Nói về văn chương viết về xã hội Trung Quốc vào những năm cuối thời kỳ phong kiến và nhen nhóm mầm mống của một cuộc cách mạng, hai tác giả khiến người ta ấn tượng mạnh nhất ắt hẳn là Lỗ Tấn và Pearl S. Buck. Một bức tranh, một khung cảnh dưới góc nhìn khác nhau giữa đàn ông và phụ nữ, giữa niềm yêu và sự căm hận. Lỗ Tấn vốn tên thật là Chu Chương Thọ, sinh năm 1881. Cha ông là Chu Bá Nghi đỗ tú tài nhưng không được ra làm quan, bị bệnh mất sớm. Mẹ của ông tên là Lỗ Thụy. Họ mẹ ông được ông lấy làm bút danh trong các áng văn chương của mình. Cuộc đời Lỗ Tấn quả thực là một chuỗi bi kịch, từ cuộc hôn nhân không nguyện ý khi phải cưới một người vợ mà mãi đêm tân hôn mới biết mặt, đã lớn hơn ông 3 tuổi lại hình dạng xấu xí ma chê quỷ hờn và mù chữ; cho tới sự rạn nứt tình cảm với người em mình hằng yêu quý. Chính vì vậy mà Lỗ Tấn có ác cảm với xã hội, bi quan với hiện tại, và thường công kích các thói hư tật xấu của người đời bằng giọng văn châm biếm cay nghiệt. Pearl Sydenstricker Buck nhỏ hơn Lỗ Tấn 11 tuổi, tức bà sinh năm 1892. Bà là nữ nhà văn Mỹ đoạt giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu (quyển The Good Earth – Đất lành) năm 1932 và giải Nobel Văn học năm 1938 vì các tác phẩm mô tả đời sống nông thôn Trung Hoa một cách phong phú và xác thực. Đa phần thời gian trong cuộc đời, bà sinh sống và làm việc tại Trung Quốc. Chính vì vậy mà từ nhỏ và suốt cả cuộc đời bà luôn luôn yêu mến và thích tìm hiểu cuộc sống của người dân đất nước này. Nếu như Lỗ Tấn vẽ nên một bức tranh về xã hội tăm tối, không lối thoát, tựa như ánh đèn dầu leo lắt trong đêm thì bà Buck lại vẽ về nó với một gam màu sáng hơn, tựa như đêm trăng. Cuộc sống của các nhân vật của bà cũng có những bất công, những muộn phiền và xã hội mà họ sống trong ấy vẫn còn nhiều bất cập, nhiều làn tư tưởng đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa hủ lậu và tân thời. Nhưng trong đêm trăng, họ vẫn thấy đâu đó con đường riêng cho mình. Lỗ Tấn khiến người ta cảm thấy bức xúc hơn, muốn làm cách mạng ngay từng con chữ thì bà Buck khiến đọc giả như muốn hóa thân vào từng người từng người một trong câu chuyện của bà, muốn được chứng kiến cái thần thái tao nhã, cảm nhận được tầm nhìn thời đại của bà Vũ trong Yêu muộn hay cái cần cù và nhạy bén của vợ chồng Vương Long trong Đất Lành. Cả hai hòa quyện lại thành một thứ gì đó thật sự lôi cuốn, khi mà từng trang sách cứ được lật tiếp liên hồi.. - Hạ Lam-