Đắc Nhân Tâm Thuật ứng xử và thu phục lòng người - Chiêm Trúc

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi chiqudoll, 11 Tháng hai 2022.

  1. chiqudoll

    Bài viết:
    1,418
    Đắc Nhân Tâm Thuật Ứng XửThu Phục Lòng Người

    Tác giả: Chiêm Trúc

    Thể loại: Kỹ năng sống


    [​IMG]

    MỤC LỤC:

    ĐỂ CHUẨN BỊ MỘT NHÂN CÁCH


    - Kiên nhẫn

    - Giản dị

    - Làm việc

    - Danh dự

    - Điều độ

    - Đọc sách

    - Lời hứa

    - Tính can đảm

    - Tiền bạc

    - Đau khổ

    - Bạn bè

    - Thành thật

    - Nghe

    - Nói

    - Nét nhìn

    - Nụ cười

    - Hoạt kê

    - Nghi ngờ

    - Thành kiến

    - Khen chê

    - Nóng giận

    - Khiêm tốn và khoe khoang

     
    Chỉnh sửa cuối: 20 Tháng năm 2024
  2. Đăng ký Binance
  3. chiqudoll

    Bài viết:
    1,418
    KIÊN NHẪN

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trong chúng ta ai không trải qua một chặng đường học tập? Từ khi học, a, b, c cho đến khi đọc thông viết thạo chúng ta đã cố gắng kiên nhẫn một cách đáng phục. Nhiều người lầm tưởng "sự đi" là đức tính trời sinh! Không phải! Nếu các bậc phụ huynh không tập trẻ đi thì trẻ sẽ đi bằng "bốn chân" cho mà coi! Đây mới là bài học kiên nhẫn đầu tiên của loài người.

    Thế là mỗi chúng ta đã trải qua hai bài thử thách về đức kiên nhẫn rất quan trọng.

    Đến nay vẫn có những người không biết chữ i chữ tờ, phần lớn không phải vì bố mẹ họ không đủ điều kiện cho con đi học mà là bố mẹ quá nuông chiều con, không tập con đức tính kiên nhẫn để đến trường. Ngoài ra còn một ý nghĩa khác, những vị đó không coi sự học là quan trọng.

    Đức kiên nhẫn không phải dành riêng cho con người. Thiên nhiên cũng có một "tính kiên nhẫn" rất lớn. Các loài động vật sinh trên Địa Cầu có khi phải đợi đến hàng triệu năm. Những loài sinh vật cũng biết phục kích để con mồi đi qua.

    Cách đây gần 2500 năm, Liệt Tử viết bài "Ngu Công đục núi" với nội dung: Ông lão họ Ngu ở trong xó núi, mỗi lần muốn ra ngoài phải đi vòng quá xa. Vì vậy Ngu Công quyết định phá núi. Số đất lấy ra từ núi phải đựng vào thúng đội đi đổ, phải mang đến biển Bột Hải đổ. Từ nơi phá núi đến biển Bột Hải khứ hồi phải mất cả năm mới xong một chuyến. Người đương thời cho Ngu Công là ngu dốt. Nhưng Ngu Công giải thích: "Phá núi đâu có chuyện gì là khó? Đời tôi làm dĩ nhiên là không xong, nhưng đời con cháu, đời chắt rồi con cháu của con cháu chắt phải xong". Ý của Liệt Tử muốn nhấn mạnh đến đức kiên nhẫn.

    Các bậc danh nhân, vĩ nhân, giáo sư, y sư, học giả.. có ai là không có tính kiên nhẫn? Descartes nói: "Thiên tài là sự kiên nhẫn lâu dài". Tài năng nào cũng kinh qua một sự tích lũy. Cho đến các thương gia, tỷ phú cũng phải theo quy tắc đó. Các vị giáo chủ, chưởng môn cũng không ngoài, các nhà thôi miên, Fakir, pháp sư, võ sư cũng bất ngoại. Chúng ta tại sao không theo gương các vị trên mà tập tính kiên nhẫn. Nhà Phật nói: "Những vị Phật đã trải qua hằng vô lượng kiếp". Không ai mà tự nhiên đạt tới mức thượng thừa. Muốn có một nội lực thâm hậu ai nấy cũng đều đi vào con đường công phu. Lòng kiên nhẫn nén lại thành đực hàm dưỡng. Nhiều công trình phải đòi hỏi thời gian dài cả đời người, nếu không có dức kiên nhẫn để chịu đựng thì làm sao làm việc đến nơi đến chốn. Mọi bà mẹ đều cưu mang nặng hơn chín tháng mới sinh.

    Các nhà địa chất nói rằng, lục địa Nam Mỹ nguyên là một vùng đất của Tây Nam Châu Phi (nếu các bạn không tin thì cứ lấy bản đồ thế giới ra cắt vùng đất Nam Mỹ rồi ráp với vùng lục địa đó là vùng lục địa trôi, vận tốc trôi là 2cm/năm! Hiện nay chúng cách nhau trên 10.000km)

    Trước năm 1975 ở Phan Thiết có một vị thầy giáo tên là Phạm Văn Thuận có tài viết chữ giống như in. Nếu đưa cho ông một trang sách và một tờ giấy trắng của trang sách đó, ông sẽ viết trang sách ấy, người ta sẽ không phân biệt được trang nào là in, trang nào là viết, nhưng không phải viết tay trong chốc lát là được. Thế mà ông kiên nhẫn sao lại bộ ĐẠI NAM QUỐC ÂM TỰ của Huỳnh Tịnh Của (gần 2000 trang) trong 10 năm. Và bộ sách sau này có triển lãm cùng với bộ nguyên bản ở Đà Lạt.

    Một ngôi chùa ở Rangoon được coi là kỳ công là do bàn tay của một nhà sư tạo dựng nên từ lúc nhà sư 15 tuổi cho đến năm 85 tuổi (1962) mới tạm coi là hoàn thành! Bạn biết kinh thành La Mã đâu phải xây dựng trong một ngày? Đền Potala ở Lhassa đâu phải xây dựng trong một thế kỷ? Vạn Lý Trường Thành đâu phải riêng công trình của Tần Thủy Hoàng?

    Xương của các cổ sinh vật đến nay đã hóa thạch. Tô Thị kiên trinh bồng con lên núi đợi chồng cũng đã.. hóa thạch! Tuy là chuyện cổ tích, nhưng phải hiểu đó là tấm lòng thiết thạch của con người!

    Trong vấn đề làm kinh tế ta thấy lòng kiên nhẫn của người Hoa thật đáng nể. Hiện nay có nhiều người đạt "danh hiệu" tỷ phú, thời chế độ cũ, ban ngày họ đi lượm ve chai, ban đêm họ đi bán từng quả cóc. Công phu ấy cũng khó khăn như Trần Huyền Trang đi từng bước sang Tây Trúc thỉnh kinh!

    Phải có tấm lòng độ lượng và can đảm mới "chạm mặt" với kiên nhẫn! Bộ mặt của kiên nhẫn thật quái gở, hắn như một tên phù thủy, có lúc đẹp đẽ như một tiểu thư (đó là những công việc ngắn hạn), có lúc gương mặt hắn tua tủa những gai góc, trợn mắt há mồm (đó là những công trình dài hạn), ta phải tha thứ cho chính mình và yêu thương nhiều người và lách vai chen tới! Tập tính kiên nhẫn (kiên trì, kiên gan, kiên quyết, kiên cường, kiên tâm, kiến chí) bắt đầu từ công việc hàng giờ, rồi hàng ngày, hàng tháng dần dần bước qua những công trình hàng năm.

    Nhiều nhà toán học ở thế kỷ 17, 18 dám bỏ cả cuộc đời để đi tìm số (pi) chẳng hạn như Ludorff, Mestius, W. Shank, F. Viète chỉ đúng đến vài chục số lẻ thập phân.

    Đức kiên nhẫn chẳng những giúp ta khắc phục mọi việc khó khăn, nó còn giúp ta chinh phục được những người khó tính. Lòng kiên nhẫn càng làm tăng thêm tính lịch sự. Có một người nói chuyện rất dở. Nhưng nếu bạn đừng sợ tốn thì giờ quý báu của mình, cứ can đảm nghe họ nói chuyện, trước là tập mình tính kiên nhẫn, sau là giữ phép lịch sự trong việc xã giao, bạn sẽ không mất gì mà còn được lợi nữa là khác.

    Tính kiên nhẫn là một trong những đức tính khó luyện nhất, bởi vì nó phụ thuộc vào tính khí của mỗi người. Tính khí của mỗi người thì phụ thuộc vào chất máu của mỗi người. Máu của mỗi người ở vào một trong 4 nhóm: A, B, O, AB. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp các nhóm máu ấy tự thay đổi chứ không phải cố định như ta từng lầm tưởng. Ý chí là quyết định mọi việc. Bạn thường nghe người ta nói: "Tôi không đủ kiên nhẫn để nghe..", "Tôi không đủ kiên nhẫn để chờ..". Xin rỉ tai với bạn, đừng bao giờ sử dụng câu nói trên, mà phải nói ngược lại: "Hôm nay tôi rất hân hạnh được ngồi nghe anh nói..", "Thật là quý hóa, anh đã cho tôi những giây phút hữu ích..".

    Muốn tập tính kiên nhẫn điều đầu tiên nhất là không nên nôn nóng. Nôn nóng là tính bốc đồng làm ta mất tính kiên trì, mất tính liên tục. Nếu bạn đang bận việc gì quan trọng lắm, không chiều được nữa, nên chọn một thời gian nào thích hợp cho đôi bên, khéo léo hẹn gặp lại. Muốn tập tính kiên nhẫn bạn nên sử dựng nhiều về tính im lặng. Có những lúc tính im lặng và tính kiên nhẫn như dồng nghĩa với nhau.

    Và sau cùng để giúp bạn nắm vững được tính kiên nhẫn là bạn nên "đem sự kiên nhẫn ra để rèn luyện đức kiên nhẫn".

     
    TRƯƠNG PHỤNG thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng năm 2024
  4. chiqudoll

    Bài viết:
    1,418
    GIẢN DỊ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Một trong những nết tốt rất quý báu của con người là có một cuộc sống giản dị. Đừng tưởng sự giản dị chỉ dành cho những nhà tu hành. Xưa nay biết bao danh nhân sống trong sự giản dị đến nỗi có người đánh giá.. "Ông ấy là một kẻ thất nghiệp".

    Truyện kể đại văn hào L. Tolstoi (1828-1910) một hôm ông đến một đại hí viện để xem người ta diễn về một bản kịch của mình theo lời mời của vị giám đốc đoàn kịch. Tolstoi ăn mặc giản dị theo bản tính cố hữu của mình, người gác cổng không biết ông là Tolstoi, ngăn lại không cho ông vào, nói:

    - Bác hãy đi nơi khác, đêm nay có tác giả đến tham dự, lại có những nhà danh giá khác nữa. Âu là bác hãy đợi đêm khác vậy.

    Léon Tolstoi không hề phiền, liền bước ra ngồi ở ghế đá bên ngoài.

    A. Einstein, Goethe, Tagor.. đều là những bậc vĩ nhân có cuộc sống rất giản dị. Giản dị không phải là tính cẩu thả, ngược lại sống có thứ tự và ngăn nắp.

    Giản dị không phải riêng cho cách phục sức, mà nói rộng cho cách sinh hoạt hàng ngày, từ ăn uống, ngôn ngữ cho đến các bộ môn thuộc về văn hóa.

    Trong việc ăn uống, giản dị chính là sự đạm bạc, điều độ, trong ngôn ngữ, câu văn, trong lời nói giản dị là tính trong sáng, dễ hiểu, dễ nhớ.. thậm chí trong bộ môn toán học tính giản dị cũng được đánh giá cao.

    Tính giản dị đã giúp cho con người thanh thản, nhẹ nhàng xóa bỏ được những ưu tư phiền toái.

    Xưa nay người ta tốn nhiều thì giờ cho những cuộc ăn mặc, họ thường trang điểm thân xác, ít ai chịu khó trang điểm tinh thần. Thế nhưng nhờ tính giản dị đó mà tinh thần coi như đã được trang điểm.

    Giản dị trong cuộc sống nó còn đồng nghĩa với sự khiêm tốn, đồng nghĩa với sự độ lượng. Người có tính giản dị họ không có để câu chấp bắt bẻ những việc nhỏ nhặt, trái lại họ đủ sức để cảm thông những lầm lẫn vô tình của người khác.

    Cũng cần phân biệt, giản dị với lập dị. Lập dị là cái thói cầu kỳ muốn mình khác với mọi người, là tính muốn "làm nổi" cho mọi người chú ý mình là nhân vật đặc biệt. Thật ra, nếu công tâm mà xét, những người mang tính lập dị là bởi họ thèm khát sự nổi tiếng, họ thèm khát một sự "ngạc nhiên có kính trọng" của người khác đối với họ, nhưng họ quên đi một điều rất cơ bản, chính họ là một kẻ rỗng tuếch và họ tự khinh bỉ họ trước.

    Người giản dị đã có sẵn một tính tự nhiên, ai phục, ai không phục họ đâu có bận tâm đến? Tự họ đã có đực viên dung vô ngại, tự họ đã đảm bảo một chân giá trị của họ.

    Trong thời chiến người ta có kể một câu chuyện rất thú vị. Một vị tướng quân mặc quân phục nhưng không đeo quân hàm, đi bộ đến một đơn vị X để thanh tra. Vị tướng ấy đến bờ sông gặp một thượng sỹ già đi công tác, muốn qua sống nhưng ngại sông sâu, sợ ướt y phục mình. Thượng sỹ thấy anh linh kia mừng quá hỏi:

    - Ê! Chú mày đi đâu?

    - Về X!

    - Ồ! Thế thì may quá! Tớ xuống công tác ở X, trong túi có nhiều giấy tờ, chú mày làm ơn cõng tớ qua sông.

    Anh lính kia mỉm cười kê vai cõng anh thượng sĩ qua sông. Sau đó anh lính chào vị thượng sỹ rồi rẽ lối. Mấy hôm sau, vị thượng sỹ mới biết anh lính cõng mình qua sông chính là tướng Nguyễn Chí Thanh.

    Nếu gặp một người không có tính giản dị, chắc chắn anh thượng sỹ sẽ bị giảng đạo đức một hồi.

    Lại một chuyện khác, một viên sỹ quan trẻ trong nhà ga đi ra, dọc đường muốn gọi điện thoại về nhà nhưng không có đúng loại tiền để bỏ vào hộp điện thoại. Viên sỹ quan thấy một anh lính già bên kia đi lại, liền vội hỏi:

    - Anh có tiền đổi tôi 10 pence không?

    Người lính nói:

    - Chờ chút tôi xem thử có giúp anh được không?

    Người lính liền cho tay vào túi. Viên sỹ quan trẻ cau mày tỏ vẻ khó chịu, nói:

    - Anh không biết cách nói chuyện với một sỹ quan à? Nào, bây giờ chúng ta thử bắt đầu lại: Này anh lính, anh có tiền đổi cho tôi 10 pence không?

    Người lính chào cái "cụp" đáp ngay:

    - Thưa ngài, không!

    Rồi bỏ đi. Buổi ấy viên sỹ quan tìm được 1 pence để gọi điện thoại thì mọi việc trễ mất! Rất tiếc!

    Sự rườm ra nhiều khi có nghĩa là hợm hĩnh, cửa quyền hoặc lố bịch. Có môt chuyện xin chép ra đây để chúng ta rút lấy một chút kinh nghiệm trong phép xử thế.

    Hồi ấy ở thị xã QN có những trường trung học lớn, có trường Sư phạm (hai năm). Thể lệ để vào sư phạm là chỉ cần có tú tài I thì thi vào. Năm ấy chúng tôi chuẩn bị thi phần II. Chúng tôi đến sở y tế khám bệnh. Ngoài cửa phòng khám có đề biển "Nơi khám bệnh cho giáo sư, sinh viên, học sinh". Chúng tôi ngồi đợi đến lượt mình, bỗng có ba nàng giáo sinh sư phạm (năm đầu cứ nhìn bảng tên trên áo thì biết rõ tên, trường, lớp) bước vào. Một cô hỏi:

    - Này anh, nơi khám bệnh cho bọn giáo sinh chúng tôi đâu?

    Tôi đáp:

    - Cũng là tại phòng này!

    Hồi đó đám sư phạm hách xì xằng lắm! Họ hách xì xằng cũng phải bởi vì kiếm cái tú tài I gay go lắm, huống chi đây họ đã vào sư phạm. Còn bọn này mới đang học lớp Đệ Nhất. Một cô áo hồng khẽ nhíu mày liễu (đẹp thì có đẹp nhưng quá kiêu) nói:

    - Không, không! Chúng tôi là giáo sinh chứ không phải học sinh!

    Anh bạn ngồi bên cạnh tôi tức mình (nhưng vẫn ôn tồn) nói:

    - Vâng! Ba cô đi cuối dãy hành lang này, quẹo phải, đó là nơi khám cho giáo sinh!

    Ba cô cảm ơn rồi hớn hở đi ngay. Bạn tôi nói:

    - Ai không hiểu họ là giáo sinh sư phạm. Thầy của họ còn khám nơi đây huống gì các cô ấy? Phách và kiêu cũng vừa phải thôi. Nơi đó có một dãy W. C tha hồ các cổ khám!

    Người khó tính hầu hết là người thiếu đức tính giản dị. Người khó tính tổ chuốc lấy sự phiền phức.

    Ở một chung cư nọ có một cô sinh viên năm cuối, đến mướn một căn phòng yên tĩnh để học, thế nhưng cô lại hay rủ các bạn về đó hát và nhảy. Người trong chung cư thấy cô đẹp và trí thức cũng có phần nể nang. Phòng trên của cô đang ở có một cặp vợ chồng già phải dọn đi vì không chịu được tiếng nhạc và tiếng hát của phòng dưới. Một thanh niên độc thân dọn đến đó ở.

    Lúc 3 giờ sáng cô sinh viên giật mình thức dậy vì nghe có tiếng chó sủa của phòng trên. Cô sinh viên tức mình gọi điện thoại lên mắng:

    - A lô! Tôi là sinh viên năm cuối cần sự yên tĩnh để nghỉ ngơi và học tập. Nếu ông còn để chó của ông tái phạm nữa thì tôi sẽ nói với ông tổ trưởng tống cổ cô ra ngay.

    Cô nói xong tắt máy không đợi bên kia trả lời. Ba giờ sáng ngày hôm sau có tiếng điện thoại reo, cô sinh viên dậy nghe máy:

    - A lô! Cô sinh viên thân kính! Mới dọn nhà tới tôi cứ tưởng cô là một ca sĩ. Xin lỗi trên phòng tôi không nuôi chó. Chính tôi cũng cần một sự yên tĩnh như cô.

    Chỉ cần ngày hôm sau, cô sinh viên kia nhận ra vị khách trên là một trong những giáo sư đang dạy mình.

     
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng năm 2024
  5. chiqudoll

    Bài viết:
    1,418
    LÀM VIỆC

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sự làm việc là chức năng thiên phú của mọi sinh vật. Mọi sinh vật đều có tăng trưởng tất nhiên phải có làm việc. Cho đến cây cối cũng phải làm việc. Hoa hấp thụ ánh sáng và nhiệt độ để tạo màu sắc và mùi hương, lá làm nhiệm vụ hô hấp, rễ hút những chất dinh dưỡng, thân cành có nhiệm vụ chế biến thức ăn.

    Trong cuộc cạnh tranh sinh tồn không một sinh vật nào được phép "lười biếng". So với mọi loài, con người được thiên nhiên ưu đãi rất nhiều, thế mà vẫn có kẻ thích ngồi không mà hưởng thụ, chứ không chịu làm việc, thế có đáng buồn không?

    Chúng ta không nói theo ngụ ngôn, dẫu con gà đứng trên sân lúa, chỉ cần mổ là có lúa ngay, thế mà nó vẫn bươi xới. Hình ảnh tự nhiên ấy đáng để ta suy ngẫm.

    Ngay thẳng mà nói, chưa từng có một người nào sống mà không làm việc, nhưng vấn đề làm việc ở đây đòi hỏi một sự tận tâm, một sự cầu tiến. Sở dĩ loài người tiến bộ là do đại đa số làm người có tinh thần cầu tiến, học hỏi.

    Bạn làm việc cho chính bạn hay làm công cho người khác, giá trị ở chỗ làm tận tình hay không? Theo kinh nghiệm, ai tận lực tận tâm thì sẽ tìm thấy một sự thú vui và xóa được những ưu tư. Và sung sướng hơn nữa, chính mắt bạn trông thấy thành quả của bạn đã làm ra. Chúng ta lấy sức và óc ra làm việc, nên việc ta làm đó dường như có thần, có hồn. Người ta thường ca ngợi một bài thơ hay, họ nói: "Bài thơ có hồn", "Bài thơ có thần".. Không riêng gì bài thơ, bức tranh hay một tác phẩm nghệ thuật nào khác, sự làm việc bền bỉ với một tấm lòng nhân hậu cởi mở thì thành quả của bất kỳ người nào cũng đều có thần cả. Đại điêu khắc gia Rodin (1840-1917) nói: "Cõi đời này chỉ thật sự sung sướng khi mọi người đều có tâm hồn nghệ sĩ, nghĩa là vui vẻ làm công việc của mình".

    Đó là nói chung, còn phân tích hai tiếng "làm việc" thì thiên hình vạn trạng! Trẻ sơ sinh cho đến khi biết đi, "công việc hàng ngày" của chúng là do chức năng thiên phú của thiên nhiên: Bú, cử động, khóc, bài tiết. Từ biết đi đến 6 tuổi, ăn, ngủ, chạy chơi, bắt chước. Sau đó chúng đến trường. Học tập là sự làm việc của các em. Khi vào đời, người nào cũng phải kiếm một vài nghề thích hợp với sở năng của mình. Một nông nhân phải biết cày cấy, vun xới, nghề phụ là đan lát. Một ngư phủ phải biết đánh cá bắt tôm, bơi lội, nghề phụ là việc đan lưới, vá lưới. Một nhà giáo ngoài việc dạy dỗ học trò, giờ rảnh giúp vợ con cho công việc gia đình hằng ngày trôi chảy. Các công nhân viên chức đều theo một thể thức như vậy lại còn tùy theo khả năng và hoàn cảnh mà gia giảm. Ai ai cũng có việc làm. Cũng có lý do, họ có khả năng, nhưng chưa có (chứ không phải không có) nơi nào chịu nhận, còn làm những nghề vụn vặt thì số tiền kiếm được không đủ chi tiêu trong gia đình, hơn nữa nghề họ làm tạm không phù hợp với sở trường.

    Ở đây chúng tôi không bàn đến cách "tìm việc làm", nhưng xin giúp cho quý bạn một ý kiến: Cây cối đứng yên một chỗ không có tay chân, không miệng mắt thế mà chúng vẫn sống một cách ung dung tươi tốt, trổ hoa sinh quả truyền tử lưu tôn. Một người khuyết tật còn có việc làm huống gì chúng ta?

    Người đời có những thành ngữ về cách làm việc: Chân cứng đá mềm, đổ mồ hôi rơi nước mắt, thức khuya dậy sớm, chân lầm tay bùn, đầu tắt mặt tối.. là những thành ngữ nói về sự vất vả trong lao động, thế sao ở đây lại nói lấy sự làm việc làm vui?

    Bạn hãy nhìn kìa, những người tàn tật đi rất nhiều trên các đường phố, nếu họ không làm việc thì lấy gì sinh sống? Chúng ta được lành mạnh mà phung phí sự lành mạnh ấy, không uổng sao? Trên đời này thật sự mà nói không một người nào mà không khổ cả. Dù họ là vị quốc trưởng, dù họ là nhà tỷ phú.. Vị quốc trưởng cũng phải lao tâm lao lực, đem hết khả năng mình ra làm sao cho quốc phú dân cường, nhà giàu họ cũng khổ sở, vì lo của cải của mình có thể bị trộm cắp, con cái vì số tài sản đó mà xung đột lẫn nhau. Những người "đa thê" cũng khổ sở đến điên đầu.. tựu chung, những nỗi khổ chính đáng đó là những nếp nhân bản chúng ta không được quyền trốn tránh. Nếu trốn tránh những nỗi khổ thông thường đó thì sẽ gặp những điều khốn khổ do hậu quả, tấn công ngay.

    Bạn thử bước vào đồn công an nào đó, hoặc xem báo hàng ngày hoặc xem ti vi bạn sẽ thấy "lệnh truy nã", đó mới thật sự là khổ! Cái khổ của chúng ta là nhiệm vụ, là bổn phận, là lương tâm, nên qua một ngày làm việc, ta ung dung nghỉ thoải mái hoặc vui đùa với vợ con. Một thằng Vọi hay một thằng Bờm nào đó dẫu nó có ung dung một lúc rồi nó cũng phải lo vác chèo, cầm quạt đi làm công việc của nó, có nghĩa là tuy nó ngờ nghệch chất phác, nhưng cuối cùng nó vẫn sống như ta.

    Xem thế, cái khổ vì làm việc và cái khổ vì lo sợ, chắc chắn ta vui vẻ mà chọn cho mình sự làm việc.

    Cho đến nay y học vẫn chưa tìm ra loại thuốc chữa chứng ưu tư. Các nhà phân tâm học sau một thời gian dài nghiên cứu đều đồng ý lấy công thức cổ điển: Chỉ có làm việc mới chữa được những chứng bệnh tâm lý.

    Chúng ta không phải đợi đến lúc buồn mới làm việc. Hãy khởi sự làm việc bằng những việc gì bạn thích làm, có lợi cho mọi người.

     
    Ưu Đàm Thanh Ti, Beibei112Dương2301 thích bài này.
  6. Yeuemmaimai

    Bài viết:
    315
    Sách đắc nhân tâm này lạ quá, không giống sách đắc nhân tâm của Tây.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...