Vô tâm Tác giả: Mai Trang Thể loại: Truyện ngắn Trời chiều còn nắng chói chang, giọng thằng Út đã lanh lảnh sau nhà: - Tèo ơi, chăn trâu! Thả trâu ra ngã ba, tau chờ nghe! - Ủa, chứ hôm qua mi rủ tau chăn trâu ngoài mé sông để bắt cá, răng chừ lại xuống ruộng? - Xuống ruộng thả diều, mấy thằng xóm cát thách tụi mình thả diều thi, thôi thả trâu ra đi, tau chờ! - Ừ. Cái nắng mùa hè gay gắt ở cái miền quê này đôi khi làm con người ta trở nên bực bội và khó chịu hơn dưới những căn nhà mái tôn ọp ẹp và thấp lè tè. Thế nhưng khi đã xuống ruộng hoặc ra bãi sông thì gió mát rượi cả người. Hai thằng đen nhẻm cởi trên hai con trâu cũng đen nhẻm, vừa đi vừa hát hờ hát hõng. Trên tay mỗi thằng cầm một con diều. Nhưng diều thằng Út "sang trọng" hơn vì chị nó mua, được làm bằng vải với màu sắc sặc sỡ. Diều thằng Tèo là do tự nó "sản xuất", bằng giấy, nhưng khả năng bay cao cũng đáng gờm lắm lắm. Bởi vậy, đứa nào cũng quý con diều của mình. Xuống đến ruộng, lũ trẻ con thả rông mấy con trâu, mặc kệ chúng muốn gặm cỏ hay ngắm cảnh thì tùy! Lúa đã thu hoạch xong, chỉ còn lại rơm rạ và cỏ nên cũng không có gì đáng ngại. Những cánh diều bắt đầu vút cao, cao dần, cao dần giữa bầu trời xanh ngắt không một gợn mây. Thằng Út, thằng Tèo, đầu trần, mình trần, chân trần, chỉ mặc mỗi cái quần xà lỏn, chạy tới, chạy lui, điều khiển dây diều, đầu ngoái trời xanh, mắt không rời con diều, miệng cười nói í ới. Người lớn đi qua, nhìn âu yếm, mỉm cười và nhớ đến tuổi thơ.. - Về Út, mặt trời xuống núi rồi kìa! - Còn sớm mà, chơi chút nữa đi! - Thôi về! Không thôi tau bị ăn đòn! Thằng Út lần này im lặng, dắt trâu lên hướng bờ kênh để về. Thằng nhỏ biết ba của Tèo rất nghiêm khắc và sẵn sàng đánh đòn mỗi khi nó làm gì sai. Thằng Út thì khác, nó là con trai duy nhất nên được cưng hơn và ít bị ăn đòn hơn. Trên con đường đê còn thơm mùi rơm lúa mới, mọi người lục tục về, tiếng nói cười râm ran. Gió chiều dịu dịu không chỉ làm mát da, mát thịt, mà mát cả tâm hồn. Những đứa con xa quê mỗi lần trở về chỉ cần cảm nhận được mùi hương gió quê trong lành này là đã thỏa nỗi nhớ quê. Phía cuối con đê, có hai đứa trẻ chăn trâu, khoát vai nhau, đi nghênh ngang như hai ông cụ non, thỉnh thoảng lại cười hí hí, ra chiều thân mật lắm. "Người lớn" đi phía sau, mỉm cười âu yếm.. Mà tính ra thì hai đứa cũng thân nhau thật, nhà sát vách nhau, học chung trường, lại là đôi bạn chăn trâu, suốt ngày quấn lấy nhau. Thằng Út nhướng cổ qua bờ rào í ới vài tiếng là thằng Tèo có mặt. Ngược lại, Thằng Tèo huýt gió một cái, thằng Út sẽ xuất hiện. Hôm nay cũng vậy, nhà thằng Út làm mì quảng, nó lại vách bờ rào: - Tèooooooooooooo! - Chi rứa mi? - Qua nhà tau ăn mì cá lóc. - Ủa, nhà mi đám giỗ hả? Sao không mời nhà tau? - Không phải, chị hai tau học ở thành phố, bữa ni về, kêu thèm mì quảng, rứa là má tau làm. - Trời, ở thành phố về thèm gì không thèm, lại thèm mì quảng, răng lạ rứa? - Chị tau nói, mì quảng là món ăn đặc trưng của quê mình nên chỉ có về quê mình ăn mới ngon. - "Đặc trưng" là răng? - Tau cũng không biết, nhưng nói chung là hình như chỉ có quê mình mới có mì quảng, quê khác không có. - Ủa, vậy ở chỗ khác không có mì quảng hả? Vậy đến đám giỗ thì người ta nấu cái gì? - Thằng Tèo ngơ ngác. Thằng Út cũng bí, nên nổi quạu: - Ai biết, mi có ăn thì qua ăn, mệt! Thằng Tèo chưng hửng nhưng cũng lon ton qua nhà thằng Út. Món mì cá lóc má thằng Út làm ngon phải biết, nước nhưn ngọt lịm, cá lóc vàng thơm phưng phứt, mấy hột đậu phụng giòn rụm. Ngon ơi là ngon. Hai thằng hì hụp húp sột sột. Nghe người lớn bảo ăn mì quảng với ớt xanh thì mới cảm nhận được cái ngon của món mì quảng. Có thêm miếng bánh ráng giòn giòn nữa lại càng tuyệt. Thế nhưng với hai thằng con nít, như thế là tuyệt lắm rồi. Với cái bụng no tròn, hai thằng ra hiên ngồi hóng mát. - Má mi nấu mì ngon thiệt là ngon. - Chứ còn gì nữa. Má tau mà! - Thằng Út hãnh diện. - Thiệt ra má tau nấu cũng ngon. Nhưng chỉ đến đám giỗ thì nhà tau mới làm món mì quảng. Cả hai thằng im lặng. Chúng biết lí do vì sao nhà thằng Tèo chỉ đến đám giỗ mới làm món mì quảng, vì nhà nó nghèo. Nói chung cả cái xóm này, người nghèo nhiều hơn người giàu. Con người ở đây thì lam lũ, cần cù, chăm chỉ làm ăn nhưng cái nắng, cái mưa ở nơi này khắc nghiệt lắm. Bão lụt lại thường xuyên xảy ra. Thằng Tèo và thằng Út đều chỉ mới 10 tuổi nhưng tỏ ra rất hiểu chuyện. Hai đứa không nói gì, nằm ngửa ra sân, ngước mắt nhìn những vì sao đêm lấp lánh.. - Tèo nì! - Chi? - Lớn lên mi muốn làm gì? - Lái máy bay. - Trời! - Thì như rứa mới được ngồi máy bay, chứ nhà tụi mình nghèo, làm gì có tiền đi máy bay! - Ớ há. Còn tau, tau thích làm giàu. Chỉ cần giàu rồi, muốn ăn bánh kẹo gì cũng được. - Nhưng làm gì để giàu được? - Tau không biết. Nhưng tau sẽ không giống như chị hai của tau đâu. - Chị hai mi răng rứa? - Nghe má tau than thở là chị hai tau học hết cơm hết gạo rồi giờ ở ngoài thành phố muốn chị tau ở lại làm mà chị hai tau cứ nằng nặc đòi về quê mình làm. - Ủa, về quê mình sống thì có làm răng đâu? - Nghe má tau nói quê mình nghèo quá, chỉ có đi khỏi nơi đây mới giàu được. - À.. cái đó tau cũng không biết, tau học dốt vậy chắc lớn lên cũng chăn trâu cày ruộng như ba mẹ tau thôi. Mà mi sau này giàu rồi có chơi với người nghèo như tau không? - Hì hì, mi lo xa quá. Cuộc nói chuyện đến đây chấm dứt. Vì hai đứa trẻ đã chìm vào giấc ngủ ngay trước hiên nhà, vô tư và đáng yêu. Người lớn bồng con nít vào giường, mỉm cười yêu thương: "đúng là vô tư như con nít" - Người lớn thầm nghĩ. * * * Thời gian thấm thoát thoi đưa. Những kỷ niệm như những thước phim quay chậm cứ hiện về, từng mảng, từng mảng. "Người lớn" ngồi trầm ngâm trước hiên nhà, mưa vẫn rơi nặng hạt một cách lạnh lùng và tàn nhẫn. Chút lành lạnh len lỏi vào từng thới thịt, vào từng dòng máu đang chảy trong cơ thể, " người lớn" thấy buốt đau. Bỗng từ đâu trong miền ký ức thẳm sâu văng vẳng tiếng cười trong vắt trong vẻo của hai đứa trẻ chăn trâu. Còn nữa đâu những buổi chiều í ới gọi nhau thả diều, còn nữa đâu những ước mơ xanh màu tuổi thơ, những cái thèm, cái đói, những hồn nhiên vụng dại.. Tèo ơi, Út ơi.. Giọt nước mắt "người lớn" lăn dài. Trong một buổi chiều vắng, có hai đứa trẻ câu cá bị chết đuối khi tuổi mới lên mười. Khúc sông gần nhà luôn có nhiều cá sau những trận mưa to. Chiều hôm ấy, sau mấy ngày trời mưa dai dẳng, mưa như trút nước, khúc sông nước dâng cao, các khúc kênh cũng lênh láng nước. Bọn con nít trong xóm ùa ra bắt cá. Đứa cầm nơm, đứa thả lưới, đứa vác "đó" tuôn hết ra cả khúc sông và mấy đoạn kênh. Ở cái xóm nghèo này, mỗi khi mùa mưa đến, người ta ăn những con cá trảnh, cá rô, cá diếc được bắt về từ những đứa trẻ con và xem đó như là lẽ thường tình. Khi con trẻ ra bờ sông, người lớn chỉ mong bữa tối nay sẽ có được một dĩa cá đồng kho khô hoặc vài chú rô chiên xù. "Người lớn" dường như không bận tâm đến dòng nước hôm nay chảy có xiết không, có nguy hiểm không? Tèo và Út thầm thì to nhỏ một hồi rồi vác cần câu ra sông. " Người lớn" ngồi trong nhà ngó ra mà không hề ngăn cản. Có ai ngờ dòng nước đã nhấn chìm tiếng kêu cứu cuối cùng của các em. "Người lớn" đã rất nhiều lần nghe ti vi, báo đài lên tiếng về việc trẻ em chết đuối. "Người lớn" cũng đã rất nhiều lần được cán bộ xã về tuyên truyền những điều nên và không nên để tránh chết đuối. Thế nhưng , "người lớn", chưa một lần dặn dò hay nhắc nhở con nít về những điều ấy. Đơn giản vì "người lớn" nghĩ rằng điều đó sẽ không xảy ra với con nít của chính mình. Những đứa con nít nhà nghèo thì tốt nhất là chỉ nên ăn trùng trục, lớn lên trùng trục, chứ không được phép ốm đau hay xảy ra chuyện gì. "Người lớn" không biết rằng con nít, dù được sinh ra ở một thành phố rực rỡ ánh điện, hay ở một miền quê chỉ có ánh trăng vằng vặc, dù được bảo bọc trong chăn êm đệm ấm hay suốt ngày chỉ lấm lem bùn đất, thì con nít vẫn có một tuổi thơ với những ước mơ, những tiếng cười, vẫn là những thiên thần đáng yêu nhất trên đời. Và vì vậy, con nít có quyền được sống và được yêu thương. Giờ đây, "người lớn" có ân hận, có dằn vặt thì cũng không thể nào tìm lại được tuổi thơ của Út và Tèo. Các em như những cánh diều đang vút bay giữa bầu trời cao rộng, bỗng chốc đứt dây, chới với, quay cuồng và rồi ra đi mang theo cả những ước mơ to bự của tuổi thơ: "- Lớn lên tau muốn lái máy bay!" Giá như "người lớn" đừng quá chủ quan thì con nít phải đâu chịu những cái chết đuối thương tâm như vậy?