Who là gì? Đôi điều về tổ chức WHO

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Nhật Thiên Thanh, 4 Tháng hai 2020.

  1. Nhật Thiên Thanh

    Bài viết:
    179
    Chào các tình yêu, trong bài Dịch Bệnh Là Gì? Đại Dịch Là Gì? Các Đại Dịch Trong Lịch Sử, mình có đề cập đến từ WHO. Tiện đây, mình giải nghĩa luôn nhé!

    1. WHO Là Gì?

    Khi nói đến "Who", thì chắc các bạn sẽ nghĩ ngay đây đơn giản chỉ là một từ tiếng Anh thông dụng, với nghĩa là "Ai/ Người nào/ Kẻ nào" thôi đúng không nè? Suy nghĩ này cũng không sai đâu nha.

    Chỉ là bạn chưa biết rằng, điều kỳ diệu của từ "Who" khi được viết in hoa cả ba chữ cái thành WHO thì lại có nghĩa là tên viết tắt của một tổ chức mang tầm cỡ thế giới, và trực thuộc Hợp đồng kinh tế và xã hội thế giới – ECOSOC của Liên Hợp Quốc.

    Trong Liên Hợp Quốc có rất nhiều các cơ quan đầu não quan trọng, và WHO là một trong số đó. Đây chính là Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) có các nước thành viên trải rộng trên khắp các châu lục. Từ khi thành lập đến nay WHO đã có vai trò hết sức quan trọng trong cộng đồng y tế trên toàn cầu, nhờ đóng góp những nghiên cứu y khoa lớn, và các vấn đề sức khỏe con người.

    2. WHO là viết tắt của từ gì? WHO tiếng Anh là gì?

    [​IMG]
    W: World

    H: Health


    O: Organization

    World Health Organization: Đây là tên gọi tiếng Anh chính thức và đầy đủ nhất của Tổ chức Y Tế Thế Giới, được Liên Hợp Quốc công bố.

    3. WHO tiếng Pháp là gì?

    Đối với tiếng Pháp, Tổ chức Y Tế Thế Giới được viết tắt là OMS, tức Organisation mondiale de la santé.

    4. Lịch Sử Hình Thành Của Tổ Chức WHO:

    Ý tưởng thành lập một tổ chức y tế toàn cầu được bắt đầu sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, khi các nước đồng minh họp tại San Francisco để thảo luận việc thành lập Liên hợp quốc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ra đời và bắt đầu hoạt động từ ngày 7/4/1948 với 53 thành viên sáng lập. Sau đó,trở thành tổ chức chuyên môn của Liên Hiệp Quốc từ ngày 10/7/1948. Ngày 7 tháng 4 hàng năm được chọn là Ngày Y tế Thế giới. Trụ sở của WHO đặt tại Geneva, Thụy Sĩ.

    WHO là tổ chức trong hệ thống Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm về lĩnh vực y tế toàn cầu, đưa ra các tiêu chuẩn, hướng dẫn y tế, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, giúp các nước giải quyết các vấn đề y tế công cộng, tăng cường nghiên cứu y tế.

    Tính đến 2015 tổ chức WHO đã có tới 194 thành viên là các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương theo phân chia của WHO.

    Cứ vào tháng 5 hàng năm, WHO lại tổ chức cuộc họp tổng hợp các thành viên, và đề cử Tổng giám đốc bằng những chính sách tài chính cùng với ngân sách chương trình của WHO.

    5. Cơ Cấu Tổ Chức:

    Các cơ quan chính của WHO bao gồm Đại hội đồng, Hội đồng chấp hành và Ban Thư ký.

    Đại hội đồng: là cơ quan ra quyết định tối cao của WHO, họp hàng năm tại Geneva, Thụy Sĩ vào tháng 5 với sự tham dự của tất cả các nước thành viên. Đại hội đồng có nhiệm vụ thông qua các chính sách của WHO; bầu cử các nước được đề cử đại diện vào Hội đồng chấp hành WHO; bầu Tổng Giám đốc WHO; xem xét và thông qua các báo cáo và hoạt động của Hội đồng chấp hành và của Tổng Giám đốc WHO; giám sát chính sách tài chính, xem xét và thông qua ngân sách chương trình của WHO.

    Hội đồng chấp hành: gồm 34 thành viên, có nhiệm kỳ 3 năm, do Đại hội đồng bầu ra. Hội đồng chấp hành họp ít nhất 2 lần/năm. Nhiệm vụ của Hội đồng chấp hành là thực hiện các quyết định và chính sách của Đại hội đồng, góp ý kiến về các vấn đề được Đại hội đồng WHO tham khảo hoặc thực hiện các nhiệm vụ do các công ước, hiệp định quy định; và thúc đẩy hoạt động của Đại hội đồng.

    Ban thư ký: gồm khoảng 800 người gồm các chuyên gia về y tế và các nhân viên, dưới sự lãnh đạo của Tổng Giám đốc WHO, do Đại hội đồng bầu ra. Tổng Giám đốc WHO hiện nay là ông TEDROS ADHANOM GHEBREYESUS, người Ethiopia, được Đại hội đồng WHO khóa 70 vào tháng 5/2017 tại Geneva bầu giữ chức vụ này nhiệm kỳ từ 2017-2022.

    Từ khi thành lập đến nay, WHO có tất cả 9 vị tổng giám đốc đến từ các nước khác nhau. Không có nhiệm kỳ cụ thể dành cho mỗi tổng giám đốc. Khi nào tổ chức cảm thấy cần thay đổi người đứng đầu sẽ họp với nhau và biểu quyết. Đôi khi nếu vị tổng giám đốc nào đó mất đột ngột thì sẽ tiến hành cử một người tạm quyền cho đến khi tìm được tổng giám đốc nhiệm kỳ mới.

    Tổng giám đốc WHO qua từng thời kỳ:

    - Brock Chisholm (Canada): nhiệm kỳ 1948 – 1953.
    - Marcolino Gomes Candau (Brasil): nhiệm kỳ 1953 – 1973.
    - Halfdan T.Mahler ( Đan Mạch): nhiệm kỳ 1973 – 1988.
    - Hiroshi Nakajima (Nhật Bản): nhiệm kỳ 1988 – 1998.
    - Gro Harlem Brundtland (Na Uy): nhiệm kỳ 1998 – 2003.
    - Lee Jong Wook (Hàn Quốc): nhiệm kỳ 2003 – 2006 (mất 22/5/2006).
    - Andres Nordstrom (Thụy Điển): nhiệm kỳ 2006 (tạm quyền).
    - Trần Phùng Phú Trân (Hồng Kông): nhiệm kỳ 2006 – 2017.
    - Tedros Adhanom (Ethiopia): 2017 – nay.

    [​IMG]

    Văn phòng:
    Để thuận tiện trong việc nghiên cứu cũng như giúp đỡ sức khỏe loài người, WHO có 6 Văn phòng khu vực trên thế giới tập trung vào các vấn đề y tế đặc thù của khu vực. Ngoài ra có 150 Văn phòng Đại diện ở các nước thành viên. Điển hình là:

    - Văn phòng WHO tại châu Mỹ được đặt tại Hoa Kỳ.
    - Văn phòng WHO tại Tây Thái Bình Dương là Philippines.
    - Văn phòng WHO tại Đông và Nam Á là Ấn Độ.
    - Văn phòng WHO tại châu Âu là Đan Mạch.
    - Văn phòng WHO tại châu Phi là Congo.

    6. Mục Tiêu Của WHO:

    Mục tiêu mà WHO hướng tới đó là mang tới một cộng đồng có sức khỏe đảm bảo. Khẩu hiệu chính của tổ chức đã được đưa ra vào năm 1977 đó là sức khỏe cho tất cả mọi người vào năm 2000. Cho tới thời điểm hiện tại, WHO cũng đã đưa ra những định hướng nhất định để nhằm đạt được các mục tiêu sau đây:

    • Giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh, tử vong quá cao, nhất là với các quốc gia kém phát triển.

    • Giảm những tác nhân gây ra ảnh hưởng xấu tới sức khỏe như hành vi, xã hội, kinh tế, môi trường. Thay vào đó là cổ vũ những lối sống tích cực.

    • Tạo ra một hệ thống y tế đảm bảo chất lượng từ đó giúp nâng cao sức quả của đại bộ phận cư dân trên thế giới.

    • Đưa ra những chính xác, thể chế thuận lợi để ngành y tế phát triển. Tiếp tục đưa ra chính sách để môi trường, xã hội, kinh tế cùng phát triển.

    7. Quá Trình Hoạt Động Của WHO:

    Để có vị trí vững chắc cũng như được sự tin tưởng của nhiều người, tổ chức WHO đã từng bước có những nghiên cứu, chính sách phù hợp, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Qua từng năm, tổ chức lại ghi lại dấu ấn từ những hoạt động vì cộng đồng và được hưởng ứng nhiệt tình. Cùng điểm qua những hoạt động tiêu biểu đáng chú ý từ lúc tổ chức được thành lập nha:

    [​IMG]

    Năm 1947:
    thành lập dịch vụ "thông tin dịch tễ học" bởi mạng telex.

    Năm 1950: sử dụng vắc – xin chữa bệnh lao.

    Năm 1955: phát động phong trào loại trừ bệnh sốt rét.

    Năm 1958: kêu gọi toàn thế giới chung tay loại bỏ bệnh đậu mùa.

    Năm 1965: nghiên cứu và cho ra báo cáo đầu tiên về bệnh đái tháo đường. Thành lập Cơ quan nghiên cứu ung thư Quốc tế.

    Năm 1967: đóng góp tổng cộng 2.4 triệu đô la cho các nghiên cứu và hoạt động loại bỏ đậu mùa trên toàn thế giới. Cùng với đó phát động nghiên cứu về bệnh nhiệt đới.

    Năm 1974: mở rộng tiệm chủng bệnh giun chỉ trên toàn thế giới.

    Năm 1979: thông báo bệnh đậu mùa đã được loại bỏ hoàn toàn.

    Năm 1986: khởi động chương trình ngăn chặn HIV/ADIS toàn cầu.

    Năm 1988: lên kế hoạch xóa sổ hoàn toàn bệnh bại liệt trên toàn cầu.

    Năm 1998: kỷ niệm 50 năm ngày thành lập tổ chức. Tổng giám đốc WHO thông báo về sự quan trọng của trẻ em cũng như thông báo về việc giảm tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh và tăng tuổi thọ, giảm thiểu các bệnh nguy hiểm.

    Năm 2001: ghi nhận 68% tỷ lệ tử vong của bệnh sởi đã được khắc phục.

    Năm 2002: thành lập Quỹ Toàn cầu chống AIDS, Lao và Sốt rét.

    Năm 2007:
    thống báo về giải pháp phòng chống HIV/AIDS đã được chứng thực.

    Ngoài ra, WHO tham gia trợ giúp các quốc gia thành viên, cung cấp thông tin chính xác, địa chỉ đáng tin cậy trên lĩnh vực y tế và sức khỏe. WHO sẽ đứng ra giải quyết những vấn đề cấp bách về sức khỏe cộng đồng và dịch bệnh trên toàn thế giới.

    Kể từ khi được thành lập, Tổ chức Y tế thế giới đã đóng vai trò hàng đầu trong việc loại trừ bệnh đậu mùa. Ưu tiên hàng đầu hiện nay của WHO bao gồm:
    • Các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là HIV/AIDS, Bệnh Ebola, sốt rét và lao.
    • Giảm thiểu những tác động của bệnh không truyền nhiễm.
    • Theo dõi sức khoẻ sinh sản và tình dục, sự phát triển và tuổi già.
    • Dinh dưỡng, an ninh lương thực và ăn uống lành mạnh.
    • Sức khỏe nghề nghiệp.
    • Lạm dụng thuốc kháng sinh.
    • Thúc đẩy sự phát triển của các báo cáo, các ấn phẩm và kết nối mạng toàn cầu.

    8. Tiêu Chuẩn GMP Của WHO Là Gì?

    GMP có tên tiếng Anh đầy đủ là Good Manufaturing Practice, có nghĩa là tiêu chuẩn về an toàn trong quá trình sản xuất các sản phẩm. Tiêu chuẩn này liên quan mật thiết đến sức khỏe con người và được các ngành nghề quan tâm, nhất là ngành dược học – sản xuất thuốc. Ngoài ra, đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng hàng đầu cho việc xây dựng và phát triển các tiêu chuẩn an toàn như ISO22000.

    Tiêu chuẩn GMP được WHO đưa ra các yêu cầu bắt buộc về an toàn sức khỏe cho con người, đặc biệt chú trọng và áp dụng trong quá trình chế biến 4 dòng sản phẩm: thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm và thiết bị y tế. Trong mỗi sản phẩm, tiêu chuẩn GMP không chỉ áp dụng với duy nhất bộ phận sản xuất mà còn áp dụng với toàn bộ công ty.

    Khi một doanh nghiệp đạt được tiêu chuẩn GMP thì sẽ tạo được lòng tin với khách hàng, nhà phân phối. Thể hiện sự nghiêm túc và có trách nghiệm trong vấn đề an toàn sức khỏe con người. Cùng với đó gia tăng chất lượng sản phẩm, đáp ứng những yêu cầu gắt gao của các nước phát triển, tăng khả năng cạnh tranh hơn và giúp doanh nghiệp phát triển.

    9. Quan Hệ Giữa Việt Nam Với WHO:

    Việt Nam thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO. Từ khi chính thức gia nhập và hợp tác với WHO vào năm 1976, Việt Nam đã nhận được rất nhiều hỗ trợ về mặt tài chính cũng như những chương trình quốc tế, khu vực của WHO. Cứ mỗi khóa 2 năm, WHO sẽ tài trợ cho Việt Nam một khoản tiền để thúc đẩy phát triển y tế hoặc triển khai hoạt động.

    Khóa 2008 – 2009: Việt Nam được WHO hỗ trợ 20 triệu đô la Mỹ.

    Khóa 2010 – 2011: WHO hỗ trợ khoảng 34 triệu đô la Mỹ.

    Khóa 2012 – 2013: hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai các nội dung liên quan đến Y tế như: giảm bệnh truyển nhiễm, phòng chống và ngăn chặn HIV/AIDS, lao,... Cùng với đó là giúp khắc phục các hậu quả y tế do thiên tai gây ra.

    Khóa 2014 – 2015: tiếp tục hỗ trợ về y tế cho Việt Nam với tổng chi phí là 18.5 triệu đô la Mỹ.

    Khóa 2016 – 2017: WHO cung cấp tới 21 triệu đô la Mỹ cho các chương trình giảm thiểu bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, sốt rét, lao,...

    Khóa 2018 – 2019: tiếp tục với tổng kinh phí 21 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ bộ Y tế đưa ra các thông báo và nghiên cứu về sức khỏe.

    10. Các Ngày Lễ WHO Đã Khởi Xướng:

    Bên cạnh các hoạt động về y tế trên thế giới, thì tổ chức WHO cũng đã khởi xướng các ngày lễ trong năm nhằm tôn vinh nghĩa cử cao đẹp và các bệnh nhân.
    • Ngày 4/2: Ngày Ung Thư Thế Giới

    • Ngày 24/3: Ngày Thế giới phòng chống lao

    • Ngày 7/4: Ngày Sức khỏe thế giới

    • Ngày 24-30/4: Tuần lễ tiêm chủng thế giới

    • Ngày 25/4: Ngày Sốt rét thế giới

    • Ngày 31/5: Ngày thế giới không thuốc lá

    • Ngày 14/6: Ngày hiến máu thế giới

    • Ngày 28/7: Ngày viêm gan thế giới.
    WHO là một trong những tổ chức lớn trên thế giới. Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của WHO cho nhân loại. Các nước, khu vực trên thế giới tham gia tổ chức với mong muốn cải thiện sức khỏe người dân. Tất cả đều vì một thế giới khỏe mạnh, đẩy lùi bệnh tật.
     
    LibertyBụi thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...