Truyện Ngắn Hạnh Phúc Của Mẹ - Vân Quang

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Vân Quang, 19 Tháng một 2021.

  1. Vân Quang

    Bài viết:
    4
    Hạnh Phúc Của Mẹ

    Tác giả: Vân Quang

    Thể loại: Truyện ngắn

    * * *​

    Chiếc xe chầm chậm chạy trên con đường bê tông mới được thi công, con đường là con đê bao của bờ rạch bần uốn lượn quanh những thửa ruộng lúa xanh mơn mởn đang thì con gái. Con đường vừa hoàn thành để chuẩn bị đón một mùa xuân mới đang về trên khắp đất trời, những cánh én liệng chao như họa thêm nét xuân trong bức tranh làng quê yên bình. Dọc đường là xóm nhỏ nằm ven sông Vàm Cỏ Đông, quanh năm người dân chỉ biết sớm chiều với ruộng đồng, một nắng hai sương cấy cày vất vả. Ngồi lắc lơ theo nhịp bài hát chiếc xe lướt qua những rặng dừa xanh mát soi mình trên dòng rạch bần đỏ ngầu phù sa. Oanh lặng lẽ ngồi cạnh Long không nói lời nào. Cảm nhận mùi lúa non đang phả vào mặt, làn gió vuốt ve mái tóc như thuở còn thơ ngồi trước sân nhà chuẩn bị lá dứa xếp khuôn cho bà nội gói bánh tét trong ngày giáp tết. Mỗi lần về quê đến đoạn đường này Oanh thích hạ cánh cửa kính xuống cho xe đi thật chậm để cảm nhận mùi hương làn gió mới, cảm nhận sự thay da đổi thịt từng ngày của quê hương.

    Khi những cánh én đầu tiên báo hiệu một mùa đoàn viên lại về làm lòng Cô nhớ da diết những cái tết đầm ấm, rộn ràng, tràn ngập niềm vui của thời thơ ấu. Cứ mỗi chiều ba mươi tết, bọn trẻ lại quây quần bên những thúng nếp trắng ngần, tròn trĩnh, những mâm thịt mỡ ướp hành thơm phức, những thau đậu xanh vàng ươm, xem các bà, các mẹ gói bánh. Tối đến, lại quây quần quanh bếp lửa cháy bập bùng suốt đêm với những cây củi to phải mấy đứa trẻ như Oanh mới mang được cho vào bếp đun nồi bánh, những ánh mắt háo hức chờ bánh chín, chờ tiếng pháo râm ran khắp nơi báo hiệu một năm mới đã đến với những hy vọng về một tương lai no ấm, sum vầy. Tiếng cười giòn tan bên mâm cơm ngày tết, những lời chúc an lành, may mắn đầu năm, những bao lì xì đỏ thắm trên tay, tụi bạn lại hào hứng khoe với nhau xem ai được nhiều lộc nhất. Tết quê nó chỉ đơn sơ, giản dị như thế nhưng Thùy Oanh không thể nào quân dù đã hơn mười năm nó rời xa nơi chôn nhau cắt rốn đó về sống nơi phố thị phồn hoa. Ánh sáng nhiều màu sắc rực rỡ suốt đêm không thể nào thay thế được hình ảnh bếp lửa bập bùng đêm giao thừa của mẹ.

    Bố mất do tai nạn trên đường đi công tác, Oanh vẫn đang ở cái tuổi nhỏ dại chưa thể hiểu hết những mất mát, đau thương mà mẹ và bà phải đón nhận. Tang tóc phủ trùm mái nhà ngói ba gian được xem là đẹp nhất xóm. Trong ngôi nhà ấy, ba và mẹ đã có những ngày hạnh phúc, mẹ là cô giáo hiền lành dễ thương quen anh chiến sỹ công an trên chuyến xe về quê ngoại. Rồi từ đó, mẹ rời phố, chợ theo ba về vùng đất nghèo ven sông, làm bạn với lũ trò nhỏ tuy nghèo nhưng rất tôn sự trọng đạo. Ngày Oanh ra đời, cả nhà mừng vui khôn xiết, ba nắm lấy tay mẹ thật chặt "cảm ơn em đã vất vả vì anh". Kể từ ấy mái ấm thêm ồn ào vì tiếng khóc trẻ thơ, tiếng la mắng của bà khi cháu nghịch phá. Những ngày hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, khi ba đột ngột ra đi, để lại bao nhiêu nỗi thương xót cho một chàng trai tốt bụng. Cũng từ đó, đôi vai gầy của mẹ phải gồng gánh cả một gia đình. Mẹ vừa làm mẹ, vừa làm ba, vừa thay con trai duy nhất của bà nội chăm sóc mẹ già ốm đau, bệnh tật. Không ai tin được cô gái có thân hình mảnh mai với đôi tay thon dài, mềm mịn ấy chỉ biết cầm bút soạn giáo án ấy có thể vượt qua được tháng ngày khó khăn nhất trong cuộc đời. Ai cũng nghĩ mẹ sẽ ra đi rời bỏ nơi đau thương ấy. Nhưng vì Oanh, mẹ đã vượt qua thử thách của đời, mẹ đã tần tảo quanh năm nuôi Oanh khôn lớn, chăm sóc mẹ chồng trọn đạo dâu con. Mỗi ngày sau khi tan trường về, mẹ lại trồng rau, chăm bầy gà, con bò, con heo. Thời gian trôi qua cùng với những nỗi nhọc nhằn hằn trên đôi vai gầy của mẹ. Khi bắt đầu hiểu chuyện, Oanh thấy có nhiều người đến thăm và ngỏ lời thương mẹ, muốn cùng mẹ xây dựng mái nhà riêng nhưng mẹ luôn luôn từ chối vì mẹ thương Oanh, sợ con gái cơ cực khi mẹ không còn toàn tâm toàn ý lo cho con nữa. "Mẹ ơi, mẹ sẽ ở bên con mãi phải không mẹ! Mẹ đừng bỏ con, mẹ đừng theo chồng khác nha!" Oanh thì thầm bên tai mẹ khi được mẹ chảy tóc bên dòng sông xanh mát những buổi trưa hè. Gió thổi thoảng mùi hương bưởi thơm mát từ mái tóc dài đen nhánh, mượt mà của con gái làm mẹ nhớ lại hình ảnh của mình ngày xưa, mái tóc ấy giờ đã bắt đầu điểm vài sợi bạc. Mẹ chưa già nhưng sự vất vả đã sớm in dấu thời gian lên làn má hồng lắm gian lao. "Mẹ sẽ ở vậy nuôi con suốt đời, con đừng lo".

    Ngày Oanh đậu đại học, mẹ mừng rơi nước mặt, nguyện vọng trước khi ra đi của ba là mong con gái nên người, giờ sắp thành hiện thực. Mẹ cũng vui lắm nhưng Oanh thấy trong đôi mắt ấy ẩn dấu nỗi buồn xa xăm. Mẹ lo không vì tiền nong học hành của Oanh nơi xứ người có thể làm đôi vai mẹ thêm nặng gánh mà mẹ lo cho con gái phải một thân một mình giữa phố thị, không ai thân quen, không người chăm sóc lúc ốm đau. Ôi, nói làm hết tình yêu mẹ dành cho con, sự hy sinh vô bờ bến không một ai đong đếm được. Hy sinh bao nhiêu mẹ cũng chịu đựng, chỉ một nỗi nhớ con, thương con phải tự lo giữa đất sài gòn làm lòng mẹ không an. Hơn bốn năm ở sài gòn, Oanh vẫn nằm trên chiếc đệm do bà tự tay đan, mẹ gửi lên cho Oanh vì sợ con gái nằm chiếu không quen. Những lần về thăm nhà cứ ít dần vì năm cuối đại học nhiều việc phải lo toan, tập trung bài vỡ. Ngày ra trường, Oanh không được mẹ đến chúc mừng vì bà đã già, đang bệnh, mẹ không thể để bà ở nhà một mình không người chăm sóc. Thế là mong ước lớn nhất được nhìn thấy con trong ngày lễ tốt nghiệp mẹ cũng đành lỡ hẹn.

    Thương Oanh, mẹ đã dành cả thanh xuân để chăm sóc, giáo dục con nên người. Có bao giờ Oanh nghĩ đến những mất mát, nỗi cô đơn không một ai chia sẽ, không một bờ vai làm điểm tựa lúc mẹ chông chênh giữa dòng đời. Đôi khi thấy lòng trống vắng, người đàn bà ấy cũng muốn được bàn tay ấm áp chở che trong chặn đường còn lại của cuộc đời nhưng vì con gái, bà đã âm thầm đếm bước cô đơn, đã bỏ qua bao cơ hội, bao niềm vui trong cuộc sống để sống chỉ vì con. Mùa hè ấy, khi Oanh đang vui vẻ bên các bạn trong tiệc liên hoan chia tay cuối khóa. Bà nội lúc này đã yếu, nằm trên giường, bà gọi con dâu lại và nói:

    - Hạnh à, hai mươi năm qua con đã thay chồng chăm sóc cho má từng miếng ăn, giấc ngủ. Tuy không phải cuộc sống giàu có, dư giả bằng người nhưng con đã lo cho má được cơm no, áo ấm, nuôi dưỡng con gái thành tài. Má cảm ơn con nhiều lắm.

    Nước mắt lăn dài trên đôi má nhăn nheo của bà.

    - Má không còn gì hối tiếc khi ra đi, chỉ thương con ở lại một mình không người bầu bạn, Thùy Oanh đã lớn, rồi sẽ có cuộc sống của riêng mình. Dù thương mẹ nhiều bao nhiêu nó vẫn không thể thay thế một người đàn ông yêu thương, chăm sóc, chia sẽ cùng con những niềm vui, nỗi buồn.

    - Má ơi, má sẽ còn sống lâu với con với cháu mà, má phải nhìn Oanh xuất giá, sinh cho má những đứa chắt nữa.

    - Hãy tìm cho mình một bờ bến yêu thương con à, má xin lỗi con, bao năm qua vì sợ con bé côi cút, bơ vơ mà má để con phải lặng lẽ thân mình. Giờ đến lúc con tìm một người nương tựa, sẽ chia cuộc sống con à. Hãy nghe lời má. Má mới yên lòng ra đi.

    Bà nội ra đi vào một ngày cuối thu, tiết trời se lạnh, gió thổi từng cơn rít qua hàng so đũa mang theo những chiếc lá úa vàng rơi về cội nguồn. Buổi đưa đám bà, đông đủ bà con của xóm rạch bần. Thoáng trong đám đông ấy, Thùy Oanh chợt thấy bóng dáng một người đàn ông trung niên, mái tóc lốm đốm bạc. Dáng đi vững chãi, đôi mắt tinh anh và đôi tay rắn chắc, ông sắp xếp đỡ đần việc hậu sự cho bà. Dẫu biết rằng ở miền quê nghèo ấy, sớm tối tắt đèn, hàng xóm có nhau khi hoạn nạn nhưng trong lòng Oanh chợt bâng khuâng lo lắng khi nhìn thấy trong đôi mắt người đàn ông ấy một sự quan tâm, thương yêu dành cho mẹ. Những lời thì thầm của mọi người trong đám tang làm cho Oanh chợt nhận ra một nỗi đau, nỗi đau đang dần hiện hữu trong tim làm cô thấy bất an. Oanh cảm thấy bị tổn thương, niềm tự hào, sự khâm phục dành cho mẹ bấy lâu vì lòng thủy chung son sắt của mẹ đối với ba đang bị lung lay bởi người đàn ông ấy. Lo sợ mất đi tình yêu thương tuyệt đối của mẹ, Oanh giận mẹ đã không giữ lời hứa chung thủy với ba không bao giờ thay đổi. Nghĩ rằng mẹ đã phản bội ba, phản bội lời hứa với con gái. Oanh âm thầm ra đi sau khi để lại một lá thư với sự thất vọng, sụp đỗ một thần tượng trong lòng mình. Oanh nói sẽ không về nhà nữa nếu mẹ quyết định sang thuyền cùng người đàn ông khác.

    Con gái chưa thể hiểu được sự quạnh hiu, mỗi khi chiều về bà Hạnh ra bờ sông ngắm lục bình trôi, nghe tiếng bìm bịp kêu mà lòng quặn thắt nỗi cô đơn khi không còn ai bên cạnh. Vì thương con một lần nữa bà Hạnh đã buông một bàn tay ấm áp có thể dìu dắt bà trong đoạn cuối hành trình. Lời xin lỗi với ông Hoàng, bà Hạnh ngậm ngùi không nói thành lời. Kể từ đó, bà không gặp người đàn ông ấy nữa, lặng lẽ sống như một cái bóng trong căn nhà giờ đây mọi thứ đã trở thành kỷ niệm. Những buổi chiều, bà đứng bên bờ sông nhìn những con sóng lăn tăn vỗ nhẹ vào bờ, những chiếc lá vàng rơi phất phơ khi cơn gió xào xạc khẽ trêu đùa cùng cành bông tràm tỏa hương thơm thoang thoảng trong tiết trời cuối thu. Lá vàng đã hoàn thành nhiệm vụ tổng hợp dưỡng chất cho những chùm hoa vàng ươm lung linh trong nắng kết tinh hạt giống cho một sự sống mới bắt đầu. Khi không còn màu xanh, lá trở về với nguồn cội, lại tiếp tục vun bón cho đất mãi xanh tươi. Những chiếc lá non xanh bắt đầu bước vào nguồn máy sản xuất nguồn dinh dưỡng cho cây thì những chiếc lá xanh thẩm đã qua một thời gian trưởng thành, cống hiến hết sức cho cây, cho cành, cho hoa nở ngát hương thơm đã qua giai đoạn căng tràn nhựa sống nhưng mạch chảy trong từng thớ lá vẫn đong đầy. Những chiếc lá ấy vẫn vươn lên đón giọt sương long lanh trong buổi ban mai hay đu đưa trước gió reo vui trong ánh chiều hoàng hôn, khi mặt trời đang khuất dần bên kia bờ sông Vàm Cỏ. Bà nội như chiếc lá vàng đã trở về với nguồn cội, Thùy Oanh là lá non tơ mơn mởn đang phát triển vượt bậc vươn xa, còn mẹ giờ như chiếc lá xanh đã bao ngày vươn mình trong mưa, gió để che chở cho những chồi non.

    Khuôn viên nghĩa trang chiều cuối năm đông người đi tảo mộ, khói hương nghi ngút, đôi mắt cay xè nhìn gương mặt hiền, đôi mắt sáng của ba trong di ảnh. "Có phải con đã quá ích kỷ với mẹ, nhưng con chưa thể vượt qua cảm giác hụt hẫng khi nghĩ rằng có một người đàn ông khác sẽ cướp mất mẹ của con ba à". Những ngày này, không khí khô hanh, lạnh lẽo. Cái lạnh se se của cơn gió bấc chỉ làm rộn ràng những trái tim người trẻ tuổi khi đón đợi mùa xuân mới. Nhưng cái lạnh ấy lại mang đến những cơn đau, những nỗi cô đơn càng sâu sắc hơn trong tâm hồn những người có tuổi. Đưa mắt nhìn quanh, cô chợt thấy một ông lão cô đơn ngồi co ro trên ghế đá trong công viên với đôi mắt xa xăm nhìn về cuối trời, một bà lão đang ngồi cặm cụi lau bụi trên phần mộ, có lẻ giờ này cơ cháu bà đang bận rộn tất bật những ngày cuối năm nơi phố thị, một đôi vợ chồng già ngồi say sưa kể chuyện cho nhau nghe như đang ôn lại thời thanh xuân hạnh phúc. Ông sửa lại chiếc khăn choàng qua cổ bà, nắm tay bà, hai người thong dong đi qua hàng cây quỳnh liên nở vàng góc đường. Trong cô chợt vang lên những câu chữ mà vô tình cô đọc được "Thời gian trôi qua, bố mẹ sẽ rời xa ta. Những đứa trẻ chắc chắn sẽ rời xa ta khi chúng trưởng thành. Người duy nhất sẽ đồng hành cùng ta đến cuối cuộc đời là người bạn đời".

    Chiếc xe đã di chuyển đến khúc ngoặt, rẻ phải vào con đường đất với hai hàng cau đã già cỗi của bà dẫn lối vào nhà, xe vừa dừng đã thấy dáng mẹ tất tả chạy ra mừng đứa cháu ngoại về quê ăn tết. Ngôi nhà giờ đã được xây sửa khang trang, vườn cây xanh mát cho hoa thơm trái ngọt quanh nhà là công sức vun trồng, chăm bón của hai người cô đơn gặp nhau, tìm đến bên nhau để cùng chia sẽ niềm vui, nỗi buồn của tháng ngày xế bóng. Biết mẹ có một cuộc sống an nhiên, có bác Hoàng nắm tay bà đi những đoạn đường khó khăn nhất trong chặn cuối cuộc đời, lòng Oanh đã thấy mãn nguyện vô cùng, cô vui vẻ vì ngày ấy đã có quyết định đúng đắn không quá muộn màng để mẹ tìm được bến bờ hạnh phúc, một bờ vai vững chắc để nương tựa, để được yêu thương chăm sóc khi bước qua dốc bên kia của cuộc đời.

    "Mẹ đã dành cả thời son trẻ cho con, giờ cũng là lúc mẹ sống cuộc đời của mẹ phải không ba" – đốt nén hương cắm lên bàn thờ ba và nội, mỉm cười nhìn ra sân thấy con trai cùng bọn trẻ đang xúm xít quanh bà ngồi gói bánh tét chuẩn bị đón giao thừa. Một mùa xuân mới lại về, mong niềm vui sẽ mãi ở lại nơi đây cùng mẹ.
     
    Vấn ThiênIAMGiAm thích bài này.
    Last edited by a moderator: 23 Tháng bảy 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...