Phân tích vẻ đẹp nhân cách Trương Ba: Hồn Trương Ba: Ông Đế Thích ạ...xác anh hàng thịt cũng mất

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Diệp Lam Lạc, 30 Tháng ba 2023.

  1. Diệp Lam Lạc

    Bài viết:
    111
    Đoạn số 3:

    Hồn Trương Ba
    : Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!

    Đế Thích : Sao thế? Có gì không ổn đâu!

    Hồn Trương Ba : Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.

    Đế Thích : Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông. Ông đã bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào. Thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù gì của ông đâu!

    Hồn Trương Ba : Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết

    Đế Thích : Nhưng mà ông muốn gì?

    Hồn Trương Ba: Ông từng nói: Nếu thân thể người chết còn nguyên vẹn, ông có thể làm cho hồn người đó trở về. Thì đây, thân thể anh hàng thịt còn lành lặn nguyên xi đây, tôi trả lại cho anh ta. Ông hãy làm cho hồn anh ta được sống lại với thân xác này

    Ðế Thích: Sao lại có thể đổi tâm hồn đáng quý của bác lấy chỗ cho cái phần hồn tầm thường của anh hàng thịt?

    Hồn Trương Ba: Tầm thường, nhưng đúng là của anh ta, sẽ sống hòa thuận được với thân anh ta, chúng sinh ra là để sống với nhau. Vả lại, còn.. còn chị vợ anh ta nữa.. chị ta thật đáng thương! "

    Đế Thích: Nhưng thế hồn ông muốn trú vào đâu?

    Hồn Trương Ba: Ở đâu cũng được, chứ không ở đây nữa. Nếu ông không giúp, tôi sẽ.. tôi sẽ.. nhảy xuống sông hay đâm một nhát dao vào cổ, lúc đó thì hồn tôi chẳng còn, xác anh hàng thịt cũng mất.

    (Trích" Hồn Trương Ba, da hàng thịt "– Lưu Quang Vũ,

    SGK Ngữ văn 12 tập hai, trang 149, NXB Giáo dục 2008, tr149)

    Phân tích vẻ đẹp nhân cách của Trương Ba thể hiện qua đoạn đối thoại với Đế Thích. Từ đó nhận xét về chiều sâu triết lí được tác giả gửi gắm qua đoạn trích?

    I. MỞ BÀI


    - Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Tk mở bài chung

    - Giới thiệu đoạn trích:

    Trong đoạn trích" Hồn Trương Ba, da hàng thịt "Lưu Quang Vũ đã dựng lên các cuộc đối thoại để đẩy xung đột nội tâm của hồn Trương Ba lên đến tận cùng buộc phải giải quyết. Từ đó ý nghĩ tư tưởng, những triết lí nhân sinh được phát biểu một cách sâu sắc, thấm thía. Trong đó, cuộc đối thoại này giữa hồn Trương Ba và Đế Thích thuộc đoạn giữa phần 3 cảnh VII, gần màn kết vở kịch cũng là một đoạn thoại đáng chú ý.

    II. THÂN BÀI

    1. Khái quát

    1.1. Giới thiệu về hồn Trương Ba

    Trương Ba là một ông lão làm vườn 60 tuổi, có tài đánh cờ, giỏi làm vườn, có tâm hồn thanh cao trong sạch. Do sự sơ xuất, tắc trách Nam Tào, Bắc Đẩu mà ông bị bắt chết nhầm. Sự sửa sai của Nam Tào, Bắc Đẩu theo lời khuyên của Đế Thích nhằm trả lại công bằng cho Trương Ba lại đẩy Trương Ba vào một nghịch cảnh vô lí hơn. Con người vốn là một tổng thể thống nhất, vậy mà Trương Ba lại phải trú nhờ linh hồn minh trong thân xác của người khác, bi kịch hồn này, xác nọ " bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo " . Sống lại trong thể xác hàng thịt, Hồn Trương Ba gặp rất nhiều phiền toái, phải sống, nhân vật hồn Trương Ba ngày càng trở nên xa lạ với bạn bè, cả những người thân trong gia đình và tự chán ghét chính mình. Bản thân Trương Ba cũng bị lây nhiễm một số thói xấu cùng với những nhu cầu vốn không phải của bản thân ông.. Những điều đó làm Trương Ba vô cùng đau khổ. Ông đau đớn, chán chường trước cuộc sống không thật là mình. Trước cuộc đối thoại của hồn Trương Ba với Đế Thích là màn đối thoại của hồn Trương Ba với xác hàng thịt và người thân. Trong cuộc đối thoại với giữa hồn và xác, xác hàng thịt đã lấn lướt, sỉ nhục hồn Trương Ba làm hồn Trương Ba vốn đã rất đau khổ, bức bối vì sống không phải là mình càng trở nên đau khổ và bế tắc hơn. Kết thúc cuộc đối thoại, hồn Trương Ba phải chấp nhận trở lại xác hàng thịt trong nỗi đau khổ, tuyệt vọng và trở thành người thua cuộc. Trong cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba với người thân, bi kịch của hồn Trương Ba càng trở nên đau đớn hơn khi ông nhận ra việc sống trong xác hàng thịt khiến ông không chỉ bị người thân xa lánh mà còn làm khổ những người ông yêu thương nhất.

    2. Đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích

    Bi kịch lên đến đỉnh điểm khiến hồn Trương Ba không thể chịu đựng thêm được nữa nên ông đã gọi Đế Thích xuống nhờ giúp đỡ. Cuộc trò chuyện giữa hồn Trương Ba với Đế Thích có vai trò quyết định trong việc giải quyết mâu thuẫn kịch. Nó cũng trở thành nơi tác giả gởi gắm những quan niệm về hạnh phúc, về lẽ sống và cái chết, về cả những triết lí nhân sinh.

    2.1. Sự lựa chọn của Hồn Trương Ba

    Một triết gia người Đức đã từng nói:" Anh phải trở về cái gì của chính anh ". Câu nói ấy là tiếng nói phải được sống là chính mình để trở thành một con người hoàn thiện và rất đúng đắn giống như lựa chọn của hồn Trương Ba trong đoạn trích. Khi gặp lại Đế Thích, Trương Ba thể hiện thái độ kiên quyết chối từ, không chấp nhận cái cảnh phải sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo" Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được! ". Hồn Trương Ba không thể chấp nhận sống chung với xác hàng thịt thô lỗ, phàm tục. Ông muốn được sống đúng là mình một cách toàn vẹn nhất" Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn ". Những lời thoại của Hồn Trương Ba với Đế Thích chứng tỏ nhân vật đã ý thức rõ về tình cảnh trớ trêu, đầy tính chất bi hài của mình, thấm thía nỗi đau khổ về tình trạng ngày càng vênh lệch giữa hồn và xác, đồng thời càng chứng tỏ quyết tâm giải thoát nung nấu của nhân vật trước khi đi đến quyết định.

    Lúc đầu Đế Thích ngạc nhiên nhưng khi hiểu ra thì khuyên hồn Trương Ba nên chấp nhận vì " thế giới vốn không toàn vẹn, dưới đất, trên trời đều thế cả ", thậm chí đến cả người có quyền lực tối thượng như Ngọc Hoàng cũng không thể sống hoàn toàn là mình. Ngọc Hoàng cũng phải khuôn phép để sống đúng với địa vị của mình. Nhưng Trương Ba không chấp nhận lí lẽ đó. Trương Ba thẳng thắn chỉ ra sai lầm của Đế Thích và trách móc: " Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác đã là chuyện không nên nay đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống thế nào thì ông chẳng cần biết ". Lời nói của Trương Ba cho thấy Đế Thích có lòng tốt với Trương Ba, nhưng lòng tốt không phải lúc nào cũng đem lại điều tốt lành cho người khác. Những người có lòng tốt mà vô tâm thậm chí còn đem đến những điều tệ hại, nghịch cảnh, bi kịch hơn. Vì lòng tốt với người bạn cờ của mình mà Đế Thích đã một lần sai khi giúp Nam Tào, Bắc Đẩu sửa lỗi, khiến hồn Trương Ba phải sống đầy bi kịch trong xác anh hàng thịt. Những tưởng mạng sống là quý giá nhưng có một điều còn quý giá hơn đó là được sống là chính mình. Sống thực sự cho ra con người quả thực không hề dễ dàng, đơn giản. Khi sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá, khi không được là mình thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa, thậm chí khi đó cuộc đời chỉ còn là chuỗi bi kịch đầy đau đớn. Mặt khác, lời thoại này cũng cho thấy hồn Trương Ba đã thấm thía nỗi khổ vì sự vênh lệch giữa linh hồn và thể xác, khiến Trương Ba không thể chịu đựng thêm.

    Đế Thích vì yêu mến trân trọng Trương Ba nên luôn mong muốn Trương Ba được sống. Ông chỉ rõ hồn Trương Ba muốn tiếp tục sống thì phải sống nhờ thân xác, bởi vì" Thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù gì của ông đâu! ". Đế Thích trân trọng và muốn giữ lại tâm hồn đáng quý của Trương Ba" Sao lại có thể đổi tâm hồn đáng quý của bác lấy chỗ cho cái phần hồn tầm thường của anh hàng thịt? ". Dù Đế Thích có thuyết phục thế nào thì hồn Trương Ba vẫn kiên quyết lựa chọn cái chết và muốn trả lại sự sống cho anh hàng thịt. Ông muốn trả lại sự sống cho xác hàng thịt vì dẫu có phàm tục, tầm thường, thô lỗ nhưng anh ta sẽ được sống hài hòa giữa linh hồn và thể xác. Hơn nữa, Trương Ba muốn trả lại sự sống cho xác hàng thịt còn vì ông thấy tình cảnh của người vợ hàng thịt cũng thật đáng thương. Sự kiên quyết lựa chọn cái chết của hồn Trương Ba còn được thể hiện rõ qua câu nói của ông" Nếu ông không giúp, tôi sẽ.. tôi sẽ.. nhảy xuống sông hay đâm một nhát dao vào cổ, lúc đó thì hồn tôi chẳng còn, xác anh hàng thịt cũng mất ".

    Qua diễn biến của đoạn thoại, chúng ta có thể cảm nhận được những mâu thuẫn trái ngược trong quan niệm sống của hồn Trương Ba và Đế Thích. Quan điểm của Trương Ba là không chấp nhận lối sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo. Bởi đó là lối sống giả dối, gây đau khổ cho người thân, gây phiền toái cho chính mình. Vì thế, Trương Ba đã dũng cảm đối diện với hoàn cảnh nghiệt ngã, dám từ bỏ cuộc sống không phải là mình, chiến thắng sự hèn nhát tầm thường, yếu đuối của bản thân, không chịu lùi bước trước xác hàng thịt. Với Trương Ba được sống là mình trọn vẹn cả linh hồn và thể xác mới thực sự là sống có ý nghĩa, sống hạnh phúc và đem lại hạnh phúc cho mọi người. Còn Ðế Thích nghĩ đơn giản, quan liêu và hời hợt khi cho rằng không ai được sống là mình, trên trời dưới đất đều sống kiểu bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo, kể cả Trương Ba, Đế Thích và thậm chí cả Ngọc hoàng thượng đế tối cao cũng vậy. Ðó là sự thật phải chấp nhận không nên thay đổi, phủ nhận. Chỉ cần có thể xác cho linh hồn trú ngụ còn thể xác và linh hồn không thống nhất không quan trọng. Vậy quan điểm của Ðế Thích không coi trọng sự sống thực sự mà chỉ coi trọng sự tồn tại. Sống bên trong một đằng bên ngoài một nẻo không nguy hại gì cho ai, vì vậy hãy cố gắng chập nhận và sống chung với hoàn cảnh đó.

    3. Đánh giá

    3.1. Nghệ thuật:

    Màn đối thoại thể hiện sự xung đột quyết liệt, căng thẳng và kịch tính căng ra trong những xung đột, những mâu thuẫn bên ngoài và bên trong nhân vật. Ngôn ngữ sinh động, giọng điệu biến hóa, lời thoại vừa hướng nội vừa hướng ngoại, thấm đẫm triết lí nhân sinh. Hành động kịch góp phần quan trọng thể hiện tính cách nhân vật. Cách giải quyết xung đột kịch bất ngờ và đậm chất nhân văn. Đoạn thoại cũng góp phần thể hiện những đặc trưng thể loại kịch: Mâu thuẫn phát triển từ" đỉnh điểm "đi đến" mở nút ".

    3.2. Đánh giá về sự lựa chọn của Trương Ba và ý nghĩa của đoạn thoại

    Sự mâu thuẫn trong hai quan điểm sống giữa hồn Trương Ba với Đế Thích và sự lựa chọn của hồn Trương Ba đã thể hiện nhiều ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.

    * Đây là sự lựa chọn nhân văn

    Quyết định dứt khoát xin tiên cờ Đế Thích cho mình được chết là kết quả của một quá trình nhận thức tỉnh táo, sáng suốt. Trong trang sách hay trên sân khấu, lời lẽ của Hồn Trương Ba đều làm xúc động lòng người bởi nó rất nhân văn. Nhân văn ở chỗ:

    + Lựa chọn ấy xuất phát từ khát vọng sống cao đẹp, khát vọng được sống đúng là mình mình toàn vẹn cả tâm hồn và thể xác.

    + Đặc biệt, sự lựa chọn của ông không chỉ giải thoát được nghịch cảnh mà còn cho thấy Trương Ba là người nhân hậu, luôn biết nghĩ cho người khác. Ông sẵn sàng từ bỏ mạng sống của mình để anh hàng thịt được sống, để giúp đỡ người vợ anh hàng thịt. Từ đó, vở kịch thắp lên ngọn lửa ấm áp của tình người, khẳng định lẽ sống cao đẹp của con người là cần phải biết quan tâm đến người khác, nhất là những người có hoàn cảnh đáng thương.

    * Đoạn đối thoại thể hiện quan niệm, triết lí về đời sống và con người

    Qua màn đối thoại giữa Trương Ba và Đế Thích, tác giả gửi gắm nhiều thông điệp vừa trực tiếp vừa gián tiếp, vừa mạnh mẽ, quyết liệt vừa kín đáo và sâu sắc về cuộc sống và con người:

    Với lời thoại của hồn Trương Ba" Tôi muốn được là tôi toàn vẹn ", Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm vào đó thông điệp: Con người là một thể thống nhất, hồn và xác phải hài hòa. Cuộc sống của con người chỉ thực sự hạnh phúc khi được sống đúng là mình, hài hòa giữa linh hồn và thể xác. Khi sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa. Và không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thể xác phàm tục tội lỗi. Ngược lại, khi con người bị chi phối bởi những nhu cầu bản năng của thân xác thì đừng đỗ lỗi cho thân xác và tự an ủi, vỗ về mình bằng vẻ đẹp siêu hình của tâm hồn vì thể xác chính là cái bình chứa đựng linh hồn. Thông điệp nữa ở đây là với con người được sống là điều may mắn nhưng sống thế nào cho thật ý nghĩa mới là điều quan trọng. Và sống thực sự cho ra con người, được sống đúng với mình quả không hề dễ dàng, đơn giản vì đến cả Ngọc Hoàng cũng khó có thể được tuyệt đối là mình.

    Cũng thông qua sự lựa chọn của hồn Trương Ba, Lưu Quang Vũ đề cao, ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của con người trong cuộc đấu tranh với cái dung tục, giả tạo để bảo vệ quyền được sống toàn vẹn, hợp tự nhiên và để hoàn thiện nhân cách vươn tới sự cao khiết về linh hồn và khỏe mạnh về thể xác. Chất thơ của kịch Lưu Quang Vũ cũng được bộc lộ ở đây.

    Qua đoạn thoại, tác giả Lưu Quang Vũ còn muốn nói đến một chuẩn mực trong đánh giá về con người là con người trong mối quan hệ với những người xung quanh. Con người sống không chỉ nghĩ đến mình mà còn phải biết sống vì người khác để tâm hồn mình thanh thản và để cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

    Hơn nữa, với tinh thần chiến đấu thẳng thắn của một nghệ sĩ hăng hái tham dự vào tiến trình cải cách xã hội, trong vở kịch này nói chung và đoạn trích nói riêng, Lưu Quang Vũ muốn góp phần phê phán một số biểu hiện tiêu cực trong lối sống lúc bấy giờ. Thứ nhất, con người đang có nguy cơ chạy theo những ham muốn tầm thường về vật chất, chỉ thích hường thụ đến nỗi trở nên phàm phu, thô thiển. Nói như Chế Lan Viên trong một bài thơ đã từng cảnh báo " muốn nuôi sống xác thân đem làm thịt linh hồn ". Thứ hai, lấy cớ tâm hồn là quý, đời sống tinh thần là đáng trọng mà chẳng chăm lo thích đáng đến sinh hoạt vật chất, không phấn đấu vì hạnh phúc toàn vẹn. Thực chất đây là biểu hiện của chủ nghĩa duy tâm chủ quan, của sự lười biếng, không tưởng. Cả hai quan niệm, cách sống trên đều cực đoan, đáng phê phán.

    Ngoài ra, vở kịch còn đề cập đến một vấn đề cũng không kém phần bức xúc, đó là tình trạng con người phải sống giả, không dám và cũng không được sống là bản thân mình. Đấy là nguy cơ đẩy con người đến chỗ bị tha hóa do danh và lợi.

    3.3. Bình luận tác hại của lối sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo (nếu cần)

    - Ðối với bản thân người có lối sống đó: Dần dần sẽ bị tha hóa, ích kỉ, thực dụng, giả dối, suy thoái nhân cách, đánh mất danh dự, lòng tự trọng: Tham nhũng, hối lộ, gây ra những tệ nạn xã hội. Bị mọi người coi thường xa lánh.

    - Ðối với cộng đồng: Mất đoàn kết, hiểu lầm, mâu thuẫn, tranh giành, hãm hại nhau, kìm hãm sự phát triển.

    - Cách phòng tránh: Sống yêu thương nhân hậu vị tha, mạnh dạn dũng cảm đấu tranh với biểu hiện tiêu cực, giả dối, bảo vệ người tốt.

    Đề bài tham khảo thêm số 1

    " Hồn Trương Ba: Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!

    Đế Thích: Sao thế? Có gì không ổn đâu!

    Hồn Trương Ba: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.

    Đế Thích: Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông. Ông đã bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào. Thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù gì của ông đâu!

    Hồn Trương Ba: Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết! "

    (Trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Ngữ văn 12, Tập hai,

    NXB Giáo dục Việt Nam, 2013, tr. 149)

    Phân tích khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba thể hiện trong đoạn trích trên. Từ đó, hãy nêu giá trị nhân văn cao cả được tác giả gửi gắm qua vở kịch.

    Gợi ý

    1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm và đoạn trích

    2. Khát vọng của nhân vật Trương Ba:

    - Khát vọng được thoát ra khỏi nghịch cảnh, không phải sống nhờ trong thân xác anh hàng thịt:

    + Trương Ba nhận ra mình đang bị tha hóa, nhiểu khi phải thỏa hiệp với những đòi hỏi xác - thịt, không giữ được bản tính cao khiết như trước đây.

    + Ông luôn bị dằn vặt, day dứt bởi chính nghịch cảnh phải sống" bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo ".

    - Khát vọng được sống là chính mình:

    + Khi đối thoại với Đế Thích, Trương Ba thể hiện ý nguyện của mình: Tôi muốn được là tôi toàn vẹn - thể xác và linh hồn hòa hợp

    + Lời thoại cho thấy sự thay đổi trong nhận thức của Hồn Trương Ba. Từ chỗ đánh giá phiến diện về thân xác con người, Trương Ba đã có cái nhìn đúng đắn về sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn.

    + Khao khát mãnh liệt, cháy bỏng" là tôi toàn vẹn "của Hồn Trương Ba còn cho thấy nhân cách cao đẹp của Hồn Trương Ba. Nhân vật đã không còn chấp nhận chung đụng với cái thô lỗ tầm thường, dung tục và để nó sai khiến, mà muốn được trở về sống trọn vẹn với cái lương thiện, trong sáng, tốt đẹp vốn có.

    3. Đánh giá

    * Nghệ thuật:

    - Nghệ thuật xây dựng mâu thuẫn kịch: Chặt chẽ, logic, hợp lý. Các chi tiết, hành động kịch nối tiếp nhau, đẩy mâu thuẫn kịch lên đến đỉnh cao, tạo nên kịch tính vô cùng căng thẳng, hấp dẫn.

    - Nghệ thuật diễn tả tâm lý nhân vật: Thông qua ngôn ngữ, hành động kịch, tác giả đã thể hiện tâm trạng phức tạp của nhân vật Hồn Trương Ba.

    - Ngôn ngữ kịch: Giản dị, sáng rõ, đặc biệt rất giàu tính triết lý.

    * Ý nghĩa:

    - Khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba: Sống là chính mình, không chấp nhận lối sống gửi, sống nhờ. Biết đấu tranh chống lại sự dung tục, tầm thường để giữ gìn nhân cách. Khát vọng đó đã làm sáng lên nhân cách tốt đẹp, cao cả của nhân vật Hồn Trương Ba.

    - Đoạn trích góp phần thể hiện tài năng và phong cách nghệ thuật của Lưu Quang Vũ.

    * Nhận xét về giá trị nhân văn cao cả qua vở kịch: Sự sống thật sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên, hài hòa giữa thể xác và tâm hồn. Hạnh phúc của con người là chiến thắng được bản thân, chiến thắng sự dung tục, hoàn thiện được nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.

    Đề bài tham khảo thêm số 2

    Trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ có đoạn:

    " Hồn Trương Ba: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn là tôi toàn vẹn.

    Đế Thích: Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông. Ông đã bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào. Thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù gì của ông đâu!

    Hồn Trương Ba: Sống nhờ vào đồ đạc, của cải của người khác, đã là chuyện không nên, đằng này cái thân tôi cũng phải sống nhờ vào anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!

    Đế Thích: (không hiểu) Nhưng mà ông muốn gì?

    Hồn Trương Ba: Ông từng nói: Nếu thân thể người chết còn nguyên vẹn, ông có thể làm cho hồn người đó trở về. Thì đây, (chỉ vào người mình) thân thể anh hàng thịt còn lành lặn nguyên xi đây, tôi trả lại cho anh ta. Ông hãy làm cho hồn anh ta được sống lại với thân xác này.

    Đế Thích: Sao lại có thể đổi tâm hồn đáng quý của bác lấy chỗ cho cái phần hồn tầm thường của anh hàng thịt?

    Hồn Trương Ba: Tầm thường, nhưng đúng là của anh ta, sẽ sống hòa thuận được với thân anh ta, chúng sinh ra là để sống với nhau. Vả lại, còn.. còn chị vợ anh ta nữa.. chị ta thật đáng thương! "

    (Trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt – Lưu Quang Vũ, SGK Ngữ văn 12, trang 149, NXBGD)

    Chỉ ra sự khác biệt trong quan niệm sống của Trương Ba và Đế Thích. Từ đó anh/chị hãy bình luận ngắn gọn về khát vọng được sống là chính mình.

    Gợi ý

    1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm và đoạn trích

    2. So sánh quan điểm của hai nhân vật qua đoạn trích.

    - Giải thích quan điểm: Cách nhìn về cuộc sống (mục đích, ý nghĩa, lí do.. sự sống của con người). Quan điểm đúng thể hiện lập trường, đạo đức, vốn sống, văn hóa và sự tiến bộ, tích cực trong cuộc sống. Quan điểm sai lệch biểu hiện lối sống tiêu cực, hành động sai trái, tạo cơ hội cho kẻ xấu làm điều ác, hãm hại người tốt..

    - Hoàn cảnh của Trương Ba: Bất đắc dĩ phải sống trong thân xác hàng thịt, dần dần Trương Ba bị nhiễm nhiều thói xấu của xác hàng thịt, làm người thân đau khổ, bản thân ông bế tắc tuyệt vọng.

    - Quan điểm của Trương Ba:

    + Không chấp nhận lối sống: Bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo. Đó là lối sống giả dối, gây đau khổ cho người thân, gây phiền toái cho chính mình. Điều đó chứng tỏ Trương Ba đã dũng cảm đối diện với hoàn cảnh nghiệt ngã, dám từ bỏ cuộc sống không phải là mình, chiến thắng sự hèn nhát tầm thường, yếu đuối của bản thân, không chịu lùi bước trước xác hàng thịt.

    + Khát vọng được sống là mình: Trọn vẹn cả linh hồn và thể xác. Đó mới thực sự là sống có ý nghĩa, sống hạnh phúc và đem lại hạnh phúc cho mọi người.

    + Phê phán Đế Thích nghĩ đơn giản, sống quan liêu hời hợt: Chỉ cần cho tôi sống nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết. Đối với Trương Ba, sống không được là mình mà phải nhờ vả, mượn thân xác người khác chẳng qua là sự tồn tại, vô hồn, không ý nghĩa.

    + Dám từ bỏ những thứ không phải của mình để trả lại sự sống cho anh hàng thịt. Trương Ba không chỉ cao thượng mà rất nhân hậu vị tha.

    =>Quan điểm của Trương Ba không chấp nhận cuộc sống giả tạo, gượng ép, chắp vá, vô nghĩa. Trương Ba có lòng tự trọng, sống cao thượng, khao khát sống là chính mình trọn vẹn thể xác và linh hồn. Đó là lối sống đẹp đẽ, đáng trân trọng của những người hiểu rõ mục đích ý nghĩa của cuộc sống.

    - Quan điểm của Đế Thích:

    + Không ai được sống là mình, trên trời dưới đất đều sống kiểu bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo: Tôi, ông và cả Ngọc hoàng cũng vậy. Đó là sự thật phải chấp nhận không nên thay đổi, phủ nhận.

    + Chỉ cần thể xác được sống lại cho linh hồn trú ngụ còn thể xác và linh hồn không thống nhất không quan trọng. Vì vậy hãy cố gắng chập nhận và sống chung với hoàn cảnh đó. Đó là quan điểm sống hời hợt, vô cảm.

    - Nhận xét hai quan điểm sống:

    + Trương Ba đúng đắn, tích cực, coi trọng sự sống thực sự là mình còn Đế Thích sai lầm, quan liêu chỉ coi trọng sự tồn tại còn sống được là mình không cần quan tâm.

    + Quan điểm của Trương Ba thể hiện tư tưởng chủ đề của vở kịch và cũng là thông điệp của nhà văn đến mọi người: Hãy sống là mình, trọn vẹn thống nhất thể xác và linh hồn. Nếu không chỉ là sự tồn tại vô nghĩa, tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng, cái ác hoành hành.

    + Nhà văn phê phán lối sống giả tạo, lối sống hời hợt, chắp vá, gượng ép hoặc quá đề cao nhu cầu vật chất hơn tinh thần, tinh thần hơn vật chất đang diễn ra phổ biến, trở thành trào lưu đáng báo động trong xã hội.

    3. Đánh giá

    - Nghệ thuật: từ một tình huống trong truyện cổ dân gian, nhà văn đã sử dụng sáng tạo thành xung đột kịch gay gắt căng thẳng; ngôn ngữ kịch giản dị, có sức khái quát cao, thể hiện rõ xung đột kịch và tích cách nhân vật. Tính chất triết lí từ hai nhân vật có quan điểm sống trái ngược nhau làm nên thành công của vở kịch. Mâu thuẫn được giải quyết.

    - Bình luận khát vọng được sống là chính mình : Trương Ba không chấp nhận sống chung với sự tầm thường giả dối của người khác, ông muốn được sống thuận theo lẽ tự nhiên: Trọn vẹn là mình hòa hợp linh hồn thể xác. Từ đó, tác giả muốn nhắn nhủ mỗi người chúng ta phải trang bị tri thức, kĩ năng, luôn chủ động, linh hoạt trước những biến đổi của cuộc sống. Cần giữ vững cá tính, phong cách của bản thân, sống hòa nhập nhưng không hòa tan, sống theo cá tính, phong cách riêng nhưng không lập dị khác thường, con người sẽ có được hạnh phúc thực sự.

    Bài làm tham khảo:

    Thời gian vẫn lạnh lùng trôi đi, cuộc đời này là gì? 80 năm? 100 năm? Cuộc sống của con người chỉ là chớp mắt của vũ trụ bao la. Và cái chết, hiển nhiên trở thành một điều thật đáng sợ! Nhưng" Chết chẳng là gì, không sống mới đáng sợ "(Victo Hugo). Câu nói trên của nhà văn vĩ đại nước Pháp đã chứng minh cho ý nghĩa của việc được sống thực sự. Bởi sống và tồn tại là hai định nghĩa hoàn toàn khác nhau. Đó cũng chính là quan niệm được nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ gửi gắm trong tác phẩm" Hồn Trương Ba, da hàng thịt "qua sự tha hóa của nhân vật Trương Ba. Đặc biệt, cuộc đối thoại dưới đây khắc họa vẻ đẹp của nhân vật này, từ đó ta thấy được quan niệm sống trong kịch của Lưu Quang Vũ:

    " Hồn Trương Ba :(một mình) Mày đã thắng thế rồi đấy [..] Ở đâu cũng được, chứ không ở đây nữa. Nếu ông không giúp, tôi sẽ.. tôi sẽ.. nhảy xuống sông hay đâm một nhát dao vào cổ, lúc đó thì hồn tôi chẳng còn, xác anh hàng thịt cũng mất. "

    Lưu Quang Vũ (1948- 1988)" nhà viết kịch xuất sắc của thời kỳ hiện đại ". Với khả năng sáng tạo phi thường, chỉ trong bảy, tám năm, ông đã sáng tác khoảng 50 kịch bản. Các tác phẩm của ông thể hiện cuộc sống đầy ắp suy tư, mang nặng triết lí về lẽ sống và giá trị cuộc sống của con người trước những biến động và hoàn cảnh xã hội phức tạp. Hấp dẫn chủ yếu bằng xung đột trong cách sống và quan niệm sống, qua đó khẳng định khát vọng hoàn thiện nhân cách con người. Nhà thơ Vũ Quần Phương từng chia sẻ:" Đọc thơ anh có cảm giác anh viết kịch để sống với mọi người và làm thơ để sống với riêng mình. "

    " Hồn Trương Ba, da hàng thịt " được viết vào năm 1981, ra mắt công chúng lần đầu năm 1984. Tác phẩm dựa theo cốt truyện dân gian nhưng đã được Lưu Quang Vũ đã thổi vào tích xưa một luồng gió mới. Kịch bản của ông không đơn thuần là chuyện vay mượn xác – tái sinh. Đặt vấn đề về lẽ sống con người qua nỗi khổ" bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo ", qua mâu thuẫn giữa linh hồn (thanh cao) và thể xác (phàm tục), vở kịch đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa tư tưởng, triết lí và nhân sinh sâu sắc.

    Đoạn trích trên là cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích, thuộc đoạn giữa phần ba cảnh VII, gần màn kết của vở kịch. Ở đây, vẻ đẹp của nhân vật Trương Ba được thể hiện rõ nét: Chính trực, quả quyết, dũng cảm; khát khao được thoát khỏi tình huống bi kịch của mình và bày tỏ khát vọng được sống là chính mình. Qua đó, ta thấy được quan niệm sống của Lưu Quang Vũ gửi gắm trong tác phẩm kịch của mình.

    Nếu như M. L. Kalinine từng cho rằng:" Văn học làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn "thì ở đây Lưu Quang Vũ đã làm được điều ấy khi ông mở ra trong lòng người đọc hoàn cảnh trớ trêu và cuộc đời đầy ngang trái của nhân vật.

    Như chta đã từng biết, Trương Ba là một người làm vườn, khoảng sau mươi tuổi, tính tình hiền từ, nhân hậu và giỏi đánh cờ nhưng bị Nam Tào bắt chết nhầm. Vì muốn sửa sai nên Nam Tào và Đế Thích cho hồn Trương Ba sống lại và nhập vào xác anh hàng thịt mới chết. Trú nhờ trong xác anh hàng thịt, Trương ba gặp rất nhiều phiền toái: Lý tưởng sách nhiễu, chị hàng thịt đòi chồng, gia đình Trương Ba cũng cảm thấy xa lạ.. mà bản thân Trương Ba thì cảm thấy đau khổ vì phải sống trái tự nhiên và giả tạo. Đặc biệt, thân xác hàng thịt làm Trương Ba nhiễm một số thói xấu và những nhu cầu vốn không phải chính bản thân ông. Trước nguy cơ tha hóa về nhân cách và sự phieenftoais do mượn thân xác của kẻ khác, Trương Ba quyết định trả lại xác cho hàng thịt và chấp nhận cái chết. Đặc biệt, qua cuộc đối thoại với Đế Thích, tác giả dần tạo nên một mạch truyện dẫn dắt người xem hiểu sâu hơn về Trương Ba.

    Mở đầu đoạn trích, Trương Ba hiện lên là một người chính trực, thắng thắn, dũng cảm, quả quyết, biết chấp nhận sự thật:

    Trong cuộc đối thoại giữa hồn và xác, TB đã rơi vào sự đuối lí và dường như đã buộc phải nhìn nhận vào sự thật rằng mình có thể đang tha hóa dần và đang chịu sự áp đặt đến từ xác thịt âm u đui mù kia. Nhà viết kịch đã để cho hồn Trương Ba còn lại trơ trọi một mình trong lỗi đau khổ, tuyệt vọng lên đến đỉnh điểm, một mình với lời độc thoại đầy chua chát nhưng cũng đầy quyết liệt:" Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm đủ mọi cách để lấn át ta.. "Qua lời nói ấy của hồn, người đọc cảm nhận được ngay lúc này Trương Ba chằng còn phủ nhận sự chi phối của xác hàng thịt nữa mà đã công nhận rằng mình bị cái dung tục trong nó lấn át, tha hóa đi nhiều phần.

    Nếu Chí Phèo tha hóa mà không biết mình tha hóa, thì Trương Ba lại nhận thấy rất rõ tình trạng khốn khổ của mình. Cho dù không muốn thừa nhận, cho dù muốn bám víu vào trò chơi tâm hồn thì Trương Ba vẫn không thể phủ nhận sự thật là ông đang đánh mất mình.

    Cuộc đối thoại thẳng thắn giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt đã đã diễn tả khá sâu sắc nỗi hoang mang hoài nghi, sự bất lực của con người. Mọi lí lẽ của Trương Ba không thể lung lay thứ lập luận lấm láp bụi trần nhưng hùng hồn thuyết phục của xác hàng thịt" Hai ta đã hòa vào nhau làm một rồi ". Dù khinh bỉ xác hàng thịt, Trương Ba vẫn phải quay trở lại xác hàng thịt.

    Đến đây, dường như ta nghĩ rằng khi nhận ra mình đã bị tha hóa, hồn sẽ bỏ cuộc và buông xuôi cuộc đời để xác muốn làm gì thì làm. Nhưng không! Thừa nhận sự thật không phải để thỏa hiệp, để quy phục, để bần thần nhập lại thân xác hàng thịt như màn đối thoại trước mà là đã dứt khoát thoát ra khỏi sự chi phối và sức mạnh ghê gớm của xác hàng thịt. Hồn Trương Ba không chấp nhận điều đó nên mới cất lên tiếng nói từ tận đáy lòng mình rằng:" Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình? Hồn Trương Ba tự tưởng tượng ra những lời chế nhạo của xác "chẳng còn cách nào khác".

    Có lẽ từ tận sâu trong tiềm thức, từ trong trái tim của mình ông không chấp nhận được việc xác phải là hoàn cảnh mà hồn phải quy phục thế nên ông đã tự chất vấn bản thân: "Nhưng có thật là khong còn cách nào khác?" Câu nói cho thấy sự phân vân, sự quan hoài, bối rối của Trương Ba "có phải thật sự là hết cách rồi không? Mình phải sống trong xác hàng thịt mãi mãi hay sao?" Nhưng rồi tự khẳng định bằng một lời nói chắc nịch, đầy sự kiên định vững vàng: "Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!" Bằng điệp ngữ "không cần" Lưu Quang Vũ như khẳng định và tô đậm khao khát được giải thoát khỏi sự chi phối của thể xác trong Hồn Trương Ba. Ngay lúc này đây, ông đã quá chán ghét xác dung tục ấy và muốn rời xa nó ngay lập tức.

    Nếu độc thoại ở màn đầu tiên, HTB hiện lên trong trạng thái dằn vặt, đau khổ thì màn độc thoại này, nỗi đau càng xót xa hơn nhưng nhân vật không trăn trở về tình trạng xác-hồn bất nhất, mà đã có thái độ hoàn toàn chủ động. Đây là lời độc thoại có tính quyết định, dẫn tới hành động châm hương gọi ĐT một cách dứt khoát: "Đứng dậy, lập cập nhưng quả quyết, đến bên cột nhà, lấy một nén hương châm lửa, thắp lên." Với một loạt ý văn ngắn, nhà viết kịch LQV đã mở ra lối đi riêng cho hành động chẳng chút đắn đo, do dự và suy nghĩ của nhân vật.

    Tại sao TB lại có hành động như vậy? Bởi lẽ ông đã phải trải qua một thế giới nội tâm đầy bão tố với tất cả những cố gắng để giành giật lại phần người từ đôi bàn tay của con quỷ bản năng. Sau lời độc thoại này, Trương Ba đã dũng cảm từ bỏ sự sống của bản thân để giải quyết bi kịch cho mình và những hgười xung quanh.

    Rõ ràng, "Cái quý giá nhất của con người là cuộc sống nhưng không phải bất cứ cách sống, kiểu sống nào. Sống mà đánh mất bản thân, sống giả dối với mọi người, với chính mình, sống như Hồn Trương Ba đang sống thì thà chết còn hơn". Và hồn quyết định gọi mời tiên Đế Thích Xuống trần để thực hiện mong muốn của mình. Quyết định đó đã khiến cho mâu thuẫn kịch được giải quyết, đồng thời sẽ khiến cho số phận nhân vật đạt đến cái hữu hạn, nhưng sẽ là cái hữu hạn trong sạch, cao cả, tốt đẹp.

    Không chỉ có nhân cách cao đẹp, ngay thẳng, dũng cảm, TB còn là người có khát vọng cao đẹp, khát vọng sống tự do, sống là chính mình, biết tỉnh ngộ và sửa sai:

    Một triết gia người Đức đã từng nói: "Anh phải trở về cái gì của chính anh". Câu nói ấy là tiếng nói phải được sống là chính mình để trở thành một con người hoàn thiện và rất đúng đắn giống như lựa chọn của hồn Trương Ba trong đoạn trích. Đế thích xuất hiện. Vị tiên nhìn thấy vẻ nhợt nhạt xanh xao của TB và đã có lòng hỏi thăm, rồi giải thích lí do mấy hôm nay chẳng thể xuống đánh cờ được. Nhưng đó không phải là những gì mà TB quan tâm ở thời điểm này. TB đã hạ quyết tâm và quyết định nói lên nỗi lòng của mình" "Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa! Không thể được!" TB cố tình nhắc đi nhắc lại 2 lần từ "ko" như thể hiện sự quyết tâm muốn rời khỏi thể xác ấy. Hồn Trương Ba không thể chấp nhận sống chung với xác hàng thịt thô lỗ, phàm tục. Lý do mà Trương Ba đưa ra được Lưu Quang Vũ cô đúc trong một lời thoại có vai trò đặc biệt quan trọng, có thể coi là chìa khóa cho toàn bộ nội dung tư tưởng của vở kịch: "Không thế bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn".

    Lời thoại này trước hết cho thấy một bước trưởng thành, một bước ngoặt quan trọng trong nhận thức của Trương Ba. Từ chỗ phủ nhận một cách quyết liệt: "Mày chỉ là cái vỏ bên ngoài, không có ý nghĩa gì hết, không có tư tưởng, không có cảm xúc!", từ chỗ cực đoan "Cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong mới là quan trọng", Trương Ba đã đi đển một nhận thức vô cùng sáng rõ "Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được". Như vậy, từ chỗ đánh giá phiến diện về thân xác người, Trương Ba đã có cái nhìn đúng đắn, đó là cuộc sống tốt đẹp của người chỉ có thể được tạo nên từ sự hài hòa giữa hai đời sống của thể xác và tâm hồn. Nhận thức tưởng chừng như đơn giản đó của Trương Ba đã phải đánh đổi bằng rất nhiều đau khổ, nước mắt của chính bản thân ông và người thân nên nó là một nhận thức đáng quý. Và có thể nói, đó cũng chính là thông điệp quan trọng nhất mà nhà văn muốn chuyển tải đến người đọc qua vở kịch.

    Thông điệp đó là gì? "Bên trong", nghĩa đen dùng để chỉ nơi khuất tầm mắt, nơi không nhìn thấy được, nhưng ở đây lại có nghĩa là phần nội tâm, phần sâu sắc trong tâm hồn của mỗi con người, nơi chứa đựng tất cả những suy nghĩ, đánh giá của con người về những gì diễn ra xung quanh. Còn "bên ngoài", là nơi có thể quan sát được rõ ràng, nơi không có gì che lấp, nhưng ở đây, ta hiểu "bên ngoài" là nơi con người dùng để biểu lộ cảm xúc của trái tim, cảm xúc của tâm hồn. "Toàn vẹn", toàn vẹn không phải là không có sai sót, toàn vẹn không phải là phải hoàn hảo đến từng chi tiết nhỏ nhặt, toàn vẹn ở đây chỉ đơn giản là con người ta được sông thật với lương tâm, với bản thân của mình.

    Phải nói rằng, đây là một câu thoại rất hay và có tính triết lí sâu sắc của nhân vật. Bởi đó là tiếng lòng được cất lên từ sâu thẳm trong tâm hồn ông, trải qua một loạt các cuộc đối thoại và những sự đấu tranh tâm lí. Ngay lúc này đây ông chẳng muốn phải ở trong một cái xác bị nó chế ngự, lấn át và tha hóa đi những phẩm chất thanh cao, tốt đẹp của mình. TB muốn kđ vs ĐT rằng: Trái tim tôi chẳng muốn trú ngụ trong cái bình chứa đựng linh hồn kia nữa. Bởi bình ấy vốn chẳng phải là của nó. Nó cũng được bộc lộ và thể hiện nỗi lòng, tình yêu thương của riêng mình, không phải là những thói quen dung tục, đầy sự đối lập, khác biệt với vẻ bề ngoài kia. Đó là lí do mà TB khao khát muốn là mình "toàn vẹn", thống nhất và đồng điệu giữa tâm hồn - thể xác. Đó cũng là điều dễ hiểu thôi bởi có ai trong chúng ta lại muốn mình ăn nói một đằng, suy nghĩ một nẻo, lại muốn mình cứ lấp mãi đằng sau một vẻ ngoài giả tạo để tồn tại. Huống hồ, cái hồn tội nghiệp kia phải sống không bằng chết trong cái xác đầy mâu thuẫn và khác biệt.

    Khao khát mãnh liệt, cháy bỏng "Được là tôi toàn vẹn" của Trương Ba còn cho thấy nhân cách cao đẹp của Trương Ba. Nhân vật đã không còn chấp nhận chung đụng với cái thô lỗ tầm thường, dung tục và để nó sai khiến, mà muốn được trở về sống trọn vẹn với cái lương thiện, trong sáng, tốt đẹp vốn có. Khao khát đó đã làm sáng lên nhân cách tốt đẹp, cao cả của Trương Ba:

    Tuy nhiên, để được sống là mình lại là một điều không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi Trương Ba phải chấp nhận từ bỏ trò chơi tâm hồn, nghĩa là không thể làm điều xấu để thỏa mãn những dục vọng thấp hèn, rồi sau đó lại đổ lỗi cho xác hàng thịt. Điều đó cho thấy, để được sống là mình còn đồng nghĩa với việc phải tự chịu trách nhiệm với hành động, suy nghĩ của bản thân. Trên thực tế việc sống kiểu hồn Trương Ba - xác hàng thịt chỉ là một hư cấu, còn phần lớn là do người bị ép buộc hoặc cố tạo cho mình một vỏ bọc. Bởi vậy, dám tự chịu trách nhiệm để được sống là mình đòi hỏi mỗi người không chỉ có nhận thức, khao khát mà còn cần bản lĩnh và lòng dũng cảm.

    Nhưng khi đối diện với câu nói ấy của hồn, ĐT lại có vẻ ngạc nhiên và sững sờ lắm. Thế nên ông mới hỏi: "Sao thế, có gì không ổn đâu?" Đó đâu chỉ là một câu hỏi, đó còn là một lời chất vấn rằng: "Tôi thấy ổn mà! Có gì mà không thể sống chứ?" Đối với ĐT, việc "bên trong một đằng bên ngoài một nẻo là điều đương nhiên.

    Thái độ đó thôi chưa đủ, ĐT lại tiếp tục đưa ra những lí lẽ chối bỏ bi kịch của người đáng thương:" Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn ư? "ĐT dường như đang cố lấy những nhân chứng cho thấy rõ nỗi đau mà TB gặp phải chẳng phải là điều đáng lo ngại. Bởi đấy là một lẽ thường tình, cả vị tiên cờ ấy và cả ngọc hoàng cũng đang phải sống như vậy" Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. "Lời nói của Đế Thích đã chỉ ra một bi kịch mang tính nhân loại về việc số đông người không được sống là mình. Ở đó, tác giả đã mạnh dạn chỉ ra một sự thật xót xa trong xã hội nói riêng và nhân loại nói chung, về việc người vì địa vị ham muốn, quyền lực danh vọng mà đánh mất mình. Khi đưa ra dẫn chứng là Ngọc Hoàng, nhà văn đã thể hiện rất rõ tư tưởng" giải thiêng thần thánh ". Thần thánh không còn được đặt ở vị trí tối cao để mọi người phải ngưỡng vọng mà được đặt trong tư thế hoàn toàn bình đẳng với người, nghĩa là có đầy đủ tốt - xấu, đúng - sai, tì vết.

    Phải thấy rằng, câu nói này đã để lại trong mỗi chúng ta quá nhiều day dứt, trăn trở mà có lẽ khi khép lại tác phẩm ta chẳng thể nào quên được. Tại sao ngay cả vị tiên cờ, ngay cả những người ở trên trời, ngay cả Ngọc Hoàng là người đứng đầu trời đất, những con người tưởng chừng vốn trong sạch, thẳng thắn để làm tiêu chuẩn sống cho con người nay lại chấp nhận" bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo ", chấp nhận một cuộc sống giả tạo và gượng ép. Thật chẳng thể nào hiểu được! Có lẽ họ cũng như TB, mặc dù không phải sống trong thân xác lạ lẫm của người khác, nhưng chính họ cũng phải sống giả tạo trong cái vẻ bề ngoài của chính mình tạo nên.

    Nhưng điều khác biệt và đáng nói ở đây là ĐT, NH có thể chấp nhận và làm quen với lẽ trái ấy, còn TB thì không. Điều này cũng là một yếu tố góp phần khắc họa vẻ đẹp nhân vật Trương Ba: Nhân cách cao đẹp:

    Đó là lí do mà dù ĐT có giảng giải rằng:" Ông đã bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào. Thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù gì của ông đâu! "Câu nói ấy như một con dao sắc đâm thẳng vào trái tim TB. Bởi ngay lúc này đây, hồn thật sự hết hi vọng. Không còn cơ hội để được trở lại là chính mình, để được tái sinh và nối dài những ước mơ dang dở. TB sẽ chẳng thể nào sống trong cái thân thể vốn là của mình được nữa. Khi nghe đến đây, tôi chợt nghĩ có lẽ TB sẽ dần chấp nhận con đường mới này mà ở trong cái xác không phải của chính mình bởi đó là cơ hội duy nhất để ông được sống.

    Vẻ đẹp nhân vật TB còn được thể hiện ở việc ông mạnh dạn, thẳng thắn chỉ ra sai lầm của Đế Thích:

    Lý lẽ mà vị tiên cờ đưa ra không thể thuyết phục được Trương Ba bởi tất cả những lý lẽ mà Đế Thích đưa ra đều là để ngụy biện cho khát vọng được sống của người, còn điều mà Trương Ba quan tâm không chỉ đơn giản là được sống mà là sống như thế nào. Đến đây, Trương Ba đã có một lời thoại rất quan trọng:" Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. "Câu nói ấy đã bộc lộ hết tất thảy những niềm đau trong trái tim một kẻ ăn nhờ ở đậu, của một kiếp tầm gửi đầy đáng thương.

    Để rồi, một câu nói mà để lại niềm day dứt, ám ảnh trong lòng độc giả:" Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết! "Tuy chỉ là một người bình thường nhưng hồn đã mạnh dạn, thẳng thắn chỉ ra sai lầm của vị tiên trên trời khi ông chỉ nghĩ cho chính mình mà không hề nghĩ đến hoàn cảnh của những người khác, không hề biết rằng những người mà ông ta ban ơn ấy sẽ sống ra sao? Sẽ sống như thế nào? Mặc dù LQV không có ý văn nào để khắc họa dáng vẻ của TB khi ấy, nhưng bằng sự đồng cảm với cả trái tim của mình, tôi vẫn cảm nhận được những giọt nước mắt lạ chã rơi trên khuôn mặt TB tội nghiệp.

    Chưa hết, Lời thoại của TB đã đưa ra hai vấn đề quan trọng, một là lòng tự trọng cần phải có trong quá trình sống của mỗi người, điều đó sẽ quyết định việc người không sống nhờ vào tiền bạc, của cải cũng như danh vị, nhân phẩm của người khác. Có như vậy mỗi người mới không đi sau cái bóng của người khác để được sống là mình. Vấn đề thứ hai mà lời thoại đề cập đến chính là ý nghĩa của sự sống. Ở đây, Lưu Quang Vũ tiếp tục đối thoại với tư tưởng đã mặc nhiên tồn tại, được thừa nhận trong đời sống cũng như trong văn học từ ngàn năm nay để cho thấy: Ý nghĩa của sự sống không phải do độ dài ngắn quyết định mà quan trọng là chất lượng của cuộc sống ấy như thế nào. Nhà biên kịch đã chỉ ra được sống thôi chưa đủ bởi cuộc sống kéo dài nhưng chỉ là cuộc sống nhợt nhạt, buồn tẻ thì cuộc sống đó cũng không có mấy giá trị. Ý nghĩa của sự sống không do sự dài ngắn quyết định mà quan trọng là sống như thế nào và sống để làm gì.

    Nếu như tính cách ngay thẳng, phẩm chất dũng cảm, tâm hồn trong sáng và khát vọng sống cao đẹp của TB làm ta ngưỡng mộ thì đến đây nhân cách cao thượng, vị tha của ông càng làm ta nể phục:

    Để tiếp tục thuyết phục Trương Ba, Đế Thích đã phân biệt phần hồn trong sáng, cao quý của Trương Ba với phần hồn tầm thường, thấp kém của anh hàng thịt vì Đế Thích cho rằng chỉ có cái phần hồn trong sáng tốt đẹp của Trương Ba mới đáng được sống, đáng được tồn tại trên đời. Nhưng lý lẽ này cũng không thể thuyết phục Trương Ba tiếp tục sống nhờ trong thân xác hàng thịt bởi tất cả những trải nghiệm thực tế, những đau khổ, mất mát, bi kịch từ khi sống trong thân xác anh hàng thịt đã khiến Trương Ba thấm thía hơn bao giờ hết. Hậu quả giữa việc vênh lệch, giữa hồn và xác đã giúp ông thấu hiếu sâu sắc:" Tầm thường nhưng đúng là của anh ta, sẽ sống hòa thuận được với thân anh ta, chúng sinh ra ỉà để sông với nhau "nghĩa là Trương Ba đã thấu hiểu: Thà để phần hồn tầm thường của anh hàng thịt hòa hợp với thân xác thô lỗ, dung tục của anh ta còn hơn con quái vật mang tên hôn Trương Ba - da hàng thịt.

    Cuối cùng, Trương Ba thà chết thật để được là chính mình còn hơn sống trong cảnh hồn này, xác nọ. Ông muốn trả lại thân xác cho hàng thịt để mình không còn phải sống trong hoàn cảnh trớ trêu, bi hài. Việc trả lại thân xác cho anh hàng thịt đã chứng minh TB có tấm lòng thật cao cả, cao thượng. Bởi lẽ chẳng ai có thể làm được điều đó. Vì sống, vì muốn được tồn tại người ta sẽ tìm mọi cách dù nó có trái với luân thường đạo lý chứ không phải giống như TB: Trả lại thân xác cho chủ nhân thực sự của nó, còn mình thì tan biến.

    Mỗi tp NT chân chính phải là sự đồng điệu mang ngòi bút của những người cùng khổ. Thật vậy, ta cũng bắt gặp sự phản kháng mạnh mẽ khi không được sống là chính mình của TB với 1 số nv trong những áng văn khác như hình ảnh cô Mị của TH trong VCAP. Nếu TB chẳng thể nào chấp nhận việc" sống bên trong một đằng bên ngoài một nẻo "thì Mị cũng chẳng thể sống khi không thể làm những điều mình thích, sống trong một cuộc sống mình muốn và gần bên người mà mình thương. Đó là lí do mà cô từng phản kháng mạnh mẽ với kiếp sống" nàng dâu gạt nợ "ấy, đã từng khóc hàng mấy tháng trời, sẵn sàng ăn lá ngón tự tử để kết thúc đời mình. Tuy nhiên Mị may mắn hơn TB ở chỗ, nếu như cái hồn ấy đáng thương phải chọn tan biến trong đất trời khi không thể trở về với thân xác của mình thì Mị vẫn có thể quay trở lại sống là chính mình, gạt bỏ đi cái vỏ bọc chỉ là bề ngoài khi sống trong nhà thống lí. Chính giọt nước mắt của A Phủ là liều thuốc để Mị tự giải thoát cho chính mình. Đó là những sự đồng điệu và khác biệt giữa HTB và cô gái mèo xinh đẹp ấy.

    Bằng nghệ thuật sử dụng lời đối thoại kịch đậm chất triết lí, giàu kịch tính; hành động kịch của nhân vật phù hợp với hoàn cảnh, tính cách, góp phần phát triển tình huống truyện (bẻ hương) đã góp phần tạo nên chiều sâu cho vở kịch. Đồng thời vẻ đẹp nhân cách và phẩm chất của nhân vật TB cũng được khắc họa rõ nét. Quả đúng như ai đó đã từng nói rằng:" Mỗi tp nt phải là sự phát minh về hình thức và khám phá về nội dung. "

    Qua đoạn trích, ta thấy rõ được quan niệm sống trong kịch của LQV. Cũng giống như màn đối thoại trước, màn thoại giữa Trương Ba và Đế Thích một lần nữa khắc sâu vấn đề trung tâm nhất, cốt lõi nhất của toàn bộ tác phẩm, đó là việc người sống vẫn có sự hài hòa giữa linh hồn và thể xác, giữa bên trong và bên ngoài. Việc một người vẫn còn đầy khao khát sống như Trương Ba sau quá trình trăn trở, lựa chọn đã chối từ cả hai cơ hội được sống để nhận về mình cái chết đã cho thấy để sống cho ra một người không hề dễ dàng. Người ta không thể sống bằng bất cứ giá nào, người chỉ thực sự được là mình khi có sự thống nhất, hòa hợp giữa hoạt động bên ngoài với tâm trạng, cảm xúc mà còn biết sống, biết vun đắp, thậm chí biết hi sinh cho hạnh phúc của những người xung quanh. Rõ ràng ở đây Lưu Quang Vũ đã đề cao lối sống vị tha, cao thượng. Ai đó từng nói rằng:" Nhân vật là phương tiện để phản ánh đời sống, khái quát hiện thực. Chức năng của nhân vật là khái quát những quy luật của cuộc sống và của con người, thể hiện những hiểu biết, những ước mơ, kì vọng về đời sống ". Thật vậy, Bi kịch và cách xử lí trước bi kịch của nhân vật Trương Ba có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và ý nghĩa phê phán một số hiện tượng tiêu cực trong xã hội đương đại (sống ích kỉ, vụ lợi cá nhân). Không những vậy, Nhân vật Trương Ba trong đoạn trích còn thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật mới mẻ, độc đáo của Lưu Quang Vũ.

    Thời gian không ngừng chảy trôi, bụi thời gian có thể phủ dày lên mọi giá trị. Nhưng văn học nghệ thuật sẽ không bao giờ phải chịu lớp bụi ấy. Bởi tác phẩm nghệ thuật chân chính bao giờ cũng thấm đượm những giá trị nhân văn, nhân bản, đồng thời in đậm dấu ấn sáng tạo của người nghệ sĩ, Và với những kết tinh nghệ thuật đặc sắc, những giá trị tư tưởng cao đẹp mà nhà viết kịch Lưu Quang Vũ gửi gắm, tác phẩm" HTB, DHT"sẽ sống mãi với thời gian trong lòng bạn đọc.
     
    LieuDuong thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...