Việt Nam Giai Thoại - Nguyễn Khắc Thuần

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Mạc Hồng Viên, 26 Tháng mười một 2018.

  1. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 10: Cù Thị là Cù Thị ơi!

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cù Thị (nghĩa là người con gái họ Cù) vốn quê ở Hàm Đan (Trung Quốc). Khi chưa lấy chồng, Cù Thị đã từng thông dâm với một viên quan nhà Hán là An Quốc Thiếu Quý.

    Thời Triệu Văn Vương (vua thứ hai của Nam Việt, húy là Hồ, cháu của Triệu Đà), để tiếp nối việc gìn giữ hòa khí với nhà Hán, Triệu Văn Vương đã cho con là thái tử Anh Tề sang làm con tin, nhân đó, Triệu Anh Tề đã kết hôn với Cù Thị.

    Triệu Văn Vương mất, Anh Tề được về nối ngôi, đó là Triệu Minh Vương. Cù Thị hiển nhiên trở thành Hoàng hậu của Nam Việt. Triệu Minh Vương ở ngôi được 12 năm thì mất, con là Triệu Hưng được đưa lên ngôi, đó là Triệu Ai Vương. Cù Thị là Thái hậu của vua Nam Việt.

    Nhận thấy cơ hội thôn tính Nam Việt xuất hiện ngày một rõ ràng, nhà Hán lập tức cử sứ giả sang. Và, sứ giả lần này lại chính là An Quốc Thiếu Quý, tình nhân cũ của Cù thái hậu, người mà xuân sắc xem ra vẫn còn khá mặn mòi. Phái bộ sứ giả do An Quốc Thiếu Quý cầm đầu khá đông, ngoài ra lại còn có cả một đạo quân lớn do quan Vệ úy là Lộ Bác Đức đóng ở Quế Dương để yểm trợ từ xa.

    Hành vi của An Quốc Thiếu Quý và Cù Thị đã được sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 2, từ tờ 13-a đến tờ 15-b) chép lại như sau:

    "Xưa kia, khi chưa lấy Minh Vương, thái hậu (chỉ Cù Thị) đã từng thông dâm với một người quê ở Bá Lăng là An Quốc Thiếu Quý. An Quốc là họ, Thiếu Quý là tên. Đến đây nhà Hán sai An Quốc Thiếu Quý sang dụ Thái hậu vào chầu, tương tự như các chư hầu trong nội hạt của nhà Hán. Nhà Hán lại sai bọn biện sĩ, Gián nghị đại phu là Chung Quân đi tuyên dụ, bọn dũng sĩ là Ngụy Thần theo giúp việc. Ngoài ra, còn cho quan Vệ úy là Lộ Bác Đức đem quân đóng ở Quế Dương để đợi sứ giả.

    Bấy giờ, vua còn nhỏ tuổi mà Cù Thái hậu là người Hán, cho nên, An Quốc Thiếu Quý lại thông dâm. Người trong nước biết được, phần lớn không ai chịu theo Thái hậu. Thái hậu sợ có biến loạn, bèn dựa uy của nhà Hán, nhiều lần xin vua và các quan xin nội thuộc vào nhà Hán. Thế rồi, Thái hậu nhờ sứ giả dâng thư, xin được theo lệ như các chư hầu nội hạt, cứ ba năm một lần vào chầu, triệt bỏ canh phòng ở các cửa ải (với nhà Hán). Nhà Hán bằng lòng, ban cho Vua và Thừa tướng Lữ Gia cái ấn bằng bạc và các ấn khác dùng trong triều, lại cho được quyền tự đặt các chức quan như Trung úy, Thái phó. Các hình phạt như cắt mũi, thích chữ vào mặt.. đều bãi bỏ. Nước dùng luật nhà Hán như các chư hầu nội hạt. Nhà Hán cũng sai các sứ giả ở lại để lo việc vỗ về".

    * * * "Vua và Thái hậu đã sửa sang lễ vật quý giá cùng các thứ hành trang để vào chầu.

    Bấy giờ, Thừa tướng Lữ Gia tuổi đã cao, giữ chức này trải đã ba triều, họ hàng thân thuộc làm trưởng lại có đến hơn bảy chục người, con trai thì lấy con gái của vua, con gái thì gả cho con em của vua và người tôn thất, đã thế lại còn thông gia với Tần Vương ở Thương Ngô, được lòng dân trong nước còn hơn cả Vua.

    (Lữ) Gia nhiều lần dâng thư can vua nhưng vua không nghe, vì đó, có ý chống lại, thường cáo bệnh không tiếp sứ giả nhà Hán. Các sứ giả nhà Hán đều chú ý đến (Lữ) Gia nhưng thế chưa thể giết được. Nhà vua và Thái Hậu cũng có ý lo sợ phe Lữ Gia khởi sự trước nên muôn nhờ sứ giả nhà Hán lập mưu giết Lữ Gia. Nhà vua bèn mở tiệc rượu mời sứ giả cùng các đại thần đến dự. Lúc ấy, em của Lữ Gia làm tướng, đem quân đến đóng ở phía ngoài cung.

    Khi tiệc rượu mới bắt đầu, thái hậu nói với Lữ Gia rằng:

    - Nam Việt xin nội thuộc là việc có ích cho nước nhà, tại sao tướng quân lại cho là bất tiện.

    Lời ấy cốt để chọc tức cả (Lữ Gia lẫn sứ giả). Sứ giả còn đang hồ nghi, do dự chưa dám làm gì thì Lữ Gia nhân thấy sắc mặt mọi người có vẻ hơi khác thường, liền đứng dậy bỏ ra ngoài. Thái hậu giận, muốn lấy giáo đâm (Lữ) Gia nhưng nhà vua ngăn lại. (Lữ) Gia ra chia lấy quân lính của em, về nhà cáo bệnh, không chịu gặp vua và sứ giả nữa.

    Từ đó, (Lữ Gia) cùng các đại thần ngầm tính chuyện làm loạn. Nhà vua vốn không có ý giết (Lữ) Gia và (Lữ) Gia cũng biết thế, cho nên, đến cả mấy tháng mà hai bên vẫn không động tĩnh gì. Thái hậu muốn tự mình giết (Lữ) Gia nhưng sức lại không đương nổi.

    Hoàng đế nhà Hán được tin (Lữ) Gia không tuân mệnh còn nhà vua và Thái hậu thì bị cô lập, yếu ớt đến độ không chế ngự nổi, sứ giả thì nhút nhát, không quyết đoán được việc gì, nhưng dẫu sao thì ý xin nội phụ của vua và thái hậu đã rõ, phe (Lữ) Gia chưa đáng phải dùng binh mã đến để hỏi tội, bèn định dùng Trang Sâm đem hai ngàn quân sang sứ tiếp.

    Trang Sâm nói rằng:

    - Lấy sự hòa hiếu mà sang thì vài người cũng đủ, còn như lấy vũ lược mà sang thì hai ngàn người cũng chẳng làm được gì.

    Nói rồi, (Trang) Sâm từ chối không chịu nhận mệnh. Hoàng đế nhà Hán bèn bãi chức của (Trang) Sâm. Có viên tướng coi giữ vùng phía Bắc trước đây là Hàn Thiên Thu hăng hái nói:

    - Một nước Việt cỏn con, trong thì đã có Vương và Thái hậu làm nội ứng, nay nếu cần trừng trị thừa tướng Lữ Gia thì tôi đây chỉ xin cấp cho ba trăm dũng sĩ, thế nào cũng sẽ chém được đầu (Lữ) Gia đem về.

    Nhà Hán bèn sai (Hàn) Thiên Thu cùng với em của Cù thái hậu là Cù Lạc, đem hai ngàn quân tiến vào đất Việt.

    Lữ Gia bèn hạ lệnh cho cả nước rằng:

    - Vua còn nhỏ tuổi, thái hậu vốn là người Hán nay lại cùng với sứ giả nhà Hán làm chuyện dâm loạn, quyết đưa nước nhà nội phụ vào nhà Hán, đem hết mọi thứ châu báu của tiên vương dâng cho nhà Hán để nịnh bợ, bắt nhiều người đến Trường An (kinh đô của nhà Hán) để bán cho người ta làm đầy tớ, tóm lại, chỉ nghĩ đến mối lợi riêng, không chút xót thương gì đến xã tắc của họ Triệu, chẳng hề lo đến kế lâu dài.

    Xong, (Lữ Gia) cùng với em đem quân đến đánh, giết vua và thái hậu cùng tất cả bọn sứ giả nhà Hán, rồi sai người báo cho Tần Vương ở Thương Ngô cùng hết thảy các quận, các ấp. (Lữ) Gia lập con trưởng của Minh Vương là Thuật Dương Hầu Kiến Đức lên làm vua".

    Lời bàn :

    Tư thông với An Quốc Thiếu Quý khi chưa lập gia thất, lỗi ấy của Cù Thị quả thật khó tha, nhưng dẫu sao thì đó cũng chỉ là chuyện tư đức, hậu thế đọc sử nhiều lắm cũng đến lắc đầu là cùng. Người ba đấng, của ba loài, trách chi mà làm gì.

    Tư thông với An Quốc Thiếu Quý lần thứ hai, việc làm của Cù Thị không đơn giản chỉ làm đồi bại tư đức của mình nữa. Nghĩa lớn đối với nước, tình sâu đối với quần thần, trách nhiệm đối với nhân dân.. tất cả đều bị coi thường đến độ rẻ rúng.

    Lữ Gia há không biết giết vua và thái hậu là điều vạn bất đắc dĩ, nhưng chẳng qua là thế chẳng đặng đừng đó thôi. Không có Cù Thị thì nhà Hán cũng tìm cách khác để thực hiện cho bằng được ý đồ của mình đối với Nam Việt, nhưng có Cù Thị, ý đồ đó được phủ đầy những hành vi chẳng tốt đẹp một chút nào.

    Cù Thị là Cù Thị ơi, ở nơi chín suối, bà có biết rằng hậu sinh oán giận những người làm hoen ố sử sách như bà. Đành rằng bà là người Hán, cũng đành rằng những chuyện bà làm xét ra đều ở phía Bắc biên giới hiện nay, nhưng chừng đó cũng đủ hậu sinh quay mặt với bà.

    Thương thay, nắm đất cố hương của bà!
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng mười một 2018
  2. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 11: Lược truyện Trưng Nữ Vương

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tất cả sử sách của nước nhà, bất kể là cũ hay mới, bất luận là viết ở đâu, hễ có giới thiệu về thời Bắc thuộc là thế nào cũng dành những lời trang trọng để nói về Hai Bà Trưng - hai vị nữ anh hùng đã quả cảm phát động và lãnh đạo nhân dân cả nước ta, vùng lên đập tan chính quyền đô hộ của nhà Đông Hán và lập nên nền độc lập, tự chủ trong vòng gần ba năm.

    Hai Bà Trưng là biểu tượng của ý chí hiên ngang và khí phách quật cường của cả dân tộc. Nay, xin theo những đoạn ghi chép tản mạn của sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 3, từ tờ 1-b đến tờ 4a) mà dựng lại lược truyện về Hai Bà Trưng như sau:

    "Thái thú quận Giao Chỉ là Tô Định dùng chính sự tham lam tàn bạo. Trưng Nữ Vương dấy binh để đánh" (tờ 1-b).

    "Mùa xuân, tháng hai (năm Canh Tí 40), vua khổ vì thái thú Tô Định dùng pháp luật hà khắc để trói buộc, lại thêm thù Tô Định đã giết chết chồng của mình là Thi Sách, bèn cùng với em là Trưng Nhị nổi binh, đánh vào trị sở của châu. Tô Định chạy về nước. Các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố đều hưởng ứng, (Trưng Nữ Vương) lấy được sáu mươi lăm thành ở Lĩnh Nam rồi tự lập làm vua" (tờ 2a và tờ 2b).

    "Nhà Hán thấy họ Trưng xưng vương lại dấy quân đánh vào các vùng biên thùy, bèn hạ lệnh cho các nơi như Trường Sa, Hợp Phố và cả Giao Châu sắp sẵn xe thuyền, sửa sang cầu cống, khai thông khe núi và tích chứa lương thực, đồng thời, phong cho Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, phong cho Phù Lạc Hầu là Lưu Long làm phó tướng, đem quân sang xâm lược" (tờ 2b).

    "Mùa xuân, tháng giêng (năm Nhâm Dần 42), Mã Viện đi men theo ven biển mà tiến vào nước ta, san núi làm đường đến hơn một ngàn dặm, đánh nhau với vua (chỉ Trưng Nữ Vương) ở Lãng Bạc (phía Tây của La Thành gọi là Lãng Bạc). Vua thấy thế giặc mạnh, tự thấy quân mình ô hợp, khó có thể chống nổi, bèn lui về giữ Cấm Khê (cũng có sách chép là Kim Khê). Quân sĩ cho vua là đàn bà, chẳng thể cầm cự được, bèn bỏ chạy. Quốc thống từ đó lại đứt" (tờ 2b).

    Lời bàn:

    Về Hai Bà Trưng, xin được mượn hai lời bàn của hai sử gia tiền bối lỗi lạc là Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên thay cho lời bàn của tác giả. Cả hai lời bàn này đều có trong sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỷ, quyển 3).

    - Lời của Lê Văn Hưu như sau:"Trưng Trắc và Trưng Nhị là đàn bà, vậy mà hô một tiếng, các quận Cửu Chân, Nhật Nam
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng mười một 2018
  3. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 12: Lời tâu của Lý Tiến, Lý Cầm và Trương Trọng.

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Năm Canh Thìn (200), một sự kiện khác đặc biệt đã xảy ra ở ngay giữa triều đình nhà Hán. Sự kiện này gắn liền với tên tuổi của hai người. Một là Lý Tiến và hai là Lý Cầm.

    Lý Tiến là quan văn, được cử giữ chức Thứ sử là chức trông coi toàn bộ các địa phương của nước ta lúc bấy giờ. Lý Cầm là quan võ bậc thấp, lúc ấy đang làm Túc vệ là chức bảo vệ thường trực ở triều đình nhà Hán.

    Hai người hoàn toàn khác nhau nhưng lại cùng họ Lý, và quan trọng hơn, cùng gắn với một sự kiện được sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 3, từ tờ 8b đến tờ 9b) chép lại như sau:

    "Thứ sử là Lý Tiến, dâng lời tâu lên hoàng đế nhà Hán, đại lược nói rằng: Quan lại trong khắp thiên hạ, ai chẳng là bề tôi của nhà vua. Vậy mà ngày nay, kẻ làm quan ở triều đình đều là sĩ phu trung châu, triều đình chưa từng khuyến khích người nào ở xa cả. Lời tâu của Lý Tiến viết rất cảm động, đã thế lại còn viện dẫn rất nhiều bằng chứng xác đáng. Hoàng đế nhà Hán bèn xuống chiếu, cho phép mọi người trong châu ta, hễ ai đỗ Hiếu liêm (tức đỗ Hương cống, Cống sĩ hay Cử nhân) hoặc đỗ Mậu tài (tức đỗ Sinh đồ hay Tú tài) thì được bổ làm trưởng lại trong châu (tức là làm quan ở một địa phương nào đó thuộc phạm vi của nước ta cũ) chứ không được bổ nhiệm ở vùng trung châu.

    Lý Tiến lại dâng sớ nói rằng:

    - Người đỗ Hiếu liêm xin đề nghị được đối xử tương tự như Bác sĩ (tức tiến sĩ) của mười hai châu khác, tùy tài mà dùng. Các quan ở Hữu ti sợ rằng người phương xa không thật thà, hay bắt bẻ, chê bai triều đình nên không chấp thuận.

    Bấy giờ, có Lý Cầm là người Việt ta, làm túc vệ ở đấy, biết chuyện, bèn rủ bọn đồng hương là Bốc Long, cả thảy năm sáu người, nhân ngày đầu năm có lễ triều hội tiến đến quỳ lạy ở giữa sân điện mà tâu rằng:

    - Ơn huệ của hoàng đế ban ra không đều.

    Các quan ở Hữu ti hỏi:

    - Tại sao dám nói vậy?

    Đáp:

    - Đất Việt ở xa, chẳng được trời che đất chở, mưa ngọt không thấm đến, gió mát không thổi vào.

    Lời của họ có vẻ khẩn thiết, đau đớn lắm. Hoàng đế nhà Hán xuống chiếu an ủi, cho lấy một người đỗ Mậu tài của nước ta làm huyện lệnh ở Hạ Dương, một người đỗ Hiếu liêm của nước ta làm huyện lệnh ở Lục Hợp. Sau, Lý Cầm cũng được làm quan tới chức Tư lệ hiệu úy. Sau nữa, có Trương Trọng được làm chức thái thú ở Kim Thành.

    Thế là nhân tài nước Việt ta được tuyển dụng tương tự như người Hán, bắt đầu từ Lý Tiến, Lý Cầm vậy. Trương Trọng người quận Nhật Nam, có lần đến Lạc Dương đúng hội Tết Nguyên Đán là hội lớn của dân ở đây, gặp hoàng đế nhà Tấn là Tấn Minh Đế.

    Tấn Minh Đế hỏi:

    - Nhật Nam là quận hướng về phương Bắc để trông mặt trời có phải không?

    Trương Trọng đáp rằng :

    - Nay trong số các quận, có quận Vân Trung nhưng đâu có phải là ở trong mây, có quận Kim Thành mà nào có phải là thành vàng. Tên gọi ấy có phải là đúng với sự thật ấy đâu. Còn như có phong khí ấm áp, có mặt trời soi bóng trên đầu thì tất có sinh dân, Nhật Nam xưa nay vẫn vậy.

    Lời bàn :

    Một sự việc, hai lời tâu, tương đồng là đó mà dị biệt cũng là đó. Lý Tiến là quan văn, chức hàm khá cao, bởi thế, ông tâu theo kiểu tâu của quan văn, cũng chứa chan tâm huyết, cũng thẳng thắn rạch ròi, nhưng quả là rất chừng mực, cả trong nội dung lẫn cung cách trình bày. Lý Cầm là con nhà võ, lại là võ bậc thấp, nghĩ sao nói vậy, không câu nệ chữ nghĩa, cũng bất chấp lễ nghi, cốt sao nói được tiếng nói của mình. Nhà Hán hẳn nhiên chẳng vì lời tâu của Lý Tiến và Lý Cầm mà thay đổi cách tuyển dụng người, nhưng dẫu sao thì cũng đã phải buộc lòng ghi nhận. Nếu thiếu dũng khí, chẳng thể nói được những lời như Lý Tiến và Lý Cầm đã nói đâu.

    Sử cũ chép chuyện Trương Trọng ngay sau chuyện Lý Tiến và Lý Cầm, dẫu biết rõ Trương Trọng sống sau hai nhân vật họ Lý này đến hơn 100 năm, ấy là muốn chép cho liền mạch dũng khí mà trước đó Lý Tiến và Lý Cầm đã tạo ra đó thôi.

    Phàm là người ở giữa cõi cao xanh, thiếu gì thì thiếu chớ thiếu dũng khí thì kể như thiếu hẳn một cái gì lớn lao vô cùng. Câu hỏi của Tấn Minh Đế chứa chất sự cao ngạo một cách vô lối. Nhưng, đáng đời thay, trả lời cho câu hỏi của Tấn Minh Đế lại là một người Việt vừa rất giàu dũng khí lại cũng vừa rất thông minh.

    Hóa ra, không biết mà chân thành đi hỏi người biết thì ta bao giờ cũng an lòng về ta. Ngược lại, không phải không biết mà vẫn cứ cố đặt câu hỏi để hỏi người biết, thì tai họa của câu trả lời chưa dễ lường trước được đâu.
     
  4. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 13: Chuyện Man Nương.

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sách Lĩnh Nam chích quái có chép chuyện Man Nương, nay xin theo đó mà giới thiệu lại và nhường lời bàn cho bạn đọc gần xa: "Dưới thời trị vì của vua Hán Hiến Đế (hoàng đế của nhà Đông Hán, Trung Quốc, ở ngôi từ năm 190 đến năm 220) có quan thái thú là Sĩ Nhiếp (người huyện Quảng Tín, quận Thương Ngô, Trung Quốc) xây thành ở phía Nam sông Bình Giang (sông này, xưa cũng gọi là sông Thiên Đức, nay là sông Đuống). Phía Nam của thành này có ngôi chùa thờ Phật, gọi là chùa Phúc Nghiêm. Một vị sư tên là Già La Đồ Lê đến trụ trì tại chùa này. Nhà sư có phép lạ, có thể đứng một chân, cho nên, già trẻ gái trai trong vùng đều kính thờ, gọi là Tôn sư và cùng đến để xin nghe giảng về đạo Phật. Bấy giờ ở vùng này, có người con gái tên là Man Nương, mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhà rất nghèo khổ nhưng cũng quyết đến xin học đạo. Song, cô nói năng vụng về, không thể cùng mọi người tụng kinh được. Cô thường hái củi, giã gạo, lo nấu nướng thức ăn cho sư sãi trong chùa cùng khách thập phương tới học đạo. Một lần, vào khoảng tháng năm, ngày dài đêm ngắn, Man Nương nấu nướng các thức đã xong mà sư sãi tụng kinh vẫn chưa dứt, không rỗi để ăn. Man Nương ngồi trông chừng, chẳng dè, ngủ gật ngay nơi bậc cửa, rồi chẳng ngờ, ngủ say quên cả đói. Khi sư sãi tụng kinh xong, ai về phòng nấy, Man Nương vẫn nằm ngay bậc cửa một mình, sư Già La Đồ Lê không ngờ nên lỡ bước chân qua, vì thế, Man Nương bỗng thụ thai. Được chừng ba bốn tháng sau, Man Nương xấu hổ bỏ về, còn sư Già La Đồ Lê cũng thẹn mà bỏ đi. Man Nương về tới một ngôi chùa tại ngã ba sông thì ở lại, mãn hạn khai hoa, sinh hạ được một người con gái. Man Nương bèn tìm sư Già La Đồ Lê để trả. Bữa ấy đang đêm, vào khoảng canh ba, sư Già La Đồ Lê đem đứa con gái đến cạnh gốc cây ở ngã ba sông, đặt vào đấy và nói:

    - Ta gửi đứa con của Phật cho ngươi, ngươi hãy giữ lấy, thế nào ngươi cũng thành danh trong đạo.

    Xong, sư Già La Đồ Lê và Man Nương từ giã nhau đi. Sư Già La Đồ Lê cho Man Nương một chiếc gậy và nói:

    - Cho nàng vật này, khi trở về, nếu thấy thời tiết đại hạn thì nàng hãy lấy gậy này đâm xuống đất, đất sẽ cho nước cứu dân sinh.

    Man Nương cung kính nhận lấy gậy mang về. Nàng trở lại ở chùa cũ. Mỗi khi có hạn hán, nàng thường lấy gậy đâm xuống đất, mạch nước tự nhiên chảy ra, dân được nhờ cậy rất nhiều. Khi Man Nương đã ngoài tám mươi tuổi thì cái cây (nơi Già La Đồ Lê để đứa con vào) cũng tự nhiên bị đổ xuống bến sông trước chùa, nhưng cứ quanh quẩn ở đấy, không chịu trôi đi. Dân tranh nhau đến chặt làm củi, nhưng hễ chặt là rìu búa đều sứt mẻ hết. Họ rủ nhau hơn ba trăm người cùng kéo cây vào mà vẫn không sao lay chuyển.

    Bấy giờ, Man Nương xuống bến nước rửa tay, thử lay động chơi, thì bỗng dưng cây lại di chuyển. Mọi người đều kinh ngạc, nhân đó, nhờ Man Nương kéo cây lên bờ. Sư sãi cùng Man Nương gọi thợ đến chặt cây để tạc bốn pho tượng Phật. Chặt đến đoạn thứ ba, đoạn đặt đứa con gái lúc này đã hóa thành một tảng đá rất rắn, thì tất cả rìu búa của thợ đều mẻ hết. Họ đem vất tảng đá xuống vực sâu, thì tảng đá bỗng tự phát ra những tia sáng rực rỡ, một lúc sau mới chịu chìm.

    Lúc đó, cả bọn thợ đều lăn ra chết. Dân ở đấy vội mời Man Nương đến khấn vái rồi nhờ dân chài lặn xuống nước vớt tảng đá lên, rước vào mạ vàng, đặt ở điện thờ Phật để thờ. Sư Già La Đồ Lê đặt tên cho bốn pho tượng là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện. Người bốn phương tới cầu mưa, không lần nào lại không ứng nghiệm. Người ta gọi Man Nương là Phật Mẫu.

    Đến ngày mồng tám tháng tư, Man Nương tự nhiên mà viên tịch; xá lị được gói lại và chôn trong chùa. Dân lấy ngày đó làm ngày sinh của Phật. Hàng năm cứ tới ngày đó, già trẻ gái trai khắp tứ xứ đều tụ tập về đó để vui chơi, diễn đủ các trò vui hát múa, mãi mà thành tục lệ nay vẫn còn, gọi là hội tắm Phật".
     
  5. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 14: Bệnh mê đọc sách của Phòng Pháp Thặng.

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ở đời cái gì cũng phải có chừng mức, vượt khỏi chừng mức cho phép, thì đó thực sự là bệnh. Đọc sách là một thú tao nhã và bổ ích, nhưng ham đọc sách quá, cũng có thể ví như mắc bệnh vậy. Năm Canh Ngọ (490), ở nước ta, có quan đô hộ của nhà Tề tên là Phòng Pháp Thặng đã mắc phải chứng bệnh này. Bệnh của Phòng Pháp Thặng được sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 4, tờ 13-b) chép lại như sau:

    "Mùa đông, tháng 10 (năm Canh Ngọ 490), quan Thứ sử là Phòng Pháp Thặng được cử sang thay quan Thứ sử cũ là Lưu Khải. Phòng Pháp Thặng chỉ mê đọc sách, thường vờ cáo bệnh, không chịu ra làm việc. Quan Trưởng sử là Phục Đăng Chi, nhân đó tìm cách chuyên quyền, hắn thay đổi cả quan tướng trong phủ mà Phòng Pháp Thặng cũng không hề hay. Quan Lục sự là Phòng Tú Văn đem chuyện nói cho (Phòng) Pháp Thặng biết, Phòng Pháp Thặng cả giận, bắt (Phục) Đăng Chi giam vào ngục đến hơn mười ngày. (Phục) Đăng Chi đem của cải hối lộ thật nhiều cho em rể của Phòng Pháp Thặng là Thôi Cảnh Thúc, vì thế, lại được thả ra. (Phục Đăng Chi) đem quân đánh úp phủ trị, bắt được (Phòng) Pháp Thặng.

    Hắn nói với Phòng Pháp Thặng rằng:

    - Sứ quân đã có bệnh thì không nên khó nhọc với công việc làm gì nữa.

    Xong, đem (Phòng Pháp Thặng) quản thúc riêng ở một nơi.

    Thế rồi Phòng Pháp Thặng vì chẳng biết làm việc gì nên lại xin Phục Đăng Chi cho được đọc sách. (Phục) Đăng Chi nói:

    - Sứ quân nghĩ không còn sợ phát bệnh, lại đòi đọc sách.

    Và (Phục Đăng Chi) nhất quyết không cho. Sau, hắn tâu với vua nhà Tề rằng (Phòng) Pháp Thặng bị bệnh động tim không thể nào làm việc gì được. Tháng 11, ngày Ất Mão, vua Tề cho Phục Đăng Chi làm Thứ sử thay cho Phòng Pháp Thặng. Phòng Pháp Thặng về quê, đến Ngũ Lĩnh thì mất".

    Lời bàn:

    Sách thường chỉ cho người những điều hay để học, những điều dở để tránh, cho nên, nếu chỉ chăm chú học điều hay hoặc giả là chỉ chăm chú để tâm tránh chỗ dở, tức là mới tiếp nhận được nhiều lắm cũng độ một nửa giá trị của sách mà thôi.

    Như Phòng Pháp Thặng, chẳng biết là ông mê đọc sách hay mê xem nét chữ trong sách, bởi vì phàm là người đọc sách nghiêm chỉnh, ai mà chẳng ít nhiều biết được rằng, mỗi cuốn sách chỉnh là một tấm gương nho nhỏ, phản chiếu một phần nhân tình thế thái của ngàn xưa. Lẽ đâu, trang giấy mỏng của những trang sách lại che khuất hết tất cả thói đen bạc đảo điên quanh ông lúc bấy giờ? Học cái hay của đấng quân tử trượng phu với tránh cái ác của lũ tiểu nhân thất đức, chẳng biết là cái nào khó hơn cái nào. Bởi khó cho nên kẻ sĩ vẫn cố đọc sách để biết thêm kinh nghiệm trong thiên cổ.

    Nhưng, chừng nào còn lũ tiểu nhân thất đức ở bên cạnh, chừng đó còn cần phải nhớ rằng, mê đọc sách mấy thì mê, thỉnh thoảng cũng phải ngoái cố lại một chút, nếu không, chúng sẽ tròng dây vào cổ ta. Phòng Pháp Thặng hình như không phải mất vì bệnh dọc đường trở lại cố hương. Hình như là thế. Không tin, cứ đọc kĩ lại đoạn sử này mà xem.
     
  6. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 15: Trận kịch chiến ở hồ

    Điển Triệt

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mùa xuân năm 542, Lý Bí (còn có tên gọi khác là Lý Bôn) đã dựng cờ khởi nghĩa, tập hợp và lãnh đạo nhân dân cả nước quét sạch quân đô hộ nhà Lương ra khỏi bờ cõi. Hai năm sau (năm 544), ông lên ngôi hoàng đế, xưng là Lý Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân và niên hiệu là Thiên Đức (cũng có sách viết là Đại Đức).

    Từ đây, một chính quyền độc lập và tự chủ được thiết lập, nhưng cũng từ đây, sau cơn hốt hoảng nhất thời, nhà Lương đã liên tiếp tổ chức những cuộc đàn áp có quy mô lớn.

    Một trong những viên tướng khét tiếng tàn bạo nhất của nhà Lương là Trần Bá Tiên được giao nhiệm vụ chỉ huy các cuộc đàn áp này. Bên cạnh Trần Bá Tiên là một loạt những tướng lĩnh dày dạn kinh nghiệm trận mạc như Dương Phiêu, Tiêu Bột.. Bởi cuộc tấn công ồ ạt của Trần Bá Tiên, nghĩa quân Lý Bí bị thua hai trận lớn ở Chu Diên (đất này nay thuộc Hà Tây) và ở cửa sông Tô Lịch. Lý Bí rút về Gia Ninh (nay thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc).

    Trần Bá Tiên cho quân vây đánh Gia Ninh, Lý Bí lại phải rút về Điển Triệt (nay thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc). Vùng Điển Triệt có hồ Điển Triệt rất rộng. Nay hồ này vẫn còn. Cũng có người gọi là hồ Tứ Yên vì ngày nay, hồ nằm ở khu vực xã Tứ Yên. Năm Bính Dần (546), trận kịch chiến giữa lực lượng của Lý Bí với quân đội nhà Lương do Trần Bá Tiên chỉ huy đã diễn ra tại hồ Điển Triệt.

    Sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 4, tờ 16-b) chép rằng: "Mùa xuân, tháng giêng (năm 546), bọn Trần Bá Tiên đã chiếm được thành Gia Ninh, Nhà vua (chỉ Lý Nam Đế) đành phải chạy vào đất của người Lão (từ chỉ chung đồng bào các dân tộc ít người) ở Tân Xương. Quân nhà Lương đóng ở cửa sông Gia Ninh. Mùa thu, tháng tám, nhà vua đem hai vạn quân từ đất Lão ra đóng ở hồ Điển Triệt, thuyền bè nhiều đến nỗi chật cả mặt hồ. Quân nhà Lương trông thấy thì sợ, không dám tiến vào, cứ đóng ở khu vực gần với cửa hồ mà thôi.

    Trần Bá Tiên nói với các tướng rằng:

    - Quân ta ở đây đã lâu, thế cô, không được tiếp viện, tướng sĩ thì mỏi mệt. Một khi đã tiến sâu vào nước người mà thua trận thì đừng mong sống sót. Nay, nhân lúc họ bại trận mấy phen liền, dân Di Lão lại ô hợp, đánh họ thật không khó, cho nên, đây chính là lúc phải ra tay liều chết để đánh bằng được, bởi vì nếu vô cớ mà dừng lại thì lỡ hết cả thời cơ.

    Các tướng (dưới trướng Trần Bá Tiên) đều im lặng, không ai tỏ vẻ hưởng ứng. Đêm hôm ấy, nước sông lên mạnh, dâng cao đến bảy thước, ồ ạt tràn vào hồ. (Trần) Bá Tiên đem quân bản bộ của mình, theo dòng nước mà tiến vào trước. Quân nhà Lương đánh trống reo hò theo sau. Nhà vua vốn không lo phòng bị nên quân bị tan vỡ nhanh chóng, buộc phải lui vào động Khuất Lão (đất này nay thuộc huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ) để chỉnh đốn quân ngũ. Sau, vua ủy quyền cho tướng là Triệu Quang Phục trông coi việc nước và chỉ huy việc đánh quân của (Trần) Bá Tiên".

    Lời bàn :

    Lý Bí là bậc có chí cả hơn người, vung gươm diệt giặc để tạo nền thái bình cho xã tắc, công đức thật là lớn lao. Tiếc thay, khi sự nghiệp lớn chưa thành, ông đã sớm mất cảnh giác và thiếu sự triệt để.

    Quân nhà Lương thắng không phải bởi cái tài của chúng mà là ở chỗ dở của ông đó thôi. Về sự đại bại của Lý Bí, hai cây đại bút của sử học nước nhà thời Trần và thời Lê là Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên đều có lời bàn. Xin được giới thiệu hai lời bàn đó như sau:

    - Lời của Lê Văn Hưu: "Binh pháp cổ có câu rằng, nếu có ba vạn quân sức lực đồng đều, cả thiên hạ không ai địch nổi. Nay Lý Bí có năm vạn quân mà vẫn không giữ được nước, ấy là bởi Lý Bí không có tài làm tướng, hoặc giả là bởi quân lính mới họp lại, chưa quen trận mạc chăng? Không, Lý Bí cũng là bậc tương đối có tài, ra trận cũng có thể chế ngự được đối phương để giành phần thắng, nhưng không may là gặp phải Trần Bá Tiên có tài cầm quân đó thôi".

    - Lời của Ngô Sĩ Liên: "Tiền Lý Nam Đế dấy binh trừ bạo, rất thuận với đạo lớn của trời, vậy mà cuối cùng lại bị bại, ấy là vì trời chưa muốn cho nước nhà được trị bình chăng? Than ôi, nhà vua không chỉ vì gặp phải Trần Bá Tiên là kẻ có tài cầm quân, mà còn gặp lúc nước sông đột ngột dâng cao trợ sức cho giặc nữa. Đó há chẳng phải tại trời hay sao?".
     
  7. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 16: Sự tích đầm Dạ Trạch.

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ở huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên ngày nay, có khu đầm lầy rất rộng, với nhiều tên gọi khác nhau như: Đầm Dạ Trạch, Nhất Dạ Trạch (cái đầm hình thành sau một đêm), Mạn Trù Châu (bãi Giăng Màn), Tự Nhiên Châu (bãi Tự Nhiên), v. V.

    Tuy nhiên, tên gọi phổ biến và quen thuộc nhất vẫn là đầm Dạ Trạch. Sự tích đầm Dạ Trạch khá li kì. Nay, xin được trích từ sách Lĩnh Nam chích quái để giới thiệu về đầm Dạ Trạch, còn lời bàn về câu chuyện li kì này, xin kính nhường bạn đọc.

    "Vua Hùng Vương thứ ba sinh hạ được một người con gái, đặt tên là Tiên Dung. Tiên Dung lên mười tám tuổi, dáng người xinh đẹp, chỉ thích ngao du thiên hạ, không muốn lấy chồng. Nhà vua yêu chiều nên cũng để nàng thỏa thích. Hàng năm, cứ vào khoảng tháng hai hoặc tháng ba, Tiên Dung sắm sửa thuyền bè, chu du ra tận ngoài biển, có khi mải vui quên cả ngày về.

    Bấy giờ ở làng Chử Xá, có hai cha con rất hiền từ và hiếu thảo là Chử Vi Vân và Chử Đồng Tử. Chẳng may nhà họ gặp hỏa hoạn, của cải cháy hết, hai cha con chỉ còn lại một chiếc khố bằng vải, ra vào phải thay nhau mà mặc.

    Đến lúc cha già lâm bệnh, gọi con là Chử Đồng Tử tới, nói rằng:

    - Cha chết cứ để trần truồng mà chôn, con hãy giữ khố lại, có thế mới mong khỏi xấu hổ.

    Nhưng khi cha mất, Chử Đồng Tử cứ chôn khố theo cho cha, còn mình thì chịu cảnh đói rét trần truồng, rất khổ sở. Chử Đồng Tử thường ra sông câu cá, hễ thấy có thuyền buôn đi qua thì đứng ngâm mình dưới nước mà xin ăn.

    Thế rồi hôm đó, không ngờ thuyền của Tiên Dung tới. Nghe có tiếng chiêng trống, sáo kèn náo nhiệt và thấy nghi trượng cờ quạt, Chử Đồng Tử hoảng sợ lắm. Nhân thấy trên bãi cát ven sông có mấy khóm lau lơ thơ vài ba gốc, Chử Đồng Tử bèn vào moi cát vùi thân, nấp ở đó. Phút chốc, thuyền của Tiên Dung tới. Nàng dừng lại và lên bờ dạo chơi rồi hạ lệnh cho quây màn chung quanh khóm lau làm nơi tắm gội. Tiên Dung vào màn cởi áo tắm rửa, dội nước khiến cho cát trôi, lộ ra thân hình của Chử Đồng Tử. Tiên Dung kinh ngạc, nhìn một lúc lâu, biết đó là người con trai, liền nói:

    - Ta vốn không muốn lấy chồng. Nay gặp người con trai này trần truồng trong chỗ tắm gội này, ắt là do trời xui như thế. Thôi, chàng hãy mau dậy cùng tắm rửa đi.

    Tiên Dung ban cho Chử Đồng Tử áo quần rồi bảo xuống thuyền, cùng dự tiệc vui vẻ. Người trong thuyền, ai ai cũng cho là cuộc kì ngộ xưa nay chưa từng có. Chử Đồng Tử nói rõ vì sao mình lại làm như thế. Tiên Dung bùi ngùi than thở, bảo chàng cùng kết duyên vợ chồng. Chử Đồng Tử cố từ chối nhưng Tiên Dung nói:

    - Sự thể gặp nhau là do trời xui ra thế, xin đừng chối từ làm gì nữa.

    Những kẻ theo hầu về tâu với Hùng Vương.

    Hùng Vương giận dữ, nói rằng:

    - Tiên Dung không hề biết tiếc danh tiết là gì. Nó đã không hề biết tiếc của cải của ta, rong chơi khắp chốn, lại còn hạ mình lấy kẻ nghèo hèn, thế thì còn mặt mũi nào mà nhìn ta nữa. Từ nay cứ mặc nó, muốn làm gì thì làm, không được trở về nữa.

    Tiên Dung nghe được tin ấy, sợ không dám về, bèn cùng Chử Đồng Tử mở phố xá, lập quán chợ để mua bán với dân, tạo ra chợ lớn, tức chợ Thám bây giờ (chợ Thám thuộc Văn Giang, nay thuộc tỉnh Bắc Giang). Con buôn nước ngoài tới lui buôn bán, ai ai cũng kính thờ Tiên Dung, tôn Tiên Dung và Chử Đồng Tử làm chúa.

    Một hôm, có con buôn đến nói với Tiên Dung rằng:

    - Nếu quý nhân bỏ ra một dật vàng (mỗi dật tương đương với 24 lạng) cùng con buôn ra ngoài buôn bán, thì sang năm sẽ sinh lợi đến mười dật.

    Tiên Dung nghe vậy, lấy làm mừng, bèn nói với Chử Đồng Tử:

    - Duyên vợ chồng là do trời định, còn như cái ăn cái mặc của ta là do ta tự làm. Nay thử mang một dật vàng theo bọn con buôn ra ngoài mua vật quý về sống xem sao.

    Chử Đồng Tử bèn theo người khách buôn ấy đi buôn bán, xuôi ngược khắp cả xứ người. Một hôm qua núi Quỳnh Vi (tên một quả núi chỉ có trong thần thoại), nhân khi khách buôn ghé vào lấy nước, Chử Đồng Tử bèn lên núi dạo chơi, thấy trên đó có một cái am nhỏ, trong am có một vị sư tên là Phật Quang. Phật Quang truyền phép cho Chử Đồng Tử. Chử Đồng Tử bèn đưa tiền cho người khách buôn đi mua hàng, còn mình thì ở lại học phép thuật.

    Sau, khách buôn trở lại am đón Chử Đồng Tử cùng về. Sư Phật Quang tặng cho Chử Đồng Tử một cái gậy, một chiếc nón lá và dặn:

    - Tất cả các phép thần thông linh ứng đều đã ở cả đây.

    Chử Đồng Tử về, đem chuyện học đạo kể hết cho Tiên Dung. Tiên Dung giác ngộ, bỏ cả quán chợ và nghề buôn, cùng Chử Đồng Tử đi chu du tìm thầy học đạo.

    Có hôm đi xa, tối đến vẫn chưa kịp về nhà, đành nghỉ tạm dọc đường, dựng gậy rồi úp nón lên để làm chỗ che thân, chẳng dè vào đến canh ba thì các thứ lầu vàng gác tía, thành quách, lâu đài, kho tàng, miếu mạo cùng vô số vàng bạc châu báu, giường chiếu trướng màn, tôi tớ nam nữ và thị vệ.. hiện ra la liệt trước mắt. Sáng hôm sau, ai ai trông thấy cũng đều kinh ngạc, bèn đem hoa quả cùng các thức ăn ngon tới dâng, xin làm bề tôi.

    Từ đó, (Chử Đồng Tử và Tiên Dung) có đủ trăm quan văn võ và binh sĩ túc vệ, dựng thành một nước riêng. Hùng Vương nghe tin ấy, cho là con gái có ý làm loạn, bèn đem quân đi đánh. Quân của Hùng Vương sắp tới nơi, quần thần xin đem binh lính ra chống cự.

    Tiên Dung cười nói:

    - Việc này không phải do ta làm mà là do trời khiến vậy. Sống chết có trời, làm con ai chống lại cha bao giờ. Xin hãy thuận theo lẽ, cứ để mặc cho (quân của vua cha) chém giết.

    Lúc ấy, những dân mới theo đều sợ mà chạy tứ tán, chỉ có dân cũ ở lại cùng Tiên Dung. Quân của Hùng Vương đến, vì trời đã tối nên dựng dinh trại ở bãi Tự Nhiên, phía bên kia bờ sông. Đêm ấy, trời nổi gió to, cây bật gốc, cát bay mù mịt, quân của Hùng Vương rối loạn. Tiên Dung cùng Chử Đồng Tử và bộ hạ phút chốc bay lên trời.

    Chỗ nền đất cũ bỗng sụt xuống thành một cái đầm rất lớn.

    Sáng sớm hôm sau, người ta chẳng thấy lâu đài thành quách đâu nữa, cho đó là điều linh dị, bèn lập miếu thờ, bốn mùa cúng tế. Người ta nhân đó gọi đầm ấy là Nhất Dạ Trạch, bãi cát ấy là bãi Tự Nhiên hoặc bãi Màn Trù và chợ ấy là Hà Thị".
     
  8. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 17: Triệu Việt Vương đã đánh giặc như thế nào?

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Triệu Việt Vương húy là Triệu Quang Phục, con của Triệu Túc, người đất Chu Diên. Đất Chu Diên thời Lương, nay là một phần của tỉnh Hải Dương. Nhiều người cho rằng, quê của Triệu Quang Phục, nay có lẽ là vùng huyện Phả Lại (tỉnh Hải Dương).

    Năm 542, Triệu Quang Phục cùng với cha là Triệu Túc tham gia cuộc khởi nghĩa do Lý Bí phát động và lãnh đạo.

    Năm 544, khi Lý Bí lên ngôi, xưng là Lý Nam Đế thì Triệu Túc được phong làm Thái Phó, còn Triệu Quang Phục được phong làm tướng cầm quân.

    Năm 546, khi Lý Nam Đế đại bại ở trận Điển Triệt, Triệu Quang Phục được ủy thác quyền trông coi việc nước và chỉ huy việc đánh quân xâm lược nhà Lương. Triệu Quang Phục là người cầm quân rất linh hoạt. Chính ông là người đã có công quét sạch quân xâm lược nhà Lương ra khỏi bờ cõi, góp phần làm rạng rỡ truyền thống ngoan cường và làm phong phú kho tàng nghệ thuật quân sự của tổ tiên.

    Về cuộc chiến đấu của Triệu Quang Phục, sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 4, tờ 17a-b) chép như sau :

    'Triệu Quang Phục chống nhau với Trần Bá Tiên, chưa phân thắng bại, nhưng quân của Trần Bá Tiên rất đông, Triệu Quang phục liệu thế không chống nổi, bèn rút về đầm Dạ Trạch (đầm này cũng gọi là đầm Nhất Dạ Trạch hay bãi Mạn Trù, nay thuộc huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên - NKT - Xem giai thoại 16). Đầm này Ở huyện Chu Diên, chu vi rộng lớn không biết bao nhiêu là dặm, trong cỏ cây um tùm, bụi rậm kín mít. Ở giữa đầm có khu đất cao có thể ở được, nhưng bùn đất lầy lội, người ngựa khó đi chỉ có thể dùng thuyền độc mộc loại nhỏ, chống sào lướt cỏ mới di chuyển được. Vào đó, nếu không thông thuộc đường lối thì lạc, chẳng biết sẽ về đâu, đã thế, nếu lỡ rơi xuống nước thì sẽ bị rắn độc cắn chết.

    Triệu Quang Phục thuộc hết mọi lối, đem hơn hai vạn quân vào đóng ở khu đất nổi trong đầm, ban ngày thì tuyệt đối không để lộ khói lửa, ban đêm dùng thuyền độc mộc đưa quân ra đánh phá doanh trại của quân Trần Bá Tiên, giết và bắt sống được rất nhiều tên, lấy được không ít lương thực để có thể cầm cự lâu dài. (Trần) Bá Tiên cố theo dấu tìm đánh nhưng không sao đánh được. Người trong nước gọi (Triệu Quang Phục) là Dạ Trạch Vương.

    "Nhà vua (chỉ Triệu Quang Phục - NKT) ở trong đầm, thấy quân nhà Lương không chịu rút lui, bên đốt hương cầu đảo, khẩn thiết kính cáo với trời đất quỷ thần. Thế rồi điềm lành hiển hiện, vua được mũ đâu mâu có móng rồng dùng để đi đánh giặc. Thế quân từ đó ngày một mạnh mẽ, không ai địch nổi.

    Tục truyền : Thần nhân trong đầm chính là Chử Đồng Tử. Lúc ấy, Chử Đồng Tử cưỡi rồng vàng từ trên trời xuống, trút móng rồng trao cho Nhà vua, bảo Vua đem cài lên mũ đâu mâu mà đi đánh giặc" Trần Bá Tiên mưu tính cấm cự lâu ngày, khiến cho quân của Nhà vua hết lương thì có thể phá được. Nào ngờ lúc ấy nhà Lương có loạn Hầu Cảnh, phải gọi Trần Bá Tiên về. Trần Bá Tiên ủy thác cho Dương Sàn đánh nhau với Nhà vua. (Dương) Sàn chống cự không nổi, bị giết, quân nhà Lương tan vỡ, tháo chạy về Bắc. Nước nhà lại được yên. Nhà vua vào thành Long Biên ở".

    Lời bàn :

    Binh pháp cổ thường nhấn mạnh đến yếu tố địa lợi, coi đó như một trong những nguyên nhân quan trọng của thắng lợi cuối cùng. Triệu Quang Phục bám lây đầm Dạ Trạch, tức là đã bám lấy được yếu tố địa lợi rồi vậy. Đó chưa phải là tất cả địa lợi của nước ta đương thời, nhưng đó rõ ràng là tất cả những gì thuộc về địa lợi mà nghĩa quân của ông có thể bám được và biến được thành sức mạnh của chính mình.

    Ở đời, mọi sự hay không phải chỉ ở chỗ nó thực sự hay, mà còn ở chỗ, sự ấy ta hoàn toàn có thể làm được, hoàn toàn trong tầm tay của ta. Trần Bá Tiên đem quân đi đánh đất người, vậy mà tính kế cầm cự lâu ngày, tức là đã cố làm điều không thể làm vậy. Ngược lại, đội quân của Triệu Quang Phục kiên quyết bám đầm Dạ Trạch để chờ thời, tức là làm điều hoàn toàn có thể làm được. Cho nên, quân Triệu Quang Phục thắng lợi, chuyện có gì là lạ đâu. Đầm Dạ Trạch có thần chăng?

    Sử cũ dành cho Chử Đồng Tử và Tiên Dung những lời thật trang trọng. Ngàn năm vật đổi sao dời, nhưng phàm đã là thần nhân sông núi, có đâu lại không phù hộ chí lớn của những người quả cảm cứu nước, cứu dân. Người xưa tin là có thần, một lòng thành kính thờ thần, cho nên, dân bao giờ cũng muốn và cũng tin là thánh thần luôn ở bên cạnh các vị hào kiệt của họ, bên cạnh việc đại nghĩa của họ.

    Triệu Quang Phục dũng cảm và bền chí bám đầm Dạ Trạch đến cùng để đánh giặc. Việc làm phi thường ấy, hẳn nhiên phải được diễn đạt bằng những lời phi thường. Biết làm sao hơn được, xưa mà!
     
  9. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 18: Triệu Việt Vương đã chết như thế nào?

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Năm 546, sau trận thua ở hồ Điển Triệt, Lý Bí đánh vào động Khuất Lão, ủy quyền trông coi việc nước và chỉ huy cuộc chiến đấu chống quân nhà Lương xâm lược cho Triệu Quang Phục.

    Nhận sự ủy thác ấy, Triệu Quang Phục đem lực lượng về bám đầm Dạ Trạch, tổ chức chiến đấu lâu dài và cuối cùng, đã giành được thắng lợi.

    Tuy nhiên, cũng ngay khi Lý Bí lánh vào động Khuất Lão, một vị tướng khác của Lý Bí là Lý Thiên Bảo, đem một bộ phận binh sĩ, gồm đến ba vạn người, chạy vào Cửu Chân (tức là vùng Thanh Hóa ngày nay). Tại đây, Trần Bá Tiên đuổi theo đánh, Lý Thiên Bảo đã chạy sang động Dã Năng. Đất này thuộc lãnh thổ của Lào. Dã Năng là một vùng khá trù phú, Lý Thiên Bảo bèn cho xây thành để ở, tính kế cư ngụ lâu dài. Ông xưng là Đào Lang Vương, lấy tên động Dã Năng làm tên nước! Năm 555, Đào Lang Vương Lý Thiên Bảo qua đời, không có con nối dõi, một vị tướng khác, người cùng họ với Lý Bí là Lý Phật Tử được đưa lên nối nghiệp.

    Bấy giờ, Triệu Quang Phục đã đánh đuổi được quân nhà Lương và xưng là Triệu Việt Vương, đóng trong thành Long Biên. Năm 557, Lý Phật Tử liền đem quân đánh.. Triệu Việt Vương. Sự kiện đau xót này được sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 4, từ tờ 19-b đến tờ 21-b) chép lại như sau:

    "Lý Phật Tử đem quân xuống vùng Đông Bắc, đánh nhau với Nhà vua (chỉ Triệu Việt Vương) tại Thái Bình, năm trận liền vẫn chưa phân thắng bại. Quân của Lý Phật Tử hơi nao núng, ngờ là Nhà vua có phép thuật lạ, bèn xin giảng hòa, thề thân thiện với nhau. Nhà vua nghĩ rằng, (Lý) Phật Tử là người cùng họ với Lý Nam Đế, cho nên, không nỡ cự tuyệt, bàn lấy bãi Quân Thần ở hai xã Thượng Cát và Hạ Cát của huyện Từ Liêm (ngoại thành Hà Nội) làm địa giới. Từ đó trở về phía Tây thì nhường cho Lý Phật Tử. Lý Phật Tử dời về đóng tại thành Ô Diên (xã Hạ Mỗ, Từ Liêm có đền thờ Bát Lang, tức là đền thờ Nhã Lang vậy).

    Sau, Lý Phật Tử có con trai là Nhã Lang. Nhã Lang xin cưới con gái của Nhà vua là Cảo Nương làm vợ. Nhà vua bằng lòng. Từ đó, hai bên thành thông gia. Nhà vua rất yêu quý Cảo Nương, bèn cho Nhã Lang được ở rể 'Nhã Lang ở rể vừa được ba năm thì biến cố lớn đã xảy ra, mà với biến cố này, Nhã Lang vừa là thủ phạm, lại cũng vừa là nạn nhân.

    Sách trên (tờ 20-a) khi chép chuyện năm Canh Dần (570) cho biết như sau:" Nhã Lang nói với vợ rằng:

    - Trước kia, cả hai vua cha cùng thù oán nhau, vậy mà nay lại kết nghĩa thông gia, sự thể quả là rất hay. Nhưng, vua cha của nàng có thuật gì hay mà đẩy lùi được quân của vua cha ta?

    Cảo Nương không hề hay biết ẩn ý của chồng, bèn bí mật lấy mũ đâu mâu có gắn móng rồng cho chồng xem.

    Nhã Lang nhân đó, tráo cái móng rồng ấy, rồi nói với Cảo Nương rằng:

    - Ta nghĩ, ơn sâu của cha mẹ lớn kể như trời đất. Nay, vợ chồng yêu quý nhau, không nỡ xa cách, nhưng ta cũng quyết phải tạm dứt tình để về thăm cha mẹ. Nhã Lang trở về, cùng với cha, bàn mưu đánh chiếm nước của Triệu Việt Vương'.. "

    Nhà vua (đây chỉ Lý Phật Tử) phụ lời thề ước, đem quân đánh úp Triệu Việt Vương.

    Lúc đầu, Triệu Việt Vương chưa rõ cơ sự, vội đem quân và đội mũ đâu mâu đứng chờ. Quân của Nhà vua ào ạt tiến đến, Triệu Việt Vương tự biết yếu thế không sao chống cự nổi, bèn đem con gái chạy về phía Nam, tính tìm đất hiểm để có thể ẩn náu mà mưu sự lâu dài. Nhưng, chạy tới đâu cũng bị quân của Nhà vua đuổi theo sát gót. Triệu Việt Vương phi ngựa về cửa biển Đại Nha (nay là cửa Liêu, thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định). Khi thấy biển chắn trước mặt, Triệu Việt Vương than rằng:

    - Ta hết đường chạy rồi! Nói xong thì nhảy xuống biển tự tử. Nhà vua đuổi đến nơi, thấy trước mặt chỉ có biển mênh mông, không rõ Triệu Việt Vương chạy đường nào, bèn quay trở lại. Họ Triệu đến đó thì mất nước. Người đời sau thấy có nhiều chuyện linh thiêng dị thường, bèn lập đền thờ ở cửa biển Đại Nha '.

    Lời bàn :

    Kế cũ của Triệu Đà, đến đây được Lý Phật Tử lặp lại, lạ lùng chăng thì cũng chỉ là ở chỗ, bậc đa mưu túc trí như Triệu Việt Vương vẫn cứ bị trúng kế một cách thảm hại đó thôi. Hẳn nhiên là Triệu Việt Vương cũng có chỗ khiếm khuyết của mình, nhưng trách ông thì quả là chẳng thể. Một đời ông canh cánh nỗi lo cảnh giác với kẻ thù, thế là đã quá đủ, lẽ đâu bắt ông còn phải thường xuyên cảnh giác với thông gia, với con rể của mình?

    Có những thứ lỗi rất khó khắc phục, và quả là cũng chẳng muốn khắc phục, đại để như lỗi cả tin của Triệu Việt Vương. Ngẫm mà xem! Có những thắng lợi không hề đem lại vinh quang, ngược lại còn bị sử sách nghiêm phê nữa. Thắng lợi của Lý Phật Tử thuộc loại này.

    Xin dẫn hai lời nghiêm phê của Ngô Sĩ Liên để thấy rõ hơn sự công minh của sử thần thuở trước.

    Cả hai lời nghiêm phê này đều được sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 4) ghi lại.

    - Lời thứ nhất :" Con gái lấy chồng thì gọi là quy, vậy, nhà chồng tức là nhà mình vậy. Con gái của Nhà vua đã gả cho Nhã Lang, thì hà cớ gì không cho về nhà chồng mà lại bắt chước theo tục ở rể của nhà Doanh Tần để đến nỗi bại vong "(Tờ 20-b).

    - Lời thứ hai :" Lấy thuật tranh bá mà xét thì Hậu Lý Nam Đế (tức Lý Phật Tử) đánh Triệu Việt Vương là đắc kế, song, lấy đạo của bậc làm vua mà xét thì việc ấy không bằng cả lũ chó, heo. Vì sao? Khi Tiền Lý Nam Đế (chỉ Lý Bí) ở động Khuất Lão đã đem các việc quân quốc ủy cho Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương thu nhặt tàn quân, bám giữ đất hiểm là đầm Dạ Trạch bùn lầy nước đọng để đương đầu với người hùng một thời là Trần Bá Tiên, cuối cùng bắt được tướng của hắn là Dương Sàn, người phương Bắc buộc phải lui quân. Khi ấy, Vua (chỉ Lý Phật Tử) trốn trong đất Di Lão, chỉ cầu mong thoát khỏi miệng hùm mà thôi. May được Trần Bá Tiên về Bắc, Lý Thiên Bảo qua đời, Vua mới có cơ hội đem quân đi đánh Triệu Việt Vương, gian trá dùng mưu xin hòa và kết mối thông gia để hại người. Triệu Việt Vương đã lấy lòng thành mà đối đãi, lại còn cắt đất cho mà ở, như thế, mọi việc đều chính nghĩa, giao hảo rất phải đạo, thăm viếng cũng phải thời, đó há chẳng là đạo trị yên lâu bền hay sao? Thế mà (Lý Phật Tử) lại dùng mưu gian của Nhã Lang, vứt bỏ cả nhân luân chính đạo, tham lợi mà vong ân, tuy đánh cướp được nước nhưng Nhã Lang thì phải chết còn thân mình thì sau phải vào tù (chỉ việc Lý Phật Tử bị nhà Tùy bắt năm 602), phỏng có ích gì đâu'.

    Hai lời bàn của sử thần Ngô Sĩ Liên, đúng sai tùy đời thẩm định, nhưng đáng sợ thay, nếu có ai đó đồng cảm và đồng tình với việc làm phản trắc của Nhã Lang và của Lý Phật Tử. Buồn thay, tên người và hành vi của người chẳng chút giống nhau.
     
  10. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 19: Nỗi lòng Khương Công Phụ.

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Khương Công Phụ người xã Sơn Ôi, huyện Yên Định (Thanh Hóa). Ông sinh và mất năm nào không rõ, chỉ biết ông đỗ Tiến sĩ vào năm Canh Thân (780) và làm quan cho nhà Đường, tức là người của cuối thế kỉ thứ VIII đầu thế kỉ thứ IX.

    Em của Khương Công Phụ là Khương Công Phục, cũng đỗ Tiến sĩ, làm quan cho nhà Đường, được phong tới chức Lang Trung bộ lễ. Như vậy, họ Khương là dòng họ đại khoa bảng rất hiếm hoi của nước ta thời Bắc thuộc.

    Tuy cũng là đỗ Tiến sĩ như mọi người, nhưng sử cũ cho biết, vì bài chế sách của ông viết rất xuất sắc, cho nên, ông được vua Đường là Đường Đức Tông đặc cách, cho làm tới chức Hữu thập di Hàn lâm Học sĩ, kiêm Kinh triệu Hộ Tào tham quân.

    Sinh thời, Khương Công Phụ là người cương trực và trí lực rất mạnh mẽ.

    Sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 5, tờ 5a-b) chép về ông như sau:

    "(Khương Công Phụ) từng xin vua Đường giết Chu Thử nhưng vua Đường không nghe. Chẳng bao lâu sau đó thì kinh sư của nhà Đường có biến loạn, vua nhà Đường theo cửa Thượng Uyển để lánh ra ngoài, (Khương) Công Phụ giữ ngựa lại, can rằng:

    - Chu Thử từng làm tướng ở đất kinh sư, rất được lòng binh sĩ. Vừa rồi, vì Chu Thao làm phản nên (Chu Thử) mới bị Nhà vua thu hết binh quyền. Thường ngày, hắn vẫn lấy đó làm điều uất ức. Vậy, nay xin bắt hắn đi theo, chớ để cho bọn hung ác đón mất.

    Vua Đường đang lúc vội vã, không kịp nghe. Dọc đường đi, Nhà vua lại muốn dừng ở Phượng Tường để nương nhờ Trương Dật.

    (Khương) Công Phụ can rằng:

    - (Trương) Dật tuy là bề tôi đáng tin cậy nhưng là quan văn, vả lại, quân mã do ông ta quản lĩnh vốn là tay chân cũ của Chu Thử ở kinh sư. Nếu Chu Thử làm loạn ở kinh sư thì kế này chẳng vẹn toàn được.

    Vua nhà Đường vì thế mà chạy sang Phụng Thiên. Bấy giờ, có người báo tin (Chu) Thử làm phản, xin Vua hãy phòng bị. Vua nhà Đường nghe lời của Lư Kỷ, xuống chiếu cho quân các đạo hãy đóng cách xa thành khoảng một xá (mỗi xá 30 dặm, tức là tương đương với khoảng 15km), có ý đợi (Chu) Thử tới đón.

    Khương Công Phụ nói:

    - Bậc vương giả không nghiêm giữ võ bị thì làm sao có thể khiến cho người ta trọng oai linh của mình? Nay, cấm binh đã quá ít mà lại xuống chiếu cho quân mã đóng cách xa ở ngoài, thần lấy làm nguy cho bệ hạ lắm.

    Vua nhà Đường khen là phải, bèn cho triệu hết quân sĩ phía ngoài vào thành. Sau, quân của (Chu) Thử quả nhiên kéo đến, y như lời dự đoán của Khương Công Phụ. Vua nhà Đường bèn thăng cho Khương Công Phụ chức Gián nghị Đại phu, Đồng trung thư môn hạ Bình chương sự. Về sau, Khương Công Phụ vì can Vua tổ chức an táng cho Đường An Công Chúa quá hậu, dẫu đã được đồng liêu là Lục Chí tâu xin gỡ tội cho, vẫn bị vua Đường tức giận biếm chức".

    Lời bàn:

    Thời ấy, học và đỗ đạt đến mức ấy, làm quan được thăng đến chức ấy.. Khương Công Phụ không phải là trường hợp duy nhất nhưng quả đúng là trường hợp rất hiếm hoi. Sử trân trọng chép về ông là chí phải.

    Lần thứ nhất ông can ngăn, bảo là vua nhà Đường đang lúc vội vã nên không kịp nghe cũng được, mà bảo là Nhà vua chưa thấy hết số phận bi thảm của mình nên vẫn coi thường những người đại loại như ông cũng được.

    Lần thứ hai ông can ngăn, bảo là Nhà vua nghe theo ông vì thấy ý kiến của ông đúng cũng được, mà bảo là lúc ấy, Nhà vua mất cả hồn vía, chỉ đâu chạy đó cũng được.

    Đến lần thứ ba, Nhà vua giật mình thấy rằng, kẻ một lòng trung thành đi theo Nhà vua là ông, mà lời khuyên của ông, ít ra cũng có hai lần đúng, cho nên Nhà vua đã vui vẻ nghe theo. Lời khen của Nhà vua còn thiếu một cái gì đó thuộc về chiều sâu của trí tuệ phân tích. Xưa nay vẫn thế, có khi được khen mà lòng ta tê tái buồn, có khi bị chê mà lòng ta sung sướng, bởi vì điều quan trọng không phải là khen chê, mà là ai khen, ai chê và lời khen chê ấy như thế nào.

    Lần thứ ba, vua nhà Đường khen Khương Công Phụ, bởi vì lúc đó không thể không khen, sau, chỉ một việc cỏn con mà vua Đường vẫn cứ biếm chức của Khương Công Phụ, bởi vì vua Đường là.. vua. Quan thì không phải lúc nào cũng là quan, song, vua thì bao giờ cũng là vua, quên điều đó cũng có nghĩa là chẳng nhớ gì cả. Điều này chỉ có trong sách đời, chẳng có trong sách vở cử nghiệp, có đọc đến thiên kinh vạn quyển của sách cử nghiệp cũng chẳng thấy đâu.
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...