Trước sự đổi mới của xã hội sự hội nhập thế giới đã làm thay đổi hướng đi của mọi hoạt động trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực văn học. Trong những năm đầu thập kỷ thứ 3 của thế kỷ trước xuất hiện một dòng thơ thuộc khuynh hướng lãng mạn. Đó là Thơ mới hay còn gọi là Thơ mới lãng mạn. Thơ mới đã mở ra một thời đại trong thi ca, mở đầu cho sự phát triển của thơ ca VN hiện đại mà mỗi nhà thơ trong phong trào này đều mang trong mình một hồn thơ riêng biệt. Chất riêng của họ đã tạo nên sự thắng thế cho thơ mới. Khi nói về thơ mới không thể bỏ qua một áng thơ man mác buồn của nhà thơ Huy Cận-một nhà thơ với nỗi sầu cho suốt một thời kì rất buồn và cũng rất xôn xao. Cái nhìn trước kia của Huy Cận về cuộc đời là một cái nhìn buồn vì ông thấy được những nỗi chia ly, tạm biệt, sự ngăn cách giữa con người với con người.. Nhưng cái "buồn" trong thơ Huy Cận không phải duy nhất bởi trước khi ông đặt những bước chân đầu tiên mang "nỗi buồn" đặc trưng của mình vào thi đàn đã có Tản Đà, Trần Tuấn Khải, Đông Hồ "cất lên" những tiếng buồn tha thiết và não ruột. Tuy nhiên, với một phong cách đặc trưng không hòa lẫn vào nét chữ hay ngòi bút của ai khác, Huy Cận biến "nỗi buồn" trong thơ của mình thành một nét đặc biệt, rất riêng. Đấy là bao nỗi niềm cùng những khát khao, hay sự bâng khuâng, thương nhớ, giận hờn và đâu đó là bóng dáng quê hương trong những khúc sông cong, ngã ba sông nước bốn bề, tiếng gà gáy trên đê.. Cảm hứng trong thơ Huy Cận thật khác, không nồng cháy "tha thiết rạo rực băn khoăn" như thơ Xuân Diệu. Đổi lại trên từng trang viết của Huy Cận mang một nỗi niềm u hoài, một hồn thơ thâm trầm lặng lẽ giữa vũ trụ bao la mà hoang vắng đơn côi đến lạ. Nhà thơ dấn mình vào thế giới Tây phương âm thầm mà bộc bạch nỗi lòng một cách chân thật. Tự bao giờ chôn sâu trong cõi lòng ấy là một nỗi buồn u tịch xa xăm, cổ kính, ông than thân ít ỏi nhưng góp tiếng khóc với đời thì nhiều. Thơ ông là nỗi buồn nhân thế bao la, những cảm nhận về một thời xưa cũ trong lịch sử dân tộc, con người. Nhà thơ Xuân Diệu đã tinh tế cảm nhận và đặc biệt đề cao các đặc tính hương vị - màu sắc - cảm giác của hồn thơ, phong cách thơ Huy Cận: ".. Thơ ông không lộng lẫy, không kiều diễm, không chú nơi thanh sắc, không nở ra như những đóa hoa rực rỡ; thơ ông không khoe tươi. Thơ ông như nụ mùa xuân, như trái mùa hè, gói gắm lại, nhưng đầy căng nhựa thơm và mật ngọt. Ông không làm mê ta bằng màu sắc và âm điệu; ông có một sức quyến rũ lạ lùng hơn, khó hiểu hơn: Là mùi thơm. Thơ ông phô bày một cái gì thầm kín, rạo rực; thơ ông không phải là rượu đã rót vào chén, thơ ông là men đương lên; thơ ông không phải hoa sẵn trên cành, thơ ông là dòng nhựa đương chuyển. Ông cảm nghe sức sống, cái nao nức của cảnh vật, cái tình ý của thiên nhiên. Ông thấy đời tựa hồ như một thân thể đẹp đẽ tươi tốt, và máu đời chảy trong các mạch..". Đúng như thế, thơ Huy Cận thể hiện nỗi sầu đời yêu đời, những khát vọng vũ trụ thanh cao. Nếu thơ Xuân Diệu chịu nỗi ám ảnh nặng nề về thời gian thì những vần thơ Huy Cận thường gắn với không gian rộng lớn. Một nhà phê bình đã nhận xét: "Cái màu riêng của Huy Cận là sự" đơn chiếc "," cô độc "cho đến" chăn chiếu mục cũng nở màu vĩnh viễn ". Đi sâu vào phong cách thơ ông, ta nhận thấy một nỗi buồn thăm thẳm. Nỗi buồn bao trùm một mối sầu kim cổ. Nhưng lạ kỳ thay dù trong thơ ông chẳng có những hình ảnh khóc thương, đau buồn.. người ta vẫn có thể cảm nhận rõ ràng, chiêm nghiệm sâu sắc được nỗi buồn thời đại, trần thế và vũ trụ ấy. Đấy là sự" ảo não ", nỗi buồn hiện hữu, đan xen," vắt ngang "câu chữ trong thơ. Khi" động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận ". Có thể nói, phong cách thơ Huy Cận" gói gọn "trong chữ" buồn". Ông cô đơn một mình giữa mênh mông thời đại, cô đơn trong chính cõi lòng, trong chính sự ồn ào náo động của phong trào thơ mới, âm thầm bộc bạch một cách trung thực nhất nơi trái tim để rồi lòng không biết từ bao giờ đã bao trùm một nỗi buồn xa xăm u tịch, cổ kính mà thâm trầm sâu sắc.. Thời đại nào cũng thế, cũng cần đến sự sáng tạo và chất riêng. Đấy là điều quan trọng không thể thiếu trên bước đường văn học, sản sinh nên những đứa con tinh thần. Và trong phong trào thơ mới trải qua những khó khăn và sóng gió đã đánh dấu một bước ngoặc cho nền văn học nước nhà tiến bộ và thành công rực rỡ. Không chỉ riêng nhà thơ Huy Cận mà còn nhiều nhà thơ khác nữa cũng đã tạo nên phong cách thơ của riêng mình bằng việc để lại cho hậu thế những tác phẩm ghi dấu ấn sâu đậm đầy triết lí và tính nhân văn.