Xã hội bây giờ, con người phải chạy đua thời gian để tranh thủ kiếm miếng cơm, manh áo. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta bỏ qua tất cả chuẩn mực đạo đức cơ bản nhất của một con người. Ngày xưa, ông bà ta thường hay dạy nào là "nhường cơm xẻ áo", nào là "lá lành đùm lá rách" hay "giấy rách phải giữ lấy lề". Nhưng ngày nay, mọi người lại quên những truyền thống tốt đẹp đó rồi. Cuộc sống làm cho con người càng ngày càng trở nên ích kỷ chỉ biết nghĩ cho bản thân. Mỗi buổi sáng khi bước chân ra đường là thấy ngay cảnh xe lớn xe bé chen nhau trên đoạn đường nhỏ. Khung cảnh càng ngày càng hỗn loạn, không cần biết luật giao thông, không cần biết ngược chiều không, chỉ cần có thể chen được là chen thôi. Những lúc đang lúc kẹt xe, tôi lại thầm nghĩ: Giá như mọi người có thể bình tĩnh để suy lại một chút. Ai cũng hối hả kẻo trễ giờ con đi học, trễ giờ làm rồi.. bon chen cả vào đường ngược chiều không cần biết hậu quả ra sao? Có những trường hợp va quẹt xe rồi dẫn đến to tiếng, xô xát thậm chí là đánh nhau. Nhưng không ai nhận ra vấn đề nằm ở đâu? Giá như mình chậm lại một chút để nghĩ, người ta cũng giống mình, cũng đang rất vội. Nhưng chúng ta đang làm lãng phí thời gian của nhau một cách vô ích, đang bào mòn những giá trị tốt đẹp của con người qua mỗi ngày. Sống là phải cho đi chứ không phải chỉ lo nhận lại. Tôi vẫn thường ao ước, giá như người Việt Nam ý thức được việc mình làm như những nước tiên tiến khác trên thế giới. Giá như chúng ta biết phân biệt cái nào nên và không nên làm. Chúng ta vẫn thường dạy con cái phải làm điều tốt, nhà trường dạy trẻ phải chấp hành các tín hiệu đèn giao thông nhưng chính các vị phụ huynh của chúng ta vẫn đang mỗi ngày chở con đi học mà không ngại vượt đèn đỏ khi cần? Chúng ta đang làm không đúng, liệu con trẻ sẽ làm theo không? Tôi vẫn đang tự hỏi, hay chỉ có tôi nghĩ đến điều này thôi?