VÌ SAO XƯƠNG RỒNG SỐNG ĐƯỢC TRÊN SA MẠC? Thiên nhiên luôn đa dạng và phong phú với rất nhiều loài thực vật ở các môi trường sống khác nhau như: Trên cạn, dưới nước, ở những nơi quanh năm lạnh giá hay những nơi có khí hậu quanh năm khắc nghiệt.. Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem làm thế nào mà xương rồng có thể sống ở sa mạc nhé! Sơ lược về xương rồng Ta vẫn biết xương rồng là các loài cây chủ yếu sống ở sa mạc khắc nghiệt, loài cây này bắt nguồn từ Châu Mỹ có tên khoa học là Cactaceae, sau đó được đem trồng tại nhiều nơi trên thế giới, chúng mọng nước, có hai lá mầm và có hoa, xung quanh lá cây là một lớp gai nhọn phủ dày. Chúng có thể lên tới 1500 đến 1800 loài. Theo Tổ chức quốc tế nghiên cứu về thực vật mọng nước hay ICSG, Họ Xương rồng bao gồm 125 đến 130 chi và 1.400–1.500 loài, thuộc 4 phân họ và số tông nhiều nhất là 9 Phân họ Pereskioideae chỉ có 1 chi Pereskia. Phân họ Opuntioideae khoảng 15 chi. Phân họ Maihuenioideae chỉ có 1 chi Maihuenia, gồm 2 loài. Phân họ Cactoideae được chia thành 9 tông, và là phân họ lớn nhất gồm các loài xương rồng đặc trưng. Đó là một loại cây phổ biến, hiện nay nhiều loài xương rồng đã thích nghi với nhiều môi trường khác nhau nhờ sự di chuyển của con người do đó dễ trồng và rất dễ chăm sóc vì thế chúng có mặt ở khắp mọi nơi, rất phù hợp để trồng nhằm trang trí nhà cửa. Tuổi thọ xương rồng rất lâu, có loài lên tới 300 năm tuổi, có loài chỉ sống 25 năm. Hoa xương rồng mọc và nở rất chậm, từ nửa năm đến một năm thì hoa mới nở một lần. Cánh hoa phân bố đồng đều và đồng tâm, hoa đa phần là lưỡng tính, nở vào cả sáng và tối tuỳ theo loài. Đường kính hoa xương rồng khoảng 5–30 cm, hoa của loài này cũng rất đẹp với nhiều màu sắc khác nhau, nhưng ít khi nở. Do đó, nếu xương rồng nở hoa, đó không chỉ là dấu hiệu báo điềm lành sắp đến. Hoa xương rồng còn là kết tinh của biết bao nỗ lực cố gắng, là niềm hạnh phúc lớn lao, hay cũng là biểu tượng của tình yêu rực lửa, mãnh liệt. Nguyên nhân xương rồng có thể sống được ở sa mạc Chắc rằng bạn cũng có thể đã biết hàng ngày cây cối đều phải hấp thụ nước mới có thể sống được, trong đó có một lượng nước thoát ra từ những lỗ nhỏ trên mặt lá. Nước ở sa mạc rất hiếm, thường không có sông và suối, sự sống nơi đây rất hiếm hoi và không đa dạng như ở những nơi khác do có rất ít động vật và thực vật có thể thích nghi với môi trường khắc nghiệt này, chỉ có những cây bộ gai, họ xương rồng sống được ở điều kiện khô cằn, ít nước. Loài xương rồng lại sống được trên sa mạc nhờ chúng có thân mọng nước nhằm dự trữ nước cho cây, cũng có các rãnh chạy dọc chiều dài thân giúp chuyển nước mưa, nước sương thành một dòng xuống rễ, chống chịu được điều kiện khô hạn, thân cây màu xanh, lùn mập là do sự tiến hóa và thích nghi lâu dài với sa mạc. Rễ cây thường đâm sâu vào lòng đất để tìm mạch nước ngầm và hệ thống rễ nông, tỏa ra trên phạm vi rộng gần sát mặt đất để giúp xương rồng có thể hấp thụ nước tối đa từ những con mưa nhỏ thật quý giá. Đặc biệt, cây xương rồng khó tìm được nước uống ở nơi có khí hậu khắc nghiệp, nóng bức như sa mạc nên lá của chúng theo thời gian đã tiêu biến thành những chiếc gai nhọn hoắc nhằm giảm quá trình thoát hơi nước của cây vì nếu nó còn ra lá nữa thì nó sẽ bị chết khô mất thôi. Do vậy, để thích nghi với môi trường sống ở sa mạc, qua nhiều năm tháng, lá cây xương rồng dần dần đã biến thành hình dạng bây giờ như chúng ta thấy. Vậy là nước hầu như không thoát đi đâu được cả, cây không sợ gì về tình trạng khô hạn của sa mạc, vẫn có thể sống được ở đó hết đời này sang kiếp khác. Những đặc điểm ấy đã giúp loài xương rồng của chúng ta có khả năng sống ở nơi khô hạn, đồng thời sức sống mãnh liệt của xương rồng được xếp vào hàng đầu, đó chính là ý nghĩa của loài cây này. Nó tượng trưng cho ý chí mạnh mẽ, sự kiên cường vượt qua nghịch cảnh, không chịu khuất phục và thay đổi để sinh tồn. Hơn nữa, trong tình yêu, cây xương rồng thể hiện cho tình yêu chung thủy và vĩnh cửu hoặc là lời yêu thầm kín còn đang giấu trong lòng. @tientien1701