Xin chào các bạn, khi xem những bộ phim hoặc đọc các bộ truyện về thời cổ đại Trung Quốc, chắc hẳn mọi người cũng đã từng nghe hoặc đọc được cụm tử 'Bách Gia Chư Tử hoặc Chư Tử Bách Gia'. Vậy, Bách Gia Chư Tử là gì? Trong Bách Gia có những nhà nào? Mong rằng bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu hơn về cụm từ này. BÁCH GIA CHƯ TỬ Bách Gia Chư Tử 諸子百家 là tên gọi chung của các phe phái học thuật thời tiền Tần. Đây là thời kỳ hoàng kim của triết học Trung Quốc vì rất nhiều hệ thống triết lý và tư tưởng được phát triển và bàn luận một cách tự do. Hiện tượng này được gọi là 'trăm nhà tranh tiếng' (百家爭鳴/百家争鸣 "bách gia tranh minh"). Trong Sử ký, Tư Mã Thiên trích dẫn quan điểm của Tư Mã Đàm(cha đẻ của Tư Mã Thiên) về trường phái học thuật, tóm tắt các trường phái từ thời tiền Tần thành sáu nhà, cụ thể là: Nho gia, Đạo gia, Mặc gia, Pháp gia, Danh gia, Âm Dương gia. Trong Hán Thư, Ban Cố thời Đông Hán thì lại quy nạp các học phái từ thời tiền Tần thành mười nhà, dựa trên cơ sở quan điểm của Tư Mã Đàm, tăng thêm Tung Hoành gia, Tạp gia, Nông gia, Tiểu Thuyết gia. Trong ghi chép của những cuốn sách như Tùy Thư · Kinh Tịch Chí, Tứ Khố Toàn Thư Tổng Mục thì lại ghi rằng 'bách gia chư tử' thật ra có tới hơn ngàn nhà. Nhưng lưu truyền rộng rãi nhất, nổi tiếng nhất và ảnh hưởng nhất cũng chỉ có mấy chục nhà mà thôi. Nhưng tóm lại mà nói, trong 'bách gia' chỉ có 12 nhà có thể phát triển thành các học phái sau này, theo thứ tự là: Pháp gia, Mặc gia, Nho gia, Âm Dương gia, Danh gia, Tạp gia, Nông gia, Tiểu Thuyết gia, Tung Hoành gia, Binh gia, Y gia. Sở dĩ nói đây là tên gọi chung của các học phái chính trị, là bởi vì tôn chỉ cơ bản của các nhà phần lớn đều vì quốc quân cung cấp các phương lược chính trị. Nho gia chủ trương lấy đức trị dân; Đạo gia chủ trương vô vi mà trị (*vô vi: Thuận theo tự nhiên, không làm gì cả) ; Pháp gia chủ trương thưởng phạt phân minh; Mặc gia chủ trương kiêm ái thượng đồng (*kiêm ái: Yêu thương tất cả mọi người; thượng đồng: Tôn trọng sự thống nhất) ; Danh gia chủ trương khứ tôn yển binh (*khứ tôn: Gạt bỏ thứ bậc, tất cả mọi người đều bình đẳng; yển binh: Để binh dừng lại, ý muốn phản đối việc dùng bạo lực để thống nhất thiên hạ). Sau thời Hán, Mặc gia và Danh gia trở thành học thuyết bị thất truyền, Nông gia trở thành một môn học độc lập có tính kỹ thuật, Âm Dương gia trở thành phương thuật thần bí. Bởi vậy, những nhà có sức ảnh hưởng nhất đối với chính trị vương triều đại thống nhất đời sau chỉ có Nho, Đạo và Pháp. * 12 nhà trong Bách Gia Chư Tử. - Một, Nho gia. Nho gia là một trong những học phái quan trọng nhất trong thời kỳ Chiến Quốc, nó lấy Khổng Tử thời Xuân Thu làm thầy, lấy Lục nghệ làm phép tắc, tôn trọng 'lễ nhạc' và 'nhân nghĩa', đề xướng 'trung thứ' và 'trung dung', chủ trương 'đức trị' và 'nhân chính', coi trọng đạo đức, luân lý giáo dục và tu dưỡng của con người. + Nhân vật đại biểu: Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử, Tằng Tử, Tử Tư, Tử Hạ. + Tác phẩm đại biểu: Luận Ngữ, Mạnh Tử, Tuân Tử, Hiếu Kinh, Trung Dung, Đại Học, Lễ Ký.. - Hai, Đạo gia. Là một trong những học phái quan trọng thời kỳ Chiến Quốc, còn được gọi với tên khác là Đạo Đức gia. Học phái này sử dụng những học thuyết về 'Đạo' của Lão Tử làm cơ sở lý luận, dùng 'Đạo' để nói rõ bản chất, nguồn gốc cấu thành và thay đổi của vạn vật trong vũ trụ. Cho rằng thiên đạo vô vi, vạn vật được nuôi dưỡng chăm sóc một cách tự nhiên, phủ nhận tất cả những thứ liên quan đến Thượng Đế Quỷ Thần; chủ trương đạo pháp tự nhiên, thuận theo tự nhiên, khởi xướng những đạo lý như lấy nhu thắng cương, thanh tĩnh vô vi. Sao thời kỳ của Lão Tử, nội bộ Đạo gia được chia thành nhiều bè phái riêng biệt, nhưng nổi tiếng nhất là bốn phái lớn, theo thứ tự là: Học phái Trang Tử, học phái Dương Chu, học phái Tống Doãn và học phái Hoàng Lão. + Nhân vật đại biểu: Lão Tử, Trang Tử, Liệt Ngự Khấu. + Tác phẩm đại biểu: Lão Tử, Trang Tử, Hoàng Đế Tứ Kinh, Hoài Nam Tử, Liệt Tử. - Ba, Mặc gia. Mặc gia được thành lập theo học thuyết của Mặc Tử. Triết học của nó dựa trên ý tưởng kiêm ái: Mặc Tử tin rằng "tất cả mọi người đều bình đẳng trước thượng đế", và rằng con người phải học theo trời bằng cách thực hiện thuyết kiêm ái (yêu quý mọi người như nhau). Trong thời kỳ Chiến Quốc, Mặc gia có thể phát triển cao độ là vì con cháu Mặc gia am hiểu thủ thành chiến, là học phái duy nhất lúc đó có thể tự mình tham gia tác chiến trên chiến trường. Chiến Quốc hậu kỳ, Mặc gia chia thành ba học phái chính là Tần Mặc, Sở Mặc và Tề Mặc. Sau Chiến Quốc, hậu nhân là đã dùng học thuyết 'Tam biểu' của Mặc Tử làm nền tảng, thiết lập các lý thuyết phân tích logic, phát triển lý thuyết nhận thức, logic, hình học, hình - quang học và cơ - tĩnh học.. những thứ này được gọi chung là 'Mặc gia hậu học'. + Nhân vật đại biểu: Mặc Tử, Cầm Hoạt Li, Mạnh Thắng, Điền Tương Tử + Tác phẩm đại biểu: Mặc Tử, Mặc Tử Nhàn Cổ, Điền Cầu Tử, Ngã Tử, Tùy Sào Tử, Hồ Phi Tử. - Bốn, Pháp gia. "Bất biệt thân sơ, bất thù quý tiện, nhất đoạn vu pháp" Không phân biệt quan hệ xa gần, không quan tâm tôn ti địa vị, tất cả đều dùng pháp luật để phán đoán. Pháp gia chủ trương lấy luật pháp làm công cụ trị quốc, do đó mới được xưng là Pháp gia. Học thuyết này được Thương Ưởng, Hàn Phi Tử và Lý Tư thành lập, họ cho rằng bản tính con người là ích kỷ và không thể sửa đổi được; vì thế, cách duy nhất để giữ trật tự xã hội là áp đặt kỷ luật từ bên trên, và tăng cường pháp luật một cách chặt chẽ. Trường phái này về mặt kinh tế thì chủ trương bãi bỏ chế độ Tỉnh Điền, trọng nông áp thương, khuyến khích chiến tranh nông nghiệp; Về mặt chính trị thì chủ trương bãi bỏ chế độ phân phong (phân đất phong hầu), thiết lập chế độ quận huyện, quân chủ chuyên chế, dùng phép nghiêm hình nặng để tiến hành thông trị; Về mặt tư tưởng và giáo dục thì cấm đứt những học thuyết của các bách gia chư tử khác, chủ trương 'dĩ pháp vi giáo, dĩ lại vi sư' (dùng pháp luật làm giáo lý, xem 'lại 吏' làm thầy. Lại ở đây không phải là chỉ quan lại, mà là pháp lại 法吏 (như thẩm phán)) + Nhân vật đại biểu: Quản Trọng, Tử Sản, Hàn Phi, Thương Ưởng, Thận Đáo, Lý Tư, Thân Bất Hại, Lý Khôi + Tác phẩm đại biểu: Thương Quân Thư, Hàn Phi Tử, Pháp Kinh, Quản Tử, Thân Tử, Lý Tử, Thận Tử. - Năm, Danh gia. Dưới thời Chiến quốc, những người biện luận nổi tiếng, người đời sau gọi là "Danh gia". Người thời đó thì lại dùng những từ như 'biện giả 辩者', 'sát sĩ 察士', 'hình danh gia 刑 (形) 名家' để xưng. Dùng từ để tạo thành câu, để chỉ cái thực, dùng đạt ý mình, nhưng dùng câu, dùng văn từ tất nhiên phải có những quy tắc, và dùng câu để biện luận để giữ lập trường mình, hay công phá lập luận của đối phương, cũng phải có phương pháp, đó là "Danh học". + Nhân vật đại biểu: Đặng Tích, Huệ Thi, Công Tôn Long, Doãn Văn, Tống Hình. + Tác phẩm đại biểu: Đặng Tích Tử, Công Tôn Long Tử, Doãn Văn Tử, Huệ Tử, Hoàng Công, Mao Công, Thành Công Sinh. - Sáu, Âm Dương gia. Là học phái đề xướng học thuyết Âm Dương Ngũ Hành, đồng thời sử dụng nó để giải thích các vấn đề liên quan đến xã hội nên mới được gọi là Âm Dương gia. Học thuyết Âm Dương cho rằng tất cả sự vật đều có hai mặt âm - dương đối lập nhau, vì vậy có thể dùng để giải thích các quy luật về sự thay đổi và phát triển của sự vật. Học thuyết Ngũ Hành thì cho rằng vạn vật đều được tạo thành từ 5 loại nguyên tố Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, giữa chúng có hai định luật lớn là định luật tương sinh tương khắc, có thể dùng nó để giải thích nguồn gốc và sự thay đổi của vạn vật trong vũ trụ. Trâu Diễn đã tổng hợp cả hai học thuyết này, căn cứ và định luật tương sinh tương khắc quy Ngũ Hành thành 'Ngũ đức', sáng tạo ra 'Ngũ Đức Chung Thủy Thuyết', lấy đó làm ra quy luật hưng phế cho các đời vương triều, cung cấp các căn cứ lý luận cho việc thành lập các vương triều đại thống nhất mới. Tư Mã Đàm gọi sở trường của phái Âm Dương gia là "trình bày sự thuận lợi của 4 mùa". Sách Hán chí thì gọi sở trường của Âm Dương gia là: "Hiểu biết ngày tháng trăng sao để làm giờ cho người dùng". Vì vậy có thể thấy Âm Dương gia lấy cái vận hành âm dương của sao, lịch và Ngũ đức làm chuyên môn của mình. + Nhân vật đại biểu: Trâu Diễn. + Tác phẩm đại biểu: Thuyết Cửu Châu, Ngũ Đức Chung Thủy Thuyết, Trâu Tử, Trâu Tử Chung Thủy. - Bảy, Tung Hoành gia. Dưới thời Chiến quốc, nước Tần ở phương Tây rất mạnh, các chính khách thời ấy áp dụng hai sách lược ngoại giao. Tô Tần chủ trương 6 nước Nam, Bắc liên hợp để chống với Tần ở phương Tây, đó là hợp tung. Trương Nghi lại chủ trương lục quốc nên hướng về phía Tây liên lạc với Tần, đó là kế hoạch liên hoành. Về nguồn gốc của 'tung' và 'hoành' thì thời Chiến Quốc, Nam và Bắc hợp thành Tung (dọc), Tây và Đông hợp thành Hoành (ngang). Cái gọi là Tung Hoành gia, chính là những người ủng hộ và du thuyết cho chư hầu khắp nơi sách lược 'hợp tung' hoặc 'liên hoành'. + Nhân vật đại biểu: Tô Tần, Trương Vi, Quỷ Cốc Tử. + Tác phẩm đại biểu: Thập Lục Gia Bách Thất Thiên, Bãi Hạp Sạch, Chiến Quốc Sách. - Tám, Tạp gia. Tạp gia là học phái tổng hợp xuất hiện cuối thời Chiến Quốc. Bởi vì 'kiêm nho mặc, hợp danh pháp', 'trong đạo Bách gia không gì là không thể quan sát' nên mới được gọi là Tạp gia. Nghiêm khắc mà nói thì 'tạp gia' cũng không phải là một học phái có ý thức, có truyền thừa, cho nên không thể tự xưng mình là lưu phái được. Chỉ khi Lữ Thị Xuân Thu được Hán Thư. Nghệ Văn Chí đưa về Tạp gia thì học phái này mới chính thức được định danh. Thời đại Xuân Thu Chiến Quốc là thời đại bách gia tranh minh, mỗi nhà đều có đối sách và chủ trương trị quốc của riêng mình. Để đánh bại các trường phái khác, trường phái này ít nhiều gì cũng hấp thụ học thuyết của trường phái nọ để tấn cân hoặc để bù đắp cho khiếm khuyết học thuyết nhà mình. Bất kỳ trường phái nào cũng có đặc điểm và thế mạnh của nó, và 'Tạp gia' đã tận dụng đầy đủ các đặc điểm này. + Nhân vật đại biểu: Lữ Bất Vi, Lưu An, Thi Giảo. + Tác phẩm đại biểu: Lữ Thị Xuân Thu, Hoài Nam Tử, Thi Tử. - Chín, Nông gia. Nông gia là một trong những học phát quan trọng thời Chiến Quốc, vì nó chuyên tập trung vào việc sản xuất nông nghiệp nên được gọi là Nông gia. Phái này có nguồn gốc từ các quan lại chuyên quản lý việc sản xuất nông nghiệp từ thời thượng cổ. Họ cho rằng nông nghiệp là áo cơm gốc rễ, nên phải được ưu tiên lên hành đầu. Nông gia chủ trương cùng dân canh tác, sau đó là nói về quân dân song canh, đây có thể xem là một khái niệm tự do bình đẳng rất lớn thời bấy giờ. + Nhân vật đại biểu: Hứa Hành, Kế Nhiên. + Tác phẩm đại biểu: Thần Nông, Kiềm Lão. - Mười, Tiểu thuyết gia. Tiểu Thuyết gia là những người thu thập các nghị luận về truyền thuyết trong dân gian, từ đó để khảo sát phong tục dân tình. Sách Hán Chí viết: "10 học phái trong Chư Tử, chỉ có 9 nhà là đáng kể", là vì người ta cho rằng Tiểu thuyết gia là những kẻ "đạo thính, đồ thuyết", là những kẻ hiểu biết tầm thường vụn vặt, không đi đến một kết quả nào, cho nên không đáng kể. Vì thế cho nên mới gọi tên là "Tiểu thuyết". + Nhân vật đại biểu: Tống Tử, Ngu Sơ. + Tác phẩm đại biểu: Ngu Sơ Ký. - Mười một, Binh gia. Chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị. Trọng tâm của binh gia là chỉ đạo chiến tranh, khi không thể không sử dụng vũ lực để đạt được mục đích chính trị, thì làm thế nào để sử dụng vũ lực, đó chính là việc chính của binh gia. Người sáng lập Binh gia là Tôn Vũ, ngoài ra, nội bộ Binh gia còn phân thành 4 loại là: Binh quyền mưu gia, binh hình thế gia, binh âm dương gia và binh kỹ xảo gia. + Nhân vật đại biểu: Cuối thời Xuân Thu có Tôn Vũ, Tư Mã Nhương Tư. Thời Chiến Quốc có Tôn Tẫn, Ngô Khởi, Úy Liễu, Ngụy Vô Kỵ, Bạch Khởi. + Tác phẩm đại biểu: Hoàng Đế m Phù Kinh, Lục Thao, Tam Lược, Tôn Tử Binh Pháp, Tư Mã Pháp, Tôn Tẫn Binh Pháp, Ngô Tử.. - Mười hai, Y gia. Sự hình thành của lý thuyết y học Trung Quốc đã trải qua hơn 700 năm từ nửa sau của thế kỷ thứ V TCN đến giữa thế kỷ thứ III SCN. Trong nửa sau của thế kỷ thứ V TCN, Trung Quốc bắt đầu bước vào xã hội phong kiến. Quá trình chuyển đổi từ xã hội nô lệ sang xã hội phong kiến đến việc thành lập hệ thống phong kiến là một giai đoạn hỗn loạn lớn trong lịch sử Trung Quốc. Sự thay đổi của hệ thống xã hội đã thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, và tình hình mới đã xuất hiện trong các lĩnh vực tư tưởng, khoa học và văn hóa, bao gồm cả sự phát triển của y học. Y gia đề cập đến tất cả những người theo học y học. + Nhân vật đại biểu: Biển Thước, Kỳ Bá, Thuần Vu Ý. + Tác phẩm đại biểu: Hoàng Đế Nội Kinh, Nan Kinh, Thần Nông Bổn Thảo Kinh, Thương Hàn Tạp Bệnh Luận. Nguồn tổng hợp: Sách Bách Gia Chư Tử của Trần Văn Hải Minh, wikipedia về Bách Gia Chư Tử (Trung - Việt), từ điển Baidu, bài viết Chư Tử Bách Gia rốt cuộc có bao nhiêu nhà? ( "诸子百家" 到底有多少家) của 妖精绣舞.
[Thảo Luận - Góp Ý] [Thảo Luận - Góp Ý] Các Bài Viết Dịch - Edit Của Dreamchild - Việt Nam Overnight (dembuon.vn)