Vịnh con cóc Bác mẹ sinh ra vốn áo sồi Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi Chép miệng dăm ba con kiến gió Nghiến răng chuyển động bốn phương trời! Lê Thánh Tông Một phiên bản khác sưu tầm trên Wikipedia: Bố mẹ sinh ra vốn áo sồi [1], Chốn nghiêm [2] thăm-thẳm một mình ngồi. Nghiến răng ba tiếng cơ trời động [3], Tắc lưỡi vài hồi chúng kiến lui [4] . Chú thích ▲ Áo sồi: Áo dệt bằng tơ gốc hoặc sợi xấu có nhiều mấu; đây nói da cóc xù-xì. ▲ Chốn nghiêm: Chỗ nghiêm trang như cung vua, công đường; đây nói hang cóc ở. ▲ nghiến răng ý nói cóc kêu. Ta thường nói: Hễ cóc nghiến răng thì trời sắp nổi cơn mưa. Cái đó cũng có lẽ, vì các giống vật như kiến, chuồn-chuồn, thường có giác-quan riêng biết trước được mưa gió. ▲ ý nói con cóc thấy kiến, thè lưỡi bắt, tép miệng ăn, làm cho đàn kiến sợ phải tránh xa. Lê Thánh Tông (1442-1497) tức Lê Tư Thành, còn có tên là Hạo, miếu hiệu Thánh Tông Thuần Hoàng đế. Ông là vua thứ tư nhà Hậu Lê, ở ngôi 38 năm (1460 - 1497), là người có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng quốc gia Đại Việt nửa sau thế kỷ XV. Ngoài ra, ông còn là một nhà thơ, nhà văn xuất sắc. Hiện thơ văn Hán Nôm của ông còn lưu lại trong nhiều cuốn sách khác nhau. Riêng về thơ quốc âm, chỉ riêng số sách ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng có tới hơn 30 văn bản có chép thơ Nôm của ông (1). Trong số ấy có Hồng Đức quốc âm thi tập được đánh giá là một cột mốc lớn trong tiến trình văn học tiếng Việt (2), và những văn bản tương đối phổ biến khác như Lê triều danh nhân thi tập, Lê Thánh Tông thi tập, Lê Thánh Tông thi, Thơ văn tịnh tạp sao.. Lê Thánh Tông làm khá nhiều thơ Nôm và chính những bài thơ ấy đã góp phần không nhỏ tạo nên vẻ đẹp thơ văn của ông. Tuy nhiên, việc xác định tác giả thơ Nôm Lê Thánh Tông gặp không ít khó khăn, bởi thơ ông thường được chép chung trong những bộ sưu tập, thi tập, lẫn lộn với thơ của nhiều người khác, chưa có một sưu tập nào chép hoàn toàn đầy đủ, lại không đề rõ xuất xứ ở từng bài thơ (3).. Hiện nay, thơ Nôm của Lê Thánh Tông vẫn ở trong tình trạng chưa bao giờ được tuyển chọn xuất bản riêng thành một tập (4). Các bộ Hợp tuyển thơ văn, các sách văn học sử, giáo trình giảng dạy và các sách đã xuất bản như Hồng Đức quốc âm thi tập, Thơ văn Lê Thánh Tông thực chất cũng mới chỉ phiên âm, giới thiệu được một số bài mà thôi. Chúng ta đã và đang tiến hành công bố tác phẩm của những tác gia Hán Nôm ưu tú dưới dạng toàn tập, trong đó có Lê Thánh Tông. Nhưng để thực hiện được điều này thì không thể không coi trọng việc sưu tầm, chỉnh lý các di sản thơ văn mà ông để lại.