Muốn lưu giữ vài điều trong cuộc sống nên tôi kể lại câu chuyện này. Đám tang của một giáo viên già đang diễn ra trong một con ngõ nhỏ đêm đó. Đó quả thực là một đám tang đơn sơ nhưng không hề lộn xộn. Mọi người đều lần lượt chờ đến phiên mình để vào viếng người đã khuất - người thầy kính yêu mà tất cả hằng thương mến. Nhưng tuyệt nhiên không có lấy một tiếng khóc. Mọi người, cả người nhà của người đã mất và khách đến viếng, đều trang nghiêm. Trong không khí khói nhang yên ắng, bỗng có một người đàn ông thất thểu đi tới từ phía bóng tối. Thoáng nhìn mặt, không ai có thể nhận ra ông. Dù trên người người đàn ông nồng nặc mùi rượu, và ông ăn mặc rách rưới, nhưng ai nấy đều cảm thấy xót xa thương cảm cho ông, nên vẫn để cho ông ta bước vào. Đến bên áo quan, người đàn ông thắp ba nén nhang, rưng rưng rồi khóc òa lên như một đứa trẻ: "Thầy ơi. Con đây, Minh" Bệu "đây, con khổ quá, thầy ơi. Hức hức" Người đàn ông khóc sướt mướt. "Ngày xưa con ham chơi, không chịu nghe lời thầy. Bây giờ con mới phải đạp xích lô kiếm sống. Cuộc sống khó khăn. Phải kiếm tiền ăn từng bữa. Gia đình con thì ly tán. Con khổ, con nhục quá. Thầy ơi" Người đàn ông khóc. "Hôm nay, con đến đây để gửi lời vĩnh biệt thầy. Thầy ơi" Ông ta vớ lấy chai rượu trên bàn thờ vong trước áo quan, đi một vòng quanh áo quan, vừa đi ông ta vừa đổ rượu xuống đất. Đi xong một vòng, khi quay lại bàn rồi, còn chừng nửa rượu trong chai, ông ta ngửa cổ nốc cạn, rồi cứ thế ngật ngưỡng ra về. Đêm đó, trong tiếng xì xào bàn tán của người nhà và khách đến viếng, thật khó có thể đoán biết được suy nghĩ đằng sau ánh mắt của mọi người. Lời bình: Đây thực sự là một bài học mà những người đang sống như chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ. Người đàn ông đã trải qua rất nhiều đau khổ nhục nhã trong cuộc sống nhưng vẫn không thể vượt qua cái tôi, bỏ đi thói nát rượu, mà đến viếng người thầy kính yêu của mình một cách đàng hoàng. Ngược lại, ông ta đã đến viếng, nhưng vì quá nghèo đói, hay vì quá nát rượu, nên đã đến viếng không vì người thầy mà chỉ vì nửa chai rượu. Đến giờ phút cuối cùng, ông ta không dám đối mặt với chính mình và đã lợi dụng người đã khuất vì lợi ích cá nhân hết sức ích kỷ. Thật đáng trách! Cái nhân nát rượu và cái quả là sự nghèo đói cả cuộc đời. Đó thực sự là nhân quả. Nhưng dù biết có nhân quả, có mấy người vượt qua bản thân mình mà bỏ đi thói xấu của bản thân? Hay thực sự bản chất con người khó thay đổi đến vậy? Những ánh mắt của mọi người trong đám tang đó hàm chứa sự giận giữ với hành động của người đàn ông, hay trách móc, hay niềm thương cảm với số phận của ông ta, hay chỉ là nỗi buồn da diết cho cuộc đời của người đã mất và cả người đang sống? Tôi không biết, nhưng những ánh mắt xoáy sâu vào người đàn ông là hình ảnh khiến cho tôi, người viết, không thể nào quên. Tôi tin những ánh mắt dõi theo người đàn ông cũng là gửi gắm hy vọng, dù hy vọng đó có nhỏ nhoi. Hết. 20.09.2022