Không chỉ là hành động thể hiện sự sùng ngưỡng của con người với thần linh, tổ tiên, những người đã khuất, việc đốt cúng vàng mã còn thể hiện nhu cầu tâm linh, có khả năng trần tình, bày tỏ tâm thành với các đấng linh thiêng, qua đó vỗ về, xoa dịu những nỗi đau, làm yên lòng cho những người đang sống. Nguồn gốc của vàng mã Hiện nay, đồ vàng mã được sử dụng phổ biến trong đời sống tín ngưỡng của cư dân một số nước phương Đông, đặc biệt là Việt Nam và Trung Quốc. Đồ mã xuất hiện đầu tiên tại Trung Quốc. Người Trung Hoa cổ đại quan niệm, một người khi còn sống tính nết, thói quen sinh hoạt và cuộc sống trần gian như thế nào thì khi chết đi, về cõi âm, mọi thứ vẫn đều diễn ra như thế. Xuất phát từ quan niệm trần sao âm vậy, đặc biệt là lời dạy của ngài Khổng Tử được ghi lại trong sách Trung Dung (một trong Tứ Thư quan trọng của Nho gia) "sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn" mà khi gia đình có người thân chết đi, những người còn sống, con cháu, thường chôn theo quan tài người chết những thứ khi người quá cố khi còn sống hay dùng, hoặc thích dùng. Những đồ chôn theo người chết bao gồm nhiều thứ, tùy từng gia đình và điều kiện gia đình, có thể là tiền, vàng bạc, đồ dùng, quần áo, người hầu, thê thiếp.. Những thứ chôn theo người chết đó gọi là đồ tùy táng (chôn theo). Tuy nhiên, lúc đầu, việc chôn theo đồ tùy táng đó chỉ diễn ra trong dòng tộc vua quan, đẳng cấp cao, vì họ có điều kiện về kinh tế. Trước hành động tốn kém (chôn theo tiền của) và vô nhân đạo (chôn theo người hầu, thê thiếp) ấy, một vị quan trong chế độ phong kiến Trung Hoa, đã nghĩ ra một cách, làm đồ vàng mã y như đồ thật để thay thế đồ thật chôn theo người chết. Đến năm 738 (niên hiệu Khai Nguyên thứ 26), đời vua Đường Huyền Tông, chính quyền phong kiến Trung Quốc chính thức cho phép dùng vàng mã thay thế đồ thật trong cúng tế. Những đồ đó bao gồm vàng tiền, đồ mã, hình nhân thế mệnh.. Tại thời điểm ra đời, vàng mã được coi là một cuộc đại cách mệnh trong tư tưởng, đề cao tính nhân văn và có ý nghĩa tích cực đối với xã hội phong kiến lúc đó. Với phát minh lấy vàng mã để thay thế đồ thật khi tùy táng đã không chỉ làm giảm phần chiều chi phí cho xã hội mà còn mang ý nghĩa nhân đạo cao cả khi dùng hình nhân thế mạng thay cho người thật phải chôn theo người đã chết hoặc tế lễ thần linh. Hành động đốt vàng mã dâng cúng thánh thần và người thân đã khuất của người dân, xét ở khía cạnh tâm linh, có những ý nghĩa: Xuất phát từ ý tưởng "phụng dưỡng", mong muốn cho người đã khuất được no đủ sung sướng mới dẫn đến hành động đốt vàng mã của những người còn sống. Việc đốt đồ mã dâng cúng người đã khuất là cha mẹ, tổ tiên, làm cho người con sống là con cháu được an ủi, được vỗ về phần nào trách nhiệm phụng dưỡng mà vì nhiều lý do, khi tổ tiên, cha mẹ còn sống họ đã không có điều kiện thực hiện trọn vẹn. Hành động mua sắm vàng mã và nghi lễ cúng, hóa vàng gửi cho người thân ở thế giới bên kia, chính là một sợi dây vô hình kết nối người sống và người đã chết. Trong hai thế giới cách biệt Âm - Dương, họ không thể gặp nhau, nhưng qua sự gửi và nhận, dường như họ không hề có sự ngăn cách. Việc đốt vàng mã đã tạo nên tính cố kết trong huyết thống, duy trì trực hệ và kéo dài gia phả một gia đình, một dòng họ, một quốc gia. Việc đốt vàng mã thường được diễn ra trong các ngày lễ, giỗ kỵ người đã khuất, ngoài ý nghĩa tụ họp những người còn sống còn mang một ý nghĩa nhắc nhở những người đang sống luôn phải nhớ và có trách nhiệm với người đã khuất. Ở khía cạnh văn hóa, tâm linh, việc đốt vàng mã trải qua nhiều thời kỳ lịch sử đã trở thành một tập tục mang tính nhân văn đặc trưng, ăn sâu vào tiềm thức của dân tộc. Hóa vàng mã thế nào cho đúng Ở nhiều nơi, việc đốt vàng mã đang bị người ta thực hiện một cách thái quá vì cho rằng, dâng cúng càng nhiều thì càng được thánh thần hay người âm phù hộ. Thực chất, đây chỉ là sự "phô trương" với người trần, hơn thế nữa là để thỏa mãn thói thường "con gà tức nhau tiếng gáy", dẫn đến sự lãng phí tiền của một cách không cần thiết, điều này đáng phê phán.