Vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ qua: Rừng xà nu và Những đứa con trong gia đ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi p.uynuyn, 17 Tháng hai 2021.

  1. p.uynuyn Phương Vũ An

    Bài viết:
    3
    Đề bài: Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ qua hai truyện ngắn "Rừng xà nu" (Nguyễn Trung Thành) và "Những đứa con trong gia đình" (Nguyễn Thi)

    Bài viết​

    Trấn Thành nói: "Dạy phụ nữ hi sinh là điều tàn nhẫn nhất trên đời này." Nhưng người phụ nữ Việt Nam chúng ta, từ xưa đến nay, chưa từng có một thế hệ nào dừng lại hai chữ "hi sinh", họ luôn luôn hi sinh và họ sẵn sàng để hi sinh. Thời bình, họ hi sinh tuổi trẻ, sức lực, ước mơ để chăm sóc cho tổ ấm nhỏ của họ. Thời chiến, người phụ nữ buông bỏ nhiều điều để cùng đồng bào ra chiến trường chiến đấu, bởi "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh" . Thế nên ta mới nói người phụ nữ Việt Nam họ đẹp, đẹp vì chính những nét trong tâm hồn. Đặc biêt khi kháng chiến chống Mĩ, vẻ đẹp này cũng chưa bao giờ lụi tắt mà luôn sáng rõ, luôn là cảm hứng của những nhà văn, nhà thơ. Tiểu biểu cho vẻ đẹp của người phụ nữ thời chống Mĩ đã được thể hiện cụ thể qua "Rừng xà nu" của nhà văn Nguyễn Trung Thành và "Những đứa con trong gia đình" của nhà văn Nguyễn Thi.

    Khi đất nước chìm trong những niềm đau thương, người phụ nữ đã cùng đất nước chịu chung số phận khổ đau. Khi đất nước đứng lên chiến đấu, họ cũng đứng lên, không kém phần quả cảm, cùng đất nước xông pha cả hai mặt trận là tiền tuyến và hậu phương. Trong "Rừng xà nu", Nguyễn Trung Thành sáng tác năm 1965, khi đế quốc Mĩ ồ ạt đổ quân vào tấn công miền Nam nước ta, tác phẩm kể về những người anh hùng ở làng Xô Man trong cuộc kháng chiến đấu tranh chống lại quân thù. "Rừng xà nu" là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn của văn học Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975. Và người phụ nữ được ông khắc họa trong tác phẩm là Mai và Dít, mà tiêu biểu là Mai. Nhân vật Mai được thể hiện qua vài nét miêu tả và chi tiết, nhưng chính một vài chi tiết đó đã làm ánh lên vẻ đẹp của một người con gái Tây Nguyên, một nét đẹp của người phụ nữ. Còn trong tác phẩm"Những đứa con trong gia đình" của Nguyễn Thi được ông viết ngay trong những ngày chiến đấu ác liệt với quân thù. Hình ảnh người phụ nữ được ông thể hiện là người phụ nữ "giỏi việc nước, đảm việc nhà", trong thời chiến, những người phụ nữ tưởng như mềm yếu này họ anh dũng, họ kiên cường chiến đấu, nhưng đối với gia đình họ vẫn giữ được nét đảm đang, nhân hậu mà tiêu biểu là qua hình ảnh chị Chiến.

    Nhân vật Mai không trực tiếp thể hiện mà được nhắc đến thông qua lời kể của cụ Mết nhưng đâu đó nhân vật vẫn làm nổi bật lên được những phẩm chất trong vẻ đẹp của người phụ nữ Tây Nguyên. Mai cùng Tnú từ nhỏ được dân làng Xô Man nuôi lớn, được tiếp nhận những tư tưởng tích cực về cách mạng, về Đảng. Thế nên từ lúc còn là một đứa trẻ, Mai đã có lòng can đảm, cùng Tnú thay lớp người già, lớp thanh niên nuôi giấu cán bộ trong rừng, dẫu cho bọn chúng đã cảnh cáo bằng cách treo cổ anh Xút"lên cây vả đầu làng", bà Nhan "bị chặt đầu cột tóc treo đầu súng". Mặc cho sự đáng sợ, man rợ của quân thù, Mai vẫn cùng Tnú đi nuôi giấu cán bộ, là hai đứa trẻ "hăng nhất", khi T nú đi rẫy thì Mai đi với cán bộ, khi Mai bận trông con Dít thì Tnú đi thay, có khi cả hai cùng đi, ở lại luôn ngoài rừng ban đêm vì sợ xảy ra gì với cán bộ. Mai là một cô bé mà ngay từ lúc nhỏ đã thể hiện được những nét gan dạ, gan lì của mình, không sợ hãi trước những răn đe của bọn giặc. Lớn lên, Mai và Tnú trở thành vợ chồng, có với nhau một đứa con mà ai cũng bảo nó giống Tnú lạ lùng. Thế nhưng con còn chưa được một tháng, đợt ấy, "tin làng Xô Man mài giáo đến tai bọn giặc ở đồn Đắc Hà", chúng nó bèn đến làng Xô Man và đóng quân ở làng hòng muốn bắt được Tnú để cảnh cáo cả làng. Chúng dùng đến ngón đòn cuối cùng là Mai và đứa con. Nhưng một lần nữa, Mai lại thể hiện được những vẻ đẹp của mình. Một sự gan lì đến kinh ngạc, mặc kệ cho bọn giặc hỏi gì Mai chỉ"xốc lại đứa con trên lưng, ngửng đôi mắt rất lớn" nhìn kẻ thù. Khi bị tra tấn, lần đầu tiên, Mai"thét lên một tiếng" rồi "vội tháo tấm địu" lật đứa con xuống bụng và hứng chịu ngọn roi giáng xuống tấm lưng. Rồi lần hai, lần ba và những lần tra tấn tiếp nối, chúng nó đánh vào ngực, Mai lật đứa con ra sau, chúng nó giáng cây sắt xuống lưng chị mang con ra phía trước và chị không thét nữa, mãi cho đến lúc chị ra đi vì sự tra tấn tàn nhẫn đó. Nhưng sự im lặng của chị trước đòn roi như một cách thể hiện nét tính cách con người chị. Sự im lặng đó là sự chấp nhận hi sinh để bảo vệ chồng mình, bảo vệ đám thanh niên, bảo vệ những người làm cách mạng của làng. Sự im lặng đó còn như cách thể hiện với kẻ thù rằng chị sẽ không chịu khuất phục. Tất cả những phẩm chất của Mai đều sáng rõ đến khi Mai ra đi, Mai gan dạ, dũng cảm, từ nhỏ đã yêu cách mạng, cố gắng học chữ, lớn lên Mai thương chồng thương con, tình yêu với cách mạng vẫn cháy trong tim Mai, chị vẫn cố gắng bảo vệ lấy người khác mặc kệ roi đòn đang cứ lần lượt giáng xuống người mình. Mai sáng lên với hình ảnh của một người con gái Tây Nguyên gan lì, dũng cảm từ thuở còn bé thơ và hi sinh vì sự nghiệp lớn của làng, quyết không chịu khuất phục trước kẻ thù tàn bạo, xấu xa.

    Đến với tác phẩm"Những đứa con trong gia đình" của Nguyễn Trung Thành, chị Chiến được tái hiện lại qua những hồi ức của Việt về ngày trước, lúc chưa đi bộ đội. Chị Chiến trong hồi ức của Việt chỉ mới đôi mươi nhưng cái tuổi đôi mươi ấy lại làm sáng đẹp lên nét tâm hồn chị, người con gái vừa yêu nước vừa yêu gia đình. Với nét ngoại hình mang đậm dáng vẻ người Nam Bộ, "hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng", chị vốn khỏe khoắn, "người to và chắc nịch", chị như một đại diện cho những người phụ nữ mạnh mẽ, yêu nước ở miền Nam. Chiến vốn lớn hơn Việt một tuổi nhưng cũng chỉ mới mười chín, chị đã trang đi bộ đội với em, muốn đi trước và bảo Việt ở nhà sang năm hẵng đi. Thậm chí trong đêm mít tinh để ghi tên thanh niên đi tòng quân, "cả hai chị em Việt giành nhau chạy lên" . Đâu đó trong tính cách chị, Chiến vẫn còn có một chút sự trẻ con, vô tư, muốn tranh với em việc bắt ếch, tranh công bắn tàu giặc, tranh đi tòng quân. Nhưng ở đó lại chính là tấm lòng của Chiến, một tấm lòng yêu nước, mong được ra đi để trả thù nhà nợ nước. Thù nhà vì ba má của hai chị em đều chết trong chiến tranh, ba bị chặt đầu, má Chiến chết khi đi lấy đầu đạn làm thuốc súng cho du kích, nợ nước vì những tang thương mà chiến tranh, vì kẻ thù mang lại, chị muốn góp phần công sức vào để sớm có ngày hòa bình lập lại. Chị còn nói: "Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à." Câu nói ngỡ như nhẹ nhàng, dễ nói nhưng thực chất lại chứa đựng rất nhiều tâm tư của Chiến, càng làm đậm nét lòng quyết tâm vì một đất nước thanh bình của chị. Không phải chỉ có con trai mới có thể dũng cảm, gan dạ ra chiến trường, mà những người con gái họ cũng dám đương đầu với phong ba. Ngoài ra Chiến còn là người con gái đảm đang việc nhà, sắp xếp ổn thỏa mọi việc. Trước khi cùng em đi bộ đội, mọi chuyện nhà đã được cô xếp đặt đâu vào đó, tỉ mỉ, chu đáo, "nói nghe thiệt gọn" khiến cho chú Năm cũng phải có chút sững sờ, khiến Việt cảm thấy chị cứ giống má. Nhà thì"cho các anh ở xã mượn mở trường học", có con nít học ê a thì chúng nó "quét dọn cho", có cả thằng Út "cũng học ở đây" . Còn "giường ván cũng cho xã mượn làm ghế học", những vật dụng trong nhà thì mang sang gửi chú Năm, năm công ruộng thì trao lại chi bộ"cho các cô bác khác mần" . Mọi việc chị đều tính toán kĩ càng đâu ra đó rồi hỏi ý kiến em mình. Đến bàn thờ má, chị cũng tính sẵn, hỏi xem em có ừ không để mang sang gửi nhà chú Năm. Mọi thứ chị đều rõ ràng, xếp thiệt gọn. Đúng như cách mà Nguyễn Thi xây dựng hình tượng, những người con gái xung phong ra tiền tuyến không chỉ giỏi giang việc nước thôi mà việc nhà họ vẫn đảm đang, làm tốt cả hai bên. Chị Chiến mang đến những nét đẹp đặc trưng của người phụ nữ thời bình, việc nhà đâu ra đó, tính toán kĩ lưỡng, rõ ràng nhưng cũng mang theo nét đẹp của người phụ nữ thời chiến, chị dũng cảm, gan dạ, sẵn sàng hi sinh vì một đất nước hòa bình.

    Cả Mai và Chiến đều đại diện cho lớp người phụ nữ dũng cảm, yêu nước trong thời kháng chiến chống Mĩ với những vẻ đẹp đến từ tâm hồn. Nếu như Mai là người con gái mạnh mẽ vùng Tây Nguyên, cứng rắn trước kẻ thù nhưng Mai vẫn chưa nhận thức đủ chân lí cách mạng mà sau này cụ Mết mới nói là: "Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo", Mai chỉ có thể chịu đựng đòn roi của kẻ thù để bảo vệ làng mình. Còn chị Chiến, lớn lên trong thời kì chiến tranh đang diễn ra khốc liệt ở Nam Bộ nên chị ý thức được rõ mình cần làm gì để trả thù nhà nợ nước, ý thức được "nếu giặc còn thì tao mất" . Thế nhưng cả hai người con gái này đều giống nhau ở nhiều điểm, đều là sự tiêu biểu cho nét đẹp người phụ nữ thời kì chống Mĩ. Họ đều là những cô gái trẻ tuổi mang một tình yêu lớn với cách mạng, với quê hương, đất nước. Họ có sự quyết tâm, sự gai góc, quyết không chịu khuất phục trước kẻ thù. Họ còn là những người vợ, người mẹ, người chị yêu thương gia đình mình, đảm đang tháo vát. Mai đến hơi thở cuối cùng vẫn cố bảo vệ chồng và con, chị Chiến thì thu xếp việc nhà đâu ra đó, thương ba má đã chết vì chiến tranh mà quyết ra đi để trả mối thù này, thương đứa em trai của mình mà tranh đi bộ đội trước với Việt âu cũng vì sợ em chịu khổ. Họ bản lĩnh, gan dạ, dũng cảm, mang những nét đặc trưng của con gái Việt Nam, khi hòa bình họ là những người phụ nữ đảm đang, tháo vát, khi thời chiến, "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh" . Phụ nữ Việt Nam dù trong thời đại nào, chịu đựng số phận nào, thân phận nào ta đều thấy được những tia sáng ấm áp từ vẻ đẹp của tâm hồn họ. Đây là nét đẹp của người phụ nữ Việt, đặc biệt là trong thời kháng chiến chống Mỹ.

    Cả hai nhân vật mà Nguyễn Trung Thành và Nguyễn Thi mang đến đều có nét tương đồng và khác biệt nhưng chung quy cả hai đều là hình tượng tiêu biểu cho lớp phụ nữ Việt Nam thời chống Mĩ. Họ dũng cảm, họ bản lĩnh, họ xứng đáng với tám chữ mà Bác Hồ dành tặng cho phụ nữ Việt Nam chúng ta: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Phụ nữ Việt Nam là thế, trong bất kì thời đại nào, họ đều mang những nét tâm hồn đẹp đẽ, họ luôn hi sinh vì cái chung của gia đình, của đất nước. Mà qua đó ta phải thêm sự trân trọng, yêu thương chính những người phụ nữ tuyệt vời này.
     
    Fal LuciferTHG Nguyen thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...