. Giải thích nguyên nhân của vụ hoả hoạn, tờ Thời báo Chicago và một số báo lớn của Mỹ đưa tin: Đó là do sơ suất của một bà chủ, một con bò cái đã húc đổ ngọn đèn dầu gây cháy chuồng, đám cháy phát lửa từ chuồng bò đã lan khắp Chicago. Tuy nhiên, lời giải thích này bị đa số dân Chicago phản bác, họ cho rằng giới báo chí chẳng biết gì. Một vị chỉ huy trực tiếp tham gia cứu hoả cho biết: Chỉ trong chớp mắt, thành phố đã tràn ngập trong biển lửa, do đó bảo rằng "đám cháy lan ra từ chuồng bò" là điều vô lý, đây thực sự là một trận lửa bay mới nhanh đến như vậy! Cả bầu trời bốc cháy, những hòn đá nóng bỏng như từ trên trời trút xuống. Nhiều người dân thoát chết sau vụ hoả hoạn cũng khẳng định: Lửa giống như mưa từ trên trời rơi xuống. Tập hợp lại các thông tin, cảnh sát liên bang Mỹ cho biết: Buổi tối đó, cùng với Chicago, ở các nơi như Wisconsin, Michigan, Nevada và một số vùng rừng núi, đồng cỏ phía đông Mỹ cũng có hoả hạn. Rõ ràng không thể là sự phát lửa bình thường. Đi tìm vật chứng cho hiện tượng kì lạ, người ta tìm thấy số pho tượng đá hoa cương ở trung tâm Chicago bị nung chảy; giàn giáo đỡ bằng thép của một xưởng đóng tàu dựng bên sông cũng bị đốt chảy ra dính vào nhau, nhiều kho sắt thép bị đốt chảy thành đống... Điều đó chứng tỏ nhiệt độ phải rất cao. Một điều kỳ lạ nữa trong vụ đại hoạ của Chicago là cái chết thảm khốc của cả ngàn người dân đã chạy thoát khỏi thần lửa, ra tới được vùng ngoại ô. Giám định thi thể nạn nhân cho thấy, cái chết của họ không có chút gì liên quan đến lửa. Đến đây, các nhà khoa học phải vào cuộc. Tiến sĩ W.Ximoberin, một chuyên gia lừng danh về các vụ án thiên văn đã cho rằng: "Lửa đá được đem đến Chicago trong trận mưa sao băng". Theo ông, thủ phạm của vụ này là sao chổi Bira (tên nhà thiên văn Tiệp Khắc tìm ra nó vào năm 1826). Sao chổi Bira có chu kỳ quay quanh mặt trời là 6,6 năm. Vào năm 1846, trong khi bay qua trái đất, nhân Bira bị vỡ làm hai mảnh. Những quan sát tiếp theo cho thấy, đến năm 1852, hai phần bị vỡ đôi kia đã cách nhau tới 2,4 triệu km để mất hút trong vũ trụ. Đúng vào ngày 8/10/1871, một phần nhân sao chổi Bira lại "gặp gỡ" trái đất và điểm giao tiếp lần này nằm trên không phận Mỹ. Kết quả là trận mưa sao băng dữ dội đã xảy ra. Phần lớn thiên thạch bị đốt cháy khi ma sát với không khí, phần còn lại rơi ào ạt xuống mặt đất có nhiệt độ cao, đủ năng lực hoá lỏng sắt thép và các loại đá hoa cương. Chicago không may mắn nằm gọn trong vòng trung tâm của trận mưa lửa. Ngoài ra, Ximoberin cũng cho rằng, trận "mưa" này do sự bốc cháy của vẩn thạch còn mang theo một lượng lớn khí xyanua và dioxit carbon, tạo thành các vùng "tiểu khí hậu giết người". Điều này giải thích về việc cả nghìn người đã thoát khỏi vùng lửa, ra đến ngoại ô thành phố, song vẫn không thoát chết do ngộ độc một lượng khí quá đậm dặc. Luận thuyết của Ximoberin được nhiều người quan tâm. Nhưng thực tế, đến nay người ta vẫn chưa tìm được một bằng chứng nào ủng hộ giả thuyết đó, như các mẩu thiên thạch còn sót lại, thực vật bị lửa trời thiêu đốt hay các khu đất bị ô nhiễm... Những người bác bỏ giả thuyết của Ximoberin cho rằng, sao chổi là một "thiên thể khổng lồ nhưng rất loãng", nhân sao chổi nếu có va quệt vào trái đất thì cũng không thể gây tai hoạ vì trái đất có bầu khí quyển là tấm lá chắn rất hữu hiệu. Nếu có thiên thạch nào chưa cháy hết trong bầu khí quyển, thì khi rơi xuống bề mặt trái đất cũng không thể gây ra hoả hoạn. "Đám cháy Chicago" vẫn còn là một bí ẩn cho đến ngày nay.
12. BÍ ẨN NHỮNG TẢNG ĐÁ BIẾT ĐI Bấm để xem Trên trái đất có những tảng đá bỗng nhiên tự di chuyển khỏi chỗ chúng đang nằm. Ví dụ ở bang California (Mỹ), những tảng đá nặng hàng nửa tấn đã thực hiện những cuộc "dạo chơi" tại đáy hồ cạn Restrake mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào. Hồ Restrake nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên ở thung lũng Chết, California. Đây là một trong những nơi nóng nhất trên trái đất. Vào năm 1917, nhiệt độ lên tới 500C trong suốt 43 ngày. Các tảng đá di chuyển chậm chạp, đôi khi theo đường zic-zắc, vượt qua hàng chục mét, để lại dấu vết rõ ràng trên nền cát. Chúng không lăn, không quay, mà "trườn" trên bề mặt như có lực vô hình kéo đi. Các nhà khoa học đã nhiều lần tìm cách ghi lại sự di chuyển của chúng, nhưng không thành công. Người ta không sao chộp được thời điểm mà các tảng đá "du ngoạn". Song chỉ cần những người theo dõi tránh xa một chút, là chúng lại bắt đầu dịch chuyển, đôi khi đến nửa mét mỗi giờ. Các nhà khoa học đã theo dõi suốt ngày đêm quanh khu vực, nhưng không nhận ra bất cứ ai hoặc cái gì đã trợ giúp chúng. Điều kỳ lạ với các tảng đá không chỉ xảy ra ở Mỹ. Cách làng Gorodishe (gần Pereslavl-Zalesk, Nga) không xa có tảng đá Sin. Theo truyền thuyết, trong tảng đá này có vị thần ước mơ và mong muốn. Vào đầu thế kỷ XVII, nhà thờ địa phương tuyên chiến với đạo đa thần. Cha Anufri, phó tế của nhà thờ, đã cho đào một hố lớn để ném đá Sin xuống đó. Nhưng vài năm sau, tảng đá lại bí hiểm hiện lên mặt đất. 150 năm sau, chính quyền và nhà thờ ở Pereslavl quyết định đặt tảng đá thần bí dưới đáy móng của tháp chuông địa phương. Người ta đặt tảng đá lên xe trượt và kéo nó trên mặt băng của hồ Plesheev. Băng vỡ và tảng đá chìm xuống độ sâu 5 m. Nhưng chẳng bao lâu, những người đánh cá bắt đầu nhận thấy tảng đá đã thay đổi vị trí. Nó từ từ di chuyển ở đáy hồ. Vào 40 năm sau, nó đã bò lên đến bờ ở chân núi Iarilin rồi nằm ở đó cho đến tận bây giờ. Ở vùng viễn đông của Nga, cách hồ Bolon không xa, có một tảng đá nặng nửa tấn, dạng gần như tròn. Nó được dân địa phương gọi là tảng đá chết. Tuy vậy nó cũng thích "đi du lịch". Bình thường nó nằm yên một chỗ trong vài tháng, nhưng có khi nó lại đột ngột di chuyển. Những tảng đá bí hiểm nhất có lẽ là ở vùng Tây Tạng, gần một Phật viện lâu đời. Nó không chỉ đơn giản "đi" được, mà còn nhẹ nhàng "leo" được lên núi. Vì tảng đá này nặng 1.100 kg, nên khả năng "leo núi" của nó kỳ diệu. Hành trình lên đỉnh núi của tảng đá đã kéo dài hơn 1.000 năm nay. Nó di chuyển theo một tuyến xác định, rồi bò xuống. Cuối cùng, nó di chuyển theo vòng tròn. Thời gian lên và xuống núi của nó kéo dài chừng 15 năm. Thời gian đi theo vòng tròn, 60 km, mất 50 năm. Tảng đá này có khoảmg 50 triệu năm tuổi. Các nhà khoa học đã tìm cách giải thích trong hàng chục năm về điều bí ẩn xung quanh những tảng đá. Người ta đưa ra nhiều giả thuyết, trong đó có không ít điều huyền bí. Một số nhà nghiên cứu cho rằng các tảng đá chuyển động là đại diện của một dạng sống khác. Họ quan niệm cuộc sống hoàn toàn có thể được hình thành từ silic (phần chính của đá). Thêm vào đó, truyền thuyết về các "tảng đá sống" xuất hiện không phải ngẫu nhiên. Những người trồng lúa mì ở Bắc Âu và vùng Baltic cho đến nay vẫn tin một cách nghiêm túc là các tảng đá không chỉ có khả năng di chuyển, mà còn mọc lên được, vì chúng thường xuyên xuất hiện trên các cánh đồng đã được dọn sạch. Cũng có những cách giải thích khoa học hơn về hiện tượng "đá lang thang". Một số nhà khoa học cho rằng đó là do ảnh hưởng của địa từ, vì đa số các tảng đá lang thang thường "ngụ cư" ở những nơi có sự bất ổn địa từ mạnh nhất. Tuy nhiên, người ta không hiểu được trường địa từ phải lớn như thế nào mới chống lại được lực hấp dẫn để có thể dịch chuyển được những tảng đá đồ sộ từ chỗ này sang chỗ khác. Một giả thuyết khác cho rằng, sự di chuyển của các tảng đá là do ảnh hưởng của mưa và gió. Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng sở dĩ các tảng đá di chuyển được là do chúng trượt trên nền đất sét khi bị những cơn gió đẩy. Tuy nhiên đối với trường hợp các viên đá ở thung lũng Chết, giả thuyết này tỏ ra bất lực. Thứ nhất, ở đó rất ít có mưa. Thứ hai, những vết mà các tảng đá để lại thường ngược với hướng gió thổi. Năm 1995, một nhóm các nhà địa chất ở bang Massachussets (Mỹ) sau những cuộc nghiên cứu kéo dài ở thung lũng Chết đã đưa ra một giả thuyết khác. Theo đó, điều kiện chính để tảng đá di chuyển được là lực ma sát giảm đột ngột. Ở thung lũng Chết thường có sự chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm rất cao, dẫn đến sự hình thành và tích tụ nước. Các giọt nước ban đêm đọng trên bề mặt đá và biến thành băng. Bề mặt băng rất trơn, vì thế các cơn gió giật mạnh có thể làm các tảng đá bứt ra khỏi chỗ đó và di chuyển.
13. TAI HỌA BÍ ẨN Ở SIBERIA KHÔNG PHẢI DO THIÊN THẠCH Bấm để xem Trái với các quan điểm lâu nay cho rằng: Tai hoạ thiêu trụi một phần Siberia năm 1908 là do thiên thạch gây ra, nhà địa chất Nga Vladimir Epifanov tuyên bố: Vụ nổ có nguyên nhân từ trong lòng đất. Cách đây gần 100 năm, khu vực Tunguska ở Siberia đã trải qua một tai họa bất ngờ. Buổi sáng ngày 30/6/1908, một tiếng nổ với sức công phá tương đương 10 -15 triệu tấn TNT đã thiêu trụi cả một khu vực rộng lớn. Tuy nhiên đến nay, nguyên nhân của vụ nổ này vẫn còn là câu hỏi với nhiều nhà khoa học. Gần đây, các nhà khoa học Italy cho rằng, một thiên thạch nhỏ là thủ phạm gây tai hoạ này. Nhưng nay theo ông Vladimir Epifanov Viện Nghiên cứu địa chất Novosibirsc ở Siberia, thì giả thuyết của nhà khoa học Italy có nhiều điểm không thoả đáng. Thứ nhất, nếu quả thực một thiên thạch đâm xuống Siberia, thì nó đã phải để lại một hố sâu như cái hồ tại trung tâm vụ nổ, hoặc ít ra người ta cũng phải tìm thấy các mảnh vỡ của thiên thạch. Thứ hai, cây cối tại trung tâm va chạm phải bị nát hoàn toàn (thực tế còn những khúc gỗ khá nguyên vẹn). Thứ ba, khi phân tích các vết gãy, xước của các cây gỗ, Epifanov thấy rằng, chúng không giống như bị một thiên thạch từ trên cao lao xuống làm gẫy, mà có vẻ như bị chém ngang bởi vụ nổ từ dưới đất gây nên. Dựa trên các luận điểm này, Epifanov kết luận: Tai hoạ này không phải do thiên thạch gây ra. Theo Epifanov, quang cảnh ở Tunguska nhìn giống một hiện trường sau vụ nổ bom nguyên tử, dù không hề có phóng xạ. Theo ông, một vụ nổ như vậy có lẽ đã xuất hiện từ trong lòng đất: Khí metan phụt lên, bùng cháy, tạo ra một quả cầu lửa khổng lồ kèm theo tiếng nổ. Tunguska là khu vực có cấu tạo địa chất đặc biệt. Dưới lớp đất bazan dày, người ta tìm thấy số lượng dầu lửa và khí đốt rất lớn. Tại đây còn có các rãnh nứt chạy trong lòng đất. theo giả thuyết của Epifanov, năm 1908, một trận động đất trung bình làm hỗn hợp khí và dầu lửa bị nén mạnh. Hỗn hợp này chạy dọc theo các khe nứt trong lòng đất rồi phụt lên. Đồng thời, các đám bụi từ khe nứt cũng theo đã thoát lên, tụ ở khí quyển, tạo ra các đám mây bụi tích điện. Rất có thể một tia lửa điện mạnh đã phóng xuống lớp hỗn hợp khí và dầu lửa dưới đất, tạo ra vụ nổ khủng khiếp. Giả thuyết của Epifanov có thể giải thích vì sao không có một hố khổng lồ hay các mảnh vỡ của thiên thạch xung quanh tâm nổ. Tuy nhiên, những người theo thuyết "thiên thạch" vẫn bảo vệ quan điểm của mình. Theo họ, thiên thạch trước khi đâm vào trái đất đã bị vỡ vụn ở độ cao vài km trên không khí, nên đã không để lại dấu vết gì.
14. VẬT THỂ BAY BÍ ẨN KHIẾN NÔNG DÂN ẤN ĐỘ KHIẾP SỢ Bấm để xem Xuất hiện hàng đêm dưới dạng "quả cầu xanh lè và đỏ tía", vật thể trở thành nỗi kinh hoàng cho những người nông dân Ấn Độ, khi nó gây ra những vết bỏng và thậm chí là cái chết cho một vài người. Tại bang Uttar Pradesh, có ít nhất 7 người đã tử vong mà cùng biểu hiện một triệu chứng. "Một vật thể bay kỳ lạ đã tấn công anh ấy trong đêm", ông Raghuraj Pal kể về cái chết của người hàng xóm Ramji Pal trước đó mấy hôm tại làng Shanwa. "Bụng anh ấy bị xé rách, và anh ấy đã qua đời hai ngày sau đó". Những người khác trong làng cũng khẳng định một vật thể kỳ lạ đã làm da họ bị trầy xước và người họ bị thương trong khi đang ngủ. Còn tại làng Darra, bà Kalawati, 53 tuổi, cho biết bà đã bị một quả bóng lửa tấn công hồi tuần trước. "Vật thể đó trông như một quả bóng đá với những tia sáng chói loà. Nó đốt cháy da thịt khiến tôi không thể ngủ được vì đau", vừa nói, bà Kalawati vừa chìa ra những vết bỏng rộp vẫn còn nguyên dấu trên cẳng tay đen. Khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất là quận Mirzapur, cách New Delhi 700 km về phía Đông Nam. Trước phỏng đoán của dân làng, các bác sĩ đã nghĩ tới một nguyên nhân khác. Họ cho rằng những người bị chết hoặc bị thương đều là nạn nhân của một cơn kích động vô thức, đã tự tấn công mình cho đến khi bị đau. Trong khi đó, cảnh sát lại cho rằng cả hai giả thuyết trên đều không đúng. Theo họ, một loài bọ vừa được dân địa phương tìm thấy mới là thủ phạm của những vết thương kỳ lạ này. "Đó là một loài côn trùng có cánh dài khoảng 7 cm. Chúng để lại những nốt phát ban và vết thương trên bề mặt da", ông Kavindra P.Singh, một sĩ quan cảnh sát, cho biết. Tuy nhiên, dân các làng đang phải trải qua nỗi khiếp sợ này nên họ không tin lời giải thích của bác sĩ và cảnh sát. Họ chấp nhận ngủ trong nhà tù dù nhiệt độ nóng bức đến "chảy mỡ" và tình trạng mất điện diễn ra thường xuyên. Đội bảo vệ địa phương liên tục đánh trống và báo động với câu nói: "Tất cả mọi người cảnh giác. Đề phòng bị tấn công". Nhiều người dân đã đổ ra đường yêu cầu các cấp chính quyền thực hiện ngay biện pháp bảo vệ và bắt giữ "những vật thể lạ ngoài trái đất".
15. VẬT THỂ LẠ XUẤT HIỆN Ở SRI LAN KA Bấm để xem Trong vòng vài tuần qua, hàng trăm người dân ở vùng trung Bắc Sri lanka cho biết đã vài lần nhìn thấy một quả cầu bí ẩn, phát ra ánh sáng xanh trắng. Tương tự, một nhóm người đi du lịch cũng được xác nhận những thông tin về sự vật trên là có thật. Giáo sư Chandana Jayaratne, một nhà vật lý thiên văn tại Đại học Colombo (Sri Lanka) cho biết, lần đầu tiên dân làng nhìn thấy một quả cầu kỳ lạ là trên khu di tích lịch sử Dimbulagala, có niên đại từ thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên. Và mới đây, một nhóm khách du lịch tới vùng này cũng đã có 3 ngày liên tiếp chứng kiến UFO (Vật thể bay không xác định). Giáo sư Miden cùng Harri và Vivien Thomlison, những người chứng kiến sự tạo thành các vòng tròn trên cánh đồng. Họ cho biết đó là một chùm sáng hình chữ V, dường như di chuyển với tốc độ rất cao, và khi sà xuống thấp, nó phát ra tiếng động giống như tiếng vo ve của ong. Nhận định này cũng trùng khớp với ý kiến của những người dân trong vùng. Một thành viên giấu tên trong đoàn nói: "Hơn 100 người dân trong làng đã nhìn thấy UFO. Chúng tôi cũng vậy và không thể coi đó là những câu chuyện bịa đặt. Chùm sáng không giống bất cứ thứ gì mà chúng tôi từng nhìn thấy... Nó quay tròn, đột ngột biến mất và lại đột ngột hiện trở lại trong vài giây sau đó ở vị trí cách đó 300 – 400 m. Nó có thể đổi hướng để tránh va chạm với cây cối". Người này cũng cho biết thêm: "Ánh sáng lạ dường như phát ra từ một cánh rừng rậm, vì thế chúng tôi không thể đến gần để tìm hiểu kỹ hơn. Theo phỏng đoán ban đầu thì đây là một vật thể có thể phát ra chùm sáng hình chữ V với cường độ rất mạnh".