[Nhân Vật Lịch Sử] Dương Đình Nghệ

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Hoang0302, 27 Tháng mười hai 2019.

  1. Hoang0302

    Bài viết:
    163
    Dương Đình Nghệ (chữ Hán: 楊廷藝), có sách như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép là Dương Diên Nghệ (楊筵藝, ? -937), người Ái châu, làm tướng cho Khúc Hạo. Đời Hậu Lương, Lưu Nghiễm của nước Nam Hán tiếm hiệu vua ở đất Quảng Châu, lấy cớ Khúc Hạo chiếm cứ đất Giao Châu, sai Lý Khắc Chính và Lý Tri Thuận đánh chiếm Giao Châu. Con trai Khúc Hạo là Khúc Thừa Mĩ bị bắt. Dương Đình Nghệ dấy binh đánh bại Lý Khắc Chính. Vua Nam Hán cho Lý Tiến thay làm Thứ sử Giao Châu, Dương Đình Nghệ lại vây hãm. Vua Nam Hán sai Trần Bảo đem quân cứu Lý Tiến, Dương Đình Nghệ đón đánh chém Trần Bảo, giữ thành, xưng là Tiết độ sứ. Được 8 năm, Dương Đình Nghệ bị nha tướng Kiều Công Tiễn làm phản, giết chết lên thay.

    Tên gọi

    Do chữ diên (延 hoặc 筵) và chữ đình 廷 gần giống nhau nên có sự "tam sao thất bản".

    Đại Việt sử ký toàn thư, ngoại kỷ, Quyển V chép là Dương Đình Nghệ kèm ghi chú: "Cương mục ghi Dương Diên Nghệ, người Ái Châu, tức Thanh Hóa (CMTB5, 17a). Tài liệu Trung Quốc như Tống sử (q. 488), Tư trị thông giám v. V.. cũng chép là Dương Diên Nghệ. Ngũ đại sử (q. 65) chép như Toàn thư (là Đình Nghệ). Có thể nhầm nét chữ vì chữ 延 diên và chữ 廷 đình gần giống nhau."

    Trong số sách ghi họ tên ông là Dương Diên Nghệ có: Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Ở phần tiền biên - Quyển V của sách này có ghi chú: Sách An Nam kỷ yếu chép là Đình Nghệ. Nay theo sách Cương mục (Trung Quốc) đổi lại là Diên Nghệ.

    Như trên đã nói Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép là Dương Diên Nghệ. Cuốn Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh cũng chép là Dương Diên Nghệ.

    Sự nghiệp

    Bối cảnh

    Phía Bắc nước Việt tồn tại 2 nước lớn là nhà Nam Hán và nhà Lương. Năm 919, Khúc Thừa Mĩ sai sứ sang nhà Lương xin được lĩnh tiết việt, nhà Lương trao cho. Vua Nam Hán cả giận.

    Diễn biến

    Mùa thu, tháng 7, năm 923 vua Hán sai tướng là Lý Khắc Chính đem quân sang đánh Giao Châu. Lý Khắc Chính bắt được Tiết độ sứ Khúc Thừa Mĩ đem về. Vua Hán phong tước cho Dương Đình Nghệ, cho Lý Tiến làm Thứ Sử Giao-Châu, cùng với Lý Khắc Chính giữ thành.

    Năm 931, Dương Đình Nghệ tìm cách báo thù cho họ Khúc, ông nuôi 3.000 giả tử (con nuôi), đặt ra trường đánh vật, chiêu tập các hào kiệt, lấy đại nghĩa khuyến khích họ.

    Lý Tiến lo sợ, sai người cấp báo cho vua Hán, cùng năm ấy, Dương Đình Nghệ đem quân vây Lý Tiến. Vua Hán sai Trần Bảo đem quân sang cứu, nhưng đến nơi thì Dương Đình Nghệ đã hạ được thành. Lý Tiến trốn về nước, Trần Bảo vây thành, Dương Đình Nghệ đem quân ra đánh giết chết Trần Bảo. Dương Đình Nghệ giữ lấy thành, tự xưng là Tiết độ sứ nhận lĩnh việc châu.

    Cái chết

    Mùa xuân, tháng 3, năm 937, Dương Đình Nghệ bị nha tướng của mình là Kiều Công Tiễn giết chết. Một nha tướng khác của ông là Ngô Quyền kéo quân từ Ái Châu ra đánh Kiều Công Tiễn.

    Luận về cái chết của Dương Đình Nghệ

    Theo Soạn giả Ngô Thì Sĩ nhận định thì việc Dương Đình Nghệ bị hãm hại quả là việc khó tránh. Ông nuôi đến 3000 nghĩa tử nhưng người tâm phúc thực sự lại chẳng có mấy người. Cũng bởi ông nuôi đến 3000 nghĩa tử nên có người được trọng dụng có người không. Đều là con cả nhưng không thể chăm lo hết tất sẽ gây nên biến loạn.

    Bài học lịch sử có rất nhiều: Anh em trong một nhà còn sẵn sàng đổ máu vì tranh quyền đoạt vị huống chi chỉ là tình cha con nuôi, tình anh em không cùng giọt máu.

    Nói như vậy nhưng ta cũng không thể trách Dương Đình Nghệ được. Trong lúc biến loạn, nước nhà đang lâm nguy, thù cha con họ Khúc còn nặng gánh trong lòng, người tài lại hiếm như lá mùa thu. Kiều Công Tiễn lại là kẻ có tài. Nên dùng hay không đây?

    Dương Đình Nghệ đã dùng Kiều Công Tiễn thì tất cũng không nghi Kiều Công Tiễn. Giống như Tào Tháo có câu: "Đã dùng thì phải tin, nếu không tin thì đừng dùng".

    Việc Dương Đình Nghệ nhận Kiều Công Tiễn là con nuôi có thể cũng bởi ông nhìn ra được nội tâm của Công Tiễn không được ngay thẳng. Ông muốn rằng buộc Công Tiễn trong một mối quan hệ sâu sắc hơn là chủ - tớ rồi từ từ ông sẽ dạy dỗ, hướng Công Tiễn vào con đường sáng. Tiếc rằng việc chưa thành thì ông đã bị hại, đáng tiếc thay.

    Vậy ta nên trách Kiều Công Tiễn sao. Khi Công Tiễn mang quân đến đầu cho Dương Đình Nghệ có lẽ cũng đã bộc lộ bản thân là người có dã tâm. Có người như Dương Đình Nghệ, vì quốc gia mà cầm kiếm đứng lên, nhưng cũng có kẻ ra sa trường chỉ muốn đạt đến quyền cao chức trọng. Công Tiễn theo Dương Đình Nghệ ngót cũng 10 năm mới quyết định làm phản. Điều này cho thấy Kiều Công Tiễn có lẽ cũng muốn cùng ông làm nên một đại nghiệp gì đó. Nhưng Dương Đình Nghệ chỉ quyết định tự lĩnh chức Tiết Độ Sứ, lại là người sống trong sạch, hết lòng vì dân chúng vậy thì Kiều Công Tiễn nhận lại được gì đây.

    Nếu Dương Đình Nghệ khi đó cũng xưng vương như Ngô Vương Quyền có thể mọi chuyện đã khác chăng? Kiều Công Tiễn khi đó sẽ là khai quốc công thần, vinh hiễn sẽ đến mức tột cùng, liệu có manh tâm làm phản không?

    Ta trách Kiều Công Tiễn là kẻ vô ơn nhưng Dương Đình Nghệ thực đã làm được gì cho Kiều Công Tiễn? Có lẽ vì thế mà Công Tiễn không phục mà nảy ra ý làm phản chăng?

    Tôi thiết nghĩ nếu trách chỉ nên trách ông trời, sao lại đưa hai người không cùng chí hướng gặp nhau để cùng mưu việc với nhau. Kiều Công Tiễn nhận ra nhưng không thay đổi bản thân, giữ ý muốn trước sau như một. Tôi muốn trách cứ Công Tiễn nhưng thật không nỡ.

    Dương Đình Nghệ có lẽ đã nhận ra dã tâm của Kiều Công Tiễn, muốn thay đổi hắn nhưng không thành. Ta nên trách Dương Đình Nghệ đã quá tự tin chăng? Tôi thật cũng không dám trách vậy.

    Quê hương

    Sách An Nam chí lược, Việt sử tiêu án, Đại Việt sử ký toàn thư đều chép Dương Đình Nghệ là người Ái châu. Theo soạn giả Lê Tắc, sách An Nam chí lược, quyển Đệ nhất, Ái châu là phần thuộc Thanh Hóa.

    Nam-Giao đời xưa, nhà Chu gọi là Việt-Thường, nhà Tần gọi là Tượng-Quận, nhà Hán đặt làm ba quận: Giao-Châu, Cửu-Chân và Nhật-Nam. Nhà Đường lại cải Giao-Châu làm An-nam phủ, quận Cửu- Chân làm Ái-Châu, quận Nhật-Nam làm Hoan-Châu, tức là La-Thành, Thanh-Hóa và Nghệ-An ngày nay vậy.

    Theo sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú: Thanh Hoa 6 nguyên trước là đất Tượng Quận, đời Hán gọi là quận Cửu Chân, Lương đặt là châu Ái, Tùy gọi là Cửu Chân, Đường lại đổi là châu Ái.

    Nhận định

    "Sử thần bàn rằng: Cuối đời Hán, Đường phần nhiều nuôi giả tử, là vì đương lúc trí, lực chọi nhau, hay là trong khi hoạn nạn cùng theo nhau, đắc lực trong lúc hoãn cấp, tức thì nhận làm giả tử, không biết rằng lòng lang khó dạ. Dấu của hớ hênh, là xui cho người lấy trộm, thiên tính như thế không thể làm khác được. Đình Nghệ nuôi giả tử đến 3.000 người, thì bị nạn, còn hối sao được nữa."

    -  Việt sử tiêu án, soạn giả Ngô Thì Sĩ

    "Khúc Thừa Mỹ nhận chức quan của Lương mà bị cầm tù ở Ngụy Đình; Dương Đình Nghệ đuổi tướng Hán nhận lấy châu, mà bị nha tướng giết hại. Truyện có nói rằng: Nếu không có người bị ngã, thì mình nổi lên sao được, là nghĩa thế. Tóm lại, cũng là bởi lòng trời yếm loạn, muốn mở cơ nghiệp nước ta là một đời trị bắt đầu từ đấy."

    -  Việt sử tiêu án, soạn giả Ngô Thì Sĩ

    Sách An Nam chí lược, quyển Đệ thập cửu chép bài Đồ Chí Ca:

    Cuối đời Hàm-Thông Trung-Quốc loạn,

    Chuyển-vận đường xa bỏ bê trễ.

    Ngô-Quyền, Khúc-Hạo, Kiểu và Dương,

    Soán đoạt giành nhau, dân kiệt quệ.

    Họ Đinh, đời Tống mới phong vương,

    "Kịp đời Ngũ-Đại, các người thố hào ở các Châu Giao, Ái là Khúc Hạo, Dương-Diên-Nghệ, Kiều-

    Công-Tiện, v. V.. thay nhau dùng võ lực cướp quyền.

    "


    -  An Nam chí lược; soạn giả Lê Tắc
     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng mười hai 2019
Trả lời qua Facebook
Đang tải...