Đoạn nghị luận xã hội: Sự cần thiết phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Đoạn 1: Theo tác giả Nguyễn Sĩ Dũng, bản sắc văn hóa là "tất cả những gì đặc trưng cho dân tộc Việt Nam, tất cả những gì làm cho người Việt chúng ta khác với mọi tộc người khác trên thế giới." Trong thời kì hội nhập, khi mà cái chung, cái hiện đại đang dần lấn át cái riêng, cái truyền thống thì việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc là điều vô cùng cần thiết. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là giữ lại truyền thống văn hóa cha ông - những giá trị vật chất, tinh thần của ngàn thế hệ đi trước đã để lại, như ngôn ngữ, kho tàng văn học nghệ thuật, các công trình kiến trúc, phong tục thờ cúng, tình yêu quê hương xứ sở, lòng yêu nước.. Vì sao cần gìn giữ bản sắc văn hóa? Bởi bản sắc văn hóa là nét riêng để dân tộc ta khác biệt, không trộn lẫn với các dân tộc khác, không gìn giữ, thì rất dễ bị lẫn, bị chìm trong "thế giới phẳng" toàn cầu. Giữ gìn bản sắc văn hóa tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn cho nền văn hóa dân tộc. Chính điều này sẽ thu hút khách du lịch nước ngoài. Tôi vô cùng ấn tượng với hình ảnh những du khách nước ngoài mắt còn ngái ngủ, có người đang chải răng mà ùa cả ra ban công để chiêm ngưỡng một điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc một cách say sưa, thích thú. Hoặc những địa điểm du lịch đậm chất văn hóa Việt như phố cổ Hội An, phố cổ Hà Nội, Đại Nội Huế.. xuất hiện rất nhiều bóng dáng của những khách ngoại quốc. Bản sắc văn hóa còn bổ sung giá trị cho các hàng hóa và dịch vụ của chúng ta. Nhờ đó, một số hàng hóa Việt trở nên đặc biệt hơn, hấp dẫn hơn với khách hàng trong và ngoài nước. Chẳng phải hàng mây tre đan, vải thổ cẩm, tơ tằm.. của ta vẫn đứng vững trên thị trường quốc tế đó sao? Dù thế giới có ngày càng phát triển hiện đại, nhưng vẫn cần thiết phải nâng niu, giữ gìn những nét riêng của bản sắc, biến những nét riêng ấy trở thành hành trang để dân tộc hội nhập với thế giới, hòa lẫn với thế giới mà không bị "hòa tan". Xem tiếp bên dưới: Đoạn 2
Đoạn 2: Bản sắc văn hóa dân tộc là những giá trị vật chất, tinh thần riêng biệt của mỗi dân tộc, làm cho dân tộc này không thể lẫn với dân tộc khác. Trong thời đại hội nhập, cái chung đang ngày một nhiều thêm lên, cái riêng có xu hướng giảm bớt đi thì việc giữ gìn để cái riêng không biến mất, bản sắc của một dân tộc không tan biến vào thế giới là điều cần thiết. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc giúp bảo tồn, nuôi dưỡng truyền thống dân tộc qua các thế hệ; là cách thể hiện sự tôn trọng cội nguồn, tôn trọng lịch sử, biết ơn những thế hệ đi trước; là trách nhiệm của mỗi công dân trưởng thành gắn với sự hiểu biết về văn hóa dân tộc mình và các dân tộc khác, là hành động khẳng định tình yêu quê hương, đất nước; giúp gắn kết giữa con người với người trong cùng một đất nước; đồng thời cũng là cách khẳng định vị thế của dân tộc đối với thế giới. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc sẽ tạo nên nét riêng khác biệt thu hút khách du lịch và tạo điều kiện cho hàng hóa dịch vụ phát triển. Điều đó lí giải tại sao những khu du lịch mang đậm bản sắc văn hóa như: Kiến trúc tháp Chàm; công trình văn hóa tâm linh đền đình miếu mạo; những phố cổ; những làng nghề.. là những nơi thu hút khách du lịch. Và các sản phẩm dịch vụ mang đậm văn hóa Việt: Mây tre đan, lụa tơ tằm, dệt thổ cẩm.. vẫn đang xuất khẩu ra thế giới; nghệ thuật hát chèo, quan họ, nghệ thuật múa rối nước.. vẫn là những hoạt động văn hóa có sức hấp dẫn đối với khách nước ngoài. Sẽ như thế nào nếu bản sắc văn hóa dân tộc bị mai một? Lúc đó, thế giới sẽ biết đến Việt Nam bằng tín hiều gì? Giữ gìn bản sắc dân tộc không đồng nghĩa với loại trừ hẳn văn hóa nước ngoài. Chúng ta vẫn tiếp thu, nhưng tiếp thu có chọn lọc và dứt khoát từ chối những thứ độc hại làm mất đi thuần phong, mĩ tục, đánh mất các giá trị truyền thống. Tóm lại, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ là phương châm hành động mà còn là bản năng tồn tại của chúng ta.