Phân tích vẻ đẹp trữ tình của sông Đà trong đoạn trích Hình như khi mà...thác lũ ngay đấy

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi athu197, 5 Tháng bảy 2023.

  1. athu197

    Bài viết:
    1
    "Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc

    Khi lòng ta đã hóa những con tàu"

    (Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên)

    Thi ca nghệ thuật những năm 58-60, có lẽ Tây Bắc đã trở thành vùng đất màu mỡ để các nhà văn, nhà thơ đến đây tìm cho mình những nguồn cảm hứng mới. Ta đã từng biết đến "Hoa ban miền Tây Bắc" của Nguyễn Văn Pứ hay Nguyễn Khải với tác phẩm "Mùa Lạc" thì Nguyễn Tuân lại thăng hoa trên mảnh đất này, để "gặp, làm quen, hiểu và viết" về sông Đà. Để từ đó sáng tác tùy bút "Người lái đò sông Đà" vang danh một thời. Nét ấn tượng nhất trong lòng người đọc có lẽ là hình tượng trữ tình, lãng mạn của sông Đà trong đoạn trích "Hình như.. ngày ấy". Từ đó, ta nhận ra những những khám phá mới mẻ về dòng sông của nhà văn Nguyễn Tuân.

    Là cây đại thụ của nền văn học Việt Nam, Nguyễn Tuân được mệnh danh là "người sinh ra để tôn thờ nghệ thuật". Trước và sau cách mạng, nhắc đến Nguyễn Tuân, ra vẫn luôn nhớ đến một phong cách gói gọn trong một chữ ngông với ba đặc điểm: Tài ba, uyên bác và độc đáo. Tùy bút "Người lái đò sông Đà" in trong tập "Tùy bút sông Đà", đây chính là kết tinh của tài năng ấy trong một chuyến đi thực tế tại vùng Tây Bắc những năm 1960. Đoạn trích nằm ở phần cuối của tác phẩm, sau khi tác giả đã lột tả được toàn bộ sự hùng vĩ, táo bạo của thường nguồn sông Đà thì đây là lúc Nguyễn Tuân chạm khắc những vẻ đẹp về hạ nguồn đầy nét trữ tình của dòng sông.

    Nếu như lúc tác gia khắc họa về thượng nguồn hùng tráng, kỳ vĩ bằng góc nhìn từ xa tới gần thì đến với đoạn hạ nguồn, Nguyễn Tuân lại đưa chúng ta đến với vẻ đẹp trữ tình của sông Đà từ trên cao để bao quát toàn cảnh. Tác giả như thả mình vào không khí êm đềm của dòng sông bằng cách ngồi trên con thuyền lững lờ trôi trên dòng sông, huy động toàn vẹn cảm xúc, cảm giác và tưởng tượng để nhâm nhi cái ý vị, cái không khí tỏa ra từ không gian ấy. Đọc câu văn, người đọc tưởng chừng như đắm mình vào không gian đất trời Tây Bắc với những hình ảnh giàu sức quyến rũ như: "Tổ Quốc bao la", "mây trời", "hoa ban", "hoa gạo", "mù khói núi Mèo đốt nương xuân", "đại dương đá lờ lờ bóng mây". Và nhìn từ trên cao, "Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc". Bằng thủ pháp điệp ngữ cùng với sự vắng bóng của dấu phẩy làm cho câu văn trở nên ngân nga, gợi cảm xúc lâng lâng xao xuyến. Với hình ảnh so sánh mới lạ, sông Đà hiện lên trước mắt ta một vẻ dịu dàng, hiền hòa khó tả. Thông thường, người ta dùng từ áng để chỉ một áng văn, áng thơ để nói lên sự bay bổng, lãng mạn trong thơ ca, nghệ thuật, thế nhưng, Nguyễn Tuân lại dùng từ "áng" để chỉ một "áng tóc", một "áng tóc trữ tình", một vẻ đẹp bí ẩn và đầy quyến rũ của người con gái vùng Tây Bắc. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng câu văn dài như chất chứa trong đó biết bao vẻ đẹp quý giá của miền đất xa xôi. Chẳng viết như thông thường, ông dụng lối đảo trật tự câu "bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai" càng làm nhấn mạnh thêm cái sức sống căng tràn của thiên nhiên vào thời điểm giữa xuân. Từ láy "cuồn cuộn", hình ảnh "mù khói núi Mèo đốt nương xuân" dường như đã tạo nên cảm giác sương khói mờ mờ ảo ảo, cảm xúc sâu xa nhưng đầy vẻ bí ẩn, quyến rũ trước mắt người đọc.

    Sau hình dáng thướt tha của sông Đà, ta lại được khám phá thêm cái đặc biệt về sắc nước dòng qua các mùa. Mùa xuân, nước sông Đà xanh màu "xanh ngọc bích" - sắc xanh biêng biếc tươi sáng, trong trẻo, sang trọng chứ chẳng mang "sắc xanh canh hến" như sông Lô sông Gâm. Bởi lẽ khâm phục về tài năng của Nguyễn Tuân thì chưa đủ, ở đây ta còn phải khâm phục sự tâm huyết, niềm say mê của ông. Vì sao ư? Bởi qua câu văn, ta nhận ra tác gải không chỉ ngắm nhìn con sông trong thời gian ngắn mà gắn bó, quan sát nó trong nhiều mùa để rồi nhận ra được sông Đà mỗi mùa lại có một vẻ đẹp ẩn giấu riêng. Với mùa xuân, nước sông biêng biếc tươi sáng thì đến với mùa thu, sông Đà mang một sắc "lừ lừ đỏ chín" như "da mặt một người bầm đi vì rượu bữa", như "màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn, bực bội". Mùa thu có lẽ là mùa của dòng sông đỏ nặng phù sa, thế nhưng Nguyễn Tuân đã có cách so sánh rất cụ thể, rất độc đáo, khiến người đọc tưởng chừng như đó là màu của tâm trạng, nàu của cá tính hay màu cảm xúc của chính dòng sông ấy.

    Từ sự dịu dàng, gợi cảm của sông Đà đã làm Nguyễn Tuân lâng lâng xúc động, thấy ấm ấm, đằm đằm mà thốt lên "gặp lại cố nhân", "gặp lại một người tình chưa quen biết". "Cố nhân" vừa là hình ảnh nhân hóa của dòng sông như một người bạn cũ, vừa đưa đến cho dòng sông chút vương vấn xưa cũ của Đường thi. Phải chăng mỗi con người khi đến với sông Đà đều mang về cho mình những nỗi niềm riêng, cảm tình riêng. Nếu với Nguyễn Tuân là hình ảnh của một vị cố nhân, một người tình chưa quen biết thì với Quang Lâm cũng gói gọn trong mình những tình cảm chân thành qua tác phẩm "Nhớ sông Đà" :


    "Lòng ở đây nhưng người không ở lại

    Nhớ sông Đà bằng trọn cả con tim"

    Về hạ nguồn, ta chẳng thấy đâu "con thủy quái" hung bạo, chẳng thấy đâu những trận địa tiêu diệt con người mà ta chỉ thấy một sông Đà hiền hòa, ấm áp, dịu dàng, trở thành một người bạn, một người chia sẻ niềm vui và nỗi buồn. Phải chăng vì vậy mà tác giả đã dành cho sông Đà một nỗi nhớ da diết, mãnh liệt để rồi khi gặp lại dòng sông yêu thương, niềm vui của Nguyễn Tuân đã vỡ òa ra bề mặt câu chữ. Bởi sau chuyến đi rừng, có lẽ Nguyễn Tuân cũng chẳng thể ngờ mình có thể bắt gặp lại dòng sông một cách tình cờ đến vậy. Ông thấy lấp ló ánh nắng bên sông Đà, ánh nắng đẹp đến mê mẩn lòng người. Một sự kết hợp độc đáo về màu sắc, thời gian và thi ca "nắng tháng ba Đường thi", câu văn càng dẫn lối người đọc trở về với những nét đẹp của thơ ca Đường "Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu". Sau cái ánh nắng lấp lánh ấy, "bờ sông Đà", "bãi sông Đà", "chuồn chuồn bươm bướm trên sông Đà" dần hiện ra. "Sông Đà" được lặp đi lặp lại nhiều lần, giống như cảm xúc của Nguyễn Tuân ngày càng phấn khích khi từ từ nhận ra được các đặc điểm của con sông yêu quý, và cũng giống như Nguyễn Tuân đang lặp đi lặp lại để xác nhận rằng mình chẳng nhận nhầm "người cố nhân" ấy. Bằng niềm hạnh phúc say sưa, Nguyễn Tuân phải thốt lên rằng: "Chao ôi, trông con sông vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng". Một hình ảnh so sánh rất mới lạ, rất độc đáo. Trải qua một kì mưa dầm dãi đến ngấm đất, ngấm cát, ai lại chẳng mong sẽ xuất hiện một ngày nắng đẹp? Và "cái nắng giòn tan" chính là một ẩn dụ chuyển đổi cảm giác độc đáo cho niềm vui sướng khó tả ấy. Đặc biệt, mấy ai trên đời có thể "nối lại chiêm bao đứt quãng", một sự nối lại giấc chiêm bao lại càng trở nên hiếm hoi và hi hữu. Và càng hi hữu bao nhiêu, niềm hân hoan, hạnh phúc của Nguyễn Tuân lại càng được thể hiện rõ ràng bấy nhiêu. Gặp lại sông Đà, với tác gia, đó là một phép màu kì diệu, một giấc mơ đứt quãng được nối lại để tiến đến kết thúc viên mãn hơn. Cuối cùng, tác gia nhấn mạnh lại một lần nữa cảm giác khi gặp lại sông Đà bằng hình ảnh so sánh "nó đằm đằm, ấm ấm như gặp lại cố nhân". Hai từ láy "đằm đằm", "ấm ấm" gợi ra cảm giác trìu mến, thân thương, để ta thấy được sông Đà với Nguyễn Tuân đã trở thành người bạn tri kỉ, một nhân tố không thể tách rời trong nhau với biết bao hoài niệm, yêu thương và nhung nhớ..

    Với cách sử dụng từ ngữ phong phú, sống động, lời văn bay bổng, phóng túng, biện pháp so sánh, nhân hóa bất ngờ, thú vị lồng ghép với những kiến thức chuyên sâu về hội họa, thơ ca, Nguyễn Tuân đã điêu khắc nên một bức tranh sông Đà trữ tình tuyệt đỉnh. Qua đây, ông cũng biến hình ảnh dòng sông thành một biểu tượng của niềm tự hào về thiên nhiên cây cỏ, sông núi và khát vọng tìm kiếm cái đẹp. Bởi vậy Phan Huy Đông từng nhận xét: "Đọc Người lái đò sông Đà, ta ấn tượng rõ rệt về sự tự do của một tài năng, của một đấng hóa công thực sự trong nghệ thuật ngôn từ. Khi gân guốc, khi mềm mại, khi nghiêm nghị như một nhà bác học, khi hồn nhiên như một đứa trẻ thơ". Từ tài năng ấy, tâm tư ấy, ta càng ấn tượng hơn về những khám phá mới mẻ của Nguyễn Tuân về dòng sông. Đó là cảm nhận độc đáo của nhà văn về vẻ đẹp trữ tình của dòng sông, một dòng sông như một người con gái xinh đẹp của núi rừng Tây Bắc với mái tóc tuôn dài, mượt mà, thướt tha, gài buông lơi những đóa ban trắng hay những bông gạo đỏ rực rỡ, thấp thoáng ẩn hiện giữa làn khói núi rừng mùa xuân. Đó là xúc cảm tinh tế, thú vị của Nguyễn Tuân trước dòng sông mơ mộng, cảm giác gặp lại cố nhân sau chuỗi li biệt, cảm giác hạnh phúc như "nối lại chiêm bao đứt quãng" hiếm hoi. Và đặc biệt là điểm nhìn nghệ thuật khác biệt cùng với ngôn từ, câu chữu mà ông đặt lên trang giấy, đó là cả một quá trình sáng tạo công phu, tâm huyết và cẩn trọng. Quả như nhà thơ Nga M. Gorki từng bộc bạch:


    "Phải tốn phí nghìn cân quặng chữ

    Mới thu về một chữ mà thôi

    Nhưng chữ ấy làm cho rung động

    Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài"

    Một sông Đà, một Nguyễn Tuân - một thiên nhiên trữ tình, một người nghệ sĩ tài hoa. Đọc từng dòng văn, ta như được tự mình đắm chìm trong khoảng trời Tây Bắc, được gặp gỡ và chiêm ngưỡng cái thiêng liêng của mảnh đất quê hương. Có những cuộc gặp gỡ là vô tình, có những cuộc là định mệnh, và sông Đà - Nguyễn Tuân chính là cuộc gặp gỡ định mệnh ấy. Để rồi "Người lái đò sông Đà' trở thành một áng văn đẹp của một người nghệ sĩ mang trong mình tình yêu đất nước tha thiết. Thật đáng khâm phục cho tài năng và tâm huyết ấy! Qua đây, ta càng thêm yêu, thêm quý cái cảnh đẹp trời ban của Tổ Quốc, bởi:" Người lữ hành khôn ngoan không bao giờ chê bai cảnh đẹp đất nước mình".
     
    Phonghau thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...