Đệ nhất đặc sản xứ Nghệ và sự thật đáng kinh ngạc về nó Cá mát được xem là "đệ nhất đặc sản" của Nghệ An với vị thơm ngọt, vừa lành vừa mát. Mặc dù vậy, loài thủy sản quý này đang đứng trước nguy cơ tuyệt diệt. Cá mát là loài cá quen sống bầy đàn trong các khe đá, thường kiếm ăn vào ban đêm. Loài cá này được ghi nhận sống tại vùng sông Giăng ở Nghệ An, vùng Đakrông và Hướng Hóa ở Quảng Trị. (Nguồn Diachi) Cá mát là đặc sản dân dã của Nghệ An. Thịt cá thơm ngon, mỡ béo, lại ít xương nên rất được yêu thương. (Nguồn Blogspot) Cá mát có kích thước nhỏ, thân có từ ba đến sáu chấm đen, còn vảy cá thì màu hồng. Cá mát đực thì có 2 "bầu sữa", còn cá mát cái thì có hai buồng trứng. (Nguồn Thanhnien) Cá mát ngon nhất là cái đầu vì phần này rất mềm, ăn thấu cả xương lại có mùi vị ngon thơm bùi béo. (Nguồn Thanhnien) Ngoài kho tương, cá mát còn có một cách chế biến khác đó là đem kẹp cá vào vỉ tre tươi và nướng giòn trên nồi than hoa. (Nguồn Thanhnien) Cá mát có tác dụng lợi sữa, hạn chế các chứng bệnh tim mạch, rất thích hợp cho người lớn tuổi và cả người béo phì. (Nguồn Gocom) Cá mát thường được cư dân địa phương đánh bắt vào buổi rạng sáng vì khi đó, ruột con cá mát có màu trắng tinh từ đầu đến cuối không có một vệt đen nào.
9 đặc sản đến xứ Nghệ mà không thử thì phí đời Nghệ An không chỉ là vùng đất có nhiều danh lam, thắng cảnh mà còn thu hút du khách bởi ẩm thực nức tiếng gần xa. Ẩm thực Nghệ An giản dị, sạch lành, nhưng qua thời gian, vị ngon khó cưỡng ấy đã được nâng tầm thành đặc sản, là món quà không thể thiếu trong hành trình trở về của mọi du khách. Nhút Thanh Chương Nhút là thức ăn dân dã, truyền thống của mọi gia đình. Vật liệu làm nhút gồm mít xanh và muối trắng không i-ốt. Nhút có thể chấm nước mắm, làm nộm, xào. Với các món này, có một thứ rau thơm không thể thiếu được là lá kinh giới. Nhút chua nấu canh cá ăn có vị chua bùi và rất thơm. Thanh Chương còn một loại nhút khác, đó là lấy xơ mít mật (mít bở) chín, đồ nhuyễn với muối, gói vào mo cau tươi ủ ít ngày, thái nhát mỏng ăn có thêm vị ngọt và hương mít chín. Có thể chế biến thành các món như loại nhút làm từ mít xanh. Tương Nam Đàn Tương Nam Đàn là một loại nước chấm hoặc kho cá. Chấm rau muống hoặc rau lang gừng, kho cá sông, cá đồng với nồi đất Kẻ Trù. Vật liệu để làm tương là nếp, ngô, đậu tương (đậu nành). Ngô và đậu rang, xay, ngâm rồi phơi (ngô không ngâm, ủ với lá nhãn làm mốc), đặc biệt đậu chỉ xay hoặc giã vỡ đôi, vỡ ba, không vỡ vụn như tương bần miền Bắc, đảm bảo khi lấy ra bát thấy mẻ đậu như từng con thuyền bé xíu nổi trên mặt bát nước vàng óng, ăn có vị mặn, ngọt, nếu chấm có dính mẻ đậu thì có vị bùi. Cháo lươn Vinh Cháo lươn Vinh loãng, không đặc như cháo vịt Vân Đình, cháo dê Ninh Bình.. Lươn xé dọc sợi, được xào nấu cẩn thận, mặn một tí, cay một tí; và mùi đặc trưng nhất của cháo lươn Vinh được làm nên từ rau răm. Cháo lươn có mặt hầu khắp thành phố. Ngoài ra, ngày nay có cả súp lươn cũng ngon không kém. Cháo lươn, súp lươn có thể ăn với bánh mì, bánh mướt.. đều ngon. Vào mùa trời bắt đầu nóng, khách ăn cháo hoặc xúp lươn đừng quên gọi thêm một cốc trà (hoặc chè xanh) đá. Cá mát sông Giăng Cá mát không phải là giống cá lớn, thường chỉ bằng hai hoặc ba ngón tay người lớn, con "bự" cũng chỉ chừng 0, 5 đến 0, 8 kg. Hàng năm, tháng 8 âm lịch là vào mùa cá mát. Thịt cá mát rất lành, bổ, thơm ngon, hơi có vị đắng vì khi chế biến không vứt bỏ ruột (ruột cá rất sạch vì chủ yếu ăn thức ăn thực vật), mỡ béo ít xương và ngon nhất là phần đầu (không như các loại cá khác, đầu cá mát rất mềm, giòn). Cá mát có thể kho, rán, nướng.. Dù chế biến theo kiểu nào thì thịt cũng rất bùi, rất thơm. Chịn xồm - món thịt chua của người Thái Món này làm từ thịt trâu, thịt lợn, thịt bò, đôi khi là thú rừng, chỉ lấy thịt nạc. Chịn xồm mang thái miếng, kẹp rau thơm rừng chấm muối ớt (hoặc nước mắm ớt), ăn có mùi vị chua, béo và bùi, rất tinh khiết, thanh nhã. Cam xã Đoài Cam xã Đoài có vị đặc biệt thơm ngon, vỏ mỏng, rất nhiều nước, nguồn giống chọn lọc sạch, không sâu bệnh. Ngay từ tháng 10, tháng 11 âm lịch thường đã có khách đến đặt mua. Cam chín rộ vào dịp trước Tết. Cam khi mới chín có màu vàng rồi chuyển sang sẫm dần nhưng luôn giữ được vẻ tươi tắn, ngoài có lớp the mỏng, chỉ cần khẽ sây xát là đã thoát một mùi thơm đặc biệt, bổ ra màu vàng óng, ăn rất thơm ngon. Nếu đem ngâm với rượu sẽ cho một sản phẩm rượu thơm, vị ngọt thanh, có thể dùng làm món khai vị hoặc bồi dưỡng sức khỏe cho sản phụ. Bánh ngào Bánh ngào hay còn gọi là bánh mật là thứ đặc sản dân dã của người dân xứ Nghệ. Xắn một miếng bánh vàng óng đưa vào miệng, vị ngọt ngào của mật mía, dẻo của nếp và thơm thơm mùi gừng sẽ hấp dẫn bạn ngay từ lần thử đầu tiên. Mực nhảy nướng Mực nhảy nướng là món ăn thú vị hơn cả trong tất cả các món ngon được chế biến từ mực. Món này là thứ đặc sản dùng để ăn chơi sau ngày dài thăm thú, tắm biển Cửa Lò. Đầu bếp phải khéo léo chọn loại mực tươi còn nhảy tanh tách, rồi khứa vài đường nướng ngay trên bếp lửa, ăn vừa ngọt vừa thơm. Khoai xéo Khoai xéo là một món ăn dân dã đặc trưng đã gắn chặt với biết bao người con của xứ Nghệ. Để làm khoai xéo, sau khi thu hoạch, người ta chọn những củ khoai ngon, nhiều bột nhất rồi đem đi rửa sạch, sau đó cắt lát mỏng đem đi phơi cho đến khi khoai khô giòn thì bỏ vào chum vại, đậy kín và để ăn dần.
Sơn La có món cá nhảy tanh tách trong miệng, nhiều người dè chừng Đáng sợ như vậy nhưng nhiều người vẫn muốn thử một lần để biết hương vị cá nhảy nức tiếng Sơn La. Vùng núi Tây Bắc không chỉ được biết đến với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà còn nổi tiếng với rất nhiều món ăn độc lạ, đa dạng. Khi nhắc tới Sơn La, bạn sẽ nghĩ đến một số cái tên lừng danh như trâu gác bếp, cơm lam, pa pỉnh tộp.. nhưng có một món lại khiến nhiều người thoạt nhìn phải dè chừng, đó là món cá nhảy. Cá nhảy là một món quen thuộc với "cánh đàn ông" ở Sơn La. Tuy nhiên, cách ăn món cá này lại không hề bình thường chút nào. Trái lại, nó còn có cách chế biến vô cùng kỳ lạ và độc đáo. Cá dùng để chế biến món này thường là loại cá chép con nuôi ở ao tự nhiên, hoặc bắt trực tiếp tại suối nguồn, xa khu dân cư mới đảm bảo. Khi bắt về, cá vẫn phải còn tươi sống, chọn ngay những con có kích thước bé bằng ngón tay cái của người lớn rồi thả vào chậu nước muối sạch, để cá tự bơi và tiết hết chất bẩn trong người ra. Sau đó, người ta sẽ mang cá ra rửa lại bằng nước muối nhạt thêm một lần nữa. Nguồn ảnh: Internet. Không giống với cách ăn các món cá là đem chiên, rán, ở Sơn La sẽ bắt từng chú cá nhỏ trong chậu, dùng dao nhỏ khía nhanh vào bụng cá, nặn ruột bỏ đi rồi đặt xuống hỗn hợp ăn kèm. Đặc biệt, phải làm thật nhanh tay để cá vẫn sống, khi thả vào miệng còn giãy được. Điểm đặc trưng nhất của món này chính là các loại gia vị ăn kèm. Theo đó, món cá nhảy sẽ được ăn kèm với lõi chuối tươi, các loại rau thơm (rau mùi, rau húng, thì là, kinh giới...), các loại gia vị như mắm, muối, mì chính, tỏi, ớt... và tất nhiên sẽ không thể thiếu hạt mắc khén (loại gia vị đặc biệt của người Thái ở Sơn La). Tất cả sẽ được băm nhỏ để tạo thành một hỗn hợp ăn kèm cùng cá nhảy mang vị chua, cay, nồng, ngọt quyện với mùi thơm đặc trưng. Nguồn ảnh: Youtube dép tổ ong, Youtube HOANGDAQN, Internet. Cá cứ mổ đến đâu thì ăn đến đó, như vậy mới giữ được thịt còn giòn ngọt, không vương mùi tanh. Mỗi người sẽ cầm một chiếc thìa nhỏ để xúc cá kèm theo lõi chuối và nước chua đưa lên miệng thưởng thức. Nguồn Youtube: Nhịp Sống Tây Bắc. Món cá nhảy tuy có cách chế biến không mấy cầu kỳ nhưng lại khá kén người ăn nên không được phổ biến tại nhiều địa phương. Bù lại, với những thực khách sành ăn thì sẽ cảm nhận được hương vị độc đáo của món cá này. Do đó, nếu một lần được đặt chân tới Sơn La, bạn hãy thử trải nghiệm món cá nhảy tanh tách trong miệng này để biết được nét tinh túy, đa dạng của ẩm thực vùng cao Tây Bắc!
Những món ngon khiến du khách "ăn sập Vũng Tàu" Lẩu cá đuối, tiết canh tôm hùm, cháo hàu hay bánh khọt là những món ăn mà du khách đến Vũng Tàu đều thích thú. Bánh khọt Miền Đông Nói đến bánh khọt, người ta nghĩ đến món bánh nổi tiếng đã làm nên thương hiệu ẩm thực ở vùng biển Vũng Tàu. Nổi tiếng nhất phải kể đến bánh khọt Gốc Cây Vú Sữa. Chiếc bánh có hình dáng như bánh căn của người miền Trung, cũng được làm từ bột gạo, nhưng khác ở chỗ có nhiều loại nhân và chỉ đổ với nhân tôm. Tôm tươi thường to khoảng bằng ngón tay út và được bóc bỏ vỏ trước khi đổ bánh. Bánh dọn ra còn nóng hổi, bột béo ngậy do có nước cốt dừa ở giữa nhân bánh, giòn tan ở rìa, các loại rau đa dạng ăn kèm khiến cho nhiều thực khách "mê mệt" bởi món bánh này. Bánh khọt Vũng Tàu hấp dẫn thực khách với vị giòn của vỏ bánh, vị ngọt đậm đà của tôm. Bánh khọt hấp dẫn thực khách ngoài chiếc bánh vàng ruộm với con tôm đỏ au, thì một thành phần không thể thiếu đó là nước chấm. Nước chấm được pha khéo, đậm đà với vị mặn ngọt chua cay hòa quyện. Bánh mì xíu mại Một hàng ăn sáng rất được lòng thực khách khi đu du lịch Vũng Tàu chính là món bánh mì xíu mại Hàng Quyên. Đến đây nếu hỏi người dân bản địa về quán ăn sáng, bạn sẽ được chỉ dẫn đến quán ăn này. Mỗi phần ăn đơn giản chỉ có hai trứng ốp la và một cục xíu mại, vậy thôi mà chấm bánh mì giòn ăn không biết no. Nước xíu mại mặn mòi đậm đà, kết hợp với trứng ốp béo ngậy, gần như chẳng cần thêm gì ngoài hạt tiêu vì đã quá vừa miệng. Quán nằm trên đường Trần Phú. Lẩu cá đuối Lẩu cá đuối có giá khá rẻ nên được nhiều người yêu thích ở Vũng Tàu, với mỗi một nồi lẩu giá chỉ từ 130.000đ – 200.000đ. Một nồi lẩu đầy đặn thức ăn lại được nêm nếm vừa vặn sẽ khiến thực khách hài lòng. Tiết canh tôm hùm Có thể nói đây là món ăn ngon, độc và lạ ở Vũng Tàu mà người dân nơi đây sáng tạo ra. Tiết canh tôm hùm không phải màu đỏ mà lại có màu trắng, ăn kèm khế chua, bánh tráng và rau diếp cá. Gỏi cá mai Trong ẩm thực ở Vũng Tàu, gỏi cá mai là một trong những món đặc sản có thể nói là đứng đầu danh sách những món ăn hấp dẫn nhất của thành phố biển này. Giống như cá cơm, thân nhỏ màu trắng và ít tanh nên cá mai rất được ưa chuộng để dùng chế biến những món ăn khá hấp dẫn đặc biệt là làm gỏi. Gỏi cá mai là một trong những món ăn nhiều người tìm đến khi đến vùng biển Vũng Tàu. Đối với dân miền biển Vũng Tàu, một trong các bí quyết để có món gỏi cá mai ngon không gì hơn ngoài điều cực kỳ đơn giản là cá mai càng tươi bao nhiêu, thì món gỏi càng ngon bấy nhiêu. Cá khi đánh bắt về được làm sạch vảy, rút xương ướp gia vị để làm chín cá. Những gia vị ướp cá tươi để làm gỏi không phức tạp, mà đơn giản như những món gỏi cá khác như giấm, tỏi, chanh và ớt. Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là cách nêm nếm sao cho chuẩn vị nhất. Địa chỉ ăn gỏi cá mai nổi tiếng nhất được kể tới là ở quán Vườn Xoài tại số 34/5 Hoàng Hoa Thám. Cháo hàu Được chế biến từ những con hàu sữa béo ngậy, món ăn này rất bổ dưỡng tốt cho cơ thể. Một tô cháo hàu khá là to nên đủ cho bạn ăn no.
Bạn sẽ phải tiếc hùi hụi nếu đến Vũng Tàu mà chưa thưởng thức những món ăn này. Vũng Tàu nổi tiếng là địa điểm du lịch tuyệt vời trong những thành phố biển ở Việt Nam. Nhưng bạn có biết ở Vũng Tàu cũng có một nền ẩm thực phong phú, độc đáo? Bánh Khọt Đây là món ăn đầu bảng phải nhắc đến khi đến Vũng Tàu. Món bánh còn được cục sở hữu trí tuệ trao bằng bảo hộ độc quyền cho nhãn hiệu "Bánh khọt Vũng Tàu" vào cuối tháng 3 năm 2017. Bánh được làm bằng nguyên liệu bột gạo, trên mặt bánh thường được rắc thêm lớp bộ tôm chấy. Ngoài nhân tôm, bánh có thể được thay bằng nhân thịt heo, thịt bò, mực, sò điệp.. Bánh thường được ăn kèm với nước mắm pha chua ngọt, các loại rau sống như cải xanh, xà lách, tía tô, đu đủ và cà rốt thái sợi.. Bánh có vị béo ngậy của tôm, hành mỡ, vị giòn của viền bánh, vị chua ngọt của nước chấm. Hương vị rất riêng không thể trộn lẫn với bất kỳ món ăn khác. Bánh khọt được cho là đặc sản đặc trưng nhất của Vũng Tàu. Nhiều người còn bảo nhau rằng, nếu đến Vũng Tàu mà chưa ăn món ăn này thì thực sự chưa biết đến Vũng Tàu. Địa điểm nổi tiếng nhất của món ăn dân dã này là ở Gốc vú sữa 14 Nguyễn Trường Tộ. P2 TP. Vũng Tàu. Một số địa chỉ khác có thể tham khảo thêm như bánh khọt Gốc Cây Đa 21 Lý Thường Kiệt, bánh Khọt miền Đông 59 bà Triệu.. Lẩu cá đuối Lẩu cá đuối là món đặc sản không thể bỏ qua khi đến với thành phố biển Vũng Tàu. Đặc trưng của loài cá này là gần như không có xương. Phần cứng nhất tạo nên khung thân của con cá đều là sụn mềm. Thịt cá mềm, ngọt, hòa lẫn với vị chua của măng, giòn của sụn, với cái vị đậm đà, cay cay của chén nước mắm tạo thành một vị ngon khó cưỡng. Thực khách có thể gọi thêm đĩa cá đuối chiên giòn để ăn kèm cũng rất độc đáo. Trong cái tiết trời mát mẻ, giữa những làn gió mang hơi mặn của biển mà được quây quần quanh nồi lẩu cá đuối thì còn gì tuyệt vời hơn? Lẩu cá đuối ngon và nổi tiếng nhất ở thành phố này chính là ở số 40 Trương Công Định. Thực khách cũng có thể tìm thấy món ăn độc đáo này ở một vài quán ăn khác như quán Bãi Cát Vàng, quán lẩu cá Thanh Thanh (khu Đại An).. Hải sản Là một thành phố biển, Vũng Tàu cũng sở hữu những món ăn đặc sản từ hàu, bề bề, tôm hùm.. Một số món ăn được làm từ hải sản có thể kể đến như bề bề nướng, hà bơ, hàu đá lạnh, hến xào rau thơm, hàu nướng mỡ hành, tiết canh tôm hùm, mực hấp, mực chiên giòn, cơm rang hải sản, hải sản nướng, lẩu cá bớp.. Cái vị ngọt thơm của các sản vật biển, hòa quện giữ vị nặm đậm đà của biển cả bao la, trộn lẫn với các loại gia vị ăn kèm tạo nên những món ăn thơm nức mũi khiến thực khách khó tính cũng phải nao lòng. Thực khách có thể thưởng thức các món hải sản từ quán ăn cô Nên số 6 Trần Phú, hoặc Hải sản Thành Phát 121 Trần Phú, hay tại khu chợ đêm sau lưng khách sạn imperial Bánh bông lan trứng muối Là một đặc sản của Vũng Tàu, bánh bông lan trứng muối là loại bánh được làm từ bột mì, trứng gà, đường cát, muối iot, lòng đỏ trứng muối, phô mai, chà bông thịt heo (ruốc thịt lợn) bơ thực vật, sữa tươi.. Bánh có vị béo của bơ, ngọt của đường, sữa, vị mặn của trứng muối và chà bông. Vị ngon đậm đà, đặc trưng khó quên. Bánh có thể để được tới 5 ngày nên rất phù hợp để làm quà cho người thân và bạn bè. Địa chỉ bánh ngon là ở Gốc Cột Điện, số 17b Nguyễn Trường Tộ, Phường 2, TP. Vũng Tàu (đối diện quán bánh Khọt Gốc Vú Sữa) Nước mía lau – Trứng lòng đào Nằm trên đường lên Núi Lớn, TP Vũng Tàu, quán không có biển hiệu, chỉ có một bàn nước với một số bàn nhỏ ở bên trái con đường nhưng lại sở hữu một món ăn ngon khó cưỡng "Trứng lòng đào". Món ăn không phải lạ nhưng lại là một trong những đặc sản ở Vũng Tàu. Cũng không rõ nguyên nhân vì sao nó trở thành điểm thu hút thực khách tới vậy. Trứng được bán ở đây là trứng gà con so, béo, thơm và ngọt. Trứng nóng hổi, ăn với muối tiêu tắc rất đậm đà. Mỗi trứng được đặt trên 1 chén nhỏ, dùng thìa xúc. Nước mía lau thì thanh, không gắt, vị đậm, thanh mát. Đến đây, thực khách có thể vừa thưởng thức món ăn, vừa ngắm cảnh và tận hưởng không gian khoáng đạt, mát mẻ lung chừng dốc, lại vừa có thể "seo phì" vài bức ảnh để lưu lại khoảnh khắc thư giãn ấy. Có lẽ chính nét riêng này đã tạo nên sự độc đáo của món ăn để nó từ một món ăn dân dã, bình dị trở thành một đặc sản của Vũng Tàu. Ngoài ra còn có bún riêu tôm 94 Hoàng Hoa Thám, Ốc tự nhiên 2 số 34 Trần Phú.
Bọ nhảy là loại côn trùng được người Thái (đen) sinh sống ở bản Cốc Lác (xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) gọi là con bụi phấn trắng như vôi. Sau khi bắt bọ nhảy từ rừng về, người Thái chế biến thành những món ăn đặc sản khoái khẩu, làm bất cứ thực khách đam mê ẩm thực nào cũng phải chảy nước miếng. Trao đổi với PV Dân Việt về cách săn bắt bọ nhảy, bà Hà Thị Phong, bản Cốc Lác, xã Tú Nang, huyện Yên Châu, cho biết: Bọ nhảy có kích thước nhỏ bằng đầu đũa, màu trắng như vôi, từng bụi phấn trắng bám toàn thân, bám co cụm ở các thân cây nhỏ nằm trong rừng sâu. Đồng bào Thái (đen) thường lên các cánh rừng sâu để bắt con bọ nhảy về chế biến thành các món ăn dân dã. Cách săn bắt loại côn trùng này rất vất vả, đòi hỏi người bắt phải nhẹ nhàng không được tạo ra tiếng động lớn, bởi bọ nhảy di chuyển rất nhanh, nó nhảy như con cào cào, chỉ cần động mạnh vào cây chúng bám là nhảy tung tóe khắp nơi. Để bắt được chọn ổ của bọ nhảy, chúng tôi phải dùng túi bóng nilon hoặc túi vải (được người Thái tự thêu) hứng ở dưới gốc cây chúng bám, rồi nhẹ nhàng dùng tay gạt nhanh chúng vào túi. Chúng tôi đi cả ngày tìm kiếm trong rừng, may mắn lắm mới bắt được 2 – 3kg. Bọ nhảy là đặc sản rất được nhiều người yêu thích, đồng bào dân tộc Thái (đen) thường mang về chế biến thành nhiều món ăn ngon hấp dẫn như: Bọ nhảy trộn đều với bột gạo để làm mọc, canh với lá hành, rang lá chanh, xào tỏi, rang với nước măng chua, nhưng ngon nhất. Được nhiều người sành ăn yêu thích nhất vẫn là bọ nhảy rang với nước măng chua. Bởi, khi rang lên mùi thơm của nước măng chua hòa quyện với bọ nhảy tạo nên 1 hương vị độc đáo, khi ăn thì giòn tan và ngầy ngậy trong miệng làm bất cứ ai cũng phải trầm trồ. Bọ nhảy thường có màu trắng như vôi bám đầy toàn thân. Hàng năm, vào đầu tháng 4 – 5 dương lịch, bà con dân tộc Thái (đen) sinh sống xã Tú Nang lại rủ nhau lên rừng săn tìm con bọ nhảy, đem về rang với nước măng chua. 1kg bọ nhảy được người Thái bán ở chợ cóc dọc đường Quốc lộ 6, đoạn thuộc bản Tà Lang, xã Tú Nang với giá 250 – 270.000/1kg. Đây là món ăn đặc sản côn trùng hấp dẫn, được nhiều thực khách đam mê ẩm thực dân tộc vùng cao chọn làm mồi nhậu bia trong những ngày hè nóng nực. Đồng bào dân tộc Thái (đen) thường mang về chế biến thành nhiều món ăn ngon hấp dẫn như: Bọ nhảy trộn đều với bột gạo để làm mọc, canh với lá hành, rang lá chanh, xào tỏi, rang với nước măng chua. Theo bà Hà Thị Phong, bản Cốc Lác, xã Tú Nang chia sẻ: Loại bọ nhảy này rất hiếm, không phải ở khu rừng nào cũng có, những ai may mắn lắm mới bắt gặp được chúng. Cách chế biến loại côn trùng này cũng đơn giản, chúng ta chỉ cần đổ bọ nhảy vào giã, rồi mang đi rửa qua nước hết bụi phấn trắng bám trên toàn thân bọ nhảy. Lưu ý lúc rửa không được mạnh tay để tránh bọ nhảy bị nát, nếu bị nát sẽ mất đi chất dinh dưỡng của nó. Sau khi rửa xong, tôi đổ ra bát tô trộn đều với muối, mì chính, bột nêm, nước mắm, tỏi cho ngấm. Tiếp theo khử dầu, cho bọ nhảy vào đảo đều đến lúc chín vàng và cho ít nước măng chua vào là chúng ta đã có 1 món ăn thơm ngon và hấp dẫn. Bọ nhảy rang nước măng chua có thể ăn với cơm nếp và làm mồi nhậu thì không ai cưỡng lại được trước mùi thơm của nó. Bọ nhảy rang nước măng chua ăn với cơm nếp hoặc làm mồi nhậu thì rất tuyệt vời. Những thực khách nào đã từng lên vùng đất huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La được thưởng thức món bọ nhảy rang nước măng chua, chắc chắn sẽ nhớ mãi cảm giác giòn tan, béo ngậy của món đặc sản dân tộc này. Với vị ngọt bùi hòa cùng cảm giác tê tê gây kích thích đầu lưỡi, khiến thực khách bỏ qua sợ hãi ban đầu mà không thể từ chối, bởi sự hấp dẫn của món côn trùng rang nước măng chua.
3 đặc sản độc đáo Tây Bắc, nhìn tưởng ghê mà ăn thì phê Ở vùng cao Tây Bắc có rất nhiều món đặc sản nổi tiếng được du khách tìm thưởng thức. Tuy nhiên, có những đặc sản Lào Cai tuy ít đâu có được nhưng lại khiến thực khách lần đầu nhìn thấy phải phát khiếp. Đó là món con tằm gai ăn lá sắn rang khô với lá chanh, món măng đắng chấm mẻ chua, món trứng kiến đen đồ xôi nếp.. Món tằm gai rang giòn Từ khá lâu rồi, vùng Lào Cai – Cam Đường đã xuất hiện món rang mặn cả con tằm ăn lá sắn, thay cho việc chờ giống tằm này biến thành nhộng như tằm ăn lá dâu mới chế biến thành món ăn ngon. Tằm này là giống của Ấn Độ và du nhập vào vùng trung du miền núi phía Bắc nước ta từ những năm 70 của thế kỷ trước. Do dễ nuôi và năng suất cao nên thời đó, ở vùng thấp tỉnh Lào Cai phát triển mạnh phong trào nuôi tằm ăn lá sắn để cải thiện bữa ăn cho các gia đình. Tằm ăn lá sắn. Giống tằm này rất ít tơ, tơ lại có màu trắng ngà nên người ta nuôi chủ yếu để lấy nhộng làm thức ăn. Thời ấy, do thiếu vải mặc nên có gia đình đã có "sáng kiến" cho tằm tự do nhả tơ, tạo thành những tấm vải trông khác thường để làm khăn quấn cổ cho trẻ em hoặc làm gối ngủ của người già. Cũng vì thiếu thức ăn, nên có nhà chỉ nuôi tằm Ấn Độ tới lúc chúng dừng ăn lá sắn và thân tằm chuyển sang màu đỏ như tôm thì mang rang khô với muối để ăn. Nhìn những con tằm to như con sâu khoai, thân mình đầy gai, ai cũng sợ chứ đừng nói là gắp ăn ngon lành. Chả thế mà thời bao cấp, có không ít người thà ăn cơm với muối trắng còn hơn nhắm mắt ăn cơm với món tằm lá sắn rang vàng thơm phức.. Ảnh: Bắc Hà Food Món ăn này là kỷ niệm một thời Lào Cai cùng cả nước trải qua những ngày gian khó nhất, tưởng không bao giờ lại được nhìn thấy chứ đừng nói là được ăn lại món đặc biệt này. Không hiểu do con tằm ăn lá sắn nuôi hiệu quả kinh tế hay lại được người tiêu dùng chấp nhận nên hôm nay, các chợ ở thành phố Lào Cai ngày nào cũng có người bán tằm ăn lá sắn mang lên từ vùng Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn. Giá bán không rẻ chút nào, mua lẻ từ 150 – 180 ngàn đồng/ kg, cao gần gấp ba giá mua một cân cá trắm cỏ. Món tằm ăn lá sắn Ấn Độ đã trở lại không ít bữa cơm gia đình ở thành phố Lào Cai, kể cả những gia đình khá giả. Xin nói thêm, tằm ăn lá sắn chế biến khá đơn giản. Sau khi trần qua nước sôi cho tằm nhả hết chất bẩn là có thể cho vào chảo, chiên giòn thành món đặc sản nhậu lai rai với bạn bè hoặc rang lẫn lá chanh cho tới khô quắt, làm món chính ăn cơm rất ngon. Xôi trứng kiến Món xôi nếp đồ lẫn với trứng kiến đen của người Dao, người Dáy lấy từ trên núi cao mang về là món đặc sản không phải ai cũng được thưởng thức. Tổ kiến đen trước khi đem chế biến. Món này ăn có hương vị thơm ngon như nhộng dâu tằm hay nhộng ong mật. Tuy nhiên, có người không thể ăn được vì dễ gây dị ứng da. Còn người yếu bóng vía chỉ nhìn thấy người ta bới tổ kiến tìm trứng đã ngại không muốn ăn.. Ngày xưa, rừng Lào Cai rất nhiều tổ kiến có thể lấy trứng chế biến món ăn truyền thống. Nhưng ngày nay phải vào rừng xa còn nhiều cây rừng tự nhiên thì mới có tổ kiến đen cho trứng nấu xôi. Cuối mùa hè, đầu mùa thu là dịp kiến đen cho trứng ngon nhất, còn mùa khác kiến đen không đẻ trứng hoặc trứng gầy. Đây cũng là mùa lúa nếp thơm cho lúa non làm cốm. Xôi cốm nếp nấu xen cùng trứng kiến ăn một lần nhớ cả đời. Ông Bạch A Dỉn là một người Dáy ở vùng Tả Phời, có tài vào rừng tìm trứng kiến đen nấu xôi kể với tôi nỗi khổ khi đi kiếm tổ kiến đen lấy trứng, bị chúng đốt gãi cả tuần không hết mẩn ngứa. Vì thế phải có mẹo mới không khổ. Mẹo ấy là chờ đến tối đêm cho kiến chui hết vào tổ, lấy bùn trát các cửa vào, chặn kiến từ trong chui ra, cho vào bao tải mang về nhà dìm xuống nước, sau đó lấy dao rạch tổ lấy trứng kiến mang đi đãi cho sạch tạp chất. Tổ nhiều cho 1, 2 lạng trứng kiến, nấu đủ một chõ xôi nếp nhỏ. Nhưng có hôm gặp may lại được tổ kiến không to lắm nhưng lại cho nhiều trứng hơn. Măng đắng chấm mẻ chua Không ít người vùng núi Lào Cai – Yên Bái rất thích món đặc sản dân dã của người dân tộc Tày, đó là món măng vầu đắng chấm mẻ chua. Đây là món ăn không thể không có trong bữa liên hoan ngày tết của người Tày vùng Bảo Yên, Văn Bàn. Măng đắng là đặc sản dân dã. Thông thường, người tiêu dùng biết nhiều hơn món măng vầu ngọt xào lòng gà hoặc lá bẹ non măng vầu không đắng nấu thịt vịt. Còn món măng vầu đắng, càng đắng càng tốt luộc chín lên và chấm lẫn mẻ chua (hoặc bỗng rượu nếp) là món khoái khẩu của rất nhiều trai làng vùng người Tày. Chả thế mà dịp tết đến, hầu như nhà nào cũng cố kiếm một sọt măng đắng dành đãi khách khi tới thăm nhà. Một số gia đình ở thành phố Lào Cai phải nhờ người nhà mua từ vùng Long Phúc, Long Khánh gửi lên.
Qua bàn tay chế biến khéo léo của bà con người Thái ở Sơn La, những con dế mèn trở thành món ăn vô cùng hấp dẫn và bổ dưỡng, là món đặc sản mà nhiều người tìm kiếm. Tháng 5, khi những cơn mưa mùa hạ bất chợt đổ ào lên vùng đất núi Sơn La, cũng là thời điểm bà con ở đây rủ nhau đi tìm dế mèn về rang giòn cùng nước măng chua. Ít ai ngờ rằng, những chú dế mèn đen sì, nhìn có vẻ ghê rợn lại trở thành món ăn đặc sản bổ dưỡng mà người dân ở đây rất quý. Người dân tộc Thái ở Sơn La thường sử dụng những con dế mèn sống tự nhiên, do mình đào bắt được để chế biến món ăn. Bà Cầm Thị Mai ở phường Chiềng Sinh (Tp. Sơn La) cho biết: "Món dễ mèn muốn ngon thì phải biết cách sơ chế để loại bớt mùi hôi, tanh. Và nên chọn đúng mùa thì dế mới béo và thơm." Theo bà Mai, khi sơ chế dế mèn, cần lấy hết ruột bẩn và túi hôi trong bụng của nó ra. Đây là công đoạn quan trọng nhất, đòi hỏi sự cẩn thận và khéo léo. Bà Mai dùng tay bẻ gập đầu dế, từ từ rút sạch ruột bẩn của nó, mà vẫn giữ nguyên vẹn hình dáng của dế. Dế sau khi sơ chế sẽ được rửa sạch, để ráo, sau đó sẽ cho vào chảo và ướp cùng nước măng chua và mắm, muối vừa ăn. "Phải chọn được loại nước măng chua đã được ủ kĩ, không có váng và phải có mùi thơm của măng, như vậy mới tạo nên hương vị đặc trựng cho món ăn" Bà Mai chia sẻ thêm. Dế phải được làm sạch ruột trước khi chế biến để loại mùi hôi. Ngoài nước măng chua, thì loại gia vị không thể thiếu để tạo độ hấp dẫn cho món ăn nay là củ sả và lá chanh. Bà Mai thái sả thành những lát mỏng rồi chiên vàng và lá chanh thái sợi để riêng vào 1 cái bát nhỏ. Sau 30p khi cảm thấy dế đã ngấm gia vị, bà mai đặt chảo dế lên bếp rồi rang trong lửa to. "Mục đích của việc ướp dế với nước măng chua là khử mùi hôi của nó, khi rang chín, dế sẽ ngấm đều gia vị và dậy mùi thơm hơn." Bà Mai tiết lộ. Khi dế đã chín và phần nước măng chua trong chảo đã cạn, bà Mai cho thêm một ít mỡ và củ sả đã phi vàng vào chảo đảo đều nhằm tăng độ giòn và ngậy cho món ăn, rồi bà đảo đều và nhanh chóng tắt bếp. Những con dế trở nên căng bóng và vàng rụm. Cả căn bếp ngập trong mùi thơm lựng khó cưỡng của sả và gia vị. Món dế mèn rang nước măng chua đạt chuẩn phải có mùi thơm nổi bật của nước măng chua và sả trộn lẫn. Dế vàng, giòn rụm, không còn mùi hôi tanh. Đĩa dế mèn được rắc thêm chút lá chanh thái chỉ rồi mới dọn lên bàn ăn, trở thành tâm điểm chú ý của thực khách. Nỗi sợ hãi ban đầu của thực khách về loài côn trùng sống dưới đất này không còn nữa, thay vào đó là sự tò mò, thèm muốn được thưởng thức món ăn đặc sản giữa đất trời Tây Bắc. Dế được rang giòn rụm, mằn mặn, cay cay, đặc biệt mùi thơm của sả hòa quyện cùng nước măng chua tạo nên một mùi vị khó diễn đạt hết bằng lời. "Các món ăn từ dế mèn rất bổ dưỡng và được bà con người Thái chúng tôi rất quý vì số lượng dế tự nhiên không có nhiều và bắt được chúng không phải điều dễ dàng. Tuy nhiên, những người có cơ địa dị ứng không nên ăn món này vì sẽ gây ngứa và nổi mẩn đỏ." Bà Mai thông tin thêm.
Những món ngon khiến du khách muốn "ăn sập Sapa" Thắng cố, đồ nướng hay lẩu, gỏi cá hồi, gà đen Sapa là những món ăn mà nhiều du khách đến với Lào Cai đều muốn thưởng thức. Thịt trâu gác bếp Đến với Sapa, thịt trâu gác bếp là món ăn không thể bỏ lỡ. Đây là món ăn đậm chất vùng cao Tây Bắc. Thịt bên ngoài có màu nâu sẫm nhưng xé ra bên trong lại là màu đỏ tự nhiên. Thịt dai dai, ngọt quyện với chút cay nồng của tiêu gừng cùng mùi thơm khói củi núi đá hết sức bài bản. Những miếng thịt được chọn thường là thịt thăn, bắp vai, lưng của con trâu. Giá của một kg thịt trâu gác bếp ở Sapa dao động từ 800.000 – 1.000.000 đồng. Đào Sapa Cứ vào tầm tháng 5 – tháng 6, là lúc mùa đào Sapa vào vụ thu hoạch. Du khách đến với Sapa luôn bất ngờ và ấn tượng với những vườn đào nặng trĩu quả quanh trị trấn. Vị ngòn ngọt, chua chua, thanh chát và mùi thơm là hương vị rất riêng của quả đào Sapa chính hiệu. Đào Sapa cùng là một trong những trái cây mà mọi người thường mua về làm quà cho người thân và bạn bè. Cơm lam Cơm lam là món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Món cơm lam được chế biến với nguyên liệu chính là gạo nếp. Gạo được nướng trong ống tre, khi chín, ta chỉ cần chẻ bỏ phần vỏ tre cháy ngoài, chừa lại lạt tre mỏng vừa tay người bóc để ăn. Ở Sapa, từ nhà hàng, khách sạn đến các quán ven đường đều phục vụ món ăn độc đáo này. Cơm lam thơm ngon mùi gạo nếp, mùi thơm nhẹ nhàng của tre nứa. Tất cả hòa quyện tạo nên một món ăn ngon lành, hấp dẫn du khách khi du lịch đến Sapa. Đồ nướng Tiết trời lạnh buốt tại Sapa chính là nơi lý tưởng để bạn thưởng thức đồ nướng. Bất kì ai du lịch đến Sapa đều không bỏ qua món ngon Sapa này. Bên cạnh những món quen thuộc như khoai lang, trứng gà, cánh gà, bạn có thể dễ dàng tìm thấy một số món đậm đà bản sắc Tây Bắc như: Thịt bò cuốn cải mèo, cá suối nướng, trứng nướng, chả cá hồi, thịt lợn bản xiên que, ba chỉ lợn nướng, chim cút.. Xôi bảy màu Xôi bảy màu của Sapa là món ăn đặc sắc đậm nét văn hóa của dân tộc Nùng. Cái ngon cái quý của món xôi này được chắt lọc từ chính những nguyên liệu thiên nhiên. 7 màu của xôi gồm màu đỏ tươi, màu đỏ thẫm, nâu, màu xanh cửu long, màu xanh chuối, xanh vàng và vàng như một chiếc cầu vồng đủ sắc trong nền ẩm thực Sapa phong phú. Gà đen Sapa Gà đen Sapa hay còn gọi là gà ác – một món đặc trưng khác của người Mông. Thịt gà đen thơm, da giòn, ngọt. Trung bình, một con gà đen ở đây nặng tầm 1.5kg. Gà đen nướng thường được ăn kèm cùng muối tiêu chanh và lá bạc hà. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được thịt của gà rất ngọt và mềm. Đừng quên thử món ngon Sapa này, chuyến du lịch của bạn sẽ hoàn hảo hơn bao giờ hết. Cải mèo Sapa Cùng với thịt lợn cắp nách, cơm lam, rượu táo mèo.. rau cải mèo hấp dẫn du khách bởi sự bình dị, ngon lành. Lá cải mèo xoăn, xanh sẫm, giòn, dai hơi đắng nơi đầu lưỡi nhưng dần dần khi ăn, bạn sẽ cảm nhận thấy vị ngòn ngọt. Cải mèo xào với mỡ đông, thoáng chút cay nồng của gừng tươi là món ăn bạn nên thử khi đến Sapa. Thắng cố Sapa Thắng cố được mệnh danh là thứ "đặc sản độc lạ" của Sapa. Nhưng rất nhiều du khách bày tỏ sự yêu thích dành cho món ngon Sapa này. Đó là một loại đặc sản của người Mông, thường xuất hiện ở bản làng, phiên chợ. Nguyên liệu chính cho món ăn là thịt, xương, tiết và nội tạng (bao gồm lòng, mề, tim, phổi, dạ dày và tiết ngựa) kết hợp với gần 20 loại thảo dược (thảo quả, hoa hồi, quế chi, sả, gừng) và nhiều loại gia vị đặc biệt khác. Khi ăn, người ta sẽ múc nước dùng ra nồi lẩu, thái thịt ngựa rồi thả vào. Ăn thắng cố nhất định phải uống cùng rượu ngô. Đây chắc chắn sẽ là một trải nghiệm khó quên dành cho bạn khi đến với Sapa. Gỏi, lẩu cá hồi Với khí hậu ôn đới, cá hồi được nuôi thành công ở Sapa. Khác với các loại cá hồi nhập khẩu, cá tại Sapa thịt chắc, màu hồng đẹp, ít mỡ, giá trị dinh dưỡng cao. Nổi bật tại đây là các món gỏi cá hồi, lẩu cá hồi, cá hồi nướng..
Lạ miệng với đặc sản Tây Nam Bộ: Món cá rô mề kho thủy liễu Cá rô vốn là loại cá phổ biến trên những cánh đồng miền Tây Nam Bộ. Cá sống khá nhiều trong các kênh rạch, ao tù hay ngoài đồng ruộng. Mùa nước nổi, cá rô lên ruộng để những bông lúa còn rơi rụng và các loại cây cỏ hoang dại khác. Mùa này, cây cỏ phát triển tốt và cá rô mề lấy đó làm thức ăn nên vào mùa mưa cá rô con nào con nấy tròn vo, mập ú. Mới ngày nào những con cá rô non còn nhỏ xíu tầm ngón tay út thì chỉ sau mấy tháng những con cá nhỏ bé ấy vươn mình trở thành cá rô mề. Loại cá này to tầm 3 ngón tay, thịt dẻ dặt và thơm ngon nhất. Bắt được cá, dân quê thường chọn cách ăn nhanh nhất là nướng cá chấm nước mắm gừng. Cầu kỳ hơn, cá rô mề có thể nấu canh chua, nấu lẩu, kho tộ đều rất ngon. Có một món lấy nguyên liệu chính từ con cá rô mề mà không quá nhiều người biết đến, đó là cá rô mề kho thủy liễu. Đây là món ăn vẫn thường có mặt trong các nhà hàng và còn được xem là đặc sản của miền Tây. Thủy liễu còn gọi là rau răm, một loại rau quen thuộc ở đồng bằng. Rau răm vốn họ thân thảo, lá thon dài và rất dễ trồng. Rau răm là nguyên liệu không thể thiếu trong các món gỏi, cháo hay ăn trứng vịt lộn. Rau răm còn là sự bổ sung quan trọng trong món cá rô mề kho đặc sản vùng sông nước. Những ngày mưa dầm, nước trong đồng chưa rút hết, người dân tìm những khe nước nhỏ đặt tay lưới, cá rô đồng theo đường nước chạy xuống hồ sẽ dính ngay vào lưới. Chỉ tầm vài giờ thả lưới, bạn sẽ dễ dàng bắt được vài kg cá rô mề về kho rau răm thiết đãi cả nhà. Chọn cá rô mề to, đánh vẩy, cắt đầu, cắt đuôi, vây, kỳ, lấy sạch ruột để cho ráo nước. Bắc mỡ hành lên bếp phi cho thơm rồi đổ nước mắm vào. Nêm nếm gia vị gồm bột ngọt, muối rồi thả cá rô làm sạch vào. Trong quá trình kho bạn đổ nước dừa vào cho ngập xâm xấp cá. Điều chỉnh lửa riu riu cho gia vị từ từ ngấm vào thân cá đến khi da cá nứt ra báo hiệu cá đã chín. Lúc đó, bạn bắt đầu lặt lá và rửa sạch rau răm và thả vào nồi kho. Chờ đến khi rau răm héo lá, bạn nhắc nồi kho xuống, cho ít tiêu xay, ớt sừng xắt lát vào nồi cho đẹp mắt. Lưu ý khi kho chừa lại ít nước cá để chấm với chuối chát, dưa leo hoặc rau sống vườn nhà. Bữa ăn đạm bạc được dọn lên, cơm nóng đã bới ra chén. Giẽ một miếng thịt cá rô mề kẹp cùng rau răm đưa lên miệng nhai nhai. Mùi thơm, ngọt, dai săn của thịt cá lẫn vị ngọt đậm đà, mùi thơm đặc trưng của rau răm lan tỏa vào vị giác. Miếng cơm nóng vào nữa sẽ tạo thành một "hợp khúc" dân dã, đậm đà khó quên. Khác với món kho khô hay kho tộ, món cá rô kho rau răm có mùi thơm phảng phất, khi ăn vào có vị cay nồng kích thích vị giác người dùng. Những buổi chiều mưa, mâm cơm nghèo với món cá rô mề kho rau răm, các thành viên quây quần bên nhau mà ngon khó tả. Trong những bữa tiệc ở các nhà hàng, món ăn này nghiễm nhiên có mặt và trở thành món đặc sản được nhiều thực khách ưa chuộng.