Người Nam Bộ gặp mưa mà không có áo nón gì thì hay ghé các mái hiên nhà, hàng quán tránh mưa. Hành động đó người Nam Bộ gọi là "đục mưa", mà chính tả là "đụt mưa". "Đụt" là tránh, nấp cho khỏi mưa nắng. Ngoài "đụt mưa" còn có "đụt nắng", nhưng ít dùng. Đại Nam Quấc âm Tự vị của Hùinh Tịnh Paulus Của còn ghi nhận "đụt bóng râm" là "núp (tức nấp) vào bóng râm". Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ
Thành ngữ dùng để chỉ việc chuyên tâm, khổ công học tập để tham gia khoa cử, cũng dùng đảo lại là "nấu sử sôi kinh". Thành ngữ này xưa vốn dùng là "xôi kinh nấu sử" hoặc "nấu sử xôi kinh". Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, câu 11, 12 viết: "Theo thầy nấu sử xôi kinh, Tháng ngày bao quản sân Trình lao đao". Câu "Theo thầy nấu sử xôi kinh", chữ Nôm viết 蹺柴史經. Chữ đọc là "xôi", nghĩa chính là món xôi nấu bằng gạo nếp mà ta vẫn quen thuộc. Truyện Lục Vân Tiên bản Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải giảng về bốn chữ "nấu sử xôi kinh" như sau: "Thành ngữ chỉ về sử khổ công học tập, học chăm mà kỹ nhiều lần cho thật chín như việc nấu cơm, đồ xôi. Kinh sử chỉ chung các kinh truyện và sách sử học trò thời xưa phải học để đi thi". Trong Đại Nam Quấc âm Tự vị, Hùinh Tịnh Paulus Của cũng ghi nhận "Xôi kinh nấu sử" và giảng là "chuyên việc học hành". Nhưng Hùinh Tịnh Paulus Của không dùng chữ mà dùng chữ, ấy là do chữ Nôm chưa thống nhất cách viết, cùng một âm đọc nhưng có nhiều cách viết khác nhau. Và dù là hay thì cũng đều đọc là "xôi" và chỉ món ăn từ gạo nếp cả. Cách dùng này dần dần biến đổi thành "nấu sử sôi kinh" hoặc "sôi kinh nấu sử", với ý học hành như đun như nấu cho sôi cả lên, tức là nhuần nhuyễn lắm, kỹ càng lắm. Đến Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên thì ghi nhận "nấu sử sôi kinh, cũng nói nấu sử xôi kinh" và cho "nấu sử xôi kinh" là cách dùng cũ, giảng nghĩa là "khổ công học tập để đi thi". Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ
"Sáo" là từ Hán Việt, chữ Hán viết là 套, nghĩa là cái bao, cái vỏ, cái túi, cái gì khoác bên ngoài (bên ngoài cái khác) thì gọi là sáo, như "thủ sáo" là găng tay, bao tay. Từ nghĩa này, chữ "sáo" còn có nghĩa là khuôn mẫu, ta hay nói "khuôn sáo". Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên giảng "Khách sáo" là "có tính chất xã giao, lịch sự bề ngoài, không thật lòng". Trong sách "Cuộc sống ở trong ngôn ngữ", thầy Hoàng Tuệ có viết về từ "sáo" và giảng từ "sáo ngữ" như sau: "Sáo ngữ là những lời nhất định, dùng để" bọc "những ý nghĩ nhất định, tức là những lời xưa nay đã nghe nhiều người nói, đặc biệt là những lời chào mừng, tán tụng, đã có sẵn như thế, và cứ phải nhớ cho kỹ như thế mà nói lại, với nhiều vẻ khách tình, hơn là chân tình, thực tình". Còn "sáo rỗng" nghĩa là cái bao rỗng, cái túi rỗng, ngoài lớp vỏ ra thì bên trong không có gì, nên "sáo rỗng" thường dùng để chỉ cái gì chỉ có vẻ ngoài mà không có nội dung, như "văn chương sáo rỗng", "lời nói sáo rỗng", thỉnh thoảng còn thấy người ta dùng "tư duy sáo rỗng", "hành động sáo rỗng". Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ
Nghĩa Của Từ Sào Huyệt Từ Hán Việt, chữ Hán viết 巢穴, bính âm là /cháoxué/, trong đó: - Sào là cái ổ, cái tổ chim, như yến sào là tổ yến; - Huyệt là cái hang thú. "Sào huyệt" nghĩa là hang ổ, thường dùng để chỉ nơi tụ tập, ẩn náu của bọn bất lương, phường trộm cướp. (Từ này dễ quá hén mọi người. Nói chớ thỉnh thoảng thấy mấy chỗ bán tổ yến ghi là "bán yến xào" mà "giựn dễ xợ") Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ
Nghĩa Của Từ Cân Xứng Từ Hán Việt Việt tạo*, chữ Hán viết là 斤稱, trong đó: - Cân là đơn vị đo trọng lượng, xưa một cân bằng mười sáu lạng, nên mới có câu "kẻ tám lạng người nửa cân" để chỉ hai bên ngang ngửa nhau; - Xứng là dụng cụ đo trọng lượng, giáp cốt văn vẽ hình một bàn tay xách con cá, ý chỉ việc đo lường xem nặng nhẹ thế nào. "Xứng", vốn dùng là "xưng". Bài "Bảo kính cảnh giới số 45" của Nguyễn Trãi (trong Quốc Âm Thi Tập) có câu: "Mực thước thế gian dầu có phải, Cân xưng thiên hạ lấy đâu tày". Còn "Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa" giảng "cân xưng: Vật gì nặng nhẹ biết ngay". "Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa" được xem là cuốn từ điển Hán Nôm cổ nhất của lịch sử tiếng Việt. Nay ta quen dùng "xưng" trong các trường hợp mang nghĩa "gọi là", "gọi bằng" như "xưng hô", "danh xưng", và dùng "xứng" trong các trường hợp mang nghĩa "vừa", "hợp với", "vừa vặn" như "đối xứng", "tương xứng". "Cân xứng" (hay nguyên từ là "cân xưng"), vốn mang nghĩa là đo lường nặng nhẹ, nay thường dùng theo nghĩa "tương đương và phù hợp với nhau" theo ghi nhận của Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên. * Hán Việt Việt tạo tạm hiểu là mỗi chữ trong từ này có gốc Hán nhưng tiếng Hán không dùng, người Việt từ cái gốc Hán đó tự sáng tạo ra từ mà dùng và dùng theo âm Hán Việt. Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ
Nghĩa Của Từ Bức Bách Từ ghép Hán Việt, chữ Hán viết là 逼迫, bính âm là /bīpò/, trong đó: - Bức là bắt buộc, buộc phải, Thiều Chửu giảng "ở vào chỗ hai bên nó đè ép không cựa được nữa gọi là bức", như bức hôn, bức tử; - Bách là đè ép, ép buộc, tình huống kề sát tận nơi, không còn khe hở nào nữa gọi là bách, như quẫn bách, cấp bách. "Bức bách" là bắt ép, bắt buộc, giục giã, thôi thúc, đòi hỏi phải làm ngay. Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ
Các Thành Ngữ Về Chuyện Ăn Của Người Việt Một số quán ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao có liên quan đến việc ăn mà nhà nghiên cứu Trần Huiền Ân sưu tầm và đưa vào sách "Ăn, Uống, Nói, Cười & Khóc". - Ăn cháo lươn: Trẻ con bị đánh, những lằn roi in trên mông trông giống như những con lươn, bị chế nhạo là ăn cháo lươn. - Ăn dư cơm: Rảnh rỗi công việc đi chơi rong tán gẫu hoặc làm những việc không cần thiết, không phải của mình. - Ăn gạo luộc: Ăn cơm lạt, không có thức ăn. - Ăn lấy thảo: Ăn một ít có tính cách tượng trưng để đáp lại lòng thảo của người mời. - Lời khiêm tốn khi tặng quà: "Xin gửi ông bà chút ít ăn lấy thảo." - Ăn ở không: Ăn rồi không có việc gì làm. - Ăn quấy quá: Ăn sơ sài, vội vàng, lấy có. - Ăn bánh liệng lá: Làm việc gì sai, hoặc không tốt, xong phi tang, xóa vết, không muốn ai biết. - Ăn bánh trả tiền: Thanh toán sòng phẳng. Dùng để nói khi người đàn ông có quan hệ bất chính về nhục thể, nhưng chỉ nhất thời, không phải là tình cảm. - Ăn Bắc mặc Kinh: Ca ngợi cách ăn mặc, người Bắc có món ăn ngon, người Huế (kinh) có y phục đẹp. - Ăn bằng nói chắc: Trong giao tiếp, xử sự, cần phải chất phác, thẳng thắn. - Ăn bòn ăn mót: Bòn là mình đã có còn kiếm chác thêm, mót là lượm lấy những gì còn sót hay bị thải bỏ. - Nói về hạng giàu có mà keo kiệt. - Ăn bụi nằm bờ: Người không gia đình hoặc bất đắc dĩ phải xa nhà, sống lang thang, khổ cực. - Ăn cá bỏ lờ: Phê phán những kẻ bạc ơn bạc nghĩa, xong việc là quên ngay người giúp. - Ăn cướp cơm chim: Ăn chận, ăn xén tiền bạc của người nghèo. - Ăn cháo báo cơm: Hà tiện, nấu cháo ăn, tưởng rằng đã no, sau đói bụng phải nấu cơm, thêm tốn. - Lợi bất cập hại do việc bủn xỉn. - Ăn cháo đái bát: Kẻ bạc bẽo, ăn của người rồi nói xấu, phản phúc. - Hưởng xong phá cho hư, không để người khác hưởng. - Ăn chẹt ăn gánh: Cách ăn quân trong bàn cờ gánh. - Người làm việc công dùng thủ đoạn bắt bí dân nghèo để ăn tiền. - Ăn chung làm riêng: Một cách bắt đầu gây dựng cho con khi vừa cưới vợ, ăn chung với cha mẹ, phần tiền của làm được để riêng, chuẩn bị cho việc sau sẽ ăn riêng. - Ăn chung ở chạ: Một vài gia đình sống chung một nhà, ồn ào, khó chịu. - Ăn chực nằm chờ: Thời gian thất nghiệp, hoặc có việc liên can đến phải chờ đợi xin xỏ người khác giúp đỡ, tâm trạng không được thoải mái. - Ăn dầm nằm dề: Ăn ở lâu tại nhà người, một nơi nào đó. - Ăn dĩa gái dỗ: Tục lệ cũ ở thôn quê không cho con trai nhỏ ăn cơm bằng dĩa, sợ sau bị con gái quyến dụ. - Ăn đều kêu sẵn: Lúc ăn chia đều thì lúc có việc kêu gọi được đáp ứng sẵn sàng. - Chia đều lợi lộc cho đàn em thì khi có việc cần dễ sai khiến. - Ăn đói mặc rách: Thực trạng người nghèo khổ. - Bị ngược đãi, nuôi dưỡng thiếu thốn. - Ăn già ăn non: Ăn nhiều, ăn ít. Trong cờ bạc có khi ăn nhiều mới nghỉ, có khi ăn chút ít thấy chắc nên nghỉ. - Ăn gian nói dối: Dùng lời gian dối, phao vu cho người khác. - Ăn gió nằm sương: Cảnh sống vất vả ngoài trời, như câu chữ Hán: Lộ túc phong san lục bách lý, đi xa 600 dặm phải ăn gió nằm sương. - Ăn hại đái nát: Ăn uống tốn kém mà không làm được lợi ích gì. - Ăn hơn hờn thiệt: Hờn dỗi bỏ bữa ăn hay không nhận phần chia chác thì bị thiệt thòi, nên nhận lấy là hơn. - Ăn không ngồi rồi: Người không có việc gì làm, chỉ ăn ở không. - Ăn mày cửa Phật: Cầu xin phước lộc ở chùa. - Những người dựa vào việc tu hành để sống. - Ăn mày quen ngõ: Ăn mày xin được ở nhà ai thì thường đến chỗ đã quen. - Thói thường nhờ nhõi ai được thì ăn quen đến xin xỏ người ấy luôn. - Ăn miếng trả miếng: Không chịu thua kém, không chịu nhịn khi bị bắt nạt, hăm dọa, sẵn sàng đối địch. - Ăn no ngủ kỹ: Kẻ sung sướng, đời sống đầy đủ, không lo nghĩ gì. - Kẻ ham sung sướng, lười biếng, không chịu làm việc. - Ăn ngược nói ngạo: Nói trái với lẽ thông thường, khó nghe. - Ăn sóng nói gió: Ăn nói mạnh dạn, có phần cường điệu, như đang đối diện với sóng gió. - Cách nói lớn tiếng của những người đi biển. - Ăn sống ăn tái: Cũng là cách ăn bừa bãi, không kể tốt xấu. - Ăn sống nuốt tươi/ Ăn tươi nuốt sống: Nhanh chóng giành lấy phần lợi hơn cho mình. - Nói tươm tướp, lấn lướt, không cho ai nói lời nào. - Ăn bớt bát, nói bớt lời: Nên ăn uống điều độ, nói năng chừng mực, không ăn bừa, nói càn. Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ
Nghĩa Của Từ Động Phòng Từ cũ, giờ vẫn còn dùng nhưng chủ yếu dùng trong văn cảnh, chữ Hán và chữ Nôm đều viết là 洞房, trong đó: - Động là cái hang sâu; - Phòng là căn buồng. Nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Thạch Giang giảng "động phòng" là từ để chỉ căn buồng sâu kín, như cái hang sâu vậy, ý nói phòng của vợ chồng mới cưới. "Truyện Kiều" viết "Động phòng dịu dặt chén mồi, Bâng khuâng duyên mới ngậm ngùi tình xưa". Ờ, ờm, nói chung "động" trong "động phòng" không phải là từ chỉ hành-động-mà-ai-cũng-tưởng-là-hành-động-gì-đó nha. Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ
Nghĩa Của Từ Lăng Loàn Từ Hán Việt, chữ Hán viết là 凌亂, giản thể viết 凌乱, bính âm là /línglùan/, trong đó: - Lăng là xâm phạm, như "lăng nhục", "xâm lăng"; - Loàn, thường đọc là "loạn", nghĩa là lộn xộn, rối rắm, mất trật tự. Về mối quan hệ âm đọc giữa "loàn" với "loạn" còn có thể tìm thấy sự tương đồng ở nhiều trường hợp khác như "dùng - dụng", "loài - loại", "nhì - nhị", "vàn (muôn vàn) - vạn". "Lăng loàn", từ điển Hoàng Phê giảng là động từ, nghĩa là có hành vi hỗn xược xúc phạm người trên, không chịu phục tùng khuôn phép (thường nói về phụ nữ trong quan hệ gia đình), như "con dâu lăng loàn với mẹ chồng", "thói lăng loàn", "ăn nói lăng loàn", "người vợ lăng loàn". Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ
Từ Địa Phương: Cái "Mái" Từ điển Hoàng Phê giảng trong tiếng Việt chữ "mái" là danh từ thì có 3 từ, cụ thể: - Mái (1) : Phần che phủ phía trên cùng của nhà, như "mái lợp lá", "mái ngói", "nhà mái bằng"; phần mặt đất có hình dốc thoai thoải, từ đỉnh trở xuống trông giống như mái nhà ở một số vật, như "mái đê", "mái núi"; phần tóc ở trên đầu, như "mái đầu xanh", "tóc rẽ mái". - Mái (2) : Dụng cụ để bơi thuyền, làm bằng thanh gỗ dài, một tròn, một đầu dẹp và rộng bản, như "mái chèo" là loại dài lắp vào cọc, "mái dầm" là loại ngắn, cầm tay để bơi thuyền. - Mái (3) : Phương ngữ chỉ cái chum. Hoàng Phê chỉ giải thích gọn như vậy thôi, không cho thêm thông tin gì. Trong sách "Giúp đọc Nôm và Hán Việt", Trần Văn Kiệm giảng "mái" là "chum, từ miền Nam". Chữ Nôm gồm có bộ "thạch" 石 cho ý và chữ "mãi" 買 cho âm. Tức là vật này làm từ đất đá (đất nung) và có âm gần với âm "mãi". Các bạn xem chữ Nôm trên hình. Ngoài ra còn có cách dùng "mái vú", "lu mái vú" nữa. Và trên thực tế thì cách gọi lu, mái, kiệu, thạp/khạp, vại, tĩn, bình, này nọ kia ấy thì đều chỉ những vật dụng khác nhau, phổ biến tùy theo địa phương. Nào giờ mình không biết (mấy) từ này thì nay mình biết thêm. Nói vậy thôi chứ tui cũng không chắc liệu biết thêm như vậy có ích gì không. Đọc chơi cho vui thôi. Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ