Phân tích vẻ đẹp sông Hương trong đoạn văn sau: Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất. Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Nhưng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lý giải được về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở. Nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình gian truân mà nó đã vượt qua, không hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khoá trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng. Trích: Ai đã đặt tên cho dòng sông? - Hoàng Phủ Ngọc Tường. Bài văn tham khảo: "Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu, Mà khi về đất nước mình thì bắt lên câu hát. Người đến hát khi chèo đò kéo thuyền, vượt thác, Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi." "Trăm dáng sông xuôi ấy" không chỉ đẹp trong tự nhiên mà còn trở thành những dòng sông gợi thương gợi nhớ trong trang văn, trang thơ của biết bao người nghệ sĩ. Đó là dòng Vàm Cỏ Đông trong thơ Hoài Vũ, dòng sông quê hương "xanh biếc" trong thơ Tế Hanh, là "sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh" trong thơ Hoàng Cầm, là dòng Đà giang "tuôn dài tuôn dài" trong tùy bút Nguyễn Tuân... Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng mang đến cho văn đàn một áng văn tuyệt mĩ mà cảm hứng được khơi nguồn từ dòng sông xứ Huế thơ mộng: sông Hương. Trong bút kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông?", dòng Hương giang được Hoàng Phủ Ngọc Tường miêu tả, cảm nhận qua nhiều phương diện và trong cả hành trình dài từ thượng nguồn đến khi ra biển cả. Đoạn văn: "Trong những dòng sông ... chân núi Kim Phụng" khắc họa vẻ đẹp của sông Hương trong mối quan hệ với dãy Trường Sơn. Qua đoạn văn người đọc còn cảm nhận được những nét độc đáo, tài hoa trong bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hoàng Phủ Ngọc Tường có sở trường đặc biệt về bút kí. Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn chất trí tuệ và chất trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với những suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lý... Nên không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Nguyên Ngọc từng dành cho Hoàng Phủ Ngọc Tường cái nhìn đầy ưu ái:"Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong mấy nhà văn viết kí hay nhất nước ta hiện nay." Và tay bút kì cựu Nguyễn Tuân trong làng kí cũng phải trầm trồ: "Kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa." Bút ký "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" được viết năm 1981, khi tác giả đã sống hơn 40 năm bên dòng sông Hương của xứ Huế thơ mộng. Tình yêu với mảnh đất cố đô đã thôi thúc tác giả tìm hiểu cặn kẽ về dòng sông từ nơi sinh thành ra nó là đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, khám phá hành trình đầy gian truân của sông Hương, tìm hiều nó trong đời sống văn hóa xứ Huế, với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc để mang đến cho người thưởng văn cái nhìn đầy đủ, trọn vẹn nhất về dòng sông mà ông có nhiều "duyên nợ". Sau dòng nhan đề gợi lên biết bao tò mò Ai đã đặt tên cho dòng sông? người đọc chưa kịp bước ra khỏi những vấn vương về cội nguồn của cái tên sông Hương đã được tác giả đưa đến một nhận thức mà không phải ai cũng tường tận: "Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất". Trong tâm thức của mỗi người, dù có đi qua trăm núi, ngàn sông, thì dòng sông quê Hương vẫn luôn là dòng nhớ, dòng thương vô tận. Với tình yêu sâu nặng dành cho con sông xứ sở, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhìn dòng sông bằng cái nhìn đầy ưu ái, có chút "thiên vị" trong câu văn đầu tiên của bài bút kí. Nhà văn chẳng ngại ngần khi xếp sông Hương ngang hàng cùng những dòng sông đẹp trên thế giới. Không những vậy, sông Hương còn thuộc về duy nhất thành phố Huế. Đó cũng là lý do vì sao Hoàng Phủ Ngọc Tường trong suốt bài kí này đã nhất quán trong việc khắc họa con sông như đã đi cùng Huế bằng cả một mối tình trọn vẹn. Câu văn không đơn thuần chỉ mang đến thông tin về vẻ đẹp và "sự sở hữu" đặc biệt của Huế đối với sông Hương mà còn chất chứa biết bao niềm tự hào và tình yêu say đắm của tác giả đối với dòng sông xứ Huế. Nhắc đến sông Hương, ta nhớ ngay đến dòng sông êm đềm thơ mộng đã đi vào bao áng thơ ca nhạc họa: "Con sông dùng dằng con sông không chảy. Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu..." (Tạm biệt Huế - Thu Bồn) "Sông Hương nước chảy, thuyền trôi lững lờ, Em trao nón đợi và em hẹn hò." (Huế thương – nhạc An Thuyên) Dòng nước sông Hương chảy lặng lờ Ngàn thông núi Ngự đứng như mơ (Đông Hồ) Nhưng để mang đến cái nhìn trọn vẹn hơn về dòng sông xứ sở, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã "lội" ngược dòng sông Hương để tìm về khúc thượng nguồn của nó, rồi đắm say, mê mẩn, tạc nó vào trang văn như tạc một bức họa tuyệt mĩ. Giữa đại ngàn, sông Hương hiện lên như một "bản trường ca của rừng già". "Trường ca" là định danh chỉ áng thơ hay bản nhạc có dung lượng lớn và mang âm hưởng hùng tráng. Khi được dùng để so sánh với sông Hương, câu văn đã mang đến những liên tưởng thú vị, tạo ấn tượng về dòng sông Hương khúc thượng nguồn với vẻ đẹp kì vĩ, tráng lệ. Nó hiện lên với chiều dài chiều rộng hùng vĩ và dòng chảy cuộn trào mãnh liệt. Không những vậy, khi chảy giữa "rừng già" bí ẩn, dòng sông còn mang trên mình vẻ đẹp của sự hoang dại, nguyên sơ. Vì là bản "trường ca", nên "tiết tấu" của dòng sông cũng thật phong phú, đa dạng: khi "rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn", khi "mãnh liệt qua những ghềnh thác", khi "cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn", và có khi lại "dịu dàng say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng"... Còn sự so sánh nào chính xác hơn là "bản trường ca" khi miêu tả dòng sông với sắc thái biến hóa linh hoạt như thế? Chữ nghĩa đã được Hoàng Phủ Ngọc Tường trau chuốt một cách công phu để miêu tả cho thật sắc, thật riêng vẻ đẹp của dòng sông quãng này. Sự cộng hưởng của những từ ngữ giàu giá trị tượng thanh, tượng hình như "rầm rộ", "mãnh liệt", "cuộn xoáy" cùng các cụm danh từ bổ trợ đi kèm "bóng cây đại ngàn", "ghềnh thác", "đáy vực bí ẩn" đã làm hiện lên sống động một dòng sông với đồng thời vẻ đẹp và sức mạnh. Dòng sông mạnh mẽ và đẹp hùng vĩ bởi âm thanh vang dội, bởi dòng chảy cuộn trào, băng băng vượt qua đại ngàn Trường Sơn bí ẩn. Đó là những tiết tấu hùng tráng của sông Hương. Bản trường ca sông Hương đâu chỉ có những nốt thăng cao vút mà còn có cả những nốt trầm miên man, sâu lắng. Nốt trầm ấy chính là những quãng sông Hương chảy giữa sắc màu rực rỡ của hoa rừng Trường Sơn. Dặm dài dịu dàng say đắm của sông Hương quãng này khiến ta nhớ đến dòng sông Đà trong trang văn Nguyễn Tuân: "tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình mà đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở trong hoa ban hoa gạo tháng hai..." Như vậy, cũng như sông Đà, chính thiên nhiên, sắc màu rực rỡ của cỏ cây hoa lá nơi núi rừng đã tô điểm cho dòng sông thêm phần mĩ lệ. Dường như những ngôn từ miêu tả trực tiếp chưa thể biểu đạt hết ý tứ của nhà văn, nên Hoàng Phủ Ngọc Tường tiếp tục đặt dòng sông trong hình ảnh so sánh, nhân hóa độc đáo. Bằng bút pháp nghệ thuật thần diệu này, sông Hương không còn là thiên nhiên vô tri, vô giác mà hiện ra tựa cô gái Digan "phóng khoáng và man dại", với "bản lĩnh gan dạ" với "tâm hồn tự do và trong sáng". Hoàng Phủ Ngọc Tường đã gặp gỡ tác giả của tùy bút "Sông Đà" trong sự hình dung dòng sông như một người con gái. Nếu người con gái sông Đà kiều diễm qua mái tóc tuôn dài, tuôn dài thì người con gái sông Hương vùng thượng nguồn lại mang những nét cá tính, mạnh mẽ. Hàng loạt những từ ngữ miêu tả tính cách, lối sống của bộ tộc Digan yêu tự do và ca hát được dùng để miêu tả sông Hương đã tạo ấn tượng mạnh với người đọc về một dòng sông hùng vĩ, mãnh liệt nơi đầu nguồn. Sông Hương khi vừa ra khỏi rừng mang trên mình một vẻ đẹp hoàn toàn mới lạ. Qua cách thể hiện của nhà văn, sông Hương đã đột ngột thay đổi, bỏ lại sau lưng tất cả thác ghềnh cuộn xoáy và mang vẻ đẹp "dịu dàng", "trí tuệ". Điều đặc biệt là nhà văn đã không lí giải sự thay đổi ấy bằng những kiến thức địa lý thông thường mà hình dung nó như sự trưởng thành của một con người. Người con gái sông Hương cá tính, hoang dã thuở nào khi được rừng già cảm hóa, chế ngự đã trở thành "người mẹ" dịu dàng như bất cứ một người phụ nữ từng trải nào. Người mẹ ấy đã đem trọn yêu thương bồi đắp phù sa cho cả một vùng văn hóa xứ sở. Những miêu tả của nhà văn không chỉ trao linh hồn, tính cách cho dòng sông mà còn nhấn mạnh được mối quan hệ diệu kỳ, gắn bó sâu sắc của dòng sông với mảnh đất cố đô Huế. Chẳng phải chính sông Hương đã đắp bồi cho ngô lúa, vườn tược; chẳng phải chính sông Hương đã khơi nguồn cảm hứng cho văn thơ nhạc họa đó sao? Người mẹ phù sa mang tên sông Hương ấy còn sâu sắc, trí tuệ trong sự trầm lặng không muốn bộc lộ cái quá khứ của nửa cuộc đời đầu oanh liệt, hoang dã. Những người phụ nữ đã từng trải qua giông tố của của cuộc đời thường bình thản, tĩnh lặng và khiên cường, bản lĩnh hơn. Nhà văn đã nhìn thấy nét tương đồng này và trao nó cho dòng sông. Văn chương của Hoảng Phủ Ngọc Tường sâu sắc, trí tuệ là vì thế. Không chỉ sâu sắc, trí tuệ, mỗi sự liên hệ, so sánh của ông đều rất duyên, rất lạ. Hình ảnh dòng sông biến đổi diện mạo khi ra khỏi rừng và không muốn bộc lộ sự hoang dại, phóng khoáng nơi đầu nguồn cũng như "hành trình gian truân mà nó đã vượt qua" được nhà văn miêu tả như hành động "đóng kín lại ở cửa rừng" và "ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng". Sự liên tưởng thật vô cùng kì thú, khiến ta phải trầm trồ thán phục cho bút lực của tác giả. Đọc những dòng văn này, có lẽ không ít người phải hổ lòng vì chợt nhận ra ngôn từ và trí tưởng tượng của mình còn hạn hẹp làm sao. Sông Hương – dòng sông của xứ Huế thơ mộng đã đi vào bao áng văn thơ, mà khi chảy qua trang văn Hoàng Phủ lại vẫn làm ta đắm say đến thế? Ta say dòng nước cá tính nơi thượng nguồn kia, càng say hơn từng con chữ đã nở hoa nơi đầu ngọn bút để mang đến một áng văn tuyệt phẩm. Phải chăng "ánh lửa" trong kí Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là vẻ đẹp của văn chương được thắp lên từ những con chữ biến hóa như có phép màu? Xin mượn lời thơ của nhà thơ Maiacopxki để dành tặng cho tác giả của bài bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? - người đã cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng con chữ để đem đến cho người đọc những trải nghiệm tuyệt vời: "Phải đổi lấy ngàn cân quặng chữ Để thu về một chữ mà thôi Nhưng chữ ấy làm cho rung động Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài." Có thể nói, với những hình ảnh phong phú, ấn tượng, những liên tưởng tài hoa và thủ pháp nhân hóa đặc sắc... đoạn văn trên đã làm hiện lên dòng sông Hương khúc thượng nguồn với vẻ đẹp của sức sống mãnh liệt đầy cá tính, qua đó cho thấy cách cảm nhận suy tư, chiều sâu trí tuệ cũng như tình yêu đắm say của nhà văn dành cho mảnh đất cố đô văn hiến.