Truyện Ngắn Xếp Lại Nỗi Đau - Giao Yên

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Phạm Tường Vy, 16 Tháng mười 2018.

  1. Phạm Tường Vy

    Bài viết:
    62
    Tên: Xếp lại nỗi đau

    Tác giả: Giao Yên


    Nghi nhìn ra dòng sông Hoài lơ đãng trôi dưới những tia sáng le lói còn sót lại của chiều tà. Cô nhớ lại buổi chiều hôm đó, hình như cách đây vài năm rồi, không gian cũng ảm đạm và hiu hắt giống thế này. Đó là giây phút Nghi lao đi, xuyên qua biết bao nhiêu ánh mắt soi mói lẫn tò mò của người dân trong xóm. Tình mẫu tử mong manh cũng bị xé toạc ra và giẫm đạp dưới chân. Người ta thương hại có, an ủi có, khinh khi cũng có. Nhưng làm gì có ai cảm thấu được nỗi đau của chính con người lẩn quẩn trong đó. Một cái tát hằn lên má cô năm ngón tay còn đang run rẩy. Nghi gục xuống, giọt nước mắt cuối cùng khó nhọc rơi, lạnh buốt và mặn đắng dưới cái nắng mùa hè rát da.

    – Ước gì mẹ chưa từng sinh ra con – Người đàn bà ấy nghẹn ngào

    – Ai mướn bà sinh ra đứa con hoang như tôi? Bà tưởng tôi ham cái cảnh sống hèn hạ này lắm hả? Bà biết tôi nhục nhã thế nào không?

    – Dù có thế nào thì mẹ cũng cắn răng nuôi con suốt mười chín năm qua mà. Nghi ơi..

    Đến bây giờ vẫn chẳng ai biết thân thế thật sự của Nghi, chỉ là những lời đồn làm cuộc đời cô thêm tủi hổ và khắc nghiệt. Cô cũng không còn bận tâm về điều đó nữa, bởi tất cả chẳng có ý nghĩa gì với cuộc đời mà hôm nay cô đang sống.

    Cô xếp lại mớ tài liệu đang soạn dở và bước vào trong. Ban công nhà trọ trở lại vẻ yên ắng cố hữu với vài cơn gió thi thoảng thổi làm chiếc chuông gió kêu leng keng. Nghi ngoảnh lại, bất giác mỉm cười. Đó là chiếc chuông gió bằng tre anh Hai làm cho cô hồi sinh nhật mười sáu tuổi. Dù đã lấy vợ và ra ở riêng nhưng tình cảm của hai anh em vẫn khắng khít như lúc nhỏ. Khi dọn đi Nghi chẳng lấy gì ngoài mấy bộ quần áo và chiếc chuông treo ở cửa sổ. Hôm đó anh Hai đèo cô ra đầu đường quốc lộ rồi dúi vào tay mấy trăm ngàn với lời dặn thường ghé về chơi. Khi ngoái đầu lại cô chỉ thấy dáng anh tất tưởi chạy xe vào con đường xi măng nhỏ xíu dẫn vào xóm. Dạo ấy cứ cuối tháng Nghi lại về thăm anh, dù vậy cô chẳng bao giờ ghé về nhà. Từ ngày anh Hai mất thì chỉ có ngày giỗ ba hoặc anh cô mới về. Người dân trong xóm lời ra lời vào bảo Nghi bất hiếu, vô ơn. Cô cười, lại lầm lũi vác ba lô trở lại thành phố hoa lệ. Mỗi lần bước ngang qua nhà Miên cô lại theo thói quen cúi mặt và dặm bước thật nhanh. Mẹ đứng chỗ cổng nhìn theo dáng cô xa dần, khẽ thở dài rồi lau vội dòng nước mắt.

    Hết giờ dạy nhưng Nghi vẫn ngồi trầm ngâm bên trang sách. Có một tấm thiệp mừng Noel màu đỏ ấm áp kẹp ở giữa cuốn sách mà cô tưởng đã để lạc đâu đó. Nghi miết tay lên dòng chữ mộc mạc, vụng về mà cô biết Miên phải nắn nót lắm mới ngay hàng thẳng lối như vậy. Hồi học cấp ba mỗi lần mượn vở anh chép bài là cô lại phải căng tròn hai mắt lên. Nghi hay bĩu môi:

    – Người gì viết chữ như mèo cào, có ma nó đọc được

    – Vậy thì đừng có mượn nữa – anh tự ái giật cuốn tập lại rồi nguýt cô một cái dài cả cây số

    – Tại nhà gần mới qua mượn cho lẹ thôi

    – Không thèm chấp con gái – Miên cầm cuốn tập gõ lên đầu cô mấy phát rồi phóng vào nhà. Nghi nhìn theo, miệng lẩm bẩm nhưng không giấu được nét cười: "Cái đồ khó ưa".

    Cái Lam gọi điện bảo Miên mới về hôm qua, nghe bảo bây giờ anh chững chạc và đẹp trai lắm. Nghi mân mê tấm thiệp rồi nghĩ mông lung về chuyện cũ. Nhớ về Miên là nhớ về kỉ niệm ngày xưa, ngày của bốn năm trước khi anh sang Nhật vừa làm vừa học còn cô một mình bon chen lên thành phố. Anh bảo chẳng có gì thay đổi cả, chỉ là xa nhau vài năm. Trước khi đi anh ôm Nghi trong lòng và hứa sẽ mang về cho cô một món quà đẹp nhất. Nghi không nói gì vì biết có hứa hẹn bao nhiêu cũng vô nghĩa nếu lòng người ta không hướng về mình. Cô tiễn anh ra sân bay và lặng lẽ nhìn máy bay lao vút trên nền trời xanh biếc. Một cái ôm xiết, một nụ hôn nhẹ lên trán mà Nghi nghĩ sẽ là cuối cùng. Năm đó cả hai mới mười chín tuổi và còn cả tương lai rạng ngời phía trước. Chuyến đi của Miên đối với Nghi, với Ba Miên đều hàm chứa ý nghĩa sẽ chấm dứt mối quan hệ của anh và cô. Huống hồ gì như ba Miên nói, cứ đi rồi cũng quên, bởi trên đời này tình yêu là thứ mông lung và dễ thay đổi. Nghi vẫn nhớ cảm giác khi ấy: Trống rỗng, nhói đau, và hoàn toàn vô định.

    – Con của đĩ thì cũng làm đĩ, huống gì nó còn chưa biết có phải con của ba nó không đấy.

    – Ba nói gì kì vậy – Giọng Miên nhỏ xíu, phải cố gắng lắm cô mới nghe rõ khi áp tai vào cổng.

    – Mày còn nhỏ lắm con ạ, chọn đứa nào đàng hoàng mà yêu rồi cưới. Mày tưởng nhà này chứa chấp đứa như nó à?

    – Ba thôi đi, mà yêu thì chắc gì đã cưới, vài ba năm nữa có khi chán rồi chia tay. Nên ba khỏi có lo.

    Miên vùng vằng đi ra cổng. Cô đứng đó, đôi mắt lóng lánh một làn nước ngơ ngác nhìn anh như người xa lạ. Khi gió đồng tạt vào mặt bỏng rát cô mới biết mình vừa băng qua con đường chen chúc đầy gai và cỏ dại. Miên chạy theo từ phía sau. Anh níu tay cô cuống quýt giải thích. Bây giờ thì Nghi biết, đó chỉ là lời ngọt ngào của chàng trai mười chín tuổi và lần đầu biết yêu. Vậy nhưng Miên là tất cả những gì tươi đẹp nhất thanh xuân cô từng có. Một người bạn cũng là mối tình đầu, người hiểu và thông cảm cho đứa con gái có xuất thân như người ta nói – chẳng mấy đàng hoàng. Trong những đêm mưa buồn tênh sau này, cô lại nghĩ về miền quê với hoàng hôn đỏ ối như màu máu, đôi mắt ẩn chứa sự cam chịu của người đàn ông đáng thương, dáng người đàn bà lẳng lơ khuất sau con hẻm và đôi chân rướm máu của chính mình. Đôi khi cô nhớ Miên và chiếc máy bay mang theo anh đến một chân trời mới. Cô mỉm cười. Có lẽ điều mà người từng trải như ba Miên nói hoàn toàn đúng. Yêu thương giữa cô và anh chưa đủ lớn để bước qua rào cản mỏng manh của định kiến, và Miên thì có rất nhiều những lựa chọn tốt đẹp hơn cô.

    [​IMG]

    Người ta nói mẹ Nghi làm đĩ từ lâu rồi, trước cả ngày ba cô mất kìa. Ai cũng biết mẹ là một người phụ nữ đẹp. Chắc chắn là thế khi mà đã sinh con hai lần nhưng cái thân hình mướt mát vòng nào ra vòng đó, nước da trắng bóc, khóe môi đỏ cong cong gợi tình khiến biết bao đàn ông trong xóm mê mẩn. Nhiều hơn một lần Nghi thấy mẹ khoác tay gã đàn ông trẻ hơn ba vài tuổi mất hút sau con hẻm. Cũng ở cái mảnh đất bình yên ấy cô chứng kiến sự bất lực của cha mình. Có những ngày ráng chiều trải dài trên miền quê một đỏ thê lương. Cô liêu và quạnh quẽ. Ba đứng dưới cây sơ ri cằn cỗi trước nhà và dõi mắt về phía cuối đường. Năm đó Nghi mười lăm tuổi. Giọng ba bực dọc nhưng vẫn là cái giọng yếu ớt của một người đàn ông không đủ bản lĩnh giữ vợ, hoặc bỏ vợ.

    – Ba đợi mẹ hả? – cô ngước mắt nhìn ông

    – Vào nhà đi, mày đừng có nhiều chuyện

    Nghi lủi thủi vào trong. Khi mẹ trở về cô lờ mờ đoán ra điều gì đó. Ba không thể đi làm do một tai nạn lao động xảy ra khi Nghi lên chín tuổi. Mẹ thì luôn nói trống không và lạnh nhạt với ông. Mẹ cũng chẳng buôn bán như mấy cô trong xóm mà thi thoảng mới ra ngoài. Bao giờ cô cũng lén nhìn theo dáng bà từ phía sau trong áo quần xúng xính và mùi nước hoa thơm nực. Cái nụ cười giả lả trên môi mẹ cứ ám ảnh Nghi mãi. Và rồi mẹ trở về với chồng con như bao người đàn bà khác. Dĩ nhiên, bà về với thân hình mang vết tích của sự lăng loàn đĩ thỏa. Nghi biết điều đó, người trong cái xóm heo hút này có ai mà không biết. Họ bảo ba là một thằng ngu đội váy vợ. Và với cái khuôn mặt lì lợm khác biệt của mình, người ta cũng bảo Nghi là con hoang của gã nào đấy chứ chả phải con của ba. Thật là một sự tàn nhẫn khôn cùng khi nói điều ấy trước mặt trẻ con. Sau nhiều lần trốn sau hè khóc hết nước mắt, Nghi tưởng như mình không còn đau lòng nữa.

    – Mẹ đừng đi – cô níu tay áo mẹ khi bà bước ra cổng, có một chiếc xe máy đợi sẵn cách đó không xa – ở lại với ba, với tụi con đi mẹ – giọng Nghi van lơn

    – Vào nhà đi con, trễ rồi – Bà gạt tay cô rồi bước đi

    – Sao lúc nào mẹ cũng như vậy, chúng ta có thể sống khác mà – Cô gào lên

    – Rồi lấy gì mà ăn, lấy áo quần đâu cho hai đứa đi học, ba con có giúp gì được đâu? Mẹ xin con

    – Con với anh Hai nghỉ học đi làm là được mà

    – Không được

    Bà vội vàng chạy đi. Miên nghe thấy cuộc cãi vã ấy từ trong nhà. Anh nhìn ra, thấy Nghi vén áo lau nước mắt rồi cúi đầu lầm lũi. Miên bước đến và ôm gọn cô trong vòng tay cứng cáp của mình. Tiếng khóc tức tưởi của cô dội vào tai anh nhức nhối, đau điếng. Ba Miên đứng ở phía sau tự lúc nào, ông hắng giọng một cái, không quên chì chiết: "Mới tí tuổi đầu đã đong đưa giống mẹ rồi đấy". Cô đẩy Miên ra rồi vụt chạy đi. Bóng chiều đổ xuống trước mặt một màu vàng héo hắt hoang tàn.

    Một thanh niên có nước da sáng, gương mặt và ánh mắt quen thuộc ngồi ở ghế đá trước phòng trọ. Là Miên. Cô đứng ngây người mấy phút rồi mới nhận ra anh, tự thấy tay chân mình thừa thãi và bối rối lạ lùng. Anh nhìn Nghi, khẽ mỉm cười:

    – Quên anh rồi hả?

    – Sao anh biết chỗ em vậy? – Nghi vừa nói vừa mở cửa phòng – Anh vào đi

    – Ừ, anh hỏi Lam. Em vẫn.. tốt chứ? Anh nghe nói em làm cô giáo rồi

    – Dạ. Còn anh sao rồi?

    Miên huýt sáo, anh nhìn chung quanh phòng trọ rồi dừng chân ở ban công. Chiếc chuông gió đong đưa, kêu leng keng gợi lên cảm giác xôn xao khó tả. Anh nhìn xuống con đường phía dưới, vài ba hàng quán đã lên đèn và tiếng trẻ con đi học về í ới vang một khu phố.

    – Anh rất tốt. Hình như lâu lắm rồi em không về quê

    Họ đứng cạnh nhau dưới ánh hoàng hôn màu vàng nhập nhoạng. Không gian như ngưng đọng, nhỏ giọt thành tiếng khiến Nghi thấy khó khăn. Không hiểu sao cô không đủ tự tin nhìn thẳng vào mắt Miên như trước đây. Có lẽ bây giờ cả hai đã thật sự bước trên hai con đường khác nhau. Miên bước trên con đường được lát gạch êm ái từ nhỏ, một tương lai rộng mở phía trước. Còn cô suốt mấy năm phấn đấu mới có thể đứng trên bục giảng như mơ ước. Đôi khi Nghi thấy Miên giống như ngôi sao xa xôi trên cao, dù cố thế nào cô cũng không với đến.

    Bóng đêm buông xuống tự lúc nào. Cô ngồi bó gối trên giường và đăm đăm nhìn hộp quà màu tím được gói cẩn thận. Không biết đó có phải món quà đẹp nhất mà Miên từng hứa hay chỉ là món đồ giông giống với tất cả những món lỉnh kỉnh anh mang về. Cô mân mê hồi lâu rồi thở dài và cất vào ngăn tủ. Mãi đến nửa đêm Nghi vẫn không ngủ được.

    Miên không ghé thăm thường xuyên hay quanh quẩn bên cô như trước, đúng như cô nghĩ. Thỉnh thoảng Miên vẫn gọi hoặc ghé chơi, nói vài chuyện tủn mủn không đâu rồi lại đi. Dịp cuối tháng anh thường ghé qua hỏi cô có muốn đi nhờ về quê không. Miên làm trên đây, anh mua một căn nhà nhỏ nằm khá xa nơi ở của cô. Nghi cảm nhận được một khoảng xa lạ chen vào giữa hai người suốt năm tháng cách xa nhau. Miên hỏi cô về người yêu hiện tại, và dĩ nhiên anh không mảy may nhắc đến lời hẹn mông lung khi xưa. Dù biết trước nhưng lòng Nghi vẫn không tránh khỏi cảm giác buồn bã và nhoi nhói. Phần ký ức tươi đẹp đó có lẽ nên gói ghém thật kĩ mà chôn cất. Cô lại cười, chuyện đã kết thúc ngay khi chiếc máy bay mang Miên lao vút vào không trung. Nghi cũng chẳng biết mình có từng chờ đợi hay không? Nhưng dường như tất cả đã chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

    Mẹ mất.

    Chỉ khi đứng trước di ảnh người đã khuất cô mới nhận ra những câu nói ẩn ý, cuộc gọi và tin nhắn của Miên đều nhắc về bà. Cái Lam bảo bà bị ốm suốt một năm nay, nhắn cô về thăm nhưng cô ậm ừ rồi thôi. Trời mưa bay bay, và khi linh cửu mẹ nằm im lìm dưới lòng đất Nghi mới bật khóc. Cô không về kịp. Người trong xóm lại chỉ trỏ, xì xầm nhưng chẳng lời nào lọt vào tai Nghi. Cô nằm trên giường, trong căn nhà vắng tanh mà suốt mấy năm qua cô chỉ ghé về vào ngày giỗ rồi lại đi. Nghi không tha thứ được cho bà. Không phải cô chưa từng nghĩ đến công ơn sinh thành hay mười chín năm dưỡng dục, chỉ là cái đêm mưa sau ngày ba mất cứ như một vết chém còn rỉ máu ở tim, và không ai làm điều đó ngoài mẹ. Dù bà có như người ta nói, dù cô có là đứa con hoang thì Nghi vẫn cắn răng chịu đựng, và cô đã từng yêu mẹ như bất kì đứa con nào khác. Vậy nhưng khi mồ ba vẫn chưa xanh cỏ thì người đàn bà đó đã làm gì?

    [​IMG]

    Ba lên cơn đau dạ dày trong đêm và khi chuyển vào viện thì không cứu được. Bác sĩ bảo ba bị xuất huyết dạ dày, bệnh có từ lâu nhưng gia đình không ai hay. Đám tang ba diễn ra nhanh gọn và Nghi len lén nhìn sang mẹ, bà chẳng hề rơi một giọt nước mắt nào. Tỉnh táo và bình thản như cách bà vẫn đi dự đám tang của một người nào đó trong xóm. Nghi khóc đến ngất đi. Sau ngày ba mất một tháng thì nhịp sống trở lại bình thường. Cô lại lầm lũi đi học và về nhà như một chiếc bóng. Mỗi lần thắp nhan cho ba Nghi lại bần thần ngắm nét mặt khắc khổ của người đàn ông trong ảnh. Hôm đó cô về thì nhan trên bàn thờ vẫn còn tỏa khói. Ngoài tiếng mưa rơi bên ngoài thì căn nhà hoàn toàn vắng lặng. Cô lắng tai nghe, có âm thanh kỳ lạ và giọng cười vọng lại từ phòng trong. Nghi len lén bước lại. Đập vào mắt cô là hình ảnh lõa lồ của hai con người đang quằn quại quấn vào nhau. Cô buông cặp xách, túi đồ ăn mua về rơi vung vãi trên nền nhà. Đôi mắt long lanh thường ngày vằn lên những tia máu giận dữ, giọng cô run rẩy, đau đớn:

    – Mẹ.. đang làm gì vậy?

    – Mẹ, Nghi à.. – Bà cuống quýt mặc quần áo rồi chạy lại ôm Nghi, cô đẩy ra. Gương mặt lộ rõ vẻ khinh bỉ

    – Xác ba tôi còn chưa lạnh mà bà làm gì vậy? Bà thèm thuồng cỡ đó sao? Bà ra ngoài làm gì thì làm, nhưng sao bà dám..

    – Mẹ xin lỗi, nhưng không phải..

    – Đồ đĩ

    Và một cái tát giáng xuống bỏng rát, hằn nguyên năm ngón tay lên một bên má mỏng manh của đứa con gái mới lớn. Nghi lao đi, chạy như điên dại giữa bóng tối đang phủ xuống cô quạnh và màn mưa trắng xóa. Nướt mắt rơi giàn dụa, ướt đẫm. Miên chạy theo níu cô lại nhưng cô đẩy anh ra. Sau lần đó Nghi dọn qua sống với anh Hai. Được hai tháng thì cô bỏ ngang lớp cao đẳng nghề ở quê rồi lên thành phố. Tiền dành dụm được Nghi thuê phòng trọ, đi làm và đăng kí học đại học bổ túc buổi tối. Miên sang Nhật trước cô hai tuần. Thấm thoắt từ đó đến giờ đã được mấy năm.

    Miên mang từ nhà sang cho cô một bát cháo nóng. Anh nhìn Nghi nằm co ro trên giường với gương mặt xanh xao và đôi mắt vô hồn.

    – Em dậy ăn chút đi, coi chừng lại ốm

    – Anh về đi, không ba lại mắng

    – Em vẫn ghét ba hả? Em nhỏ mọn thế à? – Miên hỏi và nhìn sâu vào mắt cô

    – Ừ, ba anh chẳng bảo con của đĩ thì cũng làm đĩ còn gì – Nghi nói chậm rãi, giọng đều đều không lộ chút cảm xúc gì

    – Mẹ em mất rồi, sao em còn nhắc

    – Mẹ có chết thì người ta cũng đâu có quên việc bà từng làm. Ba em là là thằng đàn ông nhu nhược, mẹ em là con điếm lẳng lơ, em là kết quả của hai con người đó. À mà chưa chắc, dân làng này còn bảo không biết em là con của ai

    – Em thôi đi

    – Mẹ chết là xong, ba em, anh Hai cũng vậy. Còn một mình em..

    Nước mắt Nghi lặng lẽ rơi xuống. Miên lấy tay vụng về lau đi và ôm cô vào lòng vỗ về. Bát cháo để trên bàn đã nguội lạnh tự lúc nào.

    Mộ mẹ được chôn cất cùng nghĩa trang với ông bà ngoại như lời bà trân trối. Mộ ba và anh Hai thì được chôn ở nghĩa trang trong xóm, cách đó chừng mười mấy cây số. Sau đám làm tuần của mẹ thì Nghi vào lại thành phố. Căn nhà để lại cho chị dâu với cuTin trông coi và hương khói dùm. Lần sau cùng đứng nhìn nụ cười nhẹ nhàng của bà trong di ảnh, Nghi thấy lòng thanh thản kỳ lạ. Những làn khói mỏng manh bay lên rồi tan biến, giống như cuộc đời của mỗi người đã nằm xuống. Nghi nhìn lên cao, hình dung ra ba, anh Hai đang mỉm cười với cô. Mẹ cũng ở đó nhưng rất xa hai người. Bà cười và hỏi cô có tha thứ cho bà không. Nghi chưa kịp nói gì thì đám mây đã tan đi nhè nhẹ, quyện vào gió như làn khói trong những bữa cơm chiều trước kia.

    – Hãy sống tốt ở bên kia, mẹ nhé

    Cô mỉm cười và bước đi. Lúc nghĩa trang chỉ còn lại thấp thoáng bóng cây thánh giá trên đầu mấy ngôi mộ thì Nghi ngoái lại lần nữa. Có lẽ lòng Nghi đã chất chứa quá nhiều hận thù và đau đớn. Bây giờ mọi thứ đã đi qua, và dù có tha thứ hay không thì có một điều vẫn không thay đổi, đó chính là dòng máu đang chảy trong người cô. Người phụ nữ đó mãi mãi là mẹ, là người ban cho cô hình hài và chưa một lần tính toán công nuôi dưỡng. Dù vậy cô biết có một điều có thể khác đi, đó là Nghi sẽ không sống một cuộc đời giống mẹ. Từ bây giờ cô sẽ xếp lại những hằn học, oán hận, nỗi buồn để thật hạnh phúc. Nghi đưa tay lên như vẫy chào ai đó, lần cuối cùng.

    Miên đón cô ở ngoài đường chính. Hôm nay anh lên lại thành phố nên tiện đường cho cô đi nhờ. Đó là Miên nói vậy, và Nghi nghĩ vậy. Họ im lặng suốt đoạn đường chạy xe cả tiếng đồng hồ, chỉ thi thoảng anh ngoái lại xem cô còn ngồi sau xe hay không.

    – Cám ơn anh nha – Nghi xuống xe và tháo mũ bảo hiểm trả anh

    – Ừm, em vào đi

    Anh quay xe ra thì có tiếng cô nói nhỏ nhẹ, hơi ngập ngừng:

    – Ăn tối với em không?

    * * *

    – Hay anh có hẹn thì khi khác cũng được – Cô nói chữa thẹn khi thấy Miên im lặng

    – Nấu món canh chua đi, lâu rồi anh không được ăn

    Cô cười, Miên cũng cười. Khi đang ăn thì anh quay sang hỏi cô đã mở hộp quà anh tặng chưa. Cô lắc đầu.

    – Hèn chi – anh mím môi – sao không mở coi có gì?

    – Tại gói đẹp quá nên em tiếc

    Miên nhíu mày rồi đưa tay cốc vào đầu cô một cái đau điếng.

    Cô nằm trằn trọc không ngủ. Cái vòng tay nặng trĩu, buôn buốt lạnh đeo ở tay cứ thấy lạ lẫm. Nghi mở điện và ngắm cái vòng có hai viên đá lồng vào nhau, bên trong có khắc chữ nhỏ xíu. Miên gói chiếc vòng này bên trong một chiếc khăn Tenugui màu tím, bên trên là tấm thiệp có dòng chữ "Quà đẹp nhất cho..". Tấm thiệp còn ghi thêm vài dòng nắn nót, đều đặn giống hệt chữ trong tấm thiệp Noel cũ. Cô lấy điện thoại gởi một tin nhắn dù biết giờ này anh đã ngủ rồi. Tin nhắn vừa gởi đi thì đã có ngay tin nhắn hồi âm. Nghi bật cười thành tiếng, trái tim không dưng bồi hồi như lần đầu tiên họ nắm tay nhau.
     
    Last edited by a moderator: 16 Tháng mười 2018
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...