VỘI VÀNG "Tôi muốn tắt nắng đi Cho màu đừng nhạt mất Tôi muốn buộc gió lại Cho hương đừng bay đi" Mọi sự trên đời đều có một quy luật riêng của nó, vì muốn níu giữ những điều tươi đẹp mà thi sĩ Xuân Diệu mong muốn có thể "tắt nắng" và "buộc gió". Nhưng điều này là không tưởng, bởi chẳng ai có thể điều khiển được thiên nhiên. Vừa mong muốn níu giữ, vừa không thể chống lại quy luật của tự nhiên; phải chăng chính sự mâu thuẫn này đã khiến tác giả nghĩ tới một cách làm khác – "sống vội". Thi nhân không những vội vã cho mình mà còn cảm nhận được sự vội vã của cảnh vật quanh mình trong những dòng tiếp theo của "Vội vàng" : "Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất * * * Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo phi Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa.." Người ta vẫn nói nghệ sĩ là người có trái tim đa sầu đa cảm. Ai cũng mong muốn thời gian có thể ở lại lâu hơn một chút, nhưng rồi ai cũng đành phải chấp nhận sự thật là không ai cản được thời gian trôi đi. Không phải Xuân Diệu không hiểu năng lực của con người là có hạn. Nhưng trái tim với tình yêu và nhiệt huyết sôi trào không cho phép ông để thời gian cứ trôi qua mà không thể làm gì được, càng ý thức được sự tuyến tính của thời gian, người nghệ sĩ càng nóng lòng hơn nữa: "Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già" Cụm từ "nghĩa là" được nhắc lại hai lần thể hiện một lời giải thích, một sự suy đoán. Sự suy đoán ấy của nhà thơ không hoàn toàn vô lý, bởi nhà thơ có những cảm nhận rất rõ ràng trong cái đến đã có cái đi, trong cái non tơ đã thấy sự héo tàn. Đến rồi đi, non rồi già, những quy luật của tự nhiên khi đi vào câu thơ lại gợi ra một nhịp thời gian thật vội vã: "Mau với chứ, vội vàng lên với chứ/ Em, em ơi, tình non đã già rồi". "Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất" Một trái tim tươi trẻ thật khó để chấp nhận được sự già nua mà tạo hóa bắt nó phải nhận lấy. Với nhà thơ, "xuân" hết nghĩa là mọi thứ xung quanh đều trở nên vô nghĩa. Sẽ thật là tàn nhẫn nếu như thời gian cứ vội vã đi qua mà không cho người ta cơ hội cháy hết mình: "Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật Không cho dài thời trẻ của nhân gian Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn Khi tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại" Đông qua xuân tới, tự nhiên vĩnh cửu cứ nhìn từng lớp người ra đi. Còn thi sĩ, thi sĩ lại chẳng thể làm gì hơn là chấp nhận "tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại". Người ta luôn cần một trái tim trẻ để yêu thương, để ấp ủ và chinh phục những ước mơ hoài bão. Sẽ thật vô nghĩa nếu mùa xuân vẫn đến nhưng lại dần mang đi những nhiệt huyết tuổi trẻ. Nhà thơ như hờn trách trước những bước đi của thời gian, cũng là hợp lý thôi khi mà "Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi". Không còn trái tim "mùa xuân" đối với thi nhân đã là một sự thật khó chấp nhận, nay thời gian lại là hữu hạn với tất cả mọi người. Thi sĩ bắt đầu cảm thấy nuối tiếc, nuối tiếc vạn vật, nuối tiếc "cả đất trời". Chính sự vô hạn của đất trời đã làm cho trái tim thi nhân thổn thức niềm tiếc nuối. "Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt Con gió xinh thì thào trong lá biếc Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo phi Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa" "Than thầm, hờn dỗi, đứt, sợ", một loạt những tính từ và động từ đã thay lời tác giả diễn tả tâm trạng của vạn vật, cũng là tâm trạng của chính thi nhân trước bước chảy trôi nhanh chóng của thời gian. Đâu đâu cũng có mùi vị của sự chia phôi, gió không muốn những vần phải bay đi, những chú chim giật mình nhận ra sự "phai tàn sắp sửa". Vạn vật chịu sự chi phối của thời gian, nên một khi thời gian chảy trôi nhanh chóng thì bất cứ nơi đâu, bất cứ loài vật nào cũng có thể giật mình "hờn dỗi". "Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ" (Sóng-Xuân Quỳnh). "Để ngàn năm còn vỗ" có lẽ cũng chính là một trong những mong muốn mãnh liệt của Xuân Diệu. Càng muốn níu giữ thời gian thì thời gian càng vụt qua nhanh chóng, càng muốn níu giữ tuổi xuân thì "xuân đi xuân lại lại" chỉ vài lần là "xuân sẽ già". Vậy thi sĩ với trái tim khao khát yêu đương phải làm sao? Nếu đã không thể khiến thời gian thay đổi vì mình, thì chỉ có cách là mình thay đổi theo nó, mà cách thức tác giả có thể nghĩ tới lúc này chính là "Vội vàng". Vội lên để thâu tóm lấy tất cả những gì là tươi đẹp. Được mệnh danh là "ông hoàng thơ tình", Xuân Diệu luôn bằng cách tư duy và ngôn ngữ giàu hình ảnh để đưa người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Với đoạn thơ giữa trong "Vội vàng", thi sĩ đã nhẹ nhàng nhắc nhở người ta về sự tuyến tính của thời gian. Xuân đi rồi xuân lại đến, nhưng mùa xuân sau sẽ chẳng còn như mùa xuân đã qua nữa. Xuân Diệu đã sớm nhận ra mình cần "vội vàng" hơn để tận hưởng tuổi trẻ, để tận hưởng cuộc sống tươi đẹp, còn chúng ta, sau khi được nhà thơ nhắc nhở, sống sao cho không uổng phí năm tháng chính là một câu hỏi mà ai cũng phải tự tìm ra lời giải cho mình.