Bài Làm 'Phản kháng nhất thời chẳng có gì mạnh mẽ, người đối mặt với sự gặm nhấm từng chút một của hiện thực cuộc sống mà vẫn giữ được mình nguyên vẹn, mới là dũng sĩ thật sự' (Ngô Đại Vĩ) Có người khi đứng trước bao trái đắng cuộc đời, bao thách thức bủa vây, ở họ vẫn giữ riêng cho mình một tâm hồn trong sạch, một dáng hình bất khuất tôi gọi họ là dũng sĩ chẳng nề hà giáp sắt. Lại có kẻ khi đứng trước bao cám dỗ xã hội thối nát, nghiễm nhiên chọn khuất phục, để rồi hình hài và nhân tính bị chôn vùi, mục rữa. Đôi tay nài nỉ, trái tim khát khao, hi vọng nhen nhóm âm ỉ đáy lòng.. trông chờ có thể một lần nữa sống dậy làm người, thoát khỏi xiền xích nô lệ. Tiếc thay! Thời khắc ấy quá đỗi xa tầm với. Để rồi khi ngọn sáng cuối cùng trong trái tim chợt dập tắt, phải vùng vẫy, phải kết liễu, phải để mọi quy luật diễn ra theo đúng trật tự của nó. Qua nhân vật Chí Phèo - tấn bi kịch tinh thần của một con người sinh ra là người nhưng không được làm người trong sáng tác cùng tên của nhà văn Nam Cao, bằng ngòi bút tinh tế, tâm hồn sâu lắng Nam Cao đã phác họa nên Chí khi mà hắn mang hình người nhưng đậm chất bên trong nhân thú trước vòng xoáy tiền tài. Nhằm hiểu sâu sắc về bi kịch của Chí chúng ta hãy đi vào phần cảm nhận sau: Nam Cao (1917-1952) tên khai sinh là Trần Hữu Tri, quê ở làng Đại Hoàng, Hà Nam - đây là vùng đồng chiêm trũng, nghèo đói xơ xác, quanh năm có cường hào áp bức bóc lột nặng nề. Sống giữa tình cảnh bấy giờ người tri thức nghèo, trung thực vẫn luôn giữ mình trong sạch trước thói đời, phàm tục. Tuy lạnh lùng nhưng Nam Cao giàu tình cảm, nhân ái với mọi người nhất là những người nghèo khổ, đó là cuộc đời của một nhà văn chân chính. Nghệ nhân đặc biệt rất thành công trong việc phân tích và miêu tả tâm lí nhân vật. Khi mà thời, văn sĩ đua nhau chạy theo những gì lãng mạng, xa hoa trái ngược với thực tại. Thì Nam Cao đã thả hồn mình vào nhân vật Điền (Giăng sáng) cất lên tuyên ngôn, hướng ngòi bút đến nghệ thuật vị nhân sinh - thứ nghệ thuật luôn đúng với mọi thời đại: "Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than' . Trong sự nghiệp sáng tác Nam Cao đã để lại cho đời nhiều tác phẩm sáng giá với 2 mảng đề tài chính: Viết về người trí thức tiểu tư sản nghèo và người nông dân cố cùng đương thời. Trước cách mạng tháng tám có các tác phẩm như: Chí Phèo, Lão Hạc, Sống mòn, Đời thừa.. Sau cách mạng thì có truyện ngắn: Đôi mắt, Mò Sâm Banh.. Chí Phèo (1941) là một tác phẩm xuất sắc, thể hiện nghệ thuật viết truyện độc đáo của Nam Cao viết về một tấn bi kịch của một người nông dân nghèo bị tha hóa trong xã hội, không một nhà văn nào sánh được. Nam Cao không chỉ khái quát xung đột giữa người nông dân và địa chủ mà còn đi sâu vào bi kịch trong chính con người. Mở đầu truyện rất độc đáo và lôi cuốn, độc giả chỉ hình dung được nhân ảnh Chí Phèo và tiếng chửi rủa tăng cấp của anh văng vẳng trong không gian làng Vũ Đại, say rượu dọc đường về: ' Hắn vừa đi vừa chửi, chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn, chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn'Nhưng trái ngang thay đáp lại lời hắn chẳng có ma nào lên tiếng. Cả cái làng Vũ Đại đều nghĩ hắn trừ mình ra, thành thử ra chỉ có tiếng chó sủa hòa vào tiếng của kẻ đang say rượu ôm chồm cả xóm làng. Có phải bạn đang thắc mắc tại sao Chí Phèo lại chửi? Điều gì đã khiến hắn mồm miệng chanh chua như thế? Chí Phèo chửi để bỏ tức, để giải phóng uất ức trong lòng, để chứng tỏ hắn vẫn còn tồn tại trong xã hội nhưng mà cái xã hội bần hèn đó đã gạt bỏ Chí từ lâu rồi! Ngay từ đầu bi kịch của Chí Phèo đã được nhà văn khơi mởi, để rồi khi hòa dòng vào quá khứ ta thấy bi kịch này nối tiếp bi kịch khác. Đời Chí từ khi sinh ra đã là một bi kịch, bị bỏ rơi và được anh thợ thả ống lươn nhặt về trong cái lò gạch cũ, đen nhẻm, trần truồng trong chiếc váy đụp. Anh ta đưa Chí Phèo cho bà góa mù, bà ta bán anh cho Bác Phó Cối không con. Khi Bác chết Chí được người dân trong làng chuyền tay nuôi, lớn lên ở đợi cho cụ Bá Kiến kiếm sống. Chỉ những người bao giờ sống trong tình thương của bố mẹ mới hiểu được nỗi đau thiếu thốn tình thương, sống như cây cỏ dại cằn cỗi của Chí Phèo: 'Không cha không mẹ, không nhà không cửa, không người thân thích, không tấc đất cắm dùi'. Đối mặt với bao khuôn khổ cuộc sống, không áo cơm, cù bấc cù bơ. Chí vẫn còn giữ được lòng tự trọng, biết phân biệt đâu là dâm dục, đâu là yêu thương, khi bị bà 3 kêu lên đấm lưng, xoa bụng, bóp chân: 'Hồi ấy người ta không là đá cũng không hoàn toàn là xác thịt, người ta không thích thứ gì thì người ta khinh'. Song sâu thẳm bên trong con người Chí: 'từng mơ ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cày thuê, vợ cuốc mướn". Chúng sẽ bỏ một con lợn làm vốn liếng, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng để làm. Hai mươi năm đầu cuộc đời Chí là người nông dân lương thiện, chất phác, thật thà, ước mơ vô cùng trong sáng và giản dị. Bi kịch tha hóa, bi kịch cho mọi căn gốc biến Chí Phèo - người nông dân hiền lành trở thành con quỷ đội lốt người. Chỉ vì ghen tuông vô cớ Bá Kiến đã đẩy Chí Phèo vào tù, nhà ngục - nơi tiếp tay cho bọn cường hào biến người nông dân lương thiện trở thành con quỷ ranh mãnh đầy thủ đoạn và mùi tanh máu me. Sau khi ra tù, không ai nhận ra Chí cả: 'Hắn về lớp này trong khác hẳn, cái đầu trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cặp mắt gờm gờm trông gớm chết! Hắn mặc quần nái đen với áo tây vàng, ngực trổ phanh đầy những nét rồng phượng với một ông tướng cầm chùy trông gớm chết!'trong cơn vặt vãnh men say của rượu Chí đến nhà cụ Bá gây chuyện nhưng bị hắn khôn ngoan hóa giải, rồi Chí trở thành tay sai cho Bá Kiến. Một thủ đoạn xảo trá và ngon mẻ của tên ác bá: 'Lấy thằng đầu bò trị thằng đầu bò'Anh hãy ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông sau đó kéo người ta lên để chờ đợi sự hàm ơn. Hãy "đập bàn đập ghế đòi cho được năm đồng, nhưng được rồi thì lại vất trả lại năm hào vì thương anh túng quá". Chỉ vì vài đồng hào Chí Phèo đã bán rẻ linh hồn cho quỷ dữ, trở thành tội đồ cho cả Làng Vũ Đại. Anh đã lấy máu và nước mắt của bao con người lương thiện. Anh Chí của ngày xưa chết rồi, nào có ngờ cái thằng lành như đất khi xưa lại trở thành kẻ côn đồ mất lương tâm bây giờ. Hắn ngập đầu trong những cơn say triền miên, thức dậy hãy còn say, say lại rạch mặt, ăn vạ.. Chính Chí đã quên mất đi bi kịch cuộc đời hắn, cứ đắm chìm vào men say để rồi ngày càng bị tha hóa. Ngỡ đời hắn cứ lặp đi lặp lại, cứ giở thói côn đồ kiếm ăn nhưng không Nam Cao vẫn luôn dõi theo từng bước chân của nhân vật mình, vẫn tạo cho hắn chút hi vọng thức tỉnh bản chất lương tri trong con người của kẻ tưởng chừng đã biến thành con quỷ dữ của cả làng Vũ Đại. Cuộc gặp gỡ giữa hai con người bình thường nhưng không tầm thường, một kẻ du côn - chẳng còn nhân tính, một kẻ xấu như ma chê quỷ hờn mà lại còn là đứa dở hơi: ' Cái mặt hao hao như mặt lợn, môi dày bạnh ra, cái mũi thị vừa to, vừa ngắn'Thị Nở càng xấu bao nhiêu bi kịch cuộc đời Chí càng tô đậm. Cuộc gặp gỡ với Thị Nở đã đánh thức phần người trong tâm hồn đen tối của Chí, đã khiến hắn nhận ra bi kịch đời mình mà tưởng như hắn đã quên mất, hay men say đã khiến hắn lẫm rồi, hắn muốn hoàn lương, muốn làm hòa với mọi người. Sau một lần ăn nằm với Thị Nở, lần đầu tiên hắn tỉnh sau những cơn say triền miên: 'Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá, có tiếng cười nói của những người đi chợ, anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá; vải hôm nay bán mấy - kém 3 xu dì ạ!'Những âm thanh quen thuộc hôm nào chả có nhưng đến tận hôm nay, hắn mới cảm nhận được sạch sành sanh. Nó gợi đến ao ước của quá khứ xa xôi cùng ước mơ như bao người chân quê khác. Hắn nghĩ về tương lai ốm đau, bệnh tật.. Còn đau đớn hơn cả đói rét. Hắn nghĩ về thực tại, thực tại hắn có gì? Con quỷ dữ của cả làng? Thị Nở là thứ ánh sáng le lói duy nhất chiếu rọi lên số phận của Chí Phèo ngay cả khi hắn bị cả Làng cô lập. Thị đã đến đã trao cho hắn hi vọng, khát khao sống lương thiện, thị đã mở cho hắn ngách hướng ra đường hầm tăm tối hướng về người lương thiện. Chính tình thương chân thành, sự đồng cảm sâu sắc, cùng với bát cháo hành nóng Thị nấu cho Chí ăn - bát cháo hành xoàng xĩnh mà thấp kém được đem tặng với lòng tình nguyện, lần đầu tiên cũng như lần cuối cùng chỉ duy nhất để thôi được ăn trong tình thương và hạnh phúc. Trước giờ hắn nào được ai cho không khi mà không rạch mặt, ăn vạ Thị thì khác. Lần đầu tiên hắn được bàn tay người đàn bà chăm sóc, lần đầu tiên được nấu cho bát cháo. Bát cháo dân dã, đơn giản làm sao lại ngon hơn cháo thịt? Thế mà anh Chi lại độc thoại: 'Những người chưa từng ăn cháo hành sẽ không biết mùi vị cháo hành ngon đến như vậy "Đây là chi tiết đắt giá, thể hiện tấm lòng nhân đạo của nhà văn, ngoài ra còn bộc lộ tài năng thấu hiểu tâm lí nhân vật của Nam Cao. Điều tuyệt vời nhất ở nhà văn Nam Cao đã phát hiện ra ở Chí Phèo, anh là người nông dân lương thiện. Dẫu cho xã hội tàn ác, vùi dập đi nhân hình và nhân tính thì vẻ đẹp của Chí vẫn sinh sôi nảy nở thẳm sâu tâm hồn Chí. Hạnh phúc đến chưa bao lâu cuộc tình giữa Chí và Thị đã bị Bà Cô Thị ngăn cấm - kẻ đại diện cho định kiến xã hội: ' Ai lại đi lấy thằng Chí phèo.. đã nhịn chừng này rồi hẳn nhịn thêm chút nữa.. bà ta mắng xỉa xối vào mặt cháu gái chưa trót đời.. Uất ức, căm tức Thị tìm đến Chí giải thỏa.. Chí dường như hiểu rõ lời Thị.. hắn níu tay thị vùng vằng, níu chút hi vọng còn sót lại.. thế nhưng Thị đã khước từ. Ôi giá như Thị biết cho và biết giữ thì tốt biết mấy! Trời ơi Thị đã khiến hắn khóc:" Hắn ôm mặt khóc rưng rức' tiếng khóc của Chí Phèo là tiếng khóc của một người cố nông nghèo bị tha hóa, bị tước đoạt quyền làm người. Nam Cao đã gói gọn nỗi đau trong tâm hồn Chí bằng ba chữ "khóc rưng rức". Bao nhiêu tủi hờn và uất ức dồn nén lại để rồi bật lên thành tiếng khóc tức tưởi cho sự trái ngang, sự cay đắng của một người sinh ra là người mà lại bị tước quyền được sống làm một con người chính đáng. Có hiểu được ước mơ chân thành giản đơn của Chí "Hay là mình sang ở mới tớ một nhà cho vui", ta mới thấu hiểu được tiếng khóc đau đớn của một người bị phụ tình. Qua tiếng khóc Chí gợi cho ta tiếng khóc nhân vật Hộ (Đời Thừa) Hai tiếng khóc của hai con người, ở hai hoàn cảnh khác nhau nhưng đều biểu hiện nỗi đau đớn tột cùng về thân phận của con người trong những tấn bi kịch về cuộc đời. Hộ khóc vì sự ăn năn, hối hận do đã có hành vi thô bạo, cọc tính với vợ con; ngược lại Chí Phèo khóc sau khi bị thị Nở chối bỏ. Tiếng khóc của Hộ là tiếng khóc của một người trí thức tiểu tư sản có ý thức sâu rộng về sự sống, anh muốn cống hiến đời mình bằng sự lao động sáng tạo thế nhưng trái ngoe thay anh phải sống "đời thừa", một người coi tình thương là nguyên tắc xác định tư cách làm người ở đời nhưng anh lại vi phạm vào lẽ sống tình thương. Về Thị là con đàn bà thật độc ác và nhẫn tâm, còn gì đau đớn hơn cho Chí khi mà hắn ngỡ mình đã tìm được bạn đời như ý nguyện, người có thể cứu vớt hắn ra bờ vực tội lỗi.. thì lại một tay bị chính người mình thương đẩy lại gần vực ác quỷ chứ. Tại sao lại trao cho người ta hi vọng, tại sao lại xuất hiện thoáng chốc rồi để một mình kẻ đã đánh thức lương tri tiến lại về bờ tội lỗi chứ! Chí ngửi thoang thoảng mùi cháo hành, hắn rơi vào tuyệt vọng, bi kịch của một con người bị cự tuyệt quyền làm người. Trong cơn say rượu Chí cầm dao muốn giết con đĩ Nở và con khọm già nhà nó. Nhưng vô thức trong bản năng Chí điều gì đã khiến hắn quên ngã rẻ vào nhà Thị mà lại đến nhà Bá Kiến? Hắn đã nhận ra kẻ đốn mạt, ném đá giấu tay gây nen bi kịch đau đớn không thể công nhận ở đời của hắn. Tất cả là do tên Bá Kiến: 'Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất đi hết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể làm người lương thiện được nữa! Biết không! Biết không!.. thế là Chí vun dao chém hắn túi bụi rồi tự sát, kết thúc tấn bi kịch cuộc đời chua xót. Thả mình vào những con chữ thông qua nhân vật Chí Phèo bạn đọc vừa cảm thấy thương vừa sợ. Thương cho một cuộc đời vốn mang trong mình bản tính lương thiện lại bị xã hội đốn mạt và thành kiến cướp mất đi quyền được làm người một cách chính đáng. Sợ những kẻ cường hào tiếp tay cho bọn ác bá đàn áp con người khiến cho họ mất đi cả hình hài và nhân tình vốn sẵn có. Sự thành công của tác phẩm không thể không nhắc đến các yếu tố nghệ thuật. Ngòi bút tài hoa ở Nam Cao không chỉ được thể hiện qua sự khắc họa hình tượng và tâm lý nhân vật mà còn ở nghệ thuật trần thuật, cốt truyện đầy sáng tạo. Tóm lại, sau khi ngụp lặn trong bể chữ của nhà văn chân quê - tác giả đã nhắn gửi thông điệp phê phán và tố cáo tội ác cũng như thành kiến của xã hội cũ, đã chà đạp dồn dập con người ta vào bước đường cùng. Để rồi, còn gì là nhân hình và nhân tính khi con người ta bị tha hóa và làm nên những chuyện trái với luân thường đạo lý ở đời. Sẽ ra sao nếu khi ấy Bá Kiến không cậy quyền, ghen tuông mù quáng mà tống khứ Chí Phèo vào ngục tù thì có lẽ Chí đã không trở thành nỗi ám ảnh to lớn cho dân làng Vũ Đại và cho cả bản thân anh. Còn về ước mơ bình dị của Chí cũng đã bị tước đi, quyền của một con người được sống và ao ước cũng chẳng đáng giá là bao trong mắt của những kẻ cường hào, ác bá.