Mình viết cách đây khá lâu, có thể giúp gì cho những bạn đang làm bài tìm hiểu về Huy Cận thì mình rất vui ạ, xin cảm ơn rất nhiều! - Những yếu tố quê hương, tuổi thơ dẫn đến cảm quan không gian, vũ trụ trong thơ Huy Cận: + Gia đình dưới chân núi Mồng Gà, bên bờ sông Ngàn Sâu (thượng nguồn sông La) ở làng Ân Phú, huyện Hương Sơn sau đó thuộc huyện Đức Thọ (nay là xã Ân Phú, huyện Vũ Quang), tỉnh Hà Tĩnh- không gian rộng lớn bao trùm tuổi thơ. + Là một cậu bé chăn trâu, cắt cỏ, tắm mát trưa hè.. đắm mình vào cái rộng lớn, bao la để cảm nhận hết cái mùi, cái phong vị của quê hương mình. + Màu xanh của cây nước, cả gió rừng Trường Sơn thổi ru tâm hồn ông để lộng gió với thời đại. + Cảnh sắc thiên nhiên mơ mộng nhưng lại đìu hiu, hòa vào các làn điệu dân ca, truyền thống tạo nên hồn thơ, cảm thức về nỗi buồn gửi vào không gian xung quanh. + Chàng học sinh tú tài đã học tới bậc học cao – Cao đẳng Nông lâm, và tốt nghiệp Kỹ sư Canh nông. Nghĩa là, anh đã có hiểu biết khá đầy đủ về thế giới tự nhiên, về phương diện cấu tạo của đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu môi sinh và giới thực vật, kỹ thuật trồng trọt, đồng ruộng, rừng đồi. Vì thế có con mắt nhìn không gian đa chiều, đa tầng, đa diện. + Tâm hồn nhạy cảm, thi vị, dễ rung động, luôn đa sầu, đa cảm, đa tình.. - Khái niệm không gian "Không gian là khoảng không bao la trùm lên tất cả sự vật hiện tượng xung quanh đời sống con người" -Hoàng Phê- Trong cuốn Từ điển tiếng Việt. "Không gian nghệ thuật là mô hình không gian của thế giới nghệ thuật được xây dựng bằng hình tượng ngôn ngữ nghệ thuật để biểu hiện thế giới quan niệm của tác phẩm, là thông điệp của người nghệ sĩ." - GS. Trần Đình Sử: Dẫn luận thi pháp học và Hoài Thanh - Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam. - Đặc điểm và một số ví dụ về không gian trong thơ Huy Cận: * Ở Huy Cận là một cảm giác nhớ không gian luôn thường trực. Không gian để tác giả nhớ ở đây là không gian quê hương, không gian tuổi thơ bao la, rộng lớn đã ấp ủ tâm hồn thơ nhạy cảm của ông. Con chim chiền chiện Hồn xanh quê nhà Sáng nay lại hót Tưng bừng lòng ta. Con chim mang trong nó cái hồn, cái vị của quê hương. Chim chiền chiện thường sống ở khu vực đồng quê như các đồng cỏ hay bụi cây rậm, đó cũng là nơi cất chứa những kỹ niệm thời chăn trâu, cắt cỏ của tác giả. * Không gian- vũ trụ thơ, nó vừa là điểm xuất phát, vừa là đích đến của cảm thụ thẩm mỹ thông qua thế giới quan, vũ trụ quan của nhà thơ. * Ở ông là một hồn thơ đa cảm, đa cực nên cái nhìn không gian của ông mang tính đa diện, đa tầng. Cùng là "Tràng Giang" nhưng được nói đến với cả những "sông dài", "trời rộng", "mênh mông".. về bề rộng, vừa có cái độ sâu "chót vót" của "nắng xuống trời lên", vừa có cả cái cô đơn với "buồn", "sầu", "một cành khô", "đìu hiu", "vãn", "cô liêu", "lặng lẽ".. * Không gian xuất hiện trong các tác phẩm của ông, tiêu biểu là tập Lửa thiêng hay gắn với sông nước bao la: "Nắng đã xế về bên xứ bạn. Chiều mưa trên bãi, nước sông đầy" (Vạn lý tình) Hay lời đề "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài". * Không gian trong thơ Huy Cận luôn là một không gian rộng mà con người thì lại nhỏ bé nên hết sức cô đơn. Qua đó còn cảm thấy sự hữu hạn của đời người trước sự vô tận của đất trời. Nhưng Huy Cận là người nghệ sĩ tuy cô đơn nhưng tâm hồn lộng gió thời đại nên thơ ông luôn có sức lan tỏa lớn, nói được cái buồn của vũ trụ, của con người. "Nắng chia nửa bãi chiều rồi. Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu" (Huy Cận). Không gian làm buồn lòng người, làm dang dở một lời tự tình tuyệt đẹp mà "ngâm ngùi" đau đớn xót xa. Không gian như một vị thẩm phán đang xét xử cho sự sống còn của linh hồn và sự lạc lõng của tâm hồn người tình tự. * Không gian là một phương tiện dùng để biểu hiện cái tôi, sự cảm nhận một cái tôi nhỏ bé trước thiên nhiên rộng lớn. Lòng tôi đây, trọn một đời thương nhớ; Hồn tôi đây, thiên hạ bỏ đìu hiu. Hay Lòng lạc loài ngay từ thuở sơ sinh. Chỉ khi ý thức được mình mới ý thức được sự nhỏ bé của mình trước không gian, không gian chính là chất xúc tác cho việc tự nhìn, tự nghĩ, tự suy. Khi biết mình cô đơn, biết mình ở đâu, cảm thấy choáng ngợp trước sự hùng vĩ của thiên nhiên vũ trụ tức là lúc ý thức về sự tồn tại của mình và khát khao muốn khẳng định cái tôi mạnh mẽ nhất. Hỡi Thượng đế! Tôi cúi đầu trả lại. Linh hồn tôi là một kiếp đi hoang. Và khi lạc loài nhất chính là lúc cái tôi muốn thoát thai khỏi sự ban tặng của Thượng đế. * Cảm hứng của không gian được lấy chủ yếu từ vũ trụ và thiên nhiên. * Cảm giác cô đơn không chỉ có 3 chiều mà còn có chiều thứ 4, đó là chiều thời gian vô tận (sóng gợn Tràng Giang), từ ngàn xưa vọng về, tác động vào nhà thơ. Không gian vô định, thời gian vô tận, con người nhỏ bé. * Từ cái bao la, mở ra cái buồn: Tôi đâu biết thịt xương là sông núi. Chia biệt người ra từng xứ cô đơn. Mà cái buồn lại mở ra cái đẹp, để rồi trong từng "xứ cô đơn", sự kết nối nhờ vào tâm hồn chứ không còn là "thịt xương". Để rồi từ cái đẹp trở thành cái cao cả, mà thật ra bao la cũng chính là cao cả. Nó đẩy lên thành quan niệm mỹ học. * Không gian bên ngoài đi vào thế giới nội tâm, thế giới nội tâm đi ra thế giới bên ngoài, tác động qua lại lẫn nhau: Đó là: + Khoảnh khắc vô tận mang tính đối lập. + Không gian bị chia cắt tạo thành những khoảng cách- nốt lặng, khoảng lặng trong văn chương. + Không gian đè nén tâm can, được tạo thành từ trường liên tưởng. Hồn đơn chiếc như đảo rời dặm biển, Suối một đời như núi đứng riêng tây. (Mai sau) Cô đơn của lòng người gửi vào cô đơn của vũ trụ, tâm- cảnh- đều tạo thành những chốn cô đơn. * Cảm giác tác giả không đo được không gian, có những lúc chực chờ những giọt mưa, tạo nên cảm giác lẻ tẻ mơ hồ trong cõi vô thức. Không gian nghệ thuật luôn có ranh giới với không gian vật chất bên ngoài. Không gian không đo đếm được, đặc biệt trong các bài về mưa, bóng tối miên viễn không nắm bắt được tạo thành một dạng ảo giác tạo thành khao khát có một cái chạm. Mưa giong buồn sợi xuống lơi lơi, Lạnh của không gian thấm xuống người. * Không gian được kéo dãn, siêu thực. Ví dụ: Giới hạn quê- nhà, và những vật nhỏ như như củi, thuyền, chim cánh nhỏ.. trong Tràng Giang. * Sau cách mạng, không gian mở ra, rộng nhưng vui, con người lạc quan, yêu đời, không bơ vơ, sánh ngang tầm vũ trụ và mang tính quyết định (Đoàn thuyền đánh cá). Ngoài ra, trong thơ Huy Cận còn mang đậm yếu tố thời gian. Có 3 loại thời gian trong tác phẩm văn học là: Thời gian tự sự, thời gian được trần thuật và thời gian có tính không gian nhưng ở đây thời gian xuất hiện nhiều trong thơ Huy Cận là thời gian có tính không gian. Cõi đời cúi mặt quên xa biếc, Đi hết thời gian, không nhớ thương. Hồn xa Nhưng trong thơ Huy Cận, yếu tố thời gian nhạt màu hơn yếu tố không gian. Không gian và thời gian luôn là 2 yếu tố tương giao nhau: - Trong từng tác phẩm - Trong phong cách sáng tác của tác giả. - Giữa tác giả này và tác giả khác: Biểu hiện rõ ràng là sự tương giao yếu tố không gian của Huy Cận và thời gian của Xuân Diệu- 2 người tri kỷ. Ngoài ra, có thể nói nếu ở Xuân Diệu đó là sự tiếp thu cách tân văn học mang đậm dấu ấn Tây học thì ở Huy Cận là sự kết hợp nhuần nguyễn của cả Đông và Tây