Phân tích bài thơ Thu Điếu - Nguyễn Khuyến

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lagan, 28 Tháng mười 2022.

  1. Lagan

    Bài viết:
    635
    Chào mọi người! Lại là một ngày đẹp trời và hôm nay chúng ta sẽ cùng thử sức với đề bài này nhé:

    Phân tích bài thơ Thu Điếu - Nguyễn Khuyến.

    Cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, tưởng như cùng với sự kết thúc của xã hội phong kiến, văn học trung đại Việt Nam sẽ rơi vào bế tắc với phương thức phản ánh lỗi thời. Nhưng thật kì lạ thay trong sự suy thoái tưởng chừng đã đến đỉnh điểm lại xuất hiện một tài năng thơ ca xuất chúng như Nguyễn Khuyến. Ông giống như một dấu cảm thán khẳng định tính cổ điển có sức lay động lòng người của giai đoạn cuối cùng thời kì văn học dài hàng chục thế kỉ này. Khi nhắc đến ông, người ta sẽ nghĩ ngay đến những bài thơ về quê hương và làng cảnh Việt Nam. Trong đó, bài thơ "Thu Điếu" của ông là nổi bật hơn cả.
    "Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

    Một chiếc thuyền câu bé tẹo teo

    Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

    Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

    Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

    Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

    Tựa gối buôn cần lâu chẳng được

    Cá đâu đớp động dưới chân bèo"

    Chùm thơ ba bài Thu Vịnh, Thu Ẩm và Thu Điếu bài nào cũng hay, cũng đẹp, cho thấy một tình yêu dạt dào. Riêng Thu Điếu, nhà thơ Xuân Diệu đã khẳng định là điển hình cao hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam. Bài thơ được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú đường luật, ngôn ngữ tinh tế, hình tượng biểu cảm. Cảnh thu, trời thu của làng quê Việt như hiện lên trong dáng vẻ và màu sắc tuyệt vời dưới ngòi bút thần tình của Nguyễn Khuyến.

    Nếu như ở "Thu Vịnh", mùa thu được đón nhận ở tầng cao thì "Thu Điếu" được đón lấy ở tầng gần. Chiếc ao thu thân thuộc không còn được ước lệ tượng trưng nhưng vẫn sinh động bất ngờ:


    [​IMG]

    "Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

    Một chiếc thuyền câu bé tẹo teo."

    Nhà thơ hầu như không hứng thú gì với chuyện câu cá mà đắm say trong không khí và cảnh sắc mùa thu. Dưới con mắt của Nguyễn Khuyến, cái "lạnh lẽo" không hẳn là chỉ cái giá của nước mà một phần để chỉ sự tĩnh lặng, thưa thớt của không gian và trong chính tâm tình người thi sĩ. Vì ít bị ngoại vật khuấy động nên mặt nước ao thu trong veo có thể soi thấy đáy. Tính từ "lạnh lẽo" và "trong veo" đem lại một cái nhìn thanh sạch cho người đọc. Tưởng chừng như khung cảnh trước mặt tác giả là một chốn Bồng lai thuần khiết, chưa hề bị nhiễm chút bụi trần. Khác với hai bài thơ Thu Vịnh và Thu Ẩm, trong "Thu Điếu" đã có sự xuất hiện của con người. Tuy nhiên, con người lúc này thoạt trông cũng thật nhỏ bé. Đã "bé" lại còn "tẹo teo", thủ pháp tăng tiến như cho thấy chính Nguyễn Khuyến đang càng ngày càng thu hẹp mình trước cảnh thiên nhiên trước mắt. Chiếc thuyền nhỏ cứ thế lênh đênh vô định trên mặt ao rộng khiến con người càng thêm bé nhỏ, yếu ớt trước thiên nhiên, đó chẳng hay cũng chính là tầm nhìn trong cảm nhận của Nguyễn Khuyến: Người dân ta cũng rất yếu đuối, vô lực trước những thế lực tà ác ngoại xâm. Cảnh vật hiện nên ngày càng thưa vắng, tĩnh lặng, và chẳng hề có sức sống:

    [​IMG]

    "Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

    Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo."

    Có nhà thơ từng nhận xét: "Cái thú vị của bài" Thu Điếu "là ở các điệu xanh, xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh tre, xanh bèo và có một màu vàng đâm ngang của chiếc lá thu rơi.". Sự phối hợp giữa xanh và vàng cũng những chuyển động tinh tế, khẽ khàng của cơn gió thu nhè nhẹ đã nhấn mạnh cái tĩnh lặng của cảnh thu. Chỉ một chuyển động nhỏ của chiếc lá khẽ rơi tưởng như không đáng kể, không gian lại quay trở lại trạng thái tĩnh lặng ban đầu. Nhưng trong con mắt tinh tế của cây bút tài năng Nguyễn Khuyến, màu vàng ấy còn là một dấu hiệu chứng tỏ mùa thu đã sắp qua đi, lá vàng rụng hết là khi mùa đông tới, cảnh vật đã tiêu điều lại tiêu điều hơn một bậc. Sự đối lập về màu sắc phải chăng cũng chính là sự đối lập trong xã hội và lòng người. Trong cuộc sống, có những con người như màu xanh, như cây cỏ, dù bị gió quật ngã bao nhiêu, dù bị dẫm đạp bao nhiêu thì chỉ cần một đoạn rễ cũng có thể tái sinh đầy sức sống nhưng cũng có những con người không chịu được sự tàn phá của thời gian và ngoại cảnh mà dần trở nên héo úa phai tàn. Còn tác giả, phải chăng dù đang thảnh thơi nhưng nhìn chiếc lá khẽ đưa mà lại nhớ về những vấn vương, những nỗi sầu đau đáu của riêng mình.

    Không gian ngày càng được rộng mở về chiều cao và chiều sâu:


    [​IMG]

    "Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

    Ngõ trúc quanh co khách vắng teo."

    Tại sao không phải là "đám", là "trời" mây mà cứ phải là "tầng"? Phải chăng chính trong lòng nhà thơ cũng đang có những cung bậc cảm xúc khác nhau nên con mắt tài hoa ấy mới nhìn thấy những phân tầng vô hình giữa những đám mây với nhau. Những đám mây ấy di chuyển nhẹ ở lưng chừng, không có điểm tựa mà chỉ có một màu duy nhất – màu xanh ngắt – màu xanh duy nhất tỏa ra trên diện rộng, đẩy bầu trời thêm cao, thêm rộng. Nhà thơ như đang cộng hưởng với trời, với mây, cùng lơ lửng, phiêu bồng để đón nhận từng cơn gió thu nhè nhẹ mát rượi. Dưới bầu trời quen thuộc ấy còn có những ngõ trúc quanh co uốn lượn. Vẫn là hình ảnh của xóm làng quê hương nhưng Nguyễn Khuyến không còn miêu tả hội hè linh đình mà là một nông thôn tĩnh lặng, người qua lại thưa thớt, thời gian như chậm lại đồng thời cũng khiến cho tâm can con người yên ả lạ kì. Khác với "Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe" trong bài Thu Ẩm, con ngõ trong Thu Điếu mang một sắc xanh kiên cường chạy dài mãi. Từng con ngõ trúc luôn mang đến cho mỗi người dân Việt Nam cảm giác thư thả, gần gũi đầy quyến luyến và dù nó có "quanh co", có "vắng teo" thì cũng không sao vơi được cảm nhận mùa thu nơi chốn quê thanh bình ấy.

    [​IMG]

    Thơ là sự cách điệu tâm hồn và tại đây, giữa không gian tĩnh lặng, Nguyễn Khuyến ngồi ngơ ngẩn cùng chiếc cần câu, tách hồn mình khỏi mọi vật và vấn vương những nỗi sầu thăm thẳm:

    "Tựa gối buông cần lâu chẳng được

    Cá đâu đớp động dưới chân bèo."

    Câu cá dường như để hòa mình vào thiên nhiên, rũ sạch bụi trần, mong quên đi những giây phút bận lòng lo toan cho cuộc sống nhưng quên làm sao được. Nhà thơ đi câu nhưng không hề chú tâm. Tư thế hiện tại của nhà thơ là tư thế suy tư, ngẫm ngợi xa vời. Chính vì thế nên ông vô tình đã trở nên nhạy bén và phát hiện ra tiếng cá khuấy nước dưới chân cái bèo nào đó. Đại từ phiếm chỉ "đâu" đã thực sự khẳng định sự xuất hiện của con cá nhưng hoàn toàn không biết rõ nơi chốn. Hồn Nguyễn Khuyến phải chăng đang bơi cùng con cá, hòa hồn mình vào thiên nhiên trong một khoảng thời ngắn mong được quên đi những muộn phiền đau đớn, những nỗi u hoài khi phải chứng kiến cảnh héo dần héo mòn của đất nước mà không biết phải làm thế nào.

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    Vậy là đã rõ, Thu Điếu mang trong mình sức sống mãnh liệt, đồng hành cùng hai bài thơ Thu Ẩm và Thu Vịnh có thể trường tồn mãi với thời gian đâu phải là cái tình cờ? Vẻ đẹp của Thu Điếu nằm ở những nốt trầm nốt bổng nơi tâm hồn của người ẩn sĩ và cung cách mà Nguyễn Khuyến thể hiện tấm lòng của mình. Đó là sức mạnh của Tiếng Việt phong phú mà tinh tế lạ kì, là những tính từ, động từ tưởng như rất dễ hiểu, dễ thấm nhưng lại mang một tầng ý nghĩa khác đầy rung cảm. Đó là phép điệp vần "eo" khó lòng vắt nhịp. Đó là bút pháp nghệ thuật tả cảnh ngụ tình vừa cổ điền mà không kém phần sáng tạo. Dưới thi pháp lấy động tả tĩnh và cái sáng tạo đậm chất riêng của Nguyễn Khuyến, những hình ảnh rất đỗi thân thương ấy được gọt mài dưới đường nét hiện thực và mang đậm màu sắc dân tộc. Nhìn vật như thấy người và phải chăng, những sự vật hiện lên trong bài, tất thảy đều đại diện cho những con người Việt Nam: Kiên cường như tre, êm đềm và trong vắt như làn ao thu và cũng nhỏ bé yếu đuối như chiếc thuyền, chiếc lá trước khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ mà rợn ngợp.

    Có thể nói, bằng tài năng và trái tim người nghệ sĩ của mình, Nguyễn Khuyến đã cảm nhận và thể hiện tinh tế mùa thu với sắc vẻ riêng, rất nên thơ và hấp dẫn. Thu Điếu đã được trao tặng một vẻ đẹp xinh xắn rất phù hợp với thẩm mĩ truyền thống của người Việt Nam và Nguyễn Khuyến xứng đáng là một nhà thơ kiệt xuất trong nền thơ ca dân tộc. Bài thơ Thu Điếu cũng như Nguyễn Khuyến đã cho thấy một dòng nhựa sống mãnh liệt và đủ sức giúp nó du hành trong mọi định luật của thời gian, thách thức mọi sự thay đổi của nhận thức cái đẹp. "Thu Điếu" sẽ luôn sống mãi trong lòng những con người yêu cái đẹp!
     
    Chỉnh sửa cuối: 8 Tháng mười một 2022
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Nghệ thuật đặc sắc của bài thơ không chỉ là vần "eo" khó vắt nhịp, là hình ảnh quen thuộc giàu sức gợi mà còn ở một số phương diện khác:

    - Gợi tả cảnh thu, tình thu, tác giả vửa sử dụng bút pháp nghệ thuật cổ điển, vừa có những sáng tạo riêng. Cổ điển ở những hình ảnh ước lệ như thu thiên, thu thủy, thu diệp; bút pháp lấy động tả tĩnh quen thuộc của thơ Đường. Sáng tạo ở chỗ: ngay trong những hình ảnh ước lệ Nguyễn Khuyến vẫn đem đến cho cảnh thu nét vẽ hiện thực, đậm chất dân tộc qua cách lựa chọn từ ngữ, hình ảnh.

    - Bút pháp tả cảnh ngụ tình: cảnh được cảm nhận qua tâm trạng, mang tâm trạng.

    - Tiếng Việt trong Câu cá mùa thu giản dị, trong sáng đến kì lạ, có khả năng diễn đạt những biểu hiện tinh tế của cảnh vật, những uẩn khúc thầm kín của tâm hồn. Những từ láy (...) góp phần tạo thanh, tạo hình, tạo hồn cho cảnh vật..
     
    Tiên Nhi, Bughams, ThuyTrang4 người khác thích bài này.
  3. Lagan

    Bài viết:
    635
    Cảm ơn bạn đã bổ xung ạ! Mình sẽ hoàn thiện bài viết hơn dựa trên ý kiến của bạn nhé!
     
  4. thumai227

    Bài viết:
    20
    Bạn liên tưởng, liên hệ được nhiều và hay quá!
     
    ThuyTrang, chiqudoll, Tiên Nhi2 người khác thích bài này.
  5. Lagan

    Bài viết:
    635
    Cảm ơn bạn nhé!
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...