Những người trẻ rời khỏi quê hương lên thành lập nghiệp thường ở lại vài năm, thậm chí cả đời nơi đất thành sau khi tốt nghiệp bởi họ tìm thấy cách mưu sinh và cuộc sống an ổn của mình ở đó. Mình cũng thế. Mình thường trở về quê trong những dịp lễ tết, gặp họ hàng gần xa mà có thể cả năm cũng chưa gặp được và nghe những câu hỏi thường trực: Khi còn học đại học, mình sẽ nghe những câu đại loại như: "con đã tốt nghiệp chưa?" "Con học năm mấy rồi?" "Khi nào thì con học xong?" "Con học ngành gì?" "Ra trường làm ở đâu?" Khi đã đi làm, mình sẽ nghe dạng câu hỏi khác như: "Tháng làm lương bao nhiêu?" "Con làm ngành gì?" "Có bồ hay ghệ gì chưa?" "Bao giờ con lấy chồng?" "Tuổi này mà chưa quen ai hết à?" "Bạn bè đồng tuổi con đã có vợ, có chồng, có con hai đứa hết rồi kìa khi nào con định lấy chồng?" * * * Và mình phải trả lời những câu hỏi ấy mỗi năm nhiều lần, cùng một câu trả lời cho cùng một người, hẳn nếu bạn là mình, bạn sẽ thấy phiền. Mặc dù đó không phải là câu hỏi ác ý nhưng tận tâm khảm của những người con xa xứ, bạn có thể hy vọng nhận được nhiều câu hỏi "quan trọng" hơn thế, mới mẻ hơn thế. Ban đầu mình rất phiền hà, đôi khi lại có ác cảm, thế nhưng, bỗng dưng mình muốn nghĩ sâu xa hơn thế kiểu như vì nguyên do gì mà mỗi lần gặp mình, người thân mình chỉ có thể hỏi như thế? Và gặp những người cháu khác, họ vẫn hỏi như thế? Thế là mình hiểu ra một chuyện: Cre: Facebook Bạn trẻ à, những người thân của bạn không hiểu gì về cuộc sống của bạn ở chốn đô thị cả, họ có thể hỏi điều gì mới lạ hơn chứ? Sâu xa hơn từ những câu hỏi thường trực và có vẻ vô bổ với chúng ta như thế là sự quan tâm mà những người thân thực sự dành cho bạn, họ muốn giao tiếp tiếp với bạn, muốn trò chuyện và nhìn thấy sắc thái trên gương mặt bạn, thế nhưng họ không biết hỏi gì . Mình đã thử ngẫm hoàn cảnh thế này, mình ở chốn thị thành nhiều năm, mỗi ngày làm việc, trò chuyện, tiếp xúc những câu chuyện gì, điều gì đã thay đổi quan niệm và cuộc sống của mình, những chuyến du lịch tràn ngập niềm vui, những chương trình thiện nguyện ý nghĩa, công việc khó khăn hay thuận lợi.. tất cả những điều này hoàn toàn cách xa cuộc sống ở chốn thôn quê. Nó cách xa hàng trăm cây số với những người thân yêu của mình. Đổi ngược lại, mình đã hỏi được gì đâu để thể hiện sự quan tâm của mình với gia đình hay họ hàng ngoài việc hỏi về con cái họ, công việc hiện tại của họ vì mỗi ngày họ trải qua ra sao, mình không tài nào biết được. Thế mới nói, cuộc sống như ở hai thế giới khác nhau ấy tưởng chừng như xa lạ nhưng xa lạ thật! Nếu không có những năm tháng tuổi thơ ở quê hương có thể mình và họ đã không có mối liên kết nào cả. Điều họ còn có thể ghi nhớ và hiểu rõ về mình là mười mấy năm mình còn sinh sống ở đó. Mình bướng bỉnh ra sao, hay chơi bời ở đâu, thích gây chuyện như thế nào, học hành ra sao, bạn bè là những ai, có suy nghĩ trẻ con như thế nào.. tất cả những gì họ biết về mình chỉ dừng lại ở năm mình 15, 16 tuổi. Thế thì, những năm sau này, họ đã biết điều gì nữa đâu? Những con người tưởng chừng như thân thuộc, ruột rà với nhau những không có bất kỳ hiểu biết chung nào nữa, không có bất kỳ sự gắn kết nào nữa ngoài quan hệ họ hàng ruột thịt, bạn nghĩ, họ có thể hỏi điều gì khác nữa? Vệt nắng cuối trời Thời mình trẻ trung hơn (giờ cũng chưa già lắm) cách nay một hai năm thôi, mình đã cáu gắt và khó chịu vì không ai ở đó thực sự hiểu mình cả. Họ sẽ chật lưỡi khi biết mình đi uống ly cafe 30 mấy nghìn, sẽ hít hà khi biết mình uống ly trà sữa 50 mấy nghìn, sẽ bật ngửa khi biết mình sắm chai nước hoa cả triệu, và không hề chấp nhận khi mình có quả đầu ngắn ngủn như con trai thế kia. Mình khó chịu, thậm chí chẳng muốn trở về vì cho rằng sự trở lại của mình chỉ được đón nhận bằng những lời chỉ trích của những người hoàn toàn không có khái niệm nào về cuộc sống riêng của mình. Thế nhưng, những năm sau này, mình nhận ra cái tuổi trẻ ấy bồng bột, non dại và ích kỷ thế nào. Mình đã biết gì về họ đâu chứ? Ngoài câu chào và nụ cười thường trực trên môi, mình đã hiểu họ trôi qua cuộc sống thế nào đâu. Mình đâu hiểu cả ngày mà tiêu đến 50 nghìn đã là nhiều với họ, mình đâu biết họ phải mất bao lâu và bao nhiêu công sức để kiếm ra một triệu, mình đâu hiểu ly cafe mắc nhất ở đó chỉ có 15 nghìn, và họ đã thấy ai có mái tóc ngắn củn cỡn như mình ngoài hình ảnh của diễn viên, nghệ sĩ nước ngoài trên tivi đâu. Cuộc sống của họ không cho phép họ hiểu về cuộc sống của mình. Với tất cả những nhận thức này, mình đã có cái nhìn bao dung và chia sẻ hơn, trái tim cũng ngập tràn ấm áp hơn khi nghe những câu hỏi đơn giản và thường trực như thế. Mình đã vui lòng trả lời đi trả lời lại những câu hỏi của họ cho đến khi có đề tài chung khác về gia đình. Mình hiểu, họ yêu mình, rất yêu mình và luôn sẵn sàng bênh vực mình dù chẳng biết câu chuyện xảy ra thế nào, không hề biết cuộc sống của mình ra sao. Bao nhiêu đó là đủ. Có những lúc sẵn lòng, mình đã chia sẻ với họ cuộc sống ở thành thị thông qua cái nhìn của mình, kể họ nghe những điều thú vị mà mình biết được, mọi người cởi mở hơn, câu chuyện lại dài thêm đôi chút. Bạn đã làm gì để câu chuyện của mình và người thân dài hơn chưa?