Liên hệ, mở rộng bài Tràng Giang

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lagan, 6 Tháng ba 2023.

  1. Lagan

    Bài viết:
    635
    So sánh, liên hệ ngữ liệu trong và ngoài sách giáo khoa khi phân tích, cảm nhận bài thơ Tràng Giang – Huy Cận.

    [​IMG]

    Tràng Giang

    Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

    Con thuyền xuôi mái nước song song.

    Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;

    Củi một cành khô lạc mấy dòng.


    Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

    Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

    Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;

    Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.


    Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;

    Mênh mông không một chuyến đò ngang.

    Không cầu gợi chút niềm thân mật,

    Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.


    Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

    Chim nghiêng cánh nhỏ: Bóng chiều sa.

    Lòng quê dợn dợn vời con nước,

    Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

    Kiếm 0, 5 điểm cho phần mở rộng, sáng tạo không khó với những chi tiết liên hệ ấn tượng sau!

    1. Khổ thơ 1: Nỗi sầu buồn, cô đơ n, lạc loài.

    Liên hệ, mở rộng chi tiết "sóng" cho câu thơ: "Sóng gợn Tràng giang buồn điệp điệp".

    Là "Tràng giang" nên có "sóng". Nhưng dưới ngòi bút của Huy Cận, hồn thơ ảo não vào bậc nhất trong dàn đồng ca đa sầu đa cảm của Thơ Mới thì đó không phải là "Sóng biếc theo làn hơi gợn tí" (Thu điếu) được gợi tả qua cái nhìn của một nhà nho ẩn sĩ trước cảnh ao làng Bắc Bộ, cũng không phải là hình ảnh con sống mãnh liệt: "Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ." (Sóng) mang bao nhiêu khát vọng về hạnh phúc lứa đôi của nữ sĩ Xuân Quỳnh khi hướng về biển lớn tình yêu. "Sóng gợn" là hình ảnh rất chân thực và sinh động nhằm diễn tả những con sóng nhỏ, khe khẽ nhấp nhô nối tiếp nhau vô hồi, vô hạn. Nét bút của Huy Cận vừa phóng khoáng vừa uyển chuyển đã mở ra khung cảnh sông nước mênh mông. Đồng thời gợi nỗi buồn âm thầm mà da diết khôn nguôi "buồn điệp điệp". Câu thơ từ tả cảnh bỗng chuyển sang tả tình. Nỗi buồn, niềm thương vốn là trạng thái nội tâm rất phức tạp nay được nhà thơ cụ thể hóa, hình tượng hóa sắc thái tâm trạng với ấn tượng đầy day dứt và ám ảnh.

    Liên hệ, mở rộng chi tiết "con thuyền" và "nước song song" cho câu thơ: "Con thuyền xuôi mái nước song song".

    Thi đề, thi liệu mang màu sắc cổ kính của thơ Đường, thơ Tống nhưng tâm trạng của nhân vật trữ tình lại im đậm một cái tôi lãng mạn với một nỗi sầu vạn kỉ. Vì thế, ta nhận ra sự đối lập giữa sự vật bé nhỏ cô đơn với cái vô biên, vô hạn của vũ trụ. "Con thuyền xuôi mái" như một dấu chấm buồn nổi bật trên nền không gian của Tràng giang và trở thành linh hồn của bức tranh. Trước đây, con thuyền ấy được đặt trong một khoảng không hữu hạn xác định:


    "Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

    Một chiếc thuyền câu bé tẹo teo."

    Khi xưa nhà thơ Nguyễn Khuyến sống ẩn dật nơi quê nhà mà suy tư về thế sự thì nay nhà thơ Huy Cận lại đau đáu trước một con thuyền không người chèo lái. Con thuyền được đặt trong trạng thái thụ động và trôi dạt trước dòng đời vô định đã làm nổi bật nỗi sầu nhân thế của nhà thơ trước cuộc sống tối tăm không lối thoát trước cách mạng. Chính cái lẻ loi của con thuyền bé nhỏ "xuôi mái" đã rẽ dòng nước "song song". Và từ láy "song song" gợi lên nhiều tầng ý nghĩa bên trong nó nữa. Trước đây, rất nhiều người đã liên tưởng và cho rằng hai chữ "song song" được Huy Cận học tập từ câu thơ của Nguyễn Du:

    "Đinh ninh hai miệng một lời song song"

    Nhưng điều đó là không chính xác bởi về mặt âm tiết, chúng hoàn toàn giống nhau nhưng lại khác nhau rất lớn về mặt ngữ nghĩa. Chữ "song song" của Nguyễn Du nói về lời thề hẹn đồng tâm, hòa điệu của hai trái tim yêu còn trong thơ Huy Cận, "song song" gợi ra cái chia lìa, không gắn kết và sự thật rằng, thuyền và nước dẫu có cùng phương, nhưng lại ngược hướng, thuyền muốn xuôi mà nước đi ngược. Nét đối lập hài hòa càng làm tăng thêm sự cô đơn, trống vắng trước thời cuộc của nhân vật trữ tình.

    [​IMG]

    Liên hệ, mở rộng chi tiết "thuyền về nước lại" và "củi một cành khô" cho 2 câu thơ: "Thuyền về nước lại sầu trăm ngả/ Củi một cành khô lạc mấy dòng".

    Nỗi buồn được nhân lên bởi cảm giác chia lìa được khắc đậm ở câu thơ thứ ba. Giờ đây con thuyền nhỏ nhoi trên sông vắng chẳng còn mối liên hệ, ràng buộc nào nữa, thuyền trôi một ngả mà nước xuôi một dòng hoàn toàn riêng biệt. Phải chăng, Huy Cận đã có sự "hợp âm" với nhà thơ điên Hàn Mặc Tử khi trong bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ", người con xứ Quảng Bình ấy cũng viết về sự chia lìa như thế:


    Gió theo lối gió mây đường mây

    Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay. "

    Gió với mây, thuyền và nước vốn luôn phải song hành và bổ trợ cho nhau. Ấy thế mà cả hai nhà thơ đều nhìn nhận chúng ở những khoảng trời riêng biệt chẳng hề gắn kết. Phải chăng chính trong tâm hồn của cả hai nhà thơ Mới đều đang thường trực nỗi bâng khuâng, đứt gãy kết nối giữa bản thân và cuộc đời. Nghệ thuật tiểu đối được tác giả sử dụng và thể hiện tự nhiên, linh hoạt góp phần cực tả nỗi" sầu trăm ngả ". Tác giả không ngừng lại ở số từ cụ thể mà muốn giãi bày nỗi sầu muôn phương, ngàn hướng, nỗi sầu của nhà thơ không tìm được hướng đi của cuộc đời như sự" chất chứa "trong lời Xuân Diệu: " Cái lớp sầu dưới đáy hồn nhân thế. "

    Bài thơ tồn tại qua 17 bản thảo và riêng câu thơ" Củi một cành khô lạc mấy dòng "đã được tác giả cân nhắc tới 8 lần. Từ" một cánh bèo "tới" củi một cành khô "là cả sự thoát xác khỏi hệ thống ước lệ mang tính quy phạm của thi ca cổ điển. Đây không phải là một bè gỗ, bè nữa, một cây xanh mà chỉ là một" cành ", hơn thế nữa lại là" cành khô "tầm thường bé nhỏ chẳng biết đã rơi xuống từ khu rừng già nào trên thượng nguồn. Hình tượng thiên nhiên không tràn trề sức sống hay được nâng niu, trân trọng như câu thơ " Cành lê trắng điểm một vài bông hoa " của Nguyễn Du nữa mà đã trôi nổi qua biết bao sông suối và sẽ chẳng biết còn phiêu dạt tới nơi đâu. Xưa nay, thơ ca bác học thường khó dung nạp những chi tiết hiện thực, sần sùi, thô mộc nhưng" củi một cành khô "mà Huy Cận mạnh dạn thả vào dòng" Tràng giang "cổ kính đem đến cho bức tranh sông nước của thơ ca Việt Nam một màu sắc thật khó quên.


    2. Khổ thơ 2: Nỗi buồn thấm vào không gian.

    Liên hệ, mở rộng chi tiết" đìu hiu "và" tiếng làng xa "cho 2 câu thơ:" Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu/ Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều ".

    Đáng lẽ bức tranh thơ có thêm sự sống phải sinh động và rộn ràng nhưng trái lại, tất cả chỉ làm cho cảnh hiu quạnh, cô liêu hơn. Sự xuất hiện của tính từ" lơ thơ "," đìu hìu "kết hợp với nghệ thuật đảo ngữ khiến cho cồn cát của Tràng giang vốn đã bơ vơ, trơ trọi lại còn" nhỏ "và" lơ thơ ", cảnh vật càng thêm" đìu hiu ", quạnh quẽ. Không khi hoang vắng ấy có lẽ đã được Huy Cận mượn từ hai câu thơ trong bài" Chinh phụ ngâm "của Đặng Trần Côn:


    " Non kì quạnh quẽ trăng treo

    Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò. "

    Huy Cận đã tái hiện được không khí như hư, như thực trong tâm cảnh của nhân vật trữ hình. Thế nhưng, điều Huy Cận phát huy được từ Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm chính là không chỉ có hình ảnh mà còn gợi len được một âm thanh quen thuộc và cũng rất đỗi mơ hồ" tiếng làng xa "và khung cảnh" vãn chợ chiều ". Đối với con người Việt Nam ở thôn quê, bình lặng và nghèo khó, thì cảnh chợ quê đông vui tập nập là sự sống tưng bừng, là biểu tượng cho sự giao lưu gặp gỡ. Không có gì buồn tẻ, tiêu điều, xơ xác bằng cảnh chợ chiều vãn khách: " Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất.. trên đất chỉ còn có rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn.. " như ta đã từng thấy trong truyện ngắn" Hai đứa trẻ "của Thạch Lam. Trong lúc lòng buồn chới với vì cô đơn bế tắc mà hồn thơ Huy Cận vẫn hướng về cội nguồn của làng quê, vẫn khao khát và chắt chiu chút thanh âm mơ hồ xa vắng của chợ chiều. Nhà thơ như đưa ta trở về với làng quê bình dị, nơi có bánh đa, bánh đúc, có phiên chơ nghòe, có con đò, có người thân ta mộc mạc, hồn hậu, thuần phác mang linh hồn xứ sở:

    " Những nàng môi cắn chỉ quết trầu

    Những cụ già phơ phơ tóc trắng

    Những em nhỏ sột soạt quần nâu. "


    Quả thực như Huy Cận từng tâm sự: " Không có tiếng người thì cảnh vật hoang vắng và xa lạ. Đôi chút âm thanh của con người không bớt đi sự vắng lặng nhưng tạo được ít nhiều cái màu vẻ của cuộc sống. " Và trong đó đã thức dậy được tình yêu quê hương, đất nước của con người Việt Nam.

    Liên hệ, mở rộng chi tiết cho 2 câu thơ:" Nắng xuống trời lên, sâu chót vót/ Sông dài trời rộng bến cô liêu "

    Nếu ở Xuân Diệu bộc lộ rõ cảm hứng vè thời gian trong sự vội vàng, cuốn quýt " Mau với chứ, vội vàng lên với chứ/ Em ơi em! Tình non sắp già rồi " thì cảm hứng chi phối Tràng Giang – hình tượng của thơ Huy Cận trước cách mạng là nỗi sầu nhân thế và cảm hứng vũ trụ. Những từ" xuống "," lên "," sâu chót vót "đã dựng lên trước mắt ta một không gian đa chiều và chiều nào cũng không có giới hạn. Những vạt nắng rơi xuống mặt đất nhưng tạo đà để đẩy bầu trời lên đến không cùng và chữ" sâu "tưởng như đặt sai chỗ lại mang đến hiệu quả bất ngờ, không chỉ diễn tả được cái vời vợi của khoảng không mà còn diễn tả được độ sâu của lòng người. Nói như Xuân Diệu, Huy Cận không đơn thuần đứng nơi bờ bãi nhìn ngắm bầu trời mà như đang " đứng trên thiên văn đài của linh hồn, nhìn cõi bát ngát ". Hay như Hoài Thanh nhận xét: " Có lẽ thi nhân trong cuộc viễn du đã có lần nhác thấy cái xa thẳm của thời gian, không gian; có lẽ đã nghe trong hồn hơi gió lạnh buốt từ vô cùng đưa đến. " Phải chăng khi viết" nắng xuống trời lên sâu chót vót ", Huy Cận đã thực sự nhác thấy cái xa thẳm của không gian, thời gian mà xáo trộn tất cả các giác quan và không phân biệt rõ trên, dưới, cao, sâu.


    [​IMG]

    3. Khổ thơ 3: Niềm khát khao giao hòa.

    Liên hệ, mở rộng chi tiết" cánh bèo "cho câu thơ:" Bèo dạt về đâu hàng nối hàng ".

    Hình ảnh cánh bèo đã xuất hiện vô số lần trong thơ ca Việt Nam. Cánh bèo dập dìu, vô định trôi giữa lòng sông mênh mông đã đem đến cho Huy Cận những liên tưởng sâu sắc. Cánh bèo không còn là chốn cư ngụ của những chú cá nhỏ trong làn ao thu, là nơi dừng chân cho những suy tư miên man sầu nặng của vị ẩn sĩ Nguyễn Khuyến: " Cá đâu đớp động dưới chân bèo " (Thu điếu) nữa mà đã trở thành nỗi băn khoăn, trăn trở như nỗi lòng của người phụ nữ trong muôn lời ca dao mà bà và mẹ vẫn hằng nhắc đến:


    " Thân em như cánh bèo trôi

    Sóng dập, gió dồi biết tấp vào đâu "

    Hay:

    " Chàng ơi thương thiếp mồ côi

    Như bèo cạn nước biết trôi đằng nào "

    Cánh bèo giờ đây tượng trưng cho những kiếp người bé nhỏ, nổi trôi mà chẳng thể nương ai, ngóng ai. Hay phải chăng chính Huy Cận cũng hóa thân làm một cánh bèo mà bâng khuâng, sầu muộn. Bởi trong khoảng thời gian ấy, người nghệ sĩ đã đỗ tú tài toàn phần tại Huế, lựa chọn rời xa quê hương yêu dấu mà ra Hà Nội học. Đứng trước bước ngoặt của cuộc đời, phải chăng ông cũng rất lo âu, vô định khi không biết tương lai của mình sẽ trôi dạt về đâu.

    Cánh bèo phải chăng chỉ mang ý nghĩa như vậy? Soi chiếu vào lòng thơ Huy Cận, tôi thiết nghĩ không phải vậy. Cánh bèo có lẽ mang một tầng nghĩa ẩn tàng ít ai để ý tới, như" cánh bèo "trong câu ca dao:


    " Tiếc thay cái giếng nước trong

    Để cho bèo tấm, bèo ong lọt vào "

    Cánh bèo không còn là hiện thân cho những kiếp người cùng khổ nữa mà là đại diện cho những thế lực xâm lăng tàn bạo không đáng có." Bèo "cứ" hàng nối hàng "mà đến, lặng yên không tiếng động mà vấy bẩn tấm lụa tinh khôi, gây ra bao nỗi oán than, cơ hàn cho muôn vàn sinh linh nhỏ bé. Phải chăng, Huy Cận đang rùng mình ghê sợ trước viễn cảnh một ngày kia đất nước sẽ bị" bèo "chiếm cứ và những con người yêu bầu trời như Huy Cận sẽ chẳng có nổi một khe hở để mà xông pha.

    Liên hệ, mở rộng chi tiết" đò – cầu "cho 2 câu thơ:" Mênh mông không một chuyến đò ngang/ Không cầu gợi chút niềm thân mật "

    " Mênh mông "nhưng lại thật hoang vắng, không có lấy" một "sự kết nối nào khiến người thi sĩ bẽ bàng nhận ra sự cô đơn, vắng lặng của con người trước thiên nhiên, tạo vật. Cấu trúc phủ định:".. không.. không.. "được sử dụng như nhấn mạnh thêm những kết nối của con người với thiên nhiên. Trong thơ ca xưa nay, ta đã từng bắt gặp cuộc sống thanh tịnh, vắn lặng. Đó là mùa thu thanh đạm trong thơ Nguyễn Khuyến: " Ngõ trúc quanh co khách vắng teo ", và sau này trong thơ Xuân Diệu, ta cũng có một mùa thu hiu quạnh: " Đã vắng người sang những chuyến đò "(Đây mùa thu tới) nhưng chưa bao giờ ta bắt gặp một cõi sông vắng lặng đến tuyệt đối, không cầu, không đò. Chẳng có một chuyến đò nào đi ngang sang bờ bên kia, cũng chẳng có chuyến đò nào níu kéo hai đầu con nước như ca dao tình tứ:


    " Anh về xẻ ván cho dày

    Bắc cầu sông cái cho thầy mẹ sang

    Thầy mẹ sang em cũng sang theo

    Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo. "

    Nỗi cô đơn, tĩnh lặng cứ ngày một tràn lên, bủa vây, giam hãm con người như xiềng xích nhưng chẳng ai có thể cứu lấy nhà thơ. Phương tiện giao liên duy nhất là" đò "và" cầu "đã mất, giờ đây chỉ còn mình Huy Cận trên mỏm đá trơ trọi, dõi mắt nhìn theo bóng hình hư hư, ảo ảo của quê hương bên kia cây cầu trời. Ông như một người lữ hành trên sa mạc, vì quá khát khao, nhớ mong nên" nguồn nước "mới như xa như gần, tưởng đâu đã chạm tới nhưng khi mở bàn tay ra lại chỉ là một nắm cát chảy xuôi giữa các ngón. Có gần gặn nhưng không thấy giao lưu, có cận kề mà chẳng hề kết nối, đi cùng nhau nhưng lại chẳng trông nhau như hòn đảo nhỏ bị bỏ quên giữa đại dương bao la:

    " Thuyền không giao nối đây qua đó

    Vạn thủa chờ mong một cánh buồm "

    (Đảo)

    Liên hệ, mở rộng chi tiết" bờ xanh tiếp bãi vàng "cho câu thơ:" Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng "

    Cảnh vật tuy có thêm màu sắc nhưng lại hết sức nhạt nhòa, rời rạc, không một tia gắn kết. Đây cũng là một chi tiết tả thực trong" Tràng giang ". Bởi khi nhà sáng tạo con chữ Huy Cận hạ bút biết lên bài thơ này, thời tiết đã ngả về thu. Dưới con mắt của Huy Cận, bầu trời không hề:


    " Có đám mây mùa hạ

    Vắt nửa mình sang thu "

    Nữa mà thay vào đó là" bờ xanh "và" bãi vàng ". Nếu như Hữu Thỉnh nhìn thấy một làn mây chứa đựng cả hai mùa thì nay Huy Cận lại thấy các mùa như chia lìa, phân tách rõ rệt và sòng phẳng.

    [​IMG]

    4. Khổ thơ 4: Nỗi nhớ quê nhà.

    Liên hệ, mở rộng, dẫn dắt sự cô đơn và hùng vĩ của thiên nhiên trong 2 câu thơ:" Lớp lớp mây cao đùn núi bạc/ Chim nghiêng cánh nhỏ: Bóng chiều sa "

    Sự tĩnh lặng gần như là tuyệt đối và lòng người càng thấm thía hơn sự cô đơn, lạnh lùng của chính bản thân và vạn vật xung quanh.


    " Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm

    Gió trăng ơi! Nay còn nhớ chàng chăng? "

    Không biết tự lúc nào, nỗi sầu của Huy Cận đã thấm vào gió, vào trăng, để hình tượng của tâm hồn ảo não cứ thế khắc ghi sâu mãi. Để rồi ngay tại đây, ở khổ thơ cuối bài. Huy Cận lại một lần nữa chuyển giao nỗi buồn của thiên nhiên từ lòng mình về lại thiên nhiên:

    " Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

    Chim nghiêng cách nhỏ: Bóng chiều sa. "

    " Thiên nhiên tạo vật buồn nhưng đôi lúc bộc lộ vẻ đẹp kì vĩ, lạ lùng. " Đó là lời tự bạch của chính Huy Cận về hai câu thơ này. Thật vậy, không có gì vui mừng và rạo rực hơn là lúc bình minh, cũng chẳng có gì buồn tan tác bằng khi chiều tà, khi" bóng chiều sa ".

    Những dãy núi ấy liệu chăng là những dãy núi vừa hứng cơn mưa, giọt mưa vẫn còn đọng lại trên kẽ lá và khi ánh chiều náo nức đùa nô chạy đến, những giọt" lệ trời "mới lấp lánh ánh bạc. Hay phải chăng, Huy Cận nói" núi "nhưng thực chất lại tả sông. Con người ảo não ấy liệu có đang lấy độ cao của núi để nói về lòng sông sâu cạn như cụm từ" sâu chót vót "ở khổ thơ trên:


    " Nắng xuống trời lên, sâu chót vót. "

    Phải chăng, thể xác Huy Cận đang đứng ở bến Chèm, bến Vẽ nhưng hồn ông lại đang phiêu lưu cùng áng mây tại một thế giới đảo ngược song song nào khác. Ta tưởng như Huy Cận đang ngồi vắt vẻo trên những tầng mây, nhoài người nhìn xuống và khi bắt gặp một tràng giang mênh mang sóng nước, ông như vừa mê vừa tỉnh đến chẳng phân biệt nổi là lòng sông" sâu "hay" cao ".

    Động từ" đùn "được Huy Cận tài tình đặt ở giữa câu thơ khiến cảnh không tĩnh mà rất động. Sức sống bền bỉ, dồn nén trong tạo vật như bật tung ra. Nếu như trong thơ Đường, nhà thơ Đỗ Phủ viết " Mặt đất mây đùn cửa ải xa. ", thi sĩ Nguyễn Trãi trong bài" Cảnh ngày hè "cũng miêu tả " Hòe lục đùn đùn tán rợp dương " để thể hiện sức mạnh tiềm tàng của sự vật tưởng chừng như bé nhỏ như mây thì nay cũng một từ" đùn ", cũng một cảnh mây nhưng mây của Huy Cận không phải được quan sát từ xa, mây cũng không sà xuống bao trọn mặt đất mà như đang đẩy nhau nổ bung trên nền trời. Giữa khung cảnh tráng lệ ngây ngất va dịu êm ấy có sự xuất hiện của một cánh chim nhỏ bé – loài chim. Trên bầu trời cao sâu lồng lộng, cánh chim nhỏ hiện lên có chút cô liêu đến não nề. Nếu như Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã vẽ ra một cánh bằng đội trời đạp đất, xé nát trời mây – Từ Hải:


    " Quyết lời dứt áo ra đi

    Gió mây bằng đã đến kỳ dặm khơi. "

    (Chí khí anh hùng)

    Thì nay cánh chim của Huy Cận lại thật đáng thương. Hình ảnh chú chim nhỏ bé, mệt mỏi chao nghiên như đối lập hoàn toàn với cảnh hoàng hôn hùng vĩ ấy. Hình ảnh cánh chim là nét chấm phá điệu nghệ, mệt mỏi của thiên nhiên hay chăng là mệt mỏi của chính những người con xa quê:

    " Chim hôm thoi thóp về rừng

    Đóa trà mi đã ngậm trăng nửa vành "

    (Truyện Kiều – Nguyễn Du)

    Hay:

    " Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

    Cô vân mạn mạn độ thiên không "

    (Mộ - Hồ Chí Minh)

    Liên hệ, mở rộng chi tiết" đùn "và nỗi nhớ quê hương trong 2 câu thơ" Lòng quê dợn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà. "

    Có một nhận xét rằng: " Trong nền văn học mới, Huy Cận đã làm một việc táo bạo: Tìm về cảnh xưa, nơi bao người đã sa lầy – tôi muốn nói là sa vào khuôn sáo. Người nói cùng ta nỗi buồn nơi quán chật, đèo cao, nỗi buồn của sông dài trời rộng, nỗi buồn của người thứ lữ. " Tôi thấy thật đúng. Bởi Huy Cận cũng buồn và không ai hiểu nổi lòng của" những sầu nhân "hơn là một" sầu nhân ". Đứng trước sông dài, trời rộng," tình quê "đã hóa thành" lòng quê "dập dìu và trào lên mãnh liệt. Tấm lòng quê được toát lên trong một câu thơ vừa cổ điển, vừa hiện đại. Cổ điển ở cảnh xưa, khói sóng, ở kết cấu thơ Đường, còn hiện đại lại ở cách nói trái ngược với ý của Thôi Hiệu – một sự cách tân mới mẻ, độc đáo của một hồn thơ lãng mạn:


    " Nhật mộ hương quan hà xứ thị?

    Yên ba giang thượng sử nhân sầu "

    Dịch là:

    " Quê hương khuất bóng hoàng hôn

    Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai. "

    (Hoàng Hạc lâu)

    Xưa kia đứng trên lầu Hoàng Hạc, Thôi Hiệu nhìn thấy khói sương phủ mờ trên sông mà thổn thức tình quê. Nhưng nay, Huy Cận không cần cái mở ảo của khói sóng tác động vào thị giác, cảm giác, cũng không cần cái se lạnh thấm vào da thịt nhưng" lòng quê "vẫn trào dâng. Rõ ràng, tâm tình Huy Cận sâu lắng hơn, thường trực hơn và luôn sẵn sàng tỏa ra, thấm vào sự vật, sự việc xung quanh. Tuy nhiên," nhớ nhà "ở đây không chỉ là nhớ mảnh đất Hà Tĩnh chôn rau cắt rốn mà còn mang nghĩa rộng hơn là nhớ cả quê hương, cả đất nước Việt Nam. Khi phát xít Đức xâm chiếm nước Pháp, chiếm đóng Pa-ri, nhà thơ Aragon cảm thấy lạc loài ngay trên chính quê hương của mình. Tới nay, trước cảnh nhân dân lầm than cơ cực, sống cuộc đời nô lệ dưới ách thống trị của thực dân Pháp, Huy Cận cũng mang nỗi niềm, tâm trạng như thế thậm chí còn hơn thế. Chính bởi vậy, Huy Cận mới tâm sự:" Lúc đó, tôi buồn hơn Thôi Hiệu đời nhà Đường. "Nhà thơ băn khoăn và lạc lõng trước thời thế suy tàn của đất nước và vô tình, ta nhìn thấy sự trùng lặp nhân ảnh và tâm tình Huy Cận và vị ẩn sĩ Nguyễn Khuyến:

    " Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái

    Một tiếng trên không ngỗng nước nào. "

    (Thu Vịnh)

    Cũng như Nguyễn Khuyến chẳng phân nổi đang đứng trên nước mình hay nước người, Huy Cận cũng đang mênh mang vô định. Ông cất lên hai tiếng" nhớ nhà "đâu chỉ là nhớ quê hương tha thiết mà còn nhớ tới một thuở huy hoàng trước khi bị xâm lăng của đất nước.

    5. Nhận định văn học về Huy Cận và tác phẩm Tràng Giang.

    " Có người bảo thơ Huy Cận già. Già vì buồn, già vì hay kể lể. Nhưng trong cuộc đời con người còn có tuổi nào hay buồn vẩn vơ như cái tuổi 20. Tôi thấy Huy Cận vẫn còn trẻ lắm. "


    (Vô danh)

    " Tràng giang là bài thơ có ca hát non sông đất nước, do đó nó dọn đường cho tình yêu giang sơn Tổ quốc ".

    (Xuân Diệu)

    " Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng, ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu, càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận. "

    (Hoài Thanh)

    " Nhà thơ đã gọi dậy cái hồn buồn của Đông Á.. đã khơi lại cái mạch sầu mấy nghìn năm vẫn ngấm ngầm trong cõi đất này. "

    (Hoài Thanh)

    " Huy Cận lượm nhặt những chút buồn rơi rác để rồi sáng tạo nên những vần thơ ảo não. Người đời sẽ ngạc nhiên vì không ngờ với một ít cát bụi tầm thường thì người lại có thể đúc thành bao châu ngọc. Ai có ngờ những bước chân đã tan trên đường kia còn ghi lại trong văn thơ những dấu tích không bao giờ tan được. "

    Huy Cận cũng là" một người của đời, một người ở giữa loài người. "


    6. Huy Cận và những giai thoại.

    Trong cuộc đời của mình, Huy Cận đã để lại nhiều giai thoại mà không phải ai cũng biết. Một trong số đó gắn liền với sự ra đời và đón nhận của tác phẩm Tràng Giang.

    Chuyện rằng, khi Huy Cận vừa làm xong bài thơ Tràng giang, ông gửi cho Xuân Diệu xem trước. Xuân Diệu vội vàng chép tay, rồi gửi theo đường bưu điện cho Thế Lữ. Đọc xong, Thế Lữ khen hay và hỏi:" Huy Cận là tay nào mà làm thơ hay thế! ". Xuân Diệu bảo:" Huy Cận là bạn tôi ". Thế Lữ lại hỏi:" Là bạn sao không đưa thẳng cho tôi mà lại gửi thư? ". Xuân Diệu đáp:" Tôi muốn gửi thế để kiểm tra xem thử thơ có hay thật không? ". Mấy ngày sau, Huy Cận ra Hà Nội, Xuân Diệu đưa ông đến báo Ngày nay giới thiệu với Ban biên tập. Đó là lần đầu tiên Huy Cận tiếp xúc với giới văn chương, báo chí. Từ đó, họ rất quý ông, đăng thơ ông đều đặn trên báo Ngày Nay. Tuần ấy, báo đăng bài Tràng giang của Huy Cận. Ngay ngày hôm sau, mới 6 giờ sáng, Lưu Trọng Lư đã đến đập cửa phòng Huy Cận tại số 40 Hàng Than (lúc ấy Lưu Trọng Lư ở dưới nhà, Huy Cận và Xuân Diệu ở trên gác), mà rằng:" Trời, Tràng giang hay quá Cận ơi! Hôm nay cụ Ngô Tất Tố hỏi tôi: "Huy Cận là thằng cha nào mà làm bài thơ hay thế? Bài thơ này hồn thơ Đường mà hay hơn thơ Đường".. mình phải khao cậu mới được. "Thế là hai nhà thơ đến hiệu phở Nghi Xuân (ở Hàng Quạt) nổi tiếng. Lưu Trọng Lư chiêu đãi Huy Cận nhưng lại.. quên mang tiền vì ông nổi tiếng là người lơ đãng. Rốt cuộc, Huy Cận lại mời phở Lưu Trọng Lư.

    Một thiên truyện nữa cũng rất đỗi" lên thơ "của Huy Cận được lưu truyền dưới cái tên:" Dấu "huyền" chứ không phải dấu "nặng". "

    Ngày thơ Việt Nam lần thứ I (2003) ở Hà Tĩnh được tổ chức trọng thể tại Khu lưu niệm Nguyễn Du (Tiên Điền, Nghi Xuân) do Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh chủ trì. Đây là lần đầu tiên làng thơ Việt Nam được tôn vinh, nên các nhà thơ từ trung ương đến 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đều có mặt, ai cũng háo hức. Riêng nhà thơ Cù Huy Cận dù đã vào tuổi 83, đường sá xa xôi, vẫn về tham dự. Huy Cận được mời lên đọc thơ trước tiên. Sau lời tự bạch và trình bày bài thơ Tràng giang, ông liền quay sang giảng Kiều một cách say sưa. Trước tình thế, thời lượng có hạn mà nội dung còn dài, nhà văn Đức Ban như đứng trên tổ kiến lửa. Nhờ có nhà thơ Yến Thanh mách nước, ông đột ngột đem hoa lên tặng, nhà thơ Cù Huy Cận vui vẻ nhận hoa, nhưng bất ngờ, ông quay lại hỏi:" Các cậu phê bình mình nói dài chứ gì? Cho tớ nói thêm một tý " . Cả khán trường cười ồ. Đoạn, thi sĩ gói gọn lời kết bằng những câu chúc rồi về chỗ ngồi. Sau đó, nhà văn Đức Ban trân trọng giới thiệu một đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh lên cảm ơn nhà thơ Huy Cận. Đồng chí ấy lên bục xoa tay vào nhau chưa biết thưa gửi thế nào cho phải phép khi nhà thơ đã 83 tuổi, nên sau vài giây" è hẹm ", ông nói:" Kính thưa cụ Huy Cận "! Ngay tức khắc, nhà thơ Huy Cận đứng lên cải chính:" Thưa đồng chí Chủ tịch, họ tôi dấu huyền "cù" chứ không phải dấu nặng "cụ"! "Cả khán trường được bữa cười no bụng. Riêng đồng chí Chủ tịch sau một thoáng lúng túng, bỗng cười xòa, chạy xuống chỗ nhà thơ, ôm lấy ông rối rít xin lỗi, ông đáp lại bằng sự thân tình như cha - con.

    Sau đó, chưa đầy 2 năm thì nhà thơ Cù Huy Cận không có điều kiện để tham dự các hoạt động văn hóa nghệ thuật ở Hà Tĩnh nữa. Mặc dù nhà thơ của chúng ta đã về cõi vĩnh hằng ngót hai chục năm, nhưng nhân cách ông, tâm hồn ông, thơ ông, vẫn sáng chói trên thi đàn cả nước cũng như trong tâm tưởng của những người yêu thơ.


    (Phan Thư Hiền sưu tầm và biên soạn)

    7. Thơ và Huy Cận.

    Bên cạnh Tràng Giang, vẫn còn rất nhiều bài thơ hay của Huy Cận với nét đẹp vừa cổ kính vừa hiện đại, vừa buồn vừa vui. Bài thơ Mai Sau được trích trong tập Lửa Thiêng (1940) cũng là một trong những bài thơ mình tâm đắc nhất của Huy Cận. Cùng đọc nó nhé!

    Mai sau

    " Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm,

    Gió trăng ơi! Nay còn nhớ người chăng?

    Hơn một lần chàng đã gửi cho trăng

    Nỗi hiu quạnh của hồn buồn không cớ.

    Thuở chàng sống thì lòng chàng hay nhớ,

    Nỗi nhớ thương không biết đã tan chưa?

    Hay lòng chàng vẫn tủi nắng, sầu mưa

    Cùng đất nước và nặng buồn sông núi?

    "Chàng yêu lắm nên bị người hắt hủi,

    Chàng yêu lâu nên thiên hạ lìa xa;

    Chàng tự tình bằng những khúc bi ca,

    Chàng tâm sự với buổi chiều quạnh quẽ.

    Hỡi trăng gió đã nghe chàng kể lể,

    Hồn các người là hồn của lời thơ;

    Hơi thở chàng thổi trong gió phất phơ,

    Đài vũ trụ quen bước người thi sĩ.

    " Người một thuở mà chàng sầu vạn kỷ,

    Sống một đời chàng tưởng vọng muôn năm;

    Gió trăng ơi! Chắc nơi chỗ chàng nằm

    Chăn chiếu mục đã nở màu vĩnh viễn.

    Hồn đơn chiếc như đảo rời dặm biển,

    Suối một đời như núi đứng riêng tây.

    Lòng chàng xưa chốn nọ với nơi này,

    Đây hay đó chỉ dựng chòi cô độc.

    "Người ta bảo bà mẹ chàng hay khóc

    Chia gia tài cho con quý: Lệ đau.

    Chàng là con một người mẹ hay sầu

    Nên trọn kiếp mắt chàng thường đẫm lệ.

    Người thi sĩ đã nguyện cầu Thượng Đế

    Một đôi lần, nhưng vốn nghiệp đi hoang

    Thì chết rồi, chắc người vẫn lang thang

    Như buổi sống, ở trong bầu trăng gió.

    Ở địa ngục, hay thiên đường, không rõ.."

    Chiều nay đây nửa thế kỷ hai mươi,

    Viết dăm câu tôi gửi lại vài người

    Những thế hệ mai sau, làm bè bạn..

    Hỡi ai đó, có nhớ lòng Huy Cận,

    Gọi gió trăng mà thỏ thẻ lời trên,

    Rất thương yêu, xin nhớ gọi giùm tên

    Rất an ủi của bạn chàng: Xuân Diệu.

    Một bài thơ hay không phải bởi cái tả, mà là vì cái gợi. Và rõ ràng ở bài thơ trên, người đọc tưởng chừng như thi sĩ buồn Huy Cận bỗng chốc hóa thành "chàng thơ", bỗng từ cái tuổi già vì kể lể thoắt đã mộng mơ đong đầy hứa hẹn. Nỗi bâng khuâng rất đậm chất Huy Cận ấy vẫn thấm đượm trong hồn thơ để rồi "Mai sau" cùng tên tuổi của Huy Cận cũng sẽ trường tồn mãi đến mai sau.

    Đọc thêm: Mở Bài Gián Tiếp Cho Tràng Giang - Huy Cận

    Cảm Nhận 2 Khổ Thơ Cuối Bài Thơ Tràng Giang – Huy Cận
     
    Last edited by a moderator: 12 Tháng mười một 2023
  2. Đăng ký Binance
  3. Lagan

    Bài viết:
    635
    Thêm một bài thơ hay để liên hệ về tình quê trong tác phẩm Tràng Giang.

    [​IMG]


    Nhớ con sông quê hương - Tế Hanh.

    Quê hương tôi có con sông xanh biếc

    Nước gương trong soi tóc những hàng tre

    Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

    Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng

    Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng

    Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi?

    Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!

    Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ

    Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ

    Sông của miền Nam nước Việt thân yêu

    Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu

    Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy

    Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy

    Bầy chim non bơi lội trên sông

    Tôi giơ tay ôm nước vào lòng

    Sông mở nước ôm tôi vào dạ

    Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả

    Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông

    Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng

    Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến

    Nhưng lòng tôi như mưa nguồn, gió biển

    Vẫn trở về lưu luyến bên sông

    Hình ảnh cô em đôi má ửng hồng..

    Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc

    Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc

    Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng "miền Nam"

    Tôi nhớ không nguôi ánh sáng màu vàng

    Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc

    Tôi nhớ cả những người không quen biết..

    Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây

    Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy

    Hình ảnh con sông quê mát rượi

    Lai láng chảy, lòng tôi như suối tưới

    Quê hương ơi! Lòng tôi cũng như sông

    Tình Bắc Nam chung chảy một dòng

    Không gành thác nào ngăn cản được

    Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước

    Tôi sẽ về sông nước của quê hương

    Tôi sẽ về sông nước của tình thương.

    Đây là bài thơ mình rất thích, vì đã được nghe rất nhiều lần qua lời kể, lời hát của bà, của mẹ. Có thể nói, câu nào trong bài thơ này cũng hay, các bạn có thể liên hệ rất nhiều chi tiết, đặc biệt là trong tình quê của Huy Cận. Nếu như Huy Cận chịu đựng và bộc bạch nỗi nhớ nhung một các thầm lặng, kín đáo thì Tế Hanh đã dùng những động từ, tính từ căng tràn nhất để miêu tả về con sông, về quê hương. Và dẫu cho có khác nhau trong cách biểu cảm thì tình quê căng đầy và da diết vẫn thấm đượm trong hai bài thơ và trong lòng tác giả, để rồi lại một lần nữa được giải phóng vào thiên nhiên và truyền đạt lại cho độc giả.
     
    Tiên Nhi, Admin, meomeohh12 người khác thích bài này.
  4. Lagan

    Bài viết:
    635
    Thêm một bài thơ thật hay nữa về dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa để các bạn thỏa sức liên hệ, mở rộng và phát triển ý trong bài.

    [​IMG]

    Sông Hồng

    Một con sông chảy qua thời gian

    Chảy qua lịch sử

    Chảy qua triệu triệu cuộc đời

    Chảy qua mỗi trái tim người

    Khi êm đềm khi hung dữ

    Một con sông rì rầm sóng vỗ

    Trong muôn vàn trang thơ

    Làm nên xóm thôn, hoa trái, những ngôi nhà

    Tạo sắc áo, màu cây và tiếng Việt

    Một giống nòi sinh tự một dòng sông

    Trăm đứa con xuống biển lên rừng

    Ở lại Phong Châu, người con thứ nhất

    Vua Hùng Vương thứ nhất nước Văn Lang

    Sóng và phù sa – khái niệm đầu tiên

    Nước và đất để nay thành Đất Nước

    Một con sông dịu dàng như lục bát

    Một con sông phập phồng muôn bắp thịt

    Một con sông đỏ rực

    Nhuộm hồng nâu da người.

    Ôi Sông Hồng, mẹ của ta ơi

    Người chứa chất trong lòng

    Bao điều bí mật

    Bao kho vàng cổ tích

    Bao tiếng rên nhọc nhằn

    Bao xoáy nước réo sôi trong ngực rộng của người

    Bao doi cát ngầm trong lòng người phiêu bạt

    Người quằn quại dưới mưa dầm nắng gắt

    Cho ban mai chim nhạn báo tin xuân

    Cho đơn sơ hạt gạo trắng ngần

    Cả nhành dâu bé xanh

    Người cũng cho nhựa ấm

    Một dòng sông với những thuyền những bến

    Những thân đê uốn lượn lưng rồng

    Hoa gạo đỏ bờ sông những đền miếu phố phường

    Mái rạ bờ tre hoàng hôn khói bếp

    Một dòng sông như dòng đời mãnh liệt

    Nhấn chìm bao thuyền giặc

    Và xóa nhòa dấu vết các triều vua..

    Sóng rập rờn quanh bè gỗ tuổi thơ

    Nước sông chảy trên vai em lấp loáng

    Ta đi qua những bến phà tan nát

    Một ngàn ngày xa cách

    Một ngàn đêm sông Hồng

    Trên chùm sao bánh lái

    Trong câu hò đồng đội

    Trong ráng mây cuồn cuộn căng buồm..

    Máu ta mang sắc đỏ sông Hồng

    Nỗi khổ và niềm vui bất tận

    Luôn luôn mới đến, luôn luôn ra đi

    Luôn già nhất và luôn trẻ nhất

    Sông để lại trước khi về với biển

    Không phải máu đen độc ác của quân thù

    Không phải gươm đao ngàn năm chiến trận

    Không phải nghẹn ngào tiếng nấc

    Sau sụp lở hưng vong sau thù hận sóng trào

    Là bãi mới của sông xanh ngát

    Là đất đai lấn dần ra biển

    Là tâm hồn đằm thắm phù sa

    Dâng yêu thương đỏ rực đôi bờ.

    Lưu Quang Vũ, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, NXB Hội nhà văn, 2010.

    Bài thơ vừa nói lên vẻ đẹp hùng vĩ mà cũng rất đỗi dịu êm nơi con sông Hồng, vừa thể hiện được truyền thồng sắt son hào hùng của dân tộc Việt Nam bao đời chống giặc. Tình yêu con sông, tình yêu đất nước hòa quyện cùng nhau tạo nên những vần thơ bồi hồi, đằm thắm và Lưu Quang Vũ đã chèo lái con thuyền đưa ta trôi về một miền cổ tích, với những khi ầm ầm gió cuốn, những khi dịu êm tươi mát và rồi lại trở về với dáng vẻ "rực hồng" của con sông quê hương. Thật đáng tâm đắc và giữ gìn.
     
    Tiên Nhi, Admin, meomeohh13 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 10 Tháng ba 2023
  5. Lagan

    Bài viết:
    635
    Thêm một bài thơ hay để liên hệ cho chi tiết "cánh bèo" cũng như tình thơ, cảm hứng thơ Huy Cận.

    [​IMG]

    TÔI LÀ KIẾP BÈO

    Tác giả: Thiện Nhân

    Quanh năm suốt tháng chỉ mình ta

    Kiếp bèo trôi mãi tận nơi xa..

    Tựa mình nghĩ lại tim se thắt

    Nhìn lại thì ta sắp đã già

    Gió thổi cuốn trôi cánh bèo đi

    Xa thẩm ngàng khơi có lạ gì

    Bèo tôi theo nước đi khắp chốn..

    Chẳng biết phương nao đến chỗ nào

    Cái lạnh đêm về của mùa đông

    Bèo tôi se thắt buốt cõi lòng

    Xuân sang nắng hạ bèo thêm ấm

    Tôi chỉ kiếp bèo lạc trôi sông.

    Nỗi cô đơn, hoài nghi, trống vắng phủ đầy ở bài thơ trên cũng được Huy Cận gửi gắm trong Tràng Giang, nhưng lại theo cách nhẹ nhàng, kín đáo hơn rất nhiều. Thế nhưng, nét buồn sầu, chưa tìm được lối thoát vẫn hằn hiện hữu và khiến cho cả hai nhà thơ đau đáu não nề.
     
    chiqudoll, thumai227, Tiên Nhi3 người khác thích bài này.
  6. Lagan

    Bài viết:
    635
    Nỗi sầu vạn kỉ, nỗi sầu của một con người đầy "bút lực" và sức lực - Huy Cận còn được thể hiện trong các câu thơ:

    [​IMG]

    "Bờ lau san sát

    Bến lách đìu hiu

    Sông chìm giáo gãy

    Gò đầy sương khô

    Buồn vì thảm cảnh,

    Đứng lặng giờ lâu

    Thương nỗi anh hùng đâu vắng tả

    Tiếc thay dấu vết luống còn lưu."

    (Phú sông Bạch Đằng - Trương Hán Siêu)

    Người thi sĩ Huy Cận phải chăng cũng đang đứng nơi đầu con nước mà miên man nhớ về những tháng ngày oai vĩ của con sông và hình tượng người "anh hùng" mà Huy Cận khao khát cũng chính là một lối thoát trong tâm hồn ảo não của mình và sự bế tắc của cả 1 lớp thế hệ văn sĩ, thi sĩ Việt Nam ta thời bấy giờ.
     
    Admin, Dương2301, ThuyTrang4 người khác thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...