Khi còn nhỏ, trong những bức tranh, hầu như mọi đứa bé đều vẽ ông mặt trời màu đỏ hoặc vàng. Khi lớn lên, bạn có bao giờ thắc mắc về điều này không? Rốt cuộc mặt trời có màu gì? Hãy cùng mình tìm hiểu nhé. Mặt trời có màu gì? Khi được hỏi câu này, đa số người sẽ trả lời là mặt trời có màu vàng. Thế nhưng đây không phải là một đáp án đúng. Mặt trời thật sự có màu trắng. Tại sao nắng có màu vàng? Vậy nếu mặt trời có màu trắng thì tại sao ánh nắng – các tia sáng bắt nguồn từ mặt trời mà chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường lại có màu vàng? Thực chất trong ánh sáng mặt trời không phải là một màu ánh sáng đơn lẻ, mà là sự kết hợp của quang phổ phát xạ của tất cả các nguyên tố trong ngôi sao bao gồm đỏ, cam, vàng, xanh, lam, tím và xanh lá cây. Những màu này kết hợp với nhau tạo thành màu trắng – chính là màu của mặt trời như đã nói ở trên. Khi những tia sáng này chiếu xuống trái đất thì phải đi qua bầu khí quyển của trái đất, chúng sẽ bị gián đoạn bởi các hạt khí. Chính bầu khí quyển này đã làm ánh sáng của mặt trời chuyển thành màu vàng, và hầu hết ánh sáng từ các ngôi sao khác cũng biến chuyển như vậy. Khí quyển đã bẻ cong ánh sáng, tạo ra hiệu ứng tán xạ Rayleigh. Theo bách khoa toàn thư Wikipedia, hiệu ứng tán xạ Rayleigh (được gọi tên theo nhà vật lý Lord Rayleigh) là một loại tán xạ ánh sáng (hay sóng điện từ nói chung) bởi các hạt hay các vùng không đồng nhất trong môi trường có kích thước nhỏ hơn rất nhiều so với bước sóng của ánh sáng. Kiểu tán xạ này làm lệch hướng mạnh các tia sáng có bước sóng ngắn. Có nghĩa là tia sáng có bước sóng càng ngắn thì tán xạ càng mạnh, trong khi ánh sáng bước sóng dài thì tán xạ ít hơn. Hay nói dễ hiểu hơn, phần lớn những ánh sáng có bước sóng ngắn bị các phân tử khí hấp thụ. Những tia sáng màu xanh bị hấp thụ sau đó sẽ phát xạ ra nhiều hướng, rải rác khắp bầu trời. Đây chính là lý do vì sao bạn thấy bầu trời có màu xanh và ánh nắng rực rỡ màu đỏ lúc chiều tà. Cụ thể hơn, ta có bảng màu bước sóng ánh sáng như sau: Ánh sáng màu cam hay đỏ hoặc vàng có bước sóng dài hơn nên ít bị khí quyển tán xạ hơn nên khu vực màu đó được biểu diễn nhiều nhất. Đó là lí do mà chúng ta thường thấy ánh nắng từ mặt trời chiếu xuống có màu vàng. Tương tự, khi mặt trời di chuyển về phía đường chân trời lúc bình minh hay hoàng hôn, ánh sáng xuyên qua bầu khí quyền càng nhiều hơn. Điều này có nghĩa là càng nhiều ánh sáng bước sóng ngắn hơn được tán xạ đi làm cho mặt trời có vẻ đỏ hơn vào thời điểm mặt trời ở đường chân trời đó. Cho nên nếu ta nhìn thẳng vào mặt trời mà không có sự ảnh hưởng của bầu khí quyển thì bạn sẽ thấy được mặt trời màu trắng, ít nhất là trước khi bạn nhắm mắt vì nó quá chói chang. Tuy nhiên, dù các nhà khoa học đã nói về điều này, khá nhiều người vẫn tin rằng mặt trời có màu vàng hoặc cam như họ nhìn thấy từ những tia nắng. Đó chỉ là thói quen mà thôi. Kết luận cuối cùng, mặt trời thật sự có màu trắng. Nếu được ra ngoài vũ trụ một lần thì bạn sẽ được chiêm ngưỡng mặt trời màu trắng chứ không phải vàng nhé. Bối cảnh mặt trời vàng óng trong phim hoạt hình cũng chỉ để tạo màu sắc cho tuổi thơ thôi! Một số câu hỏi liên quan Làm sao để nhìn rõ các bước sóng ánh sáng và màu thật của mặt trời? Muốn nhìn rõ các bước sóng màu này, bạn có thể sử dụng lăng kính để quan sát. Đó là cách đơn giản nhất. Hoặc nếu bạn có điều kiện để quan sát mặt trời từ Trạm vũ trụ quốc tế thì sẽ càng nhìn rõ màu sắc thực của mặt trời hơn nhé. Tại sao hình ảnh mặt trời chụp từ ảnh của NASA hay bất cứ kính thiên văn nào lại có màu vàng? Nếu bạn xem ảnh mặt trời của NASA hoặc ảnh chụp từ bất kỳ kính thiên văn nào, bạn thường đang xem một hình ảnh màu sai. Thông thường, màu được chọn cho hình ảnh là màu vàng vì nó quen thuộc. Đôi khi, ảnh chụp qua bộ lọc màu xanh lá cây vẫn được giữ nguyên vì mắt người nhạy cảm nhất với ánh sáng xanh lục và có thể dễ dàng phân biệt chi tiết. Trên đây là một số kiến thức hay, hi vọng có thể giúp ích cho các bạn. Cảm ơn vì đã đọc.