Trường từ vựng là gì? Ví dụ và bài tập về trường từ vựng I. Trường từ vựng là gì? Trường từ vựng là tập hợp của những từ có ít nhất một nét chung về nghĩa. (Ngữ Văn 8, tập một, NXB Giáo dục) II. Lưu ý và ví dụ về trường từ vựng a) Một trường từ vựng có thể bao gồm nhiều trường từ vựng nhỏ hơn . Ví dụ: Trường từ vựng "con người" có những trường từ vựng nhỏ hơn sau: - Bộ phận cơ thể người: Tay, chân, mắt, mũi, miệng.. - Hoạt động con người: Học, ăn, ngủ, chơi.. - Tính cách: Hiền lành, tốt bụng, mưu mô.. - Ngoại hình: Xấu xí, xinh đẹp, dễ thương.. Trong trường từ vựng "hoạt động con người" lại có những trường từ vựng nhỏ hơn sau: - Hoạt động tay chân: Đá, đấm, chạy, đi.. - Hoạt động trí tuệ: Học bài, suy nghĩ, tính nhẩm.. b) Một trường từ vựng có thể bao gồm những từ khác nhau về từ loại. Ví dụ 1: Trường từ vựng về tay - Hoạt động của tay: Cầm, nắm, cắt, vung, xé, kéo.. - Cấu tạo của tay: Khuỷu tay, cổ tay, bàn tay, ngón tay.. - Đặc điểm miêu tả tay: Dài, ngắn, to, nhỏ, thon, rắn chắc.. - > Có các động từ (cầm, nắm) ; các danh từ như (cổ tay, ngón tay) các tính từ như (thon, rắn chắc) . Ví dụ 2: Trường từ vựng về sách - Thể loại sách: Tiểu thuyết, truyện ngắn, tự truyện.. - Hoạt động với sách: Đọc, viết.. - > Có các động từ (đọc, viết) ; các danh từ (tiểu thuyết, tự truyện) c) Do hiện tượng nhiều nghĩa, một từ có thể thuộc nhiều trường từ vựng khác nhau. Ví dụ 1: Từ "Đá" - Trường hoạt động của chân (cùng trường với đi, chạy, đạp, nhảy.. ) - Trường vật thể trong tự nhiên (cùng trường với cây, cỏ, hoa, hồ, sông, núi.. ) - Trường trại thái của nước (cùng trường với bay hơi, ngưng tụ.. ) * Chú giải: Từ "đá" trong "băng đá" - hiện tượng nước đóng băng khi gặp lạnh) Ví dụ 2: Từ "Đỗ" - Trường thực phẩm (cùng trường với cơm, ngô, khoai, bí, cà, sắn.. ) - Trường kết quả đánh giá (cùng trường với trượt, rớt.. ) d) Hiện tượng chuyển trường từ vựng Ví dụ 1: Tôi không ngờ Dế Choắt nói với tôi một câu như thế này: - Thôi, tôi ốm yếu quá rồi, chết cũng được. Nhưng trước khi nhắm mắt, tôi khuyên anh: Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy. Thế rồi Dế Choắt tắt thở. Tôi thương lắm. Vừa thương vừa ăn năn tội mình. (Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí) Trong đoạn văn trên, tác giả đã chuyển các từ in đậm từ trường từ vựng "con người" sang trường từ vựng "con vật" để nhân hóa. Ví dụ 2: Ruộng rẫy là chiến trường, Cuốc cày là vũ khí, Nhà nông là chiến sĩ, Hậu phương thi đua với tiền phương. (Hồ Chí Minh) Trong đoạn thơ trên, tác giả đã chuyển các từ in đậm từ trường từ vựng "quân sự" sang trường từ vựng "nông nghiệp".