Soạn bài Vợ nhặt SGK Ngữ văn 11 Kết nối tri thức tập 1 - Câu chuyện và điểm nhìn trong truyện kể

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngân Ngân08, 20 Tháng sáu 2023.

  1. Ngân Ngân08 Mỹ nữ sỉ lẻ phóng lợn :3

    Bài viết:
    160
    I. Tìm hiểu chung

    1. Tác giả Kim Lân (1920 – 2007)


    - Tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài - Quê quán: Bắc Ninh

    - Là cây bút chuyên viết truyện ngắn

    - Thế giới nghệ thuật của ông chủ yếu tập trung ở khung cảnh nông thôn và hình tượng người nông dân. Ông am hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí của những người nông dân nghèo, rất gần gũi với sinh hoạt của ông – những con người gắn bó tha thiết với quê hương và cách mạng

    2. Tác phẩm

    A. Nhan đề và mối liên hệ với nội dung, hoàn cảnh ra đời

    - Hoàn cảnh ra đời: Truyện ngắn "Vợ nhặt" có tiền thân là tiểu thuyết "Xóm ngụ cư". Cuốn tiểu thuyết được viết ngay sau khi CMT8 thành công nhưng còn dang dở và sau đó bị lạc mất bản thảo trong kháng chiến chống Pháp. Sau khi hòa bình lập lại (1954), Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn "Vợ nhặt". Tác phẩm được in trong tập "Con chó xấu xí" (1962).

    Về truyện ngắn này, Kim Lân đã tâm sự: "Khi viết về nạn đói, người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm.. Tôi muốn truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người.."

    - Nội dung: Truyện xảy ra trong bối cảnh nạn đói đang hoành hành khắp nơi. Anh cu Tràng, gia đình nghèo khó, là dân ngụ cư, người lại thô kệch, xấu xí nên không lấy được vợ. Trong một lần đi kéo xe thóc thuê, chỉ với vài câu nói đùa vu vơ và 4 bát bánh đúc, anh đã được một người phụ nữ theo về làm vợ. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Mọi người đều nghĩ đến trách nhiệm đối với gia đình, bà mẹ già sửa soạn lại nhà cửa, người con dâu mới quét tước sân vườn, còn anh cu Tràng thì cảm thấy mình "nên người", thấy mình phải có trách nhiệm với gia đình. Bữa cơm đón dâu đạm bạc, chỉ là niêu cháo lõng bõng và bát cháo cám đắng chát nhưng tràn đầy tình cảm. Họ đùm bọc lẫn nhau để cùng nhau nghĩ đến tương lai tươi sáng hơn ở phía trước. Trong óc Tràng, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới.

    II. Câu hỏi đọc hiểu

    Câu 1: Nhan đề "Vợ nhặt" có quan hệ như thế nào với nội dung của câu chuyện?


    - Nhan đề:

    + "Vợ nhặt" là một nhan đề độc đáo, phù hợp với tình huống truyện. Kim Lân đã kết hợp hai khái niệm trái ngược nhau: Chuyện lấy chồng gả vợ - chuyện lớn lao hệ trọng của đời người với việc "nhặt nhạnh, lượm lặt" được một cách tình cờ, vu vơ..

    + Qua sự nghịch lí ấy, người đọc sẽ cảm thấy tò mò bởi nhan đề và đặc biệt còn cảm thấy xót xa cho thân phận con người, nhưng cũng từ đó xúc động vì tình người mà những người nông dân dành cho nhau trong hoàn cảnh khốn cùng; xúc động vì vẻ đẹp tâm hồn, vì khát khao yêu thương và trân trọng hạnh phúc của họ.

    Mối quan hệ:

    1. Nạn đói – Khổ đau tận cùng của con người, đến việc ma chay, cưới hỏi là việc quan trọng vậy mà phải dùng từ "nhặt" là việc tạm bợ, vô thức, không có giá trị trân trọng → Nỗi khổ của con người trong nạn đói

    2. Đồng cảm, xót xa cho số phận con người

    3. Xúc động và trân trọng vẻ đẹp tâm hồn, khát khao tin tưởng sống của những con người trong nạn đói

    Câu 2: Xác định tình huống truyện và nêu ý nghĩa của nó.

    - Tình huống là yếu tố làm nảy sinh ra truyện; là thành phần cốt lõi để từ đó các sự việc, chi tiết trong truyện được phát triển; bản chất của tình huống là nhằm nảy sinh những mẫu thuẫn và cách nhà văn hướng tới giải quyết tình huống chính là giải quyết những mâu thuẫn

    - Tình huống trong truyện: Anh cu Tràng xấu xí, thô kệch, nghèo xơ xác, lại là dân ngụ cư không ai thèm lấy, trong thảm cảnh đói khát đang hoành hành dữ dội, bỗng nhiên "nhặt" được vợ một cách thật dễ dàng, nhanh chóng, ở giữa chợ chỉ nhờ "bốn bát bánh đúc" đã gây nên sự ngạc nhiên, thương cảm đến xót xa trong lòng người đọc

    - Tình huống nhìn bề ngoài tưởng như đơn giản nhưng lại chứa đầy những mâu thuẫn, xung đột gay gắt hiến có bên trong. Tình huống bi thảm cười ra nước mắt; vừa lạ, vừa hết sức éo le, độc đáo; vừa thấm đẫm tình người vừa hấp dẫn người đọc lôi cuốn

    - Đó là sự kết hợp nghịch lí đến mức vô lí: Giữa một đám cưới với một nạn đói khủng khiếp; một sự kiện trọng đại của đời người với một hành động "nhặt" rất giản đơn; một niềm vui hạnh phúc lứa đôi với một tai họa khủng khiếp của dân tộc. Khiến người đọc tự đặt ra câu hỏi: Liệu có hạnh phúc nào được đặt trên nền của đói khát, tai họạ?

    Ý nghĩa:

    • Phản ánh số phận rẻ rúng, bọt bèo của con người trong nạn đói năm 1945

    • Gián tiếp lên án tội ác của thực dân, của phát xít và tầng lớp phong kiến đã gây ra nạn đói khủng khiếp năm 1945 khiến số phận con người bọt bèo như cỏ rác.

    • Thể hiện thái độ của nhà văn Kim Lân: Trân trọng trước niềm khát khao sống và khát khao hạnh phúc của con người trong nạn đói. Dù trong hoàn cảnh bi thảm đến đâu, con người vẫn hướng về sự sống, hướng về ánh sáng, vẫn tin tưởng, lạc quan, hi vọng vào tương lai

    • Ca ngợi sự đùm bọc, chở che, đạo lí, tình cảm yêu thương của con người với con người trong nạn đói "Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Tình cảm ấy được thể hiện rõ qua thái độ của Tràng và bà cụ Tứ với cô vợ nhặt

    Câu 3: Câu chuyện trong" Vợ nhặt "được kể theo trình tự nào và có thể chia làm mấy phần?

    Trật tự kể theo trình tự thời gian, có thể chia làm hai phần để thấy được sự thay đổi của các nhân vật

    1. Từ đầu đến" u thương quá.. ": Tràng nhặt vợ và thị theo Tràng về nhà ra mắt

    2. Còn lại: Sự thay đổi của các nhân vật vào buổi sáng ngày hôm sau.

    Câu 4: Theo trình tự của câu chuyện, các nhân vật đã có những thay đổi như thế nào từ diện mạo, tâm trạng đến cách ứng xử?

    * Nhân vật Tràng:

    - Trước: Nghèo khổ, xấu xí, thô kệch, sống với một người mẹ già nua. Không ai nghĩ rằng Tràng có thể có được vợ.

    - Sau: Tràng như đổi khác. Hắn cười rất nhiều, có những cảm giác mới mẻ, trỗi dậy tình nghĩa khi đi bên vợ, nhận thấy những nét u buồn và sự thay đổi ở vợ mình, muốn sống cho nên người để lo cho gia đình. Tràng hình dung lá cờ đỏ sao vàng và đoàn người đi trên đê như một biểu tượng của sự đổi đời..

    * Nhân vật Thị:

    - Trước: Tình cảnh người đàn bà này rất thê thảm, đói khát ê chề, không có việc gì làm cũng như không biết bám vào đâu để sống; ăn nói thì chao chát, chỏng lỏn, thái độ thì sừng sộ, chẳng kể gì đến thể diện, phẩm giá; gạ ăn một cách trơ trẽn, được mời ăn thì ăn uống rất tham, rất thô. Trước lời bông lơn của một người đàn ông chưa hề quen biết, chị ta lập tức bám theo, liều lĩnh đến mức đáng sợ.

    - Sau: Chị ta như trở thành một con người khác. Đi với Tràng mà bước chân có vẻ rón rén, ngượng nghịu, e thẹn, ít lời, ngại ngùng trước ánh mắt tò mò của những người xa lạ. Khi đã ở nhà Tràng, chị càng bối rối, bần thần nghĩ ngợi. Dẫu vẫn còn cảm giác xa lạ, nhưng chị có những lời nói, cử chỉ biểu hiện thiên chức làm vợ; cùng mẹ chồng quét tước, dọn dẹp cửa nhà, vườn tược, vun đắp cho tổ ấm của mình.

    * Nhân vật bà cụ Tứ:

    - Trước:

    + Trước khi Tràng có vợ:" Lọng khọng đi vào ngõ, vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán gì trong miệng ", khuôn mặt thì bủng beo u ám như vỏ quả chanh. Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà nghĩ đến cuộc đời khổ cực dằng dặc của mình.

    + Khi biết Tràng có vợ: Ngạc nhiên khi thấy người đàn bà lạ, càng ngạc nhiên hơn khi người đàn bà đó chào bằng u. Tâm trạng vừa đau đớn, tủi cực, xót xa xen lẫn vui mừng.

    - Sau:

    + Sau khi Tràng có vợ: Khuôn mặt rạng rỡ hẳn lên, cùng con dâu dọn dẹp nhà cửa, dặn dò các con và có niềm tin vào tương lai, dự cảm đổi đời.

    *Chú ý chi tiết nồi chè khoán:

    - Hình ảnh mâm cơm ngày đói cùng nồi cháo cám cùng dư vị đắng chát của nó chính là hình ảnh thu nhỏ của hiện thực đói nghèo trong cuộc sống của người dân xóm ngụ cư giữa nạn đói năm 1945. Đói đến mức thức ăn của gia súc cũng trở thành bữa ăn của con người. Sự hiện hữu nghiệt ngã của cái đói khiến không khí bữa ăn của gia đình Tràng trùng xuống" Từ đó, không ai nói câu gì, họ tránh nhìn mặt nhau và một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người "

    - Chi tiết này còn là lời tố cáo tội ác của thực dân, phát xít, đã gây ra thảm cảnh nạn đói cho người Việt" từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay hơn hai triệu đồng bào ta chết đói "

    Câu 5: Phân tích những nét đáng chú ý trong cách người kể chuyện quan sát và miêu tả sự thay đổi của các nhân vật (thể hiện ở các khía cạnh: Điểm nhìn, lời kể và giọng điệu).

    * Nhân vật Tràng:

    - Điểm nhìn:

    + Trước khi nhặt vợ: Bên ngoài (Hình dáng, tính cách, lời nói ngôn ngữ và hoàn cảnh sống)

    + Sau khi nhặt vợ: Bên trong – kết hợp bên ngoài (Suy nghĩ, cảm xúc tâm trạng, lời nói với cô vợ và người mẹ, suy nghĩ và cảm xúc vào buổi sáng ngày hôm sau)

    - Lời kể chuyện:

    + Lời tái hiện ý thức và giọng điệu nhân vật (Hắn nghĩ bụng:" Quái sao nó lại buồn thế nhỉ? Ồ sao nó lại buồn thế nhỉ ")

    + Lời độc thoại nội tâm (Người ta có gặp bước khó.. có vợ được)

    + Lời nhại (có khối cơm trắng mấy giò đấy)..

    * Nhân vật Thị:

    - Điểm nhìn:

    + Trước khi theo Tràng: Bên ngoài (Hình dạng, tính cách, cách nói chuyện)

    + Sau khi theo Tràng và buổi sáng ngày hôm sau: Bên ngoài (Hành động, nét mặt, biểu hiện qua những chi tiết nhỏ trên gương mặt)

    - Lời kể: Lời tái hiện ý thức và giọng điệu nhân vật (Thị đảo mắt nhìn xung quanh, cái ngực gầy lép nhô lên, nén một tiếng thở dài)

    * Bà cụ Tứ:

    - Điểm nhìn:

    + Khi Tràng vừa đi Thị về: Bên ngoài (lời nói) và Bên trong (suy nghĩ, cảm xúc dành cho đứa con)

    + Sáng ngày hôm sau: Bên ngoài (Lời nói và hành động)

    - Lời kể chuyện: Lời tái hiện ý thức và giọng điệu nhân vật (Bà lão nhìn người đàn bà, lòng đầy thương xót. Nó bây giờ là dâu là con trong nhà rồi)

    * Giọng điệu chung:

    - Mộc mạc, giản dị. Ngôn ngữ gần với khẩu ngữ, nhưng có sự chắt lọc kĩ lưỡng, có sức gợi đáng kể

    - Diễn tả chân thật từng ánh mắt, cử chỉ và nội tâm của nhân vật

    Câu 6: Hãy nêu chủ đề và đánh giá giá trị tư tưởng của tác phẩm.

    Chủ đề:

    - Phản ánh thành công hình ảnh nông thôn Việt Nam trong nạn đói 1945. Không khí nạn đói như đang bao trùm khắp mọi nơi, được thể hiện qua những hình ảnh như

    • Những đoàn người từ Nam Định, Thái Bình..

    • Không ngày nào đi làm đồng về không gặp 3 4 cái thây nằm còng queo bên đường

    • Tiếng quạ bêu, tiếng hờ khóc tỉ tê từ những gia đình có người chết

    • Mùi gây của xác người, khét lẹt của những đống rơm từ những gia đình có người chết thoảng vào khét lẹt

    - Thương cảm cho số phận cảu con người bèo bọt như cỏ rác

    - Anh Tràng đứng trước tình cảnh ế vợ vậy mà lại có thể nhặt được vơ một cách dễ dàng chỉ với một câu đùa vu vơ và bốn bát bánh đúc

    - Thái độ xót xa của nhà văn thể hiện rõ nhất qua cách nhà văn miêu tả về hình ảnh, về số phận của người đàn bà không tên

    - Số phận tiêu biểu cho biết bao số phận của con người trong nạn đói: Không tên, không quê

    Tư tưởng

    - Cái đói, cái chết lại càng khiến con người lao động ngời lên những phẩm chất tốt đẹp.

    - Lòng nhân hậu, tình cảm yêu thương vị tha, niềm khát khai sống, khát khao hạnh phúc và niềm tin mãnh liệt vào một tương lai

    Câu 7: Có thể xem truyện ngắn" Vợ nhặt "là một câu chuyện cổ tích trong nạn đói hay không? Hãy nêu và phân tích quan điểm của bạn về điều này.

    - Có thể xem truyện ngắn Vợ nhặt là một câu chuyện cổ tích trong nạn đói bởi:

    - Câu chuyện trong truyện ngắn" Vợ nhặt "có motip giống với truyện cổ tích, đám cưới của Tràng với thị cũng được coi là đám cưới cổ tích.

    + Giữa cái cảnh đói kém, khi mà bản thân còn lo chưa xong nhưng vẫn ánh lên tình thương giữa người với người trong hoàn cảnh khốn cùng ấy. Tràng và bà cụ Tứ sẵn sàng đèo bồng thêm một người vợ nhặt, thị cũng sẵn sàng theo không Tràng về làm vợ. Khát vọng hạnh phúc gia đình lớn lao hơn những nhu cầu cuộc sống tầm thường.

    + Chuyện kết thúc bằng một chi tiết" sáng"mở ra một tương lai mới cho các nhân vật (hình ảnh phá kho thóc Nhật, đoàn người đi trên đê và lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới).

    - HS tìm thêm những tấm gương.
     
    LieuDuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...