Tự Truyện Xóm Vông - JudyN

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi JudyN, 25 Tháng chín 2020.

  1. JudyN

    Bài viết:
    2
    Xóm Vông

    Tác giả: JudyN

    Thể loại: Tự truyện

    Link góp ý: Tự Truyện - Xóm Vông - JudyN

    Văn án:

    Mấy đồng nghiệp thường hay nhìn tôi mỉa mai "Mày sinh ra ở vạch đích", "Mày nhà lầu xe hơi, ở nhà chứ làm gì ba cái công việc với đồng lương còm cõi này". Tôi chỉ cười không đáp. Tuổi thơ tôi sinh ra và lớn lên khốn khó ở cái xóm Vông chó ăn đá gà ăn sỏi. Khi tôi lớn lên, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội đã in hằn rất rõ trong từng nếp nghĩ. Tư tưởng trọng nam khinh nữ dường như mọc rễ sâu như gốc tre già trước ngõ. "Xóm Vông" bao gồm những chương truyện ngắn về các nhân vật "giống người" lẫn "khác người". Đây là phần đầu tiên, hy vọng mọi người thích.

    BÀI HỌC ĐẦU TIÊN

    Khi mùa hè kết thúc cũng là lúc tụi tôi đến trường. Tôi bước vào lớp 1.

    Đêm trước buổi khai giảng, mẹ đọc bài "Tôi đi học" của Thanh Tịnh làm tôi rưng rưng xúc động. Tôi cảm thấy mình lớn thật rồi. Tôi mân mê giỏ hoa thêu trên ngực phải chiếc áo trắng tinh của chị họ tôi cho vì mặc chật, cảm thấy vô cùng yêu quý nó. Cái váy đụp màu xanh đậm có dây xích nhỏ màu vàng đã rỉ sét được vắt ngay bên cạnh cái áo. Kể cả đôi dép tổ ong màu trắng vừa vặn cũng đã được ba quay dây thép rất kỹ để lỡ tôi có vấp thì cũng khỏi đứt dép. Trông chúng mới đáng yêu làm sao.

    Tôi thức dậy sớm hơn ngày thường lúc trời còn lờ mờ tối. Tôi ghé qua tấm phên thấy ánh lửa bập bùng nấu cám lợn của mẹ dưới bếp nên đoán chừng trời cũng sắp sáng.

    Buổi sáng hôm ấy đúng như Thanh Tịnh tả là một buổi sáng đầy sương thu và gió nhẹ. Trời hơi se lạnh nhưng mẹ không dắt tay tôi đến trường vì mẹ còn bận đi cấy.

    Tôi đóng bộ chỉnh tề, rửa mặt đàng hoàng.

    Tôi khẽ đằng hắng dặn con Bụp:

    "Hôm nay ở nhà đừng đi theo chị nghe. Chị đi học rồi trưa chị về"

    Con Bụp khôn lắm, nó cũng rên lên ư ử nhìn tôi ra chiều hiểu chuyện rồi phóng thẳng ra sân đuổi con gà đang mổ lúa.

    Trường cách nhà băng qua một cánh đồng lúa và đường quốc lộ 1A rồi đến chòm Kênh. Tôi thích đi học nhưng con Thỉ Béo và con Thanh Toàn (Ba nó tên Toàn) thì không. Sở dĩ ba chúng tôi thân nhau vì ngày nào cũng đi bộ đến trường. Tôi vẫn chơi với con Cúc nhưng vì con Cúc mới 5 tuổi nên nó chỉ là bạn ở nhà thôi.

    Thầy Hiệu trưởng đứng lên phát biếu làm tôi cảm thấy như nín thở vì bầu không khí trịnh trọng của buổi khai giảng. Rồi thầy run run đánh ba tiếng trống báo hiệu năm học mới.

    Có 3 lớp trong khối 1 là 1A của cô Hiếu, 1B của cô Hiền và 1C của cô Hóa. Chị tôi dặn là nếu học thì nhớ vào lớp cô Hóa vì cô hay đánh nhưng cô sẽ không đuổi về đâu. Cô Hóa tóc dài tới mông nên cô hay ngồi lên đuôi tóc. Mặt cô dài như mặt ngựa và hay chửi:

    "Mất trí à, bị điên à" hay đại loại là thế

    Thỉnh thoảng vô còn dứ dứ cây thước kẻ để dọa đánh đứa nào hay nói chuyện làm ồn trong lớp. Nhưng cô tuyệt nhiên không đuổi đứa nào ra khỏi lớp dù có đang nợ tiền học phí. Chị tôi nói thế.

    Hết buổi đầu tiên, chúng tôi được cô Hiền qua đón về lớp 1B vì lớp cô sỉ số chưa đủ, chưa đạt chỉ tiêu. Tôi lại được học chung với con Vân và nhóm bạn nhà giàu của nó.

    Ba đứa tôi được xếp ngồi vào bàn cuối của lớp tha hồ nói chuyện.

    Những ngày đầu tiên của năm học mới khá là dễ chịu. Thầy Bài Hiệu trưởng sẽ đi thăm từng lớp một rồi dặn dò sau buổi khai giảng. Mỗi ngày chúng tôi đều đọc 5 điều bác Hồ dạy:

    "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

    Học tập tốt, lao động tốt.

    Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt.

    Giữ gìn vệ sinh,

    Thật thà, dũng cảm".

    Đến giữa giờ sẽ có giờ múa hát tập thể, có cô Hiền trẻ tổng phục trách đội hát bài gì tôi chẳng biết tên:

    "Em mong sớm đến năm 2000

    Và mong ước chiến tranh sẽ tàn,

    Để trái đất, chỉ còn tiếng hát.."

    Chúng tôi còn được đọc thơ. Tôi có máu thi sĩ từ mẹ nên hay thuộc nhiều thơ, đặc biệt là bài Cô giáo lớp em:

    "Sáng nào em đến lớp

    Cũng thấy cô đến rồi

    Đáp lời chào cô ạ,

    Cô mỉm cười thật tươi.."

    Cô giáo lớp nào trong bài thơ thì tôi không quen, nhưng còn cô giáo tôi hay hỏi "Có tiền nộp học phí chưa".

    Hai tuần đầu tiên êm đẹp trôi qua. Đến tuần thứ 3 của năm học mới thì đến hạn nộp tiền xây dựng đầu năm. Tiết đầu giờ cô thường hay dò sổ rồi đọc tên những ai thiếu tiền học phí. Điều hiển nhiên là tôi, con Thỉ Béo và con Thanh Toàn luôn luôn nằm trong danh sách ấy.

    Bởi thế, cứ đến 9h sáng sau tiết đầu giờ chúng tôi sẽ được cô Hiền một là xách tai hai là ăn mấy cây thước kẻ vào mu bàn tay đau điếng sau đó sẽ được cô tống cổ ra ngoài vì thiếu học phí, ngày nào cũng như ngày nào, trừ thứ 7, chủ nhật.

    Ba đứa chúng tôi đều xem chuyện đó quá bình thường, bình thường đến nỗi lúc nào cô quên không nhắc lại thấy thiêu thiếu. Hai mu bàn tay bị cô đánh bằng thước kẻ bảng lúc đầu còn thấy đau sau thì mong cô đánh cho nhanh còn về chỗ. Lúc nào cô cho ở lại mới là đặc biệt. Và nếu có ở lại thì chúng tôi cũng ăn thêm vài thước vào tay hoặc úp mặt vô bảng vì lí do nào đó tôi không nhớ. Chắc vì nói chuyện riêng trong lớp.

    Mấy hôm đầu, tôi còn chạy về khóc vòi vĩnh mẹ cho tiền nộp. Có hôm mẹ cho 2 ngàn đem nộp, cô lấy nhưng không cho vào lớp vì số tiền thiếu những ba chục.

    Vì hay bị đuổi với nhau nên con Thanh Toàn hay rủ qua nhà dì Như nó ở bên kia cầu chòm Kênh ăn ổi.

    "Dì Như tau nhiều ổi lắm, giờ tụi mình đi bộ qua cầu rồi tau xin dì ổi cho bây ăn"

    Rút kinh nghiệm vì mấy hôm trước toàn bị chó đuổi đứt dép, cả 3 đứa hay lấy rơm nối lại, luồn qua dép đeo lên cổ rồi đi chân không băng qua đồng đến nhà dì Như.

    Tôi không biết dì Như có họ hàng như sao với con Thanh nhưng dì thương nó lắm. Lúc nào cũng cho chúng tôi mấy quả ổi to tướng, ngọt lịm. Mãi sau này tôi mới biết dì Như là vợ bé của ba con Thanh. Chúng tôi tha thẩn chơi ở vườn nhà dì đến tận lúc nghe tiếng trống tan trường mới phóng qua lấy cặp rồi lững thững băng qua đồng về nhà.

    Có hôm ăn ổi chán chúng tôi rủ nhau ra đồng lăn đống rơm, bó rơm làm đuốc hoặc bắt cà cuống về nướng ăn. Mùi cà cuống còn thơm đậm trong cuống mũi.

    Cũng có hôm ba đứa chơi xúc cát ở góc đường nhà Tâm Quế sau hồi trường đợi tan học thì qua lấy cặp sách về.

    Nói về Vân và đám bạn của nó, hôm nào đi học tôi cũng thấy cô Hiền bắt chấy, thắt bím tóc với cái nơ hồng xinh xinh và thủ thỉ với nó:

    Mai cô qua chở Thảo rồi mốt cô qua chở Vân nhé. Chịu khó kêu ba đi chở bữa nghe con.

    Chuẩn bị ngày nhà giáo Việt Nam rồi, con về nói với ba là cô cần đôi giày đẹp đẹp cho năm học mới.

    Có lần, tôi, con Thỉ Béo, con Thanh Toàn bị cô lấy cây thước kẻ đánh lên mu bàn tay mấy thước vì tội nhại giọng cô.

    Con Vân làm liên đội trưởng vì nó học khá, ba nó làm hiệu trưởng trường khác nhưng thầy cô trong trường quen ba nó nên rất yêu quý nó. Nó hay chạy nghi thức đội với đôi dép cao năm phân mà ba nó mua mấy trăm ngàn ở phố.

    Tôi còn học chung với con Lành mấy tuần đầu tiên khi bước vào lớp một. Tóc nó hoe hoe vàng còn chân thì đầy ghẻ. Tôi thân với nó hơn cả vì con Lành đặc biệt có đôi dép Bitis mới rất oai. Nó hay cho tôi ướm thử mấy vòng. Có hôm nếu không giận nhau, nó còn đổi với tôi đôi dép tổ ong mà ba tôi đã dùng dây thép siết lại mấy vòng chắc chắn.

    Con Lành còn hay chia phấn màu cho tôi và hay đứng về phe khi chị em sinh đôi nhà Thuận chặn lấy phấn và bút của tôi.

    Khi sắp hết kỳ 1 năm học đầu tiên thì con Lành chuyển nhà vào Nam. Nó còn hứa là sẽ về thăm tôi khi ba mẹ nó về nhưng mãi đến bây giờ tôi chưa một lần gặp lại. Buổi học cuối cùng trước khi nó chuyển nhà, con Lành cho tôi hết mớ phấn màu gãy mà nó có, tôi đứng nép ở gốc cây trên đường về khóc mãi không thôi.

    Tôi còn nhớ suốt năm lớp 1, tôi hay mang một ít đường gói trong tờ giấy xé ra mang theo rồi nhét vào cặp. Sau khi tan học, tôi đợi mấy đứa về hết rồi ngồi trên cống nhấm nháp hết chỗ đường mang theo mới bắt đầu đi bộ về. Có hôm thằng Thí Hiểu ở sau hồi nhà bắt được còn lu loa lên với mấy đứa trong xóm là tôi ăn vụng nhưng tôi đâu có quan tâm.

    Có những ngày nhà hết đường vì thường thì mẹ mua mỗi 2 ngàn cho ba uống nước chè hoặc chỉ đủ làm kẹo đắng kho nước mắm. Thế là tôi đi học với cái bụng đói. Tôi lết về đến nhà được cũng là một kỳ tích vì đầu óc quay mòng mòng đau như búa bổ, mắt hoa lên mà chân tay thì run rẩy.

    Ba mẹ tôi hốt hoảng sờ nắn xem tôi đau chỗ nào. Miệng liên tục hỏi xem tôi té ở đâu, con gì cắn hay là đau ruột thừa.

    Miệng tôi thều thào, mắt nhắm nghiền không nói nổi một câu.

    Bác Mợi liền la lên:

    "Con bay đói lả chứ đau ốm chi

    Con Doãn xuống nhà tau xúc cho hắn bát cơm"

    Công nhận bác Mợi còn giỏi hơn cả bác sĩ vì ăn xong bát cơm trắng là tôi tỉnh hẳn ra dù đầu óc vẫn còn hơi lơ mơ. Sau này bác Mợi chết vì sốc thuốc. Nghe nói bác sĩ cho uống nhầm thuốc. Bác sĩ là con trưởng viện, hình như ít lâu sau cái chết của bác Mợi thì bị kỷ luật. Ít lâu sau thì "bị" điều lên tuyến tỉnh.

    Sự kiện nổi bật nhất năm bác mất là điện về xóm. Đám tang bác tôi nghe tiếng kèn từ tận dưới cống.

    Tôi buồn vô cùng vì bác hay cho chị em tôi ăn khoai, đôi khi bác còn cho mượn gạo.

    Ngày đám tang bác, mẹ tôi cho tôi mấy quả trứng luộc đặt đầu hòm bác. Tôi ăn ngon lành.

    Lên lớp, cô Hiền vẫn chủ nhiệm lớp tôi và cả ba đứa vẫn ngồi bàn cuối mặc dù cô hay hứa là đứa nào thấp sẽ được ngồi bàn đầu. Nhưng con Vân nó ngồi bàn đầu từ đầu năm lớp một tới giờ mặc dù nó cao hơn tôi cả cái đầu. Cả 3 đứa tôi được xếp ngồi vào bàn sau cùng. Cũng chả sao, có khi tôi lại thích thế vì ngồi sau tha hồ nói chuyện riêng hoặc kéo áo mấy đứa bàn trước rồi ngó lơ đi chỗ khác khi tụi nó quay lại lườm.

    Năm học này lớp tôi còn có thêm 5 học sinh mới. Tụi nó đều lớn tuổi hơn tôi vì ở lại từ khóa trước.

    Tôi và con Thanh Toàn ngồi cùng bàn với con Hạnh Sâu Tràm và con Tương cụt. Con Hạnh hay ăn trắt lúa nên bị cô bắt đứng cuối lớp. Lúc nào nó cũng kè kè một bọc lúa rang rồi mấy đứa ngồi xúm lại ăn. Nó ăn nhiều đến nỗi vỏ trấu chất đầy trong cặp. Ba nó là Lượng Sâu Tràm vì nhà nó ai cũng có đầu to hơn người, suốt mùa đi tìm hái nấm. Sắc da nó lại xanh xao như màu lá tràm.

    Con Tương cụt mấy ngón tay vì nó bị máy tuốt lúa cắt nhằm tay. Tôi thích chơi với con Tương và ưa về phe nó vì nó nhảy dây địu cực giỏi. Nó lớn hơn tụi tôi những 5 tuổi nhưng bị đúp lớp mấy lần do trốn học đi làm đồng với ba. Con Tương đỉnh lắm. Người nó to cỡ một con trâu choai nhưng có thể nhảy cao quá đầu tôi. Tương cụt hay được nhà trường cử đi thi điền kinh cấp xã. Tôi vô cùng nể nó.

    Điều duy nhất khiến tôi phiền lòng về con Tương là đợt tôi lên lớp 4, nó vẫn ở lại lớp 3 mà lớp 3 thì học khác buổi nên tôi hầu như không gặp nó nữa. À, thêm nữa là nó hay xin nhìn bài mỗi khi lớp có kiểm tra. Nó hứa sẽ bắt cà cuống cho nếu tôi để nó copy bài.

    Con Thỉ Béo bị tách ra ngồi bên cạnh với con Tuất con mụ Hợi, thằng Thắng dễ cảm động và thằng Diện Chuột Cống.

    Con Tuất hơi đần một tẹo, chỉ một tẹo thôi nhưng nó chẳng bao giờ trả lời đúng một câu hỏi nào của cô hết. Nó hay cúi gằm mặt xuống mỗi khi ai đó trêu nó là không có cha. Hoặc có đứa ác ý còn trêu mẹ nó không chồng mà chửa những 2 đứa. Thi thoảng tụi con trai còn xúm vào đánh nó với những lý do trời ơi đất hỡi. Tôi thấy thương nó nhưng klại hông dám đánh nhau với tụi con trai.

    Thằng Diện Chuột Cống thích tôi chắc vì nhà nó gần nhà tôi, lại hay đi giữ bò gặp nhau. Nó hay xin tôi chép bài và thỉnh thoảng mang dưa chuột theo cho chỉ mình tôi. Đám bạn hay ghép đôi tôi với thằng Diện và điều đó làm tôi ghét khủng khiếp. Lý do thì chỉ vì miệng nó hô lên mà răng thì nhiều vô kể. Thằng Diện có hàm răng đích thực nạo dừa không cần thìa.

    Thằng Diện lại ghét con Thỉ Béo đơn giản chỉ vì Thỉ béo.

    Để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong nhóm học sinh lưu ban là thằng Thắng. Hình như tôi chưa bao giờ thấy nó cười. Khuôn mặt thằng Thắng nhăn một cách rất tự nhiên. Nó làm tôi thấy cực buồn cười mỗi lần nghĩ đến cảnh o Thủy mẹ nó sinh ra liền thấy cái mặt nhăn húm. Điều đặc biệt là không ai biết lúc nào nó vui hay nó buồn. Mỗi lần cô giáo gọi nó đều khóc nhưng không ai hiểu lý do. Nó ở lại lưu ban nên học với thằng Thìn em nó. Lên năm lớp 5 thì thằng Thắng bỏ học ở nhà đi giữ trâu.

    Điều bất ngờ hơn cả là cuối năm lớp 1 và lớp 2, dù bị đuổi học như cơm bữa nhưng tôi vẫn được học sinh tiên tiến với tờ giấy khen to bằng 8 tờ lịch xếp lại. Cô Hiền thông báo sẽ giữ lại giấy khen, cô chỉ bảo "về nói mẹ nộp tiền học phí hỉ".

    Mấy ngày sau cô hay đạp cái xe đạp Phượng hoàng, khi đi ngang qua nhà tôi, cô sẽ cười hớn hở và dịu dàng với mẹ:

    "Chào chị, chị đem tiền vô mà đổi giấy khen về cho cháu nhé

    Cháu được học sinh tiên tiến đấy chị"

    Mẹ tôi là người khá là dễ chịu và hay nhún nhường nhưng không hiểu sao hôm đó chỉ trả lời gọn lỏn, sắc mặt không đổi:

    "Tui tặng cho chị đó, đem về mà treo"

    Lên lớp 3, lớp 4, cô Xuân chủ nhiệm lớp tôi. Mẹ tôi gọi cô là Xuân Quyển vì ba cô tên Quyển và hình như cô có họ hàng với tôi. Chắc họ hàng bắn đại bác ba ngày chưa tới nhưng tôi mặc kệ vì cô khá là dễ chịu. Thường thì đầu giờ cô chỉ nhắc nhở nộp học phí chứ ít đuổi về, bởi thế nên tôi học khá hơn hẳn.

    Chúng tôi vẫn hay hát bài em mong sớm đến năm 2000 nhưng không còn đọc thơ cô giáo em nữa. Năm nay trường còn thành lập đội Sao đỏ chuyên bắt lỗi những đứa nào không đeo khăn quàng, hoặc trốn học, hoặc đi học trễ.

    Năm nay, ban cán sự lớp có thằng Hà Lập lớp trưởng, con Vân lớp phó học tập kiêm liên đội trưởng, con Hồng lớp phó văn thể mỹ còn tôi được làm lớp phó lao động. Giữa năm tổ chức Đại hội chi đội, bầu lại nhiệm kỳ mới cho ban cán sự trường tôi được làm chủ tọa.

    Cô Hiền trẻ tổng phụ trách nhắc tôi tuyên bố lý do buổi lễ, tôi đằng hắng giọng trịnh trọng:

    "Tôi tuyên bố đại hội chính thức bắt đầu"

    Hồi hộp nhất là phần bỏ phiếu bầu vì tôi rất thích làm liên đội trưởng. Vì được bầu làm chủ tọa nên tôi đinh ninh sẽ được làm liên đội trưởng trong năm nay. Đến lúc bầu, cô Hiền trẻ nhẹ nhàng nhắc tôi dơ tay bầu Vân.

    Sự kiện con Vân lại làm liên đội trưởng làm tôi buồn hết cả tuần liền. Trên đường về nhà, tôi khóc như mưa. Khóc nhiều đến nỗi mắt sưng húp, mẹ còn hoảng hốt tưởng tôi té chỗ nào. Đến khi biết lý do thì bà an ủi "Thôi, năm sau vậy".

    Tôi nhớ mãi sự kiện đó không phải vì buồn mà vì trưa hôm đi học về tôi đã quất nguyên một ca nước chè của ba khi bụng đói báo hại tôi nôn mửa nằm hết cả buổi chiều.

    Năm đó tôi viết chữ đẹp nổi tiếng trong thôn. Mấy chị lớp trên hay xúm quanh tôi hỏi bí quyết viết chữ đẹp. Nét chữ tôi đều tắp như đánh máy nên được đi thi vở sạch chữ đẹp cấp xã. Sáng hôm đi thi tôi quên bẵng đi vẫn đi bộ đến lớp thì cô Xuân ngạc nhiên hỏi:

    "Sao em không đi thi mà còn ở đây?"

    Tôi hoảng hốt quên mất sự kiện quan trọng này. Giờ phải vắt cổ chạy vào Tú Loan cách trường chừng 10 cây số.

    Tôi chạy tới Hưng Lộc thì bị đứt dép, may mắn thay gặp cô Hiếu chủ nhiệm lớp 1C đang đi xe đạp, sau yên chở tập vở, chắc vở sạch chữ đẹp của lớp 1C. Tôi mừng húm lên rối rít xin cô:

    "Cho em đi một đoạn với cô ơi, em đi thi vở sạch chữ đẹp nhưng em bị trễ ạ"

    Cô không dừng lại mà lấy tay chỉ chỉ vào tập vở sau yên. Tôi vẫn nhìn thấy cái mông cô ngoay ngoảy trên yên xe thấp thoáng xa xa mấy chục mét.

    Chắc cô vẫn giận vì 20/11 năm trước mẹ tôi không ghé nhà cô. Tôi nghĩ thầm. Cũng phải thôi, có năm nào mẹ tôi mua quà ngày 20 tháng 11 cho cô đâu chứ.

    Ông trời đúng là thương tôi. Dù đứt dép và đi chân không nhưng tôi vẫn vào kịp giờ làm bài. Mọi người bảo là cô Hiếu báo tôi đang tới nên vẫn chờ chưa phát đề. Tôi thấy mọi người thật tốt với mình. Tôi còn thấy cô Hiếu thật đáng yêu. Chắc cô phải quý mình lắm thì cô mới làm thế.

    Tôi còn tham gia mấy cuộc thi tương tự như viết chữ, kể chuyện cổ tích, vân vân nhưng chẳng năm nào có giải. Cao nhất thì cũng chỉ tới giải khuyến khích.

    Mùa hiến chương năm ấy, tôi được mẹ mua cho một cuốn sổ nhỏ tặng cho cô Xuân Quyển. Tôi nắn nót viết lên trang đầu tiên:

    Mừng ngày nhà giáo Việt Nam, em chúc cô sức khỏe, hạnh phúc

    Quyển sổ được gói gọn gàng gấp nếp trong tờ báo cũ mẹ xin được.

    Nhà cô Xuân ở xa tận Hưng Lộc. Tôi rủ con Thỉ Béo và con Thanh Toàn đi bộ, vẫn dép đeo trên vai băng qua cánh đồng chòm Trung, đi bộ qua cầu hồ, ủy ban xã rồi mới tới nhà cô.

    Cô Xuân là cô giáo đẹp và hiền dịu nhất trong ký ức non nớt của tôi. Tóc cô dài và cô hay cười.

    Cô múc nước giếng cho 3 đứa rửa chân rồi dọn kẹo cho chúng tôi ăn. Những viên kẹo thơm mùi chanh, thơm suốt cả thời thơ ấu.

    Chúng tôi nấn ná ở lại nhà cô chơi mãi đến trưa mới đi bộ về nhà. Cô hay mời 3 đứa ở lại ăn cơm. Con Thỉ Béo ngần ngừ muốn ở lại khi nghe mùi cá kho thơm nức mũi dưới bếp bay lên. Tôi nhớ lời mẹ dặn "Giấy rách phải giữ lấy lề", tôi lịch sự từ chối và cảm ơn cô.

    Lên lớp 5, tôi không được học cô Xuân nữa. Cô Hiền trẻ tổng phụ trách chủ nhiệm lớp 5B. Vân vẫn làm liên đội trưởng và chạy nghi thức đội mỗi sáng thứ 2 chào cờ trên đôi dép cao gót khác mà ba nó mua. Nhưng tôi không ghét nó nữa. Sau đợt đánh nhau với con mẹt Hần, em họ của Vân, tôi trở thành thành viên trong nhóm của Vân và dần xa lánh bọn Thỉ Béo.

    Tôi dành nhiều thời gian chơi với Vân và bạn của nó hơn. Tôi hay xin được đi cạnh con Vân, thường thì một tuần tôi sẽ được đi cạnh nó từ trường về nhà 1 lần. Tôi lấy làm hãnh diện lắm.

    Thằng Hoàng con Lương Hùng vẫn khóc và đòi cưới con Vân tận cuối năm lớp 5, đầu năm lớp 6.

    Khi tôi học lớp 6 tức là lên cấp 2 học ở trường khác, lúc nào tôi cũng ghé mắt lúc đi ngang nhà cô Hiền xem cô ra sao rồi. Cô hay nhìn chúng tôi âu yếm như thể rằng chúng tôi lớn quá, cô nhận không ra.

    Thỉnh thoảng cô sẽ ghé ngang nhà tôi mùa gặt lúa để xin ít lúa cho gà. Cô vẫn chào mẹ và nhìn chị em tôi âu yếm:

    "Các em lớn nhanh quá. Chẳng mấy chốc là vào đại học"

    Bẵng đi một thời gian không lâu, tôi cũng quên mất cô vì không thấy cô hay ghé vào mùa lúa nữa. Sau đó tôi nghe mẹ nói là cô phải chạy thận nhân tạo nên nằm một chỗ. Anh Thuận học với anh trai tôi đi cắt tóc bị nhiễm HIV. Rồi tôi chẳng bao giờ nghe đến cô nữa.
     
    Chỉnh sửa cuối: 25 Tháng chín 2020
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...