Nghị luận xã hội: Văn hóa so sánh của người Việt Nam

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Nam Dã Tú Nhất, 19 Tháng mười 2021.

  1. Nam Dã Tú Nhất Đi đâu vô đây? Tôi không hoan nghênh đâu!

    Bài viết:
    121
    Đề bài: Viết bài văn nghị luận về văn hóa so sánh của người Việt Nam.

    Bài làm​

    Thời còn bé, không ít người từng nghe câu "Con mình không bằng con người ta", hoặc những câu có nội dung tương tự do cha mẹ hoặc ai đó nói ra. Những lời nói như vậy, phụ huynh nghĩ là bình thường nhưng với trẻ con - những nạn nhân của những lời nói đó - là một sự xúc phạm và tổn thương nặng nề về mặt tinh thần. So sánh không chỉ là cách dạy con sai lầm mà còn là văn hóa của người Việt Nam trong mọi mặt cuộc sống.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Người ta thường có thói quen đem vật này so sánh với vật kia, đem người này so sánh với người kia, và thậm chí là đem chính bản thân mình so sánh với người khác vì nhiều lý do. Ai cũng nghĩ những lời nói, hành động mang tính so sánh là bình thường, là vô hại nhưng thật ra không đơn giản như vậy. Bởi nếu so sánh chỉ là một hành động, một lời nói đơn thuần thì nó sẽ không được mang ra luận bàn và được đặt tên là "Văn hóa so sánh".

    Trước hết, cần phải hiểu văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần được con người tạo dựng cùng với bề dài lịch sử dân tộc, văn hóa là một khái niệm rộng, liên quan đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội của mỗi con người. Và từ xưa đến nay, văn hóa so sánh đã tồn tại và phát triển song song với con người Việt Nam trong từng giai đoạn, từng thời điểm. Đó là một giá trị tinh thần mang sắc thái tích cực và tiêu cực cùng những mặt lợi, hại và những tác động nhất đến từng con người, từng thời điểm nhất định.

    Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, ông cha ta thường so sánh những nghệ thuật cầm binh, dùng người. Các chiến lược, chiến thuật như đánh úp, đánh du kích, đánh nhanh thắng nhanh hay đánh trường kì đều được cân nhắc, so sánh những ưu điểm, khuyết điểm nhằm tìm ra những mặt mạnh mặt yếu để áp dụng cho phù hợp với từng thời điểm, từng kiểu địa hình. Việc so sánh như vậy giúp hạn chế thương vong, nhanh chóng đảo chiều thế trận trên các chiến trường và giành phần thắng một cách nhanh chóng.

    Ở thời bình, không cần phải tìm kiếm quá xa, hành động, lời nói mang tính so sánh thường được các chị, các bà nội trợ dùng nhiều ở chợ. Trước một món đồ có hai người bán, người mua sẽ ghé vào hỏi thăm giá cả ở từng nơi rồi cầm lên xem xét kỹ lưỡng. Cùng là một món đồ, tiểu thương đầu tiên bán hai mươi ngàn đồng, tiểu thương tiếp theo bán mười chín ngàn đồng, chất lượng ngang nhau, màu sắc không sai khác, lẽ đương nhiên người mua sẽ chọn mua sản phẩm của tiểu thương thứ hai. Việc so sánh như vậy giúp người mua tìm được món đồ chất lượng, giá cả phải chăng và tiết kiệm được một khoản tiền nho nhỏ.

    Tuy nhiên, không phải lúc nào việc so sánh giá cả, chất lượng giữa các món đồ, các nhu yếu phẩm cũng giúp người mua có được những lựa chọn đúng đắn. Thời gian gần đây, đã có rất nhiều tiểu thương thích đánh vào tâm lý thích mua đồ rẻ của nhiều người mà sử dụng những tiểu xảo, mánh khóe tinh vi lừa gạt người tiêu dùng. Nếu không cẩn thận lựa chọn, cân nhắc, người mua hàng sẽ rơi vào bẫy dẫn đến tốn tiền mà chẳng mua được món đồ ưng ý.

    Khi còn đi học, chắc chắn không có ít lần các học sinh được làm dạng bài tập so sánh giữa các nhân vật trong các tác phẩm văn học. Từng có người nói hai nhân vật thuộc hai tác phẩm khác nhau thì làm sao mà so sánh. Xin trả lời rằng việc so sánh này bao gồm so sánh thời điểm lịch sử tác phẩm có chứa nhân vật ra đời, so sánh cuộc sống, tư tưởng và kết cục của nhân vật, từ đó rút ra những kết luận riêng theo yêu cầu của từng kiểu đề thi, đề kiểm tra.

    Việc so sánh như vậy giúp học sinh thấu hiểu về từng thời kì lịch sử của đất nước, từng phận người sống ở những giai đoạn mà bản thân chưa từng được sống để thêm yêu cuộc sống, quý trọng hiện tại, quý trọng thành quả đấu tranh của thế hệ cha anh đi trước.

    Những nạn nhân của văn hóa so sánh không chỉ dừng lại ở bó rau, con cá, một vài tác phẩm mà còn là tuổi trẻ - những người gánh trên vai sứ mệnh xây dựng tương lai của bản thân và đất nước.

    Từ lúc mới sinh ra, các em đã được các mẹ mang ra so sánh cân nặng, thể hình. Mẹ này khen con của mình da trắng, dáng xinh, tròn trịa mũm mĩm rồi chê bai con của mẹ kia gầy gò, đen đúa, kém sang. Có lẽ đó chỉ là thói quen nói cho vui miệng của những bà nội trợ thời kì bỉm sữa nhưng vô hình chung đã gây ra sự tủi thân, ganh tỵ giữa những bà mẹ. Từ những cảm xúc tiêu cực đó, các mẹ có con bị chê liền nghĩ cách làm cho con mập tròn, trắng trẻo cho được lòng bà hàng xóm.

    Khi các bé lớn hơn một chút thì lại được mang ra so sánh về chiều cao, cân nặng, về khả năng nói năng, thậm chí là lấy cả tính cách, thói quen của bé này để so sánh với bé kia.

    Trong mắt các mẹ, đứa trẻ lanh lợi là phải biết nói nhanh, hét lớn, dạn dĩ và thích chốn đông người. Khi thấy một bé suốt ngày ngồi ru rú một chỗ, nghịch đất nghịch cát và ít nói thì họ sẽ kết luận bé ấy khờ khạo, bị tự kỷ và kết tội bà mẹ không biết dạy con. Chẳng ai biết sự thật đằng sau là vì mẹ phải lo nhiều việc, không có thời gian chơi đùa cùng bé nên bé tự tìm đến những trò chơi khác để mẹ không nhọc lòng lo lắng.

    Thú vui so sánh người với người càng đi xa hơn khi các mẹ so sánh thành tích học tập của các con mà chẳng nghĩ đến thú vui, năng lực thật sự của con là gì. Thấy con nhà người ta hát hay, mẹ liền ép con học hát cho bằng bạn bằng bè. Thấy con người ta bơi giỏi, mẹ liền ganh tỵ, ép con học bơi mà không mảy may nghĩ đến con thật sự giỏi gì hay thích gì.

    Văn hóa so sánh song hành trong từng thời kì phát triển của trẻ, khiến trẻ chịu áp lực nặng nề về mặt tâm lý. Ban đầu chỉ là ganh đua để được như bạn bè. Về lâu dài sẽ hình thành tính ganh ghét, tự ti và thậm chí là xảy ra bạo lực học đường.

    Không ít trường hợp bạo lực học đường chỉ vì nạn nhân là hình mẫu con nhà người ta mà đứa trẻ bị so sánh không thể nào chạy theo kịp.

    Đến ngày trưởng thành, có những người trẻ bị mang ra so sánh đồng lương, so sánh cả chuyện yêu đương, gia đình. Thỉnh thoảng, người trẻ vẫn thường được nghe câu "Con kia cũng học trường như mày như lương cả chục triệu, còn mày lèo tèo mấy triệu một tháng thì sao mà sống?", hoặc người trẻ thường tự so sánh bản thân với bạn bè cùng trang lứa kiểu như "Bạn A có việc ngon thế này, bạn B hẹn hò với cô gái xinh thế kia, còn mình thì thế này đây.." rồi nảy sinh lòng tự ti, né tránh gặp gỡ bạn bè trong những cuộc họp mặt để không phải trả lời những câu hỏi bản thân không muốn trả lời.

    Văn hóa so sánh thiết lập khoảng cách trên dưới, hơn thua giữa người với người. Ở mặt tích cực, văn hóa so sánh kích thích tinh thần ganh đua để con người đạt được những thành tích nhất định, từ đó kéo kết quả thi đua của tập thể cao lên, giúp xã hội tiến lên. Bản tính thích hơn thua và háo thắng, dưới tác động tích cực của văn hóa so sánh, sẽ giúp con người phấn đấu không ngừng như đang cố chạy đua trên một đường đua có rất nhiều đối thủ.

    Tuy nhiên, không phải ai cũng được những thành tích như ý trên đường đua cuộc đời. Người giỏi, người có năng lực không ngừng tiến xa, người thiếu năng lực hoặc có năng lực ở lĩnh vực khác phải làm trái ngành nghề, đam mê không đuổi theo kịp, từ đó nảy sinh cảm giác mệt mỏi, ganh ghét và có những suy nghĩ, hành động tiêu cực nhằm hạ bệ đối thủ.

    Để cuộc sống không nặng nề hoặc ít bị ảnh hưởng bởi văn hóa so sánh, hãy học cách xem mọi người là bạn, ngừng so sánh bản thân với người khác và tìm ra nhiệm vụ thật sự của bản thân với cuộc đời. Hãy cứ hình dung cuộc đời là lối đi chung và bằng phẳng, mọi người cùng nhau bước trên đó. Sẽ có người đi trước, sẽ có người đến sau nhưng quan trọng là hãy nỗ lực hết mình để hoàn thành chuyến đi của mình. Hãy phớt lờ những lời so sánh bởi bạn sẽ không biết mục đích sau cùng của những lời so sánh đó là gì. Hãy là chính bạn và là một phiên bản tốt nhất của chính mình. Mỗi người đều có một cuộc đời riêng, đừng cố sống chỉ để làm vừa lòng ai hay biến mình thành một phiên bản xa lạ mà những người xa lạ ưa thích.
     
    Chỉnh sửa cuối: 20 Tháng mười một 2021
  2. Trần Lệ Giang

    Bài viết:
    30
    Lạy chúa tôi! Đi thi mà văn nghị luận của mình viết được thế này thì tốt quá rồi, mình cũng đỡ khổ hà. *yoci 137*

    Mỗi lần nghĩ là trong đầu rỗng tuếch ếkhông có một chút ý hay nào cả. Haizz!
     
  3. Vice nek "Chỉ cần bình tĩnh" Vie Vie

    Bài viết:
    233
    Hay lắm cảm ơn chị ạ *vno 22*
     
  4. Táo ula Táo có màu cam ?

    Bài viết:
    298
    Wow hay thế nài.. phải cọp dê thôii
     
  5. Tiểu nô nô

    Bài viết:
    213
  6. Nam Dã Tú Nhất Đi đâu vô đây? Tôi không hoan nghênh đâu!

    Bài viết:
    121
    Dê xong nhớ trả xu cho Tú nhé :))
     
  7. Táo ula Táo có màu cam ?

    Bài viết:
    298
    Thế táo lén mang đi làm văn ở trường hehe, xong không cho Tú bít: '3
     
  8. Nam Dã Tú Nhất Đi đâu vô đây? Tôi không hoan nghênh đâu!

    Bài viết:
    121
    Táo nhớ thêm dẫn chứng vào nhé. Vì Tú đã cắt gần hết các dẫn chứng để bài viết ngắn gọn hơn đó :))
     
  9. Bách Tuế Miêu Bách Tuế Miêu - Bách tuế cô miên

    Bài viết:
    222
  10. Nam Dã Tú Nhất Đi đâu vô đây? Tôi không hoan nghênh đâu!

    Bài viết:
    121
    Cảm ơn nàng đã like nhiệt tình =))
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...