Từ Hán Việt, chữ Hán viết là 盲動, giản thể viết 盲动, bính âm là /mángdòng/, trong đó: - Manh là mù, lòa, mắt không nhìn thấy thì gọi là manh, như "thong manh" hay "thanh manh", thiếu hiểu biết, kém ở một phương diện nào đó cũng gọi là manh; - Động là làm việc, hành xử nói chung. "Manh động" là không biết mà làm, làm một cách mù quáng, làm bừa làm đại thì gọi là manh động. * * * Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ Photo by Ibrahim Rifath on Unsplash
★Thiết tha★ Từ gốc Hán (tôi thật sự không thể tin nổi một từ có vẻ thuần Việt như này mà cũng có gốc Hán ahuhu), viết là [ 切 磋], trong đó: - Thiết là cắt; - Tha là mài. Từ này xuất phát từ bài thơ "Kỳ ức 1" trong Kinh Thi, viết rằng: ".. Như thiết như tha Như trác như ma. Sắt hề! Hạn hề! Hách hề! Hoán hề! Hữu phỉ quân tử, Chung bất khả huyên hề!" Về nguồn gốc, "thiết tha" trong bài này vốn dùng để ca ngợi Vệ Vũ công (vị vua thứ 11 của nước Vệ – chư hầu nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc) là người biết trau dồi tài đức nên được nhân dân yêu mến nhớ nhung đến mức trong lòng đau như cắt như mài. Nhưng khi gia nhập tiếng Việt, từ này lại có nét nghĩa khác với ở Trung Quốc. "Thiết tha" trong tiếng Việt chỉ sự gắn bó hết lòng, luôn luôn nghĩ đến, quan tâm đến ai đó hay việc gì đó, ngoài ra còn mang nghĩa mong mỏi, mong được đáp ứng, cho nên mới có cách nói "tôi tha thiết mong anh", hoặc là "tôi chả thiết tha gì nữa". Nói chung hầu như chẳng còn cắt hay mài gì hết. Đôi khi "thiết tha" bị đảo thành "tha thiết" và có một biến âm là "da diết". * * * Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ Original photo by Jelleke Vanooteghem on Unsplash
★Tào khang★ Từ gốc Hán, viết là [ 糟糠], trong đó: - Tào (đúng ra phải dùng là "tao") nghĩa là bã rượu, cám gạo; - Khang là vỏ trấu. "Tào khang" là những thứ gần như bỏ đi của hạt gạo, vốn chỉ những thứ không giá trị, chỉ người nghèo khó mới dùng. Sau này chuyển nghĩa, chỉ người vợ gắn bó với mình từ thuở cơ hàn. Cách dùng này xuất phát từ một điển cố. Cụ thể, thời Quang Vũ Đế nhà Đông Hán, chị của Quang Vũ Đế là công chúa Hồ Dương không may góa chồng, sau đó đem lòng mến mộ Tống Hoằng, một viên quan trong triều. Quang Vũ Đế có ý muốn tác hợp chị gái cho Tống Hoằng, nhưng Tống Hoằng đã có vợ. Một hôm nhà vua gợi ý, hỏi Tống Hoằng rằng: Người ta bảo, giàu đổi bạn, sang đổi vợ, ngươi thấy sao? Tống Hoằng thưa: "Thần nghe nói, bạn bè lúc nghèo hèn không thể quên được, người vợ lúc cùng khổ cũng không thể bỏ được." (bần tiện chi giao bất khả vong, tao khang chi thê bất hạ đường 贫贱之交不可忘, 糟糠之妻不下堂). Quang Vũ Đế nghe thế cũng thôi không nhắc lại chuyện này nữa. Từ đó hai câu này được người đời sau truyền tụng. Vì sao "tao khang" lại biến thành "tào khang" trong khi chữ 糟 chỉ có một âm Hán Việt là "tao"? Tụi mình cho là việc này bắt nguồn từ nghệ thuật cải lương. Trong vở "Lưu Bình Dương Lễ", Dương Lễ muốn nhờ vợ là Châu Long chăm lo cho bằng hữu là Lưu Bình ăn học, đã hát rằng: Châu Long nàng ơi "tào khang chi thê là đạo trọng", nhưng cái nghĩa kim bằng thì "bần tiện chi giao mạc khả vong". Vở này rất nổi tiếng trong giới mộ điệu cải lương và câu hát của Dương Lễ cũng đi vào lòng người qua nhiều thế hệ. Do đó, từ "tào khang", "người vợ tào khang" đã được chấp nhận rộng rãi. * * * Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ Original photo by Hisu Lee on Unsplash
★Phù phiếm★ Từ gốc Hán, viết là [ 浮泛], trong đó - Phù là nổi trên mặt nước và đứng yên một chỗ; - Phiếm là nổi trên mặt nước và trôi đi trôi lại. Phù phiếm vốn dùng để chỉ sự vật, tính cách hay thay đổi, sau này dùng để chỉ sự viển vông, không thiết thực, không thực tế. * * * Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ Original photot by Alex Perez on Unsplash
★Tổ chức★ Từ gốc Hán, viết là [ 组织], trong đó: - Tổ là xếp các sợi dây nằm dọc; - Chức là dùng các sợi dây ngang đan vào các sợi dây dọc. "Chức" cũng có nghĩa là "dệt" (dệt tơ, dệt vải). Người con gái dệt vải gọi là "Chức Nữ" (trong Ngưu Lang Chức Nữ). Tổ chức (vốn là động từ, nhưng cũng thường dùng như danh từ) nghĩa là cùng nhau làm một việc, sắp xếp kết hợp với nhau. * * * Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ Original photo by Igor Ovsyanykov on Unsplash
Sự đặc biệt của từ "đặc biệt" : "Đặc biệt" là từ gốc Hán, viết là 特别, trong đó: - "Đặc" là con bò (trâu) đực. Các bạn học tiếng Hán sẽ biết chữ "đặc" là bộ ngưu (牛). Trong nghi lễ thời vua Thuấn (một vị vua "điển hình tiêu biểu" của Trung Hoa cổ đại) có một lễ tế chỉ giết một con bò. Nhấn mạnh là CHỈ giết một con bò. Lễ này gọi là lễ Đặc. - "Biệt" là riêng biệt, tách ra. "Đặc biệt" lúc đầu dùng chỉ những hiện tượng, sự vật đơn nhất, độc đáo nhất, chỉ có một. Về sau từ này được mở rộng ý nghĩa, dùng để nhấn mạnh một hiện tượng, sự vật nào đó. (Theo lí giải của nhà nghiên cứu Hán Nôm Cao Tự Thanh). * * * Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ
"Lấy le cua gái" là lấy cái gì làm cái gì? - Mình hay nói "lấy le", "làm chuyện đó để lấy le", vậy lấy le là lấy cái gì? "Le" là từ gốc Pháp, xuất phát từ chữ "L'air" nghĩa là dáng vẻ. "Lấy le" hay "làm le" nghĩa là "tỏ vẻ, làm ra vẻ". - Vậy "cua" gái là thế nào? Tán gái thì liên quan gì đến con cua? Chữ "cua" này là động từ, không liên quan gì đến "con cua" (danh từ). Đây cũng là từ gốc Pháp, xuất phát từ chữ "courir après" nghĩa là "chạy theo phía sau", "cua gái" nghĩa là "chạy theo sau một cô gái, tán tỉnh một cô gái". Tiếng Việt ngoài 65-70% là từ gốc Hán còn có cơ số từ gốc Pháp vẫn được sử dụng rộng khắp. Chúng phổ biến đến mức nhiều khi mình nói chứ mình cũng chả biết mình vừa "dùng tiếng Pháp" nữa. Ví dụ: - Tiền bo (hay tiền boa, tiền tip) là từ chữ "pourboire"; - Búp bê là từ chữ "poupée"; - Cơ (cây gậy để chơi billiard) là từ chữ "queue"; - Ách (tên con bài tây) là từ chữ "as"; - Sốc (chấn động mạnh) là từ chữ "choc"; - Ga (nhà ga) là từ chữ "gare"; - Gôm (cục tẩy) là từ chữ "gomme"; - Xô (cái xô đựng nước) là từ chữ "seau"; - Cúp (cúp điện, cúp nước) là từ chữ "coupure"; Và còn nhiều từ nữa lắm luôn ấy kể ra mệt xỉu. * * * Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ Photo by David Lezcano on Unsplash
- Tại sao hai người yêu nhau thì gọi là bồ bịch? - Bồ bịch là một từ ghép, chỉ hai nông cụ. Bồ là dụng cụ đựng lúa, có đáy; bịch cũng là dụng cụ đựng lúa nhưng là tấm ví khoanh tròn, không đáy mà lấy nền nhà làm đáy. Ca dao có câu: "Bởi anh chăm việc canh nông; Cho nên mới có bồ trong bịch ngoài." - Tiếng Việt trước đây có từ "bầu" (trong bầu bạn), biến âm của từ "bầu" là từ "bồ", tương tự như đậu xanh - đỗ xanh, thi đậu - thi đỗ.. Cho nên thay vì nói "bầu bạn", cũng có thể nói thành "bồ bạn". Vì từ bồ (bạn) đồng âm với từ bồ (cái bồ) nên người ta mượn từ "bồ bịch" để chỉ những người thân thiết, yêu nhau. Đây là hiện tượng mượn âm trong tiếng Việt. Rồi từ đó có thêm các từ chỉ việc có người yêu như "cặp bồ", "có bồ". (Đương nhiên, "bồ" và "bầu" là hai âm tương đương nghĩa, nhưng từ "có bồ" đến "có bầu" lại là câu chuyện khác). * * * Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ Original photo by Hunters Race on Unsplash
- Tại sao nói "tuyệt cú mèo", cái gì đó tuyệt vời thì liên quan gì đến con cú mèo? - "Tuyệt cú mèo" nghĩa là "tuyệt vời, rất tuyệt, đạt đến mức coi như lý tưởng, không còn chê chỗ nào được nữa" (theo Từ điển từ ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009). - Nguồn gốc của quán ngữ này là danh ngữ "tuyệt cú" [絕句] của tiếng Hán. Theo đó, "tuyệt cú" (còn gọi là tiệt cú, đoản cú), vốn là tên một thể thơ mà mỗi bài có bốn câu. - Từ này dùng trong dân gian, thay vì tên một thể thơ thì thường hiểu sai thành "câu [thơ] hay", rồi hiểu rộng ra là "hay", là "tuyệt". Và khi nó đã được mặc nhiên hiểu như thế này rồi thì người ta lại đánh đồng chữ "cú" nghĩa là "câu" với "cú" trong tên một loài chim là "cú mèo". Thế là ta có ba tiếng "tuyệt cú mèo". Đây là một hiện tượng thường gặp trong tiếng Việt, người ta thường mượn một từ đồng âm để thêm thắt từ ngữ, kiểu "lí do (gio/tro) lí trấu", "văn nghệ văn gừng". * * * Theo An Chi, Năng lượng mới 502 Original photo by Welcome Home on Unsplash
- Do đâu mà những chuyện khó giải quyết, khó trả lời lại gọi là "hóc búa"? - "Hóc búa" vốn là lối nói của những người đốn gỗ. Ngày xưa chưa có cưa máy cá nhân thuận tiện như bây giờ. Cũng chẳng phải hễ ai đi rừng thì đều "kéo cưa lừa xẻ". Dụng cụ gọn nhẹ và cơ động nhất lúc bấy giờ chỉ là cái búa, ( "rìu" là nghĩa xưa của "búa"). Và hóc búa là một sự cố trong quá trình lao động của những người đốn gỗ - nhiều lúc phải bất lực nhìn chiếc búa của mình bị kẹt cứng trong thân cây đang đẵn dở mà không rút nó ra được hoặc phải khó khăn lắm mới rút được nó ra. Đó chính là hiện tượng "hóc búa". - Vậy hóc búa là kẹt búa trong thân cây hoặc súc gỗ mà không rút ra được. Đây là nghĩa gốc trước khi có nghĩa là rắc rối, nan giải thông dụng hiện nay. * * * Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ Photo by Tyler Lastovich on Unsplash