Việt Nam Giai Thoại - Nguyễn Khắc Thuần

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Mạc Hồng Viên, 26 Tháng mười một 2018.

  1. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    VIỆT NAM GIAI THOẠI

    (Tập 1)

    40 giai thoại từ thời Hùng Vương đến hết thế kỉ X


    Tác giả: Nguyễn Khắc Chung

    NXB Giáo Dục 2003​

    Văn án:

    ĐÔI LỜI CÙNG BẠN ĐỌC

    Bạn đọc yêu quý, Thế là giờ đây tôi đã có thể thở phào nhẹ nhõm mà thưa rằng, bộ VIỆT SỬ GIAI THOẠI gồm tám tập đã hoàn thành. Xét thứ tự biên soạn thì đây là tập đầu tiên, nhưng xét thứ tự xuất bản thì đây là tập cuối cùng của cả bộ. Tám cuốn sách được viết trên cơ sở trích dịch từ hàng trăm cuốn sách cổ, nếu không có sự cổ vũ hào phóng của Nhà Xuất bản Giáo dục và của bạn đọc gần xa, tôi không dám tin là mình có thể hoàn tất công việc đúng như kế hoạch đã định. Tự đáy lòng thành của mình, tôi xin được gởi đến Nhà Xuất bản Giáo dục và tất cả bạn đọc những lời chúc mừng tốt đẹp và lời cảm ơn sâu sắc.

    Bạn đọc yêu quý

    VIỆT SỬ GIAI THOẠI là bộ sách khai thác những ghi chép của các bộ chính sử xưa. Tuytuân thủ một cách nghiêm ngặt, thì ở tập này, tập 40 giai thoại từ thời Hùng Vương đến hết thế kỉ thứ X, chúng tôi buộc phải có một vài thay đổi nhỏ. Như bạn đọc đã biết, để viết về thời đại Hùng Vương và An Dương Vương, các bộ chính sử xưa đã dựa chủ yếu vào dã sử hoặc truyền thuyết dân gian. Hẳn nhiên, truyền thuyết dân gian không phải là sử nhưng truyền thuyết dân gian bao giờ cũng được hình thành trên cơ sở của một sự thực lịch sử nào đó. Một khi trong tay mình có đầy đủ những tài liệu mà chính sử xưa đã khai thác, chúng tôi nghĩ rằng, tốt nhất là mình hãy tự giới thiệu lấy, không nên trích lục những gì mà chính sử xưa đã trích lục. Xưa nay, tam sao thất bản vốn là chuyện chẳng hay. Từ cách nghĩ này, chúng tôi đã viết một số giai thoại trên cơ sở trích dịch một số sách như : Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh tập.. v. V.

    Tổ tiên có nếp nghĩ riêng của tổ tiên, lấy sở thích hiện đại và hoàn toàn của cá nhân ta để nhận xét thì chắc chắn là sẽ có không ít chuyện chẳng phù hợp và chẳng hay nữa là khác. Nhưng, cái tổ tiên ân cần để lại không phải là sự hào nhoáng bề ngoài mà là cả một kho đạo lí lớn lao và vô giá. Cổ nhân nghiêm cẩn mà tế nhi, nhắc nhở chúng ta biết kính những gì đáng kính, biết khinh những gì đáng khinh, biết canh cánh giữ lòng để khi nhắm mắt xuôi tay, ai ai cũng được thanh thản vì chẳng có gì phải ân hận. Đức lớn và lòng thành của tổ tiên ngời ngời tỏa sáng từ những trang sách xưa, gọn gàng, cụ thể mà sâu sắc.

    Cầm riêng tập sách nhỏ này, hoặc giả là cầm trọn bộ tám tập VIỆT SỬ GIAI THOẠI trên tay, nếu bạn cảm thấy kính trọng tổ tiên hơn thì công ấy thuộc về các cây đại bút thuở trước, ngược lại, nếu bạn cảm thấy nhiều chỗ chưa được vừa lòng, thì lỗi ấy thuộc về tôi, người đã không lượng được sức mình khi làm công việc khó khăn này.

    Tôi tin, rất tin rằng bạn sẽ hiểu được chút lòng của tôi kí tải trong nhưng trang viết mộc mạc. Xin được xiết tay bạn và chờ đợi ở bạn những lời đóng góp chân tình.

    Thành phố Hồ Chí Minh

    NGUYỄN KHẮC THUẦN

    Sưu tầm: Mạc Hồng Viên
     
    Đặng Châu, Kim MỹRùa Siêu Tốc thích bài này.
    Last edited by a moderator: 26 Tháng mười một 2018
  2. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 1: Cuộc kỳ ngộ giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ

    [​IMG]



    Bấm để xem
    Đóng lại
    Các bộ sử cũ thường coi Hồng Bàng là dòng họ đầu tiên đã có công dựng nước. Mức độ tuy có khác nhau, nhưng nhìn chung, tất cả đều dựa vào những ghi chép của sách Lĩnh Nam chích quái để viết về họ Hồng Bàng.

    Nay, xin theo Hồng Bàng thị truyện (Truyện họ Hồng Bàng) trong Lĩnh Nam chích quái, giới thiệu cuộc kì ngộ giữa Lạc Long Quân với Âu Cơ như sau :

    "Cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi. Đế Minh nhân đi tuần thú phương Nam, tới miền Ngũ Lĩnh; gặp con gái bà Vụ Tiên, đem lòng yêu thích rồi cưới về, sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục dung mạo đoan chính, tuổi nhỏ đã thông minh, nhanh nhẹn. Đế Minh lấy đó làm sự lạ, bèn truyền ngôi cho, nhưng Lộc Tục cố nhường cho anh là Đế Nghi chớ quyết không dám nhận. Đế Minh vì thế đã cho Đế Nghi thay mình, cai trị ở phương Bắc, còn Lộc Tục thì được phong làm Kinh Dương Vương, cai quản vùng phía Nam, gọi là nước Xích Quỷ.

    Kinh Dương Vương có tài xuống thủy phủ, nhân đó, lấy con gái của Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm tức Lạc Long Quân, sau thay cha trị nước, còn Kinh Dương Vương không rõ đi đâu.

    Lạc Long Quân chỉ cho dân cách cày cấy, dạy cho dân cách ăn mặc. Nước nhà từ đó mới có thứ tự vua tôi trên dưới, có luân thường của cha con, vợ chồng. Lắm lúc Lạc Long Quân trở về thủy phủ mà trăm họ vẫn được yên vui. Hễ dân có việc, cứ gọi Lạc Long Quân rằng :

    - Bố ơi, sao không về cứu chúng con.

    Thế là Lạc Long Quân liền trở về ngay. (Người Việt gọi phụ là cha hoặc bố, gọi quân là vua như vậy). Sự oai linh cảm ứng của (Lạc) Long Quân, không ai có thể lường được.

    Sau, Đế Nghi truyền ngôi cho con là Đế Lai. Nhân thấy phương Bắc bình yên vô sự, nhớ chuyện ông mình là Đế Minh đi tuần thú phương Nam mà gặp được tiên nữ, Đế Lai bèn sai kẻ bề tôi thân cận là Xuy Vưu thay mình giữ nước, rồi đi tuần du xuống nước Xích Quỷ ở phương Nam. Đến nơi, Đế Lai thấy Lạc Long Quân đã về thủy phủ, trong nước kể như vô chủ, bèn cho con gái yêu của mình là Âu Cơ cùng những kẻ theo hầu ở lại nơi hành tại, còn mình thì đi chu du khắp thiên hạ, trải xem hết mọi thắng cảnh, thấy đủ hoa thơm cỏ lạ, chim hay, thú hiếm, sừng tê, ngà voi hoặc đồi mồi, bạc vàng, châu báu hoặc trầm hương, quế.. cùng mọi thứ sơn hào hải vị. Nhân thấy khí hậu bốn mùa mát mẻ, không nóng cũng không lạnh, Đế Lai lòng những yêu thích mà quên cả chuyện trở về. Nhân dân nước Nam khổ vì sự phiền nhiễu, không còn được yên lành như trước, ngày đêm mong ngóng Lạc Long Quân trở về, bèn cùng nhau cất tiếng gọi rằng:

    - Bố ơi, bố ở đâu, hãy mau về cứu chúng con.

    (Lạc) Long Quân bỗng chốc trở về, thấy Âu Cơ đang ngồi một mình, dung mạo tuyệt đẹp, lòng những yêu thích, bèn hóa phép, biến thành một chàng trai hình dáng xinh đẹp, tả hữu và trước sau có rất đông kẻ hầu người hạ, tiếng nhạc vang đến tận nơi hành tại mà Âu Cơ đang ngồi. Âu Cơ thấy (Lạc) Long Quân, lòng cũng xiêu xiêu. (Lạc) Long Quân bèn đón (Âu Cơ) về Long Trang.

    Đế Lai trở về, không thấy Âu Cơ, bèn sai quần thần đi tìm khắp thiên hạ, nhưng (Lạc) Long Quân có phép thần, biến hóa trăm hình ngàn vẻ, đủ yêu tinh ma quỷ, rồng, rắn, hổ, voi.. khiến cho kẻ đi tìm sợ hãi, không dám sục sạo. Đế Lai vì thế phải về phương Bắc".

    Lời bàn :

    Không thể nói khác hơn rằng Lạc Long Quân và Âu Cơ đã có một cuộc kì ngộ. Người từ phương xa theo cha đi chu du khắp cõi, tình cờ dừng bước ở đất Xích Quỷ. Người làm vua một phương, được dân thương mà gọi là bố. Xứ sở chẳng cùng, tuổi tác cách biệt, thế mà vừa gặp đã rung động về nhau. Lạ thay!

    Xét về thế thứ, Lạc Long Quân và Đế Lai là anh em con chú con bác với nhau. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, tức là lấy con gái của anh con nhà bác vậy. Có người nhân đó mà nghiêm phê rằng, luân thường đạo lí đảo điên, mối họa cho thiên hạ thật khó mà lường được. Song, lấy khuôn mẫu đạo đức hiện thời để xét đoán hành vi của thiên cổ, trong chỗ ngỡ như đúng, cái sai đã chất chứa sẵn rồi.

    Đọc sách đâu phải chỉ đọc chữ trong sách. Ngàn xưa vẫn thế, nỗi tâm sự cần kí thác, thường hay nằm ở giữa những dòng chữ hoặc ở sau những dòng chữ đó thôi. Sử cũ vẫn nhấn mạnh mối thâm tình của các nhóm thuộc Bách Việt. Chừng như chuyện này muốn tỏ rằng vốn dĩ tất cả đều chung máu mủ ruột rà. Ngẫm mà xem!
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng mười một 2018
  3. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 2: Nước Văn Lang đã ra đời như thế nào?

    [​IMG]



    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sách Lĩnh Nam chích quái, phần Hồng Bàng thị truyện, chép:

    "(Lạc) Long Quân và Âu Cơ ăn ở với nhau được chừng hơn một năm thì sinh hạ được một cái bọc, cho đó là điềm chẳng lành nên đem vất ra ngoài đồng. Bảy ngày sau, bọc ấy nở thành một trăm cái trứng, mỗi trứng lại nở thành một người con trai. (Lạc) Long Quân bèn đón về nhà nuôi, chẳng cần cho bú mớm mà các con người nào cũng tự lớn, trí dũng song toàn, ai trông thấy cũng đều kính phục, cho là đàn con phi thường.

    Nhưng, (Lạc) Long Quân cứ ở mãi dưới thủy phủ, khiến cho mẹ con Âu Cơ cứ phải chịu cảnh lẻ loi, cho nên, cũng muốn trở về đất Bắc. Khi (mẹ con Âu Cơ) dắt díu nhau về đến biên giới, Hoàng Đế hay tin, lấy làm lo sợ, bèn sai quân ra canh giữ các cửa ải, vì thế, mẹ con Âu Cơ không thể về Bắc được, đêm ngày cứ gọi (Lạc) Long Quân rằng :

    Bố ở nơi nào,

    Mà sao nỡ để,

    Mẹ con buồn đau.


    (Lạc) Long Quân liền về, gặp Âu Cơ ở Tương Dã. Âu Cơ vừa khóc vừa nói rằng :

    - Thiếp vốn người phương Bắc, cùng chàng ăn ở với nhau mà sinh hạ được trăm đứa con trai, giờ chẳng biết nương tựa vào đâu mà nuôi nấng chúng được, vậy, thiếp xin theo chàng, xin chàng đừng ruồng bỏ, làm cho thiếp thành kẻ không chồng, các con thành kẻ không cha, thực là đau khổ lắm.

    (Lạc) Long Quân nói :

    - Ta là giống Rồng, đứng đầu các loài dưới nước, còn nàng là giống Tiên, làm người trên đất. Tuy âm dương khí tụ mà sinh con nhưng không sao đoàn tụ được vì hai giống tương khắc như nước với lửa, thật khó bề bền lâu. Nay, đành phải chia li ta mang năm mươi con trai về thủy phủ và chia cho chúng đi cai trị các nơi, còn năm mươi đứa sẽ theo nàng ở lại trên đất, chia nước mà cai trị. Khi lên ngàn hay khi xuống nước, có việc thì phải gắn bó với nhau mà làm, chớ rời bỏ nhau.

    Cả trăm người con trai cùng nghe theo rồi cùng nhau tạm biệt. Âu Cơ và năm mươi người con trai đến ở đất Phong Châu, tức là vùng huyện Bạch Hạc, cùng nhau tôn người con trưởng lên làm vua, xưng hiệu là Hùng Vương và đặt tên nước là Văn Lang. Nước ấy, về phía Đông thì giáp Nam Hải, về phía Nam thì giáp nước Hồ Tôn (nay là nước Chiêm Thành), về phía Tây thì giáp nước Ba Thục, còn về phía Bắc thì giáp Động Đình. Nước chia làm mười lăm bộ, gồm: Giao Chỉ, Chu Diên, Ninh Sơn, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải (nay chính là Nam Ninh), Dương Tuyền, Quế Dương, Vũ Ninh, Y Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Chân Định, Quế Lâm và Tượng Quận. Vua sai các em chia nhau cai trị. Dưới vua có các chức văn võ. Tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng. Con trai của vua thì gọi là Quan Lang, con gái của vua thì gọi là Mỵ Nương, chức Tư Mã thì gọi là Bồ Chính, kẻ nô bộc thì gọi là Trâu, nô tì gọi là Tinh và các quan khác thì gọi là Khối. Các chức đời đời cha truyền con nối, gọi là Phụ Đạo. Vua truyền ngôi cho nhau đều lấy hiệu là Hùng Vương chứ không thay đổi".

    Lời bàn :

    Lạc Long Quân và Âu Cơ, Tiên Rồng kì ngộ, vậy mà mối tình lại trần tục làm sao! Bạn đang băn khoăn về sự huyền bí đến độ phi lí chung quanh chuyện mẹ Âu Cơ sinh hạ bọc trăm trứng chăng? Xin bạn chớ bận tâm, bởi vì có cổ tích nào lại không bồng bềnh trong những chi tiết hư ảo đại loại như thế?

    Cao vời thay, công đức và sự nghiệp của Âu Cơ. Sâu sắc và khiêm nhượng thay, lời kí tải cái tâm của tổ tiên vế cội nguồn dân tộc : Đi từ trứng nước đi lên, và dẫu định cư bất cứ nơi đâu thì tất cả con Rồng cháu Tiên đều cùng từ một bọc trứng ban đầu do mẹ Âu Cơ sinh hạ.

    Người bốn phương muôn thuở vẫn thân ái gọi nhau là đồng bào, tình ruột thịt chung bọc trứng Âu Cơ ngàn năm còn đó. Kính thay! Bạn sẽ thật khó mà tìm được một chân dung Văn Lang với những đường nét cụ thể trong câu chuyện này, nhưng cũng như bao người khác, tôi tin là bạn sẽ bồi hồi khi nghĩ đến nghĩa tình vô giá mà tổ tiên đã cẩn trọng để lại nơi đây.

    Lòng người xưa lấp lánh tỏa sáng mãi trong sử cũ, bạn có thấy không?
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng mười một 2018
  4. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 3: Vì sao người Việt cổ có tục xăm mình?

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Một trong những tục cổ xưa nhất của người Việt là xăm mình. Tục này, phải kéo dài mãi cho đến cuối thế kỉ thứ XIII, đầu thế kỉ thứ XIV mới chấm dứt. Có người nói rằng, bởi tục này mà tên nước đầu tiên của người Việt là Văn Lang. Hẳn nhiên, cách giải thích ấy chưa đủ sức thuyết phục, nhưng dẫu sao thì tục xăm mình cũng là một trong những tục cổ nhất và tồn tại thuộc vào hàng lâu dài nhất ở nước ta. Về nguyên nhân xuất hiện của tục này, sách Lĩnh Nam chích quái (phần Hồng Bàng thị truyện) viết như sau :

    "Bấy giờ, dân trên núi xuống nước đánh bắt cá thường bị thuồng luồng gây thương tổn, bèn cùng nhau tâu việc ấy với Vua.

    Vua nói :

    - Các giống ở trên núi khác với các loài ở dưới nước. Các loài ở dưới nước chỉ ưa những gì giống với mình và ghét những gì khác mình, vì vậy, ta mới bị gây hại.

    Nói rồi, Vua bèn ra lệnh cho ai nấy cũng phải lấy màu xăm hình thủy quái vào người. Từ đó, không bị thuồng luồng gây thương tích nữa. Tục vẽ mình của dân Bách Việt bắt đầu có kể từ đấy.

    Ở buổi đầu mở nước, mọi thứ vật dụng của dân chưa đủ. Dân phải lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ ống làm chiếu, lấy gạo nếp nấu rượu, lấy cây quang lang làm thức ăn, lấy cầm thú cá tôm làm mắm, lấy củ gừng làm muối, đao canh thủy chủng. Đất sản nhiều gạo nếp. Lấy ống bương thổi mà ăn. Làm nhà sàn mà ở để tránh cọp, chó sói làm hại. Cắt tóc ngắn để tiện vào rừng. Con mới vừa sinh ra thì lấy lá chuối lót cho nằm. Có người chết thì gõ vào cối không, cho xóm giềng nghe thấy để kéo nhau đến giúp. Con trai con gái lấy nhau, trước hết, dùng gói muối làm lễ hỏi rồi sau đó mới giết trâu, giết dê để ăn mừng thành vợ thành chồng. Cùng nhau đem cơm nếp vào buồng để ăn, vợ chồng mới thành thân, vì lúc đó trầu cau chưa có".

    Lời bàn :

    Chinh phục thiên nhiên vùng đồng bằng sông nước là cả một quá trình lâu dài phúc tạp và cực kì khó khăn. Hình ảnh những con thuồng luồng gây thương tích cho dân có lẽ chính là mọt trong những biểu hiện của sự phức tạp và cực kì khó khăn đó.

    Dân gặp khó thì kêu vua, vua ân cần chỉ cho dân tất cả những gì mình biết. Lời chỉ dẫn ấy, đúng sai thế nào thì ta đã quá rõ. Nhưng điều quan trọng hơn lại chính là ở chỗ, trên dưới như cha con một nhà, nghĩa tình đằm thắm biết bao!

    Bấy giờ, hễ người Việt là xăm mình, hễ ai xăm mình là người Việt. Bạn thích hay không thích tục xăm mình, đó là việc riêng của bạn, nhưng, trông tại ngàn xưa, xin bạn hãy ghi nhận cho rằng, chính tục ấy đã góp phần làm cho Hán và Việt biệt lập rõ ràng, và cũng chính nhờ sự biệt lập rõ ràng ấy, giờ này, bạn mới có thể ung dung mà nói : Non sông ta.

    Đời sống của cổ nhân ra sao, đoạn ghi chép ngắn ngủi trên kể cũng đã nói khá rõ. Kính thay, một thời chắt chiu cần mẫn, thương thay, một thời gian truân! Đi giữa giang sơn gấm vóc, xin chớ vô tâm quên tổ tiên ngàn đời.
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng mười một 2018
  5. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 4: Phù Đổng Thiên Vương

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 1, tờ 3b và 4a), dựa vào sách Lĩnh Nam chích quái, tóm lược chuyện Phù Đổng Thiên Vương như sau :

    "Đời Hùng Vương thứ sáu, Ở làng Phù Đổng, bộ Vũ Ninh (nay thuộc Bắc Ninh - NKT), có nhà giàu nọ, sinh được một đứa con trai. Đứa trẻ ấy, mãi đến năm hơn ba tuổi, tuy ăn uống béo tốt, nhưng lại không biết nói cười. Bấy giờ gặp lúc trong nước có tin nguy cấp, Nhà vua bèn sai Thiên sứ đi tìm người có thể đánh được giặc. Đúng ngày hôm ấy, đứa trẻ bỗng dưng nói được. Nó nhờ mẹ ra mời Thiên sứ vào rồi nói rằng :

    - Xin cho tôi một thanh gươm, một con ngựa. Vua không phải lo gì nữa.

    Vua liền ban cho gươm và ngựa. Đứa trẻ liền phi ngựa, vung gươm tiến lên. Quan quân theo sau. Giặc bị đánh tan ở núi Vũ Ninh (núi này, nay thuộc đất Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh - NKT). Chúng sợ, quay giáo đánh lẫn nhau, chết nhiều lắm. Bọn sống sót thì cúi rạp xuống mà lạy, rồi cùng tôn đứa trẻ ấy là Thiên tướng và đến xin hàng. Đứa trẻ phi ngựa lên trời mà đi.

    Vua liền sai sửa sang chỗ vườn nhà của đứa trẻ để lập đền thờ, luôn năm cúng tế.

    Sau, vua Lý Thái Tổ (làm vua từ năm 1010 đến năm 1028 - NKT) phong làm Xung Thiên Thần Vương".

    Lời bàn :

    Chuyện dân gian hẳn nhiên không phải là lịch sử, nhưng, bất cứ chuyện dân gian nào cũng đều phản ánh một cái lõi có thật nào đấy của lịch sử. Cái lõi có thật ấy, có thể chính là bản thân sự kiện hoặc nhân vật, nhưng có khi chỉ là một ý nguyện chân thành, gởi gắm qua cách nhìn nhận một sự kiện hoặc một nhân vật lịch sử nào đó.

    Không ai tin rằng một đứa trẻ lên ba lại có thể cưỡi ngựa vung gươm, dẫn đầu quan quân ra trận và đánh tan lũ giặc hung tàn, nhưng bất cứ ai cũng đều tin rằng, hễ có giặc thì hết thảy già trẻ gái trai nước Việt đều hăm hở ra chiến trường. Chí lớn và tài cao chẳng phải lúc nào cũng đi đôi với tuổi tác.

    Thắng trận rồi, đứa trẻ lẳng lặng bay lên trời, không bàn tâm suy tính công lao, chẳng băn khoăn gì về sự ân thưởng. Mới hay, lòng dân muôn đời vẫn vậy, bình thản lo đại nghĩa một cách vô tư. Người có công tạo lập và gìn giữ thái bình chẳng hề đòi hỏi bất cứ một điều gì cho riêng mình cả. Từ Lý Thái Tổ trở đi, các vua nối nhau đều phong thần cho đứa trẻ quê ở Phù Đổng.

    Chính hương khói của việc thờ phụng này đã góp phần không nhỏ vào việc tạo ra khí phách hiên ngang và sự vô tư lạ kì cho lớp lớp những thế hệ trẻ, vì nước quên than, vì dân quên mình. Kính thay!
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng mười một 2018
  6. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 5: Sự tích thánh Tản Viên

    (Sơn Tinh - Thủy Tinh)

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, từ tờ 4a đến tờ 5a) chép rằng :

    "Cuối thời Hùng Vương, Nhà vua có người con gái gọi là Mỵ Nương, nhan sắc rất xinh đẹp. Vua nước Thục nghe tiếng, bèn đến cầu hôn.

    Nhà vua đã muốn gả, nhưng Hùng Hầu can rằng :

    - Chẳng qua họ muốn chiếm nước ta nên mượn việc cầu hôn để tạo ra cái cớ mà thôi.

    Vua nước Thục vì thế mà để bụng oán giận. Nhà vua muốn tìm người xứng đáng để gả, liền nói với các bề tôi rằng :

    - Đứa con gái này là giống Tiên, cho nên, chỉ ai đủ tài đức ta mới cho làm rể.

    Bấy giờ, có hai người từ phía ngoài tiến vào, cùng lạy dưới sân xin cầu hôn. Nhà vua lấy làm lạ, hỏi thì họ thưa rằng, một người là Sơn Tinh, một người là Thủy Tinh, đều là ở trong cõi của Nhà vua cả. Nay, nghe tin Nhà vua có thánh nữ, bên đánh bạo tới xin chờ mệnh của Vua.

    Vua nói :

    - Ta chỉ có một người con gái, làm sao lại có thể có đến hai người rể hiền.

    Nói rồi, bèn hạ lệnh cho hai người, rằng đến ngày hôm sau, ai đem đủ sính lễ tới trước thì sẽ gả con cho người ấy. Hai người nghe xong, lạy tạ rồi ra về.

    Hôm sau, Sơn Tinh đem các thứ châu báu bạc vàng cùng chim rừng thú núi tới dâng. Nhà vua y hẹn, gả con cho Sơn Tinh. Sơn Tinh đón vợ về trên đỉnh cao của núi Tản Viên.

    Thủy Tinh cũng đem sính lễ đến, nhưng muộn hơn, giận là đã đến trễ, bèn kéo mây làm mưa, dâng nước tràn ngập rồi đem các loài thủy tộc đuổi theo. Nhà vua cùng Sơn Tinh lấy lưới sắt chắn ngang khu vực thượng lưu sông Từ Liêm (tức khúc sông Hồng, chảy qua Chèm, ngoại thành Hà Nội - NKT) để ngăn lại. Thủy Tinh lại theo sông khác, từ vùng Lỵ Nhân vào chân núi Quảng Oai rồi men sông Hát và tràn ra sông Lớn (tức sông Hồng - NKT) mà ngoặt sang sông Đà để đánh lên Tản Viên. Ở đâu (Thủy Tinh) cũng đào vực, đào chằm để chứa nước hòng đánh úp Sơn Tinh. Sơn Tinh có phép thần biến hóa, sai người đan tre thành hàng rào chắn nước, lấy cung nỏ bắn xuống, khiến cho các loài thủy tộc đều bị trúng tên mà chạy trốn.

    Rốt cuộc, Thủy Tinh không sao xâm phạm được núi Tản Viên. Tục truyền, từ đó Sơn Tinh và Thủy Tinh đời đời thù oán, hàng năm vẫn dâng nước đánh lẫn nhau. Núi Tản Viên là dãy núi cao của nước Việt ta, sự linh thiêng rất ứng nghiệm. Mỵ Nương đã lấy Sơn Tinh, khiến cho vua của nước Thục cũng tức giận, dặn lại con cháu phải diệt Văn Lang mà chiếm cho được nước ta".

    Lời bàn :

    Chuyện đầy những chi tiết bất hợp lí và hoang đường, nhưng giá thử ai đó có tài kể ngược lại, bỏ hết những chi tiết bất hợp lí và hoang đường, thì.. chuyện sẽ chẳng còn là chuyện nữa.

    Bồng bềnh giữa những lời hư ảo chính là cái gì đó phản ảnh một cách vừa mơ hồ vừa rất rõ rệt về năng lực trị thủy của cổ nhân. Sừng sững giữa thiên nhiên khắc nghiệt, núi Tản Viên là biểu tượng của ý chí hiên ngang trước mọi thủy tai. Chẳng có gì khó khăn khi tìm chỗ đúng sai của cổ tích, nhưng, làm như vậy phỏng có ích gì? Giữa bao la của trái đất, những người dân bé nhỏ vẫn tin là có thánh thần. Thánh thần cao cả mà vô tư, luôn cứu giúp tất cả những người lao động chân chính. Và đối với ngàn xưa, đó quả là một sức mạnh tinh thần hết sức lớn lao. Mà.. sức mạnh tinh thần, có khi lại khoác áo cổ tích đầy vẻ hoang đường.

    Trước mọi thủy tai, xin bạn hãy trông vời về đất tổ, nơi ấy có Sơn Tinh tức thánh Tản Viên, bạn tin hay không tin cũng vậy, khi thành kính hướng về đất tổ, nhất định bạn sẽ tự cảm thấy có một nguồn sức mạnh vô hình nào đấy, khiến bạn tư tin và phấn chấn hẳn lên. Cứ đợi thử mà xem!
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng mười một 2018
  7. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 6: Huyền Thoại Loa Thành.

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Loa Thành hay Cổ Loa Thành, còn có tên khác là Tư Long Thành, người Trung Quốc thường gọi là Côn Lôn Thành, chính là kinh thành của nước ta thời An Dương Vương. Di tích Loa Thành nay vẫn còn ở huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội.

    Truyền thuyết nói Loa Thành gồm đến chín vòng, được đắp theo kiểu xoáy hình trôn ốc, nhưng di tích còn lại chỉ thấy có ba vòng, dài tổng cộng hơn mười sáu cây số. Loa Thành là công trình kiến trúc lớn nhất của nước nhà thời cổ đại, là chứng tích bất diệt của ý chí và năng lực sáng tạo của tổ tiên ta. Việc đắp thành khó khăn này đã được tiến hành như thế nào? Sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 1, từ tờ 6a đến tờ 7b) chép rằng :

    "Thành này cứ hễ đắp xong lại bị sụt lở, khiến Nhà vua rất lấy làm lo. Nhà vua bèn trai giới sạch sẽ, khấn trời khấn đất và các vị thần núi, thần sông, rồi khởi công đắp lại".

    * * * Mùa xuân, tháng ba, chợt có thần nhân đến trước cửa thành, trỏ vào thành rồi cười mà nói rằng :

    - Đắp như thế thì đến bao giờ mới xong? Vua liền mời vào điện để hỏi.

    Thần nhân nói :

    - Cứ đợi Giang sứ đến.

    Xong, cáo từ đi ngay. Sáng hôm sau, Vua ra cửa thành, thấy có con rùa bơi trên sông, từ phía Đông đến, nói được tiếng người, xưng là Giang sứ, bàn được chuyện tương lai.

    Nhà vua mừng lắm, để lên mâm vàng rồi đặt mâm lên điện và hỏi về nguyên nhân khiến cho thành bị sụt lở. Rùa vàng đáp :

    - Ấy là bởi tinh khí núi sông của vùng này bị (hồn thiêng) của con vua thuở trước phụ vào để trả thù cho nước. Nó nấp ở núi Thất Diệu. Trong núi ấy có con quỷ, ấy chính là (hồn thiêng) của người con hát thuở trước chết chôn ở đấy hóa thành. Cạnh núi có cái quán, chủ quán tên là Ngộ Không. Ông ta có đứa con gái và một con gà trắng, đó chính là hư khí của tinh, phàm ai là người qua lại và ngủ đêm tại đó đều bị chết vì bị quỷ ám. Chúng có thể gọi nhau, họp đàn họp lũ, làm cho sụp cả thành. Nay nếu giết được con gà trắng ấy để trừ tinh khí đi thì thành sẽ tự nhiên xây được bền vững.

    Nhà vua nghe vậy, liền đem rùa vàng đến quán, giả làm người xin ngủ trọ.

    Chủ quán nói :

    - Ngài là bậc quý nhân, vậy xin đi ngay kẻo ở đây là mắc họa.

    Nhà vua cười nói :

    - Sống chết đều có mệnh số cả, ma quỷ mà làm gì nổi?

    Nói rồi, vẫn cứ ngủ lại quán. Đêm khuya, nghe tiếng quỷ từ ngoài vào gọi mở cửa, rùa vàng liền quát mắng khiến lũ quỷ không sao vào được. Gần sáng, khi nghe tiếng gà gáy thì chúng bỏ chạy tan tác. Rùa vàng xin Vua đuổi theo chúng. Tới núi Thất Diệu, tinh khí của lũ quỷ biến mất. Nhà vua cùng rùa vàng trở về quán. Sáng sớm, chủ quán tưởng Nhà vua đã chết rồi, bèn gọi người đến khâm liệm để đem đi chôn. Thấy Nhà vua vẫn vui vẻ cười nói, chủ quán sụp lạy mà thưa rằng :

    - Ngài được như thế này ắt phải là thánh nhân. Vua xin gà trắng đem giết để tế lễ. Gà chết, con gái của chủ quán cũng chết theo.

    Vua liền sai người đào núi (Thất Diệu), thấy ở đó có nhạc khí cổ và xương người, liền sai đốt thành tro rồi đổ xuống sông. Yêu khí ma quỷ từ đó mất hẳn. Cũng từ đó, thành đắp chưa quá nửa tháng đã xong. Rùa vàng liền cáo từ ra về. Nhà vua cảm tạ và hỏi rằng :

    - Đội ơn ngài đã giúp đắp thành vững chắc. Nhưng, nay mai nếu có giặc đến thì lấy gì mà chống giữ?

    Rùa vàng liền trút chiếc móng đem cho vua và nói :

    - Nước yên hay nguy đều do trời định đoạt, nhưng người cũng nên phòng bị. Nếu có giặc đến thì dùng móng thiêng này mà làm lẫy nỏ, nhằm thẳng giặc mà bắn thì không lo gì.

    Vua sai bề tôi là Cao Lỗ (cũng có sách chép là Cao Thông) chế nỏ thần, lấy móng rùa vàng làm lẫy, đặt tên là Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ ".

    Lời bàn :

    Nước bấy giờ còn nhỏ, dân bấy giờ còn thưa, tiềm lực quốc gia bấy giờ cũng còn yếu, đã thế, trình độ kĩ thuật bấy giờ lại chưa cao, thế mà Nhà vua dám dốc sức xây thành Cổ Loa, chí lớn thật đáng sánh ngang với trời đất. Việc lớn, khó khăn lớn, hình ảnh của lũ yêu quái phá hoại. Ở một góc độ nào đo, cũng có thể coi là biểu tượng của những thử thách chất chồng đó thôi. Việc Nhà vua nghênh đón Giang sứ có cái gì đó phảng phất hình ảnh các vị minh quân hồ hởi đón lời hay trong thiên hạ. Việc Giang sứ không chút quản ngại, cùng Vua lên tận núi Thất Diệu để diệt yêu quái, sau lại còn thanh thản trút móng tặng Vua, tất cả nào có khác gì hình ảnh những người vô danh trong trăm họ, đã hết lòng phò tá chí lớn của Nhà vua! Nhà sử học lỗi lạc của nước nhà (thế kỉ thứ XV) là Ngô Sĩ Liên nói rằng:" Việc làm của thần là dựa theo ý người, thần nhập vào vật mà nói. Khi nước sắp thịnh. Thần minh giáng xuống để xem đức hóa, khi nước sắp mất, thần minh cũng giáng xuống để xét tội. Cho nên, cũng có khi thần giáng mà thịnh, lại cũng có khi thần giáng mà suy"(Đại Việt sử kí toàn thư, ngoại kỉ, quyển 1, tờ 10-b). Như An Dương Vương, thần minh giáng lần đấu thì đắp xong Loa Thành, dựng nên quốc gia Âu Lạc hùng mạnh : Thần minh giáng lần thứ hai, quân thua nước mất. Người xưa tin như vậy và đã trịnh trọng chép vào sử như vậy. Gấp sách lại, xin bạn chớ bao giờ tự hỏi rằng đáng tin hay không đáng tin, mà tốt hơn cả, bạn nên tự hỏi rằng cổ nhân muốn kí thác điều gì.
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng mười một 2018
  8. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 7: Tôi kể, ngày xưa.. chuyện Mỵ Châu

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Xin được mượn một câu thơ của Tố Hữu làm tiêu đề cho giai thoại này - giai thoại gắn liền với tên tuổi của một nhân vật đặc biệt : Mỵ Châu!

    Mỵ Châu là con gái của An Dương Vương. Khi cô lớn lên cũng là khi Triệu Đà (vua của nước Nam Việt, một vương quốc nằm sát biên giới phía Bắc nước ta) đang ráo riết thực hiện mưu đồ bành trướng xuống phương Nam. Quân của Triệu Đà đã bao phen tiến đánh đến tận Tiên Du (nay thuộc Bắc Ninh), uy hiếp mạnh mẽ đối với cả kinh thành Cổ Loa, nhưng, tất cả những cuộc tấn công ấy đều bị đẩy lùi.

    Sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 1 từ tờ 9a đến tờ 10-b) chép rằng :

    "(Triệu) Đà biết Nhà vua có nỏ thần, không thể nào địch nổi, bèn cho quân lui giữ Vũ Ninh (tỉnh Bắc Ninh ngày nay - NKT) rồi sai sứ đến xin giảng hòa.

    Nhà vua mừng lắm, bèn chia đất từ Bình Giang, tức là vùng sông Thiên Đức, huyện Đông Ngàn (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh - NKT) trở lên phía Bắc thì giao cho (Triệu) Đà cai quản, từ đó trở về Nam thì do Nhà vua cai quản. (Triệu) Đà sai con trai của mình là Trọng Thủy, vào hầu cận Nhà vua, rồi xin cưới con gái của Nhà vua là Mỵ Châu. Vua bằng lòng. Trọng Thủy nhân đó dỗ dành Mỵ Châu, xin xem trộm nỏ thần (của Nhà vua). Hắn ngầm bẻ gẫy lẫy nỏ, làm cái lẫy giả thay vào, xong, lấy cớ về Bắc thăm nhà (để mật báo mọi sự).

    Trước khi đi (Trọng Thủy) nói với Mỵ Châu rằng :

    - Ơn nghĩa vợ chồng chẳng thể nào quên, sau này nếu chẳng may hai nước bất hòa, Nam Bắc cách biệt, mà ta lại tới đây thì làm sao có thể tìm thấy nàng?

    Mỵ Châu nói :

    - Thiếp có cái áo kết bằng lông ngỗng, đi đâu cũng thường mang theo mình. Vậy, thiếp sẽ rút lông ngỗng rắc xuống đường để làm dấu.

    Trọng Thủy về mật báo cho Triệu Đà hay".

    Ngay sau đó, Triệu Đà đem quân đánh An Dương Vương.

    Sách trên chép tiếp : "(Triệu) Đà đem quân đến đánh Nhà vua. Vua không biết là lẫy nỏ đã mất, cho nên, cứ vừa ngồi đánh cờ, vừa cười mà nói rằng :

    - (Triệu) Đà không sợ nỏ thần của ta hay sao?

    Khi quân của Triệu Đà tiến sát đến nơi. Nhà vua mới giương nỏ bắn và bấy giờ mới hay là lẫy nỏ đã gẫy rồi. Nhà vua thua chạy, cho Mỵ Châu cùng ngồi chung ngựa mà đi mãi về phía Nam. Trọng Thủy cứ theo dấu lông ngỗng đuổi theo.

    Nhà vua chạy đến biển, hết đường mà thuyền chẳng có, liền cất tiếng gọi thần Kim Quy :

    - Hãy mau đến cứu ta!

    Thần Kim Quy nổi lên mặt nước, mắng rằng :

    - Kẻ ngồi sau ngựa là giặc đấy, sao không giết ngay đi!

    Nhà vua rút gươm chém Mỵ Châu. Mỵ Châu liền khấn vái rằng:

    - Ta trọn tiết trung tín, chẳng dè bị người đánh lừa, vậy, sau khi chết, xin được hóa thành ngọc châu để rửa mối nhục này.

    Nhà vua chém Mỵ Châu, máu chảy loang khắp mặt nước, loài trai dưới biển nuốt vào bụng, máu ấy hóa thành hạt minh châu. Nhà vua cầm sừng tê văn dài bảy tấc mà đi xuống biển, đại để cũng như nói cầm sừng tê đi xuống nước.

    Tục truyền rằng, núi Dạ Sơn, xã Cao Xá ở Diễn Châu (nay thuộc tỉnh Nghệ An - NKT) chính là nơi Nhà vua giết My Châu rồi đi xuống biển. Trọng Thủy đuổi đến nơi, thấy Mỵ Châu đã chết, thương khóc hồi lâu rồi đem xác về chôn ở Loa Thành.

    Trọng Thủy nhớ tiếc Mỵ Châu, trở lại nơi Mỵ Châu trước kia thường hay trang điểm rồi nhảy xuống giếng mà chết. Người đời sau hễ được hạt minh châu ở ngoài biển Đông, nếu đem đến lấy nước giếng ấy mà rửa, thì sắc ngọc sẽ sáng hơn".

    Lời bàn :

    Trong mọi lỗi lầm, nhẹ dạ cả tin là lỗi lầm cần được tha thứ hơn cả. Bạn có quyền trách An Dương Vương, trách Mỵ Châu, rằng sao mà nỡ nhẹ dạ cả tin đến thế. Nhưng bạn hỡi, nếu một nhà mà cha chẳng tin con, vợ chẳng tin chồng, tất cả sẽ rẻ rúng làm sao! Sau lỗi lầm của An Dương Vương, tổ tiên ta phải trả giá bằng cuộc chiến đấu trường kì, gian khổ và quyết liệt hơn một ngàn năm, nhưng trong mọi trái tim nhân hậu, An Dương Vương- người có công dựng nên quốc gia Âu Lạc, dựng nên kinh thành Cổ Loa - vẫn mãi mãi được tôn kính. Ngàn năm còn đó, những đền thờ An Dương Vương. Ban nghĩ gì về Mỵ Châu? Phận làm con và làm dân, nàng không trọn đạo, và cái chết đã nói thay nàng. Nhưng, phận làm vợ giữ đức thủy chung thì tiết hạnh của nàng quả là sáng như hạt minh châu dưới biển. Bất giác nghĩ về nàng. Có bao giờ bạn bỗng nhớ tới những vần thơ sau đây của Tố Hữu không :

    Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu,

    Trái tim lầm lỡ để trên đầu.

    Nỏ thần vô ý trao tay giặc,

    Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu.
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng mười một 2018
  9. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 8: Triệu Đà là con người như thế nào?

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nhân cơ hội sụp đổ của nhà Tần, Triệu Đà đã nhanh chóng tạo lập ra quốc gia Nam Việt, quyết hùng cứ một phương. Sau, nhân sự mơ hồ và mất cảnh giác của An Dương Vương, Triệu Đà đã đánh chiếm được Âu Lạc. Thế là chỉ trong vòng chưa đầy ba mươi năm (từ năm 206 tr. CN đến năm 179 tr. CN), Triệu Đà trở thành kẻ đứng đầu một quốc gia khá lớn, vui thênh thang với một cõi của mình. Nhưng, chừng đó chưa đủ để có thể nhận diện chính xác về Triệu Đà. Suốt một đời, nỗi bận tâm lớn nhất của Triệu Đà chính là sự hùng mạnh không ngừng của nhà Tây Hán hay còn gọi là nhà Tiền Hán ở đất trung nguyên Trung Quốc. Với nhà Tây Hán, Triệu Đà là người như thế nào? Sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 2, tờ 2a và 2b) chép rằng : "Bấy giờ, nhà Hán đã định được thiên hạ, nghe tin Nhà vua (chỉ Triệu Đà - NKT) cũng xưng vương ở nước Việt, bèn sai Lục Giả sang phong Vua làm Nam Việt Vương, trao cho Vua quả ấn và dây thao, lại trao cho cả cái phẫu phù bổ đôi làm tin, khuyên Vua nên thông sứ với nhau và bảo Vua hãy giữ yên đất Bách Việt, chớ có cướp phá.

    Lục Giả đến, Nhà vua cứ ngồi chồm hổm mà tiếp.

    (Lục) Giả nói :

    - Vương vốn là người Hán, họ hàng thân thuộc và mồ mả hiện đều ở nhà Hán, thế mà nay lại làm trái với tục của nước mình, muốn chiếm đất này để đối nghịch với nhà Hán, há chẳng phải là lầm lẫn hay sao? Vả chăng, nhà Tần mất hươu, cả thiên hạ thi nhau đuổi, chỉ riêng Hán Đế khoan nhân, cho nên, ai cũng vui theo, khởi binh từ đất Bái, đất Phong mà vào Quan Trung để gấp chiếm Hàm Dương, dẹp trừ quân hung bạo. Chỉ trong khoảng năm năm mà loạn lạc đều yên, bốn biển được yên lặng, sức người nhất quyết không thể làm nổi, ấy là nhờ trời đó thôi. Nay Hán Đế nghe tin Vương làm vua ở đất này, lòng đã từng muốn quyết đánh một phen cho rõ được thua, nhưng vì dân vừa trải cơn lao khổ nên đành phải tạm thôi. Giờ đây, Hán Đế sai sứ sang trao ấn và dây thao cho Vương, lẽ ra, Vương phải ra tận ngoài thành nghênh đón, bái yết để tỏ lòng tôn kính (Hán Đế), thế mà Vương đã không làm, vậy, chỉ còn cách sửa lễ để tiếp sứ giả, cớ gì cậy dân Bách Việt đông để coi thường sứ giả của Thiên tử? Nếu Thiên tử mà biết được, khởi binh sang đánh thì Vương sẽ tính sao?

    Vua làm ra vẻ sợ hãi, đứng dậy nói :

    - Tôi ở đất này lâu ngày, thành ra quên hết cả lễ nghĩa.

    Nhân đó, Vua hỏi Lục Giả rằng :

    - Tôi với Tiêu Hà và Tào Tham, ai hơn?

    Lục Giả đáp :

    - Vương hơn chứ.

    Vua hỏi tiếp :

    - Thế tôi với Hán Đế, ai hơn?

    Lục Giả nói :

    - Hán Đế nối nghiệp của Tam Hoàng và Ngũ Đế, thống trị dân Hán có đến cả ức vạn người, đất rộng hàng muôn dặm, của nhiều, người đông, thế mà quyền bính chỉ nằm trong tay một nhà, từ khi trời đất mở mang đến nay chưa từng có. Nay, dân của Vương chẳng qua mươi vạn ở xen giữa núi và biển, bất quá cũng chỉ như một quận của nhà Hán. Vương ví với Hán thế nào được?

    Nhà vua cười và nói rằng :

    - Tôi lấy làm giận là đã không được dấy lên ở phía ấy, biết đâu tôi lại chẳng như nhà Hán bây giờ?

    Lục Giả ngồi im lặng, mặt có vẻ rất buồn. Nhà vua bèn giữ Lục Giả lại đến vài tháng.

    Vua nói :

    - Ở đất Việt này, không ai ngang tài để tôi có thể nói chuyện được. Nay ông đến đây, hàng ngày tôi được nghe những điều chưa từng nghe. Nhà vua cho Lục Giả các thứ châu báu đáng giá ngàn vàng để làm của riêng, đến khi Lục Giả về, lại còn cho thêm nghìn vàng nữa".

    Lời bàn :

    Mới dựng được bờ cõi riêng, lúc đầu, hẳn nhiên là Triệu Đà nghênh ngang tự đắc, tự cho mình quyền.. ngồi chồm hổm mà tiếp sứ, tự ví mình với Tiêu Hà, Tào Tham và cả Hán Đế nữa. Nhưng, cũng vì mới tạo dựng được bờ cõi riêng. Triệu Đà luôn phải canh cánh nỗi lo gìn giữ cơ nghiệp của mình. Lời của Triệu Đà và cử chỉ của Triệu Đà đã tỏ rõ như vậy.

    Tiếc thay, Lục Giả hình như chỉ thuộc được mấy câu nằm lòng, không đủ tài để ứng phó trước sự thay đổi thái độ của Triệu Đà. Mới hay, chọn sứ giả không dễ một chút nào. Việc Lục Giả ngồi im lặng, mặt có vẻ rất buồn đã khiến cho Triệu Đà khôn ngoan nhún nhường, cố giữ và cố tìm cách khai thác mọi nguồn tin từ Lục Giả. Và Triệu Đà quả đã nghe được những điều chưa từng nghe. Cho nên, Triệu Đà hậu hĩ với Lục Giả mà có lỗ lã gì đâu.

    Ôi, khiếp thay, Triệu Đà!
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng mười một 2018
  10. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 9: Nhà Hán và ngón đòn cuối đối với Triệu Đà.

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Năm 206 tr. CN, ở vùng trung nguyên của Trung Quốc, Lưu Bang lập ra nhà Tiền Hán và xưng đế, đó là Hán Cao Tố. Hán Cao Tổ ở ngôi được 12 năm thì qua đời, con là Thái tử Lưu Dinh được lên nối ngôi, đó là Hán Huệ Đế. Hán Huệ Đế là vua nhu nhược, bởi vậy, mọi quyền bính của triều đình đều nằm trong tay bà Lữ Hậu. Bảy năm sau, Hán Huệ Đế mất, bà Lữ Hậu đưa Thiếu Đế lên ngôi. Nhưng, Hán Thiếu Đế cũng chỉ ngồi trên ngai vàng được bốn năm thì bị bà Lữ Hậu phế truất để đưa Lưu Hoằng lên ngôi. Tóm lại, nội bộ triều đình nhà Hán liên tục khủng hoảng và xung đột.

    Năm 180 tr. CN, Lữ Hậu mất, cuộc khủng hoảng và xung đột trong nội bộ triều đình nhà Hán mới tạm dứt. Bấy giờ, Lưu Hoằng được đưa lên ngôi Hoàng đế, đó là Hán Văn Đế. Hán Văn Đế vừa lên ngôi đã lo sửa sang chính sự, trong thì lo cố kết nhân tâm, ngoài thì lo trấn áp lân bang. Một trong những mối bận tâm của Hán Văn Đế chính là Triệu Đà.

    Tuy nhiên, vì lúc này Triệu Đà đã già, khí lực và ý chí chẳng còn mạnh mẽ như xưa nữa, bởi vậy, Hán Văn Đế quyết định dùng ngón đòn tinh thần hiểm hóc của mình. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 2, từ tờ 4a đến tờ 6a) chép như sau : "Hoàng đế của nhà Hán nhân thấy mồ mả tổ tiên của Nhà vua (chỉ Triệu Đà - NKT) đều ở Chân Định, bèn đặt ra chức Thủ ấp và sai trông coi, hàng năm lo cúng tế, lại cho gọi các anh em của Nhà vua ra cho làm quan to, ban cho các thứ rất hậu. Xong, Hoàng đế nhà Hán hỏi Tể tướng Trần Bình rằng có thể cử ai đi sứ sang Nam Việt được.

    Trần Bình nói :

    - Thời Tiên Đế (chỉ thời Hán Cao Tổ - NKT), Lục Giả từng đi sứ sang Nam Việt.

    Hoàng đế nhà Hán gọi (Lục) Giả đến, cho làm Thái trung Đại phu, lại chọn một người nữa cho làm Phó sứ, gọi là Yết Giả, đem thư sang cho Vua.

    Thư ấy nói rằng : Kính thăm người lao tâm khổ tứ là Nam Việt Vương. Trẫm là con vợ lẽ của Cao Đế (tức Hán Cao Tổ - NKT), từng bị đuổi ra ngoài làm phiên vương ở đất Đại vì đường sá xa xôi, lại cũng vì kiến thức hẹp hòi, quê kệch, cho nên chưa từng viết thư. Khi Cao Đế phải lìa bỏ bầy tôi, rồi Huệ Đế cũng qua đời, Cao Hậu (tức Lữ Hậu - NKT) tự mình trông coi việc nước nhưng cũng không may mà mang bệnh nên người họ Lữ đã làm việc chuyên quyền sai trái. Bởi một mình không thể chống đỡ, Lữ Hậu đã lấy người khác họ lên nối nghiệp Huệ Đế. May nhờ anh linh tông miếu tổ tiên và sức lực của quần thần, tất cả bọn ấy đều đã bị giết hết. Trẫm vì các bậc vương hầu và quan lại không cho chối từ nên không thể không nhận (lên ngôi Hoàng đế). Nay, mọi việc đã xong xuôi. Mới rồi, nghe tin Vương có gửi thư cho tướng Lâm Lư Hầu, tỏ ý muốn tìm anh em thân thích và xin bãi chức hai tướng ở Trường Sa. Theo đó, trẫm đã bãi chức của tướng Dương Bác Hầu, còn như người thân của Vương ở Chân Định thì trẫm đã sai người đến thăm hỏi, đồng thời, sai sửa sang phần mộ của tổ tiên Vương. Trước đây, trẫm nghe tin Vương đem quân đi đánh ở biên giới, cướp phá mãi. Việc ấy khiến cho dân Trường Sa mà đặc biệt là dân Nam Quận rất cực khổ, như thế, liệu dân nước của Vương có thể yên hưởng lợi riêng được chăng? Vương làm như thế, tất nhiên sẽ khiến cho nhiều quân lính bị chết, nhiều tướng giỏi bị hại, bao kẻ vợ góa con côi, bao nhà mất con, lợi một mà hại mười, trẫm thấy thật không nỡ. Nay, trẫm muốn chia đất phong cấp xen kẽ để các chư hầu chế ngự lẫn nhau, bèn đem việc ra hỏi thì các quan đều nói : Cao Đế sở dĩ lấy Trường Sa làm địa giới, vì sau Trường Sa là đất của Vương, không nên tự ý thay đổi. Nếu trẫm có lấy thêm được đất của Vương thì nước cũng không vì thế mà lớn, lấy được của cải của Vương thì nước cũng chẳng nhờ đó mà giàu, cho nên, cõi đất từ Ngũ Lĩnh trở về Nam, Vương cứ việc cai trị. Nhưng, Vương xưng Đế thì nếu có hai Đế mà không thông hiếu, tất sẽ tranh nhau. Tranh mà không biết nhường thì bậc nhân đức quyết không làm. Trẫm nguyện cùng Vương xóa bỏ hiềm thù để cùng nhau thông hiếu, bởi vậy, sai Lục Giả đưa tờ dụ sang để nói rõ ý riêng của trẫm. Vương nên nghe theo, chớ làm việc cướp phá nữa. Nhân đây, trẫm gởi biếu Vương 50 chiếc áo bông thượng hạng, 30 chiếc áo bông trung hạng, 20 chiếc áo bông hạ hạng. Mong Vương hãy nghe nhạc giải buồn mà thăm hỏi nước láng giềng.

    Khi Lục Giả đến, Nhà vua tạ lỗi, nói rằng :

    - Xin kính vâng theo chiếu chỉ, làm phiên vương, giữ mãi lệ đi nạp cống phẩm.

    Sau đó, Vua hạ chiếu nói rằng : Trẫm nghe, hai người hùng không đứng cạnh nhau, hai người hiền không sống cùng đời. Hoàng đế nhà Hán là đấng Thiên tử hiền tài, cho nên, từ nay ta tự hủy bỏ hết các thứ xe mui vàng và cờ tả đạo vốn là những nghi lễ chỉ dành riêng cho Hoàng đế mà thôi.

    Rồi nhân đó, Nhà vua gửi thư (cho Hoàng đế nhà Hán) nói rằng : Man di Đại trưởng lão phu, bề tôi là (Triệu) Đà, tội đáng phải chết, lạy hai lạy, mạo muội dâng thư lên Hoàng đế bệ hạ. Lão phu vốn là quan lại cũ ở đất Việt. Cao Đế từng ban cho Lão phu quả ấn và dây thao, lại phong cho làm Nam Việt Vương. Huệ Đế lên ngôi, vì nghĩa mà không nỡ tuyệt giao nên cũng ban cho Lão phu các thứ rất hậu. Cao Hậu coi việc nước, có ý phân biệt Hoa - Di, ra lệnh không bán cho Nam Việt những công cụ làm ruộng bằng sắt và bằng đồng, các loài ngựa, trâu và dê cũng chỉ bán cho con đực, không bán con cái. Lão phu ở nơi hẻo lánh, các loài ngựa, trâu và dê đều đã già. Thiết nghĩ, nếu không sắm sửa lễ vật cúng tế thì tội thật đáng chết, cho nên, (Lão phu) đã sai quan Nội sử là Phan, quan Trung úy là Cao, quan Ngự sử là Bình, cả ba cùng dâng thư tạ lỗi, nhưng không được hồi đáp. Đã thế lại nghe đồn rằng, phần mộ cha mẹ của Lão phu thì bị đập phá, thân nhân của Lão phu thì đều bị giết, cho nên, bọn lại thuộc của thần mới bàn nhau rằng : Bên trong chẳng có gì để xử với nhà Hán, bên ngoài chẳng có gì để cao ngạo với nhà Ngô, bèn đổi hiệu xưng đế, đó chẳng qua cũng chỉ là để làm Hoàng đế của chính nước mình, không hề có ý làm hại thiên hạ. Lúc ấy, Cao Hậu nghe tin thì cả giận, tước bỏ hết sổ sách của Nam Việt, khiến cho không được thông sứ với nhau. Lão phu trộm ngờ rằng, vì Trường Sa Vương gièm pha, cho nên mới đem quân đến biên giới để đánh. Lão phu ở đất Việt đã 49 năm, nay đã đến tuổi được ẵm cháu, nhưng vẫn phải thức khuya dậy sớm, ăn không ngon, ngủ không yên, mắt không nhìn sắc đẹp, tai không màng trống chiêng, tất cả chỉ vì không được làm tôi nhà Hán đó thôi. Nay bệ hạ có lòng thương đến, cho Lão phu được dùng hiệu cũ, hai bên thông sứ như xưa, thì Lão phu dẫu chết, xương cũng không nát được. Vậy, (Lão phu) xin đổi tước hiệu, không dám xưng đế nữa, đồng thời, kính cẩn sai sứ giả dâng lên Hoàng đế : Một đôi ngọc bích màu trắng, một ngàn bộ lông chim trả, mười sừng tê, năm trăm vỏ ốc màu tía, một giỏ cà cuống, bốn chục đôi chim trả sống, hai đôi chim công. Lão phu mạo muội liều chết, lạy hai lạy, xin dâng lên Hoàng đế bệ hạ".

    Lời bàn :

    Con ngựa già đến đây đã chồn chân. Một dũng tướng Triệu Đà dày dạn kinh nghiệm trận mạc và mưu lược hơn người, đến đây không còn nữa. Một Hoàng đế Triệu Đà đầy tham vọng hùng cứ một phương, đến đây cũng không còn nữa. Hán Văn Đế thừa thông minh để hiểu rằng, lúc ấy, mọi biện pháp khác dẫu thành công thì hiệu quả cũng chẳng cao bằng mấy lời nửa răn đe, nửa dịu ngọt như đã kể ở trên. Cũng là Triệu Đà, cũng là Lục Giả, hai con người cũ trong cuộc tương kiến này lại khác hẳn. Lục Giả lão luyện hơn hẳn trước hay sao? Thật khó có thể nói như vây, nhưng, chuyện vua Nam Việt là Triệu Đà đã tỏ ra quá mệt mỏi thì khỏi bàn cũng rõ. Một khi Triệu Đà không còn đáng sợ nữa, thì việc nhà Hán thôn tính Nam Việt nào có khó gì? Vấn đề còn lại chỉ là thời gian nữa mà thôi. Kẻ quỷ quyệt không bao giờ chỉ quỷ quyệt có một lần. Và sau những lần quỷ quyệt ấy là muôn lần khốn khổ của dân.

    **Chú ý: Trường Sa trong truyện là vùng đất cổ thuộc biên giới Nam Việt và Nam Hán. Tuyệt đối không phải quần đảo Trường Sa hiện tại của Việt Nam! **

    《Mạc Hồng Viên》
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng mười một 2018
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...