Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn 6 – Kết nối tri thức với cuộc sống – có ma trận, đáp án

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 7 Tháng mười một 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Bộ đề thi học kì 1 môn Ngữ văn 6

    Kết nối tri thức với cuộc sống – có ma trận, đáp án

    Xin được giới thiệu tới các thầy cô và các em học sinh tài liệu bao gồm 20 đề thi văn 6 Kết nối tri thức tham khảo (2 trang).

    Mỗi đề có 3 phần: Ma trận đề; đề thi; đáp án, biểu điểm, hướng dẫn chấm.

    Các câu hỏi trong đề thi, đề kiểm tra bao quát kiến thức của cả ba phân môn: Văn học, Tiếng Việt, Làm văn. Các câu hỏi trong đề thi, đề kiểm tra bao gồm 4 cấp độ: Nhận biết, Thông hiểu, Vận dụng, Vận dụng cao.

    Cấu trúc đề gồm hai phần: Đọc hiểu và Làm văn.

    Xem thêm: Đề Thi Học Kì 1 Môn Ngữ Văn 6 – Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống – Có Ma Trận, Đáp Án (Ngữ liệu đọc hiểu trong Sách giáo khoa)

    ĐỀ 1

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ I

    MÔN: NGỮ VĂN 6

    PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (5.0 điểm)

    Đọc bài thơ sau:

    Khi con tu hú gọi bầy

    Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần

    Vườn râm dậy tiếng ve ngân

    Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào

    Trời xanh càng rộng càng cao

    Đôi con diều sáo lộn nhào từng không..

    Ta nghe hè dậy bên lòng

    Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi.

    Ngột làm sao, chết uất thôi

    Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!

    (Khi con tu hú, Tố Hữu)​

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1 (1.0 điểm). Xác định thể thơ, căn cứ để xác định thể thơ?

    Câu 2 (1.0 điểm). Tìm những chi tiết, hình ảnh miêu tả mùa hè trong 6 câu đầu bài thơ. Qua những hình ảnh đó, em cảm nhận được cảnh sắc mùa hè như thế nào?

    Câu 3 (1.0 điểm). Xác định nghĩa của từ "chín" trong câu thơ thứ hai. Em hãy dẫn thêm một từ đồng âm có yếu tố "chín".

    Câu 4 (1.5 điểm). Bài thơ Khi con tu hú được sáng tác trong thời gian nhà thơ bị giam cầm ở nhà lao Thừa Phủ (Huế). Theo em, tâm tư của nhà thơ trong cảnh tù ngục được thể hiện rõ nhất trong những câu thơ nào, qua những câu thơ đó em hiểu được tâm trạng và khát vọng gì của nhà thơ?

    Câu 5 (0.5 điểm). Em hãy viết đoạn 5 – 7 dòng nêu cảm nhận về hai câu thơ em tâm đắc nhất trong bài thơ trên.

    PHẦN II. LÀM VĂN

    Viết bài văn trình bày suy nghĩ của mình về tình cảm của con nười với quê hương.

    3. Đáp án, biểu điểm, hướng dẫn chấm

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU
    (5.0 điểm)

    Câu 1 (1.0 điểm).

    - Xác định thể thơ: Lục bát

    - Căn cứ để xác định thể thơ: Bài thơ gồm nhiều cặp lục bát nối tiếp nhau (câu trên 6 tiếng, câu dưới 8 tiếng).

    (Mỗi ý đúng 0.5 điểm)

    Câu 2 (1.0 điểm).

    - Những chi tiết, hình ảnh miêu tả mùa hè trong 6 câu đầu bài thơ: Lúa chiêm chín, trái cây ngọt, ve ngân trong vườn, bắp vàng hạt, nắng đào đầy sân, trời xanh, chim sáo lộn vòng. (Dẫn được 2/3 chi tiết, hình ảnh cho điểm tối đa – 0.5; không cho điểm nếu chép nguyên 6 câu thơ)

    - Qua những hình ảnh đó, em cảm nhận được cảnh sắc mùa hè: Sinh động, tươi vui, rực rỡ, tràn đầy sức sống.. (0.5 điểm)

    Câu 3 (1.0 điểm).

    - Nghĩa của từ "chín" trong câu thơ thứ hai: Lúa chuyển từ trạng thái xanh, non sang già, chín.

    - Từ đồng âm có yếu tố "chín" : Chín điểm (hoặc tháng chín)

    Câu 4 (1.5 điểm).

    - Tâm tư của nhà thơ trong cảnh tù ngục được thể hiện rõ nhất trong 4 câu thơ cuối. (0.5 điểm)

    - Qua những câu thơ đó em hiểu được :(mỗi ý 0.5 điểm)

    + Tâm trạng ngột ngạt, bức bối vì mất tự do.

    + Khát vọng được tự do, thoát khỏi cảnh giam cầm.

    Câu 5 (0.5 điểm).

    Viết đoạn 5 – 7 dòng nêu cảm nhận về hai câu thơ em tâm đắc nhất trong bài thơ trên.

    (HS cảm nhận, lí giải, phân tích được nét đặc sắc về nội dung, nghệ thuật của hai câu thơ lựa chọn)

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    Mở bài: Giới thiệu được vấn đề: Tình cảm của con người với quê hương: Gắn bó, yêu quê hương (0.5 điểm).

    Thân bài: (3.0 điểm).

    Triển khai vấn đề:

    + Tình cảm gắn bó của con người với quê hương được thể hiện qua những khía cạnh nào?

    - Tình cảm với cảnh sắc quê hương,

    - Tình cảm với món ăn quê hương,

    - Tình cảm với con người quê hương,

    - Tình cảm với lịch sử, truyền thống quê hương,

    - Tình cảm với phong tục tập quán quê hương..

    + Tình cảm đó được thể hiện ở mức độ như thế nào? (gắn bó, sâu sắc, thiêng liêng)

    + Tình cảm ấy có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống tinh thần của mỗi người..

    Kết bài: Khái quát: Tình cảm gắn bó với quê hương là tình cảm như thế nào? Liên hệ đến tình cảm của bản thân đối với quê hương. (0.5 điểm)

    Tiêu chí bổ sung (1.0 điểm) :

    - Xác định đúng yêu cầu đề bài. (0.25 điểm)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Miêu tả, tự sự, biểu cảm trong bài viết, biết liên hệ đến những ngữ liệu có liên quan. (0.5 điểm)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25 điểm)

    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 31 Tháng mười hai 2021
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 2

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ I

    MÔN: NGỮ VĂN 6

    I. ĐỌC – HIỂU (4.0 điểm)

    Đọc đoạn văn sau:

    Một hôm, qua một vùng cỏ xước xanh dài, tôi chợt nghe tiếng khóc tỉ tê. Đi vài bước nữa, tôi gặp chị Nhà Trò ngồi gục đầu bên tảng đá cuội.

    Chị Nhà Trò đã bé nhỏ lại gầy yếu quá, người bự những phấn, như mới lột. Chị mặc áo thâm dài, đôi chỗ chấm điểm vàng, hai cánh mỏng như cánh bướm non, lại ngắn chùn chùn. Hình như cánh yếu quá, chưa quen mở, mà cho dù có khỏe cũng chẳng bay được xa. Tôi đến gần, chị Nhà Trò vẫn khóc. Nức nở mãi, chị mới kể:

    – Năm trước, khi gặp trời làm đói kém, mẹ em phải vay lương ăn của bọn nhện. Sau đấy, không may mẹ em mất đi, còn lại thui thủi có mình em. Mà em ốm yếu, kiếm bữa cũng chẳng đủ. Bao năm nghèo túng vẫn hoàn nghèo túng. Mấy bận bọn nhện đã đánh em. Hôm nay bọn chúng chăng tơ ngang đường đe bắt em, vặt chân, vặt cánh ăn thịt em.

    Tôi xòe cả hai càng ra, bảo Nhà Trò:

    – Em đừng sợ. Hãy trở về cùng với tôi đây. Đứa độc ác không thể cậy khỏe ăn hiếp kẻ yếu.

    Rồi tôi dắt Nhà Trò đi.


    (Trích Dế Mèn phiêu lưu kí – Tô Hoài)

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1 (0.5 điểm). Trong chương trình Ngữ văn 6, em từng được học đoạn trích nào trong văn bản Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài?

    Câu 2 (0.5 điểm). Tìm những chi tiết trong đoạn văn trên cho thấy chị Nhà Trò rất yếu ớt?

    Câu 3 (1.0 điểm). Nhà Trò bị bọn nhện ức hiếp, đe dọa như thế nào? Em có đồng tình với hành động của bọn nhện không? Vì sao?

    Câu 4 (1.0 điểm). Những lời nói và cử chỉ nào nói lên tấm lòng nghĩa hiệp của Dế Mèn? Dế Mèn trong đoạn văn này đã có sự thay đổi như thế nào so với Dế Mèn trong đoạn văn em được học?

    Câu 5 (1.0 điểm). Biện pháp tu từ chủ đạo trong đoạn văn trên là gì? Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đó.

    II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Viết bài văn trình bày cảm nhận của em về bài ca dao:


    Gió đưa cành trúc la đà,

    Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.

    Mịt mù khói tỏa ngàn sương,

    Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.

    3. Đáp án, biểu điểm

    PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (4.0 điểm)

    Câu 1 (0.5 điểm).

    Đoạn văn được học trong văn bản Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài: "Bài học đường đời đầu tiên"

    Câu 2 (0.5 điểm).

    Những chi tiết trong đoạn văn trên cho thấy chị Nhà Trò rất yếu ớt:

    - Bé nhỏ gầy yếu quá.

    - Người bự những phấn như mới lột.

    - Hai cánh mỏng như cánh bướm non, ngắn chùn chùn, chưa quen mở, yếu ớt không bay xa được xa, kiếm ăn không đủ bữa, nghèo túng.

    Câu 3 (1.0 điểm).

    - Nhà Trò bị bọn nhện ức hiếp, đe dọa:

    Trước đây gặp lúc đói kém, mẹ của Nhà Trò có vay lương ăn của bọn Nhện, rồi mẹ Nhà Trò chết để lại Nhà Trò thui thủi một mình. Bản thân lại ốm yếu làm không đủ ăn, không trả được nợ nên bị bọn Nhện đánh. Hôm nay chúng lại còn giăng tơ chặn đường đe bắt, dọa sẽ vặt chân, vặt cánh ăn thịt Nhà Trò. (0.5 điểm).

    - Em không đồng tình với hành động trên của bọn nhện vì đó là những hành động xấu, đáng phê phán.. (0.5 điểm).

    Câu 4 (1.0 điểm).

    - Những lời nói và cử chỉ nói lên tấm lòng nghĩa hiệp của Dế Mèn:

    "Em đừng sợ. Hãy trở về cùng tôi đây. Đứa độc ác không thể cậy khỏe ăn hiếp yếu" rồi dẫn Nhà Trò đến chỗ bọn Nhện đang mai phục. (0.5 điểm).

    - Dế Mèn trong đoạn văn này đã có sự thay đổi như thế nào so với Dế Mèn trong đoạn "Bài học đường đời đầu tiên" là: Không còn ngông nghênh, hống hách, vô tâm nữa mà đã biết giúp đỡ, bảo vệ kẻ yếu thế hơn.. (0.5 điểm).

    Câu 5 (1.0 điểm).

    - Biện pháp tu từ chủ đạo trong đoạn văn trên: Nhân hóa (0.5 điểm).

    - Tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa: Giúp cho thế giới loài vật trở nên sinh động hơn, những con vật trở nên gần gũi, đáng yêu.. (0.5 điểm).

    PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Mở bài (0.5 điểm)

    Giới thiệu bài ca dao, nêu cảm xúc ban đầu của bản thân.

    Thân bài (4.0 điểm)

    Triển khai vấn đề:

    - Cảm nhận nét đặc sắc trong giá trị nội dung của bài ca dao :(3.5 điểm)

    + Bài ca dao là bức tranh phong cảnh đẹp, tĩnh lặng, yên bình của kinh thành Thăng Long vào thời điểm sáng sớm: Hình ảnh (gió, cành trúc, khói, sương, mặt hồ) ; âm thanh :(tiếng chuông, tiếng gà).

    + Bài ca dao thể hiện niềm tự hào về mảnh đất kinh thành, qua đó thể hiện tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng, thiết tha của tác giả.

    - Cảm nhận về nét đặc sắc trong giá trị nghệ thuật của bài ca dao :(0.5 điểm)

    + Thể thơ lục bát mang âm điệu du dương, trầm bổng.

    + Nghệ thuật tả cảnh đặc sắc: Lấy hữu thanh tả vô thanh, lấy động tả tĩnh; sự phối hợp hài hòa giữa đường nét, màu sắc, âm thanh.

    Kết bài (0.5 điểm)

    Khái quát lại nội dung, nghệ thuật bài ca dao, nêu cảm xúc sau khi đọc bài ca dao.

    Tiêu chí bổ sung (1.0 điểm)

    - Xác định đúng yêu cầu đề bài. (0.25 điểm)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Kể, tả, biểu cảm trong bài viết, biết liên hệ đến những ngữ liệu có liên quan. (0.5 điểm)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25 điểm)


    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 29 Tháng mười hai 2021
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 3

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HỌC KÌ 1

    MÔN: NGỮ VĂN 6

    PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (4.0 điểm)

    Đọc đoạn thơ sau:

    Ở đâu tre cũng xanh tươi,

    Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu.

    Có gì đâu, có gì đâu,

    Mỡ màu ít chắt dồn lâu hóa nhiều.

    Rễ siêng không ngại đất nghèo,

    Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù.

    (Trích Tre Việt Nam – Nguyễn Duy)​

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1 (0.5 điểm). Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào? Vì sao em xác định được thể thơ đó?

    Câu 2 (0.5 điểm). Đoạn thơ trên khiến em nhớ đến tác phẩm nào được học trong chương trình ngữ văn lớp 6, tác phẩm đó của ai?

    Câu 3 (1.0 điểm). Đoạn thơ trên ca ngợi vẻ đẹp gì của tre? Vẻ đẹp đó khiến em liên tưởng đến vẻ đẹp của ai?

    Câu 4 (1.0 điểm). Tình cảm của nhà thơ đối với cây tre Việt Nam được thể hiện như thế nào trong đoạn thơ trên?

    Câu 5 (1.0 điểm). Biện pháp tu từ sử dụng trong hai câu cuối của đoạn là gì? Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đó.

    PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Viết bài văn trình bày cảm nhận của em về bài ca dao:

    Đường lên xứ Lạng bao xa,

    Cách một trái núi với ba quãng đồng.

    Ai ơi, đứng lại mà trông,

    Kìa núi Thành Lạng, kìa sông Tam Cờ.

    3. Đáp án, biểu điểm, hướng dẫn chấm

    PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (4.0 điểm)

    Câu 1 (0.5 điểm).

    - Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ: Lục bát. (0.25 điểm).

    - Căn cứ: Cứ một câu 6 tiếng lại đến 1 câu 8 tiếng, luân phiên đến hết đoạn. (0.25 điểm).

    Câu 2 (0.5 điểm).

    - Đoạn thơ trên khiến em nhớ đến tác phẩm: "Cây tre Việt Nam" được học trong chương trình ngữ văn lớp 6. (0.25 điểm).

    - Tác phẩm đó của tác giả: Thép Mới (0.25 điểm).

    Câu 3 (1.0 điểm).

    - Đoạn thơ trên ca ngợi vẻ đẹp của tre: Siêng năng, cần cù, chịu thương chịu khó. (0.5 điểm).

    - Vẻ đẹp đó khiến em liên tưởng đến vẻ đẹp của con người Việt Nam (hoặc vẻ đẹp của người lao động/ người nông dân Việt Nam) (0.5 điểm).

    Câu 4 (1.0 điểm). Tình cảm của nhà thơ đối với cây tre Việt Nam: Yêu mến, tự hào, cảm phục, ngợi ca..

    Câu 5 (1.0 điểm).

    - Biện pháp tu từ sử dụng trong hai câu cuối của đoạn là: Nhân hóa (siêng, cần cù) (0.5 điểm).

    - Tác dụng của biện pháp tu từ đó: Nhấn mạnh vẻ đẹp của cây tre, cũng là vẻ đẹp của con người. Làm cho lời thơ thêm sinh động, gợi hình, biểu cảm. (0.5 điểm).

    PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Mở bài ( 0.5 điểm)

    Giới thiệu bài ca dao, nêu cảm xúc ban đầu khi đọc bài ca dao.

    Thân bài (4.0 điểm)

    Triển khai vấn đề: Bài văn cần làm nổi bật được các ý sau:

    - Nội dung:

    + Bài thơ là bức tranh thiên nhiên đẹp về mảnh đất cố đô Huế. Hình ảnh trung tâm là dòng sông Hương với những chuyến đò xuôi ngược. Theo sự di chuyển của những chuyến đò, từng địa danh xinh đẹp của xứ Huế đã hiện lên.

    + Bài thơ thể hiện tình yêu, niềm tự hào của tác giả dân gian đối với sông Hương, với cảnh trí non sông, đất nước.

    - Nghệ thuật: Thể thơ lục bát ngắn gọn, nhạc điệu du dương, trầm bổng; biện pháp tu từ liệt kê, tả cảnh ngụ tình..

    Kết bài (0.5 điểm) :

    Nêu suy nghĩ, đánh giá của người viết.

    Tiêu chí bổ sung (1.0 điểm) :

    - Xác định đúng yêu cầu đề bài. (0.25 điểm)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Miêu tả, tự sự, biểu cảm trong bài viết, biết liên hệ đến những ngữ liệu có liên quan. (0.5 điểm)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25 điểm)

    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 30 Tháng mười hai 2021
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024

    ĐỀ 4
    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi


    ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HỌC KÌ 1

    MÔN: NGỮ VĂN 6

    PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (4.0 điểm)

    Đọc bài ca dao sau:

    Đường vô xứ Huế quanh quanh,

    Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ.

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1 (0.5 điểm). Bài ca dao trên được viết theo thể thơ nào? Vì sao em xác định được thể thơ đó?

    Câu 2 (1.0 điểm). Em hãy nêu khái quát nội dung của bài ca dao trên.

    Câu 3 (1.0 điểm). Có thể xếp bài ca dao này vào chùm ca dao về quê hương đất nước mà em đã học không? Vì sao?

    Câu 4 (1.0 điểm). Biện pháp tu từ sử dụng trong câu cuối của bà ca dao là gì? Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đó.

    Câu 5 (0.5 điểm). Em hãy gieo vần cho câu kế tiếp của bài ca dao trên bằng cách chọn tiếng thích hợp để điền vào chỗ trống sau:

    Đường vô xứ Huế quanh quanh,

    Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ.


    Ai vô xứ Huế thì ...

    PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về tình cảm của con người với quê hương.

    3. Đáp án, biểu điểm, hướng dẫn chấm.

    PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (4.0 điểm)

    Câu 1 (0.5 điểm).

    - Bài ca dao trên được viết theo thể thơ: lục bát. (0.25 điểm).

    - Căn cứ: Câu trên tiếng, câu dưới 8 tiếng (0.25 điểm).

    Câu 2 (1.0 điểm).

    Nội dung: Bài ca dao ca ngợi vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của xứ Huế.

    Câu 3 (1.0 điểm).

    - Có thể xếp bài ca dao này vào chùm ca dao về quê hương đất nước mà em đã học. (0.5 điểm).

    - Vì: bài ca dao viết về vẻ đẹp của xứ Huế, thể hiện tình cảm của con người với quê hương. (0.5 điểm).

    Câu 4 (1.0 điểm).

    - Biện pháp tu từ: so sánh (0.5 điểm).

    - Tác dụng: Tô đậm, tạo ấn tượng về vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của thiên nhiên xứ Huế; làm cho lời thơ tăng tính gợi hình, biểu cảm. (0.5 điểm).

    Câu 5 (0.5 điểm). Gieo vần:

    Ai vô xứ Huế thì vô

    PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Mở bài: Giới thiệu được vấn đề: tình cảm của con người với quê hương: gắn bó, yêu quê hương (0.5 điểm).

    Thân bài (4.0 điểm).

    Triển khai vấn đề:

    + Tình cảm gắn bó của con người với quê hương được thể hiện qua những khía cạnh nào?

    - Tình cảm với cảnh sắc quê hương,

    - Tình cảm với món ăn quê hương,

    - Tình cảm với con người quê hương,

    - Tình cảm với lịch sử, truyền thống quê hương,

    - Tình cảm với phong tục tập quán quê hương...

    + Tình cảm đó được thể hiện ở mức độ như thế nào? (gắn bó, sâu sắc, thiêng liêng)

    + Tình cảm ấy có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống tinh thần của mỗi người...

    Kết bài: Khái quát: tình cảm gắn bó với quê hương là tình cảm như thế nào? Liên hệ đến tình cảm của bản thân đối với quê hương. (0.5 điểm)

    Tiêu chí bổ sung (1.0 điểm):

    - Xác định đúng yêu cầu đề bài. (0.25 điểm)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: miêu tả, tự sự, biểu cảm trong bài viết, biết liên hệ đến những ngữ liệu có liên quan. (0.5 điểm)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu ...(0.25 điểm)

    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 29 Tháng mười hai 2021
  5. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 5

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ THI CHẤT LƯỢNG HỌC KÌ I

    MÔN: NGỮ VĂN 6

    PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (4.0 điểm)

    Đọc đoạn trích sau:

    Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm, Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về.

    (Trích "Người lài đò Sông Đà" – Nguyễn Tuân)​

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1 (0.5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên.

    Câu 2 (1.0 điểm). Hình ảnh được miêu tả trong đoạn văn trên là hình ảnh gì? Qua cách miêu tả của nhà văn, em thấy hình dáng và màu sắc Sông Đà có gì đặc biệt?

    Câu 3 (0.5 điểm). Đoạn văn thể hiện tình cảm của nhà văn đối với Sông Đà như thế nào?

    Câu 4 (1.0 điểm). Biện pháp tu từ chủ đạo trong đoạn văn trên là gì? Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đó.

    Câu 5 (1.0 điểm). Em hãy liệt kê các từ láy được sử dụng trong đoạn văn trên.

    PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Em hãy viết bài văn trình bày cảm nhận của em về bài ca dao:

    Đò từ Đông Ba, đò qua Đập Đá,

    Đò về Vĩ Dạ, thẳng ngã ba Sình.

    Lờ đờ bóng ngả trăng chênh,

    Tiếng hò xa vọng, nặng tình nước non.


    3. Đáp án, biểu điểm, hướng dẫn chấm.

    PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (4.0 điểm)

    Câu 1 (0.5 điểm).

    Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên: Phương thức miêu tả (0.5 điểm)

    Câu 2 (1.0 điểm).

    - Hình ảnh được miêu tả trong đoạn văn trên là hình ảnh Sông Đà (0.5 điểm).

    - Hình dáng Sông Đà: Mềm mại, duyên dáng (0.25 điểm).

    - Màu sắc Sông Đà: Biến ảo theo mùa: Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, mùa thu nước lừ lừ chín đỏ (0.25 điểm).

    Câu 3 (0.5 điểm).

    Tình cảm của nhà văn: Yêu mến, say mê, thích thú..

    Câu 4 (1.0 điểm).

    - Biện pháp tu từ: So sánh (0.5 điểm).

    - Tác dụng: Tô đậm, tạo ấn tượng về vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của Sông Đà; làm cho lời văn thêm sinh động, hấp dẫn, tăng tính gợi hình, biểu cảm. (0.5 điểm).

    Câu 5 (1.0 điểm). Các từ láy: Cuồn cuộn, say sưa, lừ lừ, bực bội (mỗi từ đúng: 0.25 điểm)

    PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Mở bài (0.5 điểm)

    Giới thiệu bài ca dao, nêu cảm xúc ban đầu khi đọc bài ca dao.

    Thân bài (4.0 điểm)

    Triển khai vấn đề: Bài văn cần làm nổi bật được các ý sau:

    - Nội dung:

    + Bài thơ là bức tranh thiên nhiên đẹp về mảnh đất cố đô Huế. Hình ảnh trung tâm là dòng sông Hương với những chuyến đò xuôi ngược. Theo sự di chuyển của những chuyến đò, từng địa danh xinh đẹp của xứ Huế đã hiện lên.

    + Bài thơ thể hiện tình yêu, niềm tự hào của tác giả dân gian đối với sông Hương, với cảnh trí non sông, đất nước.

    - Nghệ thuật: Thể thơ lục bát (biến thể) ngắn gọn, nhạc điệu du dương, trầm bổng; biện pháp tu từ liệt kê, tả cảnh ngụ tình..

    Kết bài (0.5 điểm) :

    Nêu suy nghĩ, đánh giá của người viết.

    Tiêu chí bổ sung: (1.0 điểm) :

    - Xác định đúng yêu cầu đề bài. (0.25 điểm)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Miêu tả, tự sự, biểu cảm trong bài viết, biết liên hệ đến những ngữ liệu có liên quan. (0.5 điểm)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25 điểm)

    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 29 Tháng mười hai 2021
  6. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 6

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ THI CHẤT LƯỢNG HỌC KÌ I

    MÔN: NGỮ VĂN 6

    PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (4.0 điểm)

    Đọc đoạn thơ sau:

    Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!

    Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt

    Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát

    Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca..


    (Trích "Ta đi tới" – Tố Hữu)

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1 (0.5 điểm). Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ gì?

    Câu 2 (0.5 điểm). Những hình ảnh đẹp của Tổ quốc được tác giả liệt kê trong đoạn thơ là những hình ảnh nào?

    Câu 3 (1.0 điểm). Em hãy khái quát nội dung của đoạn thơ trên.

    Câu 4 (1.0 điểm). Em hãy xác định nghĩa của từ "đồng" trong câu thơ thứ hai, sau đó hãy tìm thêm hai từ đồng âm có yếu tố "đồng".

    Câu 5 (1.0 điểm). Em hãy liệt kê các từ láy được sử dụng trong đoạn thơ trên và chỉ ra tác dụng của chúng.

    PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Em hãy viết bài văn tả cảnh sinh hoạt cuối tuần của gia đình em.

    3. Đáp án, biểu điểm, hướng dẫn chấm.

    PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (4.0 điểm)

    Câu 1 (0.5 điểm).

    Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ: Tự do (0.5 điểm)

    Câu 2 (0.5 điểm).

    Những hình ảnh đẹp của Tổ quốc được tác giả liệt kê trong đoạn thơ là: Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh, nắng, sông Lô, chuyến phà, bến nước.

    Câu 3 (1.0 điểm).

    Nội dung:

    - Đoạn thơ ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, đất nước Việt Nam. (0.75 điểm).

    - Từ đó thể hiện tình yêu, niềm tự hào của tác giả về đất nước mình. (0.25 điểm).

    Câu 4 (1.0 điểm).

    - Nghĩa của từ "đồng" : Là khu đất có không gian rộng để trồng cấy lúa hoặc cây màu (0.5 điểm).

    - Hai từ đồng âm có yếu tồ "đồng" : đồng chí, đồng tiền hoặc đồng tâm, trống đồng.. (mỗi từ đúng: 0.25 điểm).

    Câu 5 (1.0 điểm).

    - Các từ láy: ngào ngạt, dào dạt (mỗi từ đúng: 0.25 điểm)

    - Tác dụng: Tô đậm vẻ đẹp của cảnh thiên nhiên, tăng tình gợi hình, biểu cảm cho lời thơ (0.5 điểm).

    PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

    Yêu cầu:

    - Về hình thức: Bài văn cần có 3 phần rõ ràng mở bài, thân bài và kết bài.

    - Về nội dung:

    Mở bài (0.5 điểm) :

    Giới thiệu khái quát về cảnh sum họp của gia đình em:

    - Thời gian: Vào dịp cuối tuần

    - Không gian: Ngôi nhà của em.

    - Nhân vật: Những người thân trong gia đình.

    Thân bài (4.0 điểm) :

    - Cách bài trí trong nhà, dưới bếp.

    - Không khí trong nhà: Vui vẻ, ấm áp, tiếng cười nói, nô đùa..

    - Diễn biến buổi sum họp: Mọi người cùng ăn cơm, trò chuyện, chơi đùa..

    - Tâm trạng của các thành viên trong gia đình: Vui vẻ, hạnh phúc..

    Kết bài (0.5 điểm) :

    - Cảm xúc của bản thân.

    - Mong có nhiều dịp được sum họp đầy đủ với người thân.

    - Nhận ra rằng gia đình quả là một tổ ấm không thể thiếu đối với mỗi con người.

    Tiêu chí bổ sung: (1.0 điểm) :

    - Xác định đúng yêu cầu đề bài. (0.25 điểm)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Kể, tả, biểu cảm trong bài viết.. (0.5 điểm)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25 điểm)

    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 29 Tháng mười hai 2021
  7. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 7

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ THI CHẤT LƯỢNG HỌC KÌ I

    MÔN: NGỮ VĂN 6

    PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (5.0 điểm)

    Đọc đoạn thơ sau:

    Ngẫm trong cổ tích ngày xưa

    Ẩn điều đạo lý ai chưa tỏ tường?

    Rằng là những kẻ bất lương,

    Lừa người phản bạn tìm đường vinh thân.

    Giàu sang có được lúc gần,

    Về sau quả báo nhận phần tai ương.

    Những người trung thực hiền lương,

    Giúp người chẳng ngại đâu lường hiểm nguy

    Sang hèn chẳng thiết so bì,

    Tâm hồn thanh thản xá gì tử sinh.

    (Trích Thạch Sanh, Lý Thông, thơ sưu tầm)

    Thực hiện yêu cầu:

    Câu 1 (1.0 điểm). Đoạn thơ trên được làm theo thể thơ nào? Căn cứ xác định thể thơ đó là gì?


    Câu 2 (1.0 điểm). Nội dung của đoạn thơ trên là gì? Đoạn thơ khiến em nhớ đến bài thơ nào đã học?

    Câu 3 (1.0 điểm). Theo tác giả, những kẻ bất lương thì sẽ nhận kết cục ra sao? Những người như thế nào được tác giả gọi là "trung thực hiền lương"?

    Câu 4 (1.0 điểm). Cụm từ "những người trung thực hiền lương" thuộc cụm từ loại gì? Phân tích cấu trúc của cụm từ này.

    Câu 5 (1.0 điểm). Em hãy tìm 2 thành ngữ dân gian có liên quan đến đoạn thơ trên.

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    Viết bài văn chia sẻ trải nghiệm về một cảnh thiên nhiên đẹp nơi em sống hoặc từng đến.


    3. Đáp án, biểu điểm, hướng dẫn chấm

    PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (5.0 điểm)

    Câu 1 (1.0 điểm). Mỗi ý đúng 0.5 điểm:

    - Thể thơ: Lục bát

    - Căn cứ: Câu trên 6 tiếng, câu dưới 8 tiếng.

    Câu 2 (1.0 điểm).

    - Nội dung: Đoạn thơ trên thể hiện suy ngẫm của tác giả về đạo lý dân tộc được gửi gắm trong truyện cổ tích: Ở hiền thì gặp lành, ở ác thì gặp ác.

    - Đoạn thơ khiến em nhớ đến bài thơ: "Chuyện cổ nước mình" của Lâm Thị Mỹ Dạ.

    (Mỗi ý đúng 0.5 điểm).

    Câu 3 (1.0 điểm). Mỗi ý đúng 0.5 điểm:

    - Những kẻ bất lương phải nhận "quả báo", "tai ương", nghĩa là phải chịu trừng phạt.

    - Những "trung thực hiền lương" là những người biết giúp người, chẳng ngại hiểm nguy, không so bì sang hèn, tâm hồn thanh thản.

    Câu 4 (1.0 điểm). Mỗi ý đúng 0.5 điểm:

    - Cụm từ "Những người trung thực hiền lương" thuộc loại cụm danh từ.

    - Cấu trúc: "Người" - danh từ trung tâm ; "những" - thành phần phụ trước; "trung thực", "hiền lương" - thành phần phụ sau, bổ sung rõ nghĩa cho danh từ trung tâm.

    Câu 5 (1.0 điểm). Mỗi ý đúng 0.5 điểm:

    - Ở hiền gặp lành.

    - Ác giả ác báo (hoặc: Gieo nhân nào gặp quả nấy).

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    Mở bài: Giới thiệu nơi em sống hoặc từng đến. (0.5 điểm)

    Thân bài: Triển khai vấn đề :(3.0 điểm)

    + Hoàn cảnh dẫn đến trải nghiệm mà em muốn chia sẻ (nơi sinh sống, hoặc nơi từng đi đến tham quan, đi thực tế)

    + Tả khung cảnh mà em quan sát được: Theo trình tự không gian, theo trình tự thời gian hoặc kết hợp cả hai trình tự này.

    + Cảm nhận về khung cảnh mà em quan sát được: Nhộn nhịp, rộn rã, náo nhiệt hay yên tĩnh, bình lặng.

    + Ấn tượng nổi bật của em về khung cảnh em nói đến.

    Kết bài: tình cảm của em đối với nơi em nói đến. (0.5 điểm).

    Tiêu chí bổ sung:

    - Xác định đúng yêu cầu đề bài. (0.25 điểm)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Kể, tả, biểu cảm trong bài viết, biết liên hệ đến những ngữ liệu có liên quan. (0.5 điểm)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25 điểm)


    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 29 Tháng mười hai 2021
  8. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 8

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    PHẦN I. ĐỌC – HIỂU
    (5.0 điểm)

    Đọc bài thơ sau:

    Ông từ giữ đền ơi xin ông đấy
    Chấp với bọn trẻ ranh rửng mỡ làm gì
    Thế là ông cười rồi ông nhỉ
    Cho chúng nó chơi đừng đuổi chúng đi.

    Này thằng Tâm con nhà bố Tầm
    Trước cửa đền xin đừng giồng cây chuối
    Lại còn hét như giặc cái
    Con bé cái Nhân con bà Nhẫn kia.

    Những mắt cười vê tít lại cứ như sợi chỉ
    Gạch sân đền ấm lên ửng má
    Tiếng trẻ con non màu lá mạ
    Vệt mồ hôi tươi mới quệt ngang mày.

    Thật tuyệt vời thằng cháu ông Đương
    Ngón tay cái rất to cho được vào lỗ mũi
    Ra đây nhảy dây, ra đây trốn đuổi
    Chúng như là hạt mẩy dưới hoàng hôn.

    Hoa mẫu đơn cũng tưng bừng í ới
    Khói hương bài thơm tỉ tê lân la
    Cây vun tán lên vun xôi đóng oản
    Gió liu riu cho thấm tháp chan hòa.


    Chợt ngẫm thấy trẻ em là giỏi nhất
    Làm được buổi chiều rất giống ban mai
    Thánh cũng hân hoan... đố ai biết được
    Ngài ở trong kia hay ở ngoài này?

    (Những đứa trẻ chơi trước cửa đền - Thi Hoàng)


    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1 (1.0 điểm). Xác định thể thơ của văn bản? Nêu căn cứ để xác định thể thơ?

    Câu 2 (1.0 điểm). Tìm những chi tiết miêu tả sự hồn nhiên, tinh nghịch của những đứa trẻ khi chơi trước cửa đền. Sự hồn nhiên, tinh nghịch ấy đã tác động đến sự vật xung quanh và đến thánh thần như thế nào?

    Câu 3 (1.0 điểm). Theo em, ý nghĩa rút ra từ hai câu thơ: "Chợt ngẫm thấy trẻ em là giỏi nhất/ Làm được buổi chiều rất giống ban mai" là gì? Viết từ 3 – 5 câu về thông điệp đó.

    Câu 4 (1.0 điểm). Bài thơ thể hiện tình cảm của nhà thơ dành cho trẻ em như thế nào? Bài thơ khiến em liên tưởng đến bài thơ nào đã học trong chương trình Ngữ văn 6?

    Câu 5 (1.0 điểm). Tìm biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ sau và nêu tác dụng của chúng: Chúng như là hạt mẩy dưới hoàng hôn.

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    Viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về tình cảm của con người với quê hương.

    3. Đáp án, biểu điểm, hướng dẫn chấm.

    PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (5.0 điểm)

    Câu 1 (1.0 điểm).

    - Thể thơ: Tự do

    - Căn cứ để xác định thể thơ: số tiếng trong từng câu không giống nhau.

    (Mỗi ý đúng 0.5 điểm)

    Câu 2 (1.0 điểm).

    - Những chi tiết miêu tả sự hồn nhiên, tinh nghịch của những đứa trẻ khi chơi trước cửa đền: giồng cây chuối, hét, mắt cười, nhảy dây, trốn đuổi, cho tay vào lỗ mũi, tay quệt mồ hôi...

    - Sự hồn nhiên, tinh nghịch ấy đã tác động đến sự vật xung quanh và đến thánh thần: : Làm cho cảnh vật cùng thánh thần cũng vui lây và như đang tham dự cùng trò chơi của bọn trẻ (hoa "tưng bừng í ới"; khói hương "tỉ tê lân la"; gió "thấm tháp chan hòa"; thánh "hân hoan").

    (Mỗi ý đúng 0.5 điểm)

    Câu 3 (1.0 điểm).

    Ý nghĩa rút ra từ hai câu thơ: "Chợt ngẫm thấy trẻ em là giỏi nhất/ Làm được buổi chiều rất giống ban mai" : Trẻ em vô cùng hồn nhiên, vui vẻ. Sự hồn nhiên, vui vẻ ấy làm cho thế giới trẻ thơ trở nên sinh động, đáng yêu. Đặc biệt, sự vô tư, yêu đời của trẻ thơ đã lan tỏa niềm vui đến thế giới xung quanh, đến mọi người; biến buồn thành vui; biến buổi chiều ảm đạm thành ban mai tươi tắn, rực rỡ. Trẻ em có vai trò rất quan trọng đối với sự sống này. Vì vậy, chúng ta cần phải yêu mến, trân trọng trẻ em.

    Câu 4 (1.0 điểm).

    - Bài thơ thể hiện tình cảm yêu mến, trân trọng, nâng niu của nhà thơ dành cho trẻ em.

    - Bài thơ khiến em liên tưởng đến bài thơ: "Chuyện cổ tích về loài người" của Xuân Quỳnh.

    (Mỗi ý đúng 0.5 điểm)

    Câu 5 (1.0 điểm).

    - Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ Chúng như là hạt mẩy dưới hoàng hôn: So sánh (trẻ em như hạt mẩy)

    - Tác dụng: Nhấn mạnh sự hồn nhiên, tinh nghịch, vui vẻ, căng đầy sức sống của trẻ em. Đồng thời, phép so sánh còn làm cho câu thơ thêm gợi hình, biểu cảm.

    (Mỗi ý đúng 0.5 điểm)

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    Mở bài: Giới thiệu được vấn đề: Tình cảm của con người với quê hương: Gắn bó, yêu quê hương (0.5 điểm).

    Thân bài :(3.0 điểm).

    Triển khai vấn đề:

    + Tình cảm gắn bó của con người với quê hương được thể hiện qua những khía cạnh nào?

    - Tình cảm với cảnh sắc quê hương,

    - Tình cảm với món ăn quê hương,

    - Tình cảm với con người quê hương,

    - Tình cảm với lịch sử, truyền thống quê hương,

    - Tình cảm với phong tục tập quán quê hương..

    + Tình cảm đó được thể hiện ở mức độ như thế nào? (gắn bó, sâu sắc, thiêng liêng)

    + Tình cảm ấy có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống tinh thần của mỗi người..

    Kết bài: Khái quát: Tình cảm gắn bó với quê hương là tình cảm như thế nào? Liên hệ đến tình cảm của bản thân đối với quê hương. (0.5 điểm)

    Tiêu chí bổ sung (1.0 điểm) :

    - Xác định đúng yêu cầu đề bài. (0.25 điểm)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Miêu tả, tự sự, biểu cảm trong bài viết, biết liên hệ đến những ngữ liệu có liên quan. (0.5 điểm)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25 điểm)
     
    Chỉnh sửa cuối: 29 Tháng mười hai 2021
  9. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 9

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ I

    MÔN: NGỮ VĂN 6

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

    Đọc đoạn thơ sau:

    Bà hành khất đến ngõ tôi,

    Bà tôi cung cúc ra mời vào trong.

    Lưng còng đỡ lấy lưng còng,

    Thầm hai tiếng gậy tụng trong nắng chiều.

    Nhà nghèo chẳng có bao nhiêu,

    Gạo còn hai ống chia đều thảo thơm.

    Nhường khách ngồi chiếc chổi rơm,

    Bà ngồi dưới đất mắt buồn ngó xa..


    (Trích "Bà tôi" - Kao Sơn)

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1 (1.0 điểm). Xác định thể thơ, nêu căn cứ để xác định thể thơ.

    Câu 2 (1.0 điểm). Em hãy tìm những chi tiết thể hiện cách cư xử của bà đối với người hành khất? Đó là cách cư xử như thế nào?

    Câu 3 (1.0 điểm). Em hãy nêu cách hiểu của mình về nghĩa của từ "cung cúc"? Hãy tìm những từ ngữ khác cùng biểu đạt nghĩa giống từ "cung cúc".

    Câu 4 (1.0 điểm). Hai tiếng "lưng còng" trong câu thơ: Lưng còng đỡ lấy lưng còng thuộc phép tu từ gì? Nêu tác dụng của phép tu từ đó.

    Câu 5 (1.0 điểm). Em hãy viết đoạn văn khoảng 5 – 7 câu cảm nhận về ý nghĩa nhân văn của bài thơ trên.

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    Viết bài văn kể lại một trải nghiệm đáng nhớ với người bạn mà em thân thiết nhất.

    3. Đáp án, biểu điểm, hướng dẫn chấm.

    PHẦN I. ĐOCH HIỂU (5.0 điểm)

    Câu 1 (1.0 điểm).

    - Thể thơ: Lục bát.

    - Căn cứ: Mỗi cặp gồm 1 câu lục 6 tiếng và 1 câu bát 8 tiếng.

    Câu 2 (1.0 điểm).

    - Những chi tiết thể hiện cách cư xử của bà đối với người hành khất: Cung cúc ra mời vào; đỡ người hành khất; biếu gạo; nhường khách ngồi chổi rơm...

    - Đó là cách ứng xử nhân văn, đầy tình người.

    Câu 3 (1.0 điểm).

    - Cung cúc: Từ "cung cúc" miêu tả hành động vội vàng, sốt sắng và thái độ hồ hởi, kính trọng, đầy chân tình của bà đối với người hành khất.

    - Các từ khác tương tự nghĩa: đon đả, hồ hởi, xởi lởi...

    Câu 4 (1.0 điểm).
    - Biện pháp tu từ trong câu thơ:

    Lưng còng đỡ lấy lưng còng

    + Hoán dụ: Lưng còng, ý chỉ người già, lưng bị còng.

    + Chơi chữ: Qua cách dùng từ đồng âm (từ "lưng còng" thứ nhất chỉ người bà; từ "lưng còng" thứ hai chỉ người hành khất).

    - Tác dụng:

    + Nhấn mạnh ý nghĩa câu thơ: thể hiện tình cảm chân tình, cảm thông, thấu hiểu của người bà đối với người hành khất.

    + Tăng tình gợi hình, biểu cảm, sức hấp dẫn cho lời thơ.

    Câu 5 (1.0 điểm). Ý nghĩa nhân văn của bài thơ thể hiện ở sự trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp của tình người trong cách cư xử của người bà đối với người hành khất. Bà không xua đuổi, miệt thị mà ngược lại, bà có cách cư xử ấm áp, chân tình, thấu hiểu. Từ đó, bài thơ thể hiện những giá trị tư tưởng sâu xa hơn: niềm tin vào những điều tốt đẹp, tin vào sức mạnh của tình người...

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm) - tham khảo các đề trên

    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 29 Tháng mười hai 2021
  10. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 10

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ I

    MÔN: NGỮ VĂN 6

    PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (5.0 điểm)

    Đọc bài thơ sau:

    Cây dừa xanh toả nhiều tàu
    Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng
    Thân dừa bạc phếch tháng năm
    Quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao.

    Đêm hè hoa nở cùng sao
    Tàu dừa – chiếc lược chải vào mây xanh
    Ai mang nước ngọt, nước lành
    Ai đeo bao hũ rượu quanh cổ dừa.

    Tiếng dừa làm dịu nắng trưa
    Gọi đàn gió đến cùng dừa múa reo
    Trời trong đầy tiếng rì rào
    Đàn cò đánh nhịp bay vào bay ra...

    Đứng canh trời đất bao ...
    Mà dừa đủng đỉnh như ... đứng chơi


    (Cây dừa, Trần Đăng Khoa)

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1 (1.0 điểm). Xác định thể thơ và chỉ ra cách gieo vần trong 4 câu thơ đầu.

    Câu 2 (1.0 điểm). Nhà thơ đã miêu tả những bộ phận nào của cây dừa? Nét độc đáo trong cách miêu tả của nhà thơ là gì?

    Câu 3 (1.0 điểm). Qua bài thơ, em cảm nhận được những vẻ đẹp gì của cây dừa? Vẻ đẹp đó ẩn dụ cho vẻ đẹp của ai?

    Câu 4 (1.0 điểm). Xác định biện pháp tu từ sử dụng trong câu Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đó.

    Câu 5 (1.0 điểm). Em hãy tập gieo vần cho hai câu cuối bài thơ bằng cách điền tiếng còn thiếu vào dấu ba chấm (...)

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    Viết bài văn kể lại một chuyến đi đáng nhớ của em.

    3. Đáp án, biểu điểm

    PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (5.0 điểm)

    Câu 1 (1.0 điểm)

    - Thể thơ: lục bát

    - Cách gieo vần trong 4 câu thơ đầu:

    Cây dừa xanh toả nhiều tàu
    Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng
    Thân dừa bạc phếch tháng năm
    Quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao.


    Tiếng "tàu" trong câu 1 vần với tiếng "đầu" trong câu 2.

    Tiếng "trăng" trong câu 2 vần với tiếng "năm" trong câu 3.

    Tiếng "năm" trong câu 3 vần với tiếng "nằm" trong câu 4.

    Câu 2 (1.0 điểm).

    - Nhà thơ đã miêu tả những bộ phậncủa cây dừa: tàu dừa, thân dừa, quả dừa, cổ dừa (nơi giáp tàu dừa với thân dừa)

    - Nét độc đáo trong cách miêu tả của nhà thơ: nhà thơ miêu tả những bộ phận ấy trong sự liên hệ với những sự vật khác tương đồng: tàu dừa – như chiếc lược chải vào mây xanh; quả dừa – như đàn lợn con; đồng thời nhà thơ còn hình dung cây dừa như con người biết dang tay, gật đầu... khiến cho cây dừa hiện lên sinh động, đáng yêu.

    Câu 3 (1.0 điểm).

    - Qua bài thơ, em cảm nhận được những vẻ đẹp của cây dừa: Sống chan hòa với nằng gió, thiên nhiên; nhân hậu, thân thiện, vui vẻ, luôn hiên ngang và dũng cảm..

    - Vẻ đẹp của dừa ẩn dụ cho vẻ đẹp của con người.

    Câu 4 (1.0 điểm).

    - Biện pháp tu từ sử dụng trong câu Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng: Nhân hòa (dang tay, gật đầu).

    - Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ: Khiến cho cây dừa như có hành động của con người, mang vẻ đẹp của con người: Thân thiện, yêu thiên nhiên, sống chan hòa với thiên nhiên; làm cho lời thơ tăng tính gợi hình, biểu cảm.

    Câu 5 (1.0 điểm).

    Gieo vần cho hai câu cuối bài thơ bằng cách điền tiếng còn thiếu vào dấu ba chấm:

    Đứng canh trời đất bao la

    Mà dừa đủng đỉnh như đứng chơi.

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    1. Mở bài: (0.5 điểm)

    Nêu nhận xét khái quát về chuyến đi mà em muốn kể.

    Lưu ý: Học sinh lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân.

    2. Thân bài: (3.0 điểm)

    - Nêu lí do có chuyến đi dáng nhớ. (được bố mẹ thưởng vì học giỏi, nhà trường tổ chức)

    - Người tham gia: Tham gia chuyến đi có những ai? Thời gian xảy ra là bao giờ? Địa điểm ở đâu?

    - Chuẩn bị: Trước khi đi em và mọi người chuẩn bị những gì?

    - Tâm trạng: Tâm trạng của em và mọi người thế nào? (Vui vẻ, háo hức, hồi hộp)

    - Diễn biến chuyến đi

    + Kể lại hành trình chuyến đi: Bắt đầu đi lúc nào? Trên đường đi cảnh vật ra sao? Em cùng mọi người làm những gì (hát hò, trò chuyện vui vẻ, ăn uống, chơi trò chơi).

    + Khi đến nơi em cảm nhận thế nào về cảnh vật nơi đó (đẹp đẽ, thơ mộng trữ tình, hay nguy nga tráng lệ, trang nghiêm).

    + Em và mọi người có những hoạt động gì ở đây: Kể theo trình tự nhất định (thường là trình tự thời gian, sự việc nào xảy ra trước thì kể trước, sự việc nào xảy ra sau thì kể sau) để tránh bỏ sót chi tiết.

    - Kết thúc chuyến đi du lịch

    + Kết thúc chuyến đi mọi người trở về với tâm trạng thế nào?

    + Em có cảm nghĩ gì về chuyến đi này? Có dự định quay lại đây hay không?

    + Chuyến đi tạo cho em động lực gì để tiếp tục cố gắng?

    3. Kết bài: (0.5 điểm)

    - Điều gì đáng nhớ nhất ở chuyến đi?

    - Suy nghĩ về bài học rút ra từ chuyến đi, hoặc mong ước về những chuyến đi bổ ích, lý thú tiếp theo.

    Tiêu chí bổ sung: (1.0 điểm) :

    - Xác định đúng yêu cầu đề bài. (0.25 điểm)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Miêu tả, tự sự, biểu cảm trong bài viết. (0.5 điểm)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25 điểm)

    Xem tiếp bên dưới..
     
    Chỉnh sửa cuối: 31 Tháng mười hai 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...